Phát thanh xúc cảm của bạn !

Khi Hạnh Phúc Chỉ Là Ảo Ảnh (Blog Radio 831)

2023-06-19 15:20

Tác giả: Giọng đọc: Thắng Leo, Bạch Dương

Xin chào các thính giả thân thương của Blog Radio. Tuần qua của bạn thế nào rồi? Công việc có vất vả lắm không? Nếu có mệt cũng đừng lao lực quá, hãy giữ gìn sức khỏe bạn nhé. Bên cạnh ta còn gia đình, còn những người thân cần chúng ta sẻ chia, chăm sóc. Hơn ai hết hãy là chỗ dựa vững chắc để gắn kết mỗi thành viên trong gia đình. Thấu hiểu và cảm thông là điều cần thiết để mỗi gia đình luôn tràn đầy tình yêu thương và hạnh phúc.

Còn bây giờ hãy cùng Blog Radio lắng nghe truyện ngắn “Khi Hạnh Phúc Chỉ Là Ảo Ảnh” của tác giả Hua Jasmine để hiểu hơn về những nỗi đau của nàng dâu khi có một gia đình chồng hà khắc.

...

"Mẹ, bác sĩ nói chúng con cần kiên nhẫn thêm ít nữa ạ."

"Lần thứ bao nhiêu rồi tôi phải nghe mấy lời này hả?"

"Dạ, con và anh Long lần này khám kỹ lắm, bình thường hết, nên chắc sẽ ổn thôi mẹ!"

"Tôi không tin, cô nhất định là có vấn đề ở đâu rồi! "

Đến đó, bày ra một bộ mặt mệt mỏi và vô cùng chán ghét, mẹ chồng nhìn xoáy vào Long, nhếch môi:

"Con không vô sinh, thì nó vô sinh chứ còn ai vào đây nữa?"

Khác với mấy lần trước, Long không hăng hái lên tiếng bênh tôi, mà chỉ tặc lưỡi, lắc đầu, rồi bỏ về phòng, để mặc hai người phụ nữ với nhau.

"Dâu con gì ngữ cô? Đàn bà mỗi việc đẻ cũng không xong nữa!"

Mẹ chồng không phàn nàn được với Long, đành chốt hạ bằng câu nói quen thuộc đó. Tưởng là nghe riết sẽ chai sạn, ngờ đâu càng nghe tôi càng đau.

...

Thật ra, chuyện của tôi không cá biệt, chúng ta có thể bắt gặp những phiên bản tương tự hầu như mỗi ngày. Trong hàng ngàn cặp vợ chồng trẻ đang sống ở thành phố náo nhiệt này, tôi cho rằng cũng phải vài ngàn người hiếm muộn hay vô sinh. Tôi chỉ khác họ ở chỗ, hơn một năm nay, mẹ chồng tôi không một giây nào ngừng nhắc về một đứa trẻ lẽ ra phải xuất hiện trong nhà. Bà nói về điều đó trong mọi bữa ăn, bất kể là ăn sáng, ăn trưa, ăn tối. Bà treo tranh trẻ con khắp phòng mình và cả ngoài phòng khách. Bà đáp lại lời chào ngày mới và lời chúc ngủ ngon của vợ chồng tôi bằng một câu sắc hơn dao:

"Ngày nào tôi chưa bồng được cháu nội thì ngày đó chẳng có gì vui hết."

Sau vài lần quan sát mẹ chồng, tôi nhận ra bi kịch của mình phần lớn còn đến từ thái độ. Mẹ chồng muốn tôi phải tỏ ra dằn vặt hơn, hối lỗi hơn, vì chưa có được con. Sự lạc quan của tôi khiến bà cảm thấy mong mỏi có cháu nội của mình trở nên quá đà, cường điệu. Tôi biết mẹ chồng cho rằng tôi xem nhẹ cảm xúc của bà, nhưng tôi không thể thẳng thắn nói ra cảm nhận kia, vì biết sau khi bị lột trần, mọi thứ sẽ tệ hơn, hoặc sẽ chấm dứt.

