Phát thanh xúc cảm của bạn !

Blog Radio 746: Tiếp nối của hạnh phúc

2022-03-05 00:05

Tác giả: Lê Thị Thúy Nhân Giọng đọc: Sand

blogradio.vn - Kết cục có như nào, thứ chúng ta bỏ lại không chỉ là đau khổ, mà còn là hi vọng và một sự tiếp nối, tiếp nối…của Hạnh Phúc.

***

Bạn từng nghe về sinh vật cô đơn nhất hành tinh chưa? Một chú cá voi phát ra tiếng vọng có tần số 52 Hz, cao hơn nhiều so với tần số phát ra của những chú cá voi khác.

Cả một đời dài đằng đẵng của chú, không hề có bạn đồng hành. Một mình ngang dọc dưới đại dương sâu thẳm, không ngừng phát ra tiếng gọi bạn tình nhưng không hề nhận được lời hồi đáp, độc lai độc vãng bơi qua ngàn dặm. Tôi vô tình nghe được bản ghi âm của tiếng gọi này ở trên mạng, kết hợp với câu chuyện của chú, nghe sao mà bi thương.

Chắc đó gọi là muốn yêu lại chẳng thể yêu được, động vật cũng vậy, con người có khi cũng thế, muốn yêu lại chẳng thể yêu. Nhưng chú cá voi ấy còn có dũng khí tiếp tục cuộc hành trình của mình, chờ đợi có một ngày sẽ có chú cá voi khác đáp lại tiếng vọng ngoài xa, bởi không một ai có thể cho chú biết hi vọng chú trao đi vốn là vô vọng. Nếu có đủ thông minh, chắc chú cũng hiểu, một đời đã trải qua dài như thế, phải chờ đợi đến bao giờ?

Còn tôi, 30 tuổi, biết trước mình không thể là gánh nặng cho người khác, nên chấp nhận một đời trôi qua nhàn nhạt, mỗi ngày cảm giác như bản thân đang chìm sâu vào một sa mạc toàn cát lún. Gió thổi, nắng gắt cũng không sợ, bởi có nỗi sợ nào nhiều hơn hai thứ: mất đi người khác, hoặc giả, mất đi chính mình?

blogradio-tiep-noi-cua-hanh-phuc

***

Abruzzo, đầu xuân năm 2019.

“Matteo, ngoại trừ những bức tranh triển lãm vào tháng 5, thì còn lại bao nhiêu bức?”

 “Duy, còn 5 bức.”

 “Cậu hạ giá bán hết đi, sau đó tìm cho tôi một công ty bất động sản uy tín được không?”

 “Cậu cần tiền hả?”

 “Không, tôi muốn về nhà.”

 Matteo là bạn, là anh, là cha chú, cũng như là người đại diện dẫn dắt tôi khi tôi chân ướt chân ráo đến Ý. Cậu ấy giới thiệu tôi tham gia những cuộc thi vẽ, từ lớn đến nhỏ, tập hợp tài liệu để tôi tìm hiểu, dễ dàng có cơ hội đoạt giải, nâng cao giá trị bản thân mình. Đương nhiên, khi tôi nói tôi muốn về nhà, cậu ấy chắc chắn biết thời gian của tôi đã không còn nhiều nữa.

Hít một hơi dài, Matteo lại hỏi: “Vậy triển lãm tranh của tháng 5 phải làm thế nào?”

“Sau triển lãm, bán ra tất cả, chọn bức cậu ưng ý nhất giữ lại làm kỉ niệm, số còn lại gửi cho viện phúc lợi đi. Tôi cũng đâu có mang theo được.”

“Cậu còn bao nhiêu thời gian?”

“ Nửa năm.”

“Thế tại sao không tham gia triển lãm rồi hẳn quay về?”

“Matteo, mười năm nay tôi mở triển lãm không ít, thiếu đi một cái cũng không sao. Chi bằng về nhà sớm hơn, cậu hiểu chứ?”

“Cậu không yêu đất nước này ư? Đây là nơi cậu được tái sinh mà?”

­“Yêu chứ, nơi bản thân được tái sinh sao lại không yêu. Nhưng nơi tôi trải qua thời niên thiếu, tuổi thanh xuân bồng bột lại là Việt Nam, nơi tôi được sinh ra, trải qua ấm áp cùng bố mẹ!”

“Được, tôi hiểu rồi, chuyện nhà cửa với phòng tranh cậu không cần phải lo, tận hưởng cho tốt đi. Về bên ấy sớm cũng được. Giữa chúng ta không cần nhiều lời.”

“Cậu mới nhiều lời ấy!”

Matteo dập máy, mỗi lần tôi trêu cậu ấy đều dập máy vì giận dỗi. Cậu ấy khác tôi, hiền hòa điềm tĩnh, tôi tuy là một anh "thợ vẽ" ba xu nhưng tính tình không lo không nghĩ, ưa bông đùa và thiếu nghiêm túc. Nhưng mà, chúng tôi chơi với nhau cũng ngót nghét chục năm rồi.

