Phát thanh xúc cảm của bạn !

Ngủ đi con ngày mai là bình yên!

2018-02-28 01:20

Tác giả:


blogradio.vn - Bố mẹ nói rằng: Họ lấy nhau vì tình thương hơn là tình yêu. Tôi cứ nghĩ mãi câu nói này. Giữa thương và yêu, nếu cân đo đong đếm được thì tốt biết mấy! Người ta bén duyên nhau, yêu nhau rồi thương nhau. Nhưng cũng có ai đó vì thương rồi mới yêu nhau.

***
blog radio, Ngủ đi con ngày mai là bình yên!

Choang…

Tiếng đổ vỡ như xé cả không gian căn nhà cuối góc phố, nép sau bóng cây sấu già đã vài mùa chưa ra quả. Người ta gọi đó là cây sấu đực. Nó cứ đứng đó âm thầm bao mùa gió mưa rồi lắng nghe âm thanh hỗn độn của căn nhà kia: tiếng chửi rủa, gằn rít, khóc lóc… của “những người cùng khổ” – là nhà tôi.

23 giờ - trên chuyến tàu đêm lướt nhanh qua từng bóng cây đen kịt, chốc chốc qua lớp cửa kính lại thấy lóe lên bóng điện đường yếu ớt. Tôi cố phóng tầm mắt ra xa tìm kiếm một chút gì đó khác lạ ngoài đêm đen mù mịt. Tiếc rằng, dù cảnh vật có đẹp cỡ nào, sông nước có mênh mông bao nhiêu cũng chỉ là một màu lạnh trong đôi mắt đỏ hoe của một đứa con gái… Tôi mang trong lòng nỗi sợ hãi bởi những trận cãi vã của bố mẹ, vì sợ rằng lỡ ngày mai hay một tương lai gần nào đó sẽ phải đứng giữa ranh giới của sự lựa chọn. Và giờ đây, khi ngồi thu mình trong góc của của chuyến tàu cuối cùng trong đêm, vẫn là lí do ấy: Bố và mẹ.

Tôi không nói gia đình tôi không hạnh phúc. Chỉ có điều nếu tình cảm gượng ép rồi một lúc nào đó sẽ đứt gãy từng đoạn thậm chí là toàn bộ mà thôi. Bố và mẹ tôi, thanh xuân của họ là những mảng màu khác nhau, chắp vá một cách gượng gạo tạo nên một gia đình. Bố nói rằng: Là duyên, là thương, còn là những tiếc nuối thời trẻ. Nếu sống ở hiện tại thì hai chữ “giá như” có quá là viển vông hay không? Giá như thời ấy không chiến tranh, giá như ngày ấy không buông thả, giá như ngày ấy hiểu chuyện hơn,... và có lúc tôi từng nghĩ: giá như… họ đừng gặp nhau. Thì tôi sẽ không sợ thanh xuân…

Từ bao giờ? Trong suy nghĩ, thanh xuân của tôi đã mặc định như thanh xuân của bố mẹ tôi. Tức là tiếc nuối nhiều hơn hi vọng, buồn tủi nhiều hơn hạnh phúc. Tôi cứ dai dẳng một chấp niệm như vậy. Để đến một ngày, tôi tự hỏi không biết thanh xuân của mình đã bắt đầu hay chưa? Nó là thời điểm hay là cả quãng đường, là cảm xúc thuần túy hay lý trí khô khan? Tuổi hai mươi, tôi bắt đầu đi tìm câu trả lời.

