Mùa xuân sau cơn giông
2025-04-01 17:55
Tác giả:
Tiểu Kim Yên
blogradio.vn - Nước mắt ông Tét bất giác trào ra. Ông quay lưng bước đi, nỗi đau và cảm giác tủi hổ đè nặng lên trái tim. "Tết này, mình phải làm gì đó… phải làm gì đó cho con Kiệu," ông tự nhủ, nhưng lòng vẫn trĩu nặng bởi những nỗi buồn chưa tìm được lối ra.
***
Chương 2: Đỉnh điểm hiểu lầm
Chạng vạng hôm ấy, mặt trời đã trốn biệt sau rặng tre, để lại bầu trời một màu tím sẫm, những sợi mây mỏng lững lờ như chẳng biết đi đâu. Con đường làng phủ một lớp bụi mờ, vài cơn gió nhẹ thổi qua, làm mấy chiếc lá khô xào xạc dưới chân.
Ở trường, bé Kiệu cúi đầu đi nhanh qua sân, bước chân nhỏ khấp khểnh như muốn chạy trốn ánh mắt mọi người. Từng tiếng xì xào đuổi theo con bé, như những vết dao rạch ngang lòng:
"Cha mày ăn cắp đồ trường rồi hả? Chắc bán lấy tiền mua rượu chứ gì!"
"Mẹ tao nói, nhà nghèo mà ham rượu chè thì dễ sinh tật lắm, kiểu gì cũng làm chuyện xấu thôi."
Con bé dừng lại, đôi tay xiết chặt quai cặp, đến mức các đốt ngón tay trắng bệch. Giọng con bé nghèn nghẹn, cố bật ra giữa những tiếng cười ác ý:
"Không phải đâu! Cha tui không làm gì hết! Cha tui không phải người như vậy mà!"
Nhưng mấy đứa bạn chỉ cười lớn hơn, tiếng cười vỡ ra, sắc nhọn như gai mồng tơi dính vào da thịt. Con bé cắn môi, mắt đỏ hoe, nhưng không rơi nước mắt. Chỉ đến khi cô giáo chủ nhiệm – người mà nó luôn tin tưởng – cũng nhìn nó với ánh mắt ái ngại, lòng nó như rớt xuống vực sâu.
"Nhà em khó khăn, nếu em cần gì, cứ nói cô," cô giáo dịu giọng, nhưng ánh mắt vẫn giữ một chút dò xét. "Nhưng em phải nhớ, sống ngay thẳng thì mới được mọi người thương."
Lời cô như đập tan chút hy vọng nhỏ nhoi còn sót lại trong lòng con bé. Bé Kiệu im lặng, cúi gằm mặt bước ra khỏi lớp, những giọt nước mắt cuối cùng cũng lăn dài trên má.
Lòng buồn miên man, bé Kiệu cuối gầm mặt bước đi, con bé đi trong vô thức đến khi xe tiếng còi xe ting ting và tiếng người ta buôn bán mời nhau, hoá ra nó đã đã đi ra đường lớn lúc nào không hay.
Phố chợ vào những ngày cận Tết đông vui, nhộn nhịp hơn hẳn thường ngày. Dọc theo con đường chính, các sạp hàng đua nhau trưng bày đủ thứ đồ trang trí rực rỡ. Những dây đèn lấp lánh đong đưa trong gió, đèn lồng đỏ treo cao, câu đối viết chữ nho nét mực tàu mềm mại nằm ngay ngắn trong khay gỗ sơn son thếp vàng. Tiếng mời chào từ các sạp hàng vọng ra, hòa vào tiếng cười nói rôm rả của những người đi mua sắm.
Mấy cô bé cậu bé chạy lon ton bên cha mẹ, tay cầm những chiếc bóng bay hình ngộ nghĩnh, ánh mắt sáng rực khi nhìn thấy mấy món đồ chơi bày biện đầy sắc màu. Hương trầm quyện trong không khí, thơm nồng ấm, len lỏi giữa cái se lạnh của trời chiều. Gánh hàng bán bánh kẹo đầy ắp với hộp mứt, hộp bánh đủ màu sắc xếp cao như núi. Bà cụ ngồi bên quầy hàng lá dong và lạt buộc, đôi tay thoăn thoắt bó lại thành từng bó nhỏ, nụ cười hiền hậu trên môi khi thấy người mua dừng lại hỏi giá.
