Trưởng thành cùng thật nhiều hoài niệm ấm áp
2021-07-01 01:25
Tác giả: Tiêu Xanh
blogradio.vn - Ngoài trời, trăng đã lên cao, mưa vẫn rơi rả rích, tôi lại đắm mình với những hoài niệm, khóe mắt tôi cay cay. “Cha mẹ yên tâm, con sẽ mạnh mẽ và sống thật tốt như một đứa con trai, không làm bố mẹ lo lắng nhiều”.
***
20 tuổi, tôi không còn là đứa trẻ suốt ngày mãi cứ kè kè bên mẹ nữa, cũng không còn chật vật với hoàn cảnh sống mới nữa. Cô gái tên Anh Đào năm xưa bây giờ đã thành một cô sinh viên năm cuối đang ôm ấp và thực hiện ước mơ của bản thân song song với những hoài niệm một thời.
Tuổi thơ tôi là những ngày nghịch ngợm ở một vùng đất yên bình, đầy nắng và gió của Bình Định. Ngày tôi chào đời là một ngày đẹp trời, lúc mà nhà nhà, người người đều đang đoàn tụ bên gia đình trong cái Tết ấm áp năm Canh Thìn. Mẹ kể lại cho tôi, lúc đó cha tôi đã khóc trong vui mừng “Thiên sứ đã ban cho con một hình hài xinh xắn, con phải biết trân trọng nó”.
Cứ thế, tôi dần lớn lên trong sự nuôi nấng, yêu thương của cả cha và mẹ. Cha tôi có một làn da ngăm đen, thân hình rắn rỏi, dày dạn sương gió. Nói đến đây, chắc ai cũng sẽ nghĩ rằng cha tôi có thể là người cộc cằn nhưng trái ngược hoàn toàn, cha là người rất vui vẻ, có trái tim ấm áp.
Tôi còn nhớ hồi học lớp 5, tôi bị cô giáo cho điểm kém vì không làm bài tập về nhà. Nhìn vào con điểm, người đầu tiên tôi nghĩ đến là cha tôi. Tôi sợ cha. Tay tôi run lên khi cầm quyển vở và tôi tưởng tượng cảnh lát nữa về nhà. Vật đầu tiên tôi nhìn vào sẽ là cái phản cũ ở góc nhà, sau đó tôi sẽ nằm sấp lên nó và chịu no “đòn” từ cha.
Sự tưởng tượng của tôi không mấy lạ thường bởi có bao đứa nhỏ khác vì thành tích học tập giảm một chút đã bị la mắng huống chi tôi còn bị điểm kém. Nhưng tôi lại bất ngờ hơn với cách xử lý của cha. Cũng là ngồi lên cái phản nhưng không phải như tôi đã tưởng tượng mà lại là một câu trêu “Chắc lo yêu ai rồi nên mới quên làm bài tập hả con”. Câu nói đó đặt tôi trong một tình huống dở khóc dở cười.
Mẹ tôi là một người vợ, một người mẹ đảm đang, hi sinh vì con cái. Mặc dù mẹ có chút kém may mắn hơn về ngoại hình, nhưng với tôi, mẹ luôn là phụ nữ hoàn hảo và đẹp nhất trên đời và cũng là người phụ nữ mà tôi ngưỡng mộ nhất. So với cha thì mẹ là người gần gũi với tôi nhất. Những lần mít ướt, mẹ dỗ dành tôi. Những lần phạm phải lỗi, mẹ là người gần tôi nhất để khuyên nhủ.
Mẹ tôi còn có cả một kho tàng truyện. Câu chuyện cuộc sống, câu chuyện vui kể cả câu chuyện cổ tích. Tôi rất thích nghe mẹ kể chuyện. Cứ mỗi lần đòi mẹ kể chuyện cho nghe, tôi đều kéo mẹ lại tấm phản cũ, rồi tôi sà vào lòng mẹ như thể đó là cái gối của riêng tôi. Tôi hỏi mẹ “Sao mẹ có nhiều câu chuyện hay thế, không biết khi nào con mới nghe hết chuyện mẹ kể?”. Mẹ cười gõ nhẹ đầu tôi “Mai mốt lớn chắc gì con muốn nghe kể nữa mà hết với chả không hết”.
Từng câu chuyện mẹ kể như thấm đượm vào tâm hồn tôi. Tôi mân mê đôi tay gầy gầy sương sương của mẹ, tôi cảm nhận được hết từng chút một mùi hương tỏa ra từ da thịt mẹ. Thỉnh thoảng ngửa mặt lên, tôi mới phát hiện khuôn mặt phúc hậu của mẹ dần xuất hiện những nếp nhăn nho nhỏ có thể vì lo lắng cho gia đình quá nhiều.