Còn nhớ thời bé, khi mà miễn cưỡng cầm trên tay cuốn sách to bự “Không gia đình”. Lật giở từng trang bằng bàn tay bé xíu, ngồi trước hiên nhà nắng chiếu nóng rực. Có những trang truyện ôm đồm nhiều chữ chán ngán trong mắt của một đứa trẻ, nhưng có những trang lại khiến tôi khóc tu tu chỉ vì thương chú chó Capi. Tôi nhận ra, từ những điều nhỏ bé nhất đều có thể cảm động dù có thể không hiểu hết những câu từ trong ấy. Nhưng lớn lên, cảm xúc như có một thứ rào cản vô hình nào đó cứ nhắc nhở ta không được dễ dàng yếu lòng như vậy. Tôi sợ khi khóc rồi, bị người khác bắt gặp thì sẽ hỏi lí do, mà với tôi thì lí do không đơn thuần là một câu nói hay lời giải thích. Với tôi, nó là một câu chuyện dài… Biết nói thế nào nhỉ? Hình như là từ lần đó, cái lần bố mẹ tôi to tiếng khi tôi đã biết ý thức chuyện gì đang xảy ra. Tôi lén lút chạy sang nhà bác hàng xóm thân thiết, khóc lóc nhờ cậy bác sang giúp bố mẹ, bảo họ đừng cãi nhau nữa, vì tôi sợ. Thế nhưng, dù cho có đợi trước cửa nhà bác thì cũng không nhận được sự giúp đỡ. Tôi đã giận bác bao lâu và nghĩ rằng bác không còn quan tâm tới gia đình tôi nữa. Nhưng khi lớn thêm một chút, tôi mới hiểu ra, có những chuyện chỉ có người trong cuộc mới giải quyết được. Cũng từ lần ấy, không còn trốn chạy đi tìm sự giúp đỡ, tôi bắt đầu im lặng, lắng nghe và không khóc nữa.

blog radio, Ngủ đi con ngày mai là bình yên!

Cấp hai - tôi gặp lại cô bạn chơi với nhau từ hồi còn nhỏ. Cô ấy giận tôi vì nghĩ rằng tôi quên bạn bè cũ, suy cho cùng cũng là do sự lạnh lùng của bản thân mình. Chỉ một câu chào gượng và đi qua nhau như chưa hề quen biết. Tôi sợ… sợ cô bạn ấy khác với ngày xưa, sợ tôi không còn vui vẻ như thủa trước, sợ khi cất lời hỏi han về những chuyện đã đổi thay, lỡ như tôi chạm phải nỗi buồn của bạn. Vì tôi nghĩ, ai cũng đều mang trong mình một nỗi lòng nào đó mà chỉ cần chạm nhẹ thôi thì vết xước ấy chẳng thể lành lặn. Tôi chỉ quen với những điều đã cũ, sợ tìm hiểu lại những điều đã đổi thay. Tôi trở nên lạnh nhạt với mọi thứ.

Tôi có một năng khiếu mà bố tôi hay gọi là giọng hát trời cho. Tôi không nhớ lần cuối cùng khi cầm micro đứng trên sân khấu hát một cách thoải mái nhất là khi nào nữa. Từ lạnh nhạt với bản thân cho đến cảm giác tự ti ùa về mỗi khi có người nhận xét về mình. Tôi bắt đầu sợ đám đông, sợ những cái nhìn và xì xào về mình. Tôi không hát nữa và quên bẵng nó đi một thời gian. Cho đến một lần bất chợt nghe lại ca từ trong bài hát đầu tiên tôi thuộc khi còn nhỏ “Cô gái mở đường”, lòng ngân nga hát theo giai điệu ấy nhưng những nốt cao lại bị kéo trùng xuống bởi một tông giọng gắng gượng, run run. Cảm xúc mờ đục như âm thanh dây đàn phủ một lớp bụi dày lâu ngày không dùng đến. Vậy nên, dù có là bản năng, nếu cứ cất nó vào ngăn tủ quên lãng, một lúc nào đó, ta sẽ nuối tiếc vì những thứ vốn dĩ thuộc về sẽ vuột mất khỏi bản thân ta.