Mùa xuân ở Abruzzo là mùa đẹp nhất trong năm, Abruzzo lại là vùng đất xanh mượt nhất ở nước Ý. Thơ mộng, đẹp đẽ, dịu dàng mang đến cho người ta rất nhiều cảm hứng nghệ thuật. Nhắc đến Ý người ta nghĩ đến kinh đô thời trang Milan, vô tình bỏ qua một bài thơ đẹp thế này.

Đẹp thế này, mà tôi đang ngồi trên xe để chuẩn bị rời đi. Mười năm gắn bó, không khỏi có chút nhớ nhung. Tôi để lại cho nơi này những bức tranh mang linh hồn của mình, dù nó có được bán đi cho những vùng đất khác, nhưng nó sinh ra ở Ý, mang hơi thở của nơi đây.

khieu_-_vu_3

Năm hai mươi tuổi, tôi mang theo một trái tim ngập tràn những vết xước mơ hồ. Được con người và núi non ở nơi này xoa dịu lại lành lặn, tràn đầy sức sống. Dù cô độc, dù cố chấp, nhưng tôi đã học được cách yêu lại cuộc đời. Yêu chính mình cũng là yêu. Yêu cái nghề của bản thân cũng là yêu. Yêu bảng màu, cọ vẽ, yêu từng cái giá tranh mình tự tay chọn lựa, yêu những sản phẩm mình sáng tạo ra.

Tâm thức đặt trọn vào nó, cũng là một loại ru ngủ chính mình. Rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Nhưng có bữa tiệc nào không tàn, khi bạn đang đắm chìm vào những thứ tốt đẹp mà cuộc đời mang lại, cũng có những điều lặng lẽ bị mài mòn. Ví dụ như, con người tôi.

Miên man trong suy nghĩ, mặt mũi tôi trầm đi khiến vị tài xế già cũng căng thẳng theo. Hiện tại là buổi chiều, chắc bác ấy hoàn thành xong cuốc xe này sẽ về nhà với gia đình. Bon bon trên đường cao tốc, chúng tôi bỏ lại những tàn lá kim xanh mượt. Hai chữ bỏ lại này mang rất nhiều tầng nghĩa, mà tàn lá kim màu xanh ấy, cũng không chỉ đơn giản là tàn lá kim. Mỗi sự vật tồn tại ở không gian này này đều bị thời gian trói buộc, vừa sinh ra đã thuộc về vận mệnh, mà tôi thì chưa từng chống cự hay có bất cứ phàn nàn gì về cuộc đời, chắc có lẽ đã quá quen với thật nhiều mất mát trước đây.

Sài Gòn đón tôi bằng một trận nắng khủng khiếp, chứ không phải là một cơn mưa mùa hè như tôi vẫn tưởng. Nhanh nhanh chóng chóng thu dọn đồ đạc vào nhà mới, một căn nhà thuê hai tầng ở một quận ngoại thành, mọi thứ đã được sắp đặt chu đáo.

Đến đây phải cảm thán một câu, năng lực của Matteo thật sự rất tốt. Bày trí của căn nhà không khác chỗ ở trước kia là mấy, chỉ riêng vài thứ không thể mua được ở Việt Nam, còn lại đều giống. Thời tiết không được mát mẻ cho lắm, tôi chẳng thà ở nhà ôm điều hòa đi ngủ còn hơn phải ra ngoài. Nhưng mà người muốn sống thì nhất định phải ra ngoài, tôi không phải là người hướng nội hay gì, chỉ là có chút ác cảm với sự ồn ào, hỗn loạn.

Ở nhà mãi cũng phải đến lúc làm việc, tôi khoác một chiếc áo mỏng đi đến cửa hàng bán dụng cụ vẽ tranh mà mười năm trước đã nổi tiếng khắp Sài thành. Năm ấy tôi mười bảy tuổi, cuốc bộ ngang qua chỗ này để tới trường, thấy một lão cán bộ tay trái cầm cọ vẽ, tay phải cầm bảng màu, đang tỉ mẩn lên những nét cuối cùng cho bức mẫu đơn bên hồ cá chép. Tôi không lại gần, nhưng cứ nhìn chầm chầm ông ấy, chiếc sơ mi màu xanh lem luốc một vài vệt màu đỏ nhạt, tạp dề đã không còn rõ màu sắc, khuôn mặt tập trung cứ như đang hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật vĩ đại.

Thời gian trôi rất nhanh, sau khi chấm một điểm màu trắng ở giữa đóa mẫu đơn. Ông thở hắt ra, ném cọ vẽ vào chậu nước.  Còn đối với kẻ ngoại đạo như tôi, ông ấy tặng cho một nụ cười tươi rồi hỏi. "Thích vẽ à? Ngày mai tới, tôi dạy cậu!"

Tôi giật mình bỏ chạy, nhưng trong lòng lại nhen nhóm một niềm hân hoan khó tả, trái tim đập mạnh vì chạy nhanh hay vì hồi hộp chẳng biết. Nhưng mà đứng trước cổng trường đã khép từ bao giờ, tôi như chết lặng. Tôi chưa từng trễ học, dù chỉ một ngày.

yeu_35

Hôm nay tôi quay lại, chỉ mới mười mấy năm, đương nhiên sẽ không có tình tiết cảnh còn người mất. Nhưng thời gian chưa từng tha ai, thầy ấy vẫn ở đó, nhưng hôm nay không còn cầm cọ vẽ nữa, mà đang nắm chặt tấm khăn lau, kì mài trên những giá vẽ bám bụi.