hanh_phuc_chi_la_ao_anh_1

Tôi yêu Long, và không bao giờ muốn mất anh. Nhiều khi, nhìn sự bức bối của chồng, tôi thấy thương anh kinh khủng. Tuy vậy, cảm giác chỉ còn một chút nữa là chạm được vào một tổ hợp hạnh phúc viên mãn giữ cho tôi không bỏ cuộc. Hết lần này đến lần khác kéo nhau vào viện, hết cuộc xét nghiệm này đến cuộc kiểm tra khác nung nấu quyết tâm có con của tôi bao nhiêu thì lại bào mòn tự tin của một người đàn ông trong Long bấy nhiêu. Nhiều đêm đang ngủ, Long bật dậy, lay vai tôi hỏi:

"Em, hay là bọn mình bị nguyền rủa phải không? Sao bệnh viện nào cũng nói bình thường mà không thể có con chứ?"

Tôi thường chỉ biết ôm anh, hoặc thì thầm vài câu động viên, kiểu:

"Cái gì cũng có thời điểm của nó. Bác sĩ bảo bình thường thì cứ tin vậy, rồi con sẽ đến thôi anh."

...

Sáng đó, sau cuộc gây hấn của mẹ chồng, Long bỏ về phòng thay quần áo, bảo đi gặp khách hàng. Khi ra đến sân, anh nói khẽ:

"Từ giờ anh không đi khám nữa đâu. Em đi thì đi một mình đi nhé."

Mẹ chồng đứng ngay sau lưng tự lúc nào, nghe được câu Long nói, đã đợi đến khi tôi cài cổng, mà ngọt nhạt:

"Cô thấy chưa? Giờ thì nó chấp nhận cả sự không con nữa! Nhà này thật vô phúc!"

Tôi nhìn mẹ chồng, muốn nói với bà tôi mới là người đau nhất trong sự chấp nhận đó, chứ không phải là bà. Tôi biết Long rất rõ, anh luôn kiên nhẫn và điềm đạm hơn tôi, nên câu nói buông ra khi nãy hẳn phải xuất phát từ những ức chế kinh người trong anh. Từ trước đến nay, thái độ của Long luôn đã điểm tựa và hy vọng để tôi bám vào, giờ bằng một câu nói nhẹ nhàng, Long đẩy toàn bộ bi kịch của chúng tôi qua cho một mình tôi.

Những ngày tháng sau đó, không khí trong nhà lúc nào cũng ngột ngạt. Long luôn lấy cớ bận việc để tránh mặt mẹ anh. Bữa cơm nào anh cũng ăn rất nhanh, và không đợi chở tôi đi làm chung như trước. Mẹ chồng dường như thấy thái độ bất thường của chồng tôi, nên cũng dè dặt hơn, ít nhắc chuyện con cái trước mặt Long. Tuy vậy, khi còn lại một mình với tôi, bà vẫn nhục mạ con dâu bất chấp.

"Tôi sẽ cho cô thêm ít thời gian nữa, để sau cô có đi khỏi nhà này thì cũng không oán được chúng tôi!"

Thời gian đó, tôi tập cho mình trở thành một người kiệm lời, nhưng lại lậm thói quen lui tới đền phủ, chùa chiền. Cầu con mỏi mệt, tốn kém, kết quả cũng chẳng tốt hơn, không con vẫn hoàn không con.

Chuyện cứ dùng dằng mãi thế cho đến khi Hồng xuất hiện.

Tôi còn nhớ như in không khí của buổi sáng Giáng Sinh hôm đó, khi mọi người đang ăn điểm tâm, thì có tiếng chuông cửa bấm rát.

"Long, ra mở cửa đi con, chắc con Hồng đến đó!"

Mẹ chồng nhìn chồng tôi, hào hứng nói.

"Mẹ, bà con ở quê lên thăm nhà ta ạ?"

"Ừ, cháu tôi. Nó lên tìm việc, nên sẽ ở hơi lâu, nên lát cô nhớ thay ga giường mới bên phòng cho khách."

Đến đó thì Long khệ nệ mang hai giỏ nặng đồ đạc của người tên Hồng bước vào phòng.

"Con chào dì! Nhà dì to và đẹp quá ạ!"

"Hồng hả con? Dì mong con mãi!"

Sau câu chào hỏi đó, tôi đã hoàn toàn trở thành người thừa trên bàn ăn. Mẹ con Long và Hồng có hàng tá chuyện nói với nhau, trong khi tôi cố gắng nuốt cho nhanh để mau thoát khỏi tình cảnh trớ trêu đó.

