Sống Chân Thành Để Nhận Chân Tình (Blog Radio 867)
2023-09-25 08:00
Tác giả: Giọng đọc:
Cuộc sống vốn đã khắc nghiệt, những người ta gặp, những mối quan hệ xung quanh luôn ảnh hưởng và khiến cuộc đời ta thay đổi. Đừng vì cái tôi mà đánh mất những người thân yêu nhất.
Các bạn biết đấy, từ xưa, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu vẫn được xem là mối quan hệ đặc biệt phức tạp, ẩn chứa trong đó nhiều mâu thuẫn nội tại khó giải quyết. Mâu thuẫn này lại càng được đẩy lên cao với những gia đình có truyền thống “tam đại đồng đường”, nhiều thế hệ sống chung một mái nhà.
Để hóa giải được những mâu thuẫn, xung đột này cần sự thay đổi từ cả hai phía mẹ chồng và nàng dâu. Mẹ chồng thì phải biết thấu hiểu và bảo vệ con dâu mình. Con dâu cũng phải biết kính trọng, khéo léo, tinh tế trong việc ứng xử với mẹ chồng. Nhưng nói thì dễ, khi làm lại khó vô cùng. Khoảng cách thế hệ, khác biệt về lối sống, sở thích và đôi khi là cảm giác khó chịu bởi sự chia sẻ mối quan tâm của người con trai khiến mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu càng gay gắt, thậm chí có thể bùng nổ chỉ vì vài việc nhỏ nhặt như trong câu chuyện “Sống chân thành để đổi chân tình” sau đây của tác giả Thanh Lam.
Tiếng loảng xoảng vang lên từ bếp khiến tôi bừng tỉnh hẳn khỏi giấc ngủ chập chờn. Tôi cau có xỏ chân vào đôi dép lông đặt bên cạnh giường, loẹt quoẹt bước ra ngoài. Như dự đoán, căn bếp ngăn nắp của tôi lại ngập ngụa trong mớ chén bát dơ cùng thức ăn chưa được dọn sạch trên bồn rửa. Nước thì văng tung toé xung quanh và trên sàn nhà, nhìn bẩn và hỗn loạn khủng khiếp. Tôi gằn giọng quát:
- Hà! Con Hà đâu rồi? Đến bao giờ cô mới chịu thôi phá hoại nhà bếp của tôi hả?
Nhưng cùng lúc đó, tiếng cửa bên ngoài đã đóng sầm lại, che khuất chiếc bóng trắng vụt đi vội vã.
Tôi làu bàu, xắn tay áo lau dọn lại kệ bếp của mình vừa mới bị cô con dâu quý hóa phá tan tành. Mặc dù biết kẻ gây án không thể nghe được những lời răn dạy của mình nhưng tôi vẫn không kiềm lòng được mà cằn nhằn và mắng nó một hồi.
Minh bước ra khỏi phòng ngủ, ngồi vào bàn ăn, thong thả húp tô canh củ sen hầm đã được bày ra sẵn, trông mặt mũi nó vẫn còn có chút ngái ngủ. Tôi được dịp than vãn:
- Chẳng ai may phước lấy được cô vợ vừa lười vừa vụng về như con. Sáng nào cũng bắt bà già này dọn dẹp bãi chiến trường của nó. Mà mẹ đã nói với nó bao nhiêu lần rồi nhưng vẫn chứng nào tật nấy. Cứ như nước đổ đầu vịt ấy. Nhiều lúc mẹ chán chả buồn nói, cứ để mặc ra sao thì ra.
Minh nói mà không buồn ngẩng mặt lên nhìn tôi một cái:
- Chẳng phải do mẹ cứ nằng nặc bắt cô ấy phải nấu bữa sáng cho cả nhà sao? Trong khi con đã bảo điều đó là không cần thiết. Bây giờ chỉ cần đi ra ngõ là hàng quán đầy ra, muốn ăn gì mà chẳng có. Với lại, công việc của Hà cũng rất bận, phải thức khuya làm việc, sáng còn phải dậy sớm đi chợ nấu ăn. Cô ấy đang cố gắng làm hài lòng mẹ. Mẹ thì không lúc nào chịu thông cảm, hở chút lại trách Hà.
