Sài Gòn thương – mong bình yên về sau bão tố
2021-07-26 00:05
Tác giả: Tri Huynh, Ngô Thành Tuấn, Tuyết Như Trần, Hoàng Phệ Giọng đọc: Hà Diễm, Thắng Leo
Sài Gòn ơi hãy vững vàng tiến lên (Hoàng Phệ)
Sài Gòn tấp nập đông vui
Vậy mà giờ cũng ngủ vùi giấc sâu
Sài Gòn lấp lánh sắc màu
Giờ đây mang một nỗi đau vô hình.
Người thân chạm mặt làm thinh
Bạn bè gặp gỡ màn hình smartphone
Không còn những tiếng cười giòn
Hẹn hò tụ tập mỗi khi vui mừng.
Trẻ em túng quẫn bước chân
Như chim bị nhốt đang cần bay ra
Chúng thèm nhảy múa hát ca
Thèm đi dạo phố cùng bà, cùng ông.
Phố phường nay chẳng còn đông
Không còn tắc nghẽn giao thông nữa rồi
Chỉ còn văng vẳng tiếng còi
Xe đưa xe đón những người cách ly.
Sài Gòn mệt ngủ li bì
Người Sài Gòn sợ chia li mỏi mòn
Giặc dịch ở khắp nẻo đường
Sài Gòn như một chiến trường năm xưa.
Bác sĩ phải mặc áo mưa
Khó khăn vướng víu giữa hè nắng oi
Đấu tranh giữ lại mạng người
Để bao thế hệ người người cùng vui.
Sài Gòn ơi, mau dậy thôi
Qua bao trận chiến ngại gì gian nan
Sài Gòn nhiều nhớ, nhiều thương
Sài Gòn ơi hãy vững vàng tiến lên.
Bạn vừa lắng nghe bài thơ Sài Gòn ơi hãy vững vàng tiến lên được gửi đến từ Hoàng Phệ. Bạn thân mến, những ngày này, dịch lại bùng phát trên khắp cả nước, đặc biệt là các tỉnh phía nam, trong đó TP Hồ Chí Minh là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề. Những ngày này, Blog Radio liên tục nhận được những bài thơ, câu chuyện, những lá thư tâm sự gửi yêu thương về với Sài Gòn. Mong Sài Gòn chóng vượt qua bão giông để bình yên trở lại. Tiếp theo chương trình, mời bạn lắng nghe bài viết:
'Từ bi thành' – những ngày yên lặng đợi chờ hồi sinh sau giông bão được gửi đến từ Tuyết Như Trần.
Gọi là “từ bi thành”, cũng bởi tại đô thị nhộn nhịp này, dù mọi việc có trở nên tồi tệ đến đâu, vận mệnh có nghiệt ngã với bất kỳ ai ra sao, Sài Gòn vẫn dang rộng đôi tay bảo bọc tất cả mọi người vượt qua mọi gian nan. Dù “từ bi thành” của chúng tôi, như bất kỳ nơi nào trên thế giới này, đều có người tốt kẻ xấu, có muôn hình vạn trạng mọi điều tích cực lẫn tiêu cực, nhưng Sài Gòn chưa bao giờ từ bỏ bất kỳ ai, chối bỏ bất cứ cá nhân nào trong cuộc mưu sinh đời thường đầy tất bật.
Là một người sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, chứng kiến biết bao sự đổi thay, chưa bao giờ tôi nghĩ thành phố này sẽ có ngày phải chậm lại một nhịp vì bất cứ điều gì. Thế mà hôm nay, sau một trận “giông bão” rất dài, đầy những thương tổn vì Covid-19, người Sài Gòn đành chấp nhận “phong thành”. Mười lăm ngày này, hẳn sẽ trở thành một kí ức không bao giờ phai với mỗi người tại thành phố vốn dĩ rất mạnh mẽ, hào sảng và tràn trề năng lượng sống này.
Sẽ thật buồn khi nhận ra phương án “phong thành” là điều duy nhất chúng ta có thể làm để bảo vệ thành phố này, khi diễn biến của dịch bệnh Covid-19 ngày một trầm trọng hơn. Những ngày sống yên bình, được tự do hít thở, rong chơi phố phường của cư dân thành phố Hồ Chí Minh đã không còn. Thay vào đó, thành phố giăng dây khắp nơi, hàng loạt “tâm dịch” xuất hiện, tiếng xe cứu thương vang lên từng hồi một, trong sự ngỡ ngàng, bàng hoàng và lo lắng của người dân.
