Phát thanh xúc cảm của bạn !

Dấu chân online 93: Lang thang qua miền Phật tích

2013-07-14 08:00

Tác giả: Giọng đọc: Radio Online Team, Jun


Ấn Độ đang bước vào những ngày nóng nhất trong năm, nhiệt độ có khi lên đến 50 độ C, nhưng sự khắc nghiệt của thời tiết không làm mất đi sức cuốn hút kỳ lạ của chuyến phiêu lưu ký đi giữa đạo và đời, với những câu chuyện huyền ảo về vùng thánh tích chen lẫn bụi trần rực rỡ sắc màu thế tục của một đất nước đông dân thứ nhì thế giới mà hai tác giả Lam Phong và Hoài Nam mang về từ Ấn Độ.

Gaya mùa nắng

Với dự định từ lâu về một hành trình đi qua miền đất Phật, chiêm bái đầy đủ các thánh tích Phật giáo, nay chuyến đi mới trở thành hiện thực khi những người bạn thân thiết ở hãng hàng không Thai Airways lên lịch “hành hương” khắp đất Phật cho chúng tôi, nhưng lại vào mùa nắng nóng cao điểm. Trang, nhân viên Thai Airways cho biết: “Hành hương vào mùa này có cái hay riêng, nhiều người Việt cũng thường chọn mùa này để hành hương”.

Hành trình được xác định bắt đầu từ Bodh Gaya thuộc bang Bihar phía đông Ấn Độ. Tuyến hàng không thuận tiện nhất để đến đất Phật là quá cảnh tại Bangkok trước khi đáp chuyến bay trưa của hãng hàng không Thai Airways đến Gaya. Và đây lại là một trong những chuyến bay cuối cùng trước khi mùa nóng cực điểm trên xứ Ấn tràn về. Và đường bay Bangkok – Gaya sẽ chỉ được mở lại vào tháng 10 để phục vụ du khách mùa hành hương lớn nhất trong năm.

Từ trên cao dễ dàng nhận ra vùng đất Gaya khô hạn, chiếc cầu bắc qua sông cạn trơ đáy như một sợi dây đàn mỏng manh giữa sa mạc cằn cỗi. Sân bay Gaya rất nhỏ và chỉ có duy nhất chiếc máy bay của chúng tôi hạ cánh. Từ đây, hành khách có thể xuống để vào Gaya hoặc chờ bay tiếp đến Varanasi – một thành phố cổ mà gần đó là thánh tích Phật giáo mang tên Sarnath. Các thủ tục hải quan đều làm bằng tay nên tốn chút thời gian, nhưng điều đó không làm mọi người quan tâm bằng cái nóng như thiêu như đốt của ngày nắng Gaya. “Chư hành là khổ”, mọi sự vật đều nằm trong cái khổ, như triết lý nhà Phật đã từng dạy đó sao?




Bodh Gaya tiếng Việt gọi là Bồ Đề Đạo Tràng là một thành thị nhỏ cách sân bay khoảng mười phút xe buýt, nơi đây mới phát triển khoảng gần mười năm trở lại sau khi những thánh địa Phật giáo được khôi phục. Quanh vùng chỉ có vài khách sạn lớn, đa phần là những nhà trọ nhỏ hẹp cho người hành hương ít tiền và dân du lịch bụi như chúng tôi. Phương tiện công cộng đi lại ở Gaya chủ yếu là xe tuk tuk ba bánh hoặc thú vị hơn là đi xe ngựa. Người dân ở Gaya chủ yếu làm nông, lúa chỉ làm một vụ, thời gian rảnh họ thường quanh quẩn ở nhà hoặc sống dựa vào bán buôn quanh điểm Phật tích. Nhưng ô hay, đi vào khu vực trung tâm mới thấy đây chính là miền quê “liên hiệp quốc”, bởi cơ man nào là chùa của đủ các quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc,…