Tôi bĩu môi, thằng ranh con ưa bám mẹ ngày nào bây giờ lại không kiêng dè lên tiếng phản đối mẹ nó để bảo vệ cô vợ đoảng. Nó không còn nhớ những tháng ngày tôi cực khổ chăm sóc nó, lo lắng cho nó từng bữa ăn, giấc ngủ rồi.
- Nó định làm hài lòng mẹ hay chọc tức mẹ đây? Từ khi con Hà về làm dâu nhà này, nó có làm cái gì ra hồn chưa? Nấu ăn không xong mà dọn dẹp nhà cửa cũng chẳng đâu ra đâu. Mẹ là mẹ chồng mà dạy bảo con dâu vài câu cũng không được sao?
Minh không nói gì, không phản đối cũng chẳng a dua theo tôi. Nhưng tiếng thở dài thườn thượt của nó làm tôi buồn lòng, chắc là nó đang cảm thấy ấm ức cho vợ lắm nhưng lại không muốn đôi co với tôi. Tôi hừ giọng:
Hàng quán bây giờ nhiều thật nhưng làm sao bằng ăn cơm nhà. Vừa đắt đỏ lại vừa không đủ chất, có khi họ nấu nướng không hợp vệ sinh, ăn nhiều chỉ tổ sinh bệnh. Từ khi về làm vợ cha con, chẳng có ngày nào mẹ không nấu bữa sáng cho ông ấy cả. Nấu xong lại tất bật lau dọn nhà cửa, chợ búa rồi tranh thủ làm rẫy. Công việc đăng đăng đê đê nhưng vẫn lo chu toàn trong ngoài chứ nào có như vợ con. Chỉ có một bữa sáng đơn giản mà nó làm cũng chẳng nên hồn. Thế mà nó không thể dậy sớm một chút để dọn lại căn bếp cho sạch sẽ sao? Lúc nào cũng viện cớ công việc bận rộn cơ chứ. Mà có phải mình nó làm việc đâu. Chuyện trong ngoài của nhà này trước giờ đều do con quán xuyến, mẹ còn không biết đến một đồng lương của nó.
Tôi vừa nói vừa nhớ lại hình ảnh Minh lúc nhỏ. Hồi đấy, nó bé như một con mèo, lúc nào cũng muốn cuộn tròn trong lòng tôi. Tôi địu nó đi rẫy từ lúc trời hửng nắng đến khi mặt trời dần khuất về Tây. Nhưng có lẽ Minh không còn nhớ gì về những chuyện ấy, trong tâm trí nó bây giờ chỉ có hình ảnh cô vợ đáng thương bị bà mẹ chồng khó tính, là tôi, chèn ép.
Minh ngẩng lên nhìn tôi trong giây lát nhưng tôi có cảm giác cái nhìn ấy như kéo dài vô tận. Nó có vẻ định nói gì đấy nên tôi buông chén xuống bồn rửa, chờ đợi. Nếu như lại là những câu bênh vực Hà thì quả thật đứa con trai này của tôi yêu mù quáng quá rồi. Nhưng Minh không nói gì, nó chỉ lẳng lặng cúi chào tôi rồi cầm áo khoác bước ra ngoài.
Tô canh hầm vẫn còn chưa vơi được phân nửa… Tôi gọi giật Minh lại nhưng nó đã đóng sầm cửa.
Tôi còn nhớ có một lần, tôi mắng Hà rất dữ dội vì con bé quên mang quần áo đã phơi khô vào nhà. Minh đã đứng chắn giữa tôi và Hà, nói một câu mà tới giờ mỗi khi nhác thấy bóng dáng hai đứa đứng bên nhau đầu tôi lại bất giác vang lên giọng điệu khó chịu đấy, không chút đổi khác:
- Chuyện đã qua rồi sao mẹ cứ giữ mãi ác cảm với vợ con thế?
