Mùa xuân sau cơn giông
2025-01-22 20:00
Tác giả: Jasmine Thi
Blog Radio - Trời đổ mưa, những giọt nước lách tách rơi xuống mái tôn, tiếng mưa át cả những lời bàn tán. Bé Kiệu, trong vòng tay cha, khóc đến nghẹn cả hơi. Bà Mắm đứng lặng, ánh mắt trĩu nặng những đau đớn. Ông Tét ngước nhìn lên bầu trời xám xịt, đôi mắt đầy tuyệt vọng. Trong lòng ông chỉ còn lại một câu hỏi không lời đáp: "Đến bao giờ… cái nghèo mới thôi đè bẹp đời tôi…'"
***
Phần 1: Ám ảnh và rạn nứt
Trời còn tờ mờ sáng, ánh sáng yếu ớt của bình minh len lỏi qua những lùm cây, đậu lại trên mái tôn đã hoen gỉ. Tiếng gà gáy vang vọng từ đầu ngõ đến cuối xóm, tiếng đầu dõng dạc, tiếng sau mệt mỏi hơn, kéo dài âm thanh lào xào trong không gian yên ắng của một vùng quê chìm trong sương sớm.
Gió nhẹ lùa qua cửa sổ mở hé, mang theo mùi rơm ẩm, trộn lẫn với mùi khói bếp, tạo thành một thứ hương quen thuộc, dễ chịu mà cũng nặng nề. Trong căn nhà nhỏ nằm nép mình sau vườn chuối, bé Kiệu ngồi xổm dưới sàn bếp. Con bé bận rộn xếp củi vô lò, đôi tay nhỏ xíu thoăn thoắt làm việc. Tiếng củi khô kêu răng rắc dưới tay nó.
Ngọn lửa đầu tiên bùng lên, ánh sáng vàng của nó nhảy múa trên gương mặt Kiệu, làm ánh mắt đen tròn của con bé như được dát một lớp ánh sáng mơ hồ. Lửa cháy, bếp nóng, nhưng lòng con bé vẫn se lạnh vì gió thổi xuyên qua những kẽ hở của bức vách.
Ngoài sân, cây ổi già nghiêng mình theo từng cơn gió. Lá khô rụng lác đác xuống khoảng đất đầy rêu xanh. Một vài con chim sẻ ríu rít chuyền cành, như muốn đánh thức cả khu vườn khỏi cơn ngủ dài của đêm.
Ở gian bếp, bà Mắm ngồi bên cái bàn gỗ cũ kỹ. Dao cứa đều trên từng bó rau xanh mướt, tạo nên nhịp điệu đều đặn như một bài ca lặp đi lặp lại. Nhưng ánh mắt bà thì xa xăm, nhìn ra cánh đồng phía xa. Nơi ấy, mặt trời còn mờ nhạt, lấp ló qua màn sương. Đôi mắt bà chứa đựng cả một bầu trời u ám, như đang gồng gánh những nỗi lo vô hình.
Cửa gỗ kẽo kẹt mở ra. Một bóng người đàn ông bước vào, dáng người hơi khom khom. Ông Tét mang theo mùi rượu nồng nặc, hơi thở lẫn trong mùi áo quần ẩm mốc và chút bụi đường. Áo ông nhàu nhĩ, đôi giày dính đầy bùn đất. Gương mặt ông đỏ bừng, nửa vì rượu, nửa vì cái lạnh thấm vào da thịt.
Ông gượng gạo cất giọng, nhỏ nhẹ nhưng khàn khàn: "Mắm, còn cơm nguội không? Cho tôi lót dạ trước đi làm."
Bà Mắm khựng lại một chút, dao trong tay hơi run. Bà khẽ thở dài, trả lời đều giọng, như đang tự nói với chính mình:"Cơm nguội hết rồi. Tôi mới nấu sáng nay."
Tiếng nói của bà trôi vào bầu không khí nặng nề, chìm vào trong bếp lửa đang cháy rực.
Bé Kiệu ngẩng đầu lên, đôi mắt tròn xoe nhìn cha. Con bé nhìn chằm chằm, đôi mắt như dò hỏi: "Cha, cha say nữa hả?"
Ông Tét cúi xuống nhìn con bé, không nói gì. Một lát sau, ông ngồi xuống, xoa đầu con, giọng trầm ấm pha chút buồn bã: "Cha không say, cha đâu có say. Chỉ hơi mệt thôi."