Phải đến hơn 4 giờ 30 chiều, Veeru Singh – người dẫn đường mới đón chúng tôi đi viếng điểm Phật tích đầu tiên là Mahabodi bởi theo Veeru Singh: “Chờ cho trời mát mới đi được, đi giữa trưa nóng không chịu nổi…” Chúng tôi cứ luôn tâm niệm trấn an trên bước đường hành hương gió bụi “chư hành vô thường” (mọi sự vật bị giới hạn đều luôn biến đổi), mặt trời đã dịu dần trên mái chùa Gaya…
Lịch sử kể lại rằng, khoảng 500 năm trước Công nguyên, hoàng tử Gautama Siddhartha sau một thời gian dài đi tu trên núi khổ hạnh, ngài đã xuống núi, vượt ngang dòng Falgu đến ngồi thiền dưới cội bồ đề. Sau ba ngày ba đêm hoàng tử đã đạt được giác ngộ và thấu hiểu mọi sự. 250 năm sau đó nhà vua Asoka đã đến viếng nơi đây và cho xây dựng tu viện cùng ngôi đền thờ để đánh dấu nơi đức Phật thành đạo. Ngôi đền có tên là Mahabodhi trong tiếng Pali có nghĩa là Giác ngộ tự.

Ngôi tháp chính gọi là tháp Đại giác cao khoảng hơn 50m và xung quanh có bốn tháp nhỏ cao khoảng 2m, bề mặt ngoài của tháp vẫn lưu giữ rất nhiều tượng phật tạc thẳng vào đá. Năm 2002, Giác ngộ tự được vinh danh là di sản thế giới của UNESCO. Bảo vật quan trọng và thiêng liêng nhất trong tháp chính là bức tượng Phật tạc bằng đá đen cao 2m do vua Pala của xứ Bengal tặng. Tượng làm vào khoảng năm 380 sau Công nguyên và được phủ lớp sơn vàng vào thế kỷ 19. Pho tượng mang thần thái của đức Thích Ca Mâu Ni với khuôn mặt phúc hậu, đôi mắt sáng nhân từ và tư thế thiền định như chính khi ngài đạt giác ngộ xưa kia dưới cội bồ đề.

Quanh tháp Đại giác là bảy vị trí đánh dấu nơi đức Phật đã trải qua bảy tuần sau khi đạt giác ngộ. Khách hành hương đến Bồ Đề Đạo Tràng luôn viếng đủ những nơi này để cầu nguyện. Trời nắng nóng gay gắt, nhưng vẫn không làm nản lòng phật tử tìm đến từ khắp nơi trên thế giới. Ngoài những nhà sư châu Á còn có rất nhiều tu sĩ Âu châu đến Bồ Đề Đạo Tràng để tu tập. Và không khó để nhận ra sư thầy, sư cô, phật tử người Việt đang thiền tự nơi này.

Mùa nắng cùng cực đang tràn về, trời đã ngả về chiều mà nhiệt độ vẫn xấp xỉ 400C, tán bồ đề chốn đạo tràng như càng trơ trọi, rơi từng chiếc lá úa, đó lại là cơ hội cho những người mộ đạo nhặt lá bồ đề rơi kẹp vào kinh sách xem như một kỷ vật thiêng liêng trên bước đường hành hương đầy gian khó trong mùa “chư hành là khổ”, bởi phía trước chặng đường “đời là bể khổ” còn dài đằng đẵng, xa xăm… Điều gì đang chờ đợi phía trước mà thân phận con người vẫn luôn hướng về phía Phật pháp, ngày đêm không ngừng cất bước trong suốt 2.500 năm qua?...

Theo dấu Tam Tạng

Nalanda – trường đại học Phật giáo lâu đời nhất thế giới (thế kỷ 1) vào năm 685 đã có 10.000 tu sĩ đến tu tập và học đạo tại đây.

Khu vực này có tên Rajgir hay còn gọi là Vương Xá Thành, cách thủ phủ Gaya khoảng 60km và mất hơn một giờ đi xe buýt. Thành phố này một thời là thủ phủ của vương quốc cổ Magadha. Thời tiết ở Đông Bắc Ấn quả là thử thách lớn cho những bước chân lữ khách vào mùa khô hạn. Tất cả chỉ có thể gói gọn trong hai chữ: khắc nghiệt.

