Phát thanh xúc cảm của bạn !

Hy Vọng Nào Cho Em? (Blog Radio 823)

2023-05-22 00:05

Tác giả: Giọng đọc: Hà Diễm, Sand

Xin chào các thính giả thân mến của Blog Radio. Ngày hôm nay của bạn thế nào? Bạn có khỏe không? Công việc của bạn vẫn suôn sẻ chứ? Bạn thân mến! Khi gặp những điều bế tắc trong cuộc sống, chúng ta thường mong có tia hy vọng nào nhỏ nhoi nào đó soi chiếu cho ta thấy được con đường. Biết khổ đau mà vẫn cứ chấp nhận sống trong mối quan hệ độc hại. Thế nhưng cái gì cũng có thời điểm, sớm không được, muộn cũng không được. Cho nên ta phải tùy duyên mà thuận theo dòng chảy cuộc đời. Trong Blog Radio của tuần này, mời bạn lắng nghe truyện ngắn được gửi đến từ tác giả Hua Jasmine.

Đời Miên dính líu với hai người đàn ông, một người là chồng, một người là nhân tình.

Lanh, chồng Miên, rất cộc cằn, hơn Miên mười tuổi, mê rượu và ghiền đánh vợ.

Minh, nhân tình, nhỏ hơn Lanh hai tuổi, là chủ một quán ăn trên thị trấn, sạch sẽ, ân cần, góa vợ đã lâu.

Đến đầu năm nay, Miên đã lấy chồng được mười lăm năm. Là con gái miền Tây, cô vỡ mộng ngay ngày đầu về sống với Lanh. Dù ở miền Trung, nhà chồng gần sát biển, nhưng quang cảnh của làng không đẹp như trong tưởng tượng của Miên.

Làng chia làm hai xóm: xóm trên và xóm dưới. Nhà chồng Miên ở xóm trên. Quanh năm chỉ toàn thấy tàu cá về bãi, sọt này sọt nọ, cùng mùi hải sản tanh nồng mỗi chiều. Kinh hãi nhất là phải nhìn đám đàn ông bỗ bã, tục tằn, tụm năm tụm ba chén chú chén anh đến khuya. Kinh hãi nhì là những trận bão quần cái làng bé xíu suốt ngày đêm, người ta dắt díu nhau chạy đến tận thị trấn để tránh rồi, mà vẫn nghĩ rằng mình không thoát chết.

Đàn bà làng chài người nào cũng khỏe, đa số sống bằng nghề bán hải sản, hoặc bỏ mối chả cá. Họ không thấy cá tanh như Miên, nên có thể cầm tô cơm ăn thoải mái trên đám cá tươi.

blogradio823_phiatruoclabautroi

Trẻ con trong làng rất đông. Một cặp vợ chồng thông thường sẽ có từ bốn đến năm đứa con, cách nhau một, hai tuổi. Cá biệt, có nhà bốn đứa con thì cả bốn có mặt đủ từ lớp một đến lớp bốn của trường tiểu học. Chính vì vậy, mà khi Miên không sinh được con, ai cũng xầm xì:

"Nhìn vợ thằng Lanh khỏe mạnh vậy mà không đẻ được, lạ hè?!"

Thường sau khi nghe câu đó, Lanh sẽ về đè nghiến Miên ra vầy vò, xong việc rồi thì đánh đấm cho mỏi mệt, chán chê.

"Cô là thứ đàn bà tồi. Có mỗi việc đẻ mà cũng không làm được."

Áy náy, có lần Miên thẳng thắn:

"Anh Lanh, anh lên thị trấn kiếm con nhỏ nào ở quán bia, hay quán mát-xa gì đó cặp bồ kiếm con đi. Tôi không nói gì đâu."

"Cô nói vậy mà nghe được hả? Cái đồ thần kinh!"

Lanh hôm ấy lại có cớ trút hết mọi uất ức lên thân thể càng lúc càng gầy guộc của Miên.

Chuyện cứ thế dằng dai được gần mười ba năm, thì bỗng đâu, Lanh cặp bồ thật. Bồ của Lanh không phải gái bia ôm hay mát-xa trên thị trấn, mà là một cô người làng. Cô này tên Hóa, khá mặn mà, nhỏ hơn Miên vài tuổi, mới từ Lào về. Hóa là em gái một bạn chài thân thiết của Lanh.

