Blog Radio 692: Đưa em đến những nơi em được là chính mình
2021-02-13 00:05
Tác giả: Nguyễn Thị Loan Giọng đọc: Bạch Dương
Trong Blog Radio của tuần trước, chúng ta đã lắng nghe phần 1 của truyện ngắn Tôi đi tìm lại chính mình của tác giả Nguyễn Thị Loan. Câu chuyện đang dừng lại ở tình tiết nữ chính gặp một chàng trai lạ lén chụp những bức ảnh của mình, sau đó anh còn đề nghị cô làm mẫu ảnh. Liệu câu chuyện sẽ diễn biến thế nào? Mời bạn lắng nghe phần 2 của truyện ngắn.
Tôi nhìn lại mình trong ảnh, ngẩn ngơ một lúc rồi đồng ý. Anh chàng trước mặt tôi chìa tay ra thân thiện:
- Tôi là Duy, nhiếp ảnh gia tự do. 24 tuổi. Rất vui được quen biết cô.
Tôi nhìn bàn tay to rộng đang chìa ra trước mặt, ngần ngừ một chút rồi cũng đặt tay mình vào đó, giữa trời đông mà tay cậu ấm lạ lùng:
- Tôi là Quyên. 26 tuổi. Đang thất nghiệp. Cũng rất vui được làm quen với cậu.
- Trông cô trẻ thế mà đã 26 tuổi rồi à?
- Phải, nên đừng có gọi tôi là cô, gọi chị đi- Tôi cười đáp lại.
Vừa lúc ấy, Sèo Dử đi tới bên cạnh tôi. Thấy Duy cậu ngơ ngác:
- Bạn chị à?
- Ừ bạn mới quen. Anh ấy tên Duy, còn đây là Sèo Dử, hướng dẫn viên tình nguyện của tôi ngày hôm nay.
Duy chìa tay ra bắt với Sèo Dử, còn nháy mắt cười:
- Cho anh mượn chị ấy ngày hôm nay nhé!
Sèo Dử hơi ngần ngừ. Đọc được sự do dự và lo lắng trong mắt cậu, Duy bật cười. Cậu đưa tay vào trong balo, lấy ra chứng minh thư đưa cho Sèo Dử:
- Đây là chứng minh thư của anh, em giữ lấy. Còn nữa, đây là ảnh chân dung của anh, đằng sau có ghi số điện thoại. Nếu chiều nay anh không đưa chị em về, em cứ việc báo công an, nhé!
Sèo Dửa nhận lấy, nhưng vẫn lo lắng nhìn tôi. Tự nhiên tôi thấy cảm động quá, mới quen biết chưa lâu mà thằng bé quan tâm đến tôi thật sự. Tôi bất giác xoa đầu nó:
- Không sao đâu, em yên tâm đi. Chị biết võ đấy, anh ta dám làm gì thì chỉ có nước đi bệnh viện thôi.
Sèo Dử khẽ gật đầu, nhưng vẫn không quên dặn lại:
- Có gì thì gọi điện cho em nhé!
Tôi bật cười, nhìn thằng bé vừa đi vừa ngoái đầu lại trông chừng. Duy đứng cạnh tôi chép miệng:
- Trông tôi không đáng tin đến thế cơ à?
- Trên mặt cậu có viết chữ “đáng tin” sao?- Tôi châm chọc.
- Tiếc là Đảng và Nhà nước không tổ chức thi lấy bằng “Người tốt”, nếu không tôi đã in rồi đeo luôn trên cổ để chứng minh rồi – Duy nhăn mặt, rồi đột ngột hỏi tôi bằng giọng nghiêm túc- Nói vậy, chị cũng không tin tôi sao?
- Dù sao Sèo Dử cũng đã cầm chứng minh thư và ảnh của cậu rồi. Tôi nghĩ có thể yên tâm được. Hơn nữa, tôi cũng chụp ảnh cậu gửi cho bạn tôi rồi. Nếu tôi không về, chắc ngày mai cậu sẽ nổi tiếng trên khắp các trang mạng.
