Blog Radio 741: Ai rồi cũng sẽ hạnh phúc
2022-01-29 00:05
Tác giả:
Bích Lạc
Giọng đọc:
Bạch Dương
blogradio.vn - Khi bên cạnh một người và ta được sống là chính mình, đó là “hạnh phúc”... “Hạnh phúc” vẫn luôn tồn tại trong vô vàn hình dáng như thế. Điều ta cần làm không phải là vội vàng tìm kiếm, hãy cứ sống hết mình và kiên nhẫn đợi chờ. Vì ai rồi cũng sẽ hạnh phúc.
Bạn thân mến! Ai cũng muốn có cuộc sống hạnh phúc nhưng luôn có những điều nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Chẳng hạn như yêu hay cưới phải một người tồi tệ. Nhiều người vẫn cam chịu vì giữa cả hai đã có sự ràng buộc, như một đứa con chung. Trong hoàn cảnh đó, người ta rất cần bàn tay nâng đỡ từ những người thân yêu trong gia đình. Trong Blog Radio của tuần này, mời bạn lắng nghe:
Truyện ngắn: Ai rồi cũng sẽ hạnh phúc (Bích Lạc)
Năm tôi 18 tuổi, chị tôi nói chị sắp lấy chồng. Tôi giận chị lắm. Chị từng hứa, đợi tôi đỗ Đại học, được lên Thủ đô, rồi hai chị em thuê một căn phòng nhỏ xinh. Chị đi làm, em đi học. Khi rảnh chị sẽ dẫn đi chơi phố, đi ăn đồ ăn ngon. Tôi háo hức vô cùng, cố gắng mỗi ngày với hy vọng về một tương lai đầy hứa hẹn. Thế rồi, tôi còn chưa kịp thi, chị đã báo tin lấy chồng. Càng đáng giận hơn, người chị sắp lấy lại không phải là người mà tôi luôn mong sẽ trở thành anh rể mình. Bỏ qua tất thảy giận hờn, tôi vẫn vui vẻ chấp nhận và mong chị thật sự hạnh phúc.
Trước đám cưới 1 tháng, chị gọi điện cho tôi. Chị khóc.
“Mày ơi, tao không chịu được nữa. Tại sao con người với nhau lại có thể quá quắt như vậy?”
“Có chuyện gì vậy? Chị bình tĩnh nói em nghe.”
“Bà ấy mượn điện thoại của tao, rồi bà ấy… hức… bà ấy đọc trộm tin nhắn của tao với Phong. Rồi bà ấy lu loa lên, nói tao là hồ ly tinh bắt cá hai tay. Bây giờ, ông bà ấy nói tao là đĩ, còn gọi cả bố mẹ, bố mẹ đang lên rồi. Hắn, hắn lại đánh tao. Tao không muốn cưới nữa.”
Tôi nghe đến đó, tức tối tắt máy, mượn vội đứa bạn cùng phòng ký túc xá chìa khóa xe máy, phóng sang phòng trọ của chị. Anh Phong là bạn thân từ nhỏ của chị tôi. Khi biết tin chị chuẩn bị làm đám cưới, anh không kiềm chế nổi mà tỏ tình với chị. Chuyện đó cả hai người đều đã kể tôi nghe. Thật ra, tình cảm anh ấy dành cho chị tôi, tôi cũng đã nhìn thấu từ lâu. Chỉ là chuyện tình cảm là chuyện của hai người. Chị tôi thật sự nghĩ thế nào, tôi cũng không rõ. Nhất là khi chị cứ thế dẫn về một anh người yêu, rồi nói là sẽ kết hôn. Tôi cũng đã từng tự thuyết phục bản thân, rằng có lẽ đó là lựa chon mà chị thấy hạnh phúc. Nhưng đến mức này, thì tôi không chấp nhận được nữa.
“Bây giờ thiệp mời cũng gửi đi hết rồi, hàng xóm láng giềng cũng biết hết rồi. Đi, đi nói chuyện rõ ràng với nhà bên kia. Bỏ là bỏ thế nào, mày muốn bố mẹ phải nhìn mặt người ta kiểu gì hả con?” Tôi đi đến cửa phòng trọ của chị, nghe rõ giọng bố tôi gằn lên.
