Bạn thân mến! Trong một nốt trầm nào đó của cuộc sống, chúng ta thường mơ về hạnh phúc ở nơi nào đó xa xôi, tự thấy mình bất hạnh hơn người khác, tự nghĩ suy, tự làm mình buồn. Nhưng đối với người khác, chỉ cần hôm nay được sống, được hít thở, được tiếp tục học hành, làm việc đã là một điều hạnh phúc. Người không biết coi trọng sự sống thì cuộc sống đối với họ như một cực hình. Người khát khao được sống thì cuộc sống đối với họ như một món quà vô giá.
Trong chương trình của tuần này, mời bạn lắng nghe truyện ngắn về hai người bạn chung một phòng bệnh, cùng mắc bệnh hiểm nghèo, cùng đấu tranh để giành giật sự sống và cùng mang trong mình những ước mơ nhỏ bé. Truyện ngắn Bên khung cửa sổ được gửi đến từ tác giả Hứa Hiểu Vy.
Truyện ngắn: Bên khung cửa sổ (Hứa Hiểu Vy)
Chiều xuân, dư âm của cơn mưa vừa dứt làm không khí như cô đặc lại. Tôi cảm nhận được tiếng gió lùa khe khẽ qua từng vòm cây. Mẹ đứng bên mép giường, nhẹ nhàng kéo chăn đắp ngay ngắn cho tôi rồi quay lại nói chuyện với người bác sĩ . Ông đang cúi đầu ghi vào bệnh án tình hình của tôi. Tiếng nói chuyện rất khẽ nhưng vẫn đủ để tôi nghe thấy. Những từ như: "phẫu thuật", "tỉ lệ thành công", "điều kiện sức khỏe",... từng chữ, từng chữ như một mũi kim cắm vào trái tim vốn đã kiệt sức của tôi. Tôi vờ nhắm mắt lại, trốn tránh ánh mắt lo lắng của mẹ, bàn tay nắm chặt chiếc chăn trắng toát còn vương mùi thuốc khử trùng. Ngay dưới lớp chăn mỏng manh này, tôi có thể nghe thấy tiếng đập yếu ớt của con tim mình. Con tim đã quá mệt mỏi và chai lì với những cơn đau...
Một lát sau. Tiếng nói chuyện, tiếng mở cửa, khép cửa không còn. Tôi từ từ mở mắt ra. Không gian như chìm vào tĩnh lặng. Có lẽ, chỉ im lặng với chính tôi. Khi những âm thanh từ bên ngoài vẫn nối tiếp nhau không ngừng nghỉ.
Gượng ngồi dậy, tôi với tay kéo nhẹ rèm cửa sổ. Trời chiều không nắng, những đám mây đen vẫn còn đó phía chân trời. Lạnh lẽo, u ám như lòng tôi lúc này. Ngoài khung cửa sổ, cành bằng lăng khẳng khiu vươn ra từ cây hoa mọc bên hông căn phòng nhẹ rung trong gió chiều. Tiếng cây cựa mình, tiếng tí tách rơi của những giọt nước còn đọng lại chầm chậm đi vào tai tôi, nhẹ nhàng.
- Cậu có biết, tớ đang mong ước điều gì không?
Tôi quay đầu lại, nhìn người bạn giường bên đang chăm chú ngắm cành bằng lăng ngoài khung cửa sổ. Cậu ấy tên Trang, bằng tuổi tôi. Và giống như tôi, cậu bị bệnh tim và nằm đây chờ đến ngày phẫu thuật.Chúng tôi là bạn từ ngày tôi chuyển vào phòng này cách đây hơn một tuần. Không cần quá nhiều thời gian để làm quen. Đơn giản vì chúng tôi giống nhau, đều phải chịu những cơn đau như xé toạc lồng ngực hành hạ. Hơn tất cả, tôi và cậu sẻ chia với nhau niềm vui, nỗi buồn của hai kẻ chênh vênh giữa sự sống và cái chết. Về hành trang mình chuẩn bị cho chuyến đi xa xôi bí ẩn nhất của cuộc đời.
Trang hay cười, hay nói. Dường như bệnh tật không ngăn cản được niềm yêu đời của cậu ấy. Ngược lại, tôi thì khác. Cảm giác cuộc đời không đủ thân thiện để chào đón mình làm tôi chán ghét tất cả. Vậy nên dù Trang hay nói, căn phòng vẫn thường chìm trong yên lặng. Bởi người nghe duy nhất là tôi luôn nhắm mắt lại, giả vờ ngủ, nhưng chưa bao giờ có thể tìm thấy một giấc ngủ bình yên khi nỗi ám ảnh cái chết ngày càng lớn dần. Dù thầm biết số phận đã được sắp đặt nhưng thật khó để chấp nhận.
