Phát thanh xúc cảm của bạn !

Blog Radio 717: Anh không phải người duy nhất cần em

2021-08-07 00:05

Tác giả: Nguyễn Thị Loan Giọng đọc: Thắng Leo, Bạch Dương

Bạn thân mến! Trong Blog Radio tuần trước, chúng ta đã nghe phần 1 của truyện ngắn Anh không phải người duy nhất cần em của tác giả Nguyễn Thị Loan. Câu chuyện kể về những lần đụng độ oan gia ngõ hẹp của cô nàng bác sĩ khoa sản với anh chàng cảnh sát cơ động. Có vẻ như giữa cả hai có duyên gặp nhau rất nhiều lần. Trong tuần này, chúng ta hãy cùng nhau lắng nghe phần 2 của câu chuyện:

Phần 2. Đi nhé, có anh chờ!

Ngày hôm sau tôi uể oải bước vào phòng làm việc. Cả một buổi tối, tôi nghe bài ca của mẹ mà ong hết cả đầu. Đang suy nghĩ có nên xin đăng ký trực xuyên tháng không, thì chị đồng nghiệp của tôi đã kể:

- Em còn nhớ đợt trước có cô bé sinh viên vào đây khám định bỏ thai không?

- Vâng, em nhớ. Sao thế chị?

- Hôm qua cô bé đó đi khám lại, bảo sẽ quyết định giữ thai. Chị nghe mà thấy mừng lắm. Mà em biết không, thì ra cái cậu hôm trước không phải bạn trai của cô bé đâu. Hôm qua vắng bệnh nhân, chị khám kĩ, rồi cũng hỏi thăm, khuyên nhủ. Cô bé kể đó là ân nhân của cô ấy. Ngày đấy, cô bé định nhảy cầu tự tử, may có anh đó đi qua, cứu được, rồi đưa vào bệnh viện khám. Không những thế, còn đưa cô áy về nhà, gặp anh chị của cô bé khuyên nhủ. Lúc đầu thì anh chị, bố mẹ của cô bé cũng giận lắm, nhưng sau đó cũng nghĩ thoáng hơn rồi. Ở đời, khi con người ta gặp chuyện, không gì tốt hơn là có một chỗ để nương tựa, bấu víu. Nghĩ cũng may, thế là giữ lại được trên đời hai sinh mạng. 

blogradio_anhkhongphainguoiduynhatcanem

Tôi nghe xong, nhớ lại chuyện hôm qua mà chỉ ước đất nứt ra một cái lỗ cho tôi nhảy xuống. May mà hôm qua cô gái kia không lấy nước hắt vào mặt Đức, không thì tôi áy náy lắm. Nghĩ tới nghĩ lui, vẫn thấy nên nói với Đức một lời xin lỗi. Tôi lấy điện thoại ra, tần ngần một hồi tmà không đủ can đảm nhắn tin trước. Nick này là Quyên add cho tôi, mà bận bịu quá tôi cũng quên luôn. Tôi cứ nhắn rồi lại xóa, cuối cùng bực mình quá, nhét luôn điện thoại vào trong túi, quyết định bỏ qua coi như chuyện tối hôm đó không xảy ra. 

Buổi tối, tôi lượn lờ trên đường chưa muốn về nhà. Mẹ vẫn còn đang giận, về nhà lại một bài ca quen thuộc. Quyên đi chơi với Duy rồi, tôi lại không muốn làm bóng đèn,đành lang thang trên phố. Vừa mới rẽ phải được một đoạn, lại bị ra hiệu tấp vào lề. Tôi dừng xe, ngẩng mặt lên, gương mặt quen thuộc trước mặt khiến tôi không khỏi buồn cười

- Lại là anh à?

- Lại là cô à?

- Lần này tôi phạm lỗi gì thế?

- Rẽ không xi nhan.

Tôi giật mình:

- Tôi gạt xi nhan rồi mà

Đức cúi xuống nhìn xe tôi, kiểm tra một lúc rồi nói:

- Hỏng rồi.

Tôi nhún vai:

- Lần này không phải lỗi của tôi đâu nhé. Nó hỏng mà có báo cáo cho tôi đâu.

Đức phì cười:

- Thôi được rồi, tôi châm chước cho cô lần này. Chỉ cần cô không có bệnh nhân cấp cứu đang chờ là được.

- Tôi cũng mong ngày nào cũng không có bệnh nhân phải cấp cứu. Trên đời này, quý giá nhất là sinh mạng. Không có người bệnh, nghĩa là mọi người đều ổn. 

Đức gật gù, rồi bảo tôi:

- Thôi cô đi đi. Cách đây tầm 2km có một chỗ sửa xe đấy. Vào thay cái xi nhan đi. Tôi cũng phải đi tuần đây.