Khi tôi đặt giỏ trái cây xuống bàn, ông ấy chỉ nhướng nhẹ lông mày, đẩy cặp kính cận lên trên, lặng lẽ đánh giá người trước mặt. Sau đó: "Ồ, rắn con đã trở về đấy à?"

Tôi phì cười, đáp lại: "Đúng vậy, rồng nhỏ đã trở về đây rồi!" Thầy gọi tôi là rắn con, vì lúc còn trẻ tuổi tôi ngồi vẽ mà cứ uốn éo lưng, không bao giờ thẳng người được quá 5 phút. Nhưng tôi lại không thích thầy gọi tôi là rắn con, ít nhất tôi cũng phải là rồng, dù nhỏ tuổi đi chăng nữa.

Trong buổi chiều đơn sơ đạm bạc đó, tôi ngồi nghe thầy kể về những thay đổi của Sài Gòn hơn chục năm qua, tôi kể về những chuyện tôi đã trải qua ở nước ngoài, không đề cập nhiều đến những giải thưởng đã lấy được, vì người như thầy, những phù phiếm nằm trong "giới" không quan trọng bằng tác phẩm. Thầy chỉ quan tâm mười mấy năm qua tôi vẽ được bao nhiêu bức tranh, cơm có đủ ăn, mặc có đủ ấm hay không.

Chào tạm biệt thầy, tôi còn mua về giá tranh, giấy vẽ và màu nước mà không thể mang từ Abruzzo về được. Sự có mặt của một người từ nơi xa trở về đất nước cũng không làm cho Sài Gòn bớt bận rộn, chỉ đổi lại vài ánh mắt tò mò khi tôi chuyển hành lý vào. Tôi lười phải giao tiếp với những suy nghĩ trong đầu họ. Tôi biết mà, một kẻ lập dị, ít nói, ít cười đon đả chỉ xứng đáng với sự tò mò đôi chút mà thôi.

Tôi bảo Matteo tìm cho tôi một giúp việc, làm nhiều ít nói, không ngờ Matteo trực tiếp tìm cho tôi một cô bé không có khả năng nói bẩm sinh, chỉ có thể giao tiếp bằng thủ ngữ. Cô bé tên Hạnh Phúc, một cái tên tràn đầy hi vọng đối với cuộc sống.

Hạnh Phúc rất yên tĩnh, buổi tối trước khi ngủ sẽ dán giấy nhớ lên tủ lạnh hỏi tôi ăn gì. Buổi sáng sẽ đi chợ và nấu ăn cho cả ngày. Có khi tôi không biết phải ăn gì thì gạch một cái, cô ấy sẽ tự quyết định. Khi tôi vẽ tranh thì cô ấy ở bên ngoài lau dọn nhà cửa, lâu lâu sẽ gõ cửa phòng hỏi tôi có muốn uống nước hay ăn vặt gì không. Thi thoảng sẽ đứng ở cửa phòng sách xem tôi vẽ chứ chưa bao giờ đến gần. Giấy vẽ tôi vứt lung tung do không vừa, ý cô ấy sẽ dọn dẹp sạch sẽ, nhưng đám giấy đó không biết đã biến đi đâu vì không bao giờ thấy chúng có mặt ở thùng rác. Cô ấy xin nghỉ chủ nhật để về nhà, có hôm tôi ra ngoài, cho Hạnh Phúc đi nhờ xe, mới biết…nhà cô ấy là Nhà Mở dành cho trẻ mồ côi. Hạnh Phúc là tên của mẹ lớn đặt khi người ta bỏ cô lại trước thềm cửa. Cô ấy năm nay đã qua tuổi thành niên, có thể rời khỏi đó và sống một cuộc đời mới, nhưng vẫn lựa chọn gắn bó để nuôi dạy những đứa trẻ bị bố mẹ ruồng bỏ.

Tôi không bị ruồng bỏ, nhưng tôi lại phải ở lại thế gian này một mình. So ra lại thấy bản thân may mắn hơn biết bao người. Họ từ sớm đã chẳng biết ấm áp của gia đình, tôi từng có, nhưng là từng có…

yeu_-9051_(1)

Sống chung một mái nhà, tôi không thể cứ giao tiếp với Hạnh Phúc qua giấy nhớ và bảng con được. Tôi chủ động tìm hiểu về thủ ngữ, nhưng học rồi mới biết nó khó vô cùng, Hạnh Phúc giơ tay nghiêng đầu rõ đẹp. Còn tôi cứ như một thằng tâm thần trốn trại đứng trước gương giơ tay năm ngón. Hạnh Phúc vừa dạy vừa cười tôi, cô ấy cười rất xinh đẹp, mang đầy năng lượng tích cực, lại nhẹ nhàng như nắng sớm. Nếu có thể phát ra âm thanh, chắc sẽ rất vui tai. Âm thanh của những người quen thuộc và bạn có cảm tình sẽ là thứ âm thanh vui vẻ. Còn âm thanh phát ra từ những người xa lạ đầy mưu toan sẽ khiến bạn mệt mỏi và muốn bịt tai.