Từ thủ phủ Rajgir, chúng tôi tìm đường đến núi Linh Thứu cách đó không xa. Đường lên núi nay đã được xây bằng đá lên tận đỉnh, bước chân hành hương đỡ nhọc nhằn hơn từ nhiều năm qua. Màu áo phật tử rực rỡ trong ánh nắng chói chang. Những phật tử Sri Lanka trong trang phục màu trắng, phật tử Việt Nam và Đài Loan mặc màu xám hoặc nâu, những đạo sĩ Ấn Độ trong bộ quần áo màu cam. Đường lên đỉnh có rất nhiều chiếu nghỉ, đó chính là những hang động của các đệ tử thân tín của đức Phật như ngài A Nan, Mục Kiều Liên… Mặc cho cái nóng thiêu đốt bên ngoài nhưng trong hang rất nhiều phật tử và tăng ni đang thiền định một cách tĩnh tại, trái ngược hẳn với những người bán đồ lưu niệm và băng đĩa vẫn vô tư trò chuyện bên ngoài. Gần đến đỉnh núi là nền gạch của tịnh xá Đức Phật, nơi đây hàng chục dây cờ nhiều màu sắc kiểu Tây Tạng tung bay trong gió làm chúng tôi cảm giác đang ở đâu đó trên dãy Himalaya.

Quên đi cái nắng gió khó chịu đến cùng cực, chúng tôi như chìm vào câu chuyện của những mùa an cư, khi đức Phật trở về Thành Vương xá, lên đỉnh núi Linh Thứu để hoằng pháp, giảng đạo. Đỉnh núi rộng độ 10m2 nhưng đây là nơi chứng kiến nhiều sự kiện trong lịch sử Phật giáo, trong đó có việc khi Phật giơ cao cành sen khi giảng đạo và chính ngài Ca Diếp khi ấy chưa quy y theo Phật nhưng đã nhập tâm thấu hiểu những lời giảng của tinh thần Phật pháp.

Điều đặc biệt ở núi Linh Thứu là đi đến bất cứ nơi nào cũng có những bảng chỉ dẫn ghi rõ “Khoảng thế kỷ thứ 7 nhà sư Trung Quốc Huyền Trang đã du hành đến nơi này và có ghi chép lại trong nhật ký của ngài”. Bước chân một con người đã đi vào huyền thoại mà ai ai cũng tường tận…

Rời đỉnh Linh Thứu, chúng tôi tìm đến đại học Nalanda. Trong câu chuyện đi Tây Trúc của Đường Tam Tạng – Đường Huyền Trang thì Nalanda chính là nơi ngài đến để thỉnh kinh học đạo.

Nếu như Bồ Đề Đạo Tràng là nơi Phật giáo ra đời thì Nalanda chính là cái nôi duy trì và phát triển đạo Phật, làm cho tôn giáo này trở nên cực kỳ thịnh vượng khi trở thành trường đại học Phật giáo lâu đời nhất thế giới. Không ai biết chính xác thời gian ra đời của vùng đất Nalanda, chỉ có thể dự đoán vào thế kỷ thứ nhất, vì ngài Nagarjuna (Long Thọ) sinh vào thế kỷ thứ 2 được cho rằng đã học đạo tại đây và sau này trở thành viện trưởng. Cũng có tài liệu cho rằng trường chỉ được thành lập vào thế kỷ thứ 5.



Trong những ghi chép của ngài Huyền Trang trong khoảng năm 685 khi ngài đến đây học đạo thì đã có khoảng 10.000 tu sĩ và sinh viên sống ở đây, họ không chỉ học chuyên sâu về Phật giáo mà còn nghiên cứu thiên văn học, thuyết siêu hình, y khoa, triết học. Nalanda bị điêu tàn sau thế kỷ thứ 8 khi Ấn Độ giáo trở lại hùng mạnh…

Đến Nalanda ngày nay, chúng tôi có cơ hội đi trên những bức tường thành đã đổ nát, ngồi lên chiếc giường bằng đá trong các tu viện, chạm tay vào những viên gạch cổ có niên đại đến 15 thế kỷ. Vẫn còn đó những căn phòng của các giáo sư và cả một khu nhà bếp với chiếc giếng cổ ngàn năm trước. Những bậc thang xếp lớp nối các giảng đường và tu viện mà chúng tôi có cảm tưởng lúc nào cũng chộn rộn tiếng chân bước từ ngàn xưa vọng về...