Vậy mà khi vừa đứng dậy, mẹ chồng đã lập tức khiến tôi đau lòng.

"Long này, nếu con Minh mãi không đẻ được thì hai đứa nên thôi nhau. Nhà ta có mỗi mình con là con trai, kiểu gì cũng không thể không có con được đâu!"

Long bị bất ngờ, nên đáp lại miễn cưỡng:

"Cứ từ từ đi mẹ. Bác sĩ bảo chúng con không cần vội, sẽ có con mà."

"Từ từ? Đến lúc nào đây? Mẹ chờ quá lâu rồi."

Tôi đứng chôn chân tại chỗ, cố giữ để mình không bật khóc. Mãi sau, nghe Long nhắc tráng miệng, tôi mới bần thần đi đến chỗ bồn rửa, chậm chạp cầm lấy chiếc bát đầu tiên.

"Nhà có khách, làm gì làm cho đàng hoàng đi Minh!

Sau hơn ba năm cưới, đó là lần đầu tiên Long gọi đích danh tôi, thay cho "em yêu" hay "vợ".

Thay đổi cách xưng hô với tôi là thay đổi đầu tiên của Long khi Hồng đến.

...

Thường ngày, tôi vẫn làm bữa trưa sẵn ngay từ sáng, rồi để vào tủ mát, bữa tối thì sẽ chuẩn bị sau khi tan sở về. Nhà không có người giúp việc, nên nếu mẹ chồng muốn ăn trưa chỉ việc hâm nóng lại.

Từ lúc Hồng đến nhà, cô ta hầu như ăn cùng gia đình tôi ba bữa, nhưng không bao giờ đứng lên dọn bàn hay rửa chén lấy một lần.

Một hôm bực quá, tôi nói thẳng khi bữa ăn tối gần xong:

Hồng ơi dù em có là khách, thì cũng nên giúp chị một chút nha. Cũng đứng lên dọn bàn hay rửa chén đi chứ, chị đã nấu ăn rồi

Hồng nghe vậy liền quay sang mẹ chồng dài giọng:

"Dì nghe kìa? Chị ấy là chủ nhà này đấy ạ!"

Mẹ chồng bị khích tướng, nên gay gắt với tôi:

Nhà này tôi là chủ, cô chỉ là phận dâu con, sao dám nói năng hỗn hào với khách như vậy?"

Nhìn thấy ánh mắt trách móc của Long, tôi kìm mình lại, không đôi co với mẹ chồng. Long biết tôi uất ức, nên muốn xoa dịu vợ:

"Để công bằng, từ mai, Hồng sẽ nấu bữa tối nhé."

Nghe chồng tôi nói thế, Hồng không dám cãi lại, dù ánh nhìn hướng về phía tôi đã tối sầm.

Trong đời mình, vào một lúc nào đó, bạn sẽ nhận ra luôn có giới hạn cho tất cả các mối quan hệ, dù thân hay sơ. Những giới hạn quan trọng, mà nếu tùy tiện bước qua, mọi điều tốt đẹp từng có sẽ phai đi mất.

Quan hệ giữa tôi với chồng và mẹ chồng khi đó cũng vậy. Chúng tôi vốn dĩ không hòa thuận với nhau, vì sĩ diện mà cố gắng nhẫn nhịn, nên có thể nói, chỉ cần có tác nhân đủ mạnh thúc đẩy một ai đó bước qua lằn ranh, thì mối quan hệ trong gia đình sẽ xảy ra những rạn vỡ lớn.

Hồng chính là "tác nhân đủ mạnh" đó. Cô ta trẻ, xinh xắn, láu lỉnh, và đủ lẳng lơ để một người đàn ông mệt mỏi như Long có thể mơ được đến khung cảnh mới, tươi mát, và an toàn.

Sau hôm Hồng đến, không ngày nào không có chuyện gây cãi, nên Long dần ít về ăn cơm tối ở nhà, mà viện cớ tiếp khách muộn để ăn cơm ngoài cùng đồng nghiệp. Ba người đàn bà ngồi với bữa cơm được vài hôm thì tôi cũng chọn về nhà mẹ ăn, rồi mới về nhà chồng. Mẹ tôi sau mấy lần thắc mắc, đã lập tức cảnh báo:

"Để người ngoài can thiệp vào gia đình như vậy là không được rồi. Con nên về nhà chăm sóc cho thằng Long đi!"