Con bé im lặng, đôi mắt lấp lánh ánh sáng lửa bếp. Nó chẳng hiểu hết lời cha nói, nhưng cũng không hỏi thêm. Nó quay lại công việc của mình, đôi tay nhỏ tiếp tục bận rộn bên đống củi.
Bếp lửa vẫn tí tách cháy, khói bếp cuốn lấy mái tóc Kiệu, ánh lên màu đỏ hoe. Bà Mắm lặng lẽ nhìn chồng, rồi nhìn con, lòng như bị bóp nghẹt bởi những mâu thuẫn không tên.
Một ngày bình thường cứ thế êm đềm trôi qua. Đêm xuống, khi cả xóm nhỏ chìm trong cái tĩnh mịch đặc trưng của vùng quê. Ánh trăng yếu ớt treo lơ lửng trên bầu trời đầy sao. Nhưng trong căn nhà nhỏ, không gian yên ắng bị xé toạc bởi tiếng ú ớ vang lên từ buồng ngủ của ông Tét.
"Chạy đi! Chạy nhanh lên!"
Giọng ông khản đặc, nhưng đầy hoảng loạn, như thể ông đang ra lệnh trong một trận chiến nào đó. Tiếng la của ông khiến bé Kiệu giật mình tỉnh giấc. Con bé bật dậy, đôi chân trần nhỏ xíu chạy vội qua buồng cha.
Bé Kiệu gào lớn, lay vai cha: "Cha, cha ơi, tỉnh dậy đi cha!"
Ông Tét bật dậy, cả người ướt đẫm mồ hôi. Ánh mắt ông mờ mịt, hơi thở dồn dập, như vừa chạy trốn khỏi một cơn ác mộng. Ánh trăng xuyên qua kẽ cửa sổ, chiếu lên khuôn mặt hốc hác của ông.
Bé Kiệu ôm lấy cánh tay cha, giọng run run: "Cha mơ thấy gì vậy? Cha đừng sợ, có con ở đây mà."
Ông không trả lời, chỉ ngồi thừ ra, ánh mắt nhìn vô định. Trong đầu ông, những ký ức chiến tranh lại ùa về. Ông thấy mình khi còn trẻ, đứng giữa rừng, bên cạnh là Gò, Chưng, Lụa – những người bạn thân thiết nhất của ông. Tiếng cười, tiếng hát, tất cả như một giấc mơ đẹp, nhưng rồi tiếng nổ chát chúa xé tan mọi thứ.
Ông thì thầm, giọng đầy đau đớn: "Mấy thằng bay… tao đâu có cứu nổi tụi bay…"
Bé Kiệu không hiểu cha nói gì, chỉ biết ôm chặt lấy ông, như thể sợ ông sẽ biến mất.
Sáng hôm ấy, trời vẫn âm u như muốn đổ cơn mưa. Từng lớp mây xám trĩu nặng phủ kín bầu trời, không gian ngột ngạt, đặc quánh mùi ẩm của đất bùn sau trận mưa đêm qua. Hành lang trường vắng lặng, chỉ có vài cơn gió lùa qua làm mấy tàu lá bàng khô rơi xào xạc xuống sân.
Giữa sảnh lớn, không khí như đông đặc lại. Ông Tét đứng giữa vòng người, tay chân thừa thãi, mặt đỏ bừng, không phải vì rượu mà vì oan ức. Xung quanh, đồng nghiệp của ông, một số giáo viên và cả vài học sinh tò mò tụ tập, xì xào bàn tán. Đứng ở trung tâm là thầy hiệu trưởng, ánh mắt nghiêm nghị nhưng lộ rõ sự khó chịu.
"Ông Tét," thầy hiệu trưởng cất giọng, lạnh tanh, như con dao cứa vào da thịt. "Vụ mất trộm bê tông sửa sân tập đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà trường. Là bảo vệ chính quy, ông không thể trốn tránh trách nhiệm được."
Ông Tét lắc đầu quầy quậy, giọng ông run run, nhưng vẫn cố giữ vẻ bình tĩnh:
"Thầy ơi, tôi đâu có làm gì. Tối đó tôi trực đàng hoàng. Tôi chỉ ra ngoài có một chút, không lâu đâu. Tôi không biết mấy cái bê tông đó biến mất hồi nào…"
Một giáo viên đứng bên cạnh, giọng mỉa mai:
"Ra ngoài một chút? Ra ngoài uống rượu chứ gì. Ai ở trường này mà không biết ông có thói quen trực xong là lén uống một chai? Rồi ngủ gục luôn, phải không?"