Đôi mắt ướt nước của con bé khẽ sáng lên khi nhìn thấy một quầy hàng nhỏ bày bán bộ váy hồng với những bông hoa nhỏ xinh thêu tay. "Giá mà mình có được cái váy đẹp như vậy để mặc Tết," con bé thầm nghĩ, nhưng rồi cúi đầu lủi thủi bước tiếp khi nhớ đến những bộ đồ cũ nhàu nát của mình.
Càng đi, đôi vai con bé càng chùng xuống. Không khí Tết rộn ràng ấy chỉ khiến nỗi buồn trong lòng con bé thêm nặng nề. "Tết này, chắc cũng như mọi năm thôi," con bé tự nhủ, cố nén tiếng thở dài.
Tối đó, bà Mắm ngồi thừ người bên mâm cơm đã nguội lạnh. Ánh đèn dầu leo lét hắt lên gương mặt bà, khiến đôi mắt thâm quầng càng thêm sâu. Bé Kiệu nằm im trên chiếc võng cũ, chỉ khẽ thở dài, nhưng gối đã ướt một vệt lớn. Ông Tét đi lại trong nhà, nhìn con bé mà lòng như có gì siết chặt.
"Nè con," ông cất giọng khàn khàn, ngồi xuống cạnh võng, "bộ trên lớp có ai nói gì con hả? Nói cha nghe coi!"
Bé Kiệu không trả lời, chỉ níu lấy bàn tay sần sùi của cha mà khóc nghẹn. Nước mắt con bé nóng hổi, chảy qua kẽ tay ông, rớt xuống nền đất lạnh.
"Cha ơi…" con bé nức nở, "con sợ lắm. Con không muốn đến trường nữa. Mấy bạn nói… nói cha ăn cắp… nói nhà mình nghèo nên cha mới làm vậy…"
Ông Tét nghẹn lại, nhìn con gái nhỏ mà không nói được lời nào. Đôi mắt ông đỏ hoe, bàn tay thô ráp run rẩy xoa nhẹ lên mái tóc con bé.
"Cha xin lỗi… Cha xin lỗi vì để con phải chịu mấy chuyện này. Nhưng con phải tin cha, được không? Cha không có làm gì sai hết."
Ở góc nhà, bà Mắm nhìn hai cha con mà lòng nặng trĩu. Bà cắn chặt môi, cố không bật khóc, nhưng đôi mắt cũng đã đỏ hoe. Bà đứng dậy, quay mặt đi như muốn trốn tránh, nhưng bước chân nặng như đeo đá.
Câu chuyện bẵng đi được mấy hôm, vào một chiều khác, trời âm u, không khí nặng nề như báo hiệu cơn mưa sắp đến. Ông Tét trở về nhà sớm hơn thường ngày. Khi đến gần cửa, ông nghe thấy giọng nói vọng ra từ gian bếp.
Người bạn thân của bà Mắm nhỏ giọng khuyên nhủ: "Mắm à, tao nói thiệt, mày bỏ quách thằng đó đi. Nó làm khổ mày với con Kiệu quá rồi."
Bà Mắm ngồi im, tay vân vê mép áo, giọng khàn khàn: "Mấy chục năm trời, bỏ sao đặng? Nhưng mà…"
Câu nói bỏ lửng của bà như cái tát vào lòng tự trọng của ông Tét. Ông đứng chết trân ngoài cửa, bàn tay nắm chặt đến mức nổi gân xanh. Đầu óc ông quay cuồng, vừa tủi nhục vừa đau đớn. Ông Tét thất thểu bước ra khỏi nhà. Trời về khuya, không khí lành lạnh làm đôi vai ông càng co lại. Đôi chân đưa ông đi vô định giữa phố huyện, nơi những sạp hàng Tết vẫn còn sáng đèn.