Qủa thật ngay từ lần đầu tiên gặp mặt Hà, tôi đã không thích con bé. Lúc đó, tôi đã có đối tượng ưng ý chọn làm con dâu của mình, làm vợ của Minh. Hà là một biến số bất thình lình rơi xuống vào một ngày hè nóng bức, khi cậu con trai suốt hai mấy năm trời chỉ biết học và làm của tôi trở về nhà với nụ cười tươi rói, bảo rằng “Con sẽ cưới cô ấy!”.
Hà hoàn toàn khác biệt với chúng tôi. Con bé là quý nữ của gia đình giàu sang bậc nhất thành phố này. Hôm hai bên gia đình gặp mặt, mẹ Hà nhìn tôi và Minh bằng ánh mắt chán ghét không che giấu. Tôi đã cố nhịn nhục vì niềm hạnh phúc lấp lánh trong mắt con trai cho đến khi bà ta giở giọng đòi hỏi sính lễ. Ba trăm triệu tiền mặt, còn chưa kể quà cáp, trang sức! Tôi nhẩm tính tiền lo tiệc tùng, quần áo, chụp ảnh cưới cộng thêm con số thách cưới mà choáng váng. Tôi phải bán hết tài sản mình dành dụm và cả mẫu đất đang cho thuê mới đủ. Tiền bạc cho con cái tôi không tiếc nhưng mảnh đất đó là do chồng tôi để lại. Tôi quyết không thế bán.
Trong mắt bà ta, Hà là con gái cành vàng lá ngọc, còn Minh nhà tôi chỉ là một gã khố rách áo ôm mà học đòi đeo chân hạc. Hôm ấy tôi đã xô ghế bỏ về. Tôi đã dạy bảo con trai dù có nghèo đói cũng không được hèn, tôi không cho phép bất kỳ ai làm nhục gia đình mình.
Ngày hôm sau, Hà xuất hiện trước cửa nhà tôi với chiếc vali to. Hai đứa đã đăng ký kết hôn và không tổ chức lễ cưới. Một thời gian sau, gia đình Hà cũng nguôi ngoai, họ xót con gái nên thường xuyên gọi vợ chồng nó về nhà bên đấy ăn cơm. Những lúc ấy tôi thường kiếm cớ này nọ để Minh không đi, tôi không muốn con trai mình phải chịu cảnh bị gia đình vợ khinh rẻ.
Nhưng nói thật tâm, Hà làm dâu nhà tôi cũng chẳng cực khổ gì cho cam. Nó đi từ tờ mờ sáng đến sẩm tối mới trở về. Việc trong nhà đều do tôi quán xuyến hết, chỉ giao cho nó nấu mỗi bữa sáng mà nó cũng làm không xong.
Điều đáng nói hơn, Minh và Hà lấy nhau đã hơn một năm nhưng vẫn không tính toán gì đến chuyện sinh con đẻ cái. Mỗi khi tôi bóng gió, Minh chỉ cười bảo muốn lo cho sự nghiệp ổn định trước. Nhưng tôi ngờ rằng nguyên nhân là bởi Hà không muốn sinh con sớm, chắc là nó sợ mất dáng hoặc ảnh hưởng đến vấn đề thăng tiến. Phụ nữ mà tham vọng nhiều quá, thì khó có thể làm người vợ người mẹ tốt được.
Mỗi khi tôi la mắng, Hà đều rối rít xin lỗi rồi hứa sẽ sửa đổi, nhưng chắc là bên dưới vẻ cam chịu đấy, nó hẳn bất mãn với tôi ghê gớm lắm đây. Đôi khi nhìn con dâu, tôi cũng nghĩ, thôi thì dù sao con bé cũng chấp nhận bỏ qua lễ cưới rình rang mà dọn về chung sống với con trai mình, nó cũng là đứa thật dạ, mình cũng nên đối xử với nó tốt một chút. Nhưng quả thực lối sống của tôi và Hà quá khác nhau, từ việc tiêu xài đến chăm sóc gia đình. Hà vẫn đặt nhu cầu bản thân lên trên hết, công việc là nhất, mua sắm mỹ phẩm, quần áo xa xỉ. Trong khi từ trước đến giờ tôi nào biết đến một lọ dưỡng da. Có tiền dư dả luôn nghĩ mua đồ đạc cho chồng con, mua thêm đồ ăn ngon cho gia đình rồi mới dám nghĩ tới bản thân. Một người phụ nữ quá vị kỷ không thể nào là người vợ tốt được. Và trong lòng tôi, Hà còn lâu mới có thể trở thành người vợ, người con dâu lý tưởng, đến mức lâu ngày nhìn con bé là tôi đã thấy ngứa mắt chẳng vì lý do gì cả.