Miên biết, không ghen tuông, lại còn tạo điều kiện cho họ gặp nhau. Cả làng thấy, cũng mắt nhắm mắt mở, thầm thì to nhỏ:

"Thằng Lanh muốn kiếm đứa con. Con Miên hình như cũng không phản đối. Thôi, kệ hắn!"

Qua lại hơn nửa năm, cái bụng của Hóa vẫn phẳng lì. Miên tức quá, gắt:

"Anh làm cái quái gì mà cô ta cũng không có bầu được hả?"

Lanh im lặng, sau bảo:

"Hay tôi vô sinh?"

Vậy là tuần sau, cô Hóa rời làng, Lanh lầm lũi rời chiếu nhậu sớm khi có người uống say buột miệng:

"Xem ra con vợ thằng Lanh không tịt ngòi đâu, mà đạn thằng Lanh hình như lép…"

Miên từ đó nhận thêm vài chục ánh mắt thương hại khi ra chợ.

"Tội nghiệp! Già mẹ nó rồi, lấy ai được nữa!"

Với Miên, làng chài một năm dường như chỉ có hai mùa, mùa nóng và mùa lạnh. Bão gió nằm vào mùa lạnh.

Mùa nóng, không khí trong làng lúc nào cũng mặn và tanh hơn mùa lạnh. Miên ở hơn mười lăm năm, mà không bao giờ chịu được mùi đặc trưng của làng. Những khi khó chịu quá, chỉ muốn nôn khan, Miên đạp xe lên thị trấn, đến quán Minh, uống một ly trà chanh, nhâm nhi một dĩa bánh cuốn trứng nóng hổi do Minh tự tay tráng, rồi lại quay về làng.

Được mấy lần như thế, thì Minh đến gần hỏi:

"Cô ở gần đây không?"

"Không, em ở làng chài."

"Làng chài?"

"Dạ."

"Sao người cô không nghe mùi biển nhỉ?"

"Dạ, tại em luôn tắm trước khi lên thị trấn."

Câu trả lời thô mộc khiến Minh nhớ đến tận lần ghé sau của Miên.

Họ bắt đầu nói những chuyện thân thiết hơn, và nhận ra nhau có chung nhiều điểm.

Một lần, Minh nhìn Miên hỏi:

"Chúng ta thân nhau hơn một chút, có được không!"

"Được."

Sau cái gật đầu của Miên, là những lần nắm tay thật lâu giữa họ. Khoái cảm từ việc đụng chạm này khiến cả hai người bị nghiện. Tuần nào Miên không ghé, Minh như ngồi trên lửa nóng, tới tới lui lui, bức bối. Miên cũng vậy, ở nhà, mà lòng cô ở trên đường, con đường nhỏ ngoằn ngoèo đầy gió chạy lên thị trấn có Minh.

co-gai-16

***

Ngày chủ nhật, tiếng chuông giáo đường báo hiệu một buổi chiều bận rộn. Gần làng cũng có một nhà thờ nhỏ, nhưng Miên chỉ đúng ngắm từ xa, mà chưa lần nào dám bước vào.

Thật ra, Miên không dám bước vào nhà thờ, chỉ đơn giản vì cô không có đạo. Đôi lần buồn quá, Miên đến đứng cạnh cổng, đối diện với tượng Đức mẹ ở khoảng sân gạch, rồi chắp tay kể lại những chuyện làm cô buồn. Cổng nhà thờ đóng, nên Miên thấy an toàn, tin rằng không có ai nghe thấy cô nói gì ngoài Đấng Thiêng Liêng.

Từ lúc thân thiết với Minh, Miên bắt đầu bước vào  thánh đường trên thị trấn để xem lễ. Cảm giác thanh thản mỗi lần đến thánh đường giúp Miên có thêm kiên nhẫn với những trận đòn của Lanh.

Hôm ấy, Miên vừa mặc áo dài hoa, thì Lanh đã chạy ra chặn vợ:

"Miên, cô lại lên cái thánh đường tuyệt vọng đó xem ca nhạc phỏng? Dẹp ngay, không đi đâu hết!"