Tìm hiểu thấu đáo tinh thần Phật pháp nơi chốn tôn nghiêm này, chúng tôi mới thấy phim Tây du ký đa phần hư cấu, vẽ vời. Bởi theo chính sử thì bước chân Huyền Trang chính là bước chân của một người khổng lồ, đã in dấu rất đậm nét từ thành Tây An, Trung Quốc xa xôi qua sa mạc Taklimakan của vùng Trung Á sang tận Kazakhstan, sau đó đi qua Afghanistan rồi mới xuống Ấn Độ. Trải qua rất nhiều gian khổ và hoạn nạn, cuối cùng Huyền Trang cũng được đền đáp bằng những tàng kinh quý giá và những bài học Phật giáo thâm sâu tại Nalanda này đây.

Chút tĩnh lặng nơi tịnh xá số 3, điện thờ ngài Xá Lợi Phất vẫn còn một phần nguyên vẹn, hướng mắt ra xa là bóng dáng những phụ nữ Ấn Độ thướt tha đang bước trên những bức tường thành cổ xưa, chúng tôi mới giật mình nhận ra Nalanda, nơi chốn trần gian đang hoà quyện rất chặt với cõi tâm linh đến vô cùng…

Varanasi, cổ thành ngàn năm

Ngọn lửa hoả táng người đã khuất ven sông Hằng ở thành cổ Varanasi.

Người ta đã ví von Varanasi là một thành cổ còn cổ xưa hơn cả lịch sử, bởi đây là thành phố duy nhất trên thế giới tồn tại và phát triển liên tục trong quãng thời gian hơn 3.500 năm. Một thành phố linh thiêng bậc nhất trong tâm tưởng những người theo Hindu giáo khi họ quan niệm rằng, nếu cuộc đời của họ sống trên thế gian được tắm gội mỗi ngày trên dòng sông Hằng, khi chết đi, được chết ở thành phố Varanasi và bụi tro từ thân xác được rải xuống sông Hằng, họ sẽ được lên miền cực lạc.

Chúng tôi tìm đường đến sông Hằng, đây cũng là góc đẹp nhất của thành cổ với những toà kiến trúc đồ sộ được xây dựng đa phần bằng đá sa thạch đỏ, nối với bến sông là những bậc cấp tạo thành một quần thể các bến nước liền kề nhau rất ấn tượng. Người bản địa gọi những toà kiến trúc này là ghat – theo tiếng Hindi có nghĩa là bậc cấp. Người ta ước tính mỗi ngày có hơn 60.000 khách lữ hành khắp thế giới đổ về chiêm ngưỡng, đắm mình tắm gội trong dòng sông Hằng linh thiêng, huyền thoại.

Trải dọc suốt 4km bên bờ sông Hằng có đến hơn 100 ghat lớn nhỏ lúc nào cũng nhộn nhịp khách hành hương. Dòng sông Hằng được người Hindu giáo ví là mái tóc của thần Shiva, chảy qua Varanasi trong êm đềm, lặng lẽ. Giữa bờ tây và bờ đông là hai sự khác biệt hoàn toàn, bờ tây nhộn nhịp bao nhiêu thì bờ đông lại ôm trong mình vẻ lặng lẽ, vắng vẻ bấy nhiêu, dòng sông như lằn ranh kết nối tạo cho cả vùng thành cổ vừa mang nét thâm trầm, lặng lẽ, hoà quyện với những ồn ào, náo nhiệt đem lại một diện mạo khác lạ của một đô thị cổ kính từ ngàn năm.

