Món quà từ cánh chim – khi ẩn ức cá nhân hoà trộn cùng áp lực dân tộc
2021-08-04 01:27
Tác giả: Tuyết Như Trần
blogradio.vn - “Con nít nào nhận biết thế giới từ sớm đều diễn vai con nít đạt hơn con nít bình thường. Cho nên dẫu có rình thấy bí mật của người lớn, chúng ta vẫn vờ tỏ ra ngờ nghệch. Bí mật tệ lắm, vì chúng chẳng muốn bị phơi bày và đồng thời lại mong muốn được phát hiện”
***
Tôi đọc “Món quà từ cánh chim” trên chuyến bay nối dài từ Seoul về Việt Nam. Bao ấn tượng tuyệt vời từ vùng đất trong tâm tưởng đã khiến tôi hoàn toàn chấn động ngay khi tiếp xúc với tác phẩm này.
Với vốn chất liệu quen thuộc đan cài cùng khả năng miêu tả tài tình, tác giả Eun Hee-kyung đã kiến tạo nên một thế giới lạ lẫm, giải mã những góc khuất đầy gai góc trong một xã hội mà tôi chưa hề được biết đến. Một Hàn Quốc hoàn toàn khác lạ với một người trẻ luôn tôn thờ làn sóng Hallylu lan toả khắp châu Á như bản thân tôi. Ngay từ khi ấy, một ngày cuối mùa hè năm 2017, bị cuốn hút đến lạ kỳ vì tác phẩm này, tôi nhận ra mình và nền văn học này sẽ còn một chặng đường dài phía trước. Hành trình tìm kiếm cho bản thân câu trả lời đủ đầy về Hàn Quốc, về chân dung con người bản địa, về tính cách số phận và cả những nỗ lực vượt thoát khỏi ám ảnh, biến mình trở thành một cường quốc dẫn đầu thế giới về pop culture của thế kỷ 21, vẫn luôn ám ảnh tôi không ngừng cho đến tận ngày nay. Tôi nghĩ bản thân mình và đất nước này hẳn có những duyên nợ đặc biệt, mà “Món quà từ cánh chim” nên chăng là một khởi điểm.
Món quà từ cánh chim kể về ký ức tuổi thơ của một cô gái đã ba mươi tuổi tên gọi là Kang Jin-hi. Một kết cấu khá quen thuộc với thị hiếu của đại đa số độc giả yêu chuộng văn học trẻ ngày nay. Câu chuyện này hẳn sẽ trôi qua nhàn nhạt, không tạo được dấu ấn với người đọc, nếu tác giả không lựa chọn cách trần thuật rất đặc biệt. Eun Hee-kyung đã tạo dựng cho tâm tưởng của nhân vật Kang Jin –hi một cuộc vượt thoát về thời gian, xoay ngược thời điểm trở về quá khứ, dừng lại ở vẻ ngoài của một cô gái vừa tròn mười hai tuổi, sống trong ẩn ức, và vì những nỗi ẩn ức này mà nhìn đời cay nghiệt không thua kém bất kỳ một kẻ từng trải nào.
Bi kịch cá nhân của cô bé Jin-hi trong câu chuyện được tác giả chia sẻ: “Đời tôi kết thúc quá nhanh. Kể từ lúc xoá đi ‘những điều không được tin’ ở tuổi mười hai, tôi chẳng cần phải lớn nữa” nhìn thoáng qua có vẻ rất dị biệt. Cũng bởi xuất phát từ hoàn cảnh cá nhân của nhân vật: bị bố bỏ rơi, người mẹ đã mất thì bị cho là người điên, phải sống cùng bà ngoại, cậu dì và những người thuê nhà trọ chung quanh. Những người lớn xa lạ mà tàn nhẫn ấy luôn lấy việc mẹ cô bị điên để giễu nhại miệt thị và thậm chí dùng chính những điều sai lệch ấy trở thành thước đo nhân phẩm cho một đứa trẻ tội nghiệp. Jin-hi bé nhỏ từ ngày này sang ngày khác phải sống cuộc đời như một con nhím, cố gắng xù lông hết cỡ, dùng vẻ ngoài gai góc để đối đầu với thị phi nghiệt ngã, đồng thời cũng để che giấu đi tất cả vẻ yếu đuối đáng thương đến cùng cực của chính mình.
