Phát thanh xúc cảm của bạn !

Blog Radio 790: Vì anh thương em như thương màu điên điển (Phần 1)

2023-01-07 00:05

Tác giả: Nguyễn Thị Loan Giọng đọc: Hà Diễm, Sand

Người ta nói đa đoan là phận hồng nhan, là phận gái, càng đẹp lại càng khổ. Người ta thường thích trêu ghẹp những bông hoa dại nhưng rồi vẫn trở về với những đóa hoa có danh, có phận được cắm ở trong bình. Những đóa hoa dại mong manh, không còn cách nào khác ngoài việc buộc phải trở nên mạnh mẽ, kiên cường. Trong Blog Radio của tuần này, mời bạn lắng nghe truyện ngắn Thương màu điên điển, được gửi từ tác giả Nguyễn Thị Loan.

Tôi về đến nhà khi trời đã về chiều. Ánh nắng bên ngoài vẫn còn vàng ruộm như những chùm điên điển đang nở kín ngoài bờ kinh. Tôi nhắm mắt, nghe gió từ kinh thổi vào mát rượi, thấy nỗi chán chường đang nằm vắt ngang lồng ngực dường như cũng theo gió mà bay đi mất.

Tôi kéo chiếc vali lệch xệch vô nhà, từng tiếng lộc cộc vang lên theo mỗi lần bánh xe miết vào nền gạch. Giờ này chắc Út chưa về, vẫn còn đang mải miết bên ruộng hoa ngoài bãi. Tôi cất đồ vô phòng, rồi chèo xuồng ra kinh hái điên điển về ăn. Đương mùa nước nổi, hoa trải vàng cả một bờ kinh, những hàng cây xanh um lao xao trong gió. Tôi tấp xuồng lại gần, giơ tay lặt từng chùm bỏ vô rổ, những bông hoa nho nhỏ, cánh hoa vàng hình con dụ mỏng tang, nhìn thương sao là thương. Thương như đời của Út.

Út không phải chị tôi. Út là dì tôi, hơn tôi mười hai tuổi. Tôi không có ba, má lên thành phố làm công nhân được chừng mấy năm thì mang bầu tôi. Rồi sau đó, má ôm bụng bầu về ở với ngoại tôi và Út. Sinh tôi xong, tới hồi tôi được một tuổi, má lại đi. Mỗi năm má về được hai lần thăm tôi, rồi lại tất tả theo chuyến xe đò tròng trành  lên thành phố. Tôi ở nhà với ngoại và Út, mỗi một năm lại ngóng trông ngày má nghỉ phép về thăm, cười hết lớn mỗi lần má mua cho con búp bê hay bộ quần áo mới, rúc vào má ngửi mùi dầu gội thơm thơm trên tóc. Năm tôi lên sáu, má chào tạm biệt tôi lên thành phố, rồi không về nữa. Người ta nói, lúc má băng qua đường ở cổng khu công nghiệp, có một người tài xế xe hàng không nhìn thấy má. Ngoại, Út và tôi đón má về, đặt má nằm ở doi đất nhìn ra bờ kinh có chùm điên điển đang trổ bông vàng rực. Ngày đó, Út mới tròn mười tám.

blogradio_vi-anh-thuong-em-1

Má tôi mất, Út tốt nghiệp xong cũng không học lên đại học, dù Út học giỏi lắm. Út mở tiệm may, Út trồng hoa, Út chèo xuồng ra chợ nổi bán trái cây…Nghề gì cũng được, miễn kiếm được tiền cho tôi đi học. Má mất chừng hai năm, ngoại cũng bỏ tôi với Út mà đi. Ngày ngoại mất, tôi nhìn Út ngồi im lìm, lặng lẽ đốt từng tờ tiền giấy. Út không khóc, mà cái dáng cô độc lặng lẽ gầy gò đó cứa vào lòng tôi hệt như lưỡi dao mài thiệt sắc…