Từ xa, ông nhìn thấy một gia đình ba người – cha, mẹ và con nhỏ – đang cười nói rôm rả bên một sạp hàng bán quần áo. Người mẹ cầm lên một chiếc áo dài trẻ em, quay sang hỏi con gái:
"Con thích màu đỏ hay màu vàng? Tết này mặc đồ mới đi chơi ông bà nội, ngoại cho đẹp nha!"
Tiếng cười giòn tan của đứa trẻ vang lên, đôi tay bé xíu vỗ vỗ vào mẹ, ánh mắt lấp lánh niềm vui. Hình ảnh ấy như một nhát dao cứa vào lòng ông Tét. Ông nhớ đến bé Kiệu, nhớ đôi mắt buồn bã của con bé mỗi dịp Tết đến. Bé Kiệu chẳng mấy khi có quần áo đẹp – chỉ toàn những bộ đồ cũ sờn, lỗi thời. Những lần về quê, con bé chỉ ngồi một góc, nép vào lòng mẹ vì ngại ngùng trước ánh mắt của họ hàng.
Nước mắt ông Tét bất giác trào ra. Ông quay lưng bước đi, nỗi đau và cảm giác tủi hổ đè nặng lên trái tim. "Tết này, mình phải làm gì đó… phải làm gì đó cho con Kiệu," ông tự nhủ, nhưng lòng vẫn trĩu nặng bởi những nỗi buồn chưa tìm được lối ra.
Tối đó, ông Tét uống say mèm, lảo đảo ra cổng trường, nơi mấy cô bán bánh vẫn còn bày quầy khuya muộn. Ông vừa đi vừa huýt sáo, tiếng sáo méo mó vì hơi men. Thấy mấy cô, ông ngồi phịch xuống bên gánh bánh, cố tình nói lớn:
"Ê, mấy cô! Sao bánh ngon vậy mà bán ế quá trời? Hay là tại chưa có người mời ăn chung?"
Mấy cô cười khúc khích, nhưng cũng có chút e ngại. Một cô lên tiếng:
"Ông Sáu, đừng có giỡn vậy chớ. Ai lại đi ghẹo người ta giữa đêm thế này."
Ông Tét cười ha hả, ánh mắt lờ đờ, nhưng nụ cười lại đầy chua chát:
"Tui giỡn chút cho vui thôi. Chứ đời tui giờ, chắc cũng chỉ còn mấy tiếng cười này thôi. Mấy cô có ai thương tui không? Hay là cũng coi tui như kẻ cắp hết rồi?"
Từ xa, bà Mắm đứng lặng trong bóng tối, đôi mắt trũng sâu nhìn ông. Chỉ vì sợ ông Tét lê la nhậu nhẹt quên đường về, bà Mắm chỉ khoác vội chiếc áo mỏng, bước ra khỏi nhà trong đêm khuya lạnh giá. Gió thổi ù ù, kéo theo từng cơn lạnh buốt. Đôi mắt bà quầng thâm, ánh nhìn hốt hoảng như đang cố tìm kiếm một điều gì trân quý lắm. Nhưng những lời ông nói, những tiếng cười của ông, từng cử chỉ, điệu bộ – tất cả đều như những nhát dao đâm vào lòng bà. Những lời trêu ghẹo đó, ngày xưa ông chỉ dành cho bà, nhưng giờ… giờ bà chỉ thấy một người đàn ông xa lạ, gục ngã trong nỗi đau của chính mình.
Bà quay lưng, bước đi chậm rãi về nhà, đôi vai run lên từng hồi. Trong bóng tối, nước mắt bà lặng lẽ rơi. Bà không trách ông, nhưng nỗi thất vọng đang dần ăn mòn trái tim bà.
Những bước chân vô thức đưa bà Mắm ghé ngang qua chợ. Như một sự trêu đùa, bà bắt gặp một sạp hàng bán đồ Tết còn dọn muộn. Mấy người bán hàng đang thu dọn đồ đạc, xếp lại những hộp bánh, những chậu hoa cúc vàng rực. Bà khựng lại, nhìn chiếc phong bao lì xì đỏ tươi còn sót lại trên mặt bàn.