Thứ âm thanh mà bạn nghe vào tai thì ra mang rất nhiều cảm tính.

Một ngày mùa đông, sau khi hoàn thành một bức tranh tôi ghi lại những cánh bằng lăng màu tím rơi ngoài cửa sổ. Khi đứng dậy, thế giới bỗng nhiên tối sầm, tôi biết mình sẽ như thế này, chỉ là nhanh và sợ hãi quá!

Lúc mở mắt ra, tôi thấy loáng thoáng Hạnh Phúc đang đứng lắng nghe ai đó nói chuyện, liên tục gật đầu. Khi ý thức rõ ràng, tôi mới biết là bác sĩ đang trao đổi, bác sĩ liếc mắt thấy tôi tỉnh thì lại gần.

“Cậu biết tình trạng của bản thân chứ?”

“Tôi biết thưa bác sĩ.”

“Tôi khuyên cậu nên phối hợp chữa trị đi, y học đã tiến bộ rất nhiều, đừng quá tuyệt vọng.”

Tôi không trả lời, vị bác sĩ đanh mặt rồi bước ra ngoài. Hạnh Phúc kê cái gối dưới lưng cho tôi rồi lấy thuốc kê sẵn bốc ra cho tôi uống cùng nước lọc.

“Em hẳn là rất sợ? Nếu sợ, em có thể nghỉ từ hôm nay, anh sẽ thuê hộ lý.”

Hạnh Phúc lắc đầu, sau đó lấy điện thoại gửi tin nhắn cho tôi vào messenger.

“Em không sợ, nhưng mà, bác sĩ khuyên anh nên ra nước ngoài điều trị đi.”

Tôi gửi lại một cái icon mặt trời thân thiện, rồi nằm xuống. Hai ngày sau, tôi xuất viện cùng với một túi thuốc thật to. Hạnh Phúc đi lấy giùm tôi, sau đó lại giấu vào túi không cho tôi thấy. Nhưng vụng quá, tôi thấy mất rồi!

Hôm nay Hạnh Phúc phải trở lại Nhà Mở, tôi nằm ở nhà chán chường lại ngồi dậy pha màu, bật nhạc rồi vẽ vời. Không tìm được cảm hứng, lại xé giấy và vứt đầy xuống sàn nhà. Sau đó lại ngồi ì trên sofa chơi game.

“Phúc ơi, dọn giùm anh rồi nấu cơm nhé! Anh đói rồi!”

Không có tiếng trả lời, à, hôm nay cô ấy về nhà rồi, tôi quên mất!

Thế là tôi tự dọn lại đống giấy vụn, sau đó để lại một chỗ cho Hạnh Phúc muốn đem đi đâu thì đem. Tự đập một cái trứng gà ăn cùng với cơm trắng, nấu cầu kì hơn thì chịu, tôi không làm được đâu!

Cửa phòng Hạnh Phúc luôn đóng kín, đi ra ngoài còn khóa trái lại. Mới đầu tôi cứ tưởng em ấy sợ tôi làm gì không đứng đắn, nhưng sau này mới biết là thói quen. Hôm nay lại quên đóng cửa, gió từ cửa chính ùa vào cứ phát ra tiếng động, tôi định đóng cửa thì lại bắt gặp một bất ngờ.

Cô ấy giữ lại toàn bộ giấy vụn tôi vò lại ở một sọt giấy rất to. Trên tường cũng treo rất nhiều tranh. Màu sắc trông rất quen thuộc lại có phần tươi mới ý tứ hơn. Nhìn một lúc tôi mới nhận ra là những tờ giấy bỏ đi của mình, Hạnh Phúc đã chỉnh sửa và hoàn thiện chúng như những tác phẩm thật sự. Phần mép giấy có hơi nhàu do tôi vò rất mạnh tay, nhưng nét vẽ lại mới mẻ và màu sắc chỉnh sửa lại có phần ngô nghê nhưng rất dễ chịu.

Hóa ra, Hạnh Phúc thích vẽ đến vậy. Cô ấy chưa từng cho tôi biết! Chỉ im lặng đứng từ xa xem tôi vẽ rồi thu dọn những phế tích của cảm xúc này lại.

Từ đường nét, bố cục và tỉ lệ cho thấy Hạnh Phúc không phải dân chuyên nghiệp, không được học hành bài bản như tôi. Nhưng chính sự tùy hứng và không chuyên lại bù khuyết đi những thứ mà tôi đang thiếu ở hiện tại: cảm xúc và cái hồn của một tác phẩm hoàn mỹ.

Tôi nhìn kỹ trong phòng , la liệt bảng màu và cọ nhưng chất lượng không được tốt lắm. Cái giá vẽ tôi vứt đi vì không ưng, cô ấy chỉnh sửa lại để sử dụng là thứ duy nhất có chất lượng ở trong phòng.

co_-_gai_52

Những mảnh giấy trước hôm tôi nhập viện vừa được ủi phẳng và để trên bàn. Tôi không nghĩ là nó sẽ nằm ở đây và được trân trọng đến thế, ánh đèn vàng vàng dạ lên màu giấy làm mọi thứ chợt như xưa cũ, như xa lắm rồi. Cứ như ngày mà mẹ tôi còn nâng niu những bức tranh của tôi vẽ khi tôi còn học tiểu học, dù là điểm thấp hay cao.

Tôi bước ra ngoài, vơ vội áo khoác rồi đến tìm thầy của mình.

“Lại ốm đi một chút”. Ông ấy vẫn giữ thói quen chùi chùi tay vào tạp dề mỗi khi tạm phải dừng lại. Đôi mắt nhướng nhướng lên dưới cặp kín dày đánh giá tôi.

“Cơ địa thầy ạ! Em nào có mập mạp bao giờ!”

“Chú ý thân thể!”

“Vâng”

Ông ấy pha trà, hỏi tôi tại sao lại đến đây. Tôi cười cười rồi mới nói.

“Ngày xưa sao thầy lại nhận em làm học trò thế?”

“Vì em trông rất ngốc!”

Tôi trố mắt!

“Rất ngốc nhưng khi nhìn người khác vẽ em rất chăm chú, mắt rất sáng, như kiểu đang tìm tòi cái gì đó mới mẻ và đam mê lắm!”

Tôi uống một hớp trà, xong mở lời.

“Nếu một người nhặt nhạnh lại phế phẩm của người khác rồi tạo lại một tác phẩm, chắc hẳn là rất yêu vẽ đi?”

“Rất yêu, còn rất sáng tạo và biết chữa lại linh hồn của người khác!”

Thầy nói tiếp: “Chắc là em muốn nhận học trò rồi chứ gì?”

“Sao thầy biết?”

“Đoán thôi, lúc em nhìn tôi vẽ, tôi cũng có một vài suy nghĩ tương tự như vậy!”

“Thầy đã nghĩ gì?”

“Không nói cho em biết!”

-----

Tôi mua thêm dụng cụ vẽ, mang về đến nhà suýt chút nữa ngừng thở vì quá nặng. Đến cửa thì thấy Hạnh Phúc đã trở lại rồi, chắc cô ấy ngạc nhiên lắm vì lần này tôi mua nhiều quá.

Vào đến nhà tôi bảo: “Em đem hết những bức tranh em vẽ ra đây!”

Cô ấy trố mắt nhìn tôi một hồi rồi lúng búng giật đầu, tôi nghe trong phòng một trận hỗn loạn rồi mới thấy Hạnh Phúc khiêng ra một chồng giấy, có bức treo trên tường, có bức để trên bàn.

“Em biết vẽ?”

Cô ấy gật.

“Em tự học?”

Cô ấy lại gật!

“Học bao lâu rồi?”

Cô ấy giơ 3 ngón tay…

“Ba năm?”

Lại gật.

“Có muốn anh dạy cho em không?”

Tiếp tục gật, nhưng có vẻ là gật đầu theo quán tính. Đầu cúi xuống, mắt nhìn mũi, mũi nhìn miệng. Sau đó, dường như hiểu được câu hỏi, Hạnh Phúc ngẩng đầu nhìn tôi, mắt long lanh.

Sau đó là những chuỗi ngày dạy học đầu tiên trong cuộc đời của tôi. À, chắc cũng là lần cuối cùng. Mục tiêu như một liều thuốc hiệu nghiệm, sức khỏe tôi dạo này tốt lên trong thấy do được ăn uống đầy đủ và uống thuốc đúng giờ. Nhưng chuyện xuất ngoại trị bệnh tôi cứ phớt lờ đi.

Hạnh Phúc cũng không dám nhắc tôi về chuyện đó, mỗi lần nhắc, tôi lại im lặng.

em_891

“Từng có một họa sĩ nữ bị hỏng giác mạc, trong lúc thương tật được bạn trai che chở, chăm sóc. Nhưng vì mới quen biết nên cô ấy không hề biết đến mặt của bạn trai mình. Cô ấy thường sờ vào gương mặt người yêu để cảm nhận từng đường nét, nhưng ánh mắt cô ấy lại không thể mường tượng được. Sau đó chàng trai vì xui rủi mà tai nạn qua đời, cô ấy cho đến lúc thay giác mạc vẫn chưa thấy được mặt người yêu.

Khi sáng mắt rồi, cô ấy ngồi trước giá vẽ, sờ lên giấy như đang cảm nhận thứ gì đó, rồi cầm cọ lên. Cô ấy dựa vào những gì mình cảm nhận mà vẽ nên khuôn mặt, nhưng lại để đôi mắt ở bước cuối cùng. Cẩn thận nhớ lại chuyện đã qua, cô ấy nhẹ nhàng họa nên đôi mắt của chàng trai ấy. Mở lại chiếc điện thoại cũ của chàng trai đó, ngoài đường nét gương mặt gần như chuẩn, thì cái thần của đôi mắt chàng trai là thứ khiến người ta ngạc nhiên. Nó rất giống nhau. Trong sáng, lương thiện và đầy dịu dàng.”

“Em đúc kết được gì qua câu chuyện này?”

“Thật cảm động!”, Hạnh Phúc dùng thủ ngữ nói chuyện, dạo gần đây tuy không thể dùng thủ ngữ rành rọt như Hạnh Phúc, tôi cũng có thể hiểu sơ sơ rồi!

“Là đôi mắt, bức chân dung một người quan trọng nhất là đôi mắt đấy, em lại mất tập trung rồi!”

Hạnh Phúc nhe răng cười giả lả, mỗi lần như thế tôi lại ôm ngực tức giận một phen.

“Giờ thì em thử vẽ anh xem, anh không ngồi làm mẫu đâu, lấy ảnh trên điện thoại ấy.”

Cô ấy ngồi im tại chỗ, ra vẻ đang suy nghĩ gì đó nghiêm túc lắm.

“Sao đấy?”. Tôi hỏi.

Cô ấy lại long lanh cặp mắt to tròn nhìn tôi.

“Em có thể nhắm mắt lại sờ vào khuôn mặt của anh thử không? Như cô gái trong câu chuyện vừa nãy vậy?”. Đó là tin nhắn của cô ấy gửi cho tôi, chứ không dám nói trước mặt.

Tôi chần chừ giây lát rồi cũng đồng ý nhưng với điều kiện là sau khi sờ thì không được xem nguyên mẫu mà phải tự tưởng tượng ra để vẽ. Hạnh Phúc gật đầu như gà mổ thóc!

Chúng tôi ngồi đối diện nhau, tôi cũng nhắm mắt theo vì đây là lần đầu có người khác giới sờ lên mặt tôi. Thật ngại, nhưng mà hi sinh vì thử thách cho học trò thì cũng đâu có sao.

Khi cô ấy đụng đến đôi môi, tim tôi bỗng thịch một cái rồi đập siêu nhanh. Tuổi 30 cho con người ta đủ thông minh để biết đó là biểu hiện của điều gì, nhưng tôi làm như không có chuyện gì xảy ra, kết thúc buổi học kì kì quái quái này thật sớm.

Lý thuyết và thực hành thực sự khác nhau, tác phẩm đầu tiên của cô ấy sau khi sờ mó qua mặt tôi hỏng bét.

Hạnh Phúc ngượng ngùng cười, ra dấu bảo em sẽ thử lại.

Tôi đưa hai tay ra hai bên, ra ý “Tùy em thôi!”

Thi thoảng tôi sẽ chở Hạnh Phúc vòng vòng thành phố để cô ấy ghi nhanh lại những chuyển động của Sài Gòn về đêm hoặc sáng sớm. Đến Nhà Mở vẽ lại chân dung của từng em bé một. Tuần trước, lại có một đứa trẻ sơ sinh vừa đưa đến. Mẹ lớn đặt tên nó là Hân, Hân trong hân hoan, mỗi đứa trẻ ở đây đều được đặt một cái tên mang ý nghĩa cầu phúc. Hạnh phúc, hân hoan, như ý, hoàn hảo. Cũng là ước mong của bố mẹ chúng khi sinh chúng ra đời. Chỉ là, vì một điều gì đó, mà bỏ lại chúng ở đây.

Mỗi khi vẽ chân dung một bạn nhỏ, tôi sẽ bảo Hạnh Phúc hỏi bạn nhỏ có mơ ước gì, có cảm nghĩ như thế nào về cuộc sống ở đây và tương lai. Khi chúng kể, mắt chúng lấp lánh hạnh phúc. Hạnh Phúc thì rơm rớm nước mắt. Chỉ vậy, mà mỗi bức chân dung đều mang ý nghĩa tích cực, đường nét gương mặt đều mang tế bào hân hoan.

Hạnh Phúc như một miếng bọt biển vậy, dạy gì sẽ tiếp thu đó, tôi không cần phải chi dạy cô ấy quá nhiều.

em_-_56

---

Những tưởng bệnh tình tôi sẽ khá hơn, nhưng đến lúc tôi ngất xỉu lần hai trong lúc đang ngồi vẽ, thì nó lại cho ra kết quả khác rồi. Bác sĩ lần nữa nhấn mạnh tôi phải nhanh chóng làm thủ tục qua Singapore chữa bệnh, nếu không tình hình sẽ càng ngày càng tệ hơn.

Tôi im lặng nhìn từng giọt nước biển nhỏ xuống, lại nhìn xuống cánh tay cắm ống truyền của mình, thở hắt ra. Hạnh Phúc đi lấy nước trở về, nhìn thấy tôi ngồi im lặng không nói, cũng đứng im tại chỗ.

“Anh chưa dạy hết cho em những thứ cần dạy!”

“Em chưa vẽ được bức chân dung của anh mà chẳng cần nguyên mẫu”

“Anh vẫn còn rất nhiều chuyện để làm!”

“Nhưng anh không còn nhiều thời gian nữa!”

Tôi nghẹn, Hạnh Phúc tiến đến bên giường cầm lấy tay tôi. Rốt cục, sau ngần ấy thời gian tôi có thể khóc ra. Tôi chưa bao giờ muốn khóc hoặc là khóc trước mặt người khác. Yếu đuối và bất lực là khi bạn có mục tiêu muốn đạt được lại chẳng thể làm được. Trước đó, là tôi chọn buông xuôi theo vận mệnh. An bài như nào, mặc xác ông trời.