Nói rồi, Đức lên xe nổ máy.Tôi vội gọi với theo:

- Từ đã!

Đức dừng xe, nhìn tôi khó hiểu. Tôi ấp úng:

- Chuyện tối hôm trước… xin lỗi anh

Đức ngớ người, rồi bật cười bảo tôi:

- Không có gì! Thực ra tôi còn phải cám ơn cô nữa. 

- Sao lại cám ơn tôi?- Tôi ngơ ngác

- Cô gái hôm đó là em của bạn tôi. Cô bé thích tôi, nhưng khổ một nỗi tôi chỉ coi cô ấy là em gái, không thể nào rung động được. Cô ấy tỏ tình với tôi nhiều lần rồi, tôi cũng từ chối mà cô ấy không từ bỏ. May hôm ấy cô xuất hiện, còn nói là mang thai, nên cô ấy không còn đến tìm tôi nữa. Tôi cũng đỡ phải khó xử.

- Vậy mà tôi áy náy mãi, còn tưởng phá hỏng chuyện tốt của anh.

- Nói chung là hai chúng ta cùng giúp đỡ nhau hôm đó, thế là hòa! Thôi, tôi phải đi đây. Chào cô!

Tôi mỉm cười, làm bộ nghiêm túc đưa tay chào:

- Vâng, chào đồng chí!

Đức cũng cười rồi lên xe đi. Tôi đi thơ thẩn một hồi, rồi cũng về nhà. Buổi đêm, đang cố cày nốt bộ phim, chợt điện thoại hiện lên dòng tin nhắn từ Đức:

“Cô ngủ chưa?”

“Chưa. Còn anh?”

“Tôi vẫn đang đi tuần. Tranh thủ ngồi nghỉ một lúc, lát lại đi tiếp”

“ Chuyện tối hôm nọ, thực sự xin lỗi anh”

“ Tôi đã bảo không để ý mà. Có điều tôi vẫn đang thắc mắc, sao tự nhiên hôm ấy cô lại bảo đang có bầu?”

Tôi nhắm mắt xấu hổ. Mãi một lúc tôi mới dám kể lại cho Đức nghe chuyện lần trước thấy anh đưa cô bé sinh viên vào viện, rồi sau đó hiểu lầm anh. Tin nhắn gửi đi một lúc không thấy hồi âm, tôi tưởng Đức giận rồi. Đang lúc tôi định cất điện thoại đi ngủ, màn hình lại sáng lên, dòng tin nhắn gửi đến khiến tôi bất ngờ: “Vì cô bé ấy giống em gái tôi ngày trước”.

Tôi ngẩn người, không biết nên tiếp tục câu chuyện như thế nào, đã thấy Đức nhăn tiếp 

“ Cô có muốn nghe không?”.

“Vâng, anh kể đi”

“ Em gái tôi ngày đó, nó cũng bằng tuổi cô bé ấy. Cũng là sinh viên năm thứ nhất. Con bé rất ngoan, học cũng giỏi. Bởi vậy, khi biết nó có bầu với cậu bạn cấp ba ngày trước, cả nhà tôi đều sốc. Tôi hồi đó, đang thực hiện nghĩa vụ ở Sơn Tây, cũng không thể tranh thủ về với nó được. Tôi chỉ nhớ, câu nói cuối cùng con bé nói với tôi là “Anh ơi, em sợ lắm”. Nếu ngày ấy, tôi cương quyết hơn, dành thời gian cho nó nhiều hơn thì bây giờ tôi đã có cháu. Nếu nó là con trai, tôi sẽ dạy nó đi xe đạp, dạy nó đá bóng. Nếu nó là con gái, tôi sẽ đưa nó đi mua những bộ váy công chúa thật xinh xắn. Chỉ là, những gì tôi muốn làm, vĩnh viễn không thể nào thực hiện được nữa. Tôi sẽ  không bao giờ còn được nghe giọng con bé mè nheo đòi tôi đưa đi ăn đêm, hay mua cho nó cốc trà sữa nó thích nữa. Cũng không bao giờ được nghe nó nịnh nọt “ anh là giỏi nhất” nữa rồi. Bởi vậy, lúc nhìn thấy cô bé kia nhảy xuống nước, tôi đã nhảy theo”

“Tôi rất tiếc về chuyện em gái anh.”

“Bởi vậy, tôi không muốn có ai phải sống trong tiếc nuối giống tôi nữa”

“Tôi có nghe nói, anh đã nói chuyện với người nhà của cô bé kia, và cô ấy đã quyết định giữ thai. Với tư cách là một bác sĩ, tôi thật sự cảm ơn anh. Vì anh cứu, không chỉ là một, mà là cả hai cuộc đời. Anh đã làm cách nào để thay đổi họ vậy?”