"Tết này, biết mua được gì cho con không đây?" Bà tự hỏi, ánh mắt đượm buồn. Những ngày Tết của gia đình bà chưa bao giờ trọn vẹn – luôn là những mâm cơm đạm bạc, những món quà mà bé Kiệu chỉ dám nhìn từ xa. Bà cúi đầu bước tiếp, lòng nặng trĩu.
Bé Kiệu đã chờ mẹ sẵn ngoài thềm nhà. Thấy mắt mẹ đỏ hoe, con bé ôm lấy mẹ, thì thầm: "Mẹ đừng khóc nữa. Con thương mẹ lắm."
Bà Mắm gật đầu, nhưng trong lòng bà, nỗi thất vọng dành cho ông ngày một lớn hơn.
---
Ngoài bãi đất hoang, ánh trăng treo lơ lửng như con mắt mỏi mệt của trời, rọi xuống cánh đồng xác xơ những vệt sáng nhợt nhạt. Gió lùa qua tán cây khô, xào xạc, kéo theo hơi đất lạnh tanh, như muốn nhắc rằng nơi đây đã từng là chiến trường của ông Tét, dù cũ kỹ, vẫn còn bám riết như một vết sẹo không lành.
Ông Tét quyết định ngồi xuống đó, chai rượu nghiêng bên chân, đầu cúi thấp, như muốn giấu cả khuôn mặt và những suy nghĩ đang dày vò. Mỗi lần ngẩng lên nhìn bầu trời, đôi mắt ông lại rỗng tuếch, như thể ánh sáng từ mặt trăng cũng chẳng đủ lấp đầy khoảng trống trong lòng.
“Này, anh làm gì ngồi thù lù ở đây vậy? Bộ không sợ ma nó bắt hả?”
Giọng ai đó bật lên, xé toang màn tĩnh mịch. Ông Tét giật bắn mình, nhảy dựng lên như chạm phải lửa. Chai rượu lăn lóc trên mặt đất, làm vỡ bầu không khí u ám.
“Ma đâu? Ma đâu?” – Ông la lớn, giọng lạc đi.
Bóng người phía sau cười khanh khách, tiếng cười giòn tan nhưng đột ngột tắt lịm giữa cái tĩnh lặng của đêm.
“Ha ha! Nhìn tui mà tưởng ma sao? Tội nghiệp anh quá, chắc say dữ rồi!”
Ông Tét căng mắt nhìn bóng người lạ, ánh sáng trăng chiếu mờ mờ trên khuôn mặt ấy. Một thoáng, ông ngờ ngợ. “Chú là ai? Muốn hù chết tôi hả?”
Người đàn ông không trả lời ngay. Anh ngồi xuống bên cạnh, mùi bụi đường và mồ hôi phả ra như mùi của quá khứ. Anh cười nhẹ, giọng dịu lại:
“Tui là Tết, em trai anh hai Chưng đây. Chắc anh Sáu Tét quên rồi.”
Đôi vai ông Tét chùng xuống, ánh mắt dán chặt vào gương mặt kia. Hơi thở ông nghẹn lại. “Tết… là chú thiệt sao? Còn… còn anh Chưng?”
Tết gật đầu chậm rãi, giọng lắng xuống như tiếng gió. “Anh Chưng còn sống, nhưng không được như xưa. Ảnh bị thương nặng từ hồi bị phục kích, giờ nằm nhà, yếu lắm. Ảnh đọc báo nghe tin về anh, ảnh chắc chắn là anh bị người ta đổ oan, nên nhờ tui đi kiếm cho bằng được anh coi sao.”
Ông Tét ngồi im, ánh mắt rỗng tuếch nhìn bóng Tết đang đứng trước mặt. Giờ đây, Tết không còn là cậu bé gầy gò, lém lỉnh bám riết lấy ông và anh Chưng ngày xưa. Trước mặt ông, Tết là một người đàn ông trưởng thành, khoác lên mình chiếc áo sơ mi trắng thẳng nếp, quần âu đóng thùng lịch sự, mái tóc điểm vài sợi bạc nhưng khuôn mặt vẫn rắn rỏi và ánh lên vẻ điềm tĩnh. Tay Tết cầm một chiếc cặp táp, đôi giày da bóng loáng đã thấm chút bụi đường, nhưng toàn bộ dáng vẻ toát ra sự vững chãi và tin cậy.
