Dấu Chân Online 10: Chuyện dưới mái nhà sàn Mường Cờ
2011-07-08 17:39
Tác giả: Giọng đọc: Radio Online Team
Các bạn đang lắng nghe chương trình DCOL thân mến. Trong chương trình tuần này những DCOL sẽ đưa các bạn đến một miền đất lạ với những lời kể giản dị nhưng lại là những khắc họa đậm nét về con người nơi đây qua bài viết "Đi ngược Cổng Trời" của tác giả - nhà báo Đào Tuấn.
Thoát khỏi những con hủm bức bối tòan là mồ hôi với sương mù, bổng nhiên thấy trời xanh trong veo, thanh thóat những tiếng cười sơn nữ vọng giữa bốn bề toàn là núi. Mường Cờ nắng lanh lảnh, đanh đá, nắng ngọt như mật ong.
Len lẩn trong nắng, sương núi lành lạnh. Gió núi phóng khoáng rào rạt. Trời xanh trong veo. Bản ở cao, nơi đỉnh núi nhô lên trên mây gần giáp mặt trời, nơi đây quanh năm có gió và mặt trời. Đám lốc cốc trâu rừng đứng giữa đường phà hơi mũi mù mịt dương cặp mắt to ngơ ngác nhìn khách lạ. Ngựa bản dậm chân lốc cốc, ngửi miệng nhau, không ngừng nhai tóp tép. Anh Bung trưởng ban văn hóa dẫn khách qua suối, các cô gái Thái tắm trần không thèm che ngực non, áo trắng phơi trên bậu đá xám, nô như bầy giặc tiên. Anh Bung văn hóa hò rằng:” Xuống suối đi thôi, không có cán bộ xấu hồ bây giờ”. Các cô cười lanh lảnh, ngọt và nõn như nắng. Có cô táo tợn đáp lại rằng: “Cán bộ thích kia mà”. Lại cười lên lanh lảnh. Nước suối đương xuân thò tay xuống là lạnh thấu, nhưng mà má sơn nữ thì nóng đỏ như lò than. Lòng khách cũng vậy.
(Hình minh họa, nguồn Internet)
Mường Cờ trong trẻo, nhà người Thái chẳng bao giờ có khóa, người Mông cũng không có mấy ai nghiện hút. Đương chuẩn bị tết độc lập, nhà có của đem lợn ra suối tắm, người nghèo cũng đem váy áo ra phơi chuẩn bị xuống chợ xem xòe, nghe đài pin, uống rượu bát. Không khí rõ háo hức.
Muôn 17 tuồi. Da đen nhẻm như trâu. Mỗi độ Muôn cười chỉ thấy trắng nhởn một hàm răng. Muôn không có cha, cũng không có mẹ. Một buổi sáng, Bí thư Chi bảo “Mày phải lấy vợ đi thôi.”. Muôn ngẩng mặt cười ngơ ngác. Như Muôn thì có ai lấy làm chồng. Đến một chiếc đèn pin đi đêm ước đến hai năm cũng chưa có mà. Nhưng ngay trưa hôm đó Muôn đã có vợ, có của hồi môn bằng vòng bạc, váy mới và hẳn một con lợn bột, có một tiệc cưới linh đình mà bất cứ chàng trai, cô gái nào cũng phải thèm muốn, tất cả đã được bí thư Chi lo, cả vợ cũng vậy. Nhưng Muôn không thích làm bạn với vợ, anh làm bạn với cái cây muổm cồ thụ đầu bản. Buổi sáng Muôn nằm lăn lộn trên mặt cỏ ướt, nghe thấm vào mình hơi sương lành lạnh. Buổi sáng, Muôn hà hít tìm hơi đám con gái rúc rích tối qua. Anh trật quần, ghếch chân đái thành cầu vồng. Buổi sáng, Muôn cọ háng vào rễ cồ thụ xù xì nhô thon trên mặt đất, Muôn đã lớn rồi và đã kịp trở thành đàn ông trước khi lớn. Buổi sáng, tôi bắt gặp Muôn ở gốc Muổm cồ thụ, Muôn bảo: Anh cũng cọ háng vào đó đi, sau này trở thành đàn ông rồi thì không biết sợ đàn bà nữa. Muôn không biết cha mẹ mình. Bí thư Chi nhặt về cho ngủ trên gác xép chuồng lợn, cho ăn cơm. Muôn lớn lên trong nhà bí thư Chi, anh làm đủ thứ việc, nhưng không đi học. Thực ra có hồi muôn cũng muốn đi học, còn làm dỗi với bí thư Chi. Nhưng ông bảo mày không cần đi học vẫn có vợ được, còn chữ ký, thì chỉ cần biết vẽ chữ “M”. Bây giờ, Muôn đã biết ký tên bằng chữ M, thực ra cũng chẳng có mấy cơ hội để khoe chữ, anh là cán bộ của xã. Bí thư vừa là xếp, vừa là ông chủ, vừa là cha mẹ.