“Thế gọi cho thằng Phong chưa? Nhờ nó ấy con, bảo nó đến giải thích vài câu, cho nhà người ta tin mà bỏ qua chuyện. Đúng ra nó cũng sai một phần còn gì.”
“Con thấy anh Phong chẳng có lỗi gì cả, hơn nữa, anh ấy cũng mới đi du học rồi. Mẹ đừng hòng lôi anh ấy vào.” Tôi tức giận mở cửa đi vào. “Con không đồng ý cho chị cưới nữa đâu.” Tôi nhìn chị nước mắt ngắn dài ngồi góc giường, rồi quay ra nhìn bố với những tia máu đỏ hằn lên nơi đáy mắt.
“Ơ con bé này, chuyện người lớn đến lượt mày nói à.”
“Bố mẹ nhìn đi, nhìn cho kỹ cái vết bàn tay vẫn hằn trên mặt chị con đi. Bố mẹ vẫn muốn gả con gái mình vào một nhà vô văn hóa như thế à? Bố mẹ không hiểu. Kể cả trước vụ này, bà ta chưa từng có ý định tôn trọng chị con. Còn chưa cưới về, bà ấy đã xâm phạm, chửi rủa như vậy rồi. Chưa kể thằng kia, nó đánh chị con. Nó vũ phu với chị, nó đánh chị lần này là lần thứ hai rồi, bố mẹ có biết không?”
“Minh Anh, em đừng nói nữa.” Chị tôi lúc này mới mở miệng, thút thít nói.
“Chị không phải giấu. 2 tháng trước, thằng cha đấy đấm chị con hai phát. Bố mẹ biết tại sao không? Bệnh dạ dày của chị tái phát, con thì đang trong phòng thi. Chị gọi cho anh con rể tương lai quý hóa của bố mẹ hơn chục cuộc mà hắn ta không nghe máy. Cuối cùng là anh Phong phi xe từ chỗ làm đến chở chị đi bệnh viện. Mỗi thế, rồi hắn ta ghen tuông, chửi bới người nơi công cộng còn chưa đủ, hắn còn đánh vợ sắp cưới của mình. Bố mẹ nghĩ lấy một người như thế làm chồng, có hạnh phúc nổi không?”. Tôi nuốt nước mắt vào trong, chỉ còn sự giận dữ uất nghẹn, tôi muốn thay chị nói hết ra.
“Còn chị nữa, dứt khoát lên. Chính chị gọi cho em, nói là không chịu nổi nữa cơ mà. Chị rốt cuộc lưu luyến cái gì ở con người đấy chứ? Chị không phải sợ cháu em không ai nuôi, em nuôi được.”
Tôi nhìn thẳng vào vết hằn trên khuôn mặt khả ái của chị. Một người con gái nổi tiếng xinh đẹp, ngoan ngoãn, tài giỏi, vì điều gì lại đến bước đường này. Tôi đã từng nghĩ, con người ai cũng sẽ có cho mình một mong ước về tương lai. Chị tôi nói, chị luôn mong có thể phụ giúp bố mẹ. Đợi tôi lên Đại học rồi, chị lo được cho tôi phần nào đỡ bố mẹ thì tốt phần đó. Chị nói hồi chị mới lên Thủ đô, chỉ có một thân một mình thật sự rất tủi thân và bất lực. Nhưng tôi thì có chị rồi, không cần lo nghĩ gì hết…
Cho đến khi tôi nhận ra sự im lặng bao trùm căn phòng, trong chốc lát tôi mới biết là mình vừa lỡ lời rồi.
“Mày, mày…”
“Ôi con ơi là con, sao mày dại dột thế con? Đã cưới xin gì đâu mà mày lại ngu dại thế Phương ơi là Phương.” Mẹ tôi không cầm nổi nước mắt. Tôi cũng nhận ra mình sai rồi, nên muốn cứu vãn tình hình dù chỉ một chút.