Thánh đường ở thị trấn tên là "Hy Vọng", và ca đoàn ở đó hát rất hay, nhưng qua miệng Lanh, mọi thứ trở nên u ám. Tức giận, Miên hất mạnh tay chồng, phản kháng:

"Tôi phải đi. Lúc về anh muốn đánh thế nào cũng được, nhưng giờ thì tôi phải đi."

Miên kiên quyết leo lên xe, và đạp một cách khoan thai, trước đôi mắt đầy vằn đỏ của Lanh.

Hàng ghế thứ ba là nơi Minh thường đứng. Miên thấy anh rất nhiều chiều chủ nhật, nhưng không bao giờ gọi anh, mà giấu mình sau đám người già đi lễ, để anh không nhìn thấy.

Ở cuối giáo đường, Miên có cơ hội quan sát Minh rất kỹ. Cô thuộc lòng từ nửa vầng trán rộng, một bên mắt kính với gọng kim loại đã xỉn màu, đôi vai rắn chắc sau chiếc sơ-mi trắng đến khẩu hình thanh tao của anh khi hòa giọng cùng ca đoàn. Con người trang nghiêm đó của Minh, khiến Miên thấy ngưỡng mộ. Lúc nào, thấy Minh nhắm mắt hát thánh ca, Miên cũng tha thiết nghĩ:

"Anh ấy đẹp quá!"

Trời gần tối, là lúc tan lễ. Như thường lệ, Miên sẽ nhanh chân ra trước, lấy xe đợi ở một góc khuất, để nhìn theo bóng lưng Minh xa dần theo hướng ngược lại.

Chủ nhật đó cũng vậy, mãi khi chiếc áo sơ-mi trắng của Minh khuất hẳn sau ngã ba đường, Miên mới đạp xe quay về làng.

Đường về làng rất vắng, gió lại nhiều. Miên đi lần nào cũng thấy sợ, nên hay lẩm nhẩm cầu nguyện. Cô không gọi đích danh Chúa, mà chỉ thì thầm gọi hai tiếng "Ơn Trên".

"Ơn Trên, con không thấy an toàn, xin giúp con về nhà bình an!"

Cứ thế, Miên thì thầm xin chở che, một cách thành tâm, và lần nào cũng đi đến nơi, về đến chốn.

Hôm ấy, làng vẫn có nhiều nhà chưa lên đèn, đón Miên ở cổng là Lanh, với một dĩa mực hấp gừng,

"Tối nay ta nhậu với nhau, tôi muốn cô trút hết ruột gan một lần."

Giọng khê nặc của Lanh khiến Miên sợ hãi rùng mình. Trên suốt đường về, cô vốn an bài tâm trí với cảnh tượng một cú đạp mạnh mẽ, và cái thân hình mảnh dẻ đầy sẹo cùng chiếc xe đạp mini sẽ văng xa đâu đó, như mọi lần. Giờ tự dưng nghe câu rủ rê của Lanh, Miên thấy bất an.

"Anh muốn gì?"

"Tôi muốn nghe cô nói cô đang nghĩ gì?!"

Câu hát của Đen Vâu bỗng dưng lảng vảng trong đầu Miên, khiến cô bật cười.

"Cười?! Có gì để cười chứ?! Ngồi xuống đi má!"

Lanh kéo Miên ngộp thụp xuống chiếu, cô bị hổng chân, phải chống tay xuống nền xi-măng lạnh ngắt. Ngoài xóm, đèn đã lần lượt sáng lên.

"Tôi biết cô thích thằng chủ quán bánh cuốn Minh trên thị trấn."

"Ừ, tôi thích anh ấy."

"Sao cô không lên ở với nó?"

"Vì tôi không xứng."

"Á à, ý cô nói, cô chỉ xứng với thứ như tôi?"

"Phải, tôi và anh xứng với nhau. Đến chết phải ở như vậy cùng nhau."

"Cô không muốn bỏ tôi? Sao ngu thế? Nghĩ coi, lấy thằng chủ quán bánh cuốn, biết đâu cô có được một đứa con thì sao?"

