Sau Đắng Có Ngọt (Blog Radio 841)
2023-07-24 08:45
Tác giả: Mai Anh Giọng đọc: Thắng Leo, Bạch Dương
Các bạn thân mến, khi lớn lên và bắt đầu hiểu chuyện, chúng ta mới nhận ra những trách nhiệm lớn lao của người trưởng thành. Đó là thời điểm có những điều ta muốn nhưng vạn bất đắc dĩ không thể làm. Không chỉ sống cho chính mình mà còn vì những người thân yêu bên cạnh. Phải lớn, phải trưởng thành là nhiệm vụ của đời người buộc phải vượt qua. Hành trình đó sẽ có những ngọt ngào và đắng cay, có niềm vui và nỗi buồn. Nhưng hãy cố gắng để dành dụm vị ngọt về sau để có được cái kết có hậu nhất. Sau đây mời các thính giả mến thương lắng nghe truyện ngắn “Sau đắng có ngọt” của tác giả Mai Anh qua giọng đọc của Thắng Leo và Bạch Dương.
Ông lão cạnh nhà tôi đổ bệnh rồi. Tôi cũng mới biết, vừa đi học về thì nghe mẹ bảo mang ít cháo sang, ông nội đã ở đó từ sáng. Trong trí nhớ của tôi thì ông cụ nhà bên còn khỏe hơn thằng nhóc mười mấy tuổi là tôi đây. Nhớ năm trước tôi trèo lên cây xoài nhà ông tính hái mấy quả, nào ngờ ông cụ đã đứng bên dưới từ bao giờ, chỉ đợi tôi leo xuống là cho ăn vài gậy. Tôi thấy ông cụ thì không lo lắm, dù sao ông cũng ngoài 70 rồi, sao đủ sức bắt được tôi. Thế mà không hiểu sao ông cụ tóm được tôi thật, tóm được rồi còn đánh tôi mấy cái. Tôi uất ức lắm, tôi biết là tôi sai nhưng sao ông cụ lại khỏe thế, chạy còn nhanh hơn cả tôi. Mẹ nghe được thì cười:
- Ngày xưa ông Tân là bộ đội, từng ra chiến trường đấy. Bây giờ ngày nào ông cũng chạy bộ tập thể dục, còn con suốt ngày chỉ biết ăn với ngủ, làm sao khỏe bằng ông được.
Tôi nghe mẹ nói thì đành chấp nhận, từ lần đó không trèo lên cây hái xoài nữa mà lén dùng gậy chọc, ông cụ thấy thì tôi chạy trước, không để bị bắt.
Vậy mà mới hơn 1 năm, ông đã đổ bệnh. Tôi nhìn ông cụ gầy gò nằm trên giường, nếp nhăn hằn sâu trên khóe mắt, thế nào cũng không liên tưởng được đến người đã cầm gậy đuổi tôi dọc xóm năm trước. Ông nội thấy tôi mang cháo sang liền vẫy tay
- Thanh, mang cháo lại đây.
Ông cụ nghe tiếng thì mắt nhập nhòe mở ra, giọng ốm yếu
- Thằng Tường chưa về à?
Bác Tường là con trai của ông cụ, ông chỉ có một người con. Tôi nghe ông nội kể, lúc mới sinh bác Tường không lâu thì bà cụ bệnh rồi mất, ông cụ ở vậy nuôi con, đến khi bác Tường chuyển lên thành phố sống thì ông cụ ở quê một mình.
- Ông cứ ăn uống nghỉ ngơi đi, tôi bảo bố thằng Thanh gọi cho cậu Tường rồi, chắc ngày mai ngày kia là về thôi
Ông cụ không biết có nghe rõ không mà mắt vẫn cứ nhìn ra cửa, ăn được vài miếng cháo thì buồn nôn không ăn được nữa. Ông nội để ông cụ nằm xuống, vẫy tay gọi tôi ra.
- Cháu ở đây trông ông Tân, ông về nhà có chút việc.
Tôi vội vâng dạ, nghe lời ông ở lại nhìn ông cụ. Mặc dù nói là chăm sóc nhưng ông cụ ăn được một ít thì cũng không còn sức, nằm một tí đã ngủ rồi. Tôi liền chạy đi hái vài cái lá dài dài nhọn nhọn, ngồi bện đồ chơi. Vừa bện vừa nghĩ không biết bao giờ bác Tường mới về.