“Chỉ đơn giản kể lại chuyện của em gái tôi, rồi nói với họ rằng tôi không muốn trên đời lại có thêm một người phải sống trong day dứt và ân hận như tôi. Tôi nói với anh trai cô bé đó, tôi không có cơ hội được dạy cháu mình đi xe đạp, chơi bóng, nhưng anh ấy thì có thể Tôi nói với mẹ cô ấy, rằng bà ấy sau này còn được cháu mình trong lòng, chứ không như mẹ tôi, chỉ có thể ôm di ảnh của con gái mình trong ngực”

Nước mắt tôi đã lặng lẽ rơi tự lúc nào. Tôi cứ cầm điện thoại đọc mãi dòng tin của Đức mà không biết phải trả lời như thế nào. Dòng tin của anh đơn giản, nhưng tôi biết, sâu bên trong là nỗi đau không diễn tả được bằng lời. Bất kì lời nào tôi nói ra lúc này cũng chỉ giống như những câu an ủi sáo rỗng. Mất một lúc, tôi mới nhắn được một câu:

“ Anh nói đúng. Ít nhất, trên đời vẫn còn một cô em gái có thể tiếp tục làm nũng với anh trai của mình. Đó mới là điều quan trọng”

“Cám ơn cô. Tôi phải đi tuần rồi, chúc cô ngủ ngon”

“Anh đi cẩn thận”

Tôi cất điện thoại nằm xuống, nhưng thật lạ, mãi mà giấc ngủ vẫn không thể nào kéo đến…

nguoi-can-em-1

Sáng hôm sau, tôi đến bệnh viện với đôi mắt thâm quầng. Vừa pha cốc cà phê cho tỉnh táo, còn chưa kịp nhấm nháp, giám đốc đã triệu tập họp gấp. Tôi vội vàng chỉnh trang lại quần áo, rồi chạy vào phòng họp. Lúc vào tới nơi, thấy gương mặt giám đốc và các trưởng khoa đầy căng thẳng. Thông tin bệnh viên bị phong tỏa đến một cách đột ngột khiến tất cả chúng tôi đều ngỡ ngàng. Ngay trong buổi sáng, toàn bộ bệnh viện tiến hành phong tỏa, ngừng tiếp nhận người bệnh. Rồi sau đó chừng hơn một tiếng đồng hồ, xe chuyên dụng đến phun khử khuẩn khắp nơi trong viện. Tôi chỉ kịp gọi điện báo cho mẹ báo tin, rồi cùng mọi người sắp xếp lại công việc, phân bố lại khu điều trị bênh nhân, lấy mẫu xét nghiệm. Việc nhiều đến mức không kịp thở. Buổi tối muộn, tôi giở điện thoại ra mới thấy hàng chục cuộc gọi nhỡ và vô vàn tin nhắn. Tôi gọi cho mẹ, cho Quyên trấn an, nhưng nỗi lo lắng của họ chỉ dịu đi một chút. Vừa cúp máy, điện thoại trong túi lại rung lên. Là Đức. Tôi nhấn nút nghe, đầu dây bên kia vang lên giọng trầm trầm thật ấm:

- Cô thế nào rồi? Ổn không?

- Tôi không sao. Đang chờ kết quả xét nghiệm. Còn anh?

- Tôi đang tự cách ly. 

- Có vẻ tôi và anh hay mang sự cố đến cho đối phương nhỉ?

Đức bật cười:

- Uh. Đức và Nga vốn là hai nước đối đầu mà

- Nghe hợp lý ra phết. Nhưng đừng quên, Đức cuối cùng cũng bị Nga đánh bại- Tôi bật cười trêu lại.

- Đấy là Đức ngày xưa thôi, còn ngày nay thì chưa chắc

Thế rồi, Đức và tôi tán chuyện lan man mãi cho đến tận khuya. Đức kể cho tôi nghe đủ chuyện, từ những chuyện hồi anh còn đi học, những lần đi thực hiện nhiệm vụ. Còn tôi cũng kể cho anh nghe những chuyện xảy ra trong bệnh viện, về những bệnh nhân mà tôi từng tiếp xúc. Đức hỏi tôi:

- Tôi nghe Duy kể, ngày trước cô có chuyến công tác lên Sapa, còn cứu được hai mẹ con người Dao phải không?

- Vâng, chuyện đấy cũng khá lâu rồi. Chị ấy sinh khó, nhưng người chồng và những người dân trong bản không đưa đi viện ngay. Họ mời thầy mo về cúng. May mà lúc ấy chúng tôi đến kịp, đưa hai mẹ con vào mổ cấp cứu. Con gái chị ấy bây giờ cũng đi học tiểu học rồi.

- Có thể kịp thời cứu chữa được sai lầm, thật tốt biết bao! – Đức cảm thán. Nghe giọng anh, tôi đoán chắc anh lại nhớ về em gái, tự nhiên thấy lòng mình chùng hẳn xuống….