Ẩn ức cá nhân của Jin-hi là việc cô phải sống trong vỏ bọc ấy quá lâu, quen dần với lớp tường thành kiên cố ấy đến độ không thể bước chân ra bên ngoài, dù chỉ là một lần. Vận mệnh quá tàn nhẫn với cô bé. Nhưng sự nghiệt ngã của vận mệnh cũng chẳng thể sánh bằng thế giới tăm tối mà cô bé phải chịu đựng khi đối diện với mọi người chung quanh. Một đứa trẻ chưa kịp lớn buộc lòng phải trưởng thành sớm hơn độ tuổi của chính nó. Thế giới lẽ ra tràn đầy niềm vui trẻ thơ bị xoá nhoà hoàn toàn bởi những định kiến cay độc của người lớn. Jin-hi dần nhận ra nhiều mặt trái của xã hội, những vỏ bọc hoàn hảo để che lấp biết bao điều xấu xa của mọi người bên cạnh. Có cảm tưởng thế giới chung quanh Jin-hi là một vũ hội carnaval đầy sắc màu, nơi mỗi người ngày này qua tháng nọ cố gắng dùng những chiếc mặt nạ sặc sỡ che đậy gương mặt thật của chính mình. Còn cô bé vì quá quen với màn vũ đạo và những nguyên tắc ngầm của trò chơi nên láu lỉnh đứng sang một bên thích thú quan sát. Muôn mặt của cuộc đời được bóc tách đầy sống động và chân thật qua đôi mắt tinh tường của cô bé.
Điều kỳ lạ hơn là chính Jin-hi cũng là kẻ nguỵ trang bản thân bằng mặt nạ. Cô bé không chỉ đơn thuần là người đứng ngoài lề quan sát, cô dự phần vào vũ hội theo cái cách mà bản thân mong muốn: “Con nít nào nhận biết thế giới từ sớm đều diễn vai con nít đạt hơn con nít bình thường. Cho nên dẫu có rình thấy bí mật của người lớn, chúng ta vẫn vờ tỏ ra ngờ nghệch. Bí mật tệ lắm, vì chúng chẳng muốn bị phơi bày và đồng thời lại mong muốn được phát hiện”. Trong mắt mọi người, Jin-hi luôn cố gắng đóng tròn vai là một đứa trẻ ngoan. Nhưng với những đứa trẻ cùng độ tuổi, sự láu lỉnh của Jin-hi được tận dụng triệt để. Cô bé bề ngoài vẫn là một đứa trẻ ấy đã biết lợi dụng những điều như lòng trắc ẩn, sự tham lam, lòng chân thành làm mồi nhử để thực hiện đủ mọi mánh khoé, các trò thử nghiệm lòng tin, đức tính của con người, thậm chí là các mẹo vặt để chơi khăm. Mục đích của Jin-hi sau lớp mặt nạ hoá thân kia hẳn cũng tương tự như vai trò của người điều khiển cuộc chơi. Các nhân vật khác là những người tham gia vào trò chơi, và kết quả cuối cùng bao giờ cũng là sự tháo bỏ lớp mặt nạ quen thuộc.