Thực ra nhà ông cụ rất hiếm khi có người, chỉ có dịp lễ Tết thì bác Tường mới từ nơi khác về, nhưng cũng chỉ ở từ 29 Tết đến mùng ba, mùng bốn là đã không còn ai. Thế nên ông nội thường sang nhà rủ ông cụ đi đánh cờ, mỗi lần sang ông nội đều dắt theo tôi. Tôi hồi bé rất sợ ông cụ bởi ông lúc nào cũng nghiêm mặt, ít khi nói cười, đến khi lớn hơn chút thì lại thích chơi với mấy đứa bạn, không ở nhà nên ông nội cũng không gọi tôi sang nữa.
Bây giờ nhìn lại mới thấy ông cụ sống một mình buồn thật. Tôi ở một mình vài ngày còn được, chứ vài năm, vài chục năm ở một mình trong căn nhà cũ thì chắc là không chịu nổi. Thế mà ông cụ ở được, ở với mấy con gà và vài luống rau, một mình sống chỉ để đợi vài ngày lễ tết có con cháu về quây quần. Tôi nhớ đến giao thừa năm trước, bác Tường có việc không về được, mãi 29 Tết mới gọi điện cho bố tôi nhờ báo với ông. Một mình ông cụ gói bánh chưng từ ngày 28 Tết, đến đêm 30 thì cầm sang nhà tôi, bố tôi bảo ông giữ lại ăn thì ông cười:
- Tôi cho thì anh cứ lấy, nhà anh còn có người chứ nhà tôi có ai đâu.
Cuối cùng mấy cái bánh chưng đó bố tôi vẫn nhận, còn mời ông ở lại nhưng ông lắc đầu.
- Thôi, tôi cũng già rồi, đưa bánh xong là về đi ngủ, đón giao thừa cái gì.
Tôi đứng trong phòng nhìn bóng ông cụ đi ra khỏi ngõ, dáng lưng còng xuống, lại ngó sang nhà ông, ngoại trừ bóng đèn ngoài sân thì chẳng có gì, khác hẳn với không khí đón tết vui vẻ xung quanh. Tôi nhìn mà lòng chợt buồn, tôi gãi đầu hỏi bố.
- Sao Tết rồi mà bác Tường không được nghỉ thế bố?
- Chắc là nhiều việc không về được .
- Nhưng Tết là phải về nhà chứ, cả năm chỉ có một lần thôi mà.
Bố tôi thở dài:
- Khi nào con lớn rồi thì mới hiểu được, có những việc không phải lúc nào cũng theo ý mình, có muốn cũng không làm được.
Tôi nghe bố nói thì gật vậy thôi chứ trong lòng vẫn khó chịu, sẽ có người như bố thông cảm cho những người đang vất vả kiếm tiền bên ngoài, thế còn những người già đang mòn mỏi đợi ở nhà thì phải làm sao?
Tôi nhớ rõ ông cụ đã rất vui vẻ chuẩn bị gạo, đỗ để gói bánh. Mấy hôm ông còn nhờ tôi sang dán câu đối đỏ ông mua được ở chợ. Ngôi nhà cũ hiếm khi có người lại được ông sắp xếp gọn gàng, sửa sang cẩn thận. Ấy vậy mà lại không có ai về, những thứ mà ông cụ chuẩn bị cũng chẳng có ai ngắm.
Tôi ăn thử bánh chưng ông cụ gói rồi, rất ngon, nhân bên trong đầy ắp thịt, lớp gạo bên ngoài thơm ngào ngạt. Nhưng tiếc là gia đình bác Tường không về, bánh ông gói không đến được tay người ông muốn gửi…
Đột nhiên có tiếng xe ngoài ngõ làm tôi giật mình, tôi vội chạy ra thì thấy bố tôi đang đi vào, bố thấy tôi thì bảo.
- Con về nhà đi, bảo với ông nội là bố ở đây rồi
Tôi ngó vào nhìn ông cụ vẫn đang ngủ trong nhà rồi nhỏ giọng hỏi bố
- Sao bác Tường chưa về hả bố?
- Bác còn bận việc, chưa về được. Con về đi, trẻ con đừng hỏi nhiều.
Tôi nghe bố nói vậy thì ấm ức lắm, người lớn lúc nào cũng vậy, lờ đi lời trẻ con nói, có khi họ còn lờ đi lời của người già ấy chứ. Thế nên bác Tường biết ông cụ ốm mà không chịu về, để ông một mình đợi lâu như vậy. Người lớn thật kỳ lạ, họ cố gắng chạy ra ngoài làm việc, đến lúc họ cảm thấy kiếm đủ tiền rồi thì bố mẹ của họ chẳng còn, họ cũng không còn nhà để về nữa. Họ cố gắng vì con của họ, còn bố mẹ họ thì lại bỏ quên. Tôi quay về nhà hỏi mẹ, mẹ nghe xong thì cười, vỗ đầu tôi.