"Tôi già rồi, đẻ cái gì nữa?!"

"Cô mới ba mươi sáu, già gì? Có bà xóm dưới bốn tám bốn chín còn đẻ được kìa!"

"Đừng nói nữa. Uống đi. Uống hết rồi ngủ."

Qua tới chung rượu thứ sáu, nước mắt đã ầng ậng trên mi Miên, trong khi Lanh thì khóc như chết cha chết mẹ.

"Cô làm tôi thấy mình khốn nạn quá Miên ơi!"

"Anh an tâm đi. Anh và tôi cùng khốn nạn."

Lanh kẹp cổ Miên, hát to một bài hát chế tục tĩu, trong khi Miên đã ngất đi được một lúc, trong mùi mồ hôi ngai ngái của Lanh.

neu-mot-ngay

...

"Miên ơi, Miên, tỉnh lại đi!"

Tiếng Minh thảng thốt vang động khu cấp cứu, nhưng qua khung kính, Miên vẫn nằm bất động.

"Anh chắc là anh trai cô Miên? Anh biết cô ấy tiên lượng xấu rồi phải không? Ngộ độc rượu dạo này nhiều quá."

Minh đờ đẫn nhìn vào xấp hồ sơ trên tay cô y tá, không gật không lắc, ứa nước mắt.

"Chồng cô ấy chết khi đến viện. Tưởng cô ấy cũng đi theo ông ta rồi chứ, cầm cự được đến giờ là quá dữ!"

Cô y tá nói mấy lời đó một cách thản nhiên, khiến Minh thấy khó thở.

"Miên, đừng bỏ anh. Anh cần em."

Minh chắp tay cầu nguyện. Bao nhiêu thành thật trong trái tim, Minh đều dốc hết vào những lời cầu nguyện cho Miên. Sau lớp kính dày, Miên nằm ngoẹo đầu một bên, tóc bết cả vào gối, dù máy lạnh vẫn chạy đều. Ống thở đã làm biến dạng gương mặt Miên, khiến cô nhìn như con cá mắc cạn, nhợt nhạt, đuối sức.

Lát sau, cô y tá quay lại, thấy Minh nước mắt giàn giụa trong khi miệng vẫn hát thánh ca, thì im lặng đến đứng sau lưng anh làm dấu thánh.

"Anh ơi, Chúa lòng lành sẽ cứu em anh."

Những ân cần khi ấy đã giữ cho Minh không hoảng loạn, không gào thét hay đập phá, dù sự bất lực trong anh đang lớn dần.

***

Đến sáng hôm sau thì Miên tỉnh. Câu đầu tiên cô hỏi bác sĩ là:

"Có ai đến thăm tôi không?"

"Có chứ! Có chứ!"

Cô y tá đứng cạnh đó reo lên, và chạy ra kéo Minh vào.

"Thấy không? Chúa đã nghe thấy. Chúa thật thiêng liêng!"

Minh khóc. Tay anh bấu vào cổ tay gầy guộc đang bám đầy dây nhợ của Miên.

"Anh sẽ đưa em về thị trấn, sau khi xuất viện."

Miên nhắm mắt, không có giọt nóng nào rơi xuống gối, vì hình như chất độc trong rượu đã làm hỏng tuyến lệ.

"Anh sẽ xin Chúa cho chúng ta làm lại từ đầu."

Minh không hề biết, dù Chúa của anh có cho phép họ bên nhau, Miên vẫn sẽ không theo anh về thị trấn.

Ngày chủ nhật, biết Minh bận việc nhà, và phải đến thánh đường, Miên đã tự ý xuất viện. Cô nhờ cô ý tá bán nhẫn cưới và sợi dây chuyền Lanh tặng mười lăm năm trước để đóng viện phí, rồi về lại làng, sau khi nhắn vội vài dòng qua điện thoại cho Minh.

cham-vao-anh-1

...

Hôm ấy, nắng chiều mênh mông khi Miên bước vào nhà. Cổng mở, cửa cũng mở, bàn thờ Lanh nghi ngút khói hương.

"Ủa, thím Miên, thím về rồi hả? Vào buồng nghỉ cho khỏe. Lát con vợ tôi nấu cháo gà bưng qua cho thím ăn."

