***
Có những người đến và đi qua cuộc đời ta nhẹ tênh như một cơn gió, chẳng để lại dấu vết gì, không một lý do và cũng chẳng thể biết được họ đã đi đâu. Khoác cho truyện ngắn của mình một màu sắc kỳ ảo, Thúy Nhân đã viết nên một câu chuyện cảm động với những trăn trở nghĩ suy, về duyên phận, về ý nghĩa của sự sống. Trong tuần này, mời các bạn lắng nghe truyện ngắn Nếu ngày mai em không ở lại nơi này của tác giả Thúy Nhân.
Em mở mắt ra nhìn tôi, một ánh nhìn mà trước nay tôi chưa từng thấy được. Nó thâm trầm như một người đã trải qua rất nhiều chuyện đau lòng. Đóa hoa hồng trắng bị cơn gió m5ạnh hất xuống thềm nhà.
“Anh Nam!”
Đà Lạt vào tháng 12 ngập ngụa trong sương mù, tôi chở An trên chiếc xe đạp thường ngày dùng để đi học, em chẳng nói gì cả. Những cảm giác lạ cứ trào ngược trong lòng tôi, ngay cả việc chở em ngược dốc cũng không làm tôi thấy mệt.
An khác đi rất nhiều, từ khi em tỉnh dậy cho đến giờ vẫn hay im lặng. Con bé trước kia cứ hay giành giật đồ ăn và quà bánh với tôi hình như không còn nữa, chỉ có hình dáng ấy thì vẫn còn.
Một năm trước, em cùng Ân gặp tai nạn xe. Ân mất, em hôn mê. Khi nghe tin Ân không còn em chỉ thoáng buồn, đi lại trong nhà một tuần, rồi bảo tôi chở em lên Lang Biang. Con bé này, tôi không nghĩ bây giờ lại trở nên khó nắm bắt đến như vậy.
“Em có gì không ổn à An?”. Tôi hỏi em trong cơn thở dốc vì mệt, tay nắm của xe cũng bị tôi siết chặt, cả tuần nay đã tò mò lắm rồi.
“Anh thử chết một lần đi!”. An trả lời, bàn tay khẽ siết nhẹ eo áo tôi. Chiếc xe lao vào lớp sương đã tan một phần vì mặt trời.
Em bảo tôi dừng lại ở một chỗ nhìn ra được rất xa. Rồi thuận chân, em dùng sức đá một hòn sỏi con xuống đáy vực và nhắm mắt lại.
“Thì ra là cảm giác này!”. Tôi trố mắt.
“Dù là một con người hay hòn đá rơi xuống dưới kia, thì chẳng qua chỉ là một hạt cát rơi không trọng lượng.” Dừng một chút, em nói tiếp:
“Như nhành hoa mà anh hái tặng em vào ngày em tỉnh lại, đối với anh nó là một nhành hoa. Nhưng đối với chậu hồng, nó là một phần của sự sống!” Tôi chau mày, An chưa bao giờ nói những lời này. Dù bằng tuổi tôi, nhưng so với tôi thì con bé trẻ con hơn nhiều. Nhưng nay thì…
“Em không nhớ Ân à?”. Tôi lại hỏi em, gần đây tôi tò mò hơi nhiều về em và suy nghĩ của em rồi.
“Nếu có thể cùng chết, thì có ý nghĩa hơn việc phải nhớ nhung thế này.” Em lại tiếp tục đá một hòn sỏi xuống vực rồi xoay người đi về chiếc xe đạp dựng phía trong. “Về thôi, hóng mát vậy đủ rồi!”. Tôi định bảo: “Thời tiết mùa đông ở Đà Lạt mà mát ư?”. Nuốt câu ấy vào bụng, con bé này không dễ chọc nữa đâu!
Vài ngày nữa là giỗ Ân, người yêu cũ của An, con bé chẳng đề cập đến. Cũng không thấy buồn rầu gì, ngoài giờ học chỉ đi ra đi vào chăm sóc vườn hoa hồng trắng của nó. Chỉ khác ở chỗ, ngoài tưới hoa ra, con bé ở lại rất lâu trong vườn. Tận tâm như một nghệ nhân trồng hoa thật sự. Nó không bán đi, lúc trước cũng thế, bây giờ cũng vậy. Cũng không cắt hoa vào phòng để bày cho đẹp, mà mở trực tiếp cửa sổ phòng để thông gió ra ngoài vườn. Gần đây, những chậu hoa lớn rất nhanh và cho hoa rất đều, con bé bỗng dưng rất biết cách chăm sóc.
