Phát thanh xúc cảm của bạn !

Blog Radio 602: Nếu thuộc về nhau liệu mình có trở lại?

2019-06-08 00:01

Tác giả: Nhung Nhái Giọng đọc: Hà Diễm

blogradio.vn - Người ta bảo rằng những người mà duyên số đã định phải thuộc về nhau thì có đi một vòng lớn cuối cùng cũng sẽ trở về bên nhau. Thời gian chính là là thước đo thử thách thành yêu, vậy thì nếu thuộc về nhau liệu mình có trở lại?

***
Đêm im trôi dưới chân cầu. Những ánh đèn thành phố nhòa nhòa trước mắt không hiểu sao tôi cứ nghĩ là những chùm sao ở trời quê, khi tôi đang dựa vào cây cột thép trên cầu vượt mà lại thấy chân nôn nao như đang đạp ngọn cỏ bên bờ ruộng lút sình. Lâu lắm chẳng trở về nơi đó, chẳng biết dòng sông, bờ đê đó còn nhớ đến tôi không. Những kỉ niệm mỏng như tơ nhưng dai dẳng tới tận bây giờ, mỗi lần chìm vào, bừng tỉnh rồi lại muốn quên đi làm tôi cảm thấy những cơn đau nơi ngực trái lại thêm dữ dội.
 
Hồi kia nhớ má trách:
 
“Vợ chồng tao với cái đất này có cái oán gì với mày.Có ai bỏ đất đi năm năm trời không về?”
 
Tôi đáp gọn:
 
“Con làm có tiền con đưa ba má lên thành phố.”
 
Đến thế thì má cũng chỉ thở dài, cúp máy cái rụp. Tôi không ngồi bên má, nhưng biết rằng má sẽ tay đập đập nơi tấm phản, một tay níu song cửa sổ, lắc đầu kể với ba tôi giọng rầu rầu. Mỗi lần thấy má sầu lòng tôi cũng sầu thật sầu, thương thật thương. Nhưng có những nỗi đau lại còn xót xa hơn nhiều.
 
blog radio, Nếu thuộc về nhau ta có trở lại?
Mỗi lần nói chuyện xong với má, lạ là tôi nhớ Út vô cùng. Xong một lần nhớ má, nhớ Út nhiều quá dằn lòng không được, sau năm năm, tôi vác túi về quê một tuần trời. Má níu áo khóc từ đầu ngõ, đánh bùm bụp vào vai tôi, như thời trước đón con giải ngũ. Chẳng biết sao mà xin lỗi má được, đành cười trừ nghe má rầy la cho xong mà có mấy hòn nước chực chờ vỡ sau bờ mắt. Sau lần đấy tôi về nhà chăm hơn, đỡ má buồn. Dù mỗi lần về đều nhớ chao ôi là nhớ dòng sông chảy cách nhà mấy bước chân, nhớ cái bãi bồi thoai thoải cỏ còn vết móng trâu khô không khốc bên bờ Đông, nhớ triền đê trơn trụi từng nằm mòn cả thời trẻ dại, thế nhưng tuyệt nhiên tôi không chịu bước tới một lần. Dĩ vãng như một con dao sắc ngọt, không cẩn thận chạm vào tôi sợ làm trái tim lại bị thương lần nữa.
 
Nhà Út cách nhà tôi một khoảnh đất trồng rau. Nhớ hồi còn chân trần chạy long nhong trưa nắng, Út tót qua bờ đá ngăn bãi rau của má một cái bụp rất nhanh rồi khe khẽ khều tôi ra sông. Tuổi thơ của tôi và Út kể thì dài nhưng cuối cùng chỉ gói gọn trong những trưa dập dềnh bên sông nước. Có bao nhiêu trò đánh bi, quay ống bơ, mót khoai cuối mùa, đánh đu tôi đều giỏi hơn Út, duy chỉ có bơi là bị Út bỏ xa. Khi chúng tôi vất vả uống no nước phù sa tập những sải bơi đầu, em đã một chớp mắt rẽ nước tới giữa sông vun vun như con rái cá. Út yêu nước, yêu mỗi dòng chảy, yêu cả cái phù sa ngầu ngầu bò âm thầm nơi đáy. Hồi đấy còn nhỏ lắm, tôi cũng còn khờ lắm, nhưng vẫn cảm thấy Út có một điều gì đặc biệt vô cùng. Trong em có một dòng sức sống và sức hút cứ âm thầm chảy mà làm người ta nhớ hơn cả nhớ hương phù sa. Tôi với Út quấn quýt với nhau không rời, một ngày không thấy dáng đen nhẻm của Út là nhớ vô cùng.
 