Bệnh viện bị phong tỏa, bố mẹ và những người từng tiếp xúc với tôi cũng phải tự cách ly chờ lấy mẫu xét nghiệm.  Tôi và mọi người trong viện vừa làm, vừa nín thở chờ kết quả. Đến lúc cầm tờ xét nghiệm trên tay, nghe tin bố mẹ và Quyên cũng âm tính, tôi mới tạm thời nhẹ nhõm. Buổi tối, Đức gọi cho tôi, báo anh cũng âm tính rồi, nhưng vẫn cần cách ly đủ 14 ngày và xét nghiệm thêm vài lần nữa. Anh bảo, lúc trước ngày nào cũng đi làm từ sáng sớm, tối mịt mới về nhà, thấy thời gian trôi đi thật nhanh. Bây giờ, cả ngày ngồi” tiếp xúc với bốn bức tường, mới biết, hóa ra  một ngày cũng có thể trôi lâu đến vậy. Đức tỏ ra ghen tị với tôi :

- Cô tuy cách ly mà vẫn được làm việc. Còn tôi, bây giờ đang phải xem “Cô dâu 8 tuổi” cho hết ngày đây này. 

Tôi bật cười:

- Lựa chọn thông minh! Đảm bảo hết đợt cách ly anh vẫn chưa xem xong, cho dù có xem liên tục 24/7.

- Đùa đấy. Cô kể cho tôi nghe ngày hôm nay của cô đi. Nghe cô kể, tôi cũng có cảm giác giống như mình đang ở bên ngoài.

- Cũng như mọi ngày thôi. Nhưng hôm nay thì đỡ hơn, chỉ có một ca sinh mổ. Một chị vào viện hôm trước để theo dõi giữ thai thì hôm sau bệnh viện bị phong tỏa luôn. Em bé sinh rồi, là con gái, chị ấy bảo đặt tên là Vy để kỉ niệm.

- Nếu vậy, khả năng là năm nay có nhiều bé gái tên Vy lắm nhỉ? Sao cô lại chọn làm bác sĩ? Lại là bác sĩ khoa sản?

- À, ngày trước mẹ tôi là y tá, tôi thường theo mẹ vào viện, nhìn các bác sĩ khám bệnh nên thích lắm. Còn chọn khoa sản, thì chắc là do định mệnh sắp đặt. Hồi sinh viên đi tình nguyện, tôi vô tình trở thành bà đỡ cho một chị gái ở Hà Giang. Chị ấy chuyển dạ khi chúng tôi vừa mới đến nhà để tuyên truyền các chương trình chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai, còn không cả kịp đưa chị ấy vào viện. Cũng may mắn là chị ấy dễ sinh, em bé ra đời khỏe mạnh. Chị ấy xin được lấy tên tôi đặt cho em bé. Đó là kỉ niệm đẹp mà tôi mãi không thể nào quên. Còn anh ? Sao lại làm cảnh sát?

- Nói cô đừng cười. Tại hồi bé tôi thích xem siêu nhân Gao. Sau này lớn, biết không làm được siêu nhân, nên chọn việc vừa sức của mình thôi

Đức vừa nói xong, tôi đã tưởng tượng cảnh anh ngày còn bé chạy khắp nơi diễn vũ điệu biến hình của siêu nhân mà phì cười. Tôi dựa người nhìn qua cửa sổ lên bầu trời đêm. Sao vẫn lấp lánh, màn đêm vẫn tính mịch, mà cho đến tận hôm nay khi nhịp sống chậm hẳn lại, tôi mới biết có những điều mà mình đã vô tình bỏ lỡ…

Hết hai mươi mốt ngày, bệnh viện được dỡ phong tỏa. Mọi người ùa ra ngoài, cười nói vui vẻ, hệt như lúc đón mừng năm mới. Sống mũi tôi bỗng cay cay, có lẽ năm mới năm sau sẽ không còn được trọn vẹn như những ngày xưa cũ. Tôi bước từng bước ra cổng viện, nhìn ngắm dòng người ngược xuôi qua lại trên đường. Chợt nghe tiếng gọi:

- Hoài Nga!

Tôi qua lại nhìn, thấy Đức đang ngồi trên xe máy, bàn tay rám nắng đang đưa lên vẫy về phía tôi. Chiếc khẩu trang to sụ che kín khuôn mặt, còn đôi mắt lấp lánh ánh cười. Tôi bước nhanh lại phía anh:

- Sao anh lại ở đây? Không đi làm à?