Những tiếng cười khẽ nổi lên. Ánh mắt mọi người xung quanh nhìn ông đầy ngờ vực và khinh bỉ. Ông Tét lùi lại một bước, bàn tay siết chặt, ánh mắt đau đớn:
"Tôi… tôi thề tôi không lấy gì của trường cả. Tôi nghèo thật, nhưng tôi không phải loại người đó. Tôi làm bảo vệ ở đây mười năm, chưa bao giờ… chưa bao giờ tôi nghĩ đến chuyện làm bậy."
Một giáo viên khác chen vào, giọng đầy châm biếm:
"Ông nói nghe hay lắm, nhưng nghèo với lại nghiện rượu thì cái gì cũng dám làm hết. Nhìn lại ông đi, cái dáng khòm khòm đó có đáng tin không?"
Ở một góc sân, bé Kiệu vừa chạy xuống từ lớp học, khuôn mặt con bé hoảng hốt, mái tóc lòa xòa dính vào trán ướt đẫm mồ hôi. Con bé nép sau bức tường, đôi tai nhỏ căng ra để nghe ngóng những lời bàn tán. Khi hiểu ra câu chuyện, nó không kiềm được nữa, lao ra giữa đám đông, nước mắt giàn giụa.
"Cha tui không có làm gì hết! Cha tui không phải người xấu! Sao mấy người lại nói vậy? Cha tui không lấy gì của ai hết!"
Tiếng con bé vang lên, xé tan bầu không khí ngột ngạt. Con bé níu chặt lấy tay áo cha, ánh mắt long lanh, đầy đau đớn:
"Cha nói đi, nói đi cha! Cha không làm mà, phải không?"
Ông Tét nhìn con gái, ánh mắt ông mờ đi, như bị đẩy đến đường cùng. Ông quỳ xuống, ôm chặt lấy bé Kiệu, giọng khản đặc:
"Cha không làm gì sai. Con phải tin cha. Nhưng… nhưng mà người ta không tin cha, con à…"
Từ phía xa, bà Mắm hớt hải chạy tới, chiếc áo bà phất phơ theo gió, đôi dép lấm bùn đất sau khi nghe tin từ mấy người bạn làm trong căn tin. Vừa đến nơi, bà đã nhìn thấy cảnh tượng trước mắt. Chồng mình quỳ dưới đất, con gái thì ôm chặt cha, khóc nấc lên từng hồi.
"Mấy người làm gì vậy? Sao lại ép người khác vào đường cùng như vậy?" Bà hét lớn, giọng nói pha chút nghẹn ngào.
Thầy hiệu trưởng lạnh lùng lên tiếng, không hề mảy may động lòng:
"Bà không cần làm ầm lên. Đây là chuyện cần làm rõ. Chúng tôi sẽ gửi công văn vụ việc lên tỉnh để họ điều tra. Còn hiện tại, ông Tét sẽ phải thôi chức bảo vệ chính quy của trường."
Lời nói như nhát dao giáng thẳng vào lòng bà Mắm. Bà bước tới, đỡ ông Tét đứng dậy, giọng run rẩy:
"Ông ấy không làm gì cả! Tôi biết ông ấy! Ông ấy nghèo, nhưng ông ấy không bao giờ ăn cắp!"
Ông Tét cúi gằm mặt, bàn tay thô ráp của ông khẽ nắm lấy tay vợ, siết chặt. Nhưng ông không nói gì nữa. Những lời giải thích đã không còn giá trị.
Trời đổ mưa, những giọt nước lách tách rơi xuống mái tôn, tiếng mưa át cả những lời bàn tán. Bé Kiệu, trong vòng tay cha, khóc đến nghẹn cả hơi. Bà Mắm đứng lặng, ánh mắt trĩu nặng những đau đớn.
Ông Tét ngước nhìn lên bầu trời xám xịt, đôi mắt đầy tuyệt vọng. Trong lòng ông chỉ còn lại một câu hỏi không lời đáp:
"Đến bao giờ… cái nghèo mới thôi đè bẹp đời tôi…"
Khi về nhà, bà Mắm đứng tựa cửa bếp, nhìn ông từ xa, ánh mắt vừa buồn vừa thất vọng. Bữa cơm tối hôm đó, không còn tiếng nói cười. Cơm nấu chung nồi, nhưng người ngồi riêng mâm.