Còn gì đau lòng hơn những buổi sáng se se lạnh, chạy xe một mình giữa Sài Gòn vắng lặng, ngang qua những đoạn đường phong toả, thấy biết bao những bất an của cuộc đời thường nhật. Thi thoảng, vì e ngại dịch bệnh nên bản thân cứ chần chừ không muốn dừng xe. Nhưng rồi do lòng trắc ẩn, vì xót thương những ánh mắt khẩn cầu của những ông già bà lão bán hàng rong, những người tàn tật mưu sinh bằng xấp vé số đành phải nán lại mua giúp một vài thứ lặt vặt, tặng họ vài đồng lẻ ít ỏi. Cũng bởi tôi hiểu rằng những người nghèo này không còn sự lựa chọn nào khác, ngoài việc phải bám trụ vào phố xá và lòng từ bi của người đi đường. Đoạn đường về nhà vốn dĩ rất ngắn nhưng lại dài đến quanh co trong nỗi bất lực của bản thân trước biết bao mảnh đời cơ hàn.
Còn gì bàng hoàng hơn khi phải nhận những cuộc điện thoại báo tin người nhà trở thành F1, F2, thậm chí F0, chỉ sau một đêm ngắn ngủi. Suốt tháng sáu vừa qua, thay vì hào hứng thức giấc để chào đón ngày mới, việc đầu tiên bản thân tôi làm là nín thở mở điện thoại chờ đợi thông tin, để rồi có thể thở phào nhẹ nhõm hoặc âu lo buồn bã vì tin tức của những người xung quanh. Rồi những ngày vội vã mua thêm đồ đạc tích trữ, gởi thức ăn động viên cho người thân trong khu cách li, nín thở chờ kết quả xét nghiệm đại trà của cả khu phố, thậm chí buồn bã ra tận đầu ngõ nhìn theo bóng dáng của những người thân thuộc bước lên xe cứu thương đến bệnh viện… sẽ mãi là những hồi ức không thể quên với cá nhân tôi. Và tôi biết, không chỉ riêng bản thân mình, mỗi người ở Sài Gòn đều phải trải qua những khoảnh khắc đau lòng đến khó tả ấy.
Tôi quen biết một cô bạn làm nghề y, xung phong đi tuyến đầu vào khu điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19. Vốn dĩ lo lắng cho bạn, tôi nhắn tin hỏi thăm cô ấy vì sao lại bất chấp sức khỏe mà lựa chọn bước vào khu vực rất nhiều người e ngại như thế.
Bạn tôi bình thản trả lời: “Bạn sẽ không biết mình mạnh mẽ thế nào khi mạnh mẽ là lựa chọn cuối cùng của bản thân. Vào những thời điểm như thế này, có nhiều bệnh nhân sẽ bỏ cuộc vì đau đớn nhưng đội ngũ y bác sĩ thì không. Theo học ngành y, mình đã được dạy rằng người thầy thuốc phải nỗ lực đến phút cuối để cứu chữa người bệnh. Là bác sỹ đi tuyến đầu, mình sẽ thực hiện điều ấy. Và hơn bất kỳ điều gì, vì mình yêu Sài Gòn, mong muốn nhìn thấy thành phố của chúng ta được bình yên. “Từ bi thành” là nguồn động lực lớn lao nhất dành cho mình”.
Những dòng tin nhắn thay cho lời từ biệt khiến tôi xúc động thật sự. Và tôi biết, không chỉ riêng bạn mình mà hàng nghìn bác sỹ, y tá, nhân viên ngành y ở khắp thành phố này đang cố gắng hết sức từng ngày từng giờ. 15 ngày với chúng ta dù lo lắng bất an nhưng vẫn bình yên trong nhà, còn với những người như cô bạn bác sỹ của tôi thật sự là một khoảng thời gian quá dài. Sau bao năm trưởng thành nói không với “giấc mơ”, khi chứng kiến biết bao điều tử tế như thế giữa Sài Gòn, tôi đã bắt đầu tin vào phép mầu nhiệm.
Dịch bệnh Covid-19 xuất hiện tựa hồ như từng đợt súng liên thanh tấn công không ngừng nghỉ vào “từ bi thành”. Vốn quen với một cuộc đời yên ả, chỉ việc chuyên tâm làm việc và vui sống từng ngày, ắt hẳn chẳng mấy người Sài Gòn chuẩn bị tâm thế đối diện với dịch bệnh và tình hình căng thẳng, bủa vây vào thành phố như khoảng thời gian vừa qua. Lần đầu tiên, tôi nhận ra cũng có lúc “từ bi thành” của chúng tôi thật sự bất lực đến đau lòng như thế.