15 tuổi, Út không còn cùng chúng tôi chảy ùm ùm bơi thi như hồi trước. Tưởng Út giận dỗi gì mình, tôi lò dò sang nhà thăm dò má Út. Má Út cười như nắc nẻ:
 
“Thật là. Con Út nó lớn rồi chứ đâu còn trẻ con như tụi bây.”
 
Như hoà nhịp cùng câu chuyện, mấy cái áo “khác hơn” phơi cùng đống đồ của Út trên dây phơi theo gió phất phơ trước nhà đập ngay vào mắt. Tôi vỡ ra lời má Út nói, tiu nghỉu bước về nhà.
 
Thế mà chẳng đợi tôi buồn được mấy hôm, Út lại len men nhập hội, nhưng chỉ dám ngồi nuốt nước bọt nhìn chúng tôi bì bõm dưới sông. Thấy Út buồn buồn, tôi vờ bơi chán nhảy lên triền đê nằm lăn trên mép cỏ nhìn trời, gợi mấy câu không đầu không cuối. Út nằm bên cạnh quơ quơ cành cỏ may, nói đủ thứ chuyện trên đời, cười giòn như chuông reo, quên luôn cả chuyện không bơi lội. Những năm tuổi thơ trôi nhanh như nước chảy qua cầu, chẳng thể nhớ Út kể với tôi những gì, nói cùng tôi bao nhiêu mà những ngày đó trôi nhanh và đẹp lạ kì đến thế. Tôi dám chắc câu mà những năm tháng ấy tôi nghe nhiều nhất đó là “Út kể anh nghe…” , nhiều khi đêm mơ còn loáng thoáng câu nói của Út cứ ngỡ mình sao vẫn còn nằm trên cánh đồng, cành cỏ may của Út hươ hươ trước mắt.
 
Đến năm 18 tuổi, tôi mới biết thế nào là tình yêu. Nghe người ta yêu nhau vì đôi mắt bờ môi, vì mái tóc dài ngang lưng ong, vì nụ cười toả nắng chợt tôi thấy rầu rầu. Chẳng nhẽ trên đời không có kẻ như tôi, yêu người ta chỉ vì một câu nói không đầu cuối.
 
Nhưng rồi chuyện đó cũng chẳng còn quan trọng, khi có lần tôi thú thực với Út:
 
“Anh thích Út chỉ vì một câu nói bâng quơ mỗi lần kể chuyện, Út tin không?”
 
Út gật đầu cái rụp tỉnh queo.
 
“Tin chứ. Yêu đâu cần lý do đâu. Yêu rồi người ta mới nghĩ ra lý do đấy chứ.”
 
Ừ hay là thế Út nhỉ. Tôi yêu Út từ lâu lắm lâu lắm rồi, mà giờ chỉ là mới nghĩ được lý do đấy thôi.

blog radio, Nếu thuộc về nhau ta có trở lại?


Hồi ấy, chắc chỉ mỗi tôi vẫn lấn cấn trong lòng về chuyện đó. Còn dường như cả thế giới xung quanh – má tôi, má Út, bạn bè và rồi cả Út, đều mặc nhiên xem chúng tôi đến với nhau như một lẽ dĩ nhiên của cuộc đời. Đã là dĩ nhiên rồi ai tìm lý do chi cho mệt.

Tình yêu hồi đó đơn giản hơn bây giờ. Chúng tôi hẹn nhau ở triền đê ngay sau nhà, nằm xoài ra bãi cỏ nhìn ngắm bầu trời. Còn nhớ bầu trời năm ấy cao rộng vô cùng. Tôi luôn thắc mắc tại sao mình không thể bắt gặp khoảng xanh mênh mông ấy vào những năm về sau, cho đến ngày tôi nhận ra rằng bầu trời năm ấy đẹp đến nao lòng, chỉ bởi vì tôi từng nhìn nó bằng con tim bình yên nhất, trong những năm tháng đẹp đẽ nhất, bên cạnh là con người tuyệt vời nhất.