Hình ảnh ấy như một cú sốc với ông Tét, khiến ông thoáng bối rối. Ông nhớ đến cậu bé Tết nhỏ nhắn, đôi mắt lúc nào cũng rưng rưng vì nhớ ba má, cái dáng chạy lon ton theo sau ông và anh Chưng trên chiến trường. Chính vì ba má Tết mất sớm, anh Chưng đã không đành lòng để em trai ở nhà một mình, nên dẫn Tết đi nhập ngũ. Ngày ấy, cậu bé Tết gầy guộc, yếu ớt, nhưng giàu nghị lực, ai trong đội cũng thương tình, cưu mang như người nhà.
Gió ngoài đồng kéo lạnh buốt, nhưng dưới gốc cây bàng, câu chuyện của hai người làm ấm cả một góc trời. Ông Tét cúi đầu, những ký ức trào về như con nước xiết.
“Ngày đó… tui nhớ rõ cái lúc anh Chưng chắn đạn cho tui. Vai ảnh ướt nhẹp máu mà còn cười, còn bảo tui mau chạy trước. Tui… tui cứ nghĩ ảnh chết rồi.”
Tết nhìn ông, ánh mắt thoáng nét buồn. “Tui biết. Ảnh nằm viện mấy năm trời mới đi lại được. Nhưng cái mất nhiều nhất không phải là sức khỏe, mà là những gì ở trong lòng.”
Tiếng ông Tét khàn đặc: “Ảnh còn nhớ tui sao?”
“Nhớ chứ. Ảnh luôn nhắc tới ông. Ảnh nói, thằng Tét nó lì, nhưng là người sống có tình. Ảnh không tin ông làm bậy đâu.”
Lời Tết như giọt nước tưới mát vào trái tim ông, khô khốc đã lâu. Ông ngẩng lên, mắt đỏ hoe.
“Tui không làm chuyện đó, Tết ơi. Nhưng không biết cách nào chứng minh. Ai cũng quay lưng với tui.”
“Anh Sáu, anh cứ tin em,” Tết nhẹ nhàng nói, giọng chắc nịch nhưng ấm áp. “Việc của anh, em sẽ làm sáng tỏ. Không ai có quyền chà đạp lên danh dự của anh đâu. Đó là điều mà anh Chưng đã luôn tin tưởng.”
Giờ đây, ông Tét nhìn người đồng đội năm xưa mà không dám hỏi Tết đang giữ chức vụ gì, làm ở đâu, nhưng ông thấy lòng mình nhẹ nhõm và tin tưởng. Chỉ cần nhìn vào ánh mắt kiên định và cách nói chuyện rành rọt của Tết, ông biết người em này sẽ giúp ông lấy lại danh dự.
Ông Tét im lặng, đôi mắt ông đỏ hoe, nhìn Tết như nhìn vào quá khứ, nhìn vào tình đồng đội thiêng liêng mà thời gian không thể xóa nhòa. Trong sâu thẳm, ông thấy được ánh sáng của một con đường, dù còn xa xôi nhưng đầy hy vọng.
Trước khi tạm biệt, Tết còn vỗ vai trấn an ông Tét thêm mấy lời.
“Không sao, anh Sáu. Mai tui tới nhà bọn nhà thầu, làm rõ mọi chuyện. Chuyện của anh, để tụi tui lo.”
Lời nói của Tết như ngọn đèn nhỏ, soi tỏ con đường trước mặt ông. Ông Tét không nhớ mình đã ngồi đó bao lâu, chỉ biết lúc bóng Tết khuất dần trong đêm, lòng ông nhẹ hơn đôi chút.
Về đến nhà, đèn trong bếp vẫn sáng. Bà Mắm ngồi lom khom lau cái bàn, bé Kiệu đứng bên cạnh, ánh mắt dò xét.
“Ông đi đâu giờ này? Lại rượu chè hoài đi nha.” – Giọng bà Mắm đanh lại, chất chứa bực bội.