Duy giơ hai tay ra dấu đầu hàng, rồi bảo tôi:
- Đúng là làm người tốt không dễ.
- Không, làm người tốt rất dễ. Nhưng để người ta tin mình là người tốt mới khó- Tôi phản bác.
Duy bật cười, rồi giơ ngón tay cái lên. Cậu bảo tôi:
- Vậy giờ đi chụp ảnh nhé, chị cũng phải cho tôi cơ hội chứng minh mình là người tốt chứ!
Thế là tôi đi theo Duy. Rất tự nhiên, không một chút băn khoăn, do dự. Tôi cũng không cần tạo dáng, cứ thế đứng thả mình một cách hồn nhiên nhất trên mảnh đất Tây Bắc xa xôi. Lâu lắm rồi, tôi mới thấy mình tự do đến thế, đứng giữa đất trời bao la, quẳng hết mọi gánh lo đi để hồn nhiên như con trẻ. Tôi và Duy không chỉ dừng chân ở tu viện cổ, cậu chở tôi đi trên chiếc xe máy cậu thuê ở trung tâm thị trấn, len lỏi men theo những cung đường ngoằn ngoèo khắp Tả Phìn, dừng chân lại bất cứ nơi đâu cậu thích, chụp bất cứ nơi nào chúng tôi thấy đẹp. Chơi chán, đến chiều tối, Duy chở tôi về đầu bản. Lúc chia tay, cậu hỏi tôi:
- Hôm nay tôi rất vui. Ngày mai chị còn muốn đi tiếp không? Tôi sẽ chở chị đi các bản khác, cũng đẹp lắm.
Tô ngẫm nghĩ một lúc rồi đồng ý. Duy vẫy tay chào tôi rồi nổ máy phóng đi. Tôi lặng nhìn chiếc xe lắc lư, xóc nảy xa dần trong bóng chiều chạng vạng một lúc rồi mới chầm chậm thả bước về. Đến nhà, bầu không khí im ắng kì quái cùng gương mặt đỏ lừ của Sèo Sính, đôi mắt ngân ngấn nước của A Mẩy làm tôi ngơ ngác. Bên trong buồng, tôi liếc thấy một cô gái trẻ măng đang ngồi bên giường tấm tức khóc. Thấy tôi, A Mẩy lau vội nước mắt, đứng dậy nói:
- Cô đã về. Để tôi đi nấu cơm. A Lỷ, đi xuống bếp với mẹ.
Gương mặt Sèo Sính cũng giãn ra, không còn cau có như trước nữa. Anh cười gượng hỏi tôi:
- Hôm nay cô đi chơi có vui không
- Vui lắm ạ- Tôi đáp, rồi ngừng một lúc mới e dè hỏi- Con gái anh về à?
Sèo Sính khẽ gật đầu, rồi kín đáo thở dài. Tôi không biết nói gì thêm, đành đổi chủ đề:
- Sèo Dử đâu anh?
- Nó có bạn từ thị trấn về, hai đứa đi chơi rồi, chắc không về ăn cơm đâu.
Tôi không hỏi nữa, vì gương mặt Sèo Sính vẫn còn hằn lên những nỗi lo âu, buồn bực. Buổi tối, cả nhà ngồi quay quần cạnh bếp lửa, nhưng chẳng ai nói với nhau lấy một lời. Tối vùng cao mù sương, lạnh lắm nên cả nhà đi ngủ sớm. Tôi nằm trên giường trằn trọc mãi, chợt màn hình điện thoại sáng lên, là ti nhắn từ Duy.