Thế mới hay, sống một cuộc đời bình thường vốn dĩ đã là một điều khốc liệt rồi. Sống giữa “tâm dịch” lại càng thật sự là một cuộc chiến khốc liệt hơn. Mỗi chúng ta, trong suốt mười lăm ngày sắp đến, hãy nỗ lực hết mình trong phạm vi có thể, cùng nhau lan tỏa những năng lượng tích cực nhất, để giúp Sài Gòn vượt qua cơn đại dịch này. “Từ bi thành” của tất cả người dân Sài Gòn nhất định sẽ hồi sinh mạnh mẽ, như cái cách vùng đất này đã bao bọc yêu thương và trìu mến đối đãi chúng ta trong suốt những năm tháng vừa qua.
Bạn vừa lắng nghe lá thư tâm sự được gửi đến từ bạn Tuyết Như Trần, một người con sinh ra và lớn lên ở TP HCM, đang chứng kiến quê hương mình trải qua những ngày khó khăn vì dịch bệnh. Vậy còn những người nơi khác từng có dịp đến và sinh sống ở TP HCM, họ cảm thấy thế nào?
Tiếp theo chương trình mời bạn lắng nghe bài viết
Sài Gòn khó quên được gửi đến từ bạn Tri Huynh.
Lúc trước, Sài Gòn với mình như một giấc mộng. Đó là một giấc mộng hào nhoáng và phồn hoa. Người ta tôn sùng Sài Gòn như một minh tinh, một ngôi sao đầy lộng lẫy, mộng mơ, phù du và lấp lánh. Sài Gòn sáng rực rỡ trong mình.
Mọi người thường vẽ nên một Sài Gòn thật kiêu kì và đỏng đảnh, quyến rũ nhưng cũng rất hào phóng như một quý bà giàu có dễ dàng chào đón mọi người đến, trao cho họ cơ hội, thì thầm vào tai họ những mộng mơ và gieo cho người ta những khát vọng của một tuổi trẻ đang tuôn tràn. Một Sài Gòn hoa lệ, một Sài Gòn dành cho tất cả mọi người nhưng không dễ để ai cũng làm quen được nơi này.
Đâu mấy ai chịu nổi cái thời tiết kì lạ khi mà ở Sài Gòn trời đang nắng hóa cơn mưa đầu mùa mà không cho ai biết trước, cứ đổ mưa ào ào cho thỏa lòng xong để người ta chỉ mới kịp choàng cái áo mưa vào cổ thì ánh nắng lại khẽ chớm, non tươi, mơn mởn đậu lên da ấm nóng. Mùi hơi đất tự tiện xộc lên mũi mà không một lời xin lỗi như thể cái cách người ta đôi lần bỏ qua cho những lỗi lầm nhỏ nhặt.
Đâu mấy ai chịu được đường xá ở Sài Gòn khi lúc thì quá vòng vèo, quá thênh thang làm ta chạy mãi lạc lối hồi nào không hay, nhưng cũng có lúc thấy chật hẹp, nhỏ bé đến nỗi không biết nên đi đâu hay làm gì. Đâu mấy ai thích đặc sản của Sài Gòn, khi cứ ra đường là khói bụi, kẹt xe.
Mấy ai chịu nổi đứng dưới cái nắng đổ lửa của Sài Gòn, vội vã bóp kèn inh ỏi phá tan không khí ngột ngạt, nhìn người ta lườm mình khó chịu, và ngước trông cho cái đèn đỏ chuyển màu. Thở hắt ra toàn những khó chịu và áp lực. Mấy ai chịu được cái cảm giác thấy mình quá đơn độc, khô khan và nhỏ bé lọt thỏm trong một Sài Gòn rộng lớn, lớn đến nỗi người ta có thể biết được mình là ai trong cái vùng đất hào nhoáng này. Cũng chẳng mấy ai bắt kịp được nhịp sống hối hả, luôn chạy từng giờ ở nơi này.
Nhưng lỗi không hoàn toàn nằm ở Sài Gòn. Trách chỉ tại vì Sài Gòn quá hào nhoáng và đẹp đẽ làm người ta sinh nên những giấc mơ hão huyền mà không biết được những góc khuất của cơn mơ. Lỗi bởi Sài Gòn cởi mở, hào sảng và phóng khoáng chấp nhận hết mọi loại người, mọi vùng miền vào nơi này, người ta đổ xô nhiều đến nổi lẫn lộn, chui rúc trong cái tổ mang tên Sài Gòn. Để rồi họ không biết mình là ai, mình sẽ làm gì vì khắp nơi người là người lẫn lộn trong nhau và biết đâu ở trong ngóc ngách nào đó người ta lại thấy ai đó giống mình.