- Tôi đến đón cô, xong tôi mới về cơ quan!

cai-thien-suc-khoe-tinh-than-scaled

Nói rồi, Đức đưa cho tôi chiếc mũ bảo hiểm, còn cẩn thận cài quai giúp tôi.  Về đến nhà, đã thấy một bàn đầy đồ ăn thịnh soạn bày ra trước mắt. Mẹ bảo, ăn mừng tôi và cả bệnh viện không bị gì. Tôi giữ Đức lại ăn cơm, nhưng anh từ chối, nói phải lên cơ quan luôn. Mẹ nghe thấy vậy, bèn chạy vào nhà đúm đùm dúm dúm cho Đức một bọc đồ ăn to đùng. Anh đi rồi mà đôi mắt mẹ vẫn nhìn theo, sáng lấp lánh, khiến da gà tôi nổi từng đợt từng đợt. Vốn tưởng ăn xong, mẹ sẽ tra hỏi tôi và Quyên về Đức. Ai ngờ, mẹ chỉ cười tủm tỉm. Trong lòng tôi dấy lên những dự cảm không lành. Quả nhiên, đến chiều mẹ bảo tôi sửa soạn đi xem mắt. Tôi suy sụp bảo mẹ:

- Mẹ, con mới vừa bị cách ly về mà. Mẹ không muốn ở cạnh con đến thế ư?

- Chính vì đợt dịch vừa rồi, mẹ mới nhận ra cần có thêm một người nữa yêu thương và chăm sóc con. Nói dại, nếu vừa rồi, bố mẹ mà dương tính, mẹ sợ không được nhìn thấy con trong bộ váy cưới, nếu lỡ mà chuyện đó xảy ra thật, mẹ sợ….

Mẹ bỏ lửng câu nói, đôi mắt đã hơi ươn ướt. Tôi ôm mẹ, thở dài:

- Không sao rồi mà mẹ…

- Không sao nên giờ tao mới phải lo đây. Ai mà biết trước được sau này sẽ thế nào?

Tôi thở dài:

- Ai mà cũng giống mẹ thì cả nước tổ chức kết hôn hết à?

- Ai thì kệ ai, mẹ chỉ quan tâm con thôi. Nhanh trang điểm vào

- Nhưng mà bây giờ quán xá bị đóng cửa hết rồi, đi đâu mà gặp mặt? Cũng hạn chế ra đường, không tụ tập công viên, vườn hoa gì hết. – Tôi thắc mắc.

- Người ta đến tận nhà. Không phải lo bò trắng răng- Mẹ cằn nhằn.

Tôi bất đắc dĩ đành phải làm theo mẹ. Buổi tối, nhìn bàn ăn mẹ chuẩn bị sẵn cũng thịnh soạn còn ngon hơn cả ban sáng, tôi than thở:

- Mẹ thiên vị thế. Con gái đi cách ly về còn mà không được đối xử tốt bằng người lạ sắp tới nhà! Mà nhìn mẹ háo hức, người khác con tưởng mẹ đi xem mắt chứ không phải con!

Vừa dứt lời, một chiếc dép phí thẳng về phía tôi không hề khách khí. Tôi nhăn nhó xoa đầu. Vừa lúc ấy, chuông cửa reo lên. Tôi bước ra mở cổng, giật mình thấy Đức trước mặt:

- Sao anh lại ở đây?

Đức chưa kịp trả lời, mẹ đã chạy ra :

- Cháu đến đấy à, vào đây, vào đây đi

Nói rồi mẹ tôi hào hứng kéo tay Đức vào bên trong, bỏ lại tôi đứng đần mặt ngoài cổng. Tôi bước vào nhà, thấy mẹ đã ấn Đức ngồi xuống bàn ăn, bố mỉm cười hồ hởi khui nắp chai bia. Tôi ngồi xuống bàn, ngơ ngác hỏi:

- Mẹ, sao lại thế này?

- Sao với trăng cái gì. Người ta đến rồi đấy, còn không chào hỏi. Chả có tí lịch sự nào hết!

- Ý mẹ, anh ấy là đối tượng xem mắt hôm nay của con? – Tôi trố mắt nhìn Đức, đáp lại anh chỉ cười:

- Vâng, nếu cô không chê.

- Tai sao?- Tôi ngơ thật sự

- Vì tôi tự thấy mình đủ điều kiện để làm đối tượng xem mắt của cô. 

Tôi im lặng, không biết nói gì tiếp, chỉ thấy tai mình nóng dần lên. Mẹ hồ hởi liên tục gắp đồ ăn vào bát của  Đức. Bố vui vẻ rót bia, cùng Đức nói chuyện  Bữa cơm đầm ấm tới mức tôi có cảm giác, Đức mới là con ruột cúa bố mẹ, còn tôi chỉ là người đi ăn ké. Sau bữa cơm, mẹ ý tứ đuổi tôi và Đức ra ngoài đi bộ, nói là cho tiêu cơm. Tôi và anh lững thững đi, lúng túng, gượng gạo không biết nói gì. Một lúc lâu, Đức mới hỏi:

- Cô không thích nói chuyện với tôi sao?