Cô chú bên nhà cứ nghĩ nó đổi tính đổi nết, tôi lại nghĩ nó đổi cả con người. Tính tình khác đi, sở thích cũng khác luôn. Nó ít tiếp chuyện với tôi chứ đừng nói là gây rối như trước, duy chỉ có quan hệ với cha mẹ tôi là bình thường. Tôi cũng tặc lưỡi cho qua, còn có thể thế nào được.
Giỗ Ân, nó qua thắp nén nhang, nói gì đó trong miệng rồi ra về. Cái kiểu không buồn không vui này, tôi thấy khó chịu lắm. Tôi coi nó như em gái, à lúc trước vì nó nghịch quá nên cũng chẳng muốn thừa nhận luôn. Còn bây giờ nó khiến tôi lưu tâm mọi lúc, đến khổ.
Tôi sợ nó bị trầm cảm, đề nghị cô chú đưa vào Sài Gòn kiểm tra, nó gật đầu. Rồi khăn gói đi lại khăn gói về, nó chẳng bệnh gì, bác sĩ bảo chỉ là tính tình nó thế thôi. Thế là thế nào? Lúc trước nó hoạt bát bao nhiêu, bây giờ lại trầm tính bấy nhiêu? Nhưng tôi có phải bác sĩ đâu, nói làm quái gì được.
Tôi chở nó đi học như thường ngày, vẫn đoạn đường đó, con người đó. Nhưng trách nhiệm nặng hơn rất nhiều. Tôi sắp tốt nghiệp rồi, nó thì phải học lại một năm. Cũng không nghe than vãn gì, lỗ tai tôi được yên tĩnh đến mức khó chịu.
“Em định đứng đây đến bao giờ?”. Tôi hỏi An khi em lại đứng ngây người nhìn vườn hoa của mình. Em quay mặt lại cười với tôi, một nụ cười xán lạn.
“Em thấy chính mình, đứng đến gãy chân cũng không chán!”.
“Em lại kì lạ rồi đó, ai lại ví mình như hoa chứ!” Tôi bật cười nói. An xị mặt đáp:
“Ừ, thì đúng nó có nở có tàn, nhưng nó thuần khiết mà anh, không thuộc về ai cả, không phải thích ai hết, chỉ thuộc về bản thân nó thôi!”
An đúng, con người chỉ thuần khiết khi không thuộc về bất cứ ai. An của tôi cũng thế, cảm giác rất gần gũi nhưng lại không chân thực mấy. Tôi bắt đầu thích nụ cười này, dù trước kia con bé vẫn hay mè nheo đủ kiểu nhưng tôi lại thấy bình thường. Đúng là hiếm sinh ra quý thật.
Một năm đi đi lại lại giữa hồi ức cũ và mới, tôi và An đã chẳng còn nhớ nữa những chuyện vui buồn và cảm giác về năm tháng trước. Tôi chấp nhận một An thật mới trong cuộc sống của mình, An cũng dần thân thiết với tôi hơn. Em nói tôi nghe những suy nghĩ có phần quái đản của mình, khi tôi tỏ ra không hiểu thì em sẽ giải thích. Chúng tôi đi vào không gian của đối phương một cách tự nhiên, An của ngày đó đã mờ nhạt rất nhiều trong trí nhớ của tôi. Thứ đọng lại bây giờ chỉ còn là nụ cười của em, tuy không phát ra tiếng nhưng giòn tan vị nắng.
Tôi học đại học tại Đà Lạt, cái mùi lạnh này tôi không tài nào bỏ được. Như không cách nào bỏ được hình ảnh của em ra khỏi đầu mình. Hôm trước em có dạy tôi cách trồng hoa, tôi vụng về học, vụng về va chạm vào thứ cảm giác trước nay chưa từng có. Tôi từng tâm niệm một điều, tình yêu chỉ là gia vị. Có thì đậm đà, không có thì nhạt nhẽo. Chuyện tình cảm của bản thân, tôi cũng chẳng mấy để tâm. Nhưng hiện giờ tôi lại để tâm vào em. Nhưng hình như em vờ như không biết gì cả, đủ quan tâm nhưng xa cách vô cùng. Cứ vậy, mà cạnh nhau.