Tàu dừng ở Ga Ninh Bình, lướt nhè nhẹ rồi khựng lại. Bác quân nhân bên cạnh tỉnh giấc bởi tiếng còi tàu rú vang, mơ hồ đưa mắt nhìn giờ rồi lim dim ngủ tiếp. Cứ chốc chốc, nhân viên trên tàu đi lại phục vụ đồ ăn, thức uống. Phía dãy ghế bên kia là chớp nhoáng ánh sáng từ màn hình điện thoại của một thanh niên trẻ. Hàng ghế trên đối diện, là một người phụ nữ bế con mắt đăm chiêu nhìn qua lớp kính phủ hơi sương. Ngoài tàu, dọc đường ray, cách đoạn là bóng mũ rộng vành của những người gánh hàng rong, tiếng rao bán khàn khàn ngân dài hòa vào đêm trở gió. Cách đó không xa là cảnh ông bà ôm hôn đứa cháu nhỏ, cười tiếc nuối khi tiễn người thân sắp sửa đi xa. Quả thực, tàu không chỉ là phương tiện chở khách mà còn là nơi chứng kiến bao điều. Mỗi một hành khách là một câu chuyện, mỗi một điểm dừng là bao cảnh đoàn tụ, chia ly. Còn những người sống và gắn bó với tàu, dường như họ đã quen với tiếng đường ray, quen với đêm thâu đằng đẵng và tâm trạng bất ổn của con người.

Tàu lướt nhẹ và bắt đầu chuyển mình…

Bố mẹ nói rằng: Họ lấy nhau vì tình thương hơn là tình yêu. Tôi cứ nghĩ mãi câu nói này. Giữa thương và yêu, nếu cân đo đong đếm được thì tốt biết mấy! Người ta bén duyên nhau, yêu nhau rồi thương nhau. Nhưng cũng có ai đó vì thương rồi mới yêu nhau. Có người hạnh phúc vì chữ yêu ngọt ngào, lãng mạn, cũng có người lắng lòng trước câu nói tưởng chừng giản đơn: “Anh thương em”. Vậy còn bố mẹ tôi? Họ quen nhau qua một người bạn mai mối, tình cảm của họ tôi nghĩ như bức tường gạch lát bằng xi măng. Tường xây thành hình nhưng giữa chúng vẫn có những đường nét vân vê, chắp vá một cách vụng về, vội vã. Để đến khi, lớp xi măng đã mục dần theo năm tháng, giữa các hàng gạch sẽ xuất hiện những lỗ hổng mà có bồi thêm một lớp xi măng nữa cũng chỉ là tạm bợ. Có nghĩ thế nào, tôi cũng mông lung tìm ra sự khác biệt giữa “thương” và “yêu” trong câu chuyện của bố mẹ tôi. Bởi trong giới hạn cảm xúc của mỗi người, “thương” và “yêu” có thể được đặt ở những vị trí khác nhau. Tôi thì không thích tình yêu mai mối kiểu mở kết mà không có thân bài như thế. Bền nhưng không vững, dài nhưng không sâu…Tất nhiên, người ta đến với nhau vì tình yêu và sống với nhau lâu dài vì tình nghĩa.