Ông Tét không trả lời, chỉ ngồi xuống góc nhà, đôi tay nắm chặt như níu lấy chút dũng khí còn sót lại. Bé Kiệu rụt rè bước tới, đôi mắt long lanh:
“Cha… Cha sao vậy? Cha… vui hả?”
Ông nhìn con gái, nụ cười khẽ hiện trên đôi môi khô cằn. “Cha xin lỗi. Cha sẽ sửa sai. Con tin cha không?”
Bé Kiệu ngần ngừ, nhưng rồi chầm chậm gật đầu. Ánh mắt nó sáng bừng như ngọn lửa nhỏ giữa đêm đông.
Bà Mắm đứng nhìn, ánh mắt phức tạp. Dường như bà muốn nói gì đó, nhưng lại im lặng. Trong cái dáng ngồi của ông tối nay, bà thấy một điều gì đó đã lâu lắm không hiện diện – một sự chân thành và hy vọng, dù mong manh.
Căn nhà nhỏ chìm vào yên ắng, chỉ còn tiếng côn trùng rả rích ngoài sân. Trong màn đêm đó, một tia sáng nhỏ nhoi bắt đầu le lói, chiếu rọi những vết nứt mà thời gian và nỗi đau đã để lại.
© Tiểu Kim Yên - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
Có Một Người Lạ Làm Em Yêu Đến Đau Lòng | Radio Tâm Sự
Phản hồi của độc giả
Xem thêm

Tình khó phai
Em biết anh luôn là người yêu em và nghĩ cho em nhiều nhất. Nhưng anh à, em cần nên biết mọi chuyện đầu tiên chứ không phải giờ đây em là người sau cùng mới biết được.

Khi con muốn được yêu thương nhưng lại sợ mất gia đình
Không có gì đau lòng hơn việc chính những người ta yêu thương nhất lại không thể dang tay ôm lấy ta.

Khi mặt trời mỉm cười
Tôi thấy yêu làm sao mặt trời lúc đó, tôi thấy yêu làm sao những buổi sớm mai thật lắng đọng thật nhiều cảm xúc và những nguồn huyết mạch của cuộc sống cứ cuộn trào mãi trong tôi.

Người ơi
Em thích gọi anh là người ơi, chỉ là một tiếng gọi thật ngắn thật nhanh mà chứa đựng trong đó biết bao ân tình biết bao da diết của những tháng năm mình được quen nhau, mình được yêu nhau thật trọn vẹn.

Kí ức muốn lãng quên
Kí ức về cậu có lẽ là kí ức đời này tớ muốn quên nhất, cậu cũng có lẽ là người tớ muốn quên nhất...

Xem cuộc đối thoại chua chát của 2 mẹ con trong Khi Cuộc Đời Cho Bạn Quả Quýt, tôi thề sẽ không bao giờ nói "Mẹ sống vì con"
Đứa trẻ lớn lên trong “sự hy sinh của mẹ” sẽ không học được cách hỏi mình: “Mình muốn gì?”, mà chỉ biết hỏi: “Mình nên làm gì để cha mẹ vui?”

Yên đơn phương
Em đã cố kìm nén không khóc trước mọi người. Chắc chỉ có mỗi mình anh không nhận ra tình cảm của em dành cho anh mà thôi.

Ta chưa từng đơn côi
Nỗi nhớ cồn cào nơi biển lặng Hình bóng ai gửi vào vầng trăng Để bao đêm vì sao sáng mãi Vì gần trăng nguyện toả bao đời.

Muốn gặp anh
Thật sự cảm ơn anh vì đã đến gặp em, để em có thể nói ra những lời đã cất giấu bao năm nay để có thể bước tiếp hành trình cuộc đời không có anh. Nhưng... liệu điều đó có thật sự dễ dàng?

Suy nghĩ về tiêu đề "Bước chậm lại giữa thế gian vội vã" của Đại Đức Haemin
Vậy thì “bước chậm lại” để ngắm nhìn vạn vật đang chuyển mình trong gió, bước chậm lại để ta thấu hiểu hơn về cuộc đời, về con người, hay đơn giản là bước chậm lại để gom nhặt những “mảnh người” của chính mình, để biết ta còn biết buồn, biết yêu, và biết tất thảy mọi cảm xúc như con người.