Chiều nay, lần dầu tiên ánh mắt Trang trầm tư như vậy. Không lẽ, cậu ấy bắt đầu sợ hãi như tôi chăng?
- Tớ đang mong...được nhìn thấy cành bằng lăng ấy nở hoa. - Trang chậm rãi nói. Nét mặt thanh thản đến lạ kì.
Tôi nhìn cành bằng lăng nhiều lá. Bây giờ mới đang là mùa xuân.
- Không lâu đâu. Có lẽ, cậu chỉ cần chờ hai tháng nữa thôi. - Tôi khẽ nói.
Trang mỉm cười. Rồi cậu chạm tay vào chiếc loa nhỏ đặt trên đầu giường, chiếc loa cậu bảo mẹ mang đến cho mình tuần trước. Tiếng nhạc vang lên, lất át tiếng nói chyện, tiếng xe chở thuốc đẩy qua đẩy lại ngoài hành lang. Tôi nhắm mắt, cảm nhận bản nhạc không lời bằng mọi giác quan. Người ta bảo, cảm nhận âm nhạc bằng trái tim là điều tuyệt vời nhất. Có lẽ, điều may mắn nhất tôi có được là con tim, dù chỉ vài ngày nữa thôi, con tim này phải thay bằng một con tim khác. Có lẽ, nên chuẩn bị tâm lí cho tất cả.
Bản nhạc không lời vừa đến hồi kết. Cảm giác tim mình lại bắt đầu nhói lên. Tôi mở mắt, lấy tay ghì chặt lồng ngực. Đã trải qua bao nhiêu lần nhưng cảm giác đau vẫn nguyên vẹn như ngày nào. Trước mắt tôi, mọi thứ bắt đầu tối dần. Trang vội vàng đưa bàn tay gầy nhấn chuông gọi bác sĩ tới. Chiếc kim truyền dịch tuột ra khỏi tay cậu, vẫn kịp thấy một vệt máu nhỏ chảy ra từ vết thương.
Cảm giác kim tiêm đâm tay vào như kiến cắn . Tôi nằm nghiêng nhìn ngón tay bác sĩ đẩy pittong, dòng chất lỏng từ từ đi vào từng mạch máu. Tôi nhắm mắt, cơn đau dịu dần nhưng vô cùng âm ỉ. Khi kim tiêm rút ra, cảm giác cũng giống như khi găm vào. Tiếng bác sĩ rì rầm nói chuyện với mẹ tôi:
- Tình hình này, tôi sợ cháu không đủ sức khỏe làm phẫu thuật.
- Vậy phải làm sao đây bác sĩ?
- Tôi nghĩ, chắc là cháu lo lắng quá thôi. Chị nên thường xuyên động viên cháu.
- Vậy...nếu phẫu thuật thì khả năng sống là bao nhiêu ạ? - Giọng mẹ tôi nghẹn ngào, hình như mẹ đang khóc.
- Nếu bây giờ, có lẽ là 50 - 50! Nhưng nếu cháu có niềm tin, có khát vọng sống thì hy vọng sẽ cao hơn rất nhiều.
Tiếng nói chuyện nhỏ dần, nhỏ dần rồi mất hẳn. Trước khi nhắm mắt lại, tôi nhìn sang giường bên, chiếc kim truyền dịch đã được gắn lại vào tay Trang cẩn thận. Như vậy là ổn rồi. Tôi tự nhủ, rồi thiếp đi.
Buổi sáng, căn phòng không tĩnh lặng như mọi ngày. Tiếng chim hót líu lo trong vòm lá. Tiếng xe thuốc đẩy qua đẩy lại ngoài hành lang. Tiếng dòng xe vội vã qua lại trên con đường lộ phía xa. Tiếng người, tiếng còi xe như hòa lẫn vào nhau tạo nên thứ tạp âm nghe thật tuyệt vọng vì cảm giác mình không đủ sức lực để chen lấn.