Nói vậy thôi, chứ tôi cũng chẳng biết gọi tên cảm giác giữa “yêu” và “thương” là gì? Nghe thì thật gần nhưng nhiều khi là quá xa. Tôi đã từng thờ ơ trước tình cảm của người khác rồi với theo những mộng tưởng không hề tồn tại. Cậu ta thích tôi và tôi lại thích một người khác. Tôi ích kỉ giữ tình cảm cho riêng mình. Cứ cố chấp nghĩ rằng, họ sẽ dành tình cảm cho mình suốt đời, trọn kiếp và quyền quyết định là ở mình. Nhưng không, tôi đã nhầm khi đặt cuộc sống thực tại tương đương với những trang truyện ngôn tình đẹp đẽ kia. Vì vốn dĩ là không buông được nỗi sợ cảm xúc, suy nghĩ cao ngạo và đã từng bị người khác làm tổn thương. Rồi gần đây, khi ở quãng thời gian đầu năm hai đại học, tôi gặp lại người đã từng thích tôi một khoảng thời gian tạm gọi là dài. Cậu nói rằng tôi nghĩ nhiều quá, có những cái nên học cách buông bỏ và tận hưởng cuộc sống ngay khi có thể. Nhưng biết sao được, tôi trả lời cậu rằng con gái sống ngược tâm và toàn tự làm mình khổ, rõ ràng trước mắt là hiện tại nhưng cứ nghĩ về quá khứ và ngóng vọng tới tương lai. Tôi dẫn cậu đi hết ngóc ngách và giới thiệu về trường tôi, ngồi ở sân kí túc nói về những đứa bạn cũ giờ ra sao, rồi cậu kể tôi nghe về cuộc sống ở Hà Nội. Hai đứa trầm ngâm khi nói về những ngày không cảm xúc nơi đất khách, nhớ nhà là nỗi lòng chung, thường trực trong tâm trí. Có những ngày, gác balo sách vở sang một bên, chọn cho mình một góc cuối xe buýt nhờ nó đưa đi lòng vòng quanh phố phường. Những khi, chẳng cần được quan tâm, tắt hết điện thoại, facebook, trốn khói bụi đường phố rồi thu mình trên một góc sân thượng nghe nhạc. Lắm lúc tỏ ra mạnh mẽ với bộn bề cuộc sống nhưng ngay lập tức yếu lòng khi nghe thấy giọng mẹ cha… Và hình như cậu có nói: “Gọi tớ, khi cậu cần”.

Giữa chênh vênh muôn ngả, ta nao lòng trước những yêu thương…

blog radio, Ngủ đi con ngày mai là bình yên!

Thanh xuân quả thực hơi trừu tượng, bởi mỗi người sẽ tự định nghĩa cho bản thân theo cách của riêng mình. Có những khi, đường về nhà chỉ trong gang tấc nhưng tôi lại chọn cách lòng vòng qua những dãy phố ngoằn nghèo của Hà Nội. Đường về dài hơn nhưng quan trọng là chân vẫn bước và ngắm nhìn những thứ vốn dĩ chẳng ai quan tâm. Đường Trần Đại Nghĩa đẹp hơn trong một buổi chiều cuối thu. Khi nắng còn vương nhẹ hòa lẫn sắc trời cao xanh vời vợi, lá vàng rải rác lối đi như níu kéo bước chân ta chậm lại. Gió man mác từng đợt nhẹ nhàng mà tôi không biết đó có phải là gió heo may hay không? Chỉ có điều, tôi thấy mình đang đứng giữa đất trời và lắng nghe nhịp thở của cuộc sống - dù ấy chỉ là một khoảng không bé nhỏ giữa mênh mông ngoài kia. Tôi ngoái đầu nhìn lại khóm cúc họa mi khi đi qua một gánh hàng hoa. Cuối thu, cúc họa mi xuất hiện như những tinh khôi, dịu dàng ít thấy trên phố xá vội vã. Người ta đi chậm lại chỉ để ngắm nhìn những búp nụ li ti chớm nở một màu trắng bình yên đến lạ! Và giữa những điều nhỏ bé ấy, tôi bất ngờ bởi cái xoa đầu từ phía sau của một cậu bạn… Tôi bất giác mỉm cười rồi chợt thấy trong lòng nhen nhóm lên niềm vui nho nhỏ. Hình như, tôi vừa rung động.

Tôi không thể và cũng không muốn định nghĩa thanh xuân là gì? Vì tôi không thích giới hạn nó trong bất kì từ ngữ hay câu chữ nào cả. Cứ vậy thôi, thanh xuân là thanh xuân…