Chẳng rõ tác giả có chịu ảnh hưởng từ cảm quan carnaval của văn học phương Tây khi kiến tạo một thế giới nhân vật khuất lấp hoàn toàn sau những lớp mặt nạ hay không? Nhưng rõ ràng thông qua thế giới rối ren này, Eun Hee-kyung đã truyền tải được nhiều thông điệp cá nhân hết sức trung thực và ấn tượng về một chặng đường mới mẻ của xã hội Hàn Quốc. Đó là thời điểm giao thời đầy biến động của lịch sử đất nước, nơi hệ giá trị cũ dần bị tiêu diệt trong lúc những giá trị mới vẫn chưa được hình thành. Bằng sự tinh tế đầy mẫn cảm với đời sống chung quanh, tác giả đã cho phép Jin-hi nhận ra bản chất thật sự của xã hội đương thời.
Cô bé dần lật tẩy mọi bí mật cá nhân ẩn sau vẻ hiền từ, ẩn nhẫn rất chân thành của tất cả mọi người. Cả người dì Yeong-ok tuy đã lớn tuổi và trưởng thành nhưng vẫn hành xử rất đỗi trẻ con, thân thiết và hay kể chuyện người yêu cho cô bé đến hàng loạt các nhân vật hàng xóm chung quanh như ông chủ hiệu ảnh Munhwa, chú Gwanggjintaira, hai mẹ con cậu bé Jang-gun… Sự liên quan mật thiết với xã hội đã gần như triệt tiêu hoàn toàn vai trò của con người cá nhân. Bi kịch con người xã hội lấn át con người riêng tư là một bi kịch phổ biến trong thời kỳ giao thời đầy biến động tại Hàn Quốc. Giá trị cá nhân, lòng trắc ẩn, đồng cảm với những hoàn cảnh khác biệt với mình, với gia đình mình hầu như đều bị xâm phạm thô bạo và triệt tiêu hoàn toàn. Đó là lí do mà mọi người chung quanh không thể chấp nhận Jin-hi - cô bé bất hạnh được sinh ra từ hoàn cảnh dị biệt so với xã hội đương thời: cha mẹ li hôn, người mẹ hoá điên rồi qua đời. Những lời miệt thị xúc xiểng, những ánh mắt dò xét chế giễu dành cho Jin-hi là biểu hiện rõ nét cho phản ứng xã hội vốn chỉ quen thuộc với lề thói cũ, nề nếp gia đình gương mẫu. Càng thu hẹp trong khuôn khổ xã hội, con người ta càng khó lòng đón nhận những bi kịch cá nhân.
Thế giới nhân vật được tạo dựng trong bối cảnh thu nhỏ của tác phẩm là những ẩn dụ cho bản chất hỗn tạp, khó phân định của con người mới giữa xã hội giao thời. Câu chuyện dẫn dắt người đọc len lỏi qua những góc phố nhỏ hẹp, dừng chân ở một ngôi nhà kiểu Hàn xưa cũ, để rồi có thể nhẩn nha dừng chân quanh cái giếng bé xíu giữa sân. Bao phong vị của xứ sở kim chi như việc quây quần dùng bữa cơm sáng cùng đại gia đình hay thói quen gởi thư làm quen qua đài phát thanh với các anh lính của những thiếu nữ thời kỳ ấy hiện ra đầy đủ trước mắt độc giả. Cũng từ tài dẫn dắt thú vị ấy, người ta dần cảm nhận được rõ rệt dấu ấn đậm nét của nền văn hóa Hàn Quốc.