Em vào năm cuối cấp 3 không vất vã như tôi tưởng, sức học tốt dần lên mà không cần ai kèm cặp. Lúc trước, An vừa lười, vừa không nhanh nhạy lắm. Tôi tiếp tục mặc kệ sự đổi khác của em. Việc em tốt lên chẳng phải là điều mà ai cũng mong muốn hay sao?
***
Ngày giỗ Ân, 2 năm cũng qua rồi, em chọn một cây sen đá ra đặt trước mộ thằng bạn xấu số. Em lặng nín tiếng thở dài nhưng tôi cũng kịp nhận ra:
“Đời người lại có thể ngắn như vậy anh ạ! Có kẻ nửa sống nửa chết, có người lại chẳng còn thở được nữa!”.
Tôi day trán:
“Lại sao đấy? Cứ thích triết lí như bà cụ non. Anh nghe chẳng hiểu gì đâu!”.
Em liếc tôi, rồi lấy cù chỏ tay húc vào hông tôi một cái:
“Tại anh không thông minh đấy thôi!”. Tôi chẳng thèm cãi em. Ít nhất thì chúng tôi cũng có lúc thân thiết như vậy.
Đi bộ xuống đồi, tôi hỏi An:
“Rốt cuộc thì tại sao hai đứa lại gặp tai nạn?” Em nhíu mày, không nhìn tôi. Lại đi một đoạn dài, bỗng em dừng lại không bước nữa. Tôi quay lại, mở to mắt thay lời thắc mắc:
“Em…không nhớ nữa!”. An ngập ngừng như vậy, mà đã phải suy nghĩ rất lâu, chứng tỏ có gì đó không ổn. Mà em đã muốn giấu, tôi cũng không tiếp tục hỏi làm gì.
***
Mùa đông năm nay lạnh hơn mọi năm, rất nhiều hoa màu gặp tình trạng sương giá mà thất thu rõ rệt. An trở nên trầm tư và đứng lặng người lâu hơn trước vườn hoa hồng trắng. Một vài chậu đã héo rũ và úa vàng. Tôi cũng không biết làm cách nào để em vui hơn, chúng cứ mạng sống của em vậy.
Em trở nên ít cười hơn, cô chú bên nhà cũng lo lắng không chừng. Họ cũng là nông dân bình thường, nên việc thời tiết trở lạnh đi làm một phần năng suất giảm xuống. Không khí gia đình căng thẳng đi rất nhiều.
Tôi rủ em đốt lửa nướng khoai mật, mùi thơm nồng nặc của đồ ăn luôn làm con gái vui vẻ hơn, trên google bảo thế. Em không thích son phấn hay quần áo thì ẩm thực là lựa chọn cuối cùng rồi còn gì. Tôi dụi nhánh cây ướt vào đống than, nhỏ giọng gọi em.
“An này!”
“Gì hả?”
“Nếu chúng mình là một cặp thì sao nhỉ?”
Em không nhanh không chậm nhìn tôi, một vài giây thôi mà làm tim tôi như rớt ra ngoài. Em với tay giật nhánh cây trên tay tôi, cao giọng mà rõ ràng, như trời sinh khả năng đài từ của những diễn viên truyền hình.
“Anh lại khéo đùa, mà đùa chẳng vui đâu, em còn đang lo lắm!”
Cái này có được tính là tỏ tình thất bại không? Tôi mơ hồ thấy thất vọng nhưng không biểu hiện ra ngoài. Em bẻ nửa củ khoai nóng hổi đưa cho tôi, bảo:
“Biết mơ mộng là tốt, nhưng đừng mơ những thứ không có thực như vậy. Đối với em, thà là không có, chứ có rồi lại mất đi cũng vậy à!”
An, em rốt cuộc đang nghĩ gì trong đầu vậy?