Mẹ đã đi ra ngoài. Trong phòng chỉ còn lại ba người. Tôi, Trang và mẹ cậu ấy. Trang và mẹ cậu đang thì thầm khe khẽ. Thỉnh thoảng, lại nghe tiếng thở dài, không biết là của ai.Tôi quay người, chăm chú nhìn bác ấy dùng khăn ướt lau mặt cho Trang. Gương mặt cậu nhợt nhạt, đôi má gầy gò và đôi môi tím ngắt. Nếu nhìn tôi tiều tụy, thì cậu ấy còn tiều tụy hơn rất nhiều. Bất chợt, tôi thấy thương cậu. Rồi tự cười khi thấy mình cũng chẳng khá hơn cậu chú nào để mà thương. Một lúc sau, mẹ cậu đi ra ngoài , căn phòng chỉ còn hai đứa nằm song song bên nhau.
- Sắp đến ngày phẫu thuật rồi, cậu có sợ không? - Tôi hỏi.
Một nụ cười xuất hiện trên bờ môi tim tím.
- Tớ không. Vì tớ tin rằng, may mắn vẫn tồn tại đâu đây. Còn cậu thì sao?
- Tớ...sợ!
Trang nhìn tôi hồi lâu. Rồi ngước mắt nhìn lên trần nhà mà không nói câu nào. Có lẽ cậu hiểu, sẽ chẳng có lời an ủi nào trấn an được nỗi sợ xuất phát từ con tim.
Không gian lại chìm trong yên lặng. Tôi cảm nhận rõ dòng chất lỏng lành lạnh đang chảy vào tay mình. Bên khung cửa sổ, vạt nắng ấm áp của bình minh xuyên qua tấm rèm mỏng, hắt lên hai chiếc giường màu trắng, hai con người trong bộ quần áo bệnh nhân màu trắng, Bốn bức tường cũng chỉ một màu trắng. Tôi chợt nhận ra, có lẽ, màu trắng là màu tuyệt vọng nhất.
Ngày phẫu thuật ngày một đến gần. Cành bằng lăng ngoài cửa sổ vẫn xanh màu lá. Không biết bao giờ sẽ nở hoa. Tôi và Trang, liệu có ai chờ được đến ngày nhìn thấy bông hoa đầu tiên hé nở. Khi những cơn đau ngày càng nhiều, khi những viên thuốc dường như không còn tác dụng. Và những lần hôn mê sâu tưởng chừng không bao giờ tỉnh. Vậy mà, tôi vẫn tỉnh lại. Phải chăng may mắn vẫn tồn tại đâu đây như lời Trang đã nói. Nhưng, tôi vẫn sợ. Khi bao nhiêu ước mơ và hoài bão của cô gái mới lớn mãi mãi nằm lại trong phòng phẫu thuật. Cuộc đời, rồi sẽ đi về đâu?
Chiều xuân lại buông, ánh hoàng hôn màu cam tắt dần bên khung cửa sổ. Tiếng xe cấp cứu vọng lại từ dưới sân như xuyên thẳng vào không gian tĩnh lặng. Tiếng người đi lại ngoài hành lang, tiếng bánh xe đẩy thuốc ma sát trên sàn nhà vẫn nghe rõ mồn một dù bị ngăn cánh bởi cánh cửa. Tất cả hòa lẫn vào nhau tạo nên âm thanh nghe buồn buồn.
Bữa cơm chiều mua vội dưới canteen vẫn đơn giản như mọi ngày. Tôi cảm thấy miệng mình đắng ngắt, chỉ ăn được vài miếng cho mẹ yên tâm rồi nằm trở lại giường. Ở giường bên, Trang cũng không ăn được bao nhiêu. Có lẽ, chúng tôi đều hiểu được mọi thứ đang ngày càng tồi tệ.
Nắng đã không còn, cảnh vật chìm dần vào bóng đêm. Tôi nhắm mắt lại, chợt thấy lòng mình xa vắng. Một cảm giác luôn đi bên tôi từ ngày phải nhập viện. Cái cảm giác sợ hãi những tháng ngày sắp tới, lại vừa tiếc nuối những tháng ngày đã qua. Khoảnh khắc tôi đang sống, dường như không còn chút ý nghĩa.
Giọng Trang vang lên, chầm chậm và buồn hoang hoải:
- Trước đây, khi còn đến trường mỗi ngày. Tớ chỉ mong được nghỉ dài hạn. Giờ đây, không thể đi học nữa. Tớ lại thấy nhớ trường lớp vô cùng.
- Tớ cũng nhớ!