Được gần tháng, thấy Hồng ngày nào cũng ở không, tôi muốn làm rõ sự có mặt của cô ta, nên đã hỏi trước cả nhà:

"Em ở đây cả tháng rồi, khi nào thì chuyển đi vậy?"

"Em không về quê đâu, em lên thành phố là để xin việc, chứ có phải đi chơi đâu chị?"

"Một tháng trời rồi mà chẳng lẽ em không xin được việc à?"

"Có, nhưng việc nặng mà lương thấp quá nên em không làm được.", Hồng kênh kiệu trả lời tôi.

"Khi nào nó kiếm được việc, có lương rồi thì em nó thì sẽ chuyển đi, cô việc gì phải hỏi?", mẹ chồng bênh Hồng.

"Con không thể đi làm kiếm tiền để nuôi thêm người ngoài nữa mẹ ạ?

"Chị dám nói tôi?", Hồng sừng sộ hỏi lại.

"Tôi nói đúng mà! Mỗi miếng cô ăn là tiền tôi kiếm được, không từ trên trời rơi xuống đâu!"

Sở dĩ tôi nói điều đó ra vì thật sự toàn bộ tiền lo cho việc ăn uống trong nhà chồng xưa giờ đều do tôi đảm nhận. Đã bỏ tiền, còn phải hầu hạ vị khách không mời xấu tính, tôi không muốn nhịn nữa.

Thấy tôi kiên quyết, Hồng cố gỡ gạc:

"Em không ăn đồ chị bố thí đâu, nên nhất định sẽ kiếm cho được việc. Rồi em sẽ đóng tiền ăn là được chứ gì?

Để giữ thể diện, ngay sáng hôm sau, Hồng lấy lý do tiện đường, nhờ chồng tôi đưa đi phỏng vấn. Trước lúc ra khỏi cửa, cô ta còn khoác tay Long, khiêu khích:

"Em với anh Long đi trước đây. Chị đi sau nhé."

Mấy ngày tiếp theo, vẫn với lý do phỏng vấn kiếm việc làm, chồng tôi và Hồng luôn đi khỏi nhà cùng nhau từ sớm, khiến tôi thấy rất bất an, nhưng vẫn cố tự vỗ về: "cơn mưa nào rồi cũng qua!"

Nửa tháng sau Hồng được nhận vào làm nhân viên bán hàng ở một cửa hàng tiện lợi. Dù vậy, cô ta vẫn được mẹ chồng tôi giữ lại trong nhà.

"Lương thử việc của con Hồng còn thấp, nhà rộng thế này cũng nên giúp nó tiết kiệm chút tiền thuê nhà."

Vậy là, Hồng nghiễm nhiên là thành viên của gia đình tôi. Cô ta nấu bữa tối, và xem đó là cách trả ơn cho mẹ chồng tôi, trong khi tôi vẫn phải chi tiền cho thực phẩm, vẫn lau dọn nhà cửa, phục vụ cả cô ta.

Tết Nguyên Đán năm đó đến gần, Hồng vẫn chưa nói gì đến chuyện rời khỏi nhà chúng tôi để về quê. Một hôm, khi vừa làm xong lễ rước ông bà, tôi hỏi Hồng:

"Cô Hồng, hôm nay đã hai mươi bốn tháng Chạp rồi, cô định bao giờ về quê?"

"Chị muốn đuổi em về quê lắm hả?"

"Tết Nguyên Đán, ai cũng nên về nhà mình mới phải, chị hỏi sai chỗ nào?"

"Nhưng dì bảo em ở lại đây ăn Tết, dì chưa nói lại với chị à?

Mẹ chồng khi ấy chưa kịp nói gì thì Long đã lên tiếng:

"Minh, em thích cứ về nhà em ăn Tết, cái Hồng sẽ thay em nấu nướng trang hoàng nhà cửa cho. Năm nay phá lệ cũng hay."

Bên kia bàn, Hồng cười nhạt lẩm bẩm..

"Người ta nói, gái độc mới không có con…"

Câu nói nhẹ nhàng, nhưng làm tôi nổi giận. Quay lại bàn, đứng đối diện với Hồng, tôi nói:

"Cô lải nhải gì đấy? Chuyện không liên quan đến cô, cô im đi thì hơn!"