Điểm nhấn của các ghat trên sông Hằng ngoài vẻ nguy nga, đồ sộ, nơi đây còn chứng kiến nhiều nghi thức tôn giáo diễn ra hàng ngày, hàng giờ, mà gây ấn tượng nhất với chúng tôi chính là nghi thức hoả táng ở hai ghat Harishchandra và Manikarnika. Người dẫn đường cho chúng tôi biết ngọn lửa thiêu xác của ghat Manikarnika chưa bao giờ tắt từ suốt hơn 2.000 năm qua, vì người Hindu giáo tin rằng đây chính là ghat linh thiêng nhất trong tất cả ghat ở sông Hằng. Do vậy, ai cũng mong muốn khi chết đi được đưa thân xác đến đây hoả táng, nhưng chi phí vận chuyển, tiền dịch vụ, mua củi hoả thiêu… là con số không hề nhỏ cho một gia đình bình thường ở Ấn Độ. Vì vậy được hoả táng ở ghat Manikarnika chỉ có tầng lớp giàu có mới đủ chi phí trang trải. Và việc hoả táng phải chờ đợi khá lâu, vì mỗi ngày có quá nhiều ước nguyện được lên miền cực lạc đang chờ đợi tại nơi này.

Trước mắt chúng tôi là ghat Manikarnika nghi ngút khói lẫn trong mùi khét của thi hài đang được hoả táng. Dưới mé sông, những xác người được tẩm liệm kỹ, quấn chặt trong các dải lụa vàng, hai thanh tre nẹp song song với thi thể đặt nằm lấp xấp dưới mé nước, quanh đó những người thân đang tiến hành nghi thức cầu nguyện, hoa cúc vàng và nến được thả trôi trên sông Hằng như cầu cho vong linh người đã khuất được siêu thoát. Những tín đồ Hindu giáo vẫn bình thản tắm gội, tẩy trần, gần những xác người, phía xa xa những chiếc ghe đang chở theo các bao tro tàn từ thân xác mới hoả táng rải khắp mặt sông. Chính nơi đây thế tục và cực lạc như hoà quyện làm một…

Cư dân thành cổ Varanasi thường bắt đầu một ngày mới khá sớm, chưa đầy 5 giờ sáng, tiếng chuông, mõ, lục lạc, tiếng bước chân đã rầm rập khắp mọi ngã đường. Những đạo sĩ đứng ngay trên các ghat, tay cầm các dụng cụ hành lễ quen thuộc như lửa, quạt, dầu, tù và, chuông… bắt đầu lễ cúng trang nghiêm đón chào thần mặt trời.

Trong dòng người đông đúc đổ về Varanasi không phải ai cũng hướng về miền cực lạc cao xa, có rất đông người tìm đến bến sông mỗi ngày để mưu sinh bằng đủ thứ nghề, có cả những đạo sĩ giả hiệu, mặc trang phục kỳ quái, râu tóc lê thê, tay cầm gậy lang thang lừa lọc khách hành hương. Khi vừa đến Dasaswamedh, một ghat lớn nhất ở Varanasi, chúng tôi giật mình khi nghe tiếng gọi giật giọng “Hello my friend!”, một đạo sĩ, mình trần, người trát đầy tro trắng hếu, ốm tong teo, tóc râu rũ rượi, nhe răng cười nham nhở, tự giới thiệu: “Người tôi được hấp thu đầy đủ sức mạnh của thần Shiva đấy, chụp ảnh đi”. Một du khách thấy lạ đến xin chụp ảnh, “đạo sĩ” diễn luôn một bài yoga, tĩnh toạ, ngồi thiền kiểu bán kiết già, mắt lim dim…Sau pha diễn, “đạo sĩ” liền đứng bật dậy và ngửa tay: Dollar sir, Rupee sir…



Kết thúc một ngày với cư dân thành cổ Varanasi là một nghi lễ tạm biệt thần mặt trời được cử hành rất trọng thể ngay ghat Dasaswamedh vào lúc 7 giờ tối mỗi ngày. Năm đàn thờ được lập nên cho năm vị đạo sĩ trẻ làm đại diện, nghi lễ được bắt đầu bằng một lời kinh ngân vang, sau đó năm vị đạo sĩ dùng tù và hối thúc thành từng hồi dài. Hàng ngàn người đứng chen nhau ở bến sông thành kính cầu nguyện, nghi thức chào mặt trời được kết thúc bằng những hoa đăng đan từ lá đa thắp nến, gắn hoa thả kín một khúc sông Hằng.
Đó là một nghi lễ tôn giáo rực rỡ nhất mà chúng tôi được chứng kiến. Sau nghi thức ấy, cả cổ thành như chìm ngay vào giấc ngủ. Chúng tôi lang thang trên những con đường cổ xưa hàng ngàn năm tuổi, mà không hiểu mình đang đi giữa thế tục ô hợp hay trên cõi tiên bồng cổ tích…