Tiếng bạn chài của Lanh nghe đượm vẻ thương hại. Miên nghe không quen, chẳng biết đáp lại sao cho phải, nên gật đầu mấy cái rồi vào buồng gieo mình xuống.

Ai đó đã thay ga mới cho tấm nệm mỏng. Mùi nước xả làm Miên an tâm, cô ngủ cho đến tối thì bị dựng dậy ăn cháo gà. Miên ăn xong, cô vợ của anh bạn chài đến ngồi trước mặt, nhỏ giọng:

"Tui biết thím không sợ ma, nhưng vẫn phải nói trước để thím chuẩn bị. Mấy đêm rồi, chú Lanh ngồi ở trước nhà khóc gọi thím đó, thảm lắm!"

Nói xong, vợ chồng người bạn chài cầm đống chén dĩa dơ không kịp rửa đi vội về nhà. Họ đóng cửa kín mít khi đồng hồ chỉ qua số bảy. Miên ra ngồi trước bàn thờ Lanh, đợi nghe chồng gọi đến mình.

Chín giờ năm phút, khi Miên mới nghe được nửa bản bolero nẫu ruột trên Youtube, thì cô nghe thấy tiếng Lanh thổn thức ngoài thềm nhà:

"Miên ơi, tại tôi hết. Cô không đáng chết!"

"Tôi chưa chết, anh Lanh!"

Miên nói rõ to giữa không gian tĩnh mịch. Giọng nức nở bỗng nhiên im bặt. Mấy phút sau, có tiếng bước chân quen thuộc của Lanh, qua qua lại lại.

"Miên, cô ở trong đó phải không?"

"Ừ, là tôi. Tôi vừa xuất viện. Cũng mừng là anh chết ở bệnh viện mà không kẹt lại đó, còn về được đây."

"Tôi không chết ở viện, tôi chết ở đây. Lúc đưa vào viện, tôi đã chết rồi. Chỉ có cô là còn thoi thóp."

Miên cười buồn:

"Thôi, giờ yên tâm rồi. Qua bốn chín ngày, anh đi thanh thản. Tôi hứa sẽ nhang khói cho anh đến khi tôi chết!"

"Không, đừng hứa. Sống với tôi cô đã khổ quá rồi. Giờ để tôi làm chút việc bù đắp."

"Độ cho tôi trúng số hả? Không cần đâu."

Đến đó thì Miên không nghe tiếng linh hồn Lanh đáp lại. Cô giật mình tỉnh giấc mộng. Gà trong xóm cũng bắt đầu gáy râm ran. Đồng hồ tường chỉ ba giờ mười lăm phút sáng.

co-gai-mua-dong-1

Hôm sau, Lanh không hiện về, dù Miên ngồi bên cửa chờ đến tận năm giờ sáng, cố giữ cho bát nhang đỏ rực suốt đêm.

Mấy bữa liền, Lanh vẫn bặt tăm. Vợ chồng người bạn chài qua hỏi thăm, Miên tình thực kể lại chuyện gặp Lanh và mấy lời đã nói với người chết.

"Chắc nó thấy thím khỏe rồi nên an tâm ra đi. Vậy cũng mừng."

"Mà nó bảo bù đắp cho thím hả? Không chừng nó cho trúng số đó. Thím để ý, mấy bữa này chăm mua vé số đi, biết đâu!"

Miên nghĩ, không biết Lanh bù đắp kiểu gì đây? Cô không cần nhiều tiền, nên chẳng khi nào mơ trúng số. Trước giờ, buồn có buồn, nhưng Miên không ghét hay hận Lanh. Chồng chết đột ngột, cô còn có chút hụt hẫng, nên muốn nói chuyện với linh hồn Lanh thêm ít đêm, để giãi bày cho hết. Lanh không về, Miên kiên nhẫn đợi. Được gần mươi đêm nữa thì đành vào phòng ngủ, vì kiệt sức.

Sáng hôm cúng thất thứ ba, vừa thắp nhang cho Lanh, thì Minh đến đứng trước cổng nói vọng vào:

"Miên ơi, chúng ta cần nói chuyện."