Bà Mắm nói lời nhẹ nhàng mà lạnh lùng: "Tôi nói hoài mà ông không nghe. Ông cứ uống mãi, tới khi khổ cả nhà này mới vừa lòng hả?"
Ông định nói gì đó, nhưng lại thôi. Bé Kiệu cúi gằm mặt, vừa ăn vừa nhìn cha mẹ bằng ánh mắt sợ hãi.
Trời về khuya, cái lạnh len lỏi qua từng kẽ lá, như muốn nhấn chìm cái xóm nhỏ trong sự yên lặng bức bối. Ánh trăng nhợt nhạt rải một lớp bạc mờ mờ lên sân gạch loang lổ rêu xanh. Tiếng côn trùng rả rích vang lên như nhắc nhở về sự tịch mịch, kéo dài không dứt.
Ở góc sân, ông Tét ngồi bệt trên bậc thềm, chai rượu nhỏ đặt bên cạnh. Tay ông run run mở nắp, rót một ngụm vào miệng. Rượu cay xè, nóng bỏng cả cổ họng, nhưng chẳng làm ấm được lòng. Gương mặt ông, dưới ánh trăng, lộ rõ vẻ nhọc nhằn, đôi mắt trũng sâu, hằn lên những vệt mờ của thời gian và khổ cực.
Ông ngửa cổ, ánh mắt dán lên bầu trời đầy sao, miệng lẩm bẩm như nói với chính mình:
"Mắm à, hồi đó bà hay cười lắm… Nhớ lần đầu gặp bà ở chợ, tôi lóng nga lóng ngóng không biết nói sao… Cũng chỉ vì mấy cái bánh bà bán mà tôi đi ngang quầy không biết bao nhiêu lần."
Ông bật cười, tiếng cười khô khốc pha lẫn chút nghẹn ngào:
"Rồi cũng nhờ bà mạnh dạn mở lời… 'Mua bánh không, anh bảo vệ?' Bà nói vậy đó… Cái giọng ngọt như mía lùi. Tôi mua, mà có ăn được đâu. Chỉ để ngồi ngắm bà cười."
Ông Tét cúi đầu, bàn tay chai sần siết chặt chai rượu, giọng chùng xuống:
"Ngày tôi thú thiệt mình nghèo, bà không giận mà chỉ nói… 'Nghèo thì làm cho khá lên, em chỉ cần mình thương nhau. Mình cùng nhau, hai bàn tay gầy dựng hết thảy.' Nghe vậy mà tôi mừng chảy nước mắt. Rồi bà lại dặn, 'Chỉ mong mai mốt anh đừng phụ em."
Ông ngửa cổ uống thêm một ngụm, đôi mắt đỏ hoe:
"Giờ thì sao… Tôi không phụ bà, mà như thể phụ cả bản thân mình rồi. Mắm ơi… bà có đang phụ tui không? Hay là tôi làm bà khổ quá rồi?"
Cách đó không xa, bà Mắm đứng tựa vào nếp cửa. Ánh sáng từ bếp hắt ra nhàn nhạt, rọi lên gương mặt đầy ưu tư của bà. Bà nhìn bóng dáng ông chồng ngồi dưới ánh trăng, chai rượu lấp lánh trong tay ông như một thứ ánh sáng lạnh lẽo. Tay bà khẽ nắm chặt mép cửa, lòng dâng tràn những cảm xúc không tên.
Bà lẩm bẩm:
"Ngày đó mình đâu nghĩ sẽ đến mức này… Tôi thương ông, tin ông, dù biết ông nghèo, tôi vẫn chọn bước theo. Vậy mà giờ đây, nghèo làm con người ta cục tính, cục nết cả rồi. Tôi cứ hay quát mắng ông, lớn tiếng với ông, chỉ vì cái nghèo bóp nghẹt cả hai đứa."
Gió đêm thổi qua, lành lạnh, luồn vào mái tóc đã lốm đốm bạc của bà. Một tiếng thở dài thoảng qua không gian:
"Nhưng mà, ông có biết… tôi mắng ông, tôi giận ông, chỉ vì tôi lo, vì tôi sợ… Sợ con Kiệu phải chịu khổ như tôi hồi đó. Ông ơi, tôi không biết phải làm sao nữa."