Tôi cười buồn, miên man nghĩ về thầy cô, bạn bè, nghĩ về những bài giảng khó hiểu nhưng mang đậm ý nghĩa. Dòng kí ức như cuốn phim quay chậm cứ thế ùa về làm khóe mắt tôi cay. Có lẽ người ta nói đúng, khi nắm mọi thứ trong tay, ta chẳng thấy được giá trị của nó. Chỉ khi mất dần tất cả, ta mới biết nó có ý nghĩa như thế nào. Và liệu có ai, có được cơ hội lần thứ hai sau khi hiểu được điều đó?
Trang kể cho tôi nghe vể Hoàng Đăng, cậu bạn cùng lớp cậu ấy thầm yêu từ lâu lắm. Chỉ tiếc là, cậu chưa kịp nói ra tình cảm của mình cậu đã phải nhập viện vì bệnh tim phát tác. Nhiều lúc cô đơn. Trang định gọi điện cho cậu ấy nhưng lại thôi vì sợ làm phiền cậu, sợ làm cậu phải lo lắng. Đôi khi, người ta yêu nhau lại tìm cách trốn tránh nhau như hai kẻ xa lạ. Và tôi hiểu cảm giác yêu mà không thể nói ra, thực sự rất khó chịu. Nhưng biết sao khi Trang lựa chọn cách im lặng, và mỗi ngày được nhìn thấy người mình yêu thôi cũng đủ làm cậu hạnh phúc đến lạ thường. Chợt nghĩ về mối tình năm tôi mười sáu, lòng tôi chạnh buồn. Khi cả hai chỉ có thể đi cùng nhau đoạn đường quá ngắn.
- Còn cậu? Cậu có ước mơ, hay việc gì chưa làm được không? - Trang hỏi, kéo tôi ra khỏi dòng kí ức những ngày xưa cũ.
- Tớ hả? - Tôi suy nghĩ một lát rồi nói: Tớ ước một ngày được đặt chân lên Đà Lạt, được đắm mình trong ánh hoàng hôn nhạt nhòa giữa đồi thông.
Trang mỉm cười, nụ cười dường như luôn thường trực trên bờ môi nhỏ xinh, nhưng tím ngắt.
- Cậu có tâm hồn lãng mạn quá nhỉ!
- Tớ xem đó là một lời khen! - Tôi đáp.
Chúng tôi cùng cười. Hồi lâu, Trang nói tiếp:
- Có lẽ, mỗi chúng ta ai cũng có những mơ ước, những dự định trong tương lai. Giá mà...ngày mai, ta vẫn sống, để có thể tự mình thực hiện nó.
Không gian trong giây lát trở về trong yên lặng. Những vì sao cô đơn nhấp nháy yếu ớt giữa nền tròi. Hơn ai hết, chúng tôi biết cánh cửa tương lai đang nằm sau một vật cản rất lớn: ngày phẫu thuật thay tim. Có lẽ nên hi vọng, có lẽ nên mỉm cười để tìm lại bình yên trong bộn bề lo lắng.
- Hứa với tớ, nếu chỉ một trong hai chúng ta có thể sống, thì hãy giúp người kia thực hiện tâm nguyện của họ. Được không? - Trang nhẹ nhàng, giọng nói đầy tuyệt vọng.
Tôi nhắm mắt, không bao giờ tôi muốn điều đó xảy ra. Nhưng nếu cuộc đời thực sự tàn nhẫn như vậy. Dù không nói ra, thì Trang vẫn sẽ hiểu, tôi đồng ý.
Trước ngày phẫu thuật hai ngày là ngày Trang tròn mười tám tuổi, lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời con người. Và lần sinh nhật này phải thật hoành tráng để đánh dấu sự trưởng thành của họ. Nhưng sinh nhật của Trang thì khác. Đó là một sinh nhật tổ chức ở căn phòng ngập tràn mùi thuốc sát trùng, không được mặc quần áo đẹp, không có hoa, không có quà và không có những lời chúc mừng như bao sinh nhật mười tám tuổi khác. Chỉ có chiếc bánh kem nho nhỏ, mười tám cây nến đang le lói cháy. Và căn phòng chỉ vẻn vẹn bốn người. Tôi, cậu và hai người mẹ. Biết làm sao khi chúng tôi là dân tỉnh lẻ lên thành phố để điều trị, không có người thân, không có bạn bè. Xung quanh nhìn đâu cũng toàn những con người xa lạ. Có lẽ, chúng tôi nên học cách chấp nhận.