Như bao đứa trẻ khác, tính cách tôi lúc nhỏ cũng ương bướng, ngỗ nghịch không kém. Mỗi trưa, đợi cha mẹ ngủ, tôi lẻn ra ngoài, đi lòng vòng quanh xóm nhỏ, hết rượt đuổi theo con chuồn chuồn, tôi lại phá phách cây cỏ, ngắm nghía hết cái này tới cái khác và đặt ra những câu hỏi ngây ngô mà không cần câu trả lời “Sao làng mình lại có cái ao to vậy?”, “Buổi trưa đi chơi mới vui mà sao cha, mẹ đều bắt mình ngủ?.... Cứ như vậy hết trưa hôm nay lại đến hôm sau, tôi trốn thành công và lẻn đi chơi dưới cái nắng gắt.
Năm tháng trôi qua, khi đã lớn hơn một chút, tôi học cách tự lập, chủ động hơn. Không còn rong chơi những buổi trưa hè nữa, tôi làm quen với những công việc nhẹ nhàng, vừa sức. Tôi học từ mẹ cách rửa chén, dọn nhà, học từ cha cách tưới cây, chăm sóc vườn. Cứ như vậy, tôi nâng “trình” của mình lên lần. Thích nhất là những lúc được ngồi lên lưng con bò trong lúc nó chăm chú gặm cỏ mặc dù bị nó hất làm tôi ngã lăn quay.
Nhiều lúc chán nản, tôi lại nghĩ bâng vơ rằng tại sao mình cũng như những đứa trẻ khác nhưng họ lại được vui chơi, còn mình phải làm việc như thế này. Những lúc như vậy, tôi chạnh lòng và nghĩ rằng “Cha mẹ hết yêu mình rồi hay sao”.
Bây giờ xa nhà, tôi mới hiểu được rằng những gì cha mẹ dạy tôi đều có nguyên do của nó. Những điều họ dạy tôi, những bài học, những công việc ấy đã giúp ích cho tôi rất nhiều trong cuộc sống hiện tại, tôi không cần phải học lại từ đầu. Và tôi thấy mình thật may mắn khi làm con của cha mẹ.
Lúc nhỏ tôi từng hỏi cha tôi “Cha ơi, tại sao cha không đánh con cái lần mà con bị cô giáo cho điểm thấp?”. Cha tôi chỉ cười “Lần đầu nên cha tha. Đánh con chi cho hư hết cái roi.” Nhưng mỗi lần tôi phạm lỗi, cha đều nói đó là “lần đầu”. Khi đó, tôi lại nhìn vào tấm phản ở góc nhà rồi lại cười, tôi có cảm giác như nó muốn nói với tôi rằng tôi đã thoát tội rồi. Mãi sau này lớn lên tôi mới hiểu bất kì người cha, người mẹ nào đều không muốn dùng bạo lực với con trừ khi nó quá hư. Việc ưu tiên vẫn là dùng lời nói, tình cảm để thay đổi, hướng con cái mình đi đúng đường.
Xa nhà rồi, vật đầu tiên tôi nghĩ đến vẫn là cái phản ở góc nhà. Ngỡ như vô tri, vô giác nhưng nó lại là người bạn thân thiết với tôi. Khi đi học về, nó là nơi tôi ngồi đợi cả nhà về. Khi học bài, nó trở thành cái ghế tôi thích nhất, với nó, tôi có thể ngồi, nằm, lăn lộn thỏa thích. Khi tôi đùa giỡn với con mèo, nó là cái sân chơi. Khi tôi mệt, nó là nơi ngả lưng lý tưởng. Khi tôi buồn hay có chuyện gì không vui, nó “trải lòng” ra nghe mọi câu chuyện tôi kể, nó im lặng và lắng nghe mọi tâm sự, giãi bày của tôi. Cũng chính là nơi chứng kiến tôi ăn đòn mà không giúp gì được. Nhưng điều tôi luôn thắc mắc từ trước mà cho đến nay tôi mới hiểu ra “Tại sao cha lại không thay màu sơn cho tấm phản cũ kỹ này”.
Tôi đã tìm câu trả lời từ rất lâu, mãi đến khi tôi đã lớn, thời gian đã cho tôi câu trả lời. Vì lúc đó, tôi còn quá bé để hiểu hết câu nói của cha “Cái phản này là bạn đồng hành của cha từ lúc cha mới 3 tuổi đến giờ, hơn nữa nó cũng chưa bị sao mà”. Có lẽ, màu sơn của nó đã sờn đi nhưng mùi sơn và phẩm chất mà nó có được sẽ mãi không mất đi, mà ngược lại càng đậm đà hơn chăng? Điều này cũng dễ hiểu thôi, ai lại muốn bỏ đi một vật luôn bên mình lúc vui lẫn buồn, gắn bó với mình biết bao kỉ niệm. Và dường như chính tôi cũng bị thu hút bởi nó từ lúc nào chẳng biết. Đầu tiên, đó là nơi cả gia đình tôi ngồi ăn cơm, nơi tôi học bài, nơi tôi nằm nghe mẹ kể chuyện, rồi nó trở thành nơi tôi chia sẻ tâm tình. Nó là như vậy đấy, mọi khúc mắc của tôi nó đều hiểu, nó nằm im lắng nghe tôi kể mà không bao giờ lên tiếng khuyên tôi nên hay không nên làm gì. Nhưng tôi lại linh cảm được là nó chỉ tôi cách giải quyết vấn đề. Thế nên, tôi càng trở nên yêu quý nó nhiều hơn và coi nó như tri kỉ của mình.