Một trong những đặc tính ám ảnh từ đời này sang đời khác, hay nói khác đi là ký ức chủng tộc, cách gọi tên theo học thuyết tâm lý học phân tích của Carl Jung, không thể khác đi chính là “han”. “Han”, theo cách hiểu của người Hàn, là sự căm giận được hình thành dần theo năm tháng. Nếu phải tìm kiếm một khái niệm không thể chuyển ngữ được thì ắt hẳn phải là từ “han”. Ý tưởng cho rằng trải nghiệm của một dân tộc có thể di truyền, được mã hóa qua ADN, có lẽ phù hợp với trường hợp của Hàn Quốc. Về lý thuyết chung, nhiều cộng đồng người có “han”, bởi “han” là một cảm giác phổ biến trong thế giới quan tinh thần của mỗi chúng ta. Nhưng việc khẳng định và duy trì “han” như một đặc tính dân tộc thì chỉ duy Hàn Quốc là trường hợp đặc biệt. “Han” bắt nguồn từ việc dân tộc này căm hờn vận mệnh, họ cho rằng vũ trụ này sẽ không bao giờ trả nổi món nợ này cho bản thân mình. Người Hàn từ đời này sang đời khác vẫn kiên quyết từ chối ý nghĩ cho rằng “han” là một hạn chế. Và đương nhiên, họ cũng bỏ qua việc đưa “han” vào danh sách những điều cần khắc phục của dân tộc.
Một ví dụ có thể dẫn ra để minh hoạ cho sự tồn tại gần như dai dẳng của han trong đời sống tâm tưởng của người Hàn là bài hát biểu tượng “Arirang”. Không có nhiều nguồn tài liệu ghi chép về sự ra đời của bài hát, chỉ biết rằng giai điệu quen thuộc của bản dân ca này đã trở thành phổ biến cả bán đảo Triều Tiên, đến mức thậm chí cả Bắc Triều Tiên cũng cho phát trên chương trình thời sự và xem nó như một biểu tượng của họ. Buổi biểu diễn cực lớn được tổ chức với quy mô hàng nghìn người tham dự cũng được đặt tên là thế vận hội Arirang. Nhưng nếu xét cho cùng, bài hát này vốn là lời của một kẻ thất tình hát lên nỗi sầu khổ của bản thân mình: “Anh - kẻ đã vứt bỏ tôi và ra đi, tôi mong anh sẽ bị loét chân trước khi anh kịp đi được mười lý”. Lời tiếp theo nghe có vẻ giống một bản tình ca thông thường. Đoạn đầu nghe qua rất hằn học và đầy oán hận. Dù thế, người Hàn vẫn dùng bài hát này thành đại diện cho đất nước mình trên trường quốc tế. Họ cũng chẳng màng đến việc phát sóng công khai như thế sẽ gây tác động thế nào với cộng đồng thế giới. Khởi nguyên từ “han”, tại quốc gia này, xuất hiện ngày càng nhiều hơn những trận ẩu đả trên đường phố và cả những căn bệnh sinh ra từ “han” (tên gọi là hwa-byong), nghĩa đen là “bệnh căm giận”. Hwa-byong là một căn bệnh có thật, được cộng đồng y học thế giới công nhận. Khái niệm này còn được đưa vào phần phụ lục 1 của quyển Diagmostic and Statistical Manual of Mental Disorders (Chuẩn đoán và những thống kê dữ liệu về căn bệnh Rối loạn tâm thần) tái bản lần thứ tư (DSM-IV).
Tác giả Euny Hong trong quyển Giải mã Hàn Quốc sành điệu đã bày tỏ sự bất ngờ của bản thân: “Tôi rất ngạc nhiên khi trong quá trình nghiên cứu để viết quyển sách này, rất nhiều người Hàn gắn liền thành công với đất nước họ với “han”. Về mặt nào đó thì cũng có lý. Một dân tộc luôn luôn sống trong hiểm họa biết rằng họ có thể sống sót trong mọi hoàn cảnh”. Không thể phủ nhận việc nhờ vào “han”, người Hàn đã tìm được cho dân tộc nguồn động lực để vươn lên mạnh mẽ, vượt thoát số phận của một quốc gia luôn bị chèn ép ở giai đoạn trong gần mấy thập kỷ qua. Nhưng cũng vì “han” mà ý thức hệ của dân tộc này bên cạnh những giá trị tốt đẹp, ở một góc độ nào đó tỏ ra khá cực đoan và gay gắt.