“Thầy giáo không tốt đâu. Muôn kể ấm ức. Khi thầy vào bản, em mừng quá, em đi bắt con cá suối to nướng cho thầy uống rượu. Song rồi buổi tối, thầy say, thầy đi tán cô giáo, gặp Muôn ở đó, thầy bảo: Mày cút cồ mày đi, đồ gà ri, ba tuồi ranh đã lấy vợ.”
Căn buồng của người phụ nữ Thái nó mới tối tăm làm sao. Ngay cả khi con mắt quen với bóng tối người ta vân không thể nhận ra được đâu là bàn tay bên phải, đâu là bàn tay bên trái. Căn buồng ấy đầy mùi ẩm mốc và những tiếng thở dài, ở phía trong không có một cái then nào cả nhưng ở ngoài lại có một ống khóa to. Buổi tối, khi Muôn ngồi cầu treo tán gái, anh đem ống khóa khóa vợ ở lại trong buồng, còn chìa khóa thì “nuốt ực vào bụng”- như cách nói của anh. “Đã có chồng rồi thì tối không cần phải mặc đẹp, đi chơi làm gì”.
Vợ Muôn không đẹp, không xấu, ngực to, mông nở, ít cười, ít nói. Có nó như có con trâu tốt trong nhà. Đáng lý nó không lấy Muôn, kẻ ở đợ, nhưng vì chính bí thư Chi là người đi hỏi, bởi thế mẹ vợ không đồng ý không được. Hôm tôi sang Muôn chơi, Muôn đã cưới vợ được cả năm, bà mẹ Thái ấy vẫn nhìn thằng con rể “mặc áo nhà nước ăn cơm nhà” mà thở dài. Muôn như con heo, con chó, tay to, chân to nhưng ít nghĩ. Không có cái gì là của riêng Muôn hết.
Bí thư Chi đã ngoài 60, dáng nho nhã, bước chân mềm nhẹ như chân báo. Hôm theo ông từ huyện lên, tuồi trẻ của tôi đã không thắng được những bước chân báo ấy. Bí thư đi dốc như dê núi, trên vai ông, tất tật quần áo máy móc của chúng tôi, nom ôm đồm chất chồng như thể ngựa thồ . Mỗi độ đến suối, ông cởi truồng đầm mình dưới dòng nước lạnh giá, vùng vẫy như con trâu. Hoang dã, tự nhiên. Đôi khi tôi đọc được trong mắt ông ý tưởng đế vương. Rừng này, suối này, cả những con người nữa, đều là của ông, đều trong tay ông. Người miền núi thì vốn đã sống cam chịu. Ngay ở trong bữa cơm đầu tiên tại xã, bí thư muốn chủ tịch phải rót hầu rượu, hầu khách, hầu cả thằng giao liên Muôn, kẻ ở đợ không nhà. Ông đã làm bí thư được cả chục năm, tiếp theo cả chục năm làm bí thư của cha ông. Họ này đã được phát về dòng bí thư, bây giờ dân chủ, không có chuyện cha truyền con nối, nhưng cái uy, cái lực của chuyện họ mạc thì còn vượng lắm.
Bí thư Chi có nhà ở ngay mó nước nóng. Nhà sàn hai tầng, có ao cá, có máy phát điện Trung Quốc và đặc biệt là có một con “lợn của”. Một thứ giống kỳ dị, quái thai, một thứ vật không giống vật đã thành tinh. Xơ trụi lông, những chiếc núm vú to như ngón chân cái kéo lọet quẹt trên mặt đất. Đôi mắt ti hí, ánh lên những cái nhìn vương quyền. Cả cái bản Mường Cờ mấy chục nóc nhà này là nhà của nó, nó muốn ăn gì, ngủ đâu cũng phải chiều. Nhưng có khi người ta lại lấy thế làm mừng. Kệ cho nó vào vườn ăn rau, sớm mai sang thưa với bà bí thư còn được cho lại gấp đến mấy lần. Chính Muôn kể lại với tôi rằng: “Mỗi khi đi đòi nợ, đằng trước là hai dân quân đeo súng, sau là đến con lợn, sau nữa là Muôn giao liên, sau nữa lại là hai dân quân đeo súng”.