Dọn dẹp xong nhà bếp, tôi dự tính sẽ đi chợ để nấu một bữa ngon lành cho Minh, dạo này nhìn con trai tôi rất mệt mỏi. Sau khi khóa cửa lại, tôi bỗng thấy choáng váng, thở không thông. Trời đất quay cuồng xung quanh bỗng dưng tối sầm lại…
Khi tôi mở mắt ra thì thấy khuôn mặt lo lắng của Hà:
- Mẹ tỉnh lại rồi, con lo quá đi mất.
- Đây là đâu…
- Đây là bệnh viện. Bà Tám nhìn thấy mẹ bất tỉnh trước cửa nhà nên gọi cho con. Anh Minh đang có việc ở ngoài thành phố chưa về kịp. Mẹ nằm nghỉ một chút đi, để con gọi bác sĩ.
Bác sĩ tới thăm khám qua loa cho tôi rồi gọi Hà ra ngoài nói gì đó một lúc lâu mới quay lại.
- Bác sĩ, tôi thấy trong người khỏe rồi. Bây giờ tôi có thể xuất viện không?
Hà vội chạy đến đỡ vai tôi khi thấy tôi muốn ngồi dậy:
- Mẹ vẫn còn chưa khỏe hẳn, nên ở bệnh viện theo dõi ít hôm mẹ ạ.
Tôi chán ghét gạt tay Hà ra, không hiểu sao việc nó xoắn xuýt bên cạnh lúc bản thân ốm yếu khiến tôi thấy có chút mất mặt.
- Tôi phải về, về với con trai tôi. Sức khỏe tôi, tôi tự biết, cô đừng có lắm lời.
Hà ái ngại nhìn bác sĩ. Vị bác sĩ trung niên khẽ gật đầu:
- Nếu bác gái đã cương quyết muốn về thì có thể làm thủ tục xuất viện. Dù sao ở nhà vẫn thoải mái hơn ở bệnh viện. Nhưng bác cần quay lại đây tái khám đúng ngày bác nhé, bác vẫn chưa thật sự khỏe hẳn đâu.
Nói đoạn bác sĩ quay sang Hà:
- Người nhà cũng cần lưu ý những gì tôi dặn dò nhé!
Chiều tối Minh trở về nhà với mái tóc rối bù và khuôn mặt xám xịt, nó cứ trách tôi về việc không chịu ở lại bệnh viện theo dõi. Tôi rất ghét mùi bệnh viện, vả lại mỗi ngày nằm viện là mỗi ngày tốn kém, tôi không muốn làm gánh nặng cho con trai.
Sau khi được Hà mang cho phần thuốc uống, tôi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Nhưng không hiểu sao lại không ngủ sâu giấc được, khoảng vài tiếng sau tôi lại phải lần mò xuống bếp vì khát nước.
Minh và Hà đang ngồi đối diện nhau bên chiếc bàn ăn, trông mặt mũi cả hai đều căng thẳng. Hà vuốt vuốt vai Minh:
- Anh đừng quá lo lắng, mẹ rồi sẽ ổn thôi. Ngày mai, chúng ta sẽ cùng nhau thuyết phục mẹ làm phẫu thuật thay van tim.
Thay van tim sao? Tôi bất giác đưa tay lên sờ ngực. Dạo gần đây tôi hay có cảm giác khó thở, hơi thở đứt quãng nhưng tôi không nghĩ mình lại mắc bệnh trầm trọng đến mức phải phẫu thuật. Hà chắc chắn đã biết chuyện khi còn ở bệnh viện nhưng đến giờ nó vẫn chưa hé răng với tôi về chuyện này.