Tôi và cậu ngồi trên giường, cùng nhau hát bài Happy Birthday. Trước khi thổi nến, cậu nhắm nghiền mắt lại, chắp tay ước một điều gì đó. Cậu mở mắt ra, tôi liền cười hỏi:
- Cậu ước điều gì thế?
Trang không ngần ngại đáp:
- Tớ ước, tớ với cậu phẫu thuật thành công. Tớ ước, một ngày nào đó tớ với cậu được ra viện, cùng nhau sống tiếp những tháng ngày còn lại.
Cậu nói hết câu, tôi liền cảm thấy khóe mi mình ươn ướt. Mẹ tôi và mẹ cậu cũng vội quay mặt đi vì không kìm được nước mắt. Những điều thực sự đơn giản với mọi người nhưng với chúng tôi, đó là cả một ước mơ.
Tôi tặng cậu một hộp quà mà tôi nhờ mẹ chuẩn bị giúp. Trong hộp quà là một hộp sao giấy tôi tự gấp trong những ngày phải nghỉ học vì bệnh tim phát tác trước đây. Người ta hay gấp sếu để cầu may mắn, còn tôi thì gấp sao. Nhưng ý nghĩa tượng trưng vẫn là như vậy. Giờ đây, tôi tặng cậu tất cả may mắn ấy. Có thể, cậu mới là người thực hiện tâm nguyện của tôi.
- Như vậy là ba điều ước rồi, cậu tham lam quá đấy! - Tôi cười nói. Như muốn làm bầu không khí vui trở lại.
Trang liền cười trừ. Mẹ tôi và mẹ cậu cũng mỉm cười.
Đó là một trong những ngày cuối cùng của mùa xuân.
***
Ngày phẫu thuật.
Tôi và Trang được nằm lên hai chiếc giường khác. Hai chiếc giường bắt đầu lăn bánh, bác sĩ đẩy chúng tôi ra khỏi phòng bệnh. Mẹ tôi và mẹ cậu theo sau, ánh mắt ngập tràn nỗi lo lắng xen lẫn sợ hãi. Trang quay sang nhìn tôi, nụ cười yếu ớt nhưng tràn đầy hi vọng. Tôi cũng cười. Chúng tôi nắm chặt tay nhau. Nhắm mắt lại, cảm giác như sắp chìm xuống đáy đại dương. Có lẽ thuốc mê đang dần phát huy tác dụng. Dần dần, tôi thiếp đi. 50 - 50, sự sống và cái chết. Chúng tôi, thuộc về nửa nào...
Một ngày mùa hạ, tôi tỉnh lại. Những âm thanh buổi chiều ở bệnh viện vẫn quen thuộc như thế. Mẹ mừng rỡ chạy đi gọi bác sĩ. Còn lại một mình, tôi đưa mắt nhìn ra khung cửa sổ. Cành bằng lăng...đã nở hoa. Một chú chim đậu xuống cành cây, chùm hoa màu tím chao nghiêng trong nắng chiều. Tôi quay người nhìn sang chiếc giường bên cạnh. Chăn gối được xếp gọn gàng. Tấm ca trải giường màu trắng lạnh băng. Tôi thấy sợ, màu trắng, luôn là màu của tuyệt vọng.
Bác sĩ kiểm tra cho tôi. Sau đó quay lại nói với mẹ đang lo lắng đứng ở phía sau. Bác sĩ càng nói, nụ cười trên môi mẹ càng tươi hơn. Trước khi bác sĩ rời khỏi phòng, mẹ tôi rối rít cảm ơn. Còn tôi, chẳng còn tâm trí quan tâm nội dung cuộc đối thoại là gì.
- Trang được xuất viện rồi à mẹ? - Tôi hỏi, khi mẹ ngồi xuống mép giường và nắm chặt tay tôi, như sợ tôi biến mất.
Nhìn gương mặt thoáng buồn của mẹ, lòng tôi tràn ngập nỗi bất an. Tôi mong một cái gật đầu, nhưng rồi mẹ chỉ quàng tay ôm lấy tôi. Giọng mẹ nghẹn ngào kể cho tôi nghe. Ca phẫu thuật của Trang không thành công. Cậu...đã mất. Khi bác sĩ báo tin tôi được sống, cũng là lúc cậu ấy trút hơi thở cuối cùng.
Tôi lặng người đi. Giọt nước mắt...chẳng thể rơi.