- Con đừng quá khắt khe với những người như bác Tường. Bác ấy cũng yêu ông cụ như con yêu bố mẹ, ông nội. Nhưng bác ấy còn có nhiều trách nhiệm nữa cần gánh vác trên lưng, không thể lúc nào cũng vẹn toàn mọi thứ được.
- Nhưng mà cho dù bác ấy có bận thế nào thì lễ tết hay khi ông ốm cũng phải về chứ?
Tôi vẫn cố chấp muốn hỏi. Mẹ nghe tôi nói thì hơi im lặng, cuối cùng mẹ thở dài
- Ừ, có thể một phần là do bác Tường không đúng, nhưng con đừng vội vàng đổ hết lỗi lầm cho bác ấy. Bây giờ mẹ nói có lẽ con sẽ không hiểu hết được, vì con còn bố mẹ, nhưng khi con lớn rồi, khi không còn ai để con có thể dựa vào nữa, con sẽ hiểu thôi. Thanh này, mẹ không bắt con phải thông cảm hết cho những lỗi lầm của người lớn, nhưng mẹ hy vọng con có thể bao dung hơn với họ. Cuộc sống có đôi khi quá khắc nghiệt với người lớn, nếu được thì con đừng là một phần khắc nghiệt ấy.
Tôi nghĩ về lời mẹ nói, lại nhớ đến, hình như đã lâu rồi mẹ cũng chưa về thăm bà ngoại. Từ nhà tôi đến nhà bà phải đi mất hơn 1 tiếng, mà mẹ hàng ngày đều đi làm về rất muộn, phải đến tối mới về. Về đến nhà thì chuẩn bị nấu nướng, dọn dẹp, cuối tuần có khi còn có đám, giỗ, mẹ tôi lại là dâu trưởng nên phải chu toàn nhiều hơn. Vì thế có đôi khi phải 1, 2 tháng mẹ mới về thăm bà ngoại một lần. Dịp lễ tết cũng phải đến mùng 2, mùng 3 mới có thể về quê. Hình như thời gian mẹ tôi gặp bà ngoại chỉ tính được trên đầu ngón tay.
Tôi nghĩ mãi, rồi cảm thấy dần hiểu được lời của bố và mẹ. Có lẽ vì có thêm tôi, thêm một gia đình nhỏ nên mẹ mới không còn thời gian cho mẹ của mình. Tôi tự hỏi liệu sau này khi lớn lên rồi, tôi sẽ như thế nào, sẽ ở lại với bố mẹ hay chọn đi làm ăn xa? Tôi thích được đi nhiều nơi, được làm công việc mà tôi thích nhưng tôi cũng muốn được ở bên bố mẹ, người thân. Rồi tôi chợt nhận ra, sau này tôi cũng sẽ phải lựa chọn, thì ra mẹ nói đúng, không thể toàn vẹn mọi thứ được…
Hai ngày sau bác Tường mới về. Tôi thấy bác vội nhảy xuống từ chiếc xe khách chật kín, xách theo nhiều túi đồ to. Bố chạy lại đỡ lấy đồ giúp bác
- Anh cứ để em cầm cho, vào xem ông trước đi.
Bác lấy tay vuốt vuốt mồ hôi trên mặt, vỗ vai bố
- Ừ, anh cảm ơn, mấy hôm nay may mà có nhà chú
Nói xong liền vào nhà. Lúc này ông cụ đang nằm trên giường nói chuyện với ông nội tôi. Thấy bác Tường đi vào ông cụ còn ngây ra một lúc, mãi sau mới hỏi
- Về rồi à?
- Vâng, con về rồi.
Tôi đứng sau bác Tường, thấy thấp thoáng ánh nước trong mắt ông cụ, ông ngó ra phía sau tôi.
- Chị Minh với Phùng, Linh không về cùng anh à?
- Thằng Phùng, cái Linh nó còn học, nhà con ở lại để chăm mấy đứa nhỏ
- Ừ, thế để chúng nó chăm chỉ, cố gắng học cho giỏi. Mà tôi cũng chỉ đau đầu một tí, anh vội về làm gì? Không ở lại mà làm việc lại tốn tiền chạy về đây cho vất vả. Có thời gian thì nghỉ ngơi, cứ chạy đây chạy đó thì sức khỏe sao chịu được.
Bác Tường ngồi xuống ghế, pha một ấm nước cho ông nội tôi rồi tiến đến chỗ ông cụ .
- Bố ốm, con không về sao được.
- Thế anh định ở mấy ngày?
- Con ở đến khi nào bố khỏi bệnh rồi mới đi
Nói xong liền quay sang ông nội tôi.