Như chạm đúng huyệt, mẹ chồng liền lớn tiếng:

"Này, nếu so với con Hồng, cô mới là người dưng, mới là người không liên quan, phải ngậm miệng ở đây đấy!"

Sự cộc cằn, thô lỗ, và ác nghiệt của mẹ chồng trong những ngày cuối cùng của năm đã chạm lằn ranh đỏ, khiến gần hai năm bị sỉ nhục, hắt hủi của tôi bục vỡ. Quay lại nhìn hai mẹ con Long, và Hồng, nhìn bàn ăn đầy ắp món ngon do chính tay mình vừa nấu, tôi đã nghẹn ngào nói những lời muốn nói từ rất lâu.

"Tôi không làm phiền mọi người nữa, tôi đi cho cả nhà vừa lòng!"

Tôi buông thật, buông bằng một quyết định ly hôn chóng vánh được tòa tuyên sau Tết Nguyên Đán ít lâu. Thật thà mà nói, đó là giải pháp khôn ngoan nhất mà tôi có thể làm được lúc ấy, để không tự khiến mình tổn thương thêm.

Chỉ có những trớ trêu của số phận là không thể lường. Tôi đã nhận được chẩn đoán có thai chỉ hai tuần sau ly hôn.

Hôm ấy, ngay khi cầm tờ phiếu xét nghiệm trên tay, tôi bật khóc ngon lành, khiến cô y tá phải dỗ dành:

"Đừng khóc em! Từ giờ em phải cười càng nhiều càng tốt. Đứa nhỏ mặt phải vui vẻ thì bố mẹ mới làm ăn được chứ!"

Tôi về nhà mẹ, nói cho bà biết, quyết định một mình nuôi con, không báo tin cho nhà chồng cũ.

"Đứa bé này thuộc về con cũng tốt, con gái!"

Mẹ tôi trầm ngâm nói, trong khi những giọt nước mắt của tôi vẫn không ngừng rơi.

"Sao con lại lặp lại sai lầm của mẹ chứ? Mẹ buồn quá, Minh ơi!"

Mẹ tôi cũng là một người mẹ đơn thân. Bà ly hôn vì bà nội tôi chê con dâu không biết đẻ, không sinh được con trai nối dõi cho nhà chồng.

"Nếu con sinh được cho thằng Long một đứa con, mà là con gái, thì cũng vẫn kết cục này thôi. Đây có lẽ là một thứ duyên nghiệp gì đó của chúng ta…"

Tôi biết mẹ mình nói đúng, nên đã hứa sẽ cố gắng bắt đầu cuộc sống mẹ đơn thân một cách mạnh mẽ. Đầu tiên, tôi chuyển đến thành phố biển yêu thích cách nơi ở cũ hơn trăm cây số. Ở đó, tôi thuê một căn hộ nhỏ gần trung tâm và bắt đầu nhận việc ở văn phòng luật. Cuối năm ấy, tôi sinh Jiro và được mẹ đến giúp chăm sóc con trai.

Như một sự bù trừ, tôi bất hạnh trong hôn nhân, nhưng công việc lại thuận lợi. Trong hơn hai năm sau đó, tôi đã lên làm trưởng chi nhánh, với mức lương đủ để nghĩ đến việc mua góp một căn hộ nhỏ ở khu vực ngoại ô phía Tây thành phố biển.

hanh_phuc_chi_la_ao_anh

Mẹ tôi thấy con gái bận rộn, nên đã cho thuê nhà và dọn đến ở cùng chúng tôi vài tháng trước. Bà thay tôi chăm sóc Jiro, đưa bé đi học, nấu ăn, tắm rửa, và thậm chí, nhảy múa dỗ dành thằng bé mỗi bận nó khó ở.

Tôi đã bắt đầu cảm nhận được hạnh phúc, khi nhìn hình ảnh mẹ và Jiro cười đuổi theo nhau trên bãi biển. Tôi yêu cuộc sống giản dị, với những buổi sớm đưa con trai đến trường trước lúc ghé qua văn phòng, cảm nhận niềm vui trong mắt con khi thằng bé hớn hở vẫy tay chào tạm biệt mẹ. Không khí tươi mát của biển cả đã giúp mẹ tôi khỏe mạnh hơn cũng là một lý do quan trọng để tôi biết ơn cuộc đời.