“Chị ngủ chưa? Nói chuyện một lát nhé Hôm nay đi nhiều, nhưng lại chưa hỏi được nhiều về chị”
Tôi bật cười, ngón tay cũng lướt trên màn hình điện thoại. Tôi nằm nghe Duy kể về những vùng đất cậu đã đi qua, những con đường cậu đã đến. Và rằng, cậu cũng từng làm việc trong một công ty lớn, ngồi tám tiếng đồng hồ trong căn phòng điều hòa mát lạnh, nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính, cũng từng sấp mặt chạy cho kịp deadline. Đến một ngày, Duy nhìn qua cửa sổ, thấy bên ngoài nắng rất vàng và trời rất xanh, thế là cậu bỏ lại tất cả sau lưng, vác balo lên và đi. Duy nói, cậu làm việc cho các tòa báo, vừa đi, vừa chụp lại những khoảnh khắc có thể khiến người ta phải say lòng chỉ trong một ánh mắt. Tôi trêu cậu, cứ đi miết mải như thế, không sợ bạn gái bỏ à. Duy im lặng một lát mơi bảo, cậu cũng đang tìm một chốn dừng chân. Đi nhiều quá, cũng thấy lòng cô đơn đến hoang hoải, nhiều lúc thèm một cái ôm, một cái liếc mắt giận hờn. Mà duyên chưa đến, nên cuối cùng vẫn lang thang như cơn gió vô định. Tôi buông điện thoại, rúc mình vào trong chăn, nằm nghe gió bên ngoài u u thổi, đột nhiên nhớ đến nao lòng những đêm thơ bé, nằm trong vòng tay bố mẹ, hít căng lồng ngực mùi hương bưởi trên tóc mẹ thơm thơm, rồi vòng tay bố ôm gọn tôi ấm sực. Giờ này chắc mẹ chưa ngủ, vẫn còn đang ngồi cặm cụi thêu nốt những bức tranh tết người ta đặt từ trước, còn bố vẫn đang tranh thủ ra vườn đảo qua những cây quất cây đào đang ủ nụ.
Sáng hôm sau, tôi tỉnh dậy từ sớm. Ở đây được vài ngày, tôi đã quen với việc thức từ lúc nghe tiếng gà rừng gáy sáng, thảnh thơi ngắm bầu trời chuyển dần từ màu tối sẫm sang màu hồng phớt. Hồi còn ở thành phố, tôi chỉ chịu thức dậy khi tiếng chuông báo trong điện thoại cáu kỉnh vang lên, rồi cuống cuồng chuẩn bị, cuống cuồng leo lên xe len lách giữa những dòng người cũng đang vội vã giống tôi. Tôi vào bếp giúp A Mẩy nấu bữa sáng, A Lỷ cũng đã dậy, cô bé lặng lẽ dọn bát đũa, trên gương mặt vẫn còn nét buồn bực, giận dỗi chưa tan. Một lúc sau, Sèo Sính và Sèo Dử cũng bước lại. Sèo Sính nói với A Lỷ:
- Lát con đưa chị Quyên đi thăm chỗ tắm lá nhà bác Pẩn, rồi qua chỗ dệt thổ cẩm nhà chú Y Lù.
- Hôm nay con có hẹn bạn rồi, không đi được- A Lỷ từ chối
- Không bạn bè gì hết, mày định đón thằng đấy về đây chứ gì, tao cấm!- Sèo Sính đột ngột quát, khiến tôi cũng giật mình, vội vàng nói:
- Không sao, bạn em hôm nay tới đón em đi chơi rồi, không phải phiền A Lỷ đâu ạ!
Sèo Dử vừa ăn cơm, vừa nhìn tôi cười khúc khích
- Cái anh hôm qua hả chị. Trông cũng được đấy
Sèo Sính ngạc nhiên hỏi:
- Anh nào? Tôi tưởng cô lên đây một mình
- Vâng, bạn em mới quen thôi ạ!
- Tôi nói cô đừng giận. Cô là bạn bác sĩ Nga, cô ấy nhờ tôi để ý cô khi lên đây, nên tôi cũng phải có trách nhiệm quan tâm cô, nhỡ có chuyện gì, tôi không biết nói sao với bác sỹ. Tôi nói thật, mấy người bạn mới quen ấy, mình phải cẩn thận. Chẳng ai biết người ta tốt hay xấu, đàn bà con gái đừng nên tin người quá.