Bài: Lam Phong - Hoài Nam

Ảnh: indiatravels

Được thể hiện qua giọng đọc: Jun

Kỹ thuật : Jun

Khám phá ngay chuyến du lịch Ngất ngây biển trời Boracay 
(...)

Bạn có thể tìm thấy những bản nhạc nền được sử dụng trong chương trình tại forum Nhacvietplus và Blog Việt theo địa chỉ: http://forum.nhacvietplus.vn. 
Những tâm sự muốn sẻ chia, những bài viết cảm nhận về cuộc sống, những sáng tác thơ, truyện ngắn mời bạn cùng chia sẻ bài viết với Audio Book bằng cách gửi đường link, file đính kèm về địa chỉ emailaudiobook@dalink.vn




Phản hồi của độc giả

Xem thêm

 Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Ngày hôm đó chúng ta đã nói sẽ luôn nhớ tới nhau, sẽ giữ trọn vẹn trong tim mối tình của năm tháng ấy. Nhưng anh biết không, mỗi người chúng ta ai rồi cũng đều khác, lời hứa năm đó cũng chỉ là tên gọi khác của lời tạm biệt mà thôi.

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Dây xích sắt trượt dài trên thanh chắn cửa, rít lên một tràng âm thanh chói tai, kết thúc bằng tiếng đáp đất nặng trịch. Trời lặng gió, áng mây vắt ngang qua ngọn cây, trong đêm tối không trăng không sao, chiếc lồng đèn cũ phủ một lớp bụi mỏng

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Mưa rơi, làm hình bóng anh trong mắt cô mờ đi, gương mặt điển trai sau màn mưa trắng chẳng rõ đang vui hay buồn. Mưa vẫn không ngừng xối lên thân ảnh liu xiu của anh, lớp áo sơ mi trắng dính vào da lộ ra vết sẹo dài chạy dọc theo cánh tay khẳng khiu.

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn chính là chủ nhân của cuộc đời mình. Tương lai ra sao, do bạn định đoạt. Đừng để năm tháng trôi qua, trong bạn chỉ toàn là tiếc nuối.”

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Đôi khi, sự ra đi của người khác là lí do để ta nhìn lại mình. Nhìn lại những gì mà bản thân đã cư xử. Có phải vì ta chưa đủ trưởng thành? Có phải vì ta vẫn còn quá cảm xúc và bi kịch hoá mọi thứ?

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy tận hưởng điều đó. Độc thân không có nghĩa là chưa đủ tốt để yêu. Độc thân nghĩa là chưa có ai đủ tốt để được bạn yêu.

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Muốn ngắm bình minh, phải dậy thật sớm. Muốn tạm biệt ngày tàn, phải vẫy chào hoàng hôn. Hạnh phúc của mình nên tự mình nắm lấy...

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Một giấc mơ dang dở dấy lên trong lòng tôi một sự hiếu kỳ với dáng vẻ của hạnh phúc. Nếu bước qua lằn ranh giữa quá khứ và hiện tại, tôi sẽ thấy được điều, có phải kết cục sẽ vẹn tròn hơn không.

Hôn lễ của em | Blog Radio 901

Hôn lễ của em | Blog Radio 901

Bên trong ai cũng có một vài vết thương, có kẻ biến vết thương thành một sự hiểu biết. Có người lại biến vết thương thành một nguyên nhân, sinh ra một vết thương mới đau hơn…

Em như ánh sao trời | Blog Radio 900

Em như ánh sao trời | Blog Radio 900

Không có một tình yêu nào là vĩnh hằng cũng chẳng có lời hứa nào gọi là mãi mãi, chỉ là con người ta thích tin vào những điều đó chỉ là nhất thời để rồi một đời đợi chờ.

back to top