"Con biết không, chúng ta không biết được cái gì sẽ đến sau các biến cố. Nhưng thường là cái tốt đẹp hơn!"

Một buổi chiều muộn giữa hè, khi tôi để xe ở chỗ làm, để đi bộ theo bãi biển về nhà, tôi đã gặp lại mẹ con Long.

"Minh, phải Minh đó không?"

Giọng nói quen thuộc của chồng cũ khiến tôi giật mình.

"Anh Long!"

Tôi nói xong mới nhận ra mẹ Long đang đứng sau anh.

"Chào bác, hai người đến đây du lịch hả?"

"Đừng gọi bác, dù gì chúng ta cũng là người thân cũ..."

Nếu mẹ Long không nói thế, tôi có lẽ sẽ dễ chịu hơn với họ.

"Người thân ư? Ngay cả khi cháu còn sống chung với hai người, bác đây vẫn một mực gọi tôi là "cô", xưng "tôi" kia mà?!"

"Thôi mẹ, giờ cô ấy đã không còn liên quan gì đến chúng ta nữa…"

"Phải. Cháu đi đây. Hai người đi chơi vui nhé!"

Tôi dứt khoát quay lưng, cảm giác khá dửng dưng.

"Khoan đã Minh, em sống ở đây ư?"

"Ừ."

Tiếng lọc cọc vang lên bên cạnh. Theo quán tính, tôi nhìn xuống, bàng hoàng nhận ra mẹ chồng cũ đang chống nạng.

"Mẹ anh bị tai biến năm ngoái, nên anh đưa bà đến đây tịnh dưỡng.'

"Bác bị ngã ư?"

"Năm ngoái, Hồng cãi nhau với mẹ anh, lỡ tay xô bà ngã."

"Thôi, thôi, đừng nhắc con trời đánh đó. Nó đã khiến mẹ và nhà ta đến nông nổi này chưa đủ hay sao?!"

Mẹ Long lắc đầu, giọng khó chịu.

"Anh xin lỗi em, Minh!"

Tôi chua chát nhận ra lời xin lỗi mình từng mong chờ được nghe Long nói giờ bỗng trở nên vô nghĩa. Đúng là cái gì cũng có thời điểm để diễn ra. Đúng thời điểm, mọi thứ sẽ bình an, tốt đẹp; sai thời điểm, sẽ chẳng có giá trị tích cực nào cho đôi bên. Đáng tiếc thay, lời xin lỗi của Long đã đến sai thời điểm. Nó quá muộn màng, nên chỉ để lại dư vị chua chát cho người trong cuộc. Chúng tôi giờ đã thật sự là những kẻ xa lạ.

"Thôi, anh và bác sống tốt nhé. Tôi đi đây."

Tôi chào hai người họ đi tiếp, được một đoạn ngắn thì Jiro ở bãi cát chạy lên chặn ngang đường, cười lớn:

"Mẹ, đúng mẹ rồi, bà ngoại ơi!"

Mẹ tôi khi đó mới chạy kịp đến trước tôi, nhưng vô tình nhìn ngược lại, phát hiện ra mẹ con Long.

"Ơ kìa, bà thông gia? Sao bà lại ở đây?"

Mẹ Long có vẻ xấu hổ, không trả lời mẹ tôi ngay, mà để Long lên tiếng trước.

"Dạ, con và mẹ con đến đây nghỉ dưỡng."

"À, còn tôi thì ở đây với con gái và cháu ngoại.", mẹ tôi bình thản đáp, dù có dừng lại giây lâu với cái nạng inox.

Long nhìn mẹ tôi, rồi quay sang tôi hỏi:

"Em lập gia đình rồi à?"

"Có thể cho là vậy!"

"Con trai em đây hả?"

"Ừ."

"Nó mấy tuổi rồi?"

"Ba tuổi. Bé tên là Jiro."

Khi ấy, mẹ Long đột nhiên lên tiếng:

"Sao nó có thể giống thằng Long đến thế chứ? Này, liệu nó có phải là...?"

Mẹ Long lẩm bẩm, chăm chú nhìn con trai tôi:

"Nó hệt như con ngày bé, Long ạ. Giống như tạc! Nó đích thị là con trai con rồi!"

