Hãy tin rằng mùa dịch sẽ qua nhanh thôi
2021-08-17 09:12
Tác giả: Khánh An ( Hồng Minh), Mai Lộ Khiết, Cỏ Non, Uyên Uyên Giọng đọc: Radio Online Team
Bạn thân mến! Thời gian lúc này đã vào tháng 8, ở miền Bắc cái nóng gắt gỏng đã dịu xuống để dần nhường chỗ cho mùa thu. Hà Nội đẹp nhất khi thu về. Mỗi khi đến tiết giao mùa, tôi – người làm chương trình lại ngâm nga mấy câu hát:
“Bởi vì mùa thu tôi ở lại
Hà Nội mùa thu, Hà Nội thu
Hà Nội mùa thu tràn nỗi nhớ
Không bởi vì em hay vì em.”
Mặc dù không sinh ra và lớn lên ở đây nhưng tôi cũng đã có hơn một thập kỷ gắn bó với Hà Nội, kể từ khi tôi bước chân đến đây học đại học và sau đó ở lại Hà Nội làm việc đến tận bây giờ. Mùa thu năm nay, không biết Hà Nội đã khỏi ốm chưa? Thèm cái cảm giác xách xe dạo phố phường, ăn kem Tràng Tiền, dạo mát hồ Tây một ngày lộng gió, hít hà hương cốm mới.
Cách đây vài tuần tôi còn làm chương trình Sài Gòn thương, mong bình yên về sau bão tố như một lời động viên nhắn gửi Sài Gòn. Không lâu sau, Hà Nội cũng đóng cửa im lìm, ngơi nghỉ. Trong những tuần gần đây, Blog Radio liên tục phát những lá thư tâm sự của độc giả khắp mọi miền đất nước, viết về những cung bậc cảm xúc trong mùa dịch. Đó có thể là những nỗi đau, mất mát của gia đình có người thân qua đời vì Covid. Đó có thể là tâm trạng của những người đang giãn cách xã hội tại nhà. Đó là những lá thư động viên của độc giả nhắn gửi lực lượng tuyến đầu đang công tác trong tâm dịch.
Tuần này, Blog Radio tiếp tục phát những lá thư mới, những cung bậc cảm xúc mới. Điều đặc biệt là chương trình này có sự góp giọng của đội ngũ phát thanh viên 2 miền Nam – Bắc đang cộng tác với Blog Radio, trong đó có cả tôi – Hằng Nga – biên tập viên và là người phụ trác sản xuất chương trình.
Bạn có tò mò không biết cuộc sống của những người ở Hà Nội hiện giờ ra sao? Hãy đến với lá thư đầu tiên qua giọng đọc của Bạch Dương nhé!
Lá thư: Hà Nội ơi, hãy mau khỏe lại nhé (được gửi từ Cỏ Non)
Không giống như năm ngoái, dịch bệnh năm nay phức tạp hơn nhiều và mọi thứ dường như chưa thể ổn định lại khi đã nửa năm trôi qua thì hơn phân nửa thời gian đó là cả nước cùng chống dịch. Hà Nội trở mình vào những ngày cuối tháng 7, cũng là năm đầu tiên tôi ở lại Hà Nội đúng mùa Covid và lần đầu tôi bắt gặp một Hà Nội thật lạ lẫm.
Hà Nội mùa này rất thích hợp với những người cô đơn, bạn hẳn là người có nhân phẩm rất tốt nếu ra ngoài đường mà không gặp chú áo xanh nào hỏi thăm. Bạn sẽ thong dong thả bộ trên những con đường rợp bóng cây hoa sữa với những búp hoa sắp bung nở mà không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn nào.
Thời tiết cứ thế chuyển dần sang thu, dường như chẳng đoái hoài gì đến Hà Nội đang gồng mình chống chọi với dịch bệnh, cũng không chờ đợi con người ta đến ngày được ra khỏi nhà đón thu về. Nói như vậy nhưng không có nghĩa là tôi khuyến khích các bạn ra ngoài những ngày này, yêu Tổ quốc vẫn là trên hết.