Dù không nhiều, nhưng cũng có những lúc chúng tôi cãi nhau, hầu như đều vì một kẻ thứ ba luôn quanh quẩn bên cạnh Út. Trong đám trẻ rẽ nước bì bõm bơi cùng nhau ngày đó, tôi biết Hai Triều để ý đến em. Mặc cho cả thể giới biết tôi và em là một đôi, hắn ta vẫn ngày ngày giả đò kiếm chuyện sang nhà Út chơi, miết rồi má Út cũng chẳng coi là khách. Những ngày đầu Út còn bênh chằm chặp:

“Anh Hai Triều mến em thì sang chơi vậy chứ có ý gì. Ảnh tính hiền như hòn đất chẳng dám chơi bạn bè nhiều, nhà lại neo người, anh đừng ghen chi cho tội.”

Sau rồi nhận ra những điều kỳ lạ trong mắt Hai Triều, nhưng Út vẫn vớt vát:

“Ảnh tán Út thì mặc ảnh, ảnh có phải người Út thương đâu.”

Má Út hay dặn dò:

“Ba thằng Hai ngày xưa là bác sĩ chiến trường, cứu ba mày cái mạng. Má nó hồi trước thấy má khổ cũng kiếm việc này nọ cho má phụ rồi trả công cao gấp đôi ba người ta hoài. Mày không yêu nó, nhưng mày phải đối xử đàng hoàng với nó, đừng để người ta bảo nhà mình ăn ở không đến chốn đến nơi nghe Út.”

Út lén lén nhìn tôi, tôi giận quay đi.

Chắc tại lâu riết rồi quen, tôi quen với cả cảnh nhà út có cả tôi, cả Út và cả Hai Triều. Dù không thoải mái gì, nhưng tôi thôi không nói. Dù sao Út vẫn chỉ yêu mình tôi, còn cái ân cái nghĩa ở đời vẫn cần phải trả. Chúng tôi lên đại học lại học cùng trường, cách nhà cũng chỉ ba bốn mươi cây, cái mối tình hai người còn loanh quanh thêm một kẻ thứ ba nhiều lúc làm tôi muốn điên người, nhưng mỗi lần nhìn Út cười lại chẳng giận nào cho nổi. Nhiều lần tôi gặp thẳng Hai Triều nói rõ, hắn chỉ cười nhàn nhạt kiểu chẳng để tâm:

“Chưa cưới, làm sao cậu biết Út thuộc về ai. Út chưa lấy chồng, tôi vẫn còn chờ Út được.”

Hồi mới ra trường, tôi được nhận ngay vào một công ty Nhật Bản, điều chuyển sang Nhật học tập gần một năm. Út chưa xin được việc đành về quê phụ má mảnh lúa thửa rau, nghe đâu má Hai Triều đổ bệnh hắn cũng ở quê cả năm trời, lòng tôi như lửa đốt. Từng ngày ngập đầu trong công việc đầy mệt mỏi, tôi vẫn cố dành những phút ít ỏi có thể có trong ngày để gọi về cho Út. Thời gian trôi chậm hơn mỗi ngày xa Út. Thấy mắt Út rầu rầu làm những dự cảm không lành trong tôi càng thêm dày lên. Có những cảm xúc bất lực trước khoảng cách, đôi khi tôi chỉ muốn bỏ hết đi mà về ôm chầm lấy Út. Nhật Bản như cứa lạnh vào da, tôi đếm không hết những đêm ôm gối trong chăn nhớ nhà, nhớ má, nhớ Út ướt cả lòng.

Còn Út, những tin nhắn, cuộc gọi từ Út thưa dần, tôi còn chẳng biết là em có nhớ tôi hay không.

Ngày tôi sắp về nước, má gọi điện nói chuyện cả tiếng ròng. Biết má chẳng bao giờ vòng vo nhiều chuyện, tôi cố hỏi gắng mà lòng mơ hồ sợ câu trả lời, thấy như người ngồi trên đống lửa.

Má nói từ từ rất khẽ..

"Má Hai Triều mất được 3 tháng rồi vì bệnh. Ừ thì bả cũng già rồi... 50 ngày má nó thằng nhỏ bị cái xe thùng cán văng, giờ nằm một chỗ, không biết cậy vào ai. Cũng tội. Còn Út, nó chăm thằng Hai Triều từ hồi ấy đến giờ. Tháng Chạp này nó làm đám cưới."