Quay lại trường hợp của tác phẩm, bản thân nhân vật chính – cô bé Jin-hi là một minh chứng rõ nét cho các cá nhân chịu ảnh hưởng của ám ảnh han trong xã hội Hàn Quốc. Vì sự căm phẫn dồn nén lâu ngày cộng hưởng với ẩn ức của nỗi cô đơn vì bị xa lánh và miệt thị, Jin-hi đã trở thành một người rất kỳ lạ: “Tôi tạo khoảng cách giữa bản thân và cuộc đời, chia bản thân mình thành ‘bản thân trong mắt người khác’ và ‘bản thân quan sát bản thân kia’. Tôi luôn nhìn nhận bản thân mình. Tôi để ‘bản thân quan sát’ nhìn nhận nó. Phần bản thân thoát xác ấy được trưng ra cho mọi người xem và nó hành xử như người ta mong muốn. Vì thế, cuộc sống của tôi lúc nào cũng căng thẳng, ngăn cách tôi với cuộc đời, không để cho cuộc đời nhấn chìm. Tôi luôn muốn quan sát cuộc đời mình từ xa”. Thế giới đầy hoài nghi và chán chường nhấn chìm nhân vật chính của chúng ta trong nỗi tuyệt vọng. Có cảm giác cô đang mắc phải căn bệnh trầm cảm - loại bệnh giết chết hàng nghìn thanh niên trên chính đất nước này mỗi năm.
“Han” không chỉ là ký ức dân tộc, “han” tồn tại trong mỗi tâm hồn người Hàn khi mà hiện thực cuộc sống quá đổi khắc nghiệt và đáng sợ. Người ta thấy loáng thoáng đâu đó mô típ phân thân kiểu Haruki Murakami trong hình bóng của nhân vật Jin-hi. Cùng là những con người có vẻ ngoài lành lặn, bình thường nhưng tâm hồn bị ám ảnh nặng nề, cũng là hành trình mải miết tìm kiếm bản thể của chính mình. Nhưng nếu Murakami gây ấn tượng với độc giả bởi sự đan cài giữa bút pháp hiện thực và kỳ ảo, thì Eun Hee-kyung với chất giọng trần thuật nhẹ nhàng, đầy hoài nghi lại khiến chúng ta thổn thức khôn nguôi.
Jin-hi vốn là một đứa trẻ nhiều cảm xúc. Tâm hồn mỏng manh, chịu nhiều chấn động từ cuộc chia tay của bố mẹ và sự qua đời vì bệnh tật của người mẹ khiến cô bé càng lớn càng căm ghét hiện thực. Thay vì chọn lựa hành trình trưởng thành thông thường, Jin-hi lại từ chối quyền được lớn. Cô để mặc sự già nua lấn át tuổi đời thật của chính mình. Dường như, sau độ tuổi 12, Jin-hi chưa bao giờ lớn thêm nữa. Hình ảnh của cô thời kỳ trưởng thành thực chất chỉ là một chiếc bóng tự phân tách từ bản thể nguyên vẹn của chính mình. Một người phải sống với chiếc bóng của chính mình, một bản thể phải chấp nhận tách rời một bản thể khác. Tất cả chỉ để bảo vệ bản thân trước cuộc đời đầy ắp hoài nghi và căm phẫn. Lựa chọn của Jin-hi thật nghiệt ngã và cũng đầy đau đớn. Eun Hee-kyung đã thật sự thành công khi xây dựng một nhân vật đa ngã, chấp nhận ẩn ức cá nhân, để tồn tại trong một hành trình rất dài của khát khao kiếm tìm và nhận chân giá trị cuộc đời.