“Con xin bố mẹ, chỉ một lần này thôi. Chị con đã thiệt thòi từ bé rồi. Miếng ăn cái mặc gì đều nhường hết cho con. Một thân một mình nơi đô thi đông đúc, chị phải tủi thân và bất lực thế nào, bố mẹ cũng biết mà. Chỉ lần này thôi, bố mẹ cho chị được tự quyết định cuộc đời mình được không? Chồng xấu, chồng nghèo, gì cũng có thể thay đổi được. Nhưng cái tính vũ phu thì không thể đâu ạ. Mặc kệ miệng lưỡi thiên hạ, gia đình mình nhất định bảo vệ chị, không để chị bước vào gia đình đó, có được không ạ?”
Tôi cảm nhận rõ từng hàng nước mắt lăn dài trên khuôn mặt. Bố nhìn chị, rồi nhìn tôi, cuối cùng nhìn mẹ. Tôi không nhớ rõ là bao lâu, chỉ nhớ là khoảng lặng đó dường như đã kéo dài vô tận.
“Không cưới xin gì nữa. Còn đứa bé, nhà mình nuôi.” Bố nói rồi quay lưng đi thật nhanh ra khỏi phòng. Nhưng tôi lại nhìn thấy mất rồi, giọt nước mắt của bố.
Mẹ ngồi sát lại gần, ôm chị vào lòng.
“Con xin lỗi.” Chị tôi òa khóc. “Con đã tin đó là lựa chọn đúng đắn. Chỉ là con quá mệt mỏi khi phải một mình mẹ à. Con muốn có được hạnh phúc của riêng mình. Chẳng lẽ con không xứng đáng được hạnh phúc sao mẹ?”
“Con bé này, chẳng phải còn có bố mẹ, còn có em gái con hay sao? Việc vội vàng tìm kiếm hạnh phúc cũng không phải chuyện tốt con à. Hạnh phúc ấy mà, không phải vấn đề xứng hay không xứng, con chỉ cần sống chậm lại một chút, đợi đến khi bản thân sẵn sàng đón nhận nó mà thôi.”
***
Khoảng thời gian mang thai, chị tôi gần như đêm nào cũng khóc. Gia đình tôi thậm chí còn liên lạc trước với bác sĩ tâm lý, mọi người đều lo chị sẽ bị trầm cảm sau sinh. Chị ôm tôi rồi thì thầm: “Khi nào chị mới được hạnh phúc vậy Minh Anh? Chị không biết mình đang sống vì điều gì cả? Kiếp trước chị đã gây ra tội tày trời gì sao, để rồi kiếp này ông trời thấy chị không còn xứng được hạnh phúc nữa.” - “Chị phải sống thật tốt chứ, sống vì con chị, vì gia đình mình.”
Cuộc hội thoại này lặp đi lặp lại mỗi ngày, cho đến khi Tôm chào đời. Dường như sự hiện diện của cháu tôi trên đời này đã cứu rỗi một linh hồn gần như gục ngã. Chị tôi dường như đã trở lại là chính mình trước đây, vui vẻ và lạc quan. Tôm trở thành ánh sáng dẫn lối cho chị trên đoạn đường đời tối tăm nhất. Thằng bé là động lực duy nhất để chị khóc, chị cười và nỗ lực làm việc mỗi ngày. Chỉ là vài đêm, tôi vẫn bắt gặp cảnh chị ngồi cho con bú rồi lẳng lặng lau nước mắt. Lòng tôi quặn thắt. Gia đình tôi đã cố hết sức mình để bù đắp mọi khoảng trống, để chị không cảm thấy bản thân thiệt thòi hay cô độc. Nhưng có lẽ sau này, người chị cần không còn là bố mẹ hay người em gái này nữa. Chị cần một bờ vai vững chắc thật sự thuộc về chị, luôn ở bên để chị dựa vào mỗi khi mệt mỏi và bất lực.
***
“Dì, dì” Tôm tí tởn chạy ào đến ôm chân tôi. Từ ngày tôi vào Sài Gòn học Thạc sĩ, một năm chỉ gặp được Tôm 2 dịp là nghỉ hè và Tết Nguyên đán. Chắc thằng bé cũng nhớ tôi lắm.
“Anh Phong? Anh về nước khi nào vậy? Lần này là anh về hẳn chưa?”. Tôi ngạc nhiên thấy bóng dáng anh Phong đang trang trí cành đào.
“Ừm, anh về hẳn rồi.” Anh dừng tay, quay lại nhìn tôi.
“Chị Phương nhận lời chưa anh?”. Tôi thả Tôm xuống cho nhóc chạy đi chơi, ghé tai anh hỏi nhỏ.
“Từ lúc về nước, anh chưa dám nhắc đến chuyện đó.” Mặt anh thoáng buồn trong giây lát.
Từ ngày biết tin chị tôi hủy đám cưới, Phong vui ra mặt. Ngày nào anh cũng gọi video cho chúng tôi để hỏi thăm sức khỏe chị. Anh còn nằng nặc đòi làm bố nuôi của Tôm, rồi trước ngày dự sinh 1 tuần, anh xin nghỉ để về nước, nhất định muốn làm bố đỡ đầu cho thằng bé. Chớp mắt một cái, Tôm cũng đã được hơn 4 tuổi rồi. Anh cũng cầu hôn chị được 4 năm rồi. Có lẽ sau lần chị suýt làm vợ người ta, anh cũng tỉnh ngộ ra mà chủ động nắm bắt lấy hạnh phúc của mình hơn. Chỉ là chị tôi vẫn còn rào cản tâm lý chưa thể vượt qua được.
“Hai đứa thì thầm to nhỏ gì ở đấy thế? Thằng Phong đâu, mày ra rửa nốt giúp chú mấy cái lá dong, già rồi, lưng chịu không nổi.” Bố tôi từ ngoài sân gọi với vào. Anh Phong “Vâng” một tiếng rồi vỗ vai tôi cười trừ, chạy ra ngoài.
Tôi vào bếp, ôm lấy mẹ đang chuẩn bị đồ gói bánh chưng từ sau.
“Khiếp, mày như bóng ma thế Minh Anh?”. Chị Phương lúi cúi nãy giờ, ngẩng lên thấy tôi liền bị giật mình.
“Dạ, con ma trinh nữ là em đây. Ai đời gái 23 tuổi chưa một lần được nắm tay trai cơ chứ? Cuộc đời thật bất công mà? Giờ ai mà hỏi cưới là con đồng ý luôn mẹ nhé!” .Tôi nói rồi vỗ vỗ nhẹ vào mẹ.
“Ừ đấy, có thằng Phong nó tốt thế, Tết năm nào cũng qua nhà mình phụ bố mày gói bánh chưng, rồi trang trí nhà cửa. Chu đáo mà tận tâm. Mỗi tội tao vẫn không biết là nó thích đứa nào đâu đấy? Hay lại thích cái con bé dở hơi này hả Phương?” - Mẹ xoay lại gõ nhẹ vào trán tôi rồi nhìn chị Phương cười. Chị Phương lại cúi mặt vào đống rau củ, tôi nghe thấy tiếng thở dài rất nhẹ của chị.
“Ảnh thích con đó mẹ. Chuẩn luôn. Bây giờ con chỉ đợi anh ấy ngỏ lời thôi nè, chứ người như anh Phong cứ để nhông nhông ngoài đường thế, dễ mất như chơi.” - Tôi vừa nói, vừa cố liếc nhìn cho rõ sự dao động trong ánh mắt chị. Người con gái này, lúc cần kiên định thì cứ lấp lửng, thật sự là không có chính kiến mà.
***
Bữa cơm tối hôm đó, bố tôi hỏi chuyện anh Phong rất nhiều. Đến khi cả hai đã ngà ngà say, tôi hỏi chuyện anh.
“Anh Phong, ở bên đó anh có quen cô nào không đấy? Có phản bội lòng tin của em không đấy?”
“Anh không, nhất quyết không nhé? Nơi tim này của anh, trước sau chỉ có một… một…”
“Thế tóm lại mày thích đứa con gái nào của chú, mày nói luôn đi. Đứa nào chú cũng gả.” – Bố tôi cầm chén rượu lên uống hết một hơi, rồi vỗ vào vai anh Phong.
“Cháu… cháu yêu Phương. Cháu muốn cưới cô ấy làm vợ, đã từ rất lâu rồi. Cả đời này, ngoài cô ấy ra, ai cháu cũng không lấy.” – Ánh mắt chuyển đổi kiên định trong nháy mắt, anh ngồi thẳng lưng nhìn thẳng vào chị. Không còn nhìn ra chút ngà ngà say nào cả. Anh chững chạc, trưởng thành và đấy quyết tâm trong ánh mắt. Anh đứng dậy tiến về phái chị, rút trong túi quần ra chiếc nhẫn.
“Phương à, anh biết em vẫn cần thêm thời gian, nhưng anh lại ngu ngốc đến nỗi không thể đợi thêm được nữa. Cho anh một cơ hội được không em? Cho anh cơ hội được trở thành mái nhà của em, che chở em, bao bọc em, cho em tùy ý dựa dẫm, tùy ý đối xử. Cho anh cơ hội được trở thành hạnh phúc của em, được không em?”
Cả nhà tôi lại im lặng, không ai nhìn ai, cũng không ai dám nói câu gì. Mọi người đều như nín thở để đợi chị tôi lên tiếng. Nhưng bố tôi lúc này lại say mất rồi…
“Khổ lắm cơ, cái nhẫn to thế mày còn đợi gì con. Nhanh không cái Minh Anh nó lại chạy ra nó giành mất bây giờ.”
Chị Phương lúc này mới giật mình, chị quay qua nhìn tôi. Tôi thấy đôi mắt chị đã ngấn nước. Tôi cảm nhận được, chị đang hạnh phúc.
“Em đồng ý.” – Câu nỏi khiến cả nhà tôi vỡ òa trong hạnh phúc. Tiếng cười giòn tan của Tôm, tiếng cười mãn nguyện của mẹ, tiếng bố vỗ vai anh Phong bồm bộp. Và tiếng pháo hoa nơi trái tim chị.
Tết Đoàn viên luôn là ngày khiến lòng tôi rung động nhất. Tôi yêu từng cành đào, từng chiếc lá dong, đến mùi hương của nồi thịt mẹ kho, hay cả tiếng pháo hoa lác đác vì chưa phải Giao thừa. Nhất là giây phút này đây, cả gia đình quây quần bên mâm cơm, nhìn nhau cười hạnh phúc. Bố mẹ tôi hạnh phúc nhìn những đứa con nay đã nên người. Chị tôi ôm con trai nhỏ trong lòng, hạnh phúc trong vòng tay của người đàn ông đủ vững chãi để chị dựa vào đến hết đời này. Tôi hạnh phúc, vì được chứng kiến và ghi nhớ khoảnh khắc như vậy của gia đình.
Có thể, định nghĩa về hai từ “hạnh phúc” trong mỗi người là không giống nhau. Tôi đã chứng kiến chị gái mình dành những năm tháng đẹp nhất của đời người con gái, để chật vật đi kiếm tìm cái gọi là “hạnh phúc”. Suy cho cùng, ai trong chúng ta cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc. Vấn đề duy nhất chỉ là chúng ta đều cố chấp không hiểu rằng, “hạnh phúc” là một thứ đơn giản hơn nhiều so với những gì chúng ta mong cầu. Khi được cuộn tròn trong chăn những ngày đông rét buốt, đó là “hạnh phúc”. Khi được quây quần vui vẻ bên gia đình ngày lễ Đoàn viên, đó là “hạnh phúc”. Khi bên cạnh một người và ta được sống là chính mình, đó là “hạnh phúc”... “Hạnh phúc” vẫn luôn tồn tại trong vô vàn hình dáng như thế. Điều ta cần làm không phải là vội vàng tìm kiếm, hãy cứ sống hết mình và kiên nhẫn đợi chờ. Vì ai rồi cũng sẽ hạnh phúc.
Truyện ngắn: Ai rồi cũng sẽ hạnh phúc
Tác giả: Bích Lạc
Giọng đọc: Bạch Dương
Thực hiện: Hằng Nga
Xem thêm video:
Phản hồi của độc giả
Xem thêm

Thời gian đã trôi qua đâu thể lấy lại | Blog Radio 887
Tôi chỉ biết lặng lẽ nhốt mình trong phòng, cả ngày chẳng buồn ăn nổi miếng cơm nào. Mẹ cũng ngồi sau cánh cửa phòng, bà không cằn nhằn như mọi người, không một tiếng la rầy.