Vừa nói, Sèo Sính vừa liếc mắt về phía con gái. A Lỷ đang ăn cơm, nghe vậy bèn buông đũa đứng dậy đi vào buồng. Sèo Sính định đứng dậy theo, A Mẩy đã cản lại:
- Ăn cơm đi, còn cô Quyên ở đây này!
Nghe vậy, Sèo Sính mới bất đắc dĩ ngồi xuống, bữa cơm cũng vì thế trở nên gượng gạo hơn.
Ăn xong, hai bố con Sèo Sính đi cắt cỏ về cho trâu ăn, rồi buộc lại những tấm bạt quây chuồng cho trâu không bị rét. Tôi về phòng dọn ít đồ cho vào balo rồi lững thững đi bộ ra đầu bản chờ Duy tới đón. Đang đi, chợt nhìn thấy A Lỷ đang cùng một cậu thanh niên lôi lôi kéo kéo. Chàng trai mặc quần áo truyền thống của người Dao màu sẫm, cúc bạc, cổ tay thêu hoa văn sặc sỡ đối lập hẳn với A Lỷ quần jean, giầy cao gót. Hình như hai người đang cãi nhau, A Lỷ giật tay khỏi chàng thanh niên rồi bực bội đi thẳng, để lại chàng trai đứng lặng lẽ nhìn theo. Tôi còn đang ngơ ngác, dõi theo hai người trước mặt, một bàn tay đã vỗ bộp lên vai làm tôi giật mình. Sèo Dử nhìn tôi cười tinh nghịch:
- Bạn chị chưa đến à, sao lại ra đây? Nhìn gì mà chăm chú thế?
Tôi đưa tay chỉ chàng trai vẫn còn đang ủ rũ phía trước, hỏi Sèo Dử:
- Kia là ai thế, chị thấy hình như vừa cãi nhau với A Lỷ nhà mình
Sèo Dử ngước lên, nhìn theo ngón tay tôi, rồi lại cười:
- À, anh Sềnh Páo nhà ông Lủ. Anh ấy thích chị em lâu lắm rồi, nhưng chị Lỷ đi học xa, chả thích. Mà đúng hơn, chị Lỷ chả thích ai ở đây cả.
Tôi e dè hỏi dò Sèo Dử:
- Bố em với chị Lỷ đang có chuyện à?
- Haizzz. Chị ấy bảo có người yêu ở thành phố, còn bảo muốn lấy anh kia, nhưng bố em không đồng ý.
- Chị em còn đang đi học mà?
- Thế bố mới giận. Bố bảo, ở cái bản này ít người học cao như chị ấy lắm. Ngày trước, bố em không định cho chị đi học xa thế đâu, nhưng sau nghe lời bác sĩ Nga nên bố mới cho chị ấy đi đấy. Bố bảo sau này muốn chị Lỷ cũng giống như bác sĩ, có thể cứu được người trong bản. Thế mà chị ấy đi học mới được một năm đã định bỏ. Mẹ em cũng không đồng ý, nhưng không gay gắt như bố.
- Em thì sao?
- Em thì thế nào cũng được. Miễn là chị ấy vui.À, hôm qua chị ấy cho em cái điện thoại mới, có cả facebook nữa. Chị ấy bảo anh người yêu chị ấy mua cho đấy.
Nói rồi Sèo Dử hào hứng lôi từ trong túi chiếc Iphone 6 ra khoe với tôi, còn cho tôi xem ảnh A Lỷ chụp với người yêu trong máy. Trong ảnh, là một anh chàng tóc xoăn phẩy light đang ghé môi vào má A Lý. Sèo Dử chép miệng nói tiếp:
- Anh Páo với chị Lỷ ngày trước chơi với nhau thân lắm. Nhưng từ hồi chị Lỷ đi học, chị ý chẳng chơi với anh ấy nữa. Bố anh ấy giục lấy vợ mấy lần rồi, anh ấy toàn lắc đầu, có lần còn cãi nhau với bác Lủ nữa, cuối cùng bác ấy phải chịu thua đấy.