- Mấy ngày nay cảm ơn bác giúp bố cháu, không có bác chắc cháu cũng không biết làm thế nào.
Ông nội chậm chạp đứng lên.
- Thôi, ơn huệ gì. Tôi với bố anh là bạn, chăm sóc nhau là bình thường. Giờ thì bố con anh cứ nói chuyện đi, tôi về trước. Thanh, về thôi cháu.
Tôi nhanh chân chạy theo ông. Đợi ra khỏi ngõ nhà ông cụ, tôi mới nói với ông nội.
- Ông ơi, ông Tân mấy hôm trước cứ mong bác Tường mãi, sao giờ bác Tường về lại bảo không cần về?
Ông nội cười:
- Chắc tại ông Tân càng già càng trẻ con đấy.
- Nhưng mà cháu thấy ông Tân vui lắm, sao ông không gọi bác Tường về nhiều hơn?
Ông xoa đầu tôi.
- Ông Tân là bố bác Tường đấy, có cha mẹ nào lại muốn con mình suốt ngày phải chạy đi chạy lại vất vả như thế.
Tôi nhớ lại dáng vẻ bác Tường vừa nãy, quần áo lấm lem vết bùn đất không biết va vào đâu, tóc bạc một nửa, bàn tay đen sạm đi, mang theo một đống đồ chen trong chiếc xe chật kín người. Có lẽ cuộc sống của bác cũng không dễ dàng, người ở quê như bác lên thành phố chắc hẳn phải khổ hơn người khác nhiều.
Tối hôm đó bác Tường có sang nhà. Tôi mang ấm chè cùng ít nước sôi ra bộ ghế đá ngoài sân. Bố cầm lấy, vừa pha chè, vừa hỏi
- Dạo này công việc thế nào rồi anh?
Bác nhận lấy cốc nước, lắc đầu
- Công việc lúc có lúc không, anh cũng cố làm thêm mấy việc, kiếm ít tiền mà vẫn không đủ. Lần này về quê mà xin mãi người ta mới đồng ý cho về.
- Thôi thì được đồng nào hay đồng đấy anh ạ, mình không cần nhiều quá làm gì, đủ sống là được.
- Ừ, bây giờ mình còn trẻ, cố được đến đâu thì cố, để còn có cái để lại cho con cho cháu, mà còn lo cho ông cụ nữa. Lần này bố anh đổ bệnh may mà có nhà chú chứ không anh cũng không biết làm sao.
Bố tôi rót thêm nước chè, xua tay
- Ông cụ cũng không khác gì bậc cha chú của em, anh có việc thì em thay anh chăm sóc ông là chuyện bình thường .
Bác Tường nghe bố tôi nói thì thở dài:
- Mấy năm nay anh định đón ông lên thành phố ở để tiện chăm sóc mà ông không chịu, để ông một mình anh không yên tâm.
- Người già thì đều không muốn xa quê anh ạ. Bố em mấy năm nay bảo đi xa nhà là cũng không chịu. Già rồi, khó mà làm quen với nếp sống mới ở nơi khác được.
Sau đó tôi thấy bố và bác Tường đều lẳng lặng uống chè, không nói thêm gì nữa. Chè đó tôi từng thử rồi, rất đắng, uống không ngon tí nào. Tôi thử một lần là không động vào nữa. Thế mà hai người vẫn uống được, còn nhâm nhi từng chút từng chút một. Ông nội có bảo với tôi, nếm kĩ sẽ thấy được vị ngọt bên trong, nhưng tôi không muốn, để nếm được vị ngọt ít ỏi ấy mà phải cảm nhận cái đắng rất lâu thì tôi không cần, tôi thà uống nước ngọt còn hơn. Ông nội lúc đó cười, nói rằng vì phải nếm vị đắng rất lâu mới thấy ngọt nên nó mới ngon, mới đáng giá. Tôi nhìn bố và bác Tường một lúc rồi uống thử một ngụm nước chè, nhưng nó vẫn đắng, tôi không nhịn được mà đứng dậy ra chỗ khác nhổ đi, cũng không thử thêm nữa.
Mấy hôm sau, bác Tường ở lại chăm sóc ông cụ, còn tranh thủ đi thăm hàng xóm láng giềng xung quanh. Có lần tôi đi ngang qua lúc bác đang cùng người khác nói chuyện thì thấy bác nhờ người ta quan tâm ông cụ nhiều hơn chút. Chỗ chúng tôi là làng quê nhỏ, phần lớn mọi người đều làm nông, có việc gì là cả xóm đều sẽ giúp, nghe bác nhờ thì mọi người đều vui vẻ đồng ý. Lần này ông ốm cũng có không ít cô bác hàng xóm thay nhau sang chăm sóc. Tôi cảm thấy ai cũng sẽ cố gắng chăm sóc ông cụ, nhưng chắc chắn là không thể bằng con cái được. Nhưng bác Tường chẳng thể ở lại mãi, ở thêm một ngày là mất thêm một khoản tiền.