“Nếu em có thể vẽ được, anh có đi không? Xem như một sự trao đổi, một điều kiện!”

Cô ấy vừa nhìn tôi vừa ra dấu, tôi bật cười. Lấy một bài tập, đổi lại một canh bạc sống chết, cô ấy nghĩ đơn giản quá.

“Nếu như…”

Dường như  biết tôi muốn nói gì, cô ấy dùng tay bịt miệng của tôi lại, không cho tôi nói tiếp. Tôi lại bật cười, khoanh hai tay lại ôm lấy đầu gối mình.

Ừ thì, thử xem!

Tôi muốn làm vài việc trước khi sang Sing. Việc đầu tiên là đến thăm mộ bố mẹ. Người phụ nữ hiền hòa trẻ trung ấy đã ra đi vào năm 34 tuổi, sau 4 năm tôi ra đời, căn bệnh bà ấy mắc phải cũng chính là căn bệnh đang giày vò tôi suốt những năm tháng trưởng thành. Năm tôi hai mươi tuổi, bố tôi cũng rời xa tôi, ông ấy gà trống nuôi con 16 năm ròng rã, cuối cùng vẫn đến nơi mà có lẽ mẹ tôi đang chờ. Hai mươi tuổi, tôi mất họ, nhưng tôi không biết phải trách ai. Cùng năm đó, tôi đến Ý, lần nữa được tái sinh bằng một trái tim rỗng tuếch.

Không thiếu thứ gì, nhưng gần như cũng thiếu rất nhiều. Tôi gặp được Matteo, sau đó là những ngày tháng êm đềm trôi, thi vị mà cũng vô cùng nhạt nhẽo!

“Bố! Mẹ! Con đến thăm hai người! Gần đây con cứ tưởng là sẽ gặp hai người sớm thôi! Nhưng con lại gặp được một người, cười lên rất giống mẹ…Người đó, làm con muốn sống!”

“Con thật sự muốn sống tiếp, muốn có một gia đình, muốn có một mái nhà, muốn cho người khác hi vọng, muốn làm chỗ dựa cho nhiều người. Lúc trước người ta cứ bắt con phải đi trị bệnh, nhưng lại chẳng nói việc con có thể sống tiếp hay không. Bây giờ dù có sống tiếp được hay không, con cũng muốn mình thử một phen. Có phải con dũng cảm hơn rồi không?”

Nghĩa trang đứng gió, nắng vàng ươm nghiêng nghiêng ngả ngả trên mọi vật nó chiếu rọi qua. Khắp nơi đều là sự sống.

Tôi cùng Hạnh Phúc đến Nhà Mở, nơi mà bọn trẻ đang sống, đứa nào cũng tươi cười rạng rỡ như ánh mắt trời. Chúng nó thích vẽ vô cùng, dù đẹp hay xấu, ngô nghê hay sâu sắc, đối với chúng vẫn cực kì mới mẻ.

Chúng vẽ ông mặt trời vì đó là vầng dương.

Chúng vẽ bông hoa vì nó là sự sinh sôi đẹp đẽ.

Chúng vẽ dòng sông vì nó chảy mãi không ngừng.

Chúng vẽ con người để cùng nhau tồn tại.

Vẽ cô ấy và tôi để nói về Hạnh Phúc.

Dường như mọi thứ đều tốt đẹp.

Tôi dắt Hạnh Phúc đến thăm thầy, tôi nắm tay cô ấy như một lời gửi gắm. Dù có bất cứ chuyện gì xảy ra với tôi, cũng có thầy và Matteo đứng phía sau cô ấy, đem cho người con gái lương thiện, xinh xắn này những điều tuyệt vời nhất.

“Con bé sẽ có tương lai tốt đẹp hơn cả con!”. Đó là một lời khen tặng, cũng là một lời hứa hẹn. Mọi người đều có thể hứa hẹn, nếu còn có thể nhìn thấy ngày mai.

Tôi kéo vali ra sân bay quốc tế, Hạnh Phúc và mẹ lớn đi theo tiễn. Chúng tôi nắm tay nhau, không nói gì cả, cũng chẳng cần phải nói. Ai cũng mong muốn tôi sẽ có ngày trở về, con người thật trở về bằng xương bằng thịt.

Tiếng nhân viên hối thúc trên loa, cũng đến lúc rồi, lúc tôi vào cổng, quay mặt ra ngoài, chỉ dùng thủ ngữ nói hai chữ “Chờ anh!”

Tôi cũng hi vọng, sự chờ đợi của mỗi người đều sẽ có kết quả. Dù là kết quả gì đi nữa!

truongthanh_(4)

---

Mùa xuân ở Abruzoo thật sự rất đẹp, những đồi cỏ màu xanh mướt mát như tưới ướt tâm hồn của mỗi người đến đây. Matteo đang chọn váy cho Hạnh Phúc để dự một lễ trao giải tân binh xuất sắc của ngành hội họa, bức tranh cô ấy đoạt giải mang tên Tiếp nối của Hạnh Phúc, một bức chân dung của Duy, một người bạn xa xôi. Không có nguyên mẫu để vẽ theo, cũng không có người mẫu, chỉ dựa vào trí nhớ của Hạnh Phúc để vẽ lại. Cô ấy làm được.