Miên run rẩy rót trà mời Minh. Hai tuần không gặp đã thay đổi cả hai, Miên già đi, trong khi Minh có vẻ ưu tư. Nhìn gương mặt mệt mỏi của người đối diện, Miên bất an.

"Đêm qua là đêm thứ mười anh mơ thấy chồng em về bắt anh phải lấy em."

"Gì vậy? Anh Lanh bắt anh lấy em?"

"Phải. Anh ấy đứng bên ngoài nhà anh, đập cửa cả đêm."

"Trời! Anh sợ không?"

"Lúc đầu sợ, nhưng sau thì không. Anh có mở cửa nhưng anh ấy bảo không vào được, chỉ có thể đứng ngoài thềm nói chuyện với anh.”

“Anh ấy nói anh nên lấy em?"

“Không, anh ấy nói anh phải lấy em. Nếu không làm vậy, anh ấy sẽ ám ảnh anh đến phát điên.”

“Giờ thì anh đến, vì sợ bị điên?”

"Không. Anh đến vì đã suy nghĩ kỹ. Anh cần em, nên chúng ta hãy về sống cùng nhau, được không?"

"Không được."

Miên từ chối Minh. Minh không năn nỉ, chỉ lặng lẽ nói:

“Anh vẫn chờ. Lúc nào đổi ý, em hãy đến thánh đường Hy Vọng. Không biết đường thì nhắn cho anh. Chúng ta sẽ cùng nhau thề nguyền trước Chúa.”

Miên cười bình an để tiễn Minh ra cổng. Khác với mọi lần, họ nắm tay nhau một chút, rồi vội vàng buông. Nắng hôm ấy bỏng rát da, dù mới chớm trưa, khiến mặt hai người đỏ lựng.

Minh đi đã lâu, Miên mới cài chốt cổng, cười buồn, lẩm bẩm:

“Anh ấy vẫn không biết chủ nhật nào mình cũng xem lễ ở thánh đường Hy Vọng.”

Sau hôm đó, Miên mở quán bán bánh canh tại nhà buổi sáng, buổi chiều đi bỏ chả cá trên thị trấn. Cô đạp xe qua quán Minh hàng ngày, nhưng không lần nào ghé vào ăn bánh cuốn trứng như trước đây, dù có lần Minh thấy, đã chạy hẳn ra thềm ngoắc cô vào.

“Thôi anh, ai cũng cần yên ổn. Em an phận rồi. Anh Lanh cũng không ám anh đâu.”

Minh buồn ra mặt, anh lầm lũi quay lưng vào quán, trong khi Miên đạp xe vội vã đi ngay. Được nửa đường, thế nào Miên cũng khóc, nước mắt ướt hết cả áo khoác ngoài.

Bốn mươi chín ngày rồi cũng qua, Minh không điên như lời Lanh dọa, vì Miên đã nói khi cúng thất cuối cho chồng.

"Tôi cảm ơn anh đã nghĩ cho tôi, nhưng tôi không muốn sống với anh Minh, nên anh đừng ép anh ấy làm gì."

Đêm đó, Miên mơ thấy Lanh mặt áo sơ-mi trắng như Minh, tóc tai gọn gàng, mặt mũi tươi tỉnh, cười nói:

“Tôi đi đây. Cô bán bánh canh cũng đông khách nhỉ? Biết vậy trước đây mở quán thì đã có của để dành rồi!”

"Tham chả được đâu! Cái gì cũng có thời điểm. Sớm không được, muộn không được, như đúng bốn chín ngày anh phải đi trình diện vậy."

Lanh gật đầu, giơ tay chào, rồi quay lưng đi mất.

Miên ở vậy từ ngày đó. Chuyện Minh theo đuổi Miên, mà bị cô từ chối, khiến không ít người biết được chép miệng tiếc:

"Thằng Lanh chết, cũng có ý muốn vợ tái giá, mà sao con Miên không đi bước nữa cho rồi?! Đàn bà về già sống một mình buồn ghê lắm!"

Miên cười lạnh lẽo. Chỉ có cô mới biết, Minh căm ghét những vết sẹo thế nào. Mà người cô, không có gì nhiều như sẹo. Những vết sẹo thuộc về Lanh, do Lanh, của Lanh.