***
Đài báo nhiệt độ có thể còn tiếp tục hạ, tôi cảm giác mình sắp chết đến nơi nếu rời khỏi chăn. Hai ngày rồi tôi không gặp An, cũng chẳng xa xôi gì mà nhắn tin, gọi điện. Hôm nay đã là ngày thứ 3 rồi, nếu không rời khỏi giường tôi sẽ mọc gai ở xương sống mất. Xỏ dép đi xuống bếp, mẹ tôi đang làm cơm, thấy tôi lẹp xẹp đi vào nhà tắm, mẹ gọi với theo.
“Sáng này mẹ nghe cô Hạnh bảo cái An ốm nằm mê man ở nhà ấy, con tranh thủ qua thăm tí nhé!”
Tôi tỉnh ngủ hẳn, bệnh ư? An thường chịu lạnh rất tốt mà! Tôi nhanh chóng thay đồ rồi chạy sang nhà An. Cô Hạnh đang ngồi trong phòng khách rầu rĩ, thấy tôi vào, cô cũng không nói gì. Chỉ hướng ánh mắt vào phòng An, ý nói em đang nằm trong đó.
Tôi đi vào, căn phòng này tôi đã vào rất nhiều lần, ánh mặt trời luôn rọi khắp mọi ngóc ngách nơi đây, hương hoa hồng cũng ngào ngạt và dịu dàng. Hôm nay trời không nắng, những chậu hoa hồng bị sương giá làm chết hơn phân nửa. Lạnh ngắt cả không gian, lạnh ngắt như bàn tay An bây giờ.
Tôi chợt nhớ đến cái ngày mà em tỉnh lại, cũng là một ngày mùa đông nhưng ấm áp hơn bây giờ rất nhiều. Tôi nhớ cơn gió mạnh làm cành hoa hồng trắng rơi xuống đất ngày ấy. Và, tôi nhìn An. Em nằm yên đó, thở đều nhưng không tỉnh. Em lại ngủ rồi, một giấc ngủ làm người ta thấy đau lòng.
Cửa sổ lúc nào cũng mở, gió lúc nào cũng hiu hắt qua màn, lúc mạnh lúc nhẹ. Chiếc bút em đặt ngang quyển tập lần nữa rơi xuống đất như một sự trùng hợp. Là hoa hay là bút, đều là những thứ khiến con người ta giật mình tỉnh mộng. Tôi tiến lại giường, kéo góc chăn của em lên cao. Rồi lật mở từng trang một của quyển sổ dày.
“Ngày … tháng … năm”
Em mở mắt và nhìn thấy thế giới, em nhìn thấy chàng trai nhà bên cạnh chị An. Gọi một tiếng “anh Nam” như người câm lần đầu được mở miệng nói cười thành tiếng. Anh ấy nhìn em rất lâu, có một chút kinh ngạc và sợ hãi. Nhưng không sao, mọi thứ sẽ tốt dần lên.
“Ngày … tháng … năm”
Anh hỏi em về Ân, về lí do em và Ân gặp tai nạn. Làm sao em biết được, em có phải là An đâu. Em chỉ có thể trả lời anh là không nhớ. Chỉ có lí do ấy là hợp lí thôi. Em thấy anh cau mày, chắc anh không tin. Anh thông minh hơn em nghĩ rất nhiều.
“Ngày… tháng … năm”
Anh lại hỏi em nhưng câu này em có thể trả lời được, chúng ta không thể là một cặp. Vì em sắp sửa phải đi rồi. Linh hồn của cỏ cây sắp bị mùa đông làm tiêu tán, từng cánh hoa em chắc chiu để duy trì sự sống của chính mình đã tàn lụi tần. Em lại rất muốn hỏi anh “Nếu ngày mai em rời khỏi nơi này, anh có thể nhớ em không?”. Không quan trọng là bao lâu, chỉ cần anh có thể nhớ.
Có thể An sẽ trở lại, cô ấy vì Ân mà sống tiếp. Còn em, vốn dĩ được sống một cuộc đời của con người đã là phần phước. Xong vai trò của một kẻ thế thân, phải đi thôi.
An à, một mai tỉnh dậy, chị có thể lại là em không?”