Đến lượt Long quay sang ngắm Jiro:

"Nó là con anh phải không Minh? Thằng bé ba tuổi, lẽ nào ly hôn xong em lấy chồng ngay?"

Tôi nhìn họ, cân nhắc xem sẽ nói thế nào về sự thật của Jiro. Nhưng, khi tôi quay lại nắm tay con trai, thì mẹ Long đột nhiên lớn tiếng:

"Cô thật độc ác, cô không hề cho chúng tôi biết về con cháu chúng tôi!".

"Này bà, nếu còn nói chuyện với con gái tôi kiểu ấy, đừng trách tôi nặng lời nhé!"

Mẹ tôi xen vào câu chuyện, thái độ rất lạnh lùng.

"Mẹ ơi, đây là những ai thế ạ?"

Khi ấy, tiếng Jiro vang lên đột ngột, khiến bốn người lớn dừng ngang việc gây gổ với nhau.

"Bà là bà nội của con. Đây là bố con, Jiro!"

"Mẹ bảo bố đi nước ngoài lâu rồi. Giờ bố mới về thăm Jiro ạ?", con trai tôi đáp lại rất bình tĩnh, mở to đôi mắt trong veo nhìn Long chờ đợi.

Long vồ lấy Jiro, bất chấp mẹ tôi đưa tay ngăn lại.

"Xin em, cho anh ôm con một chút thôi. Nó là con anh mà, anh biết!"

"Tôi xin lỗi bà! Cho mẹ xin lỗi con nhé, con dâu! Là mẹ mừng quá đó thôi!"

"Mà này Minh, nó chính xác là con thằng Long đúng không?", giọng mẹ Long khấp khởi.

"Phải. Nhưng nó mang họ con gái tôi, bà ạ!", mẹ tôi thay tôi trả lời.

Nụ cười tắt ngấm trên mặt mẹ Long, bà khó chịu nhìn tôi:

"Ai cho phép cô lấy họ mình đặt cho thằng bé? Tôi không cho phép con cháu họ Hoàng mất gốc vậy đâu!"

"Dừng lại được rồi đấy, hai người! Tôi có thể khẳng định đây là con anh Long, khi nào nó lớn, muốn cải họ, tự nó sẽ làm. Nhưng tôi sẽ không làm việc đó."

"Tôi không cho phép, cô dám?!"

"Dám chứ! Tôi là mẹ Jiro mà!"

Tôi mỉm cười nhìn họ, nhẹ nhàng nói câu chào trước khi đi:

"Đứa trẻ này hiểu chuyện lắm, nên tôi biết một ngày nào đó, Jiro sẽ chấp nhận hai người. Nhưng tôi cũng biết, Jiro sẽ không cho qua những uất ức mà tôi đã phải chịu đâu."

"Mẹ, bố giờ mới về, con có nên đòi quà không ạ?"

Tôi cười với con trai, tự biết đã có thể bỏ xuống một mặc cảm lớn cho thằng bé.

"Tùy con, Jiro ạ."

"Con sẽ bảo bố mua quà to cho mẹ, và cả bà ngoại nữa. Jiro chỉ cần bộ xếp hình siêu nhân thôi."

Long nhìn Jiro, nước mắt giàn giụa trên gương mặt xanh xao, mệt mỏi của anh.

"Bố hứa bố sẽ mua quà cho tất cả."

Bãi biển đã lên đèn, tôi nắm lấy tay con trai, Jiro vui vẻ đi giữa mẹ và bà ngoại. Mãi khi đến ngã rẽ vào đoạn đường trước khu chung cư, tôi vẫn còn thấy Long và mẹ anh đứng nhìn theo.

"Sao con không hỏi mẹ bố và bà nội ở đâu? Họ không về cùng chúng ta con có buồn không?"

"Không ạ. Bà ngoại dặn con chuyện của người lớn, khi nào lớn lên mới hiểu được, không nên hỏi nhiều."

Tôi ôm Jiro, biết ơn vì đã được yêu thương vô điều kiện.

Bạn biết không, cuộc hôn nhân nào cũng vậy, có lúc thăng lúc trầm, nhưng khi một trong hai bên sống với những định kiến sai lầm, ích kỷ, thì dù bên còn lại cố gắng vun đắp thế nào, kiên nhẫn chịu đựng ra sao, kết cục cũng vẫn là đổ vỡ.