Tôi thở dài, nghe nỗi buồn không tên đang mơn man trong lồng ngực. Sèo Dử lại vỗ vai tôi :
- Thôi em về trước đây. Tí nữa bạn em đón xuống thị trấn.
Tôi gật đầu, nhìn cậu rảo bước dài trên đường, bụi hơi vẩn lên sau những bước chân. Chợt tiếng còi xe bim bim khiến tôi giật mình. Tôi ngước lên, thấy Duy ngồi trên xe cười thật tươi:
- Sao thế, chờ tôi tới ngơ ngẩn à?
Tôi lắc đầu, leo lên ngồi sau Duy châm chọc:
- Có ai nói cậu bị bệnh tự luyến ở giai đoạn cuối chưa?
- Đây không phải là tự luyến, mà gọi là tự tin. Tôi tự tin vào sự hấp dẫn của bản thân.
- Đúng, đúng.Sự hấp dẫn tiềm ẩn. Ẩn sâu quá, nên tới giờ chưa có cô gái nào khám phá nổi
- Chị đúng là có tài năng làm tổn thương những tâm hồn mỏng manh đấy
Duy bất mãn, còn tôi thì bật cười, nhưng chỉ một giây sau, bỗng thấy lòng như có dằm đâm. Là tôi bị tổn thương đấy chứ. Vắt hết sức mình vì công việc suốt mấy năm, đổi lại những lời sắc mỏng từ người sếp lúc nào cũng luôn cau có. Yêu một người đến mất cả tự tin, dành những năm tháng đẹp nhất của thời con gái, đổi lại những vô tâm, cằn nhằn, trách móc. Bỗng nhiên thấy có lỗi với bản thân mình biết bao nhiêu. Tôi vòng tay, tự ôm lấy mình thay cho lời xin lỗi. Duy cảm giác tôi co người lại, bèn quan tâm:
- Chị lạnh à? Chờ chút, tôi rẽ vào chợ mua cho chị thêm cái áo khoác nhé!
Tôi lắc đầu bảo không cần. Duy không hỏi nữa, im lặng chở tôi lên thị trấn, tới chân núi Hàm Rồng. Hai đứa chúng tôi đi mua vé rồi bắt đầu leo lên núi. Đi qua vườn lan, vườn đào, rồi trèo một mạch tới Sân Mây Cổng trời chúng tôi đã có cơ man nào là ảnh. Tôi đứng tựa vào hàng rào sắt, phóng tầm nhìn xuống bên dưới. Mây trắng bay bảng lảng còn Sapa ẩn hiện bên dưới khiến tôi thư thái, Tôi thở dài, tiếc cho mình không đến đây sớm hơn. Duy nghe tiếng, bước lại gần hỏi:
- Chị hình như đang có tâm sự à?
Tôi lắc đầu:
- Tâm sự gì đâu. Chỉ là nuối tiếc bản thân mình đã để lãng phí một khoảng thời gian không hề ngắn cho những việc không hề xứng đáng.
- Ai cũng thế cả thôi, chị đừng nghĩ nhiều làm gì. Quan trọng là nhận ra được và bù đắp bằng quãng thời gian phía sau. Chứ hối tiếc hơn cả là biết mình đã sai mà còn tiếp tục lún sâu vào.
Tôi im lặng, Duy thấy vậy bèn vỗ vai tôi:
- Vẫn còn ấm ức hả, muốn xả không?
Nói rồi, trước con mắt ngạc nhiên của tôi, Duy lấy tay bắc loa hét thật to:
- Dung, chị đúng là bà già khó nết không ai chịu nổi!
Tôi ngơ ngác hỏi:
- Dung là ai vậy?
- Chị gái tôi- Duy nhún vai- Suốt ngày cằn nhằn bảo tôi lông bông. Lúc nào cũng chỉ rình rập mai mối bắt tôi lấy vợ. Tối nào đi làm về cũng phải rẽ vào phòng tôi đến chục lần, dọn cái nọ, chê cái kia, phiền chết lên được!