Tôi đánh rơi chiếc điện thoại xuống sàn, tay ôm lấy lồng ngực vì không chừng nó sẽ vỡ tung ra mất. Khuya đó thằng bạn phòng bên sang đập cửa bao nhiêu lần. Cả đêm hôm đó tôi thấy cổ họng mình phát ra từng tiếng rên hư hử như một con sói bị thương, nước mắt chảy ngược vào lòng đắng chát.

Ngày tôi về, Út biết nên sang nhà. Tôi ngồi phòng trong không ra, nghe tiếng bước má dừng chặn ngay cửa chính. Má dựt cái vèo tấm thiệp hồng trong tay Út quẳng xuống sàn, nói lớn giận dữ mà giọng lại lạc đi:

"Về đi. Nhà này không sinh con ra để người ta đá qua đá lại làm trò cười. Nhà tui khổ sở nhiều năm chịu sao cũng được, chỉ mỗi chịu nhục chịu không có được thôi."

Út nước mắt chảy vòng quanh khóc nấc:

"Má đừng nói vậy tội nghiệp con. Con có lỗi với anh, con có lỗi với má. Con cũng có cái khổ riêng. Kiếp này không được, hẹn kiếp sau con theo má theo anh trả nợ.”

Út gạt nước mắt đi về, một khoảng lặng đáng sợ bao trùm mấy gian phòng, tôi và má không nói một lời nào. Đêm đó bên nhà Út người ta lắp loa đài dựng rạp cưới, tôi lẳng lặng gói đồ đi thành phố. Nhìn những kỉ niệm dăng tràn ngập trước mắt, rồi nhìn Út lên xe bông với người ta, tôi còn ở thêm đất này một hôm thôi cũng không thở được.

blog radio, Nếu thuộc về nhau ta có trở lại?


Ngày lau nước mắt bước lên xe đò, tôi tự hứa với lòng, đã là đàn ông con trai đầu đội trời chân đạp đất, có chi một người con gái mà quên không được. Tôi sẽ ở thành phố, có tiền dắt ba dắt má lên cùng, ở chi cái vùng chó ăn đá gà ăn sỏi, nhìn đâu cũng thấy nhức lòng như thế. Có đôi lần má Út gọi nhưng tôi không nghe, nghe rồi biết nói gì đây. Hồi sau nhận được thư tay của má Út, khá dài nhưng đại ý là:

"Út nó quyết là nó làm má cũng không biết nói sao. Nó nói má rằng con giờ sự nghiệp đã thành, muốn thương thì thương được bao nhiêu người hơn nó. Thằng Hai Triều giờ nhà chẳng còn người lại nằm một chỗ, nó không thương lấy thì khác chi giết người. Con à, má không mong con thôi hận Út. Má biết là bất công, nhưng mong con hiểu cho nó phần nào. Con đau một, con Út đau mười. Lòng má rầu muốn chết…"

Buồn thay, đến lúc cần hận tôi cũng không còn lý do chính đáng để mà hận, vậy khác chi kẻ không biết thương người. Nhưng thôi chuyện thương người dành phần Út thôi, chắc lòng tôi một đời không hiểu, cũng không muốn hiểu.

Những năm tháng tuổi trẻ trôi qua như thế. Sau một vết thương sâu rất sâu tưởng chết đi người ta vẫn sống sờ sờ ra đấy thôi. Ai nói có những nỗi đau không qua nỗi, tôi cười . Ở đời không có nỗi đau không qua nổi, chỉ có nỗi đau chưa qua nổi. Ai mà chẳng phải quên đi mà sống tiếp đời mình.

Má sau mấy lần tôi nổi cáu, chẳng dám nhắc thêm đến Út. Thấy tôi một mình chẳng chịu yêu thêm người nữa, má ruột nổ đốp đốp sợ không có cháu nối dõi tông đường.

Hồi trước ba mươi, tôi bảo má:

"Tuổi này người ta lo sự nghiệp, ai yêu đương gì má."

Sau ba mươi má giục, tôi lại chống chế:

“Có duyên nó tự đến, chứ má cứ ép sao mà được."

Rồi bốn mươi, như bây giờ, mỗi lần má nhìn thấy tôi chỉ nhắc chuyện dâu con, tôi cười hề hề:

"Tuổi này ai lấy con má nữa mà giục má ơi."