Út đẹp lắm. Mái tóc dài mát rượi thẳng tắp tới thắt lưng, thơm thơm mùi lá bưởi. Đôi mắt đen tròn nhìn một lần cũng đủ khiến người ta thương hoài không dứt. Tôi biết, có nhiều người theo đuổi Út, mà vì tôi Út đều lắc đầu xua đuổi. Bởi người ta chỉ thương Út, chứ đâu có muốn đèo bòng thêm một đứa trẻ như tôi.Tôi không dám nói gì, nhưng Út biết. Út ôm tôi vào lòng thật chặt, bàn tay không ngừng vuốt lên mái tóc ngắn ngủn của tôi. Út bảo, đời này không ai có thể tách tôi ra khỏi Út. Có những đêm mưa tôi giật mình tỉnh giấc, thấy vòng tay Út vẫn ôm tôi không rời. Trong cơn mơ màng, bàn tay gầy guộc vẫn nhè nhẹ vỗ lên lưng tôi, dịu dàng như đang vuốt lên từng cánh điên điển nhỏ.

Út đẹp. Bởi đẹp, nên người ta ghét. Đàn ông không lấy được Út nhưng lại tương tư. Hoa ngoài đồng nhìn lúc nào cũng đẹp hơn hoa đã hái về bày trong lọ. Năm tôi mười bốn, người ta kéo tới nhà bắt ghen Út. Tôi đi học về, thấy ngoài ngõ người bu đông đỏ. Chen vào trong sân, tôi thấy Út ngồi co ro một góc. Người ta túm tóc, đánh Út liên hồi. Mắt tôi đỏ lên, tôi nhào tới kéo người kia ra, giang tay che cho Út. Cái bạt tai đau điếng giáng lên má khiến tôi ngã nhào xuống đất, vị tanh tanh mằn mặn tràn lên đầu lưỡi rồi thấm ướt cả bờ môi. Vệt màu đỏ tươi đập vào mắt khiến Út như hóa điên. Út bật dậy, vớ lấy cây đòn ngoài góc quật liên hồi vào những người trước mặt. Út nhặt cả con dao Út vẫn hay băm lục bình cầm lăm lăm trước ngực. Mắt Út đỏ quạch, tiếng Út gầm gừ trong cổ họng khiến người ta phát lạnh:

- Đứa nào đụng vào con nhỏ, tao chém!

Đám người kia hoảng hốt bấm nhau lui, vẫn không quên bỏ lại bên tai tôi và Út những lời chửi bới. Tôi lồm cồm bò dậy, rúc vào lòng Út. Con dao bầu tuột khỏi tay Út rơi xuống đất kêu keng keng, còn Út gục đầu vào vai tôi òa khóc. Bên ngoài bờ kinh, gió vẫn đang lồng lộng thổi…

anh-co-danh-roi-nhip-nao-4

Sau ngày hôm đó, tôi xin Út cho tôi đi học võ. Út gật đầu, mà từ đó Út cũng không còn là Út hiền lành như ngày xưa nữa. Út đành hanh, chỏng lỏn. Có chút chút thôi, Út cũng chửi bới om sòm. Mà càng là đàn ông, Út lại càng chẳng kiêng dè. Có chiều tan học, tôi thấy một người đàn ông ôm đầu chạy vụt ra khỏi cổng nhà, còn Út, tay cầm chiếc đòn dài chống đất, miệng tuôn ra từng tràng từng tràng chửi bới. Tôi nhìn theo bóng người kia chạy mất dạng, lại nhìn về phía Út, nghe lòng nặng trĩu.