Hạnh phúc thật sự chưa bao giờ đến từ bất cứ cái gì khác ngoài nội tâm mỗi người, nên không thể chạy đuổi theo ngoại cảnh để mưu cầu hạnh phúc. Đó chỉ là ảo ảnh, sẽ tan biến rất nhanh.

Các bạn vừa lắng nghe truyện ngắn Khi Hạnh Phúc Chỉ Là Ảo Ảnh của tác giả Hua Jasmine. Cái kết của câu chuyện đủ làm hả dạ cho sự cay độc của người mẹ chồng. Cái sự hững hờ, phụ bạc của anh chồng cũng đã phải trả giá đúng như câu gieo nhân nào gặt quả nấy. Còn người con dâu chịu bao đắng cay, tủi hờn đã được sống trong an yên bên gia đình nhỏ của mình. Một cái kết xứng đáng cho tất cả các nhân vật.

 

Tác giả: Hua Jasmine

Giọng đọc: Bạch Dương, Thắng Leo

Thực hiện: Ngọc Linh

Thiết kế: Hương Giang

 

Xem thêm video:

 

 

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho chúng ta

Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho chúng ta

Những đau đớn hằn vết trong trái tim anh đều do em cả. Em không mong mình sẽ là người khâu vá lỗ hỏng ấy, chỉ mong anh hãy quên em và đừng yêu em thêm nữa. Tình yêu này không nên tồn tại. Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho cả hai chúng ta.

Trả Lại Anh Cho Cô Gái Khác | Radio Tâm Sự

Trả Lại Anh Cho Cô Gái Khác | Radio Tâm Sự

Sau chia tay, có ai không bi luỵ lẫn tổn thương… chẳng qua chúng ta chỉ khác nhau ở thời gian chữa lành mà thôi. Có người cần một tháng, có người cần một năm, có người cần thời gian đủ lâu và có kẻ chấp nhận dùng cả một đời để học cách quên đi một người.

 Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Ngày hôm đó chúng ta đã nói sẽ luôn nhớ tới nhau, sẽ giữ trọn vẹn trong tim mối tình của năm tháng ấy. Nhưng anh biết không, mỗi người chúng ta ai rồi cũng đều khác, lời hứa năm đó cũng chỉ là tên gọi khác của lời tạm biệt mà thôi.

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Dây xích sắt trượt dài trên thanh chắn cửa, rít lên một tràng âm thanh chói tai, kết thúc bằng tiếng đáp đất nặng trịch. Trời lặng gió, áng mây vắt ngang qua ngọn cây, trong đêm tối không trăng không sao, chiếc lồng đèn cũ phủ một lớp bụi mỏng

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Mưa rơi, làm hình bóng anh trong mắt cô mờ đi, gương mặt điển trai sau màn mưa trắng chẳng rõ đang vui hay buồn. Mưa vẫn không ngừng xối lên thân ảnh liu xiu của anh, lớp áo sơ mi trắng dính vào da lộ ra vết sẹo dài chạy dọc theo cánh tay khẳng khiu.

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn chính là chủ nhân của cuộc đời mình. Tương lai ra sao, do bạn định đoạt. Đừng để năm tháng trôi qua, trong bạn chỉ toàn là tiếc nuối.”

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Đôi khi, sự ra đi của người khác là lí do để ta nhìn lại mình. Nhìn lại những gì mà bản thân đã cư xử. Có phải vì ta chưa đủ trưởng thành? Có phải vì ta vẫn còn quá cảm xúc và bi kịch hoá mọi thứ?

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy tận hưởng điều đó. Độc thân không có nghĩa là chưa đủ tốt để yêu. Độc thân nghĩa là chưa có ai đủ tốt để được bạn yêu.

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Muốn ngắm bình minh, phải dậy thật sớm. Muốn tạm biệt ngày tàn, phải vẫy chào hoàng hôn. Hạnh phúc của mình nên tự mình nắm lấy...

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Một giấc mơ dang dở dấy lên trong lòng tôi một sự hiếu kỳ với dáng vẻ của hạnh phúc. Nếu bước qua lằn ranh giữa quá khứ và hiện tại, tôi sẽ thấy được điều, có phải kết cục sẽ vẹn tròn hơn không.

back to top