Lá thư gửi đến thiên đường
2024-11-21 16:10
Tác giả:
Lê Văn Châu
blogradio.vn - Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
***
Tháng 10, thu về theo gió heo may, những cơn mưa ngâu bất chợt, trong cơn mưa chiều nay, cái lạnh bắt đầu len lỏi vào từng thớ da thịt, có mùi khói bếp nhà ai đang bay lên theo mùi cá kho ngạt ngào thơm lừng - Cái mùi của hoài niệm, của an nhiên, của một thời bà và cháu đã từng gắn bó.
Mùi cá kho, mùi của gian bếp mái ngói nhỏ làm hồn cháu bỗng chốc xuôi về một miền kí ức mang tên “Ngoại” đã bị phủ bụi quá lâu trong ngăn tủ của một trái tim đang hóa cỗi dần trong lồng ngực này.
Cũng như bao đứa trẻ nông thôn khác, cháu lớn lên cùng với hương vị của mùi rơm rạ, lớn lên cùng tiếng gà gáy tinh mơ và tiếng gọi thân thương của ngoại. Những ngày đầu chập chững làm quen với thế giới xa lạ này cháu luôn có hình ảnh của ngoại bế bồng cùng những khúc ru hò thân thuộc. Bà cháu là tuyệt vời nhất, một con người hiền lành chất phác, chịu thương chịu khó luôn hết mình chăm lo, chỉ dạy, đồng hành với cháu suốt quãng thời gian trẻ dại. Tuổi thơ của cháu là bà ngoại, là mùi của bếp lửa nhỏ, mùi thơm của củ sắn củ khoai ngoại nướng. Những đêm đông lạnh giá, cháu thiếp đi trong hương trầu thơm nồng, trong câu chuyện ngày xửa ngày xưa…
“… Ngày xửa ngày xưa, bà tham gia kháng chiến chống Mỹ. Lúc đó bà là quân y, cứu chữa cho thương binh, bệnh binh. Chiến tranh ác liệt lắm, bọn Mỹ cứ ném bom suốt cả ngày lẫn đêm, bầu trời như xé toạc ra. Đặc biệt khi đó vừa phải làm kinh tế vừa phải chiến đấu, làm thế nào để xứng đáng với danh hiệu “Chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi” mà bác Hồ đã viết thư khen ngợi năm 1965 cho nơi đây. Rồi bà kết hôn với ông, sinh ra các cậu, các gì rồi mẹ của cháu. Cũng tay bà nuôi nấng, chăm sóc, đứa nào cũng trưởng thành góp ích cho xã hội…”
Mặc dù đã về già, có chuyện lúc nhớ lúc không nhưng dường như những năm tháng của mưa bom bão đạn, năm tháng gian khổ trong tâm trí bà vẫn là những dòng nhật ký chẳng bao giờ quên được, bà kể một cách mạch lạc, chẳng lúc nào bị vấp. Từ câu chuyện bà kể, từ những tấm bằng khen, huân chương kháng chiến mà bà được tặng, nó làm con tim trẻ thơ khi ấy rạo rực, xao xuyến. Đứa cháu này cũng hiểu một thời gian khó, một thời bà đã nghị lực, một thời mà đôi tay cùng trí óc của người phụ nữ của cháu phi thường đến nhường nào.
Ngày bà đi xa cũng là ngày cháu tròn 5 tuổi, là ngày mà trời đổ cơn mưa nặng hạt như tiếng lòng của cháu. Cháu nghe mẹ kể lại rằng, cháu đã khóc 2 ngày mà không chịu dừng, ai bồng ai bế cũng chẳng cho mãi đến khi bố bồng cháu lại gần nơi bà nằm, đắp chiếc áo lính của bà thì lúc đó cháu ngủ rất ngon.
“Chiều nay cái gió mồ côi
Cứ nằm ôm mộ bà tôi ngoài đồng
Bà đi bỏ chuối bỏ bòng
Cau vườn úa bẹ, trầu không lìa giàn
Cái chăn quấn lấy cái màn
Thút tha thút thít trong gian buồng nhà
Nắng thềm ngơ ngác gọi bà
Bà ơi bà ở trong nhà hay đâu?”
(Bà ơi - Lê Hồng Phúc)
Thời gian mang gửi vào gió, vạn vật vẫn cứ tiếp diễn vòng xoáy của tạo hóa, sinh ra, tồn tại, rồi lại trở về với cát bụi của cuộc đời. Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Người ta cứ cho rằng thời gian sẽ chữa lành được hết tất cả vết thương, nhưng nó vẫn còn để lại sẹo, những vết cắt đã được hàn gắn trong tim vẫn sẽ nhói lên khi cảm xúc dâng trào. Giống như cái lọ thủy tinh vỡ ấy, đã vỡ ra rồi thì chỉ có cho người ta tới mà mang đi, hoặc là mua cái mới. chứ chẳng thể nào mà ngồi tỉ mẩn hàn gắn lại bao giờ đâu. Nhưng cảm xúc thì lại khác, ngoại mất, là nỗi mất mát lớn nhất trong cuộc đời của cháu.
Thì ra cũng có lúc mà bếp củi nhem nhuốc, góc nhà mái tranh, tiếng cười khúc khích , tiếng trẻ rất thanh… lại trở nên đắt giá đến thế. Thì ra cũng có lúc nghẹn ngào trước những vần thơ đã học từ thuở tấm bé, ngỡ như đã quên mà nay lại nhớ từng vần:
“Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu,
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở
- Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?”
Những đứa trẻ bé bỏng rồi cũng có ngày phải cất cánh bay đi, hành trình phải lớn của những đứa trẻ ấy thật sự không dễ dàng gì, chúng đều là những con chim mang đôi cánh yếu ớt chưa một lần dám vùng vẫy ngoài bão giông, nhưng rồi sẽ có lúc phải đối mặt với mọi thứ. Ngày mà những đứa trẻ cất cánh bay xa cũng là ngày bóng người bà mãi mãi tan biến vào hư không…
Thế giới của chúng tôi thì rộng lớn lắm, còn thế giới của họ chỉ còn chúng tôi. Giữa thế giới bao la, họ là nốt trầm sâu lắng trong bản hoà ca của đời người. Ngày nào tôi còn nhận thức được người thân vẫn đang ở bên cạnh mình, tôi là người hạnh phúc nhất. Đừng vì cuộc sống mưu sinh mà quên đi những kỉ niệm, những công lao to lớn ấy, đừng để họ phải lũi thủi, cô đơn trong cái tuổi về già. Hãy quan tâm họ nhiều thêm chút vì chẳng ai biết được ngày mai sẽ như thế nào. “Bầu trời của những đứa trẻ thì mênh mông rộng lớn, chạy hoài chạy mãi cũng không hết chốn đi. Bầu trời của bà thì chỉ bằng cái bếp lửa, nhen nhóm lên bằng tình thương con cháu vô bến bờ…”
Dù cháu có trưởng thành, có khôn lớn như nào đi chăng nữa thì trong mắt bà cháu vẫn là đứa nhỏ ngày nào. Và rồi bà có ở đâu đi chăng nữa thì trái tim này vẫn vẹn nguyên tình cảm mà cháu dành cho bà. Cảm ơn bà vì đã bước đến cuộc đời cháu, mang lại cho cháu những năm tháng tuổi thơ trọn vẹn nhất.
Bà ơi… Ở thế giới bên kia phải thật hạnh phúc bà nhé!!!
Cháu yêu bà.
© Lê Văn Châu - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
Mong Bạn Luôn Mỉm Cười Và Tiến Về Phía Trước | Radio Tâm Sự
Phản hồi của độc giả
Xem thêm