Tôi vội lắc đầu:

- Không phải, tôi chỉ bất ngờ thôi. Tại sao lại là tôi?

- Tôi nghĩ, chúng ta có duyên. Những lần tôi và cô gặp mặt, giống như là sự sắp đặt của số phận. Hơn nữa…Tôi nghĩ, mình thích em!

Tôi đỏ mặt, quay đầu định đi trước, bàn tay to ấm của Đức đã níu tôi lại:

- Em vẫn chưa trả lời, em có đồng ý hẹn hò với tôi không?

- Tôi… tôi…

Ấp úng mãi không nói được thành lời, tôi cúi mặt im lặng. Đức bật cười:

- Không trả lời, tôi coi là em đồng ý nhé!

Nói rồi, anh đột ngột cầm lấy tay tôi. Tôi luống cuống, muốn giẫy ra, nhưng Đức đã nắm tay tôi thật chặt. Anh xoay tôi lại, nhìn thật sâu vào mắt tôi:

- Cho anh cơ hội. Và hãy tin anh. Đồng ý hẹn hò với anh, nhé?

Tôi xấu hổ cụp mắt,tránh cái nhìn từ Đức, chỉ nghe thấy tiếng anh cười thật nhẹ, rồi một nụ hôn thật nhẹ chạm vào tóc tôi. Sau đó, Đức đưa tôi về. Suốt chặng đường, anh chỉ dịu dàng đi cạnh tôi. Đến nhà, tôi chui tọt vào phòng, để mặc anh và bố mẹ nói chuyện. Tôi trùm chăn trên giường kín mít, mà vẫn cảm thấy nhiệt độ trên mặt của mình có thể làm tấm chăn thủng một lỗ. Một lúc sau, điện thoại tôi khẽ rung lên “ Chúc em ngủ ngon”. Tôi cầm điện thoại, đơ mất một lúc mới nhắn lạị  được hai chữ “ ngủ ngon”. Thế mà cả đêm ấy, tôi trằn trọc mãi….

tamhon

Từ sau hôm đó, Đức thường tranh thủ buổi trưa ship đồ ăn cho tôi, buổi tối cũng rẽ qua gặp tôi một lúc. Mỗi lần Đức đến, mẹ đều cười rất tươi. Công việc của tôi và anh đều bận, nhưng hầu như ngày nào, chúng tôi cũng tranh thủ gặp nhau. Cái nắm tay Đức dành cho tôi cũng ngày một chặt. Một ngày, trong cơn mưa bất chợt, anh ôm gọn tôi vào lòng rồi thì thầm bên tai tôi thật khẽ:

- Anh nghĩ, hình như mình yêu em mất rồi!

Tôi dụi mặt trong lòng Đức, một lúc sau mới ngẩng lên:

- Em sắp đi công tác!

- Đi đâu, lâu không?

- Vào Sài Gòn. Theo đoàn tình nguyện.

Vòng tay Đức ôm tôi bỗng nhiên cứng lại. Một lúc, anh mới cất lời:

- Bao giờ em đi?

- Tuần sau. 

Tôi chờ mãi không thấy Đức trả lời, bèn nói tiếp:

- Người dân ở đó, họ cần chúng em.

- Ừ. Anh biết

Sau câu đó, anh trầm tư hẳn. Cả buổi tối, anh dường như chìm vào suy nghĩ của riêng mình. Lúc về đến cổng, tôi tưởng anh sẽ vẫn im lặng ra về. Nhưng khi tôi vừa chào tạm biệt, vòng tay anh đột ngột siết chặt lấy tôi, một nụ hôn thật sâu rơi xuống , in lên môi tôi bỏng cháy. Thật lâu, anh mới buông tôi ra, khàn giọng:

- Em nhớ cẩn thận!

Nói rồi Đức quay đi, còn tôi đứng bần thần nhìn theo bóng anh khuất dần trong ánh đèn đêm…

Sáng hôm sau, tôi xin nghỉ phép tranh thủ mua sắm, dọn đồ tuần sau còn theo đoàn vào trong TP. Mẹ biết chuyện tôi đăng ký vào tâm dịch, lúc đầu thì phản đối. Nhưng nói chuyện một lúc, mẹ cũng hiểu. Chỉ là, mặt mẹ buồn hơn hẳn. Đức tranh thủ đưa tôi đi chơi nhiều hơn, tận dụng mọi lúc rảnh rỗi tạt qua thăm tôi. Tôi trêu anh:

- Anh định đi chơi bù hay sao thế, ngày nào cũng phải rẽ qua chỗ em?

Đức vuốt tóc tôi:

- Ừ, anh chỉ tiếc mình gặp em muộn quá.