Cũng không đếm được chục năm qua má cho đi coi mắt bao nhiêu lần.Cô thì gầy quá, cô thì béo quá. Cô thì tóc ngắn quá, cô lại da đen quá. Cô thì nói chuyện khéo quá nghe không thật, cô cục mịch quá lại thấy khó gần. Cô nào cũng có những điểm tôi không ưng. Tôi cũng không biết hình mẫu tôi tìm là người con gái thế nào, có thể là hao hao giống Út. Có lần xong một cô má chấm điểm mười mà tôi còn lắc đầu nguầy nguậy, má bỏ vào trong phòng nói lẫy:

"Chắc số khổ đời này tui không có cháu bế bồng. Bao nhiêu người rồi mày vẫn chưa vừa lòng, kiểu gì cũng chê đầu chê đuôi. Muốn tìm người giống con Út thì má chịu."

Tôi nhìn má, cười nhàn nhạt:

"Má ơi bao nhiêu năm rồi còn Út gì nữa. Chỉ là con chưa có duyên thôi."

Má lại chuyển qua rầu rĩ:

"Nói chứ con Út đời nó cũng khổ, lấy chồng được nửa năm thì chồng mất, trẻ như thế đời đã long đong. Út giờ nó về ở với má nó, lâu lâu có việc vẫn qua phụ má, nhưng chỉ nhắc đến mày là nó tránh hẳn đi. Giận nó má cũng giận, mà thương nó má cũng thương...”

Tôi gắt má:

"Con có hỏi Út đâu, má kể chi."

Má cũng cáu:

"Con tao sanh ra tao biết thừa. Mày mà không thương nó nữa thì giờ này tao đã tay bồng tay bế."

Tôi về với má nhiều khi nói chuyện cùng má mới nhắc đến Út, chứ trở về thành phố thì chẳng còn ai nhắc nữa. Tôi bận rộn suốt ngày, đời chỉ quay quanh máy tính và mấy con số, đêm về cốc bia lăn ra ngủ rồi thôi, chẳng có lấy một chút thời gian rảnh để dành mà nhớ nhung ai. Thời gian trôi vùn vụt đôi khi nhìn lại tôi cũng giật mình. Nỗi đau ngày đó lành sẹo dạt hẳn về ngày cũ, chẳng còn ai nhắc cho nữa mà chạnh lòng.

blog radio, Nếu thuộc về nhau ta có trở lại?

Tại sao ngày đó chúng ta không chọn đến với nhau? Nếu có em trong đời đời tôi có hạnh phúc không? Những câu hỏi đó giờ tôi đã thôi không hỏi nữa. Sau bao nhiêu vất vả để sắp xếp lại tâm hồn bị đào bới lên - đã ổn, đến cuối, tôi chỉ muốn bình yên.

Có chút tuổi, tôi hay về với má hơn. Tuần một lần lái xe về quê, cũng chẳng phải phụ thuộc đò xe như trước nữa. Ngồi hái với má mấy rổ rau sau hè, mới thấy tóc má bạc thêm nhiều quá.

"Tóc mày cũng sắp bạc nữa là tóc má. Sự nghiệp đã có rồi, mày định để má về với đất mà không có cháu bế bồng đó hả?"

Tôi cười, quá quen bài của má:

"Má tìm được dâu về là con cưới luôn, chỉ sợ giờ chẳng ai thèm lấy con má thôi."

Má bỗng dừng lại tần ngần, nhìn về bên nhà Út:

"Hồi trước má không dám kể sợ mày la, chứ hồi đó má cũng qua nhà con Út mấy lần, tại má lo mày quá. Cũng một hai năm chi rồi đó. Má nói chồng con không còn nữa, cũng không con cái gì, hay là con làm lại với thằng Hùng nhà má, chứ nó vẫn còn thương con nhiều lắm Út."

Tôi giật mình nhìn má:

"Ơ má sao không hỏi con trước mà tùy ý hỏi người ta vậy. Thế rồi.. Út bảo sao?" – Tôi cáu má nhưng thấy ruột thắt lên hồi hộp.

"Mày biết tính nó mà. Nó từ chối chứ sao.”

Nó nói với má:

"Con giờ có phải là Út ngày xưa đâu, đâu còn xứng với ảnh nữa. Anh Hùng sự nghiệp đã nên, tìm người hơn con đâu có khó. Con đã một lần lỡ duyên với ảnh, con đã nợ ảnh cả một đời. Kiếp này con mặt mũi nhìn ảnh không còn, sao còn dám đi kết lại duyên. Mà nhiều khi ở một mình không vướng bận vậy cũng vui má ạ..."”

Tôi thở dài nhìn má cười.

"Duyên chứ có phải dây nhà má đâu mà má muốn nối là má đi nối vậy, nói xong người ta lại cười cho."

Đêm đó tôi vắt vẻo trên cây võng má cột ngoài hiên, nhìn bầu trời những ngày cuối tháng mười. Đêm thật đẹp. Những vì sao ở quê có vẻ đẹp long lanh lạ kì, mỗi lần ngắm là tôi muốn ở nhà hẳn luôn với má. Tại sao ngày đó mỗi lần tôi muốn đưa má lên Sài Gòn, má nhất quyết không chịu, chắc chắn vì Sài Gòn kiếm mỏi mắt không ra một đêm bầu trời đẹp như hôm nay.

Tôi nằm suy nghĩ vẩn vơ. Hai câu hỏi vẫn quanh quẩn trong đầu:

"Nếu có thể, tôi có chấp nhận Út không?"

"Nếu có thể, Út còn chấp nhận tôi không?"

Những kiểu câu hỏi dù trả lời được hoặc không đều dẫn đến việc đau đầu như thế này đều làm tôi phát mệt. Hồi còn đôi mươi, tôi cũng hay vặn mình với những câu hỏi kiểu lao tâm khổ tứ như thế, rồi sau mới nhận ra rằng nếu không một lần thử, câu trả lời luôn chỉ là một dấu chấm hỏi lửng lơ. Tôi thì đã qua hai mươi tuổi được hai mươi năm, sự trưởng thành không cho phép tôi lao tâm khổ tứ vì những điều như thế. Sức chịu đựng của người trưởng thành dường như mỏng hơn người trẻ. Tuổi tác làm những đôi chân trước khó khăn không còn liều lĩnh lao tới nữa mà nhẹ nhàng quay đầu. Ừ thì cứ kệ đi, nếu có duyên, trời ắt se thành một cặp. Nghĩ chi mệt người.

Cuối tháng 12, má bệnh. Sau cả một tuần, ba mới gọi cho tôi. Tôi lao về lòng như lửa đốt. Người phụ nữ một lòng thương tôi, chỉ có má. Tôi còn không dám nghĩ má bị làm sao thì tôi sẽ sống bằng cách nào.

"Mày hốt hoảng làm gì, má có tuổi rồi thì bệnh tật là chuyện thường. Ai mà chẳng phải già đi chớ.”

Má nói thì nói nhưng đôi mắt nhìn tôi rồi nhìn ba kì kì, tôi ngơ ngác nhìn theo mắt má thì thấy Út đang đứng nép nép trong góc phòng từ lúc nào, tay cầm hộp cháo vừa đặt xuống. Tôi nên cười chào em cho phải phép hay nên im lặng lờ qua. Dù gì hơn chục năm cũng chưa nói thêm với nhau câu nào, giờ mở lời nói sao cũng thành ngượng ngịu.

Phá vỡ sự phân vân của tôi, Út gật đầu trước rồi nói khe khẽ:

“Con đặt cháo trên bàn má ăn luôn cho nóng. Con còn chưa dọn hết bếp ở nhà, xin phép ba má, xin phép anh.”

Út lướt qua khi tôi vẫn còn ngọng ngịu chưa kịp cất lời, má thở dài quay mặt đi.

Đêm hôm đó, thay vì lại nằm vắt vẻo trước hiên nhà, tôi dò dò ra bờ đê. Bãi cỏ bên sông giờ đã mòn vẹt đi một lối, chắc sau ngày ấy, vẫn có những tình yêu nảy nở nơi đây, những kẻ cùng nằm bên nhau nghe sông, nghe đêm như chúng tôi của nhiều năm về trước. Tôi gặp lại sông như gặp người bạn cũ, những ký ức cứ ùa về dữ dội xông cay nồng lên mắt. Qua bao nhiêu năm sông vẫn giữ vẹn nguyên bình yên, hóa ra kẻ rời bỏ rồi phụ bạc chỉ có mình.Tôi nhớ con nước ngâm phù sa đục ngầu ngày nào Út còn rẽ nước cười như chuông reo, nhớ bờ cỏ còn cùng Út nằm kể những chuyện trên trời dưới đất. Tôi đã già, Út đã già, chỉ có dòng sông là trẻ mãi. Có phải những giận hờn, uất hận sông bồi thành phù sa rồi để nước mang hết đi, nên đến giờ tiếng nước vẫn rất đỗi dịu dàng. Rốt cuộc là tôi có phải không chịu giải thoát mình nên lòng không thể an yên? Gánh nặng lòng ngày đó có chăng là nên buông bỏ?