Lỗi không phải bởi Sài Gòn, mà tại rằng thành phố này quá bao dung, sẵn sàng tha thứ cho mọi lỗi lầm của tuổi trẻ. Tha thứ cho tất cả , tha thứ đến mệt mỏi. Sài Gòn không khắt khe quá nhiều, Sài Gòn không cần biết bạn là ai, bạn làm gì, bạn ra sao, Sài Gòn không phán xét bạn.
Sài Gòn thẳng thắn nói cho bạn rằng bạn không đặc biệt như những gì bạn nghĩ, bạn không giỏi giang nếu bạn không cố gắng. Bởi ở Sài Gòn nếu bạn đứng im thì bạn sẽ bị đào thải, hòa tan trong ngàn lớp người cứ nhấp nhô đến mỗi năm. Sài Gòn bắt bạn phải chạy trước khi những cơn sóng cuốn trôi bạn. Ở Sài Gòn bạn để quen, bạn phải liên tục chạy, đôi khi quên mình, đôi khi tới đích, đôi khi gục ngã, cũng đôi khi may mắn bạn tìm được cho mình một chỗ trú riêng nhưng bạn sẽ mắc kẹt ở đó hoài.
Thế nên đôi khi Sài Gòn dễ ở, dễ rời nhưng không dễ quen. Nhiều người ở đất này nhưng vẫn mơ về cuộc sống Đà Lạt xa lắc để tránh xa cái nắng gắt gỏng , nhớ về quê hương mình đã ở để mở mắt hít một luồng khí không có bụi bặm, muốn chuyển lên Vũng Tàu hay Nha Trang chỉ để sáng nào cũng nghe tiếng sóng vỗ, tránh xa ồn ã Sài Gòn.
Người ta mau quên Sài Gòn đã đối đãi họ ra sao, Sài Gòn gánh gồng mọi con người trên nó như thế nào, và Sài Gòn đã phải chống chọi với bao cơn bão bệnh để bảo vệ người dân của nó. Có lẽ Sài Gòn cũng đã mệt mỏi , xót xa nhìn những đưa con rời khỏi nó.
Sài Gòn cần nghỉ ngơi một thời gian để dọn dẹp hết khói bụi, để xả đi những buồn bực, muộn phiền. Để tiếp tục hồ hởi đón người mới đến và chào những người khác quay về. Sài Gòn rốt cuộc cũng như một cô gái đỏng đảnh, thẳng thắn nhưng không thù dai khi lại sẵn sàng dang rộng vòng tay che chở bao người có về, có đi.
Rốt cuộc người ta không dễ quen Sài Gòn nhưng khi đã quen rồi người ta lại khó xa vì Sài Gòn biết những lúc họ khóc ròng ở nơi hoa lệ, Sài Gòn biết những giọt mồ hôi người ta đổ trên đất mặn mòi. Sài Gòn hiểu “máu” người chảy và “mặt người” rơi trên đất xanh xao, khô rạc trong một buổi trưa đổ lửa, Sài Gòn cũng biết nỗi buồn của những người trẻ không ngủ.
Khi xa Sài Gòn người ta lại nhớ lại những nỗi buồn mà ứa nước mắt, nhớ về một mảnh đất mà mình chưa quen sống.
Bạn vừa lắng nghe lá thư tâm sự Sài Gòn khó quên được gửi đến từ bạn Tri Huynh. Để khép lại chương trình, mời bạn lắng nghe bài thơ:
Thành phố tôi ơi, xin hãy cố lên nào được gửi đến từ bạn Ngô Thành Tuấn.
Mười lăm ngày lại giãn cách nữa thôi
Sài Gòn ơi, bạn cùng tôi cố gắng
Bình minh đến lại sẽ tràn ánh nắng
Biến đau thương thành sức mạnh tuyệt vời.
Bao khó khăn, bao vất vả trên đời
Bao gian lao, ngặt nghèo và thử thách
Có sao đâu, người Sài Gòn nào trách
Miễn đẩy lùi được gánh nặng cô vy.
Sẽ chẳng còn những cảnh tượng hoen mi
Sự ngơ ngác vì bỗng dưng phong tỏa
Sẽ không còn những dòng xe hối hả
Chở F0 tất tả mọi nẻo đường.