"Kiếp sau, con muốn lành lặn đến tận cùng. Khi ấy, xin Chúa nhân từ hãy tác hợp cho con với anh Minh!"

Nhiều năm sau, Chúa vẫn luôn nghe thấy lời cầu nguyện đó. Chủ nhật nào, Miên cũng xem lễ cùng Minh, dù anh không hay biết. Thậm chí ngay lúc này đây, nếu là một ngày chủ nhật, thì chắc chắn rằng, lẫn trong đám người già dự lễ ở thánh đường Hy Vọng, sẽ luôn có một người đàn bà gầy guộc, không hát được bài thánh ca nào, nhưng rất thành tâm kính Chúa, và mắt không bao giờ rời khỏi hàng ghế thứ ba.

Hàng ghế thứ ba, ở thánh đường Hy Vọng.

Tác giả: Hua Jasmine

Giọng đọc: Hà Diễm, Sand

Thực hiện: Hằng Nga

Thiết kế: Hương Giang

Xem thêm video:

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho chúng ta

Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho chúng ta

Những đau đớn hằn vết trong trái tim anh đều do em cả. Em không mong mình sẽ là người khâu vá lỗ hỏng ấy, chỉ mong anh hãy quên em và đừng yêu em thêm nữa. Tình yêu này không nên tồn tại. Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho cả hai chúng ta.

Trả Lại Anh Cho Cô Gái Khác | Radio Tâm Sự

Trả Lại Anh Cho Cô Gái Khác | Radio Tâm Sự

Sau chia tay, có ai không bi luỵ lẫn tổn thương… chẳng qua chúng ta chỉ khác nhau ở thời gian chữa lành mà thôi. Có người cần một tháng, có người cần một năm, có người cần thời gian đủ lâu và có kẻ chấp nhận dùng cả một đời để học cách quên đi một người.

 Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Ngày hôm đó chúng ta đã nói sẽ luôn nhớ tới nhau, sẽ giữ trọn vẹn trong tim mối tình của năm tháng ấy. Nhưng anh biết không, mỗi người chúng ta ai rồi cũng đều khác, lời hứa năm đó cũng chỉ là tên gọi khác của lời tạm biệt mà thôi.

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Dây xích sắt trượt dài trên thanh chắn cửa, rít lên một tràng âm thanh chói tai, kết thúc bằng tiếng đáp đất nặng trịch. Trời lặng gió, áng mây vắt ngang qua ngọn cây, trong đêm tối không trăng không sao, chiếc lồng đèn cũ phủ một lớp bụi mỏng

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Mưa rơi, làm hình bóng anh trong mắt cô mờ đi, gương mặt điển trai sau màn mưa trắng chẳng rõ đang vui hay buồn. Mưa vẫn không ngừng xối lên thân ảnh liu xiu của anh, lớp áo sơ mi trắng dính vào da lộ ra vết sẹo dài chạy dọc theo cánh tay khẳng khiu.

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn chính là chủ nhân của cuộc đời mình. Tương lai ra sao, do bạn định đoạt. Đừng để năm tháng trôi qua, trong bạn chỉ toàn là tiếc nuối.”

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Đôi khi, sự ra đi của người khác là lí do để ta nhìn lại mình. Nhìn lại những gì mà bản thân đã cư xử. Có phải vì ta chưa đủ trưởng thành? Có phải vì ta vẫn còn quá cảm xúc và bi kịch hoá mọi thứ?

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy tận hưởng điều đó. Độc thân không có nghĩa là chưa đủ tốt để yêu. Độc thân nghĩa là chưa có ai đủ tốt để được bạn yêu.

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Muốn ngắm bình minh, phải dậy thật sớm. Muốn tạm biệt ngày tàn, phải vẫy chào hoàng hôn. Hạnh phúc của mình nên tự mình nắm lấy...

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Một giấc mơ dang dở dấy lên trong lòng tôi một sự hiếu kỳ với dáng vẻ của hạnh phúc. Nếu bước qua lằn ranh giữa quá khứ và hiện tại, tôi sẽ thấy được điều, có phải kết cục sẽ vẹn tròn hơn không.

back to top