Hôm trước tôi mang ít thuốc sang nhà ông cụ thì nghe thấy tiếng bác nói chuyện điện thoại. Tiếng vợ bác qua loa điện thoại có hơi chói tai:
- Thế anh định bao giờ mới về? Còn tiền thuê nhà, tiền học, tiền ăn nữa, anh cứ ở nhà mãi như thế thì làm sao mà đủ được?
- Ừ thì cứ để tôi ở thêm mấy hôm, ông còn ốm tôi không yên tâm.
Vậy còn tôi thì sao? Hơn 2 năm rồi tôi cũng chưa về thăm nhà! Là vì ai? Vì cái nhà này! Vì anh bảo với tôi là phải cố gắng gom góp cho con! Khoản nợ lần trước đến hạn trả rồi, anh định tính sao đây?
- ….
Chắc là vì lo ông cụ nghe thấy nên bác Tường mới phải ra sau nhà nghe điện thoại, không may đây lại là con đường tôi thường trèo sang nhà ông cụ nên vô tình nghe thấy. Tôi vội đứng sát vào tường, chạy vào nhà để thuốc ở trên bàn rồi rời đi, cũng không nghe thấy tiếng bác Tường trả lời lại. Đầu mùa hè đã có tiếng ve lác đác, gió rì rào thổi qua mấy lớp lá, tôi đoán bác Tường chắc là sẽ về thành phố sớm thôi.
Quả nhiên, đợi ông cụ đỡ hơn, bác Tường liền chuẩn bị về lại thành phố. Hôm chủ nhật bác mang theo bọc đồ rồi lên xe rời đi. Tôi ngồi trong nhà với ông cụ, nhìn căn nhà lại lần nữa trở nên trống vắng. Ông lúc này đã khỏe hơn nhiều, có thể đi lại trong sân. Trước khi đi, bác Tường dặn ông rất nhiều thứ, còn nhắc ông phải uống thuốc đúng giờ, ông cụ xua tay không cho bác nói nữa
- Được rồi, tôi cũng có phải trẻ con đâu. Anh nhanh lên không là lỡ chuyến đấy
- Thế bố ở nhà giữ gìn sức khỏe, con đi đây.
Sau đó ông cụ lại tiếp tục một mình ở trong ngôi nhà, chỉ là ông cụ trông buồn hơn lúc trước. Trước đó ông cụ thường đi bộ rèn luyện, không thì đánh cờ nói chuyện với mấy người bạn già. Bây giờ, ông hiếm khi ra ngoài, thi thoảng tôi thấy ông nhìn ra ngoài rất lâu, không biết những lúc như thế ông cụ đang nghĩ gì…
Ông nội tôi cũng thấy ông cụ không ổn lắm nên buổi chiều liền sang nhà, tôi liền nhanh chân đi theo. Ông cụ đang tưới rau ngoài vườn thấy có người thì đặt gáo nước xuống, gọi ông cháu tôi vào trong nhà. Ông cụ mở ấm nước sôi, lại pha một bình chè đặc, ông cười:
- Sao hôm nay cả hai ông cháu lại sang nhà tôi thế này?
- Cả tuần nay ông không ra đánh cờ, mấy lão kia cứ chờ ông đấy.
- Thôi, dạo này tôi thấy đầu óc không còn tốt nữa, đánh cờ lại thấy đau đầu.
- Ừ, thế thì ở nhà trồng rau nuôi gà cũng được, có việc cho đỡ buồn.
Ông cụ trầm ngâm một lúc:
- Mấy hôm nay tôi cứ nghĩ, thằng Tường nó vất vả như thế chắc cũng là do tôi.
Ông nội vội nhăn mày:
Ông lại đang nghĩ linh tinh gì đấy.
- Ông cứ để tôi nói hết đã. Thằng Tường nó vất vả trên thành phố, lo cho vợ con nó, lại còn phải lo cho cái thân già này ở quê. Năm trước nó bảo đón tôi lên thành phố, nhưng mà tôi ngại lên nhà nó. Nhà cũng không to gì lại chứa thêm ông già như tôi thì bất tiện lắm, còn tốn thêm cả chi phí ăn uống nữa. Tôi ở quê có trồng rau, nuôi thêm gà là đủ ăn rồi. Thế nhưng lần này bệnh ra mới thấy, tôi ở nhà một mình nó cũng khó yên tâm làm ăn được.
Ông cụ uống một ngụm trà rồi tiếp tục nói:
- Tôi định lên thành phố ở với nó ông ạ. Tranh thủ xem có việc gì thì làm đỡ chúng nó. Ở trên đó chắc là có nhiều việc hơn ở quê, tôi cũng đi kiếm xem có việc gì làm, bảo vệ hay trông xe, dọn dẹp vệ sinh cũng được. Chứ ở quê mãi, không giúp gì cho chúng nó lại còn tiêu tốn thêm tiền. Bây giờ tôi vẫn còn sức khỏe thì lại cố làm thêm mấy năm nữa, được đồng nào hay đồng đấy.
Ông nội ngồi nghe rồi thở dài.
- Ông đừng nghĩ nhiều quá, thằng Tường nó hiếu thảo, thương bố, ông giữ sức khỏe là nó vui rồi.
Ông cụ lắc đầu:
- Lúc nó còn nhỏ đã mất mẹ, tôi đi làm ăn xa, nó từ bé đã sống vất vả rồi. Khi đấy tôi không có tiền, phải để nó ăn đói mặc rách, nó còn nhỏ tôi đã không lo được, đến lớn cũng lại là gánh nặng cho nó nữa.
Tôi ngồi nghe mà vô tình nhấc cốc chè lên uống một ngụm. Nước chè đắng ngắt, dồn ở cổ họng, tôi nuốt xuống rồi mà vẫn còn thấy vị đắng đầy trong miệng, nghẹn ở cổ mà lòng nặng trĩu, mắt cay cay. Chắc ông nội với ông cụ cũng thấy chè đắng quá nên không ai nói chuyện nữa, chỉ ngồi đó, nghe tiếng xào xạc của lá cây ngoài vườn.
Tối đó tôi trằn trọc mãi, lăn qua lăn lại mà không ngủ được, chỉ lo ông cụ sang nhờ bố gọi điện cho bác Tường về đón lên thành phố. Nhà ông cụ không có điện thoại, mấy năm trước bác Tường có đưa ông một cái nhưng ông cụ già rồi, không biết dùng nên bác Tường đành thôi. Mỗi lần muốn liên lạc với ông cụ thì đều gọi đến nhờ bố, vì thế nên ông cụ có ốm đau bệnh tật gì thì đều là nhà tôi gọi lên báo cho bác Tường. Nhưng ông cụ cũng chỉ có khi nào ốm nặng thì nhà tôi mới biết được, ông cụ chắc cũng ngại phiền hà đến nhà tôi, lại không muốn con trai lo lắng nên có gì cũng đều giấu. Mà có muốn tâm sự với con đi nữa thì ông cụ cũng chẳng biết nên nói bằng cách nào. Mọi thứ phát triển nhanh quá, để những người già như ông cụ trở nên lạc lõng, giống như bị bỏ quên trong nhịp sống ngày càng nhanh này.
Ông cụ chưa kịp sang nhà nhờ bố tôi gọi cho bác Tường thì nhà bác đã từ thành phố về. Chiều hôm đó tôi kết thúc năm học bắt đầu nghỉ hè, vừa về nhà đã thấy bố sang bên đó. Tôi vội hỏi mẹ.
- Bố sang nhà ông Tân làm gì thế mẹ?
Mẹ cười:
- Nhà bác Tường về rồi, cả hai đứa trẻ con cũng theo về, bố sang thăm.
Tôi ngạc nhiên, không biết vì sao năm nay cả nhà bác Tường lại về quê. Tôi nghĩ, hay là ông cụ muốn lên thành phố nên bác Tường mới về quê để tạm biệt hàng xóm một lượt. Đoán thế nên tôi buồn lắm, dù sao ông cụ ở cạnh nhà tôi bao nhiêu năm nay, lần này đi rồi chắc khó về quê. Cả nhà bác Tường chẳng còn ai, đón ông cụ lên đấy rồi thì không cần quay lại quê cũ nữa. Dù sao người thân không còn thì chốn cũ cũng không được gọi là nhà, mà không phải nhà thì quay về làm gì.
Buổi tối đợi bố về tôi mới hỏi.
- Bác Tường về đón ông lên thành phố hả bố?Bố tôi lắc đầu.
- Con nghe ai nói đấy? Lần này bác Tường đưa hai đứa trẻ về quê nghỉ hè. Phùng năm nay bằng tuổi con đấy, con có gì thì qua rủ bạn đi chơi.
Tôi nghe bố nói thì tò mò, sáng hôm sau, đợi bác Tường và vợ lên xe về thành phố tôi mới chạy qua nhà ông cụ. Ông còn ở dưới bếp, trong sân chỉ có một đứa con trai trông hơi gầy đang bê xô nước ra tưới rau. Tôi đoán đây là Phùng, con trai bác Tường. Nó thấy tôi thì giật mình
- Cậu là ai đấy?
Tôi gãi đầu.
- Tôi là hàng xóm ở nhà bên cạnh này. Bố tôi bảo cậu mới từ thành phố về nên tôi qua xem.
Nó nghe thấy thế thì cười:
- Cậu vào nhà đi, ông tôi đang nấu trong bếp rồi.
Tôi vội lắc đầu:
- Thôi, tôi có việc rồi, hay chiều nay tôi qua rủ cậu đi chơi sau nhá.
- Ừ, thế thì tốt quá. Tôi mới về đây nên không biết đi đâu chơi cả.
Buổi chiều tôi dẫn nó ra khu vườn sau nhà tôi, chỗ đó có một góc phủ kín cây xanh, vừa thoải mái lại không có ai làm phiền. Lá xanh rì rào va vào nhau, vài giọt nắng vàng rơi xuống đọng trên mặt đất. Tôi nhìn nó đang thoải mái tựa vào thân cây rồi hỏi
- Sao tự nhiên cậu lại về quê nghỉ hè thế? Tôi nghe bác Tường nói cậu bận học, không có thời gian nghỉ.
- Ừ, mẹ cho tôi đi học thêm nhiều lắm, nhưng năm nay tôi xin mẹ cho được về quê với ông.
Tôi vẫn không hiểu vì sao nó lại muốn về đây, nếu muốn về thì đã về ngay từ đầu chứ không phải đợi đến bây giờ. Nó không nhìn tôi, nói tiếp.
- Mấy hôm trước tôi nghe bố mẹ cãi nhau, bố tôi muốn chuyển về quê làm việc để tiện chăm sóc ông, nhưng mẹ tôi không muốn. Ở quê khó tìm việc, mẹ sợ về không xin được việc làm, mà tiền kiếm lại không đủ tiêu. Tôi biết ông ở quê một mình bố khó mà yên tâm, mà về thì không biết bao giờ mới kiếm đủ tiền trả nợ. Lúc trước bố muốn để anh em tôi về quê ở với ông, nhưng tôi không thích. Tôi ở thành phố quen rồi, lại không thân thiết với ông nên tôi không chịu về.
- Bởi vì lần này ông ốm nên cậu mới về hả?
- Ừ, một phần do thế. Mà tôi cũng lớn rồi, phải có trách nhiệm với người thân của mình, tôi không biết ông còn ở với chúng tôi được bao nhiêu năm nên tôi muốn dành nhiều thời gian hơn ở bên ông. Tôi không muốn sau này phải hối tiếc vì đã không kịp ở cạnh ông khi ông khi ông vẫn còn ở đây.
Tôi nghe nó nói mà thấy mùa hè này không phải chỉ có mình tôi lớn lên. Có vẻ như những đứa trẻ giống như tôi đều dần trưởng thành, dần hiểu được những nỗi khổ của những người đi trước. Tôi không quá thích cảm giác trưởng thành như thế này, bởi vì tôi chắc chắn không thể vô tư hồn nhiên như lúc trước, nhưng điều đó cũng có nghĩa là tôi đang dần thay bố mẹ gánh vác những trách nhiệm, thay họ bước tiếp con đường phía trước. Có lẽ sự lớn lên của một đứa trẻ chỉ là trong khoảnh khắc nó nhận ra bản thân đã có thể hiểu được bố mẹ, hiểu được trách nhiệm bản thân mình sẽ mang sau này.
Tình bạn của mấy đứa nhóc như chúng tôi chỉ cần vài ba ngày là thân như anh em từ nhỏ. Phùng đã quen hơn với nơi này, cũng thân thiết với ông cụ nhiều hơn. Có lần tôi nghe ông cụ nói chuyện với ông nội, giọng ông cụ khàn khàn.
- Thằng Phùng nó bảo thích không khí ở quê nên từ bây giờ nó sẽ về đây nhiều hơn.
Ông nội cười.
- Thế ông còn muốn lên thành phố nữa không?
- Thôi, tôi sợ lên đấy rồi nhà cửa ở quê không ai chăm nom, con cháu lại không có chốn về. Mấy đứa trẻ thích chỗ này thì tôi ở đây đợi chúng nó
- Ừ, thành phố đất chật người đông, cũng phải có mảnh đất ở quê mà hít thở. Con cháu lớn rồi, tự có suy nghĩ. Chúng ta chỉ cần khỏe mạnh là chúng nó yên tâm.