***
Tôi lặng người, cảm giác trái tim như không còn có thể đau hơn được nữa. Tôi quay trở lại giường, ôm An vào lòng mà như không thể ôm được. Người con gái mang khí chất của hoa hồng đã đi rất xa, chỉ còn lại mùi hương yếu dần trong gió. An… à không! Tôi còn không biết em tên gì? Nỗi đau như vỡ đập, tràn vào lòng tê tái.
Người ta kể chuyện về mùa đông, những cái siết tay ấm áp giữa rừng thông gọi gió. Tôi không biết kể chuyện gì về người con gái này, tôi cũng không biết em đã đi đâu. Có thế giới nào cho những linh hồn của loài hoa hay không? Rồi ở nơi ấy em có nhớ đến tôi hay không?
Nghe người ta nói, mỗi sinh linh khi chết đi, sẽ đi qua cầu Nại Hà, uống bát canh của Mạnh Bà mà quên sạch những vấn vương của kiếp này. Em không mang dáng hình của con người, hẳn là sẽ quên tôi, quên sạch sẽ.
Con người ta sợ chết cũng chỉ vì sợ sẽ bị lãng quên mất, tôi còn sống ở đây. Lồng ngực cảm nhận được hơi thở của An, mà lại sợ ở một nơi nào đó mình không còn được nhớ tới.
Tôi đặt An nằm xuống, đi ra vườn hoa phía ngoài. Từng cơn gió lạnh tạt vào người đến rung rẩy. Những chậu hoa cuối cùng cũng úa hết. Bất lực nhìn khoảng trời màu xanh phía xa, nắng vàng yếu ớt quá đỗi.
Tôi bước vào phòng lần nữa, vuốt lại góc chăn cho An. Lấy quyển sổ đi, có nhiều chuyện chỉ nên để riêng mình biết. Tôi không chắc An có nhớ được gì khi tỉnh lại, riêng tôi mong em đừng nhớ gì cả.
An được đưa trở lại bệnh viện, ống thở, dây điện tim chằng chịt trên thân thể của một người vốn khỏe mạnh, như tình trạng của em hai năm trước. Tôi nhớ em từng nói: “Đời người lại có thể ngắn như vậy anh ạ! Có kẻ nửa sống nửa chết, có người lại chẳng còn thở được nữa!”. Cái người nửa sống nửa chết đấy chính là em, tôi dường như hiểu được những câu nói có phần tự sự ấy. Em đang kể chuyện của em, tôi thì lại ngu ngơ không hay biết gì.
Một tuần trôi đi, nhiệt độ cũng ấm dần lên, sương giá tan hết, bỏ lại sau lưng một Đà Lạt mơ màng. An tỉnh lại, lần này mới đúng là An. Khi mọi người đi hết, An kéo tôi lại bảo rằng: “Em ấy không có tên, anh cũng có thể đặt tên cho em ấy mà!”
Tôi kinh ngạc nhìn An, em nhớ hết tất cả mọi chuyện. Tôi hỏi em:
“Thế em đã ở đâu hai năm nay?”. Em cười, nhưng nụ cười không đến mắt:
“Em vẫn ở đây thôi, nhưng em ngủ anh ạ, có lúc em đã định ngủ luôn theo Ân. Nhưng thời gian qua dần, cái gì thuộc về tạm bợ cũng nên buông bỏ, cái gì nên quên thì cũng quên được rồi!”.
An bảo tôi trả lại cho em quyển nhật kí đó, rồi khẽ xoay người nằm xuống giường:
“Em ấy bảo anh phải nhớ, nhưng không nói là nhớ đến suốt đời. Nếu không quá sâu đậm, cũng đừng để mình buồn quá lâu.”
Tôi về, nắng rớt trên vai. Ghé cửa hàng hoa mua một chậu hồng trắng. Thân ảnh có thể quên, nhưng mùi hương thì làm sao quên. Còn nữa, tôi sẽ chẳng đặt tên cho em, tên còn có thể phai nhạt, nhưng nụ cười xán lạn đó, sẽ vẫn ở đây thôi.
An là An, còn em là em. Tôi biết mình cần phải làm gì.
© Thúy Nhân – blogradio.vn
Giọng đọc: Hằng Nga, Tuấn Anh
Thực hiện: Hằng Nga
Minh họa: Hằng Nga