Tôi không có tình yêu cấp ba đẹp như một vài người khác, cũng không có những món quà bất chợt nào đó trong ngăn bàn để rồi mơ mộng tự hỏi: “Của ai?”. Hành trình cuối của thời học sinh trước khi bước vào cuộc sống sinh viên là nỗ lực của tôi và kì vọng của gia đình. Bố mẹ đã từng thất vọng trước kết quả học tập không tốt của chị tôi, bởi với những người lao động chân tay, họ bán sức lao động để đổi lại bình an và thành tích học tập của con cái. Trước vấp ngã của chị, bố mẹ đặt nhiều niềm tin ở tôi. Những tháng ngày rong ruổi trên chiếc xe đạp từ nhà đến trường, quen thuộc từng ngõ phố, hàng quán ven đường, không ít lần tôi tự hỏi: “Nếu con lỡ bỏ qua bến đỗ khát vọng một lần nữa, liệu…?” Tôi không dám nói tiếp sau chữ “liệu” ấy là gì, nhưng thâm tâm tôi biết chắc rằng bố mẹ sẽ buồn đến nhường nào và mình cũng thất vọng về bản thân bao nhiêu. Có những ngày, khi mà đích đến chỉ còn cách một đoạn không xa, nhưng ý chí bỗng vội tiêu tan bởi những lo sợ, căng thẳng và hàng trăm từ “Nếu”. Thật may mắn, vì bên tôi còn có những đứa bạn, chắc đã nhìn chán mặt nhau nhưng không hề ngán bất kì câu chuyện tôi kể. Vui buồn, thở than có thể cho nhau mượn đôi tai mình để lắng nghe, có những nỗi buồn chỉ có thể khóc cùng nhau, có những khó khăn chỉ chúng ta mới hiểu. Để rồi, cuối cùng lại nắm chặt tay nhau vì cập bến ước mơ sau bao ngày giông bão.

Thanh xuân của tôi, có những người bạn điên cuồng như thế!

Tàu khựng lại một cách không mấy thiện cảm. Nhân viên soát vé lại xuất hiện và nhắc hành khách xuống ga. Lần này, người xuống tàu là tôi. Hai giờ sáng, đặt chân về nơi thân thuộc, đường phố vắng lặng nhường chỗ cho những cơn gió đông lạnh buốt. Điện đường ánh lên bởi mưa phùn giăng lối, tôi bần thần nhìn quanh ga rồi tiến lại phía bác xe ôm đỗ trước cổng.

- Sao cháu về muộn thế? – Vừa đi, bác xe ôm hỏi giọng ồm ồm.

- Nhà cháu có chuyện bác à. Đêm nào, bác cũng chạy xe ôm ở ga sao? – Tôi hỏi với giọng cảm thông.

- Ừ, quen rồi, có về sớm cũng không ngủ được. Chạy xe đêm kiếm vài đồng cho thằng nhỏ ngày mai ăn sáng.

Tôi không hỏi thêm gì nữa, chỉ nhớ lại hình ảnh mẹ ngày xưa đi làm ở Hợp Tác Xã tăng ca tối muộn mới về. Đau ốm, bệnh tật, đủ mọi chuyện kiên cường vượt qua cũng chỉ mong con cái có cuộc sống tốt hơn. Bố và mẹ tôi, có những câu chuyện không thể có lời giải đáp thỏa đáng, có những tranh cãi cuối cùng cũng là do hiểu lầm không tên và nỗi khổ tâm thường trực. Và tôi vẫn cứ nghĩ, nếu sống ở hiện tại thì hai chữ “giá như” có quá là viển vông hay không? Nhưng dẫu sao, nơi ấy dù cười hay khóc, hạnh phúc hay buồn khổ, thì đó vẫn là nhà tôi, là nơi tôi có thể về sau những lo toan, thử thách ngoài kia. Là nơi khi vỗ cánh bay đi rồi, vẫn đau đáu nhớ về với nỗi lòng của một trái tim non nớt.

Thanh xuân của tôi, không huyền hoặc, không mộng tưởng mà là góp nhặt từ những giác cảm. Tôi sợ thanh xuân một nỗi vì lỡ một ngày sẽ phải tự vấn hai chữ “giá như”, vì sợ nếu nó qua rồi có thể tham lam níu kéo được hay không? Vậy nên, đừng cố gắng đặt cho nó một khởi đầu và kết thúc, cứ để vậy thôi. Thanh xuân là thanh xuân. Để rồi một ngày, khi nghĩ về thanh xuân là những ngày bình yên thoát ra khỏi bộn bề muôn ngả, là những ngọt ngào trong vô vàn thử thách đắng cay.