Ông cụ vui vẻ gật đầu.
- Ông nói đúng đấy, phải khỏe còn chăm lo cho con cháu chứ.
Tôi với Phùng ngồi ngoài sân nghe hai ông cụ nói chuyện. Nghe một lúc tôi mới nhớ ra ấm nước chè trước mặt, tôi liền rót cho Phùng một chén bảo nó uống thử, nó uống xong liền nhăn mày.
- Đắng quá!
Tôi cũng thấy đắng nhưng vì ngại nên cố gắng nhâm nhi, cứ uống từng tí một, không nghĩ đến sau vị đắng thì thấy dư vị ngọt nhẹ, thanh thoát, vị đắng lúc trước như tan đi trong cảm giác thơm mùi lá chè, thoang thoảng hương ngọt. Tôi hớn hở nói với Phùng.
- Uống kỹ đi, có vị ngọt ở sau đấy!
Nó nghe vậy liền cầm chén lên uống, một lúc sau nó nhìn tôi cười
- Ừ, có ngọt thật.
Thì ra vị ngọt sau cái đắng ấy lại khiến người ta cảm thấy vô cùng thoải mái, vì sau cùng là ngọt, không phải đắng nên sự chờ đợi là đáng giá.
Đêm hè, trời trong vắt, ánh trăng như hóa thành lớp bụi ánh sáng mềm mại phủ lên khu vườn. Tiếng ve rả rích len qua từng kẽ lá rơi vào tai chúng tôi, đọng lại trong lòng dư âm khó phai.
© Mai Anh - blogradio.vn
Mời các bạn xem thêm:
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho chúng ta
Những đau đớn hằn vết trong trái tim anh đều do em cả. Em không mong mình sẽ là người khâu vá lỗ hỏng ấy, chỉ mong anh hãy quên em và đừng yêu em thêm nữa. Tình yêu này không nên tồn tại. Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho cả hai chúng ta.
Trả Lại Anh Cho Cô Gái Khác | Radio Tâm Sự
Sau chia tay, có ai không bi luỵ lẫn tổn thương… chẳng qua chúng ta chỉ khác nhau ở thời gian chữa lành mà thôi. Có người cần một tháng, có người cần một năm, có người cần thời gian đủ lâu và có kẻ chấp nhận dùng cả một đời để học cách quên đi một người.
Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909
Ngày hôm đó chúng ta đã nói sẽ luôn nhớ tới nhau, sẽ giữ trọn vẹn trong tim mối tình của năm tháng ấy. Nhưng anh biết không, mỗi người chúng ta ai rồi cũng đều khác, lời hứa năm đó cũng chỉ là tên gọi khác của lời tạm biệt mà thôi.
Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908
Dây xích sắt trượt dài trên thanh chắn cửa, rít lên một tràng âm thanh chói tai, kết thúc bằng tiếng đáp đất nặng trịch. Trời lặng gió, áng mây vắt ngang qua ngọn cây, trong đêm tối không trăng không sao, chiếc lồng đèn cũ phủ một lớp bụi mỏng
Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907
Mưa rơi, làm hình bóng anh trong mắt cô mờ đi, gương mặt điển trai sau màn mưa trắng chẳng rõ đang vui hay buồn. Mưa vẫn không ngừng xối lên thân ảnh liu xiu của anh, lớp áo sơ mi trắng dính vào da lộ ra vết sẹo dài chạy dọc theo cánh tay khẳng khiu.
Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906
Bạn chính là chủ nhân của cuộc đời mình. Tương lai ra sao, do bạn định đoạt. Đừng để năm tháng trôi qua, trong bạn chỉ toàn là tiếc nuối.”
Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905
Đôi khi, sự ra đi của người khác là lí do để ta nhìn lại mình. Nhìn lại những gì mà bản thân đã cư xử. Có phải vì ta chưa đủ trưởng thành? Có phải vì ta vẫn còn quá cảm xúc và bi kịch hoá mọi thứ?
Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904
Nếu bạn độc thân, hãy tận hưởng điều đó. Độc thân không có nghĩa là chưa đủ tốt để yêu. Độc thân nghĩa là chưa có ai đủ tốt để được bạn yêu.
Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903
Muốn ngắm bình minh, phải dậy thật sớm. Muốn tạm biệt ngày tàn, phải vẫy chào hoàng hôn. Hạnh phúc của mình nên tự mình nắm lấy...
Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902
Một giấc mơ dang dở dấy lên trong lòng tôi một sự hiếu kỳ với dáng vẻ của hạnh phúc. Nếu bước qua lằn ranh giữa quá khứ và hiện tại, tôi sẽ thấy được điều, có phải kết cục sẽ vẹn tròn hơn không.