- Hà à, anh đã gọi hỏi bác sĩ, chi phí phẫu thuật thật sự là quá sức với chúng ta.
- Không sao đâu, em có tiền tiết kiệm. Nếu không đủ, em sẽ vay mượn thêm bạn bè và mẹ em, chắc chắn họ sẽ không bỏ mặc chúng ta đâu. Sau đó, em sẽ xin nghỉ phép để chăm sóc mẹ. Anh vừa vào công ty làm việc, không tiện xin nghỉ quá nhiều.
Con bé nói gì thế nhỉ? Minh đã làm việc tại công ty này hơn 6 năm rồi, nó đang là trưởng phòng, sao bây giờ lại trở thành nhân viên mới, đã xảy ra chuyện gì mà tôi không biết sao?
Minh thở hắt ra:
- Đó không phải là tiền em dành dụm để mở cửa hàng riêng sao? Anh không thể dùng số tiền đó được.
- Giữa chúng ta mà anh còn suy nghĩ tiền anh hay tiền em sao? Em tiết kiệm cũng chỉ để lo cho tương lai của chúng ta, anh dùng hay em dùng thì có khác gì nhau. Với lại, mẹ anh cũng là mẹ em mà. Anh rạch ròi như vậy làm em thấy không vui đấy!
Nghe câu nói “mẹ anh cũng là mẹ em” thốt ra từ miệng Hà khiến tôi thấy nghèn nghẹn ở mũi. Tôi vốn tưởng con bé phải ghét cay ghét đắng mình lắm.
- Hà, em chịu nhiều thiệt thòi rồi. Đáng lẽ anh nên nói với mẹ để bà có thể hiểu những gì em đã làm cho gia đình này.
- Đừng anh, anh biết mẹ thương anh thế nào mà. Mẹ sẽ đau lòng lắm khi biết chuyện. Em không sao cả, anh và mẹ cũng chính là gia đình của em. Em chưa bao giờ trách mẹ cả.
Tôi thấy vai Minh rung lên, nó đang khóc. Tôi gần như nín thở, nép sát người trong bóng tối quan sát đến khi cả hai rời đi.
Ngày hôm sau, tôi gọi Minh ra hỏi:
- Con có chuyện gì giấu mẹ sao?
- Mẹ đang nói về chuyện gì thế?
- Về tất cả mọi chuyện!
- Đương nhiên là không rồi, sao hôm nay mẹ lại hỏi vậy?
- Mỗi lần con nói dối, con đều không dám nhìn vào mắt mẹ. Có phải công việc của con gặp vấn đề không?
Minh im lặng hồi lâu rồi gật đầu.
- Con… con bị công ty sa thải do sai sót trong công việc làm họ mất một khoản lớn. Chính Hà là người đã chạy vạy để đền bù thiệt hại mà con gây ra. Cũng chính cô ấy động viên con tìm công ty mới, khuyên con không nên nói cho mẹ biết vì sợ mẹ buồn. Cô ấy nhận làm kế toán ngoài giờ cho các công ty vào buổi tối để kiếm thêm thu nhập. Mỗi ngày chỉ ngủ được ba bốn tiếng đồng hồ. Con xót lắm nhưng Hà cứ cười cười nói mình không sao.
Tôi ngồi xuống đối diện Minh, không thốt lên được lời nào. Hà hiểu tôi nhiều hơn tôi tưởng. Tôi luôn tự hào về Minh. Lúc trước tôi luôn bảo với mọi người Minh là đứa thông minh trời phú, không cần học thêm học bớt, điều kiện thiếu thốn vẫn đỗ Đại học và năm nào cũng giành được học bổng. Sau này, Minh thăng tiến trong sự nghiệp khiến tôi vui mừng khôn xiết. Trong những lần đay nghiến Hà, tôi vẫn thường hay nói gia đình này là nhờ Minh gồng gánh. Công việc của Hà chỉ là cưỡi ngựa xem hoa, không giúp ích gì được cho gia đình nhