Phát thanh xúc cảm của bạn !

Sau những ngày giãn cách, tôi thèm về nhà

2021-10-31 00:05

Tác giả: Tam Giác Mạch, Nhân Gian Lưu Tình Giọng đọc: Thắng Leo, Bạch Dương

Bạn thân mến! Những lúc bình thường, dường như chúng ta mải mê với công việc mà ít khi về thăm nhà, cũng thưa thớt những cuộc gọi hỏi thăm bố mẹ. Đến khi dịch bệnh bùng phát, giãn cách xã hội khắp cả nước, việc đi lại khó khăn mới quay quắt thèm cái cảm giác được về nhà, thèm được quây quần bên bữa cơm ấm nóng. Nhiều tháng trời phải chôn chân giữa bốn bức tường, cảm giác cô đơn lại trào dâng hơn bao giờ hết. Mở đầu chương trình hôm nay, mời bạn lắng nghe lá thư tâm sự:

Giữa những ngày giãn cách, tôi thèm về nhà (Nhân Gian Lưu Tình)

Đầu năm nay, Hải Dương là thành phố đầu tiên ốm, các bạn bè lân cận cũng dần có biểu hiện. Sống giữa lòng thủ đô, tôi bắt đầu thấy nôn nao. Sau đó, nghe tin thành phố mang tên Bác cũng đổ bệnh. Hà Nội trụ vững được đến giữa năm, đành ngậm ngùi ra thông báo giãn cách. Nỗi tự trấn an ngày nào không đủ mạnh mẽ, tôi bắt đầu thấy lo sợ, lo cho Hà Nội. Rồi cả nước ít nhiều gần như đều bị ảnh hưởng, thắt chặt chuyện đi lại.

Để bảo vệ lẫn nhau, tôi nghiêm chỉnh thực hiện chỉ thị giãn cách. Giữa những ngày nằm lì trong nhà, hết nấu ăn sẽ tranh thủ làm vài điều mình thích mà ngày trước bận rộn với công việc, khất khứa hết lần này đến lần khác. Giữa những đêm nằm lì trên giường, tôi nghe những tin tức người dân đổ xô ra đường muốn trở về quê. Chuyện ai đúng ai sai, đều không thể nói đôi ba lí lẽ là định đoạt được, vì chúng ta không phải họ nên đâu thể biết họ đang phải gồng gánh những gì trước khi đi đến bước đường đó. Giữa lí lẽ của người trong cuộc và người ngoài cuộc, bạn ở trong tình thế nào thì sẽ đứng về phía người ấy.

Chỉ là, trong những lúc ngắm nhìn mảng trời khi xanh trong khi xám xịt qua ô cửa sổ nhỏ từ căn phòng mình, tôi thấy đường về nhà của mình cũng trở nên xa vời vợi. Tôi thèm về nhà, thèm đi chuyến xe dài mất cả nửa ngày ấy, thèm ngắm nhìn phong cảnh cũ rích, thèm được chạy long nhong ngoài đường khói bụi, thèm được nhìn thấy những con người cũ kĩ, tôi cứ như thế mà thèm…

blogradio_sau-gian-cach

Đôi khi tôi còn tự nhủ, ngày được về nhà, đêm hôm ấy tôi sẵn sàng thức trắng. Chúng ta thức để bươn chải với cuộc đời thì nhiều chứ để đợi một điều tốt lành như thế có mấy khi. Trên chuyến xe về nhà, tôi sẽ trân trọng từng phân đường, khung cảnh hôm nay sẽ khác ngày hôm qua, làm gì có chuyện cảnh vật mãi không thay đổi. Trong lúc được chạy long nhong ngoài đường, tôi sẽ chạy chậm lại, để ý những phân cảnh ý nghĩa nhưng là trong đời thực, bản thân vô tình vì gánh nặng cơm áo gạo tiền mà cứ thế bỏ lỡ. Khi được tận mắt đứng trước những con người cũ kĩ, tôi sẽ đến ôm họ một lần, hít hà cái mùi đặc trưng, mỗi lần được ngửi lòng tự khắc thấy an toàn và yên bình đến lạ…

Bất giác tôi nghĩ đến những người ùa ra ngoài đường bất chấp lệnh giãn cách, có lẽ họ sợ mình không kịp về nhà lần cuối, không kịp nhìn lí do mà mình đến nơi đất khách quê người. Họ biết mình sai rõ ràng nhưng nỗi sợ ấy cứ ngày một lớn dần khi tin tức về số người nhiễm cứ ngày một tăng cao, số người ra đi mãi mãi cũng ngày một nhiều. Lỡ dở họ cũng không chống chịu nổi nữa thì làm sao.

Tôi xem thấy đường Sài Gòn những ngày này chứng kiến sự im lặng, chỉ ồn ào khi xe cứu thương chạy qua, mang theo nỗi sợ chuyến xe ấy sẽ mang người thân yêu một đi không trở lại. Một thành phố đã từng không ngủ dù khi đêm về, nay mệt mỏi nằm ngủ li bì cả tháng nay rồi...

Chúng ta hình như chính là như vậy. Khi bản thân còn có thể dễ dàng đi đi về về ở cái chốn ấy, lại một mực trốn tránh tự nhủ chỉ về lại lúc bản thân công thành danh toại. Sau lần này, chúng ta nhận ra nhiều điều. Nhân lúc còn có thể gọi điện nghe tiếng người thân, hãy nghe họ nhiều hơn. Nhân lúc còn có thể ngắm nhìn thế gian, hãy chọn đi nhiều hơn. Nhân lúc sức khỏe còn tốt, hãy chú ý bảo vệ hơn. Nhân lúc còn có thể về nhà, hãy về nhà thường xuyên hơn.

bongtoi

Bạn đợi mình mệt rã rời, sức cùng lực kiệt mới chọn buông xuôi muốn về nhà, sợ rằng lúc đó, bạn còn không đủ sức lết về nữa.

Bạn đợi người ta chủ động, nhất quyết không gọi lại, sợ rằng lúc đó, họ cũng không còn muốn gọi cho bạn nữa.

Bạn đợi một thời điểm tốt mới dám nói lời yêu thương, sợ rằng lúc đó, thời điểm đã đến bao lần, cuối cùng bạn vẫn là ngại ngùng mà bỏ lỡ.

Bạn đợi mình thành công mới muốn về nhà, vỗ ngực tự hào, sợ rằng lúc đó, người bạn muốn gặp nhất đã không còn nữa.

Thời gian cùng sự vật, trong hơi thở của con người dần dần đi đến một hình thái khác, vĩnh viễn không duy trì trạng thái ban đầu để đợi bạn lâu đến thế. Chẳng phải bạn thừa biết định lý đồng tiền hôm nay khác với đồng tiền ngày hôm qua hay sao. Nhân lúc đây chưa là lần cuối, hãy kịp thời ngoảnh đầu sửa chữa.

“Đến bao giờ mới được về nhà nhỉ. Tao thèm quá” - Tôi ủ ê với đứa bạn qua zalo.

“Ngày mai…” - nó lạc quan đáp rồi tắt máy. Trước đó, tôi nghe thấy tiếng sụt sùi. Nó cũng đang mắc kẹt giữa lòng thành phố nơi phương Nam... một mình.

Bạn vừa lắng nghe tâm sự được gửi đến từ bạn Nhân Gian Lưu Tình. Bạn thân mến! Quê nhà đôi khi chỉ cách vài trăm cây số mà như xa ngàn vạn dặm, dịch bệnh đã chia cắt chúng ta, khiến đường về nhà càng xa vời vợi. Nhiều người mắc kẹt ở các thành phố lớn, chưa biết khi nào mới có thể thong dong về nhà như những ngày chưa có dịch. Tiếp theo chương trình, mời bạn lắng nghe bài viết:

Nếu quê là nhà, đi bao xa mới tới? (Tam Giác Mạch)

Đời người theo thời gian già đi, ngõ quê cũng mòn dần theo năm tháng. Tiếng kẹt cửa đôi lúc lại làm tôi giật mình. Thành phố chiều nay chớm lạnh trong cơn gió đầu mùa lững thững bủa vây, nhìn từ ban công của toà chung cư phong toả, lòng bỗng nhận ra tháng 9 đã về, thời gian phăng phăng ào ào như lũ cuốn, đôi mắt nâu vì thế đượm màu hoài niệm về một thuở thiếu thời. Tôi đã bước lên chuyến tàu một chiều của tuổi trẻ, chẳng ai bán vé khứ hồi để quay lại thuở vàng son.

Có những ngày, nhịp sống thôi thúc tôi trở về quê hương hơn bao giờ hết, khi bất lực dẫm chân một chỗ nhìn về phương tây, tôi nặng lòng một niềm nhớ quê da diết.

Tự bao giờ, giữa lắng lo về sự bình an ở thời điểm bệnh dịch, tôi bất giác quên đi có một tháng 9 về giữa lòng phố vắng lặng, lá vàng phai rơi nghiêng trong gió, ánh hoàng hôn đã thẫm màu, con phố ấy lại đợi lá vàng lấp đầy những vết chân người thênh thang...Có chăng, giữa dòng đời vồn vã, những con phố ngóng chờ nhau, khát khao mùa về điên đảo, cây hạnh phúc vì được thay lá và lá hạnh phúc vì được chết đi.

Cho tôi trách hờn một khoảng chiều tà như thế, khi trời trở gió phả vào mảnh hồn đơn độc đủ gợi lên phút chạnh lòng, ráng chiều chênh chếch, những vệt nắng vàng chạy đua với thời gian để bàn giao thiên nhiên cho bóng tối, thu chẳng còn đơn thuần nữa. Mùa về đẩy đến thoáng mông lung, mơ hồ, lòng người chẳng ồn ào, rạo rực mà dịu nhẹ như chính hồn thu. Lúc này, “quê hương” chẳng còn là danh từ nữa, nó là cả dòng máu cuộn về len lỏi khắp trong tôi.

tungaymai_(3)

Bởi tôi nhớ, tôi lớn lên dưới căn nhà ngói đỏ liêu xiêu, nay đã qua bao đời rêu xanh phủ lên tầng tầng lớp lớp, tôi men theo tiếng ru ầu ơi của nội, tiếng gọi thức giấc mỗi sớm của cha, cùng bữa cơm đạm bạc với bí bầu của mẹ mà dần dần khôn lớn. Giờ đây, kiếp luân hồi kéo bà về miền vãng sanh cực lạc, chỉ còn bên tôi nén hương trầm tỏa khói mỗi đêm đêm. Bóng thời gian đổ dài theo tuổi xế chiều ấy, tôi thấy gương mặt mẹ đã theo về những vết chân chim, đôi vai cha chai sần vì gánh gồng sương gió, cõng cả bão cuộc đời để đổi về mái ấm trọn vẹn sự bình an.

Chiều nay, đứng giữa lòng thành phố ngột ngạt và nặng nề không khí tang thương vì đại dịch, dưới ánh tà dương của một ngày sắp tắt, thành phố buồn man mác khiến tôi lặng lòng nhìn về phía quê nhà. Nơi chắp cánh cho tôi vẫy vùng và bươn chải những tháng năm trưởng thành, tìm về khi công thành danh toại hay vấp ngã giữa xô bồ cuộc sống bon chen.

Miền quê ấy, có buổi sớm tinh mơ gọi bình minh lên bằng thứ âm thanh êm đềm và thân thương lắm. Mà dẫu phố thị đầy ắp thứ thanh âm hiện đại, tôi vẫn đau đáu nhớ về như một loại gia vị mặn mà thường trực nơi đầu lưỡi. Tiếng gà gáy vang vọng mỗi sáng khiến cả con xóm trở nên náo nhiệt hơn. Tiếng đài phát thanh điểm tin với giọng anh phát thanh viên đằm thắm, tiếng cọ xát loảng choảng xoong nồi trong gác bếp của mẹ và tiếng gọi thức giấc yêu thương của cha mỗi khi đưa tôi ra khỏi chiếc giường còn ấm. Tất thảy hòa quyện vào nhau tạo nên bản tình ca dịu nhẹ, thổi vào hồn tôi một nốt nhạc trầm lặng và rất đỗi yên bình.

Dòng sông trưa hiền hoà soi bóng rặng tre làng mát rượi, gió la đà thì thầm phát ra tiếng kẽo kẹt à ơi. Chúng như hò reo, cổ vũ cho lũ trẻ chúng tôi bĩ bõm dưới dòng sông. Dòng chảy muôn đời chở đi bao phiền muộn ở cái tuổi tóc sâu, tặng tuổi hồn nhiên chúng tôi những trận cười toe toét, những trò chơi nghịch nước cùng nhau, chẳng ai nhắc nhở về ngày mai ra sao, chúng tôi cứ vô tư mà sống, hoà mình vào dòng nước mát lành mà quên cả mặt trời đã lên rất cao.

Bờ bên kia, bãi ngô tốt tươi mang dòng phù sa màu mỡ, mùa ngô về gánh nào cũng nặng trĩu trái to. Thế là lũ trẻ chúng tôi được thưởng thức món ngô nướng thơm nức nở, đứa nào đứa đó nhẹm cả mồ hôi, mặt mũi lấm lem nhọ nồi, vậy mà vui cực độ. Niềm vui ngày bé đơn giản mà con người ta khi đã đi qua những biến cố cuộc đời, chỉ mong một lần sống lại khoảnh khắc ấy lần nữa. Nhưng thật tiếc, mọi thứ chẳng thể vãn hồi.

viet_-_lach

Những trận đòn roi vì mải miết chơi quên cả lối về, bữa cơm trưa cả nhà đợi cửa làm chúng tôi trưởng thành hơn. Giờ này, quê nhà đang vào vụ lúa chín hè – thu, tôi nhớ cánh đồng trước nhà thênh thang màu vàng ươm lúa chín, bông lúa nào cũng nặng trĩu cúi đầu, những con đường ngập đầy rơm rạ, khiến bước chân của chúng tôi thêm phần vất vả hơn.

Vào mùa, cánh đồng quê trở nên nhộn nhịp hẳn, đôi bàn chân chai sạm của cha đạp tuốt từng bó lúa, mẹ vất vả khiêng vác lên chiếc xe cọc cạch chở về nhà. Lũ trẻ chúng tôi hớn hở rủ nhau nhặt từng bông lúa còn sót, để bỏ vào lửa nghe tiếng nổ vọng về, thứ âm thanh vui tai mà giờ với mỗi con người chúng tôi sao xa xôi quá đỗi.

Thành phố này ánh sáng lung linh, kiều diễm chẳng thiếu, nhưng không thể sánh bằng ánh sáng phát ra của bó đuốc được quấn từ rơm mà chúng tôi đốt cháy mỗi chiều. Nhớ lắm những cánh tay cầm đuốc xoay điêu luyện của tụi con trai mình trần chân đất, tụi con gái hí hửng theo sau như một đội quân hùng hậu , xung phong với dáng vẻ vỗ ngực tự hào.

Khi lúa đã về ngập cả sân phơi và đầy ắp kho chứa, cũng là lúc cánh đồng trở thành sân chơi tuyệt vời nhất cho lũ trẻ chúng tôi. Mặc cho nắng chiều còn hừng hực làm mồ hôi ra ướt đẫm, mỗi đứa phi lên lưng trâu nằm đủng đỉnh, chân nọ vắt chân kia, hai tay cầm cuộn chỉ ngắm con diều trôi lơ lửng giữa trời mây.

Mỗi lần có con trâu nghịch ngợm, vậy là chúng tôi lộn nhào dưới đất và vài đứa trẻ còn lại được trận cười ngả nghiêng. Cứ thế, giữa khoảng trời bao la của vũ trụ nhưng đối với chúng tôi lại vô cùng bé con, chẳng đứa nào thủ thỉ gì về tương lai cả, chỉ tròn xoe đôi mắt ngây ngô nhìn những cánh diều chao lượn trong gió, chất chứa sâu thẳm ở đôi mắt trong ngần ấy, là những ước mơ về sự đủ đầy, no ấm trong mỗi bữa cơm, là cặp sách, áo quần tinh tươm cho ngày tựu trường đang đến.

Cánh diều dần tạm biệt với gió khi mặt trời phương tây trốn chạy khỏi dãy núi xa xa. Đàn trâu no căng tròn thủng thẳng đi về dưới cái nắng chiều nhuộm màu mỡ gà loang lổ, bóng hoàng hôn phủ trên mái đầu như đưa tay là có thể chạm tới, lòng lũ trẻ hân hoan nhưng thấm mệt sau một ngày lăn lộn với đất trời, vậy mà nụ cười hồn nhiên luôn hiện rõ trên từng gương mặt. Ai nấy cũng háo hức đợi chờ một bữa cơm với chiếc bụng trống rỗng cồn cào.

bongtoi_(2)

Nhớ mãi cái giếng nơi đầu hẻm, ngay đường dẫn vào con ngõ nhà tôi, cạnh bên cây bồ đề tán lá xum xuê đã chứng kiến ngôi làng lớn lên qua vài chục năm tuổi, là nơi tuổi thơ tôi được tắm mát mỗi chiều, là trạm dừng chân ngắt quãng của các bác đường xa sau một ngày đồng án mỏi mệt, là nơi đặt xuống những chiếc đòn gánh nặng nề những rau và củi để châm ngòi thuốc lá rôm rả chuyện về làng, về vụ mùa được mất.

Trời chuyển màu sẫm tối, vạt khói lam chiều nghi ngút bắt đầu hiện ra từ các căn bếp lụp xụp sát vách nhau, tạo nên một bức tranh mờ ảo như sương trời giăng mắc, vậy mà tôi cứ ngỡ tựa tiên cảnh chốn bồng lai. Tôi ngửi thấy trong mình mùi cơm sôi trào bọt lẫn mùi cá rô đồng phát ra từ căn bếp nhà ai. Cái mùi vị quê nhà đơn sơ, khét lẹt mùi khói nhưng lại thân thuộc làm sao, dẫu tôi đã từng nếm trải bao món sơn hào hải vị, mà vẫn chẳng thể nào quên.

Mâm cơm với đủ đầy món ăn dân dã, là dĩa rau luộc mẹ trồng, cá đồng cha bắt, tô canh bầu bác hàng xóm mang cho, cả nhà chia nhau ăn mà hạnh phúc lạ thường.

Nhớ những đêm dưới mái hiên nhà ngày mất điện, cả nhà quây quần bên nhau trên chiếc giường tre lắt lẻo, ánh sáng ngọn đèn dầu chập chờn trước gió hanh hao, ấm nước chè đậm đặc được mẹ nấu sẵn tự bao giờ. Bà đưa tôi về với thời dân làng ta giữ nước, chống giặc ngoại xâm. Mùi trầu thơm phức nhóp nhép nơi khóe miệng bà là loại tinh dầu dịu êm nhất đưa tôi vào giấc ngủ thảnh thơi.

Trăng vành vạnh giữa đêm thu sáng tỏ, tiếng côn trùng vang vọng từ phía vườn đằng sau, và tôi thiếp đi tự lúc nào chẳng rõ. Giấc mơ xưa ùa về ngày thơ chỉ có sự hiện diện của chuồn chuồn, châu chấu, bong bóng, kẹo mút, viên bi,… Nhưng nay trong mỗi cơn mơ, bão giông đã theo về sau cánh cửa.

Chạy dọc suốt một thời niên thiếu, tôi đã đi qua bao mùa mưa nắng với tấm áo sờn màu bạc phết của cha, đôi gánh mục nát theo thời gian của mẹ, và cái nhìn âu yếm cuối đời hiền hậu của bà. Biết làm sao khi tôi không thể can ngăn gió thu ngừng thổi, lá trên cành thôi rơi, và kiếp người dừng trước vòng luân hồi mang tên “tử”. Bà ơi, gửi niệm thương tới bà dưới nấm mồ nay đã xanh màu cỏ dại, nhân sinh một thoáng đã đi hết kiếp người. Thương cho những tảo tần, hi sinh cực nhọc để mang về cho con tuổi thơ chẳng thể nào quên.

khongcobanh

Nay trước ngọn gió chiều nơi phố thị phồn hoa, khi tuổi đời đủ lớn và nếm trải được hương vị cuộc đời, khi tôi rời xa quê hương lang thang trong nẻo luân hồi, tôi nhận ra quê nhà cho tôi một dòng sữa mẹ, mà tôi đã uống còn nhiều hơn nước trong biển cả ngoài kia.

Cảm ơn tiếng kẹt cửa khiến lòng tôi thêm nhức nhối, để tôi biết rằng trong sâu thẳm mảnh hồn lạc lõng ấy vẫn còn một chốn để trở về. Bởi giữa thế gian lạnh và lòng người cũng lạnh, ai cũng vội lao đi tìm chút hơi ấm cho mình, có kẻ lao theo biển lửa quyền lực, có người tìm kiếm những điều phù hoa, có kẻ đi tìm hơi ấm trong vòng tay ai khác, còn tôi lựa chọn quay về nhen nhóm tâm tình một thuở thiếu thời gắn bó với làng quê. Vì nơi ấy thắp lên trong tôi ngọn lửa duy nhất giữa nhân gian, mà cho dù tôi có cầm sưởi ấm cả một đời, đôi tay này cũng không thể bỏng.

Trước guồng quay mưu sinh tất bật, tôi thèm khát một buổi chiều đợi mẹ nơi ngõ vắng đường quê, gửi vào gió thu lời tâm tình thủ thỉ, gửi thương nhớ về phương xa một chút tình.

Dẫu tôi có đi qua trăm ngả, bắt gặp vạn phong cảnh hữu tình thì bức tranh quê nhà luôn hiện diện trong tôi gam màu nổi bật nhất. Giữa một trời lộng gió, tôi ước mình là rêu muôn thuở vẫn xanh rì, hay là gió bay qua miền đất trống, để được bay về nhà cho đời bớt chia ly. Đường đời sao chật chội quá, đôi lúc tôi xin thua trước những chuyến phong trần, bờ mi ướt nhẹm giữa một chiều đỏ thẫm, tôi thèm sà vào lòng mẹ để được khóc rưng rưng.

Sự bào mòn của thời gian càng làm tôi thấm đượm nghĩa tình với nơi chôn nhau cắt rốn, với tôi mùi vị quê nhà như làn hương trầm trước Phật, nhẹ nhàng, thanh thản và bình yên. Nên đôi lúc giữa vô vàn ngã rẽ của cuộc đời xuôi ngược, tôi thèm một lần nữa được tắm mát bên triền đê. Giờ đây, nếu quê là nhà, đi bao xa mới tới?

Tác giả: Nhân Gian Lưu Tình, Tam Giác Mạch

Giọng đọc: Bạch Dương, Thắng Leo

Thực hiện: Hằng Nga

Tam Giác Mạch

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

 Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Ngày hôm đó chúng ta đã nói sẽ luôn nhớ tới nhau, sẽ giữ trọn vẹn trong tim mối tình của năm tháng ấy. Nhưng anh biết không, mỗi người chúng ta ai rồi cũng đều khác, lời hứa năm đó cũng chỉ là tên gọi khác của lời tạm biệt mà thôi.

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Dây xích sắt trượt dài trên thanh chắn cửa, rít lên một tràng âm thanh chói tai, kết thúc bằng tiếng đáp đất nặng trịch. Trời lặng gió, áng mây vắt ngang qua ngọn cây, trong đêm tối không trăng không sao, chiếc lồng đèn cũ phủ một lớp bụi mỏng

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Mưa rơi, làm hình bóng anh trong mắt cô mờ đi, gương mặt điển trai sau màn mưa trắng chẳng rõ đang vui hay buồn. Mưa vẫn không ngừng xối lên thân ảnh liu xiu của anh, lớp áo sơ mi trắng dính vào da lộ ra vết sẹo dài chạy dọc theo cánh tay khẳng khiu.

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn chính là chủ nhân của cuộc đời mình. Tương lai ra sao, do bạn định đoạt. Đừng để năm tháng trôi qua, trong bạn chỉ toàn là tiếc nuối.”

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Đôi khi, sự ra đi của người khác là lí do để ta nhìn lại mình. Nhìn lại những gì mà bản thân đã cư xử. Có phải vì ta chưa đủ trưởng thành? Có phải vì ta vẫn còn quá cảm xúc và bi kịch hoá mọi thứ?

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy tận hưởng điều đó. Độc thân không có nghĩa là chưa đủ tốt để yêu. Độc thân nghĩa là chưa có ai đủ tốt để được bạn yêu.

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Muốn ngắm bình minh, phải dậy thật sớm. Muốn tạm biệt ngày tàn, phải vẫy chào hoàng hôn. Hạnh phúc của mình nên tự mình nắm lấy...

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Một giấc mơ dang dở dấy lên trong lòng tôi một sự hiếu kỳ với dáng vẻ của hạnh phúc. Nếu bước qua lằn ranh giữa quá khứ và hiện tại, tôi sẽ thấy được điều, có phải kết cục sẽ vẹn tròn hơn không.

Hôn lễ của em | Blog Radio 901

Hôn lễ của em | Blog Radio 901

Bên trong ai cũng có một vài vết thương, có kẻ biến vết thương thành một sự hiểu biết. Có người lại biến vết thương thành một nguyên nhân, sinh ra một vết thương mới đau hơn…

Em như ánh sao trời | Blog Radio 900

Em như ánh sao trời | Blog Radio 900

Không có một tình yêu nào là vĩnh hằng cũng chẳng có lời hứa nào gọi là mãi mãi, chỉ là con người ta thích tin vào những điều đó chỉ là nhất thời để rồi một đời đợi chờ.

back to top