Nhưng tôi lại chẳng thể quay về, chẳng vì điều gì cả, không thể là không thể thôi. Cuộc gặp gỡ giữa người với người có thể làm người ta muốn sống, nhưng lại chẳng thể cứu sống những điều vô vọng.

Ngày ấy khi đến Nhà Mở, buổi chiều ngồi dưới cây xích đu, tôi đã hỏi Hạnh Phúc.

“Em có điều gì oán hận không?”

Cô ấy nhìn tôi giây lát rồi lắc đầu.

“Mẹ lớn đặt tên em là Hạnh Phúc, là mong cả đời này em vui vẻ bình an, đối với cha mẹ ruột em không có kì vọng cũng không có oán hận. Em, vẫn tốt mà!”

“Anh thì có!”

“Điều gì?”

“Hứa, nhưng lại không thể chắc rằng mình sẽ làm được!”

Cô ấy cầm tay tôi, một cơn gió thổi qua, lá cây ngân hạnh rơi lả tả xuống thềm. Như một câu đệm.

“Chỉ cần không hối hận!”

Đúng vậy, cho tới hiện tại, tôi không hối hận việc mình muốn sống tiếp. Nhưng kết quả lại như một sự trừng phạt của trời cao khi tôi đã từng muốn buông bỏ bản thân, hoặc, con tạo vốn vậy, tôi không thể thay đổi. Nhưng, dù có thế, ai trong cuộc đời lại từ chối vẫy vùng để thay đổi bao giờ.

Kết cục có như nào, thứ chúng ta bỏ lại không chỉ là đau khổ, mà còn là hi vọng và một sự tiếp nối, tiếp nối…của Hạnh Phúc.

Truyện ngắn: Tiếp nối của hạnh phúc

Tác giả: Thúy Nhân

Giọng đọc: Sand

Thực hiện: Hằng Nga

Thiết kế: Hằng Nga

Xem thêm:

Lê Thị Thúy Nhân

Rồi mọi chuyện sẽ ổn, ổn một cách bình yên!

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

 Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Ngày hôm đó chúng ta đã nói sẽ luôn nhớ tới nhau, sẽ giữ trọn vẹn trong tim mối tình của năm tháng ấy. Nhưng anh biết không, mỗi người chúng ta ai rồi cũng đều khác, lời hứa năm đó cũng chỉ là tên gọi khác của lời tạm biệt mà thôi.

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Dây xích sắt trượt dài trên thanh chắn cửa, rít lên một tràng âm thanh chói tai, kết thúc bằng tiếng đáp đất nặng trịch. Trời lặng gió, áng mây vắt ngang qua ngọn cây, trong đêm tối không trăng không sao, chiếc lồng đèn cũ phủ một lớp bụi mỏng

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Mưa rơi, làm hình bóng anh trong mắt cô mờ đi, gương mặt điển trai sau màn mưa trắng chẳng rõ đang vui hay buồn. Mưa vẫn không ngừng xối lên thân ảnh liu xiu của anh, lớp áo sơ mi trắng dính vào da lộ ra vết sẹo dài chạy dọc theo cánh tay khẳng khiu.

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn chính là chủ nhân của cuộc đời mình. Tương lai ra sao, do bạn định đoạt. Đừng để năm tháng trôi qua, trong bạn chỉ toàn là tiếc nuối.”

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Đôi khi, sự ra đi của người khác là lí do để ta nhìn lại mình. Nhìn lại những gì mà bản thân đã cư xử. Có phải vì ta chưa đủ trưởng thành? Có phải vì ta vẫn còn quá cảm xúc và bi kịch hoá mọi thứ?

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy tận hưởng điều đó. Độc thân không có nghĩa là chưa đủ tốt để yêu. Độc thân nghĩa là chưa có ai đủ tốt để được bạn yêu.

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Muốn ngắm bình minh, phải dậy thật sớm. Muốn tạm biệt ngày tàn, phải vẫy chào hoàng hôn. Hạnh phúc của mình nên tự mình nắm lấy...

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Một giấc mơ dang dở dấy lên trong lòng tôi một sự hiếu kỳ với dáng vẻ của hạnh phúc. Nếu bước qua lằn ranh giữa quá khứ và hiện tại, tôi sẽ thấy được điều, có phải kết cục sẽ vẹn tròn hơn không.

Hôn lễ của em | Blog Radio 901

Hôn lễ của em | Blog Radio 901

Bên trong ai cũng có một vài vết thương, có kẻ biến vết thương thành một sự hiểu biết. Có người lại biến vết thương thành một nguyên nhân, sinh ra một vết thương mới đau hơn…

Em như ánh sao trời | Blog Radio 900

Em như ánh sao trời | Blog Radio 900

Không có một tình yêu nào là vĩnh hằng cũng chẳng có lời hứa nào gọi là mãi mãi, chỉ là con người ta thích tin vào những điều đó chỉ là nhất thời để rồi một đời đợi chờ.

back to top