Cảm ơn nhiều, đã trải gió dầm sương
Những cô gái, những chàng trai tình nguyện
Những bác sĩ vẫn ngày đêm viết truyện
Bản trường ca huyền thoại ở tuyến đầu.
Cảm ơn nhiều những tình nghĩa đậm sâu
Với chợ 0 đồng, cơm đâu lấy phí
Người Sài Gòn đã làm thì đâu nghĩ
Tính toán chi, thánh thiện đến vô cùng.
Chỉ thị rồi nhưng đâu thể ung dung
Vẫn cảnh giác, cần tập trung cao độ
Xét nghiệm, truy vết, phải làm đồng bộ
Thật quyết tâm để số nhiễm không tăng.
Mười lăm ngày trôi qua sẽ thật nhanh
Sài Gòn mạnh lành, đi qua giông tố
Hàng quán, ánh đèn với bao con phố
Được trả về bộ áo “bình thường” thôi.
Thành phố tôi ơi, xin hãy cố lên nào.
Bạn vừa lắng nghe những lá thư tâm sự, những bài thơ gửi đến Sài Gòn thân yêu như lời động viên thành phố vượt qua những ngày tháng khó khăn. Chúng ta hãy cùng nhau đồng lòng cố gắng để dịch bệnh sớm qua nhanh và bình yên sớm trở về với dải đất Việt Nam này bạn nhé!
Nhóm tác giả Blog Radio
Giọng đọc: Hà Diễm, Thắng Leo
Thực hiện: Hằng Nga
Thiết kế: Hương Giang
Xem thêm:
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho chúng ta
Những đau đớn hằn vết trong trái tim anh đều do em cả. Em không mong mình sẽ là người khâu vá lỗ hỏng ấy, chỉ mong anh hãy quên em và đừng yêu em thêm nữa. Tình yêu này không nên tồn tại. Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho cả hai chúng ta.
Trả Lại Anh Cho Cô Gái Khác | Radio Tâm Sự
Sau chia tay, có ai không bi luỵ lẫn tổn thương… chẳng qua chúng ta chỉ khác nhau ở thời gian chữa lành mà thôi. Có người cần một tháng, có người cần một năm, có người cần thời gian đủ lâu và có kẻ chấp nhận dùng cả một đời để học cách quên đi một người.
Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909
Ngày hôm đó chúng ta đã nói sẽ luôn nhớ tới nhau, sẽ giữ trọn vẹn trong tim mối tình của năm tháng ấy. Nhưng anh biết không, mỗi người chúng ta ai rồi cũng đều khác, lời hứa năm đó cũng chỉ là tên gọi khác của lời tạm biệt mà thôi.
Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908
Dây xích sắt trượt dài trên thanh chắn cửa, rít lên một tràng âm thanh chói tai, kết thúc bằng tiếng đáp đất nặng trịch. Trời lặng gió, áng mây vắt ngang qua ngọn cây, trong đêm tối không trăng không sao, chiếc lồng đèn cũ phủ một lớp bụi mỏng
Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907
Mưa rơi, làm hình bóng anh trong mắt cô mờ đi, gương mặt điển trai sau màn mưa trắng chẳng rõ đang vui hay buồn. Mưa vẫn không ngừng xối lên thân ảnh liu xiu của anh, lớp áo sơ mi trắng dính vào da lộ ra vết sẹo dài chạy dọc theo cánh tay khẳng khiu.
Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906
Bạn chính là chủ nhân của cuộc đời mình. Tương lai ra sao, do bạn định đoạt. Đừng để năm tháng trôi qua, trong bạn chỉ toàn là tiếc nuối.”
Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905
Đôi khi, sự ra đi của người khác là lí do để ta nhìn lại mình. Nhìn lại những gì mà bản thân đã cư xử. Có phải vì ta chưa đủ trưởng thành? Có phải vì ta vẫn còn quá cảm xúc và bi kịch hoá mọi thứ?
Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904
Nếu bạn độc thân, hãy tận hưởng điều đó. Độc thân không có nghĩa là chưa đủ tốt để yêu. Độc thân nghĩa là chưa có ai đủ tốt để được bạn yêu.
Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903
Muốn ngắm bình minh, phải dậy thật sớm. Muốn tạm biệt ngày tàn, phải vẫy chào hoàng hôn. Hạnh phúc của mình nên tự mình nắm lấy...
Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902
Một giấc mơ dang dở dấy lên trong lòng tôi một sự hiếu kỳ với dáng vẻ của hạnh phúc. Nếu bước qua lằn ranh giữa quá khứ và hiện tại, tôi sẽ thấy được điều, có phải kết cục sẽ vẹn tròn hơn không.