Ngày có giấy báo trúng tuyển vào Đại học, tôi mừng rỡ chạy về nhà, áp giấy vào tấm phản và thích thú khoe “Tao sắp được đi Sài Gòn rồi, tao sắp tới một nơi hoàn hoàn khác, biết nhiều điều hơn. Người ta nói “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn mà”, mày thấy đúng không? Tao sẽ trở thành một cô phóng viên hiện đại, nhiệt huyết cho mày coi”.
Không biết lúc này phản có nghe không nhưng nó vẫn im lặng, không trả lời tôi tiếng nào. Tôi lặng người đi, xung quanh tôi chỉ còn tiếng con mọt đang gặm nhấm dần sự sống của người bạn tri kỉ của tôi. Phải chăng, thêm một thời gian nữa thôi, trong lúc tôi đi học xa, tấm phản này sẽ được thay thế bằng tấm phản khác?
Tôi run người, nhưng ý nghĩ đó vội vụt tắt bởi tôi biết không ai làm vậy với phản và lúc này tôi đang rất thích thú với giấy báo trúng tuyển. Trong tôi, cảm xúc vui buồn lẫn lộn.
Vậy mà, thật nhanh, thoắt cái tôi đã là cô sinh viên cuối, những cuộc gọi về gia đình thỉnh thoảng hơn, câu chuyện mẹ kể dần lùi vào phía sâu tâm hồn tôi. Bởi vì tôi biết nhiệm vụ trước mắt của tôi chính là làm sao để tôi vững bước hơn trên con đường đã chọn. Tôi phải làm sao để khắc phục những rụt rè, tự ti của bản thân và phải là chính mình. Làm quen dần với những deadline, thuật ngữ mà khi lên Đại học rồi tôi mới biết.
Tôi bắt đầu tham gia vào các Câu lạc bộ, workshop... Thế nhưng, có bận rộn đến mấy, kỉ niệm ngày đầu lên Sài Gòn vẫn cứ đến như trong vô thức vậy. Tôi vừa bồn chồn, hồi hộp khi lần đầu đặt chân lên mảnh đất tôi ao ước được đi bấy lâu. “Ôi chao! Nhìn này, con đường rộng quá, những tòa nhà cao tầng cứ san sát nhau, xe cộ sao mà tấp nập”. Hồi đó, tôi phải tập làm quen lại với mọi thứ, thích nghi môi trường sống mới.
Sài Gòn là có những cơn mưa ập đến rồi lại đi không để lại lời nhắn khiến lòng người thao thức. Với cảnh xa nhà đi học xa, tôi không khỏi nguôi nỗi nhớ quê, nhớ gia đình, người thân. Nhiều lúc, nhớ về khoảnh khắc tôi bước chân lên xe, trong tôi mừng lắm, mừng vì sắp được tới vùng đất mới, gặp người mới, biết nhiều điều mới và đặc biệt là theo đuổi đam mê. Và cha mẹ tôi chào tạm biệt tôi bằng nụ cười pha lẫn tiếng nấc nhẹ với đôi mắt đo đỏ.
Lần đầu trong đời, tôi thấy cha khóc, khóc vì phải xa con. Nước mắt cha lăn dài từ trên khóe mắt xuống gò má. Có lẽ cha mẹ lo cho tôi khi tôi phải một mình đến một nơi xa lạ để tiếp tục học mà không có cha mẹ kề bên chăm sóc. Tôi nhớ những ngày trước khi đi nhập học, mẹ chuẩn bị cho tôi rất nhiều đồ dùng “Nó rất cần thiết đấy”. Mẹ còn dặn dò tôi biết bao nhiêu điều khi ở nơi đất khách không có cha, mẹ ở bên.
Ngoài trời, trăng đã lên cao, mưa vẫn rơi rả rích, tôi lại đắm mình với những hoài niệm, khóe mắt tôi cay cay. “Cha mẹ yên tâm, con sẽ mạnh mẽ và sống thật tốt như một đứa con trai, không làm bố mẹ lo lắng nhiều”.
© Tiêu Xanh - blogradio.vn
Xem thêm: Chặng đường làm người lớn chẳng hề dễ dàng như mình vẫn nghĩ l Radio Tâm Sự
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?
Câu chuyện về một nhà thơ…!
Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.
Vì anh còn thương em
Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.
Ai là bạn trong cuộc đời?
Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.
Ánh nắng chiếu
Anh nhớ em một ngày cuối hạ Cho tình yêu gọi giấc mơ về Anh nhớ em một tình yêu lạ Mà sao lòng anh vẫn còn yêu