(Hình minh họa, nguồn Internet)
Thấy vật như thấy người vậy. Muôn bảo hồi xưa anh lấy được vợ là do bố vợ hồi còn sống nợ tiền bố bí thư Chi. Nợ từ hồi con lợn của nó còn trẻ con chưa dám đi bậy, ăn bậy. Nợ cho đến khi con lợn đã thành tinh rồi. Muôn nói với tôi như vậy, đoạn, anh cũng thở dài.
Nhà Bí thư bầy tiệc đãi khách. Tiệc này là tiệc sang trọng vì có cả một đội xòe góp vui. Bí thư ngồi quay mặt ra cửa, quay lưng vào sạp xòe, ngồi chính trung tâm căn nhà. Lởn vởn xung quanh ông là mấy người phụ nữ. Người phụ nữ Thái tận tụy, tận tụy từ cái eo hông rắn khỏe như cái cổ con trâu núi, tận tụy cho đến cái khuôn mặt nhẫn nại như chẳng bao giờ cười. Họ cứ lặng lẽ đi lại, rót rượu, bưng bê. Đôi khi, nhìn vào sự nhẫn nại của họ, tôi có thể tưởng tượng ra tiếng thở dài trong những đêm thao thức, thứ thao thức bị nhốt trong buồng kín bịt bùng.
Giữa tiệc, Bí thư chợt nhớ ra một chuyện, ông bảo Muôn: “Mày sang đóng cửa mó nước nóng, hoãn dân tắm ba hôm, tháo nước sang ao kẻo mấy con cá chết cóng cả lũ bây giờ”. Giọng ông thản nhiên như không.
4. Chúng tôi cố gắng đi vào các bản xa của người Mông nằm cheo leo trên những lưng núi yên ngựa, nơi mù trời sương núi và lép nhép mưa rừng. Cuộc sống lắt lay như con vắt. Người Mông bản Chăm nghèo quá. Trên cột thờ, những chiếc lông gà gắn bằng nhựa cây rừng giờ đã bạc, không còn nhận ra màu sắc lông con gà nữa. Lâu lắm rồi họ không dám thịt một con gà để có lông mới gắn lên cột thờ. Một xó của thế giới bị bỏ quên. Trên bếp lửa cháy hắt hiu, những cành củi còn tươi mới gom được ở góc vườn tỏa ra một thứ khói nhạt thếch, không đủ xua đi được hơi lạnh tràn qua mọi khe liếp tràn trụa trong ngôi nhà. Đấy là nhà anh Tiếp. Nhưng te tướp nhất, hắt hiu nhất trong mái nhà không lớn hơn chuồng trâu có lẽ chính là bà cụ, mẹ của anh. Bà cụ được nghe giới thiệu có cán bộ trung ưong lên là lập tức ùa ra khóc. Bà nói rất nhiều, nói về cái đói, cái khổ, cái lạnh. Giọng khô, ít hơi và nhiều nước mắt. Tôi nghĩ mình không mong tìm được cái gì xa xỉ hơn là nước mắt và những lời than vãn.
Khi mà người ta đói, người ta không nghĩ gì lớn hơn miếng ăn cả. Không có giường chiếu, chỉ có một cái chăn của nhà nước cho. Chăn bám ghét, đen nhẫy. Thương mẹ, anh con trai nhường chăn cho cụ. Thương cháu nhỏ, bà cụ nhất quyết không đắp. Đêm đêm, trong nhà chỉ có một đống lửa nhỏ, cụ lấy tất tật quần áo mặc vào người, quấn quanh mình. Bây giờ, có lẽ chiếc chăn vẫn vắt giữa nhà. Vì sự thương xót, ai cũng cố chấp, không ai nhẫn tâm để đắp chăn một mình cả.
(Hình minh họa, nguồn Internet)
Bấy giờ đã là 11h trưa, trên bếp, có bắc một nồi nước sôi. Cái nồi nước ấy cứ được nấu đi nấu lại mãi. Sôi. Cạn. Lại chêm nước. Cứ nấu cho nó có không khí của một bữa ăn. Khái niệm đói đứt bữa chưa hề được xóa trên bản đồ Việt Nam.
Tôi đưa vào tay bà cụ gói lương khô, 50 ngàn bạc cụ Hồ. Bà cụ sững sờ, mắt lớn như mắt trâu, không dám nhận. Sau này anh Bung, trưởng ban văn hóa xã nói rằng trong nhà người Mông chẳng bao giờ có nổi đến ngần đấy tiền. Bằng đó tài sản nó lớn quá, nó như cả bồ thóc trong nhà. Bà cụ không còn đủ tin tưởng để nghĩ tốt đẹp hơn. Thậm chí cụ còn hỏi anh Bung xem là cán bộ nó muốn gì, tại sao nó lại cho tiền. Nói mãi bà cụ mới cầm, cầm bằng hai tay và ánh mắt vẫn chưa thôi mở lớn nghi ngờ. Thế rồi cụ lẳng lặng bới lục trong mớ tài sản tòan quần áo rách, cáu đen của mình. Mãi, mới lôi ra được một quả chuối còi như ngón chân, để lâu quá, vỏ đã nhuộm màu đen. Cụ đưa cho tôi bằng bàn tay run run, ánh mắt như không nỡ rời quả chuối. Tôi không dám tin là bà cụ tiếc, mong cho tôi không nhận, mặc dù anh Bung cố thuyết phục rằng tôi không nhận quả chuối ấy là đúng, rằng bà cụ tiếc lắm, nhưng đã có tỏ ra hiếu khách.
Mỗi năm tôi đi miền núi một lần. Cùng ăn, cùng ở, cùng suy nghĩ với bà con. Mục đích là để tìm lại sự thanh thản sau những tháng ngày lăn lộn cùng công việc, những sự nguy hiểm rình rập, và căng thẳng nhất là luôn phải đối mặt với tham vọng. Khi đứng ngước mặt nhìn núi, ăn bữa cơm thơm dẻo nhưng đắng vị mồ hôi, mới thấy những tham vọng của mình thật là nhẫn tâm. Người miền núi, đồng bào, cho mình nhiều hơn những gì họ biết.
(Dấu Chân Online số 10 chuyển thể từ ký sự "Đi ngược Cổng Trời" của nhà báo Đào Tuấn)
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho chúng ta
Những đau đớn hằn vết trong trái tim anh đều do em cả. Em không mong mình sẽ là người khâu vá lỗ hỏng ấy, chỉ mong anh hãy quên em và đừng yêu em thêm nữa. Tình yêu này không nên tồn tại. Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho cả hai chúng ta.
Trả Lại Anh Cho Cô Gái Khác | Radio Tâm Sự
Sau chia tay, có ai không bi luỵ lẫn tổn thương… chẳng qua chúng ta chỉ khác nhau ở thời gian chữa lành mà thôi. Có người cần một tháng, có người cần một năm, có người cần thời gian đủ lâu và có kẻ chấp nhận dùng cả một đời để học cách quên đi một người.
Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909
Ngày hôm đó chúng ta đã nói sẽ luôn nhớ tới nhau, sẽ giữ trọn vẹn trong tim mối tình của năm tháng ấy. Nhưng anh biết không, mỗi người chúng ta ai rồi cũng đều khác, lời hứa năm đó cũng chỉ là tên gọi khác của lời tạm biệt mà thôi.
Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908
Dây xích sắt trượt dài trên thanh chắn cửa, rít lên một tràng âm thanh chói tai, kết thúc bằng tiếng đáp đất nặng trịch. Trời lặng gió, áng mây vắt ngang qua ngọn cây, trong đêm tối không trăng không sao, chiếc lồng đèn cũ phủ một lớp bụi mỏng
Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907
Mưa rơi, làm hình bóng anh trong mắt cô mờ đi, gương mặt điển trai sau màn mưa trắng chẳng rõ đang vui hay buồn. Mưa vẫn không ngừng xối lên thân ảnh liu xiu của anh, lớp áo sơ mi trắng dính vào da lộ ra vết sẹo dài chạy dọc theo cánh tay khẳng khiu.
Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906
Bạn chính là chủ nhân của cuộc đời mình. Tương lai ra sao, do bạn định đoạt. Đừng để năm tháng trôi qua, trong bạn chỉ toàn là tiếc nuối.”
Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905
Đôi khi, sự ra đi của người khác là lí do để ta nhìn lại mình. Nhìn lại những gì mà bản thân đã cư xử. Có phải vì ta chưa đủ trưởng thành? Có phải vì ta vẫn còn quá cảm xúc và bi kịch hoá mọi thứ?
Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904
Nếu bạn độc thân, hãy tận hưởng điều đó. Độc thân không có nghĩa là chưa đủ tốt để yêu. Độc thân nghĩa là chưa có ai đủ tốt để được bạn yêu.
Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903
Muốn ngắm bình minh, phải dậy thật sớm. Muốn tạm biệt ngày tàn, phải vẫy chào hoàng hôn. Hạnh phúc của mình nên tự mình nắm lấy...
Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902
Một giấc mơ dang dở dấy lên trong lòng tôi một sự hiếu kỳ với dáng vẻ của hạnh phúc. Nếu bước qua lằn ranh giữa quá khứ và hiện tại, tôi sẽ thấy được điều, có phải kết cục sẽ vẹn tròn hơn không.