Tôi chỉ ở nhà được ba ngày rồi lại phải đi thành phố. Sau đêm hôm ấy tự nhiên lòng tôi dậy lên một ý định lạ lùng, là muốn bỏ phố về quê. Ở phố về nhà thì xa lạ thế, chứ cứ gắn bó với quê thì biết đâu tình yêu lại thắm lại một lần, tôi trộm nghĩ. Biết đâu Út lại hồn nhiên như lúc xưa nằm quơ quơ ngọn cỏ may, quên hết chuyện đời huyên thuyên “Út kể anh nghe..” với tôi như hồi trẻ. Câu nói ngọt như đường mà cũng ngọt như dao, nhắc lại làm tim tôi hẫng đi một giây.

blog radio, Nếu thuộc về nhau ta có trở lại?

Đêm hôm sau, tôi lại ra triền cỏ sau nhà định ngắm thêm dòng sông lần nữa mai rồi đi, bỗng nhiên thấy Út ngồi ngần ngừ bên mép nước. Út thấy tôi không giật mình, hẳn Út biết tôi cũng sẽ ra đây đêm nay. Tôi đặt người nhẹ nhàng xuống cạnh bên, tay quơ cành cỏ, thấy đêm trong veo như hai chục năm về trước.

Sau một lúc ngồi im lặng, Út đành mở lời hỏi trước:

“Anh Hùng sao còn chưa lấy vợ?”

Tôi bỗng nhiên phì cười:

“Út hỏi giống má tôi ghê. Vợ chồng là duyên số, tôi muốn hay không cũng đâu có được.”

Tôi nhìn sang Út ngần ngừ hỏi lại:

“Thế sao hồi đó Út không có con?”

Út cười cười trả lời:

“Con cái là duyên số. Út muốn hay không cũng đâu có được.”

Tôi lại cười. Đêm trôi rất nhanh, xuyên qua những câu chuyện không đầu không cuối. Chúng tôi dừng lại khi không thể tiếp tục cố cười vì những câu chuyện của nhau, giữa hay bàn tay cách nhau có một cành cỏ mà là cả một hố đêm sâu thăm thẳm. Tôi và Út đều yên ắng trở về, sợ khơi lại chuyện năm xưa lại rơi vào hố đen hun hút ấy, nếu để tổn thương lần nữa chẳng biết cuối đời có còn gượng dậy được không. Đến ngõ nhà Út, tôi đánh liều níu áo em:

“Lòng anh vẫn còn như ngày đó, Út có còn...”

Tôi bỏ lửng câu nói khi thấy một giọt trong veo tràn nhanh trên má em.

Cả một khoảng không im lặng nặng nề phủ tràn lên chúng tôi. Út không nói chỉ nhìn tôi, chỉ đến khi tôi buông vạt áo em mới trở vào nhà. Đêm im trôi lặng lẽ. Tôi biết lòng Út cũng như lòng tôi, đang phủ đầy sương khuya lạnh buốt.

Sáng hôm sau tôi dọn đồ lên thành phố, phía trong lồng ngực còn một nỗi hụt hẫng rất sâu. Má chạy vô trong nhà cầm thêm mấy đồ nhét vào xe oto cho tôi, tôi tính can má qua tết con về hẳn má đưa làm chi nhiều nhưng biết can không nổi lại thôi. Thấy Út đứng nép bên cửa nhìn sang, tôi cứ chờ mãi xem em định nói gì, liệu em còn tiến tới không, ngần ngừ mãi đi không được. Tới khi má giục đi nhanh kẻo mưa tôi mới lên xe, thấy em vẫn đứng đó không rời, đôi mắt xoáy sâu thẳm làm người ta đau lòng. Tôi lên xe rời đi,lòng trăm ngã mông lung.

Đã bao lần rời em mà đi, tôi đều không quay đầu nhìn lại. Em đang cười hay đang khóc, em vẫy tay chào hay là đang lau nước mắt, tôi không hề hay biết. Tôi ôm giấc mơ, ôm nỗi đau của mình bỏ đi mặc kệ những hố sâu thăm thẳm cho người ở lại. Đã gần hai mươi năm rồi, tôi vẫn còn được nhìn Út tiễn mình, liệu có phải đời này tôi đã bỏ lỡ điều gì hay không.