Ánh nắng mùa đông (Phần 2)
Cô ấm ức, cô tủi thân, cô đau khổ, cô mệt mỏi, cô bất lực. Anh không nói, không hỏi cứ vậy ôm cô thật lâu, dùng bàn tay to lớn của mình bao bọc lấy cô, truyền hơi ấm cho cô.

Món canh nhót dân dã mẹ nấu
Hồi ức đẹp đẽ về những mùa nhót tuổi thơ ùa về. Tôi với chị dằng dai, rủ rỉ... Bồn chồn nhớ quê…. Rồi tôi bỗng thèm được ăn món canh nhót dân dã mẹ nấu năm nào!

Có một Sài Gòn không ai nỡ rời đi
Với tôi, thành phố này ngạc nhiên đến kỳ lạ, lại đẹp đến ngỡ ngàng…

Ánh nắng mùa đông (Phần 1)
Tớ hi vọng chúng ta sẽ mãi bên nhau như thế. Tớ không thích kết bạn, cũng không thích hợp để làm bạn của ai cả nhưng cậu là người đầu tiên đứng trước mặt tớ và bảo vệ cho tớ, vậy nên cậu là ngoại lệ duy nhất của tớ.

Giấc mơ không tắt – gửi thanh xuân của tôi
Tôi không phải nữ chính trong tiểu thuyết. Tôi không có một cuộc đời được sắp đặt sẵn, không có một chàng trai dịu dàng luôn đứng phía sau ủng hộ mình, không có những tình tiết kỳ diệu biến ước mơ thành sự thật chỉ trong một đêm. Nhưng tôi có chính mình.

4 thứ cản trở phong thủy, phá tan tài lộc: Bạn nên tiễn ra khỏi nhà càng sớm càng tốt
Có những món đồ trong nhà tuy nhỏ, tưởng không quan trọng nhưng lại âm thầm ảnh hưởng đến vận khí cả gia đình.

Phụ nữ hãy trọn tình yêu thương bằng chính bản sắc của mình
Tôi nói với cô bạn: nếu thực trong tâm không tha thứ, buông bỏ được thì hãy ra đi, cuộc sống này ngắn ngủi lắm, sống cạnh nhau chỉ là những dằn vặt, sai lầm chồng chất sai lầm thì cuộc sống lãng phí quá.

Sau cơn mưa nắng sẽ về
Kể từ lúc biết tin căn bệnh quái ác sẽ tuyên án tử hình cho tuổi xuân còn đang dang dở của em, hình như tôi chưa từng thấy em để cho đôi chân mình được ngơi nghỉ ngày nào.

Mình muốn một tình yêu như vậy!
Họ không nói nhiều, không can thiệp quá sâu vào cuộc sống của nhau, không lãng mạn ngọt ngào, không hứa hẹn, không sở hữu, cứ thế hiện diện bên nhau, lắng nghe, an ủi.

Lỡ duyên
Trăng treo lẻ bóng bên đồi Gió ru khúc cũ nghẹn lời chia phôi Người đi để lại bồi hồi Ta ngồi đếm mãi một thời đã xa