Cảm hứng về kiểu nhân vật đa ngã, chịu nhiều tổn thương dẫn đến sự cô đơn, hoài nghi về cuộc đời và khát khao tìm kiếm chính mình không hẳn là một điều mới mẻ trong văn học, đặc biệt là văn học Đông Á. Đọc “Linh Sơn” của Cao Hành Kiện, “Kitchen” của Banana hay hàng loạt tác phẩm như “Người tình Sputnik”, “Rừng Na-uy”, “Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời”…của Murakami, người đọc dễ dàng nhận ra hiện tượng này tồn tại thường xuyên như một mạch ngầm tràn khắp nền văn học hiện đại. Nhưng sự thú vị mà tác giả trẻ này mang đến cho chúng ta là cảm hứng về “cuộc sống tiếp diễn che đi các vết sẹo tình cảm”. Thế giới của Jin-hi và những nhân vật khác vẫn buồn tênh, vẫn ngập tràn nỗi đau và sự căm phẫn. Nhưng cô gái thời trưởng thành là Jin-hi không bi quan đến độ chọn lựa cái chết như một kết thúc sau cùng cho những nỗi đau của chính mình.
Sau những bóc tách đầy nghiệt ngã lộ rõ biết bao chân tướng của cuộc đời, Jin-hi vẫn bình thản ngắm nhìn vệ tinh Mugunghwa, vệ tinh Apollo 11 và cả những con chuột đôi mắt ti hí, bình tĩnh và an nhiên. Sâu thẳm trong những ẩn ức cá nhân, cô gái đáng thương ấy đã hiểu ra lựa chọn của chính mình: “Cuộc đời không có phép màu, song lại có nhiều cơ hội”.
Sau tất cả, Jin-hi đã tìm thấy lí do để tiếp tục cuộc sống phía trước. Tình yêu thương dành cho chính mình là động lực để cô gái tiếp tục bước tiếp. Xét cho cùng, từ đầu chí cuối, trong suốt hành trình của vận mệnh, mỗi chúng ta chứ không ai khác mới thật sự là người đồng hành cùng chính mình đi đến tận cùng đời sống. Nếu không có quyền đổi thay hiện thực, sao ta không chọn cho mình một đổi thay tốt đẹp hơn. Nếu phải kết thúc mọi việc trong bế tắc, sao không tiếp tục cuộc đời tách biệt với thế gian, tự ta vỗ về chính ta vượt qua hiện thực nghiệt ngã trước mắt. Nỗi buồn của Jin-hi chưa hẳn đã kết thúc nhưng ít ra cô cũng học được cách yêu thương chính mình và giá trị của sự tồn tại.
Từ cá nhân suy rộng ra đất nước, chúng ta nhận thấy rõ điều này trong những chuyển biến về nhận thức của người Hàn Quốc. Bài học về nỗ lực vươn lên của xứ sở kim chi, biến một quốc gia còn nhiều mặt hạn chế về tài nguyên, khoáng sản trở thành cường quốc kinh tế, dùng văn hóa phủ sóng toàn châu Á. Bản lĩnh tạo dựng quyền năng mềm về văn hoá ấy chẳng phải dân tộc nào cũng có thể làm được, nhất là khi trong tiềm tàng bản thể luôn in hằn từ “han” - một loại ám ảnh kỳ lạ. “Món quà từ cánh chim” - khi ẩn ức cá nhân hoà trộn với áp lực dân tộc khiến người ta không khỏi suy ngẫm về cuộc đời và những lí do để tiếp tục chặng đường phía trước. Mong mỗi ngày trôi qua đều là một lần chúng ta tìm thấy chính mình giữa những ngã rẽ đầy gian nan, giữa hiện thực cuộc đời đầy khắc nghiệt và không kém phần đớn đau.
© Tuyết Như Trần - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
Blog Radio 542: Vận tốc rơi của cánh hoa anh đào
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?
Câu chuyện về một nhà thơ…!
Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.
Vì anh còn thương em
Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.
Ai là bạn trong cuộc đời?
Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.
Ánh nắng chiếu
Anh nhớ em một ngày cuối hạ Cho tình yêu gọi giấc mơ về Anh nhớ em một tình yêu lạ Mà sao lòng anh vẫn còn yêu