Tôi bật cười. Duy thấy vậy bèn hỏi tôi:
- Chị muốn thử không. Xả stress hiệu quả phết đấy!
Tôi gật đầu, hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành trên núi, đột ngột hét to:
- Minh! Anh là đồ khó ưa! Lúc nào cũng chỉ biết phàn nàn, la mắng người khác! Chúc anh một ngày không xa sớm bị nghiệp quật!
Duy chờ tôi hét xong, thở lấy hơi mới tủm tỉm hỏi:
- Minh là ai thế?
- Sếp tôi
- Bị đì dữ lắm hả? Nên mới ôm một bụng ấm ức lên tận đây xả?
Tôi gật đầu, lại hét tiếp:
- Khanh, anh là đồ khó chiều, thần kinh nhất thiên hạ!
- Lại sếp nữa hả?
- Không, bạn trai tôi.
Duy hơi ngừng lại, rồi lắc đầu bảo tôi:
- Số chị thật là thảm!
- Phải, thật thảm- Tôi thừa nhận- Nhưng thảm nhất là tôi lại cam chịu suốt bao năm liền.
- Thế giờ không cam chịu nữa à?
- Ừ, khôn lên rồi- Tôi cười đáp.
Đi hết ngọn núi, Duy dẫn tôi đi ăn. Hai chúng tôi sà vào quán ăn ven đường, mỗi đứa tay cầm xiên thịt nướng, vừa ăn vừa hít hà. Mùi thịt nướng thơm lừng, thêm cả vị cơm lam dẻo ngọt làm tôi ăn không biết điểm dừng. Duy vừa ăn vừa trêu tôi:
- Nhìn chị như bị bỏ đói suốt mấy chục năm rồi ý. - Nói rồi, cậu rút trong túi ra chiếc khăn tay, chùi nhẹ bên mép tôi. Tôi sững sờ, hành động nhỏ nhặt này của cậu khiến tôi nhớ lại năm trước Khanh đưa tôi về ăn cơm với mẹ của anh. Tôi đã giữ ý nhiều lắm, nhưng tối hôm sau, anh bảo mẹ anh chê tôi ăn uống kém duyên. Thì ra trong lúc tôi không để ý, có một hạt cơm dính bên mép. Tôi lúc ấy không biết nói gì, chỉ cúi gầm mặt vì xấu hổ. Khanh cũng không an ủi tôi, còn giảng giải thêm một tràng những nguyên tắc của mẹ. Nếu lúc ấy, anh để ý tới tôi một chút, có lẽ sẽ nhẹ nhàng nhặt giúp tôi hạt cơm ra. Tôi chua chát, càng nghĩ càng thấy mình sao thật ngốc. Từ lúc nào, đã phải sống theo cái nhìn của người khác? Duy thấy tôi bần thần, lại nói:
- Tôi làm chị ngại à? Không sao đâu, cứ thoải mái ăn đi, Tôi thích thấy chị tự nhiên hơn!
Tôi bật cười, cũng không thèm nhớ lại chuyện cũ nữa, thoải mái cắn xé xâu thịt. Tôi gọi thêm cả rượu uống cùng, vị men cay xè xông thẳng vào trong cổ họng, khiến tôi phải chắt lưỡi hít hà mãi. Duy đột nhiên bảo tôi:
- Chị dễ thương thật đấy!
- Giờ cậu mới nhận ra à, muộn quá! – Tôi phì cười
- Chị bị tự luyến rồi đấy - Duy bĩu môi
- Xin lỗi, tôi bị lây từ cậu. Nhưng vẫn ở thể nhẹ, có thể chữa được!
Duy cười to, rồi chạm cốc với tôi:
- Chúc mừng vì sự dễ thương của chị và vì bệnh tự luyến của chúng ta!
Tôi uống cạn cốc rượu, thấy men say đang thấm dần trong từng mạch đập.