Cơn mưa ập xuống như trút nước kính xe, tôi giật mình bừng tỉnh. Vội vã quay đầu xe lại con đường sũng dần trong dòng nước, thấy khuất sau màn mưa vẫn là Út ngồi co ro bên cổng nhà. Tôi biết em đang khóc cho phút chia ly, còn mình đang khóc vì phút giây gặp lại. Tôi biết có chút ngại ngần trước khi em lao vào ôm tôi và khóc nấc không thành tiếng, nhưng rồi tất cả đã bị cơn mưa chiều đó cuốn đi. Những ngày tuổi trẻ không có nhau đã được đánh đổi bằng giây phút siết chặt em khi chúng ta sắp sang dốc bên kia con dốc. Sự rắn rỏi trưởng thành của một người đàn ông đã không thể ngăn được tôi nức nở lên khi biết rằng mình vẫn còn có em trong đời.

“Đừng khóc Út à. Anh chỉ muốn dành cả đời này để bình yên bên em!”

© Nhung Nhái – blogradio.vn

Giọng đọc: Hà Diễm

Thực hiện: Hằng Nga

Minh họa: Hương Giang

Nhung Nhái

Giới hạn là để phá bỏ. Tuổi trẻ là phải ngông cuồng

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

 Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Ngày hôm đó chúng ta đã nói sẽ luôn nhớ tới nhau, sẽ giữ trọn vẹn trong tim mối tình của năm tháng ấy. Nhưng anh biết không, mỗi người chúng ta ai rồi cũng đều khác, lời hứa năm đó cũng chỉ là tên gọi khác của lời tạm biệt mà thôi.

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Dây xích sắt trượt dài trên thanh chắn cửa, rít lên một tràng âm thanh chói tai, kết thúc bằng tiếng đáp đất nặng trịch. Trời lặng gió, áng mây vắt ngang qua ngọn cây, trong đêm tối không trăng không sao, chiếc lồng đèn cũ phủ một lớp bụi mỏng

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Mưa rơi, làm hình bóng anh trong mắt cô mờ đi, gương mặt điển trai sau màn mưa trắng chẳng rõ đang vui hay buồn. Mưa vẫn không ngừng xối lên thân ảnh liu xiu của anh, lớp áo sơ mi trắng dính vào da lộ ra vết sẹo dài chạy dọc theo cánh tay khẳng khiu.

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn chính là chủ nhân của cuộc đời mình. Tương lai ra sao, do bạn định đoạt. Đừng để năm tháng trôi qua, trong bạn chỉ toàn là tiếc nuối.”

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Đôi khi, sự ra đi của người khác là lí do để ta nhìn lại mình. Nhìn lại những gì mà bản thân đã cư xử. Có phải vì ta chưa đủ trưởng thành? Có phải vì ta vẫn còn quá cảm xúc và bi kịch hoá mọi thứ?

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy tận hưởng điều đó. Độc thân không có nghĩa là chưa đủ tốt để yêu. Độc thân nghĩa là chưa có ai đủ tốt để được bạn yêu.

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Muốn ngắm bình minh, phải dậy thật sớm. Muốn tạm biệt ngày tàn, phải vẫy chào hoàng hôn. Hạnh phúc của mình nên tự mình nắm lấy...

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Một giấc mơ dang dở dấy lên trong lòng tôi một sự hiếu kỳ với dáng vẻ của hạnh phúc. Nếu bước qua lằn ranh giữa quá khứ và hiện tại, tôi sẽ thấy được điều, có phải kết cục sẽ vẹn tròn hơn không.

Hôn lễ của em | Blog Radio 901

Hôn lễ của em | Blog Radio 901

Bên trong ai cũng có một vài vết thương, có kẻ biến vết thương thành một sự hiểu biết. Có người lại biến vết thương thành một nguyên nhân, sinh ra một vết thương mới đau hơn…

Em như ánh sao trời | Blog Radio 900

Em như ánh sao trời | Blog Radio 900

Không có một tình yêu nào là vĩnh hằng cũng chẳng có lời hứa nào gọi là mãi mãi, chỉ là con người ta thích tin vào những điều đó chỉ là nhất thời để rồi một đời đợi chờ.

back to top