Nói rồi, anh ôm ghì lấy tôi vào lòng, vòng tay ấm ôm siết lấy tôi. Hơi thở anh phả lên trán tôi ngưa ngứa:

- Anh rất muốn giữ em lại, nhưng anh biết mình không nên, và không thể làm như thế. Người cần em, không chỉ có anh. Bởi vậy, nhất định phải thật cẩn thận và khỏe mạnh nhé!

Sống mũi tôi chợt cay cay, thì ra, có người ngóng đợi mình, lại có thể vừa hạnh phúc, vừa đau lòng như thế.

Ngày hôm sau, tôi dậy thật sớm. Bố mẹ chở tôi tới bệnh viện. Quyên cũng đi theo tạm biệt. Nó nắm lấy tay tôi, mắt đã hơi ươn ướt

- Nhớ về với tao đấy. Có đi thì đi, nhớ phải về trước tháng ba năm sau.

Tôi cười:

- Sao như kiểu mày đặt deadline cho tao thế?

- Mày không về, ai đỡ đẻ cho tao?

Tôi trố mắt, không tin hỏi nó:

- Thật á? Lúc nào? Mấy tuần rồi?

- Mới năm tuần thôi. 

- Duy biết chưa?

- Tất nhiên là biết rồi, mày là người thứ hai tao báo tin đấy.

- Thế bao giờ cưới?

- Chờ mày về. Mày về khi nào tao cưới khi đó

- Hâm vừa thôi. Tao cũng chưa biết ở lại đấy đến bao giờ. Mày không thể vì thế mà bắt Duy đợi chứ.Còn nữa, bố mẹ mày chắc chắn không đồng ý cái kiểu đấy đâu.

Tôi thì gấp gáp, còn Quyên thì bật cười:

- Đùa đấy. Chiều nay tao với Duy về quê,. Duy đưa cả bố mẹ về nhà tao thưa chuyện người lớn rồi định ngày. Nhưng chắc là đám cưới tao mày không về được. 

Nói xong, nó ôm lấy tôi thật chặt:

- Đó là điều tao tiếc nhất. Tao vẫn luôn tưởng tượng ra cảnh mày làm phù dâu trong đám cưới của tao. Nhưng bây giờ, có người cần mày hơn tao. Nhớ là giữ gìn sức khỏe, và trở về. Tao muốn mày là người đầu tiên nhìn thấy con tao được sinh ra trên đời.

Tôi cay xè mắt, bao lời muốn nói nghẹn lại nơi đầu lưỡi, cuối cùng chỉ có hai chữ “nhất định” được thốt ra,cứ lặp đi lặp lại.

Gần đến giờ lên xe, tôi buông Quyên ra, định quay lưng đi, chợt sau lưng vang lên tiếng gọi quen thuộc:

- Nga! Chờ anh đã!

Tôi quay lại.Phía đằng sau là Đức, chỉn chu trong bộ cảnh phục, trên tay là bó hoa hồng màu đỏ rực được kết thành hình trái tim. Đức chạy đến chỗ tôi, mồ hôi lấm tấm rịn ra trên trán. Lúc còn cách tôi vài bước chân, anh đột ngột quỳ xuống rồi nhin tôi tha thiết:

- Kết hôn với anh nhé!

Tôi ngỡ ngàng, xung quanh im lặng trong phút chốc rồi vỡ òa lên trong những tiếng hò reo:

- Đồng ý đi! Đồng ý đi!

Đức lấy từ trong túi ra một chiếc hộp nhỏ, rồi cẩn thận mở năp. Bên trong là chiếc nhẫn nhỏ xinh, lấp lán đưới anh mặt trời. Anh bảo tôi:

- Anh biết, như thế nào rất đường đột và gấp gáp với em. Nhưng có một điều anh muốn em biết, anh yêu am, và mong mình trở thành một phần trong cuộc sống của em. Thời gian chúng ta bên nhau chưa lâu, nhưng anh biết chắc chắn, em là người mà anh muốn đi cùng trong những năm tháng phía trước. Làm vợ anh nhé, được không em?

Tôi nhìn Đức, rồi nhìn bố mẹ, nhìn Quyên. Đáp lại đều là những đôi mắt rung rung và những cái gật đầu. Tôi hỏi lại Đức:

- Anh không sợ mình gấp gáp quá sao? Không sợ sẽ hối hận về sau?

- Có một điều anh hối hận, đó là gặp em quá trễ. Có thể anh không hoàn hảo được như em muốn, nhưng có một điều anh chắc chắn mình làm được, là yêu em, và ở bên cạnh em khi em cần, là chỗ dựa cho em khi em mệt mỏi.