Đừng Hứa Hãy Nắm Lấy Tay Em | Blog Radio 886
Khi còn trẻ ta ấp ủ hy vọng tìm được mẫu người mình muốn. Khi trưởng thành chỉ hy vọng tìm được người hiểu mình.

Trưởng Thành Rồi Đừng Mãi Mông Lung (Blog Radio 885)
Lớn rồi đừng động tí là bỏ cuộc là quay đầu. Cuộc đời bạn giờ đây không phải như đứa trẻ, ngúng nguẩy quay mặt đi vẫn có người dỗ dành chăm lo. Quay đi nhiều khi không còn đường trở về nữa.

Khi bình yên, người ta thường quên lời thề trong giông bão (Blog Radio 884)
Phụ nữ ạ. Đừng yêu lại người cũ, đừng yêu lần thứ hai. Đôi khi trở lại không phải là tình yêu, chỉ là vương vấn cảm giác. Đừng nhầm lẫn giữa yêu và cảm giác. Đời luôn có ngoại lệ mà ngoại lệ thường hiếm hoi và ít ỏi. Có những đồ cũ là bảo vật, cũng có những thứ chỉ là đồ bỏ đi.”

Kiên Nhẫn Nhé, Đừng Để Sự Vội Vàng Làm Bạn Mất Phương Hướng (Blog Radio 883)
“Hãy cứ yên tâm và bình tĩnh thôi. Có người đi nhanh, có người đi chậm, vì mỗi người có một lộ trình riêng. Bạn không cần nhìn vào lộ trình của người khác để tự ti về mình. Bởi vốn dĩ xuất phát điểm và đích đến của cậu với họ đã khác nhau rồi mà”.

Hãy Can Đảm Kết Hôn Khi Bạn Sẵn Sàng (Blog Radio 882)
Và rồi khi tuổi 30 thì lại quá xa mà cái giai đoạn tuổi 18 đã qua từ rất lâu rồi ấy, chúng ta lại bắt đầu bước vào cái giai đoạn hối thúc lập gia đình từ các bậc phụ huynh.

Đừng Chỉ Ngồi Nhìn Em Khóc (Blog Radio 881)
Tôi luôn thấy phiền lòng, vì cô gái năm đó, trong mắt mọi người, có một cuộc sống hoàn hảo, nhưng hóa ra tất cả chỉ là vỏ bọc cho sự yếu đuối của cô ấy.

Ngọt Ngào Sau Những Gian Nan (Blog Radio 880)
Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê, nơi có những cánh đồng lúa trải dài, những con sông uốn mình bên cạnh lũy tre làng. Tuy sinh ra và lớn lên ở một nơi nghèo khó, nhưng tuổi thơ tôi lại ngập tràn sự hạnh phúc, những kỉ niệm mà tôi tin chắc rằng không phải ai cũng may mắn có được.

Làm Vợ Anh Được Không? (Blog Radio 879)
Ngay trong đêm hôm đó, tôi bắt chuyến tàu sớm nhất trở về quê. Tôi không muốn ở lại đây thêm một giây phút nào nữa, bầu không khí ngột ngạt như thể đang bóp nát tôi. Tôi tắt điện thoại, tắt mọi trạng thái hoạt động trên mạng xã hội rồi lên tàu. Sau một đêm, tôi cũng về tới nhà mình. Suy cho cùng, dù gia đình tôi có thất bại đến mấy thì đó cũng là nơi duy nhất bao dung, che chở cho tôi vào những lúc như thế này.

Mình Bên Nhau Khi Mùa Cúc Họa Mi Nở (Blog Radio 878)
Thanh xuân – Khoảng thời gian tưởng chừng như mãi mãi, nhưng thực tế lại trôi qua nhanh chóng, để lại trong lòng ta những hồi ức ngọt ngào nhưng cũng đầy những niềm đau và tiếc nuối về những thứ đã mất đi và không bao giờ trở lại.