Bạn vừa lắng nghe phần 2 của truyện ngắn Tôi đi tìm lại chính mình của tác giả Nguyễn Thị Loan. Có vẻ sau chuyến “đi trốn” cùng nhau thì Quyên và Duy đã dần trở nên thân thiết hơn. Có lẽ sự trẻ trung của Duy đã giúp Quyên tìm lại đoạn thanh xuân mà cô từng lãng phí cho một công việc đầy áp lực và người bạn trai thích áp đặt. Liệu giữa họ sẽ có chuyện gì xảy ra? Mời bạn đón nghe phần tiếp theo của câu chuyện trong chương trình tuần sau, được phát trên website và kênh youtube Blog Radio.
Truyện ngắn: Tôi đi tìm lại chính mình (Phần 2)
Tác giả: Nguyễn Thị Loan
Giọng đọc: Bạch Dương
Thực hiện: Hằng Nga
Thiết kế: Hương Giang
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho chúng ta
Những đau đớn hằn vết trong trái tim anh đều do em cả. Em không mong mình sẽ là người khâu vá lỗ hỏng ấy, chỉ mong anh hãy quên em và đừng yêu em thêm nữa. Tình yêu này không nên tồn tại. Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho cả hai chúng ta.
Trả Lại Anh Cho Cô Gái Khác | Radio Tâm Sự
Sau chia tay, có ai không bi luỵ lẫn tổn thương… chẳng qua chúng ta chỉ khác nhau ở thời gian chữa lành mà thôi. Có người cần một tháng, có người cần một năm, có người cần thời gian đủ lâu và có kẻ chấp nhận dùng cả một đời để học cách quên đi một người.
Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909
Ngày hôm đó chúng ta đã nói sẽ luôn nhớ tới nhau, sẽ giữ trọn vẹn trong tim mối tình của năm tháng ấy. Nhưng anh biết không, mỗi người chúng ta ai rồi cũng đều khác, lời hứa năm đó cũng chỉ là tên gọi khác của lời tạm biệt mà thôi.
Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908
Dây xích sắt trượt dài trên thanh chắn cửa, rít lên một tràng âm thanh chói tai, kết thúc bằng tiếng đáp đất nặng trịch. Trời lặng gió, áng mây vắt ngang qua ngọn cây, trong đêm tối không trăng không sao, chiếc lồng đèn cũ phủ một lớp bụi mỏng
Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907
Mưa rơi, làm hình bóng anh trong mắt cô mờ đi, gương mặt điển trai sau màn mưa trắng chẳng rõ đang vui hay buồn. Mưa vẫn không ngừng xối lên thân ảnh liu xiu của anh, lớp áo sơ mi trắng dính vào da lộ ra vết sẹo dài chạy dọc theo cánh tay khẳng khiu.
Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906
Bạn chính là chủ nhân của cuộc đời mình. Tương lai ra sao, do bạn định đoạt. Đừng để năm tháng trôi qua, trong bạn chỉ toàn là tiếc nuối.”
Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905
Đôi khi, sự ra đi của người khác là lí do để ta nhìn lại mình. Nhìn lại những gì mà bản thân đã cư xử. Có phải vì ta chưa đủ trưởng thành? Có phải vì ta vẫn còn quá cảm xúc và bi kịch hoá mọi thứ?
Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904
Nếu bạn độc thân, hãy tận hưởng điều đó. Độc thân không có nghĩa là chưa đủ tốt để yêu. Độc thân nghĩa là chưa có ai đủ tốt để được bạn yêu.
Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903
Muốn ngắm bình minh, phải dậy thật sớm. Muốn tạm biệt ngày tàn, phải vẫy chào hoàng hôn. Hạnh phúc của mình nên tự mình nắm lấy...
Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902
Một giấc mơ dang dở dấy lên trong lòng tôi một sự hiếu kỳ với dáng vẻ của hạnh phúc. Nếu bước qua lằn ranh giữa quá khứ và hiện tại, tôi sẽ thấy được điều, có phải kết cục sẽ vẹn tròn hơn không.