Năm tôi mười lăm, xóm nhỏ đơn sơ đón thêm một người. Ngôi nhà cách vách vốn bỏ không,nay lịch kịch sơn sơn sửa sửa. Chú An hàng xóm mới ở tù về. Ba má với anh chị của chú đã dọn lên thành phố từ vài năm trước, để lại cho chú mảnh đất có cây mù u già với căn nhà đã dãi dầm bao mùa mưa nắng. Nghe người ta nói, chú bị bắt giam vì tội đánh người gây thương tích. Bởi vậy lúc chú về, người trong thôn chỉ đứng từ xa xầm xì chỉ trỏ. Chú cũng không để ý, cứ thủng thẳng thu xếp, rồi mở một cái xưởng mộc ngay nhà. Nói là xưởng, chứ nó chỉ là một căn phòng nhỏ, trong bày đầy đồ gỗ. Mà cũng chỉ có mình chú lụi cụi làm. Được cái, chú khéo tay dữ lắm, cái bàn cái ghế, cái chạn đựng đồ nhìn cưng hết sức. Nhà tôi dột, cái chái nhà mưa tới là lũng bũng nước. Út trèo lên dăm hoài mà được đâu vài bữa lại y chang. Chú An nhìn thấy Út loay hoay trên mái, chẳng nói chẳng rằng cũng trèo lên hì hục. Cái tủ gỗ bị mối ăn vẹt một bên suốt bao năm, cũng được chú đổi bằng cái mới đóng bằng gỗ mù u. Út mang tiền sang trả, chú hờ hững lắc đầu, kêu Út không thích dùng thì đem bỏ. Nói xong chú lạnh te quay ra đục đẽo mấy cái đồ gỗ đang làm dở. Út hết cách, bỏ tiền lên bàn rồi quày quả bỏ về. Vậy mà tới chập tổi từ ngoài đồng về, đã lại thấy mớ tiền được bỏ trong bọc nằm ngoài sân. Tôi nằm gối đầu lên đùi Út thỏ thẻ hỏi, Út thấy chú An sao. Út cốc đầu tôi cái chóc, cấm tôi không được nghĩ linh tinh. Út bảo, ngày xưa chú An với Út học chung lớp, nhưng cũng chỉ thế mà thôi. Tốt nghiệp rồi, Út không đi học nữa, còn chú thì đi làm ăn xa. Tới chừng hơn năm thì Út nghe người ta nói chú đánh người bị bắt vô tù. Tôi tò mò hỏi Út, vậy Út ghét chú An lắm hả. Út lắc đầu, người ta có làm chi mình đâu mà ghét. Tôi ngập ngừng, vậy sao Út không ưng? Út cười cười, mày làm như chữ ưng dễ nói lắm á. Tôi  rối rắm, vậy là Út ưng hay không ưng, mà Út đã ngủ say mất rồi. Hơi thở đều đều phả lên trán tôi ngưa ngứa, êm êm như làn gió nhẹ chạy lướt mặt kinh.

Chú An về thôn được chừng dăm tháng, chú lại đánh người ta bầm mặt. Ra người kia uống rượu xỉn, đi ngang ngó thấy Út đang ngồi may áo. Đôi má hồng hồng, hàng mi cong vút, làn da trắng nõn ẩn hiện trong tà áo khiến người đó càng như say. Chú An nghe tiếng Út la, chạy vội sang nhà. Nhìn thấy Út bị đè dưới nền gạch, mắt chú đỏ ngầu như dòng sông mỗi lần dâng lũ. Lúc chòm xóm bu lại, chỉ thấy người kia nằm co quắp trên nền gạch, mặt mũi tím bầm. Chú An vừa nắm tay Út, vừa gằn giọng:

- Từ giờ thằng nào xớ rớ tới cổ, coi chừng tao!

Người trong xóm nhìn nắm đấm chú giơ lên, lại nhìn đôi mắt vằn lên từng tia máu của chú, chẳng hó hé gì.  Đàn ông không dám chọc ghẹo Út nữa, nhưng những người đàn bà túm tụm với nhau, xầm xì, nói Út với chú đúng là trời sinh một cặp, đàng trai thì tù tội, đằng gái thì lẳng lơ. Tôi nghe được, ức phát khóc, lao vào cãi tay đôi với người ta, còn bị người ta chửi đồ không cha không mẹ. Lời tới tai chú An, chú đi vào quán, chiếc giầy hầm hố đạp lên mặt bàn. Chú rút trong túi áo ra một điếu thuốc, chậm chậm mồi lửa, rồi cúi xuống sát mặt người ta nhẹ nhàng nhả ra từng chữ:

- Còn tào lao, có tin tui đốt rụi cái quán này của bà không?

Nói xong, chú dửng dưng bước ra ngoài, trước khi đi còn quay lại làm cái dấu đưa tay lên ngang cổ. Người ta sợ rúm ró, còn tôi và Út từ đó bình yên hẳn. Ngày tôi đỗ đại học đi xa, tôi cầm tay Út rưng rưng, nói Út hay ưng chú An đi. Tôi đi rồi, có người chăm Út. Út lắc lắc đầu, còn vuốt tóc tôi dặn ngược:

- Hồng nhan bạc mệnh. Mày đẹp hệt như má mày, ráng mà giữ gìn nghen con. Đàn ông không có đáng tin, nên má mày mới khổ. Rồi khổ lây sang mày. Bởi vậy, tao hổng có ham.

Tôi rớt nước mắt, nghe nỗi sầu trong lòng mênh mang như con nước nổi…

me_1

Tôi rời xa Út, bắt đầu cuộc sống của riêng mình. Thời gian của tuổi thanh xuân bị cuốn đi bởi những giờ lên giảng đường miệt mài, những buổi làm thêm bất tận. Bên cạnh tôi có thêm một bờ vai. Khang, người bạn trai cũng đến từ vùng nước nổi, cũng giống như tôi lên thành phố với đôi bàn tay trắng. Những buổi hò hẹn đơn sơ với quán cóc ven đường, ly nước mía, chiếc bánh mì cũng làm tôi thỏa mãn. Tốt nghiệp, hai đứa vào làm chung một công ty.  Vốn tưởng hạnh phúc đơn sơ sẽ kéo dài mãi mãi, nhưng hóa ra, mãi mãi cũng chỉ là một danh từ đếm được. Những lạnh lùng của nỗi lo cơm áo gạo tiền, những đau đáu bồn chồn của ước mơ hoài bão bị cuộc sống mài mòn từ lúc nào đã khiến cho lòng người thay đổi? Thời gian tôi và anh dành cho nhau bị công việc vắt đến kiệt cùng. Cho tới một ngày, tôi mơ hồ thấy Khang cười dịu dàng với cô bé mới vào, trong ánh mắt sóng sánh như chan đầy nắng. Tôi quay lưng đi, gượng cười khi nhìn thấy đôi mắt đau đáu của Kiên, người sếp, người đàn anh khóa trên đã giúp tôi từ lúc tôi mới bước chân vào cánh cổng trường đại học. Kiên hỏi tôi:

- Em ổn không?

Tôi bật cười, nghe trong lòng chua chát. Kiên thở dài:

- Cứ tự mình chịu đựng hoài không mệt sao em?

Tôi im lặng không nói, anh đưa tôi một chậu xương rồng đã nở hoa. Bông hoa nhỏ xíu xiu, màu hồng rực, nằm dịu dàng bên những chùm gai nhọn hoắt. Tôi nhận lấy, chạm ngón tay vào những chùm gai, cảm nhận cơn đau nhói từ đầu ngón tay truyền tới. Kiên lắc đầu cầm ngón tay tôi đặt lên cánh hoa màu hồng mướt mát:

- Xương rồng, đâu phải chỉ có gai?

Tôi chưa kịp đáp lời, cánh cửa phòng đã bật mở. Bạn trai tôi, cùng với cô bé mới vào đứng nhìn tôi trân trối. Tôi nhìn Khang, còn anh ném cho tôi cái nhìn lạnh băng và một bóng lưng quyết tuyệt.  Tôi nghĩ buổi tối gặp lại, có khi chờ đón tôi sẽ là những tràng cãi vã không hồi kết. Tôi đưa tay lên xoa trán, cố vuốt cho phẳng đôi mày đang vô thức nhăn lại. Chỉ là hóa ra tôi đã nhầm, tối đó Khang không về, điện thoại cũng không có lấy một dòng tin nhắn. Nhưng nhanh lắm, chỉ như con sáo bay một hồi là qua hết con sông, tôi đã biết tối đó anh ở đâu, ở bên ai. Khi anh cầm tay cô bé mới vào, dùng ánh nhìn như thách thức, và thản nhiên buông lời nói chia tay, là tôi đã biết. Tôi ngồi lặng im nghe Khang oán trách, trách tôi không dịu dàng như cô gái ấy, không đủ quan tâm anh, chỉ biết vùi đầu vào công việc. Trách tôi đứng bên này sông lại ngó bên kia. Nói xong, anh cũng ôm đồ đi, rời khỏi căn phòng chúng tôi đã thuê chung, cũng rời khỏi công ty nơi chúng tôi đã từng gắn bó. Tôi nhìn Khang rời đi, không phẫn nộ, cũng chẳng rơi một giọt nước mắt, chỉ là tôi biết, trái tim mình lúc này giống hệt như cánh đồng mùa khô hạn, cằn cỗi và chằng chịt những vết nứt.

thanh_xuan_12

Một thời gian ngắn sau khi Khang nghỉ việc, tôi và đồng nghiệp chết lặng khi thấy bản thiết kế bộ sưu tâp xuân hè năm sau của chúng tôi nằm chình ình trên tạp chí công ty đối thủ. Công sức của chúng tôi, những ngày tăng ca miệt mài, những buổi họp, những bản vẽ sửa đi sửa lại, những bữa ăn vội vàng là cốc mì tôm hay những chiếc bánh mì không…bây giờ đang nằm ngạo ghễ trên trang bìa của người khác. Kiên nhìn tôi ngồi ngây ngốc trước bàn làm việc, hỏi khẽ:

 - Em biết là ai rồi, đúng không?

Tôi gật đầu. Chỉ là, tôi không nỡ tin, bao năm thanh xuân dành cho người đó, đổi lại là một nhát đâm ngọt sắc, triệt để khiến cho lòng tôi lạnh lẽo. Tôi cố gắng kiềm chế, mà nước mắt cứ chảy ra. Kiên ôm tôi vào trong ngực, còn tôi, đã quá mệt mỏi để từ chối. Tôi vừa cười vừa hỏi Kiên:

- Em ngu ngốc quá phải không anh?

Kiên lắc đầu:

- Không, mà tại em mạnh mẽ quá, khiến người ta áp lực.

Tôi bật cười, tự lúc nào, mạnh mẽ quá cũng biến thành lầm lỗi, thành lý do để người ta tổn thương mình? Kiên hỏi tôi:

- Em định làm gì với cậu ta?

Tôi im lặng nghe lòng mình nổi sóng. Ngày Khang rời đi, tôi tưởng mình đã chết lặng, mà bây giờ phẫn nộ, đau thương, cay đắng đua nhau cào xé trong lồng ngực, Tôi chua chát:

- Làm gì ư? Lấy đâu ra bằng chứng? Chung quy cũng là lỗi do em, tin người một cách ngu si và bất cẩn.

Kiên nhìn tôi ngập ngừng:

- Có phải…em còn thương?

Tôi lắc đầu:

- Từ đó với em giờ xa xỉ quá. Bây giờ đau em còn chẳng đủ sức, nữa là thương?

- Nhưng …anh đau!

Kiên siết tay tôi chặt hơn. Tôi rũ mi, rồi lặng lẽ rút khỏi tay anh:

- Từ giờ tới ngày ra mắt bộ sưu tập còn gần 1 tháng nữa. Em muốn về quê. Kí giấy phép cho em nhé.

- Em… có quay lại không?

Tôi tránh ánh mắt Kiên, ngập ngừng:

- Có thể…

Nói rồi tôi bước ra cửa, nghe tiếng Kiên vọng lại buồn buồn:

- Về nhé, anh chờ…

Vậy là tôi đi. Chiếc xe đò tròng trành rời thành phố, bỏ lại sau lưng những hoa lệ và cả những lạnh lùng. Tôi đứng trên phà, nghe gió ngoài sông thổi vào mát rượi. Tới lúc về đến nhà, ngắm cánh cổng sơn nước đã lên màu bạc phếch, ngắm giàn hoa thiên lý Út trồng mới thấy lòng dịu lại.

 Khi tôi nấu cơm xong, Út cũng về tới nhà. Thấy tôi, Út ngạc nhiên, niềm vui hiện lên trong ánh mắt không hề che giấu:

- Ủa, sao bây về bất ngờ vậy?

Tôi cọ cọ vào lòng Út cười:

- Nhớ Út chứ sao. Bộ Út thấy con về Út hổng vui hả?

Út gõ đầu tôi cái chóc:

- Lớn rồi còn y chang như con nít. Sao, bây về được lâu hôn?

- Về chừng nào Út đuổi thì đi.

- Vậy thằng Khang nó có về cùng không?

- Vòng tay tôi đang ôm Út khẽ cứng lại. Tôi cười buồn:

- Chia tay rồi Út ơi…

Bàn tay Út đang vuốt tóc tôi cũng khựng lại, tôi nghe được tiếng Út thờ dài thật khẽ. Út không hỏi tôi tại sao, cũng không có hỏi tôi buồn không. Vì Út hiểu, những câu hỏi đó chỉ khiến lòng tôi thêm khó chịu. Út kéo tay tôi:

- Thôi ra ăn cơm. Lên thành phố mà gầy nhẳng nhơ, riết hổng biết bây ăn ở cái kiểu chi chi nữa.

Tôi cười, ngoan ngoãn theo sau Út. Bữa cơm với canh điên điển, cá linh ngon muốn nuốt lưỡi, cùng đôi mắt đầy yêu thương của Út như cơn mưa đầu mùa xoa dịu tâm hồn khô cằn nứt nẻ của tôi. Đêm tôi nằm ôm Út ngủ. Tôi thì thầm hỏi Út:

- Út nè, Út với chú An sao rồi?

Người Út hơi cứng lại, nhưng chỉ một thoáng mà thôi. Út trả lời qua quýt:

- Sao là sao? Hỏi tầm bậy tầm bạ không à.

Tôi cứng đầu, ngửa cổ lên nhìn sâu vào mắt Út:

- Con hỏi thiệt. Chú An thương Út lâu rồi, ai mà hổng biết.

Hỏi xong câu đó, mãi chẳng thấy Út mở lời. Lâu thật lâu, tôi mới nghe Út thờ dài thật khẽ:

- Người ta sắp lấy vợ rồi, Ở đó mà thương với nhớ.

Tôi ngây ngốc, nghe lòng chua xót khó nhịn. Cảm thấy tim đau còn hơn ngày Khang nói chia tay. Út của tôi, Út đáng thương của tôi. Giờ tôi mới thấu, chắc lúc Út biết tôi chia tay lòng Út cũng đau nhiều lắm. Hốc mũi tôi cay xè, mà tôi không dám khóc. Nghe vẳng vẳng câu hát từ cái đài radio cũ mèm nhà cô Tư cuối xóm vọng lại:

Rồi thì sáo cũng sang sông
Bỏ trong dĩ vãng tấm lòng mồ côi
Bạc Liêu cùng với qua mùi
Nhớ thương em bậu khóc mùi một phen

Sáng hôm sau, khi tôi dậy, Út đã ra chợ nổi bán hàng rồi. Út để cho tôi tô bún, nước lèo thì để trong nồi. Tôi ăn xong, nhịn không nổi kiếm cớ bước qua nhà chú An. Út nói, chú sắp lấy vợ, mà tôi cũng không dám hỏi thêm gì, Chú thấy tôi, hàng lông mày nhăn chặt giãn ra, chú cười:

- My về hả con? Về lâu chưa?

- Dạ con về chiều qua, có chút quà con mang sang biếu chú.

- Khách sáo vậy bây? Chừng nào cho tao ăn cỗ?

- Dạ, chắc lâu lắm ớ. Mà,có khi con còn được ăn cỗ của chú trước nè

Tôi vừa đáp, vừa len lén ngó chú An. Mà chú, nghe câu trả lời của tôi, bỗng nhiên trầm hẳn xuống. Chú hỏi tôi:

- Ai kể bây nghe?

- Dạ, Út con kể

- Rồi, cổ nói gì nữa không?

- Dạ..hổng có..

Chú nghe xong, ánh sáng như tắt đi trong mắt. Chú nhìn tôi cười, mà nụ cười sao héo hắt:

- Ừa, tao sắp mời bây cỗ đó. Ráng mà về dự nghen con

Nghe Út nói, lòng tôi đã đau. Mà giờ nghe chú nói, lòng tôi như xát ớt. Tôi run run hỏi:

- Thiệt sao chú? Hổng phải chú thương Út con sao?

Chú không trả lời mà cầm chén rượu trước mặt lên uống cạn một hơi. Uống rồi, chú tặc lưỡi than:

- Rượu nay sao cay dữ ta? Thôi, bây về đi, tao ra đầu xóm mua xị khác.

Tôi dạ khẽ, bước ra ngoài. Ngoái đầu dòm lại, thấy chú lại rót chén khác. Tôi quay đi, hỏi lòng sao tôi không uống rượu mà cuống họng cũng cay xè, thậm chí, còn thấy cả vị cay dâng lên mắt.

Tôi ôm trái tim nặng trĩu trở về nhà. Út vừa gọi cho tôi, nói chiều muộn mới về, còn dặn tôi nhớ nấu cơm cẩn thận, đừng có làm biếng mà úp mì ăn. Tôi cúp điện thoại, mang mấy bộ quần áo tôi mua cho Út treo vô tủ. Tối qua đưa cho Út mặc thử, mà Út kêu để đó, riết rồi quên. Tôi mở cánh tủ, cái tủ này là chú An đóng cho ngày trước, nước sơn vẫn còn bền, lên màu bóng loáng. Trong tủ treo lưa thưa vài bộ quần áo bà ba giản dị, bên dưới là xấp quần áo ngắn tay Út đã sắp gọn gàng. Tôi nhấc từng bộ quần áo lên coi, cái nào cũ tôi bỏ ra ngoài, để đến chiều vô thị trấn mua thêm cho Út mấy bộ nữa để Út mặc nhà. Một tờ giấy gấp đôi rơi ra ngoài. Tôi nhặt lên. Tấm phiếu siêu âm ghi tên Út, dòng chữ đỏ đậm in hằn vào mắt : “Thai tương đương 10 tuần”. Tờ phiếu siêu âm nằm ngoan trên chiếu, còn tôi ngồi ngơ ngẩn, một bộ quần áo gấp hoài gấp mãi chẳng xong.

(Còn nữa)

Tác giả: Nguyễn Thị Loan

Giọng đọc: Hà Diễm, Sand

Thực hiện: Hằng Nga

Thiết kế: Hương Giang

Nguyễn Thị Loan

Ta không được chọn nơi mình sinh ra, nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

 Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Ngày hôm đó chúng ta đã nói sẽ luôn nhớ tới nhau, sẽ giữ trọn vẹn trong tim mối tình của năm tháng ấy. Nhưng anh biết không, mỗi người chúng ta ai rồi cũng đều khác, lời hứa năm đó cũng chỉ là tên gọi khác của lời tạm biệt mà thôi.

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Dây xích sắt trượt dài trên thanh chắn cửa, rít lên một tràng âm thanh chói tai, kết thúc bằng tiếng đáp đất nặng trịch. Trời lặng gió, áng mây vắt ngang qua ngọn cây, trong đêm tối không trăng không sao, chiếc lồng đèn cũ phủ một lớp bụi mỏng

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Mưa rơi, làm hình bóng anh trong mắt cô mờ đi, gương mặt điển trai sau màn mưa trắng chẳng rõ đang vui hay buồn. Mưa vẫn không ngừng xối lên thân ảnh liu xiu của anh, lớp áo sơ mi trắng dính vào da lộ ra vết sẹo dài chạy dọc theo cánh tay khẳng khiu.

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn chính là chủ nhân của cuộc đời mình. Tương lai ra sao, do bạn định đoạt. Đừng để năm tháng trôi qua, trong bạn chỉ toàn là tiếc nuối.”

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Đôi khi, sự ra đi của người khác là lí do để ta nhìn lại mình. Nhìn lại những gì mà bản thân đã cư xử. Có phải vì ta chưa đủ trưởng thành? Có phải vì ta vẫn còn quá cảm xúc và bi kịch hoá mọi thứ?

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy tận hưởng điều đó. Độc thân không có nghĩa là chưa đủ tốt để yêu. Độc thân nghĩa là chưa có ai đủ tốt để được bạn yêu.

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Muốn ngắm bình minh, phải dậy thật sớm. Muốn tạm biệt ngày tàn, phải vẫy chào hoàng hôn. Hạnh phúc của mình nên tự mình nắm lấy...

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Một giấc mơ dang dở dấy lên trong lòng tôi một sự hiếu kỳ với dáng vẻ của hạnh phúc. Nếu bước qua lằn ranh giữa quá khứ và hiện tại, tôi sẽ thấy được điều, có phải kết cục sẽ vẹn tròn hơn không.

Hôn lễ của em | Blog Radio 901

Hôn lễ của em | Blog Radio 901

Bên trong ai cũng có một vài vết thương, có kẻ biến vết thương thành một sự hiểu biết. Có người lại biến vết thương thành một nguyên nhân, sinh ra một vết thương mới đau hơn…

Em như ánh sao trời | Blog Radio 900

Em như ánh sao trời | Blog Radio 900

Không có một tình yêu nào là vĩnh hằng cũng chẳng có lời hứa nào gọi là mãi mãi, chỉ là con người ta thích tin vào những điều đó chỉ là nhất thời để rồi một đời đợi chờ.

back to top