Và ở kia, trước hiên nhà, thấp thoáng bóng hình quen thuộc. Là bố đang đợi tôi.

- Ngủ đi con, ngày mai là bình yên!

© Lê Minh Hằng – blogradio.vn

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Chuyện tình như mơ

Chuyện tình như mơ

Viết làm gì một nỗi niềm riêng Màu giăng lối ta đi trong niềm nhớ

Anh người em từng thương

Anh người em từng thương

Em chưa kể câu chuyện cũ cho anh nghe vì em biết khi kể lại nhưng chuyện cũ lại khơi về quá khứ lại khiến mình tự trách và buồn nhiều hơn. Kể ra rồi cũng chẳng thay đổi được gì cả, nếu có chắc mình đã tua đi tua lại chuyện ấy hơn trăm vạn lần rồi. Chuyện của anh cũng thế thôi…

3 tháng đầu năm chỉ là

3 tháng đầu năm chỉ là "nháp", kể từ tháng 5, 3 con giáp này bứt phá trong công việc, tình tiền song hành thuận lợi

Trong thời gian tới, những con giáp này có cơ hội lấy lại những gì đã mất.

Lấm tấm cơn mưa

Lấm tấm cơn mưa

Cô nghĩ hoa có thể làm được như vậy, những cánh hoa mong manh dịu dàng quá đỗi kia và cả vô số những hạt nước li ti được đọng lại trên đó sẽ nhắc người ta về những điều thiện lương của cuộc sống. Sẽ nhắc người ta về tình yêu thương giữa con người và con người với nhau trong cuộc sống

Ôm trọn một vòng tay

Ôm trọn một vòng tay

Chị cứ ngồi vậy mà ôm con trong lòng, chị nâng niu bàn tay đôi chân con, thăng bé đã mười mấy tuổi và con đã cao lớn hơn so với chị nghĩ. Vậy là cuối cùng ông trời cũng nghe được tiếng chị gọi ngày đêm, ông trời cũng thấu hiểu được nỗi lòng chị mòn mỏi chờ mong con.

Thích cậu là bí mật thầm kín nhất của tớ

Thích cậu là bí mật thầm kín nhất của tớ

Cậu biết không, tớ đã đứng trước gương hàng trăm lần, rồi tự tưởng tượng trước mặt tớ là cậu. Và tớ sẽ nói hết cho cậu biết rằng tớ đã thích cậu nhiều như thế nào. Nhưng khi thực sự bắt gặp ánh mắt cậu, bao lời văn mà tớ đã chuẩn bị như bốc hơi mất chẳng còn lại gì

Tiếng lòng anh

Tiếng lòng anh

Thơ hát nhỏ nhỏ trong miệng, cô nghe như những âm điệu thiết tha nhất từ chính trái tim anh đang truyền từng nhịp từng nốt qua tim cô.

Van Gogh và các danh nhân nổi tiếng đã đọc cuốn sách nào khi trẻ

Van Gogh và các danh nhân nổi tiếng đã đọc cuốn sách nào khi trẻ

Những cuốn sách này ít nhiều làm thay đổi bản thân người nghệ sĩ, giúp họ xoa dịu nỗi đau và là niềm cảm hứng để họ tạo nên những kiệt tác.

Chăm chỉ thời cơ sẽ tới, sau nghỉ lễ 30/4, 4 con giáp này được Thần tài lặng lẽ ban phúc lộc, tiền bạc rủng rỉnh, trả hết nợ nần

Chăm chỉ thời cơ sẽ tới, sau nghỉ lễ 30/4, 4 con giáp này được Thần tài lặng lẽ ban phúc lộc, tiền bạc rủng rỉnh, trả hết nợ nần

Để chờ đón những ngày nghỉ lễ thật tuyệt vời, hãy xem dự báo cuộc sống của 4 con giáp này có gì thay đổi bất ngờ.

back to top