Ngoài sân, ông Tét lại nhấp thêm một ngụm rượu, gương mặt ánh lên chút bần thần. Ông cầm chai rượu trong tay, giơ lên trước ánh trăng như tự hỏi:
"Phải chi… cái chai này không làm tôi quên hết mọi thứ. Phải chi tôi bỏ được nó, Mắm ơi…"
Từ trong nhà, bé Kiệu lặng lẽ ngồi bên cửa sổ, tay chống cằm, ánh mắt trong veo nhìn cha mẹ. Dù chưa hiểu hết những lời nói của cha, những giọt nước mắt giấu kín của mẹ, con bé vẫn cảm nhận được sự bất an bao trùm lấy gia đình nhỏ của mình.
Đêm ấy, ánh trăng vẫn treo lơ lửng trên cao, sáng mà lạnh lẽo. Tiếng côn trùng vẫn đều đều vang lên. Nhưng trong lòng mỗi người, những âm thanh của quá khứ và hiện tại cứ vang vọng, không sao lặng xuống được. Cả nhà lại trải qua một đêm không ngủ yên.
© Jasmine - blogradio.vn
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Giữa chốn phồn hoa gặp được người
Giữa chốn phồn hoa ấy, hai con người xa lạ vô tình gặp nhau trên đường đời. Họ bước vào cuộc đời nhau chữa lành những vết thương cho nhau.Đi qua nhữn giông bão của cuộc đời. Hoa nở hoa tàn vẫn yêu sâu đậm.
Cuộc sống bạn muốn là gì?
tôi muốn mình được vỗ về, để đứa trẻ bên trong được xoa dịu tôi muốn ai đó đến bên, để trái tim thổn thức từng nhịp tôi muốn mình say với đời được thở và sống
Tháng Giêng năm Ất Tỵ, có 4 con giáp tiền vô như nước
Đầu năm Ất Tỵ 2025, vận mệnh của một số con giáp sẽ gặp nhiều thuận lợi và may mắn.
Đoạn đường cũ
Có những cuộc tình không tên gọi, nhưng vẫn nhớ, vẫn yêu vẫn đợi và thậm chí là vẫn đau khổ vì những điều đó nhưng chỉ là không thể bên nhau, không thể nói chuyện, thậm chí ngay cả gặp mặt cũng không thể. Cuộc tình dù đúng dù sai dù đau khổ hay hạnh phúc, đúng tốt đẹp hay không cũng chí là một cách nhìn từ bản thân, từ đối phương.
Đủ buồn để buông
Mọi sự dịu dàng và an toàn trước kia anh đem đến, tôi còn chưa kịp tận hưởng đủ, anh đã vội lấy đi. Có tàn nhẫn không? Giá mà, anh đừng chữa lành tôi, giá mà anh không đem đến cho tôi một hi vọng khác, để rồi hôm nay phải tự mình bước tiếp với thêm nhiều vết thương khác.
Khi tôi bắt đầu cuộc sống mới – Kết hôn
Trong đoạn đường đời của mỗi người rồi ai cũng sẽ phải rời đi để chăm lo cho cuộc sống riêng. Nhưng cũng đừng vì vậy mà tiếc nuối, mà buồn bã. Bởi ai rồi cũng phải tự đi hết con đường mà bản thân đã chọn, ai rồi cũng sẽ hoàn thành phần còn lại của cuốn sách mà bản thân đã tự viết lên.
Tết xa quê
Tết xa quê nặng trĩu niềm thương Dẫu phố đông nhưng chẳng thấy vui sướng Con nhớ những hoài niệm ấm áp Chờ đón Tết trong giây phút ngày xưa.
Tôi chật vật giữ lấy lương tâm
Lúc này, tôi mới nhận thức được một cách rõ ràng về cuộc sống này và cũng nhận ra tại sao trước đây cuộc sống của tôi dễ dàng và thuận lợi đến thế. Bởi những vất vả và khó khăn đều được bố mẹ chắn chịu hết rồi, họ không bao giờ để tôi bị thật sự tổn thương, có chăng thì cũng là do tôi tự tưởng tưởng.
Viết để chữa lành
Trong từng trang viết, tôi tìm thấy một phần nhỏ bé của chính mình, những khát khao và nỗi sợ, những niềm vui và nỗi đau.
Cho đi yêu thương là một lựa chọn
Tôi hiểu cảm giác bất lực khi bản thân mình không có gì trong tay và phải bỏ lỡ rất nhiều cơ hội tốt, cùng với đó là việc không thể chăm lo tốt cho những người thân yêu của mình. Cảm giác ấy thật sự rất là tồi tệ.