Tôi bật khóc, nước mắt lăn dài trên má, bàn tay run run chìa ra phía trước. Đức mỉm cười, lồng chiếc nhẫn vào ngón tay tôi rồi ôm tôi thật chặt:

- Đi nhé, rồi về với anh. Cho dù có như thế nào đi nữa, hãy luôn nhớ, luôn có anh phía sau chờ đợi…

Bạn vừa lắng nghe phần 2 và cũng là phần cuối của truyện ngắn Anh không phải người duy nhất cần em của tác giả Nguyễn Thị Loan. Truyện ngắn này, tác giả Nguyễn Thị Loan và Blog Radio muốn dành tặng đến đội ngũ y bác sĩ, các tình nguyện viên, nhân viên y tế đang tham gia chống dịch ở tuyến đầu. Xin chân thành cảm ơn lực lượng tuyến đầu đã cống hiến sức mình, góp phần bảo vệ bình yên cho mọi nhà. Mong rằng gia đình có thành viên, con em mình đang tham gia chống dịch, hãy luôn là hậu phương vững chắc để những người đang làm nhiệm vụ có thể yên tâm công tác và sớm đầy lùi dịch bệnh, bình yên trở về với gia đình.

Các thính giả yêu Blog Radio thân mến, chúng ta hãy cùng nhau gửi lời động viên đến những người đang tích cực tham gia chống dịch ở tuyến đầu nhé.

Chương trình được thực hiện bởi Hằng Nga, thiết kế Hương Giang, với sự thể hiện của các giọng đọc Bạch Dương và Thắng Leo. Blog Radio được cập nhật hàng tuần trên website blogradio.vn và kênh youtube Blog Radio. Cảm ơn bạn đã quan tâm theo dõi, xin tạm biệt và hẹn gặp lại.

Truyện ngắn: Anh không phải người duy nhất cần em (Phần cuối)

Tác giả: Nguyễn Thị Loan

Giọng đọc: Bạch Dương, Thắng Leo

Thực hiện: Hằng Nga

Thiết kế: Hương Giang

Xem thêm:

Nguyễn Thị Loan

Ta không được chọn nơi mình sinh ra, nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

 Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Ngày hôm đó chúng ta đã nói sẽ luôn nhớ tới nhau, sẽ giữ trọn vẹn trong tim mối tình của năm tháng ấy. Nhưng anh biết không, mỗi người chúng ta ai rồi cũng đều khác, lời hứa năm đó cũng chỉ là tên gọi khác của lời tạm biệt mà thôi.

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Dây xích sắt trượt dài trên thanh chắn cửa, rít lên một tràng âm thanh chói tai, kết thúc bằng tiếng đáp đất nặng trịch. Trời lặng gió, áng mây vắt ngang qua ngọn cây, trong đêm tối không trăng không sao, chiếc lồng đèn cũ phủ một lớp bụi mỏng

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Mưa rơi, làm hình bóng anh trong mắt cô mờ đi, gương mặt điển trai sau màn mưa trắng chẳng rõ đang vui hay buồn. Mưa vẫn không ngừng xối lên thân ảnh liu xiu của anh, lớp áo sơ mi trắng dính vào da lộ ra vết sẹo dài chạy dọc theo cánh tay khẳng khiu.

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn chính là chủ nhân của cuộc đời mình. Tương lai ra sao, do bạn định đoạt. Đừng để năm tháng trôi qua, trong bạn chỉ toàn là tiếc nuối.”

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Đôi khi, sự ra đi của người khác là lí do để ta nhìn lại mình. Nhìn lại những gì mà bản thân đã cư xử. Có phải vì ta chưa đủ trưởng thành? Có phải vì ta vẫn còn quá cảm xúc và bi kịch hoá mọi thứ?

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy tận hưởng điều đó. Độc thân không có nghĩa là chưa đủ tốt để yêu. Độc thân nghĩa là chưa có ai đủ tốt để được bạn yêu.

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Muốn ngắm bình minh, phải dậy thật sớm. Muốn tạm biệt ngày tàn, phải vẫy chào hoàng hôn. Hạnh phúc của mình nên tự mình nắm lấy...

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Một giấc mơ dang dở dấy lên trong lòng tôi một sự hiếu kỳ với dáng vẻ của hạnh phúc. Nếu bước qua lằn ranh giữa quá khứ và hiện tại, tôi sẽ thấy được điều, có phải kết cục sẽ vẹn tròn hơn không.

Hôn lễ của em | Blog Radio 901

Hôn lễ của em | Blog Radio 901

Bên trong ai cũng có một vài vết thương, có kẻ biến vết thương thành một sự hiểu biết. Có người lại biến vết thương thành một nguyên nhân, sinh ra một vết thương mới đau hơn…

Em như ánh sao trời | Blog Radio 900

Em như ánh sao trời | Blog Radio 900

Không có một tình yêu nào là vĩnh hằng cũng chẳng có lời hứa nào gọi là mãi mãi, chỉ là con người ta thích tin vào những điều đó chỉ là nhất thời để rồi một đời đợi chờ.

back to top