Cứ thế trôi qua từng ngày, nhịp sống ở Hà Nội cũng trở nên chậm rãi hơn trước, có những ngày tôi còn chẳng cảm nhận được sự hiện diện của thời gian, chẳng thèm nhìn đồng hồ mà nhìn màu trời đoán giờ, vốn dĩ bị chôn chân trong bốn bức tường ngột ngạt suốt mấy ngày qua, thì mấy giờ cũng đều như nhau thôi.
Tôi gọi Hà Nội hiện tại như bao cấp "nửa mùa", bởi vì chẳng có thời bao cấp nào mà đường xá vắng hoe như bây giờ, đi chợ vài ngày một lần, cầm trên tay phiếu đi chợ mà thấy bản thân quyền lực như con nhà giàu thời xưa, nhưng dù đi chợ hay siêu thị thì cũng thấy nguy hiểm. Lúc nào cũng thèm bát phở, tô bún riêu thời điểm này.
Cứ 3 ngày một lần, tôi xách xe ra chợ mua đồ rồi lại nhanh chóng quay về, đó mới là khoảng thời gian tôi nhìn thấy rõ sự thay đổi rõ rệt của Hà Nội. Có hôm một mình tôi đứng chờ đèn đỏ, xung quanh không một bóng người giờ dù lúc đó đang là buổi trưa. Hôm khác thì đi mua đồ muộn rồi dáo dác nhìn ngã tư trước đây từng đông đúc, tiếng còi xe không ngớt mà cứ ngỡ là đang ở quê, bởi vì yên tĩnh quá. Hình như đã quen với Hà Nội tắc đường, bỗng nhiên vắng vẻ thế này quả thực không quen.
Hà Nội sắp vào thu rồi, mùa hoa cúc, hoa sữa sắp đến, Trung thu nữa lại cận kề. Nhưng chúng ta không thể bảo thu đến muộn hơn một chút để được ra ngoài ngắm phố phường, tận hưởng khí trời mát mẻ, cũng không thể bảo hoa hãy nở muộn đi cho chúng ta kịp ngắm.
Lúc này chẳng dám ước gì cao sang, chỉ ước Hà Nội hết bệnh, trở về dáng vẻ vốn có, lại náo nhiệt như xưa, mỗi người một việc.
Một ngày nào đó sẽ không cần phải ngắm hoàng hôn từ ban công hay tầng thượng nữa mà có một hồ Tây lộng gió vẫn đang chờ. Chúng ta lại tiếp tục với công việc còn dang dở, chạy deadline với những câu chuyện quanh cốc trà đá, đĩa hướng dương, dạo chơi bốn phương với đám bạn, với những chuyến đi không ngừng nghỉ. Hà Nội hãy mau khỏe lại nhé.
Bạn vừa lắng nghe lá thư Hà Nội ơi, hãy mau khỏe lại nhé, được gửi đến từ bạn đọc Cỏ Non. Nếu như trước đây chúng ta vẫn hay than vãn đi làm tắc đường, công việc bộn bề mệt mỏi, chỉ mong có một ngày nghỉ thì nay đã “cầu được ước thấy” khi được ở nhà suốt tuần, không phải ra đường kẹt xe. Nói vui vậy thôi chứ phải ở nhà một cách bất đắc dĩ là điều không ai muốn chút nào. Nhưng nếu nghĩ một cách khác thì đây chính là cơ hội để ta sống chậm lại và hiểu rõ bản thân mình hơn. Là quãng thời gian ta lui về củng cố nội lực để chờ ngày tái xuất thật rực rỡ. Tiếp theo chương trình, mời bạn lắng nghe:
Lá thư: Điều khó khăn ngay lúc này rồi sẽ qua thôi (được gửi đến từ Mai Lộ Khiết)
Nếu thường ngày nhịp sống quanh tôi chỉ toàn vội vã, hối hả bởi đủ thứ việc thì dạo gần đây tôi đã có cơ hội được sống chậm lại. Nói theo hướng tích cực thì nhờ có lịch giãn cách xã hội của thành phố nên tôi đã có được khoảng thời gian nghỉ ngơi hiếm có này.
Tôi có thời gian dành cho bản thân, làm những việc mà thường ngày chẳng có cơ hội thực hiện, thư thái, nhẹ nhàng với thế giới. Tôi sẽ xem những bộ phim đang hot dạo gần đây, làm bánh chẳng hạn, vẽ vời các thứ nữa cho cuộc sống thêm màu sắc. Nhưng tôi cũng có khi chẳng kiểm soát được mà lại nhìn theo chiều kém tích cực.
Cảm giác bí bách thực sự rất khó chịu, ngồi cả ngày bên bốn bức tường, buồn chán đến nỗi chẳng còn giữ nổi sự hào hứng. Cho dù đã chú thích hàng dãy những việc để giết thời gian nhưng tôi đã chẳng thể tự dối bản thân thêm về những giây phút thảnh thơi kia được. Vì nỗi lo kinh tế nó đáng sợ lắm. Nỗi lo làm sao để duy trì cuộc sống cứ quanh quẩn trong đầu khiến mọi thú vui tôi viết ra đều trở nên tẻ nhạt, vô vị. Một ngày có những 24 giờ và tôi phải làm gì tiếp theo đây luôn là câu hỏi khó trong đầu. Sự vui vẻ, thư thái đã bị dập tắt cho đến lúc tôi phải chấp nhận rằng mình đã thất nghiệp.
Một ngày dài thật đấy, chuẩn bị vào khuya, chỉ chút nữa thôi là đôi mắt tôi sẽ lại mỏi vì lướt điện thoại quá nhiều, rồi tôi sẽ dần chìm vào giấc ngủ giống như những buổi hôm trước. Tưởng chừng sẽ là một ngày buồn chán như bao ngày khác thì tôi nhận được cuộc gọi từ người mà mình chẳng bao giờ nghĩ tới. Là chị tôi đấy, chị gọi cho tôi ngay lúc này phải chăng có chuyện gì rất gấp.
“Em nghe”.
“Em à, tình hình dịch bệnh chỗ em thế nào rồi? Có gắt quá không?”.
“Nếu khó khăn quá thì bảo chị nhé, chỉ gửi cho em ít đồ. Đồ ăn trong nhà còn không?”
“Chỗ chị dịch được kiểm soát rồi, mọi người đi lại cũng thoải mái hơn, em có thiếu đồ gì cứ bảo chị nhé, chị gửi sang liền. Giữ gìn sức khỏe nhé”.
Chị ấm áp, tốt bụng nên tôi quý chị vô cùng. Dù đã chẳng còn làm việc bên phòng do chị quản lý nữa nhưng tôi chẳng có ý đổi lại cách xưng hô đâu, vì chị mãi là chị tôi, chẳng phải sếp cũ hay gì cả, đơn giản là như vậy. Sự dịu dàng từ chị khiến tâm trạng tôi tốt lên nhiều, ra là mọi buồn bực đều có thể xoa dịu bởi sự tử tế.
Khi đã có thời gian để suy ngẫm về những câu chuyện xung quanh, tôi nhận ra việc tử tế, đầy tình người vẫn luôn hiện diện trong cuộc sống này. Chỉ là do lắm bộn bề lo toan, mải chạy đua theo dòng chảy thời gian nên chính chúng ta chẳng còn mấy để ý tới những chi tiết nhỏ đầy tích cực nữa. Ví như việc nở nụ cười vui vẻ, nói một câu khích lệ, hay cái ôm cảm thông đều là sự dịu dàng đến từ cuộc sống ấy chứ, chúng tuy nhỏ bé nhưng niềm vui chúng đem đến cho người đối diện là không đùa được.
Khi đã có thời gian ngồi xuống nghĩ về mọi điều xung quanh, bản thân tôi mới thấy quý giá hơn cuộc sống mình đang sống, việc cho tâm hồn được nghỉ ngơi sau những năm tháng chạy dài thật xô bồ chẳng phải điều gì đáng sợ nữa. Giây phút nói với bản thân lời cảm ơn vì thời gian qua đã cố gắng nhiều như vậy, cảm ơn vì đã chăm chỉ làm tốt mọi việc.
Cảm ơn vì những người quan trọng vẫn luôn cạnh bên tâm tình trong giai đoạn khó khăn. Nói với chính mình đừng gồng gánh nỗi lo âu đến kiệt quệ. Thất nghiệp nó đáng sợ, nhưng đáng sợ hơn là có một tâm hồn héo úa chẳng còn niềm tin vào cuộc sống, tương lai phía trước.
Tiêu cực sẽ không giúp bạn khá hơn, việc nhìn nhận và chấp nhận câu chuyện xung quanh như một sự chuẩn bị cho cuộc hành trình dài phía trước. Vậy nên bạn của tôi, hãy giữ gìn sức khỏe, trau dồi thêm những kỹ năng mềm, tài lẻ mới.
Hãy tận dụng thời gian để nâng cấp bản thân và những gì bạn học được lúc này sẽ giúp bạn thành công hơn trên con đường bạn đi sắp tới. Điều khó khăn ngay lúc này rồi sẽ qua thôi. Hãy giữ cho tinh thần của mình thoải mái nhất có thể nhé, đừng quên hẹn bản thân ngày gặp lại trên lộ trình mới, tốt đẹp hơn, rực rỡ hơn nhé.
Bạn vừa lắng nghe lá thư Điều khó khăn lúc này rồi sẽ qua thôi của Mai Lộ Khiết. Cùng chung suy nghĩ với bạn Mai Lộ Khiết, bạn Bum Béo cũng tin rằng mùa dịch sẽ qua nhanh, chỉ cần chúng ta đồng lòng, đoàn kết và cùng nhau cố gắng. Nếu mỗi người bớt than vãn đi một chút và làm nhiều điều tích cực hơn một chút, hẳn cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Tiếp theo chương trình, mời bạn lắng nghe:
Lá thư: Hãy tin rằng mùa dịch sẽ qua nhanh thôi (được gửi từ Bum béo)
Tôi có thói quen trước khi đi ngủ thường sẽ bật một bản nhạc piano nhẹ nhàng để lắng nghe và bản nhạc hôm nay có tên là "Town of windmill". Giai điệu nhẹ nhàng du dương làm tôi cũng cảm thấy nhẹ nhàng và bình yên hơn trong thời gian mùa dịch Covid đang diễn ra căng thẳng.
Đúng là âm nhạc có thể xoa dịu tâm hồn và những bất an của con người. Tôi nhận ra rằng khi tôi đang sống trong tâm dịch, tôi có xu hướng lo lắng bất an, những suy nghĩ và năng lượng tiêu cực cứ bủa vây làm cho con người dần mệt mỏi và cạn kiệt năng lượng. Nhưng khi tôi bình tâm lại, khi nghe bản nhạc này, tôi nhận ra mình vẫn còn may mắn hơn bao người ngoài kia, vẫn được có cơm ăn ngày ba bữa, có việc để làm, trong túi vẫn có tiền, vẫn còn gia đình và những người thân yêu.
Chúng ta hay cứ làm quá nỗi khổ niềm đau của mình nhưng quên mất rằng ở ngoài kia có những con người đang gánh chịu những vất vả, những niềm đau gấp trăm ngàn lần. Những y bác sĩ, những bệnh nhân, những người vô gia cư, những trẻ em lang thang và người già cơ nhỡ,... họ có những áp lực và sự nỗi khổ đau riêng mà chưa chắc ai cũng cảm nhận được.
Chúng ta ở đây còn được thở, còn được sống đã là điều may mắn hơn bao người rồi. Đôi khi, con người cần giảm bớt những đòi hỏi, những yêu cầu, giảm bớt chút quyền lợi và lợi ích của mình để chia sẻ, để dành cho những người kém may mắn hơn. Có một câu nói thế này "Hạnh phúc và đau khổ trên thế giới cộng lại bằng không". Nghĩa là khi bạn đang hạnh phúc với một điều gì đó thì ở đâu đó có một người đang gánh chịu đau khổ.
Khi bạn có thể gọi điện thoại cho người thân nơi xa, có gia đình bên cạnh thì có một gia đình lại mất đi một người thân yêu. Khi bạn đang than thở các siêu thị thiếu thực phẩm thì đâu đó trên vỉa hè, dưới gầm cầu có nhiều người mấy ngày liền không có cơm ăn áo mặc. Khi bạn than thở mình bị giảm lương trong mùa dịch thì có những người phải mất việc làm trong khi họ là trụ cột chính trong nhà, nuôi ba bốn miệng ăn.
Những lúc bạn than thở ở nhà chán quá, hết ăn rồi ngủ, không có việc gì làm thì trong khu cách ly, bệnh viện dã chiến có hàng trăm bác sĩ, điều dưỡng phải thức suốt đêm để chăm sóc bệnh nhân đến nỗi phải nằm vật ra nền đất để nghỉ ngơi, thậm chí phải truyền dịch vì không đủ sức lo cho hàng trăm bệnh nhân. Vì vậy, hãy luôn trân trọng và biết ơn với những điều mình đang có. Và quan trọng hơn là tình yêu thương, chia sẻ của mình với mọi người sẽ giúp cho chúng ta tạo ra thêm nhiều năng lượng tích cực, giúp xoa dịu bớt những tổn thương trong trái tim và làm cho những sự khó khăn sẽ giảm bớt đi.
Năng lượng đó sẽ lan tỏa đến nhiều người, nó giúp ta thêm bình yên hơn giữa những khó khăn trong lúc này. Khi tâm chúng ta có được sự bình an, dung lượng trái tim ta càng mở rộng thì ta có thêm nội lực, niềm tin để vượt qua những khó khăn gặp phải trong cuộc sống này.
Tôi muốn lan toả năng lượng tích cực, bình an này đến với mọi người và mong mọi người hãy luôn vững tâm trong mùa dịch này. Chúng ta hãy cùng nhau gửi những năng lượng tốt đẹp. Và hi vọng những điều tích cực, những may mắn sẽ đến để chúng ta có thể cùng vượt qua khó khăn.
Bạn thân mến! Dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, chúng ta hãy tin rằng mặt trời vẫn sáng thì hy vọng vẫn còn. Tiếp theo chương trình, mời bạn đến với một góc nhỏ Sài Gòn, nơi sinh sống của những người lao động nghèo ở mọi miền tụ lại. Cuộc sống của họ trong đại dịch ra sao? Mời bạn đến với câu chuyện nhỏ:
Tia nắng cuối ngày (được gửi đến từ bạn Hùng Luân)
Một tuần, hai tuần trôi qua, cuộc sống khu trọ hoàn toàn khác. Mấy gã đàn ông thất nghiệp nhàn rỗi, ngồi trong phòng rỉ rả điếu thuốc. Thuốc xong đến cà phê. Rồi đi ra đi vào, chậc lưỡi... Nghe tin giãn cách, mấy bà trong xóm lo cuống cuồng, sợ con virus từ phương trời nào rủi cái… dính vào người, sợ tụ tập bị phạt, trong bữa cơm cứ mắng chồng ở nhà cho yên.
Tôi đẩy cửa nhẹ, khẽ xỏ chân vào dép định bước ra tạp hóa. Chị hiền vừa về tới xuống xe, từ ngoài cổng đã vội chào:
- Em đấy à! Cả tuần này làm gì mới gặp?
- Em trốn dịch chị ạ! Sợ dịch... bắt - Tôi nói vội và bào chữa cho thói ngại giao tiếp của mình.
Dẫn xe đến cửa phòng, trên tay vẫn cầm giỏ xách với mớ rau héo, chị nói bằng giọng mệt nhọc:
- Dịch buôn bán ế ẩm quá em! Chợ vắng. Mấy hôm rày chị không bán được gì. Đồ tồn đó. Anh vẫn còn cố ngồi trông, xem có được thêm bao nhiêu.
- Thế mai chị vẫn bán à?
- Ừ, xem sao đã. Không bán sao mà sống...
Cuộc trò chuyện ngắn ngủi kéo dài thêm dăm phút. Bé Thanh ùa đón mẹ. Nó nhanh nhảu cầm lấy giỏ đồ, khoe hôm nay sang phòng bác Kính chơi được ăn chè đậu rất ngon. Chị về. Tôi bước ra. Ngược hướng. Chị nói vọng lại, bảo tối sang phòng ăn cơm cho vui.
Chị Hiền gốc Thái Bình, vào nam chục năm, sống chung với chồng và đứa con vừa lên lớp một. 3 giờ sáng, chị với anh lọ mọ dọn hàng ra chợ. Chị ngồi bán tới khi chiều tà mới về. Nhiều đêm dài không ngủ được, tôi vẫn nghe anh chị dọn hàng thì thầm, tiếng bê vác ì ạch.
Xóm lao động nghèo mùa dịch yên ắng hẳn. Dịch bùng lần này, nghe trên báo đài, mấy gã đàn ông cũng chẳng dám tụ tập rượu chè. Lâu rồi, xóm này không nghe âm thanh karaoke nào. Thi thoảng, giữa không gian tĩnh lặng có tiếng con nít thét lên. Xé nát. Sau đó vài tiếng bộp bộp liên tục. Vậy là nín dứt. Mọi thứ im lìm. Cả con người lẫn thời gian nơi đây như trôi chậm lại. Có thể ví như chiếc xe máy hết xăng, cần nạp nhiên liệu hoặc tưởng tượng chiếc xe ấy đang bon bon bỗng hư cái bánh, cái thắng phải thong dong đôi chút đợi thợ sửa chữa. Nhịp sống con người cũng đôi khi cần chậm lại, để nhìn về bản thân một chút, những được mất, những điều chưa tròn vành mà phấn đấu cho mai sau.
Hồi con virus chưa di cư đến thành phố, dãy nhà nhỏ xôn xao. Những buổi chiều cuối tuần, xong việc, cuộc sống dôi ra phút thảnh thơi, trên con hẻm trước cửa, mấy ông bày ghế nhậu, hát nghêu ngao. Bịch bánh snack, nửa con khô, trái xoài chấm muối ớt cũng đủ làm nên bữa tiệc vui giữa cuộc đời đầy ảo não. Đám con nít đạp xe trong khoảng sân chật chội. Thỉnh thoảng, mấy thằng nhỏ gân cổ hát theo bài ca mà cha chúng đang ngất ngây: “Ôi đàn bà là những niềm đau!”.
Ông cha ta dạy: “Ăn theo thuở, ở theo thời”. Lý thuyết ấy có lẽ mỗi người từ những cách khác nhau đã học được qua cuộc sống muôn vẻ muôn màu của họ, giờ là dịp để đem ra thực hành triệt để. Trong cơn tao đoạn, người ta càng dè xẻn, cố nhiên với kẻ nghèo càng chắt bóp, tằn tiện. Buổi cơm chiều hôm qua của nhà bác Tám Thìn, người ở ngay cổng ra vào chỉ có đĩa trứng chiên và trái cà tím luộc. Bình thường, bà con trong dãy kháo nhau nhà bác khá nhất. Trong phòng có sẵn tivi, tủ lạnh to bự đầy ắp đồ dự trữ. Nấu dư, bác hay bê sang cho những nhà có con đông. Bác gái chẳng bao giờ than thở với ai bởi bác sợ người ta khinh khi. Người trong xóm trọ vẫn tin bác thảnh thơi. Vậy mà ban tối đi ngang phòng, vọng nghe tiếng bác nói chuyện với ai trong điện thoại rằng ông nhà làm bảo vệ bị cho thôi việc nửa tháng qua vì nhà hàng đóng cửa, nợ nần tới kỳ lãi chưa đủ trả…
Trời xám xịt. Thành phố đã vào mùa mưa. Nhiều hôm, độ tan tầm, mưa cứ ầm ầm như thác đổ thành thử người đi làm về nhẹp cả áo quần. Con đường từ nhà ra quán thật mát mẻ. Những cơn gió luồng theo hướng dãy nhà thổi phà vào mặt. Tóc tai dựng lên cả. Trong gió đã chất đầy hơi nước.
Mụ chủ quán đưa tiền thối xong thì mưa to. Thế là không về được. Quán xá ngày dịch cũng chỉ có thằng khách quen mặt mấy năm và vợ chồng gia chủ. Mụ vợ tranh thủ lúc gió giông, bày ra đếm tiền. Mụ đóng cửa nhà, mặc cho người mới mua hàng vừa xong đứng bên ngoài lạnh căm. Mưa, đất trời trắng xóa. Nửa tiếng, nước đã dâng lên con hẻm. Người trong xóm này ai cũng hiểu một chuyện, cứ mưa là tranh thủ đi về trước đó hoặc sau đó rất lâu. Vì nước ứ ùn. Bỗng từ ngoài đầu đường có chiếc xe cứu thương rẽ vào, chạy phá ở giữa. Dòng nước văng tung tóe hai bên. Xe dừng trước con hẻm nhỏ lối vô nhà trọ. Có ai đó bồng bế người nào lên xe…
- Chết mất! Thế này thì chết thôi! - Bác Tám gái nói trong lo lắng.
Ông tài xế trên xe gào to:
- Nhanh lên mấy chị ơi. Rồi ai đi với bé này?
Ngoài xe, người cầm dù che. Kẻ đứng ướt như chuột lột cạnh cửa. Mọi người bàn tán: “Điện giật thế kia”. “Mẹ nó sát bên”. “Có ai điện cho thằng cha nó hay chưa?”. “Lúc đó, mẹ nó đang tắm…”. Những câu nói xen nhau. Chị Hiền chạy ù, gương mặt tái bệch. Tôi đội mưa về nghe loáng thoáng giữa tiếng gầm, tiếng sét, vậy là, tôi hiểu cơ sự. Cầm chặt túi đồ, chị Hiền leo vội lên xe. Người phụ nữ nghèo khổ mắt đỏ hoe nhưng cương quyết để không rơi giọt lệ nào. Lúc này, tôi sực nhớ lời chị tâm sự rằng hàng bán không được, vốn còn nằm đó. Tôi chạy ra, giúi vô tay chị mớ tiền sẵn trong túi, chỉ kịp nói: “Chị cứ giữ lấy”. Cửa xe đóng gầm. Trời vẫn mưa tầm tã.
Chúng tôi biết nhau từ hồi đứa con gái bé bỏng đang nằm bất động trên xe kia, chị còn mang trong bụng. Ngày đó, thai được bốn tháng. Tôi dọn đến với đống đồ lỉnh kỉnh, chị hăng hái ra chào đón người hàng xóm mới. Bụng to vẫn gắng phụ bưng bê. Sống trong khu trọ, quanh năm, nhà chị chẳng cự cãi với ai. Nghèo nhưng có tình, có nghĩa. Ngày chị đau bụng đẻ, tôi cũng có mặt dìu chị ra xe vào viện. Còn giờ đây…
Xong xuôi, ai về chốn nấy. Mấy chục căn phòng khép chặt cửa. Lặng căm. Phải mất mươi phút, tôi mới định thần, chậm rãi bước về hướng quen thuộc.
- Biết có sao không, con nhỏ ngay đơ ra? Cha nó về chưa ông?
- Đi thẳng vào viện rồi.
Người đàn bà vừa hỏi xong đã đốt hương, thầm thì trước bàn thờ phật khấn xin. Bác trai ngồi bệt ngay cửa, châm điếu thuốc:
- Người ta khốn khổ mà thêm tai nạn.
Bà chủ nhà từ bên ngoài che dù chạy sang, đon đả. Người bà béo, bước đi khệ nệ. Bà dán thông báo, miệng luyên thuyên kêu tháng này giảm hai trăm ngàn đồng mỗi căn phòng. Bác Tám tiếp chuyện. Bà béo coi vậy mà tốt bụng. Mấy đợt dịch trước bà cũng giảm tiền cho tất cả. Trong đám lộn xộn vừa rồi, bà lúm xúm cầm dù, cầm khăn đưa cho bác sĩ trên xe. Khép cửa, tôi chợt nghĩ chỉ chốc lát mà sự việc đã hoàn toàn khác. Chuyện đời đổi dời mau lẹ!
Xế muộn, có tiếng bác Tám trai cười vang to: “Vậy được rồi! Mừng rồi!”. Bên ngoài, những tia nắng cuối ngày tạt vào cổng. Thứ ánh nắng sau cơn mưa giữa bầu trời khoáng đãng tuy không thấm vàng nhưng làm lòng người nhẹ nhõm, thanh thoát lạ chừng. Sau tối tăm trời lại tươi vui. Và đâu đó trong khu nhà nghèo khổ này cũng đang nhen lên một tia sáng vô hình.
Sài Gòn, tháng 6.2021
Bạn vừa lắng nghe những mẩu chuyện, những lá thư tâm sự của những độc giả Blog Radio từ khắp mọi miền đất nước gửi về. Thông qua đó, ta hiểu thêm về những mảnh ghép cuộc sống của những người sống trong tâm dịch, những nơi phải giãn cách, phong tỏa. Mong rằng dịch bệnh sẽ sớm qua nhanh để chúng ta được bước vào trạng thái bình thường mới.
Nhóm tác giả Blog Radio
Thực hiện: Nhóm sản xuất Blog Radio
Xem thêm:
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho chúng ta
Những đau đớn hằn vết trong trái tim anh đều do em cả. Em không mong mình sẽ là người khâu vá lỗ hỏng ấy, chỉ mong anh hãy quên em và đừng yêu em thêm nữa. Tình yêu này không nên tồn tại. Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho cả hai chúng ta.
Trả Lại Anh Cho Cô Gái Khác | Radio Tâm Sự
Sau chia tay, có ai không bi luỵ lẫn tổn thương… chẳng qua chúng ta chỉ khác nhau ở thời gian chữa lành mà thôi. Có người cần một tháng, có người cần một năm, có người cần thời gian đủ lâu và có kẻ chấp nhận dùng cả một đời để học cách quên đi một người.
Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909
Ngày hôm đó chúng ta đã nói sẽ luôn nhớ tới nhau, sẽ giữ trọn vẹn trong tim mối tình của năm tháng ấy. Nhưng anh biết không, mỗi người chúng ta ai rồi cũng đều khác, lời hứa năm đó cũng chỉ là tên gọi khác của lời tạm biệt mà thôi.
Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908
Dây xích sắt trượt dài trên thanh chắn cửa, rít lên một tràng âm thanh chói tai, kết thúc bằng tiếng đáp đất nặng trịch. Trời lặng gió, áng mây vắt ngang qua ngọn cây, trong đêm tối không trăng không sao, chiếc lồng đèn cũ phủ một lớp bụi mỏng
Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907
Mưa rơi, làm hình bóng anh trong mắt cô mờ đi, gương mặt điển trai sau màn mưa trắng chẳng rõ đang vui hay buồn. Mưa vẫn không ngừng xối lên thân ảnh liu xiu của anh, lớp áo sơ mi trắng dính vào da lộ ra vết sẹo dài chạy dọc theo cánh tay khẳng khiu.
Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906
Bạn chính là chủ nhân của cuộc đời mình. Tương lai ra sao, do bạn định đoạt. Đừng để năm tháng trôi qua, trong bạn chỉ toàn là tiếc nuối.”
Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905
Đôi khi, sự ra đi của người khác là lí do để ta nhìn lại mình. Nhìn lại những gì mà bản thân đã cư xử. Có phải vì ta chưa đủ trưởng thành? Có phải vì ta vẫn còn quá cảm xúc và bi kịch hoá mọi thứ?
Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904
Nếu bạn độc thân, hãy tận hưởng điều đó. Độc thân không có nghĩa là chưa đủ tốt để yêu. Độc thân nghĩa là chưa có ai đủ tốt để được bạn yêu.
Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903
Muốn ngắm bình minh, phải dậy thật sớm. Muốn tạm biệt ngày tàn, phải vẫy chào hoàng hôn. Hạnh phúc của mình nên tự mình nắm lấy...
Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902
Một giấc mơ dang dở dấy lên trong lòng tôi một sự hiếu kỳ với dáng vẻ của hạnh phúc. Nếu bước qua lằn ranh giữa quá khứ và hiện tại, tôi sẽ thấy được điều, có phải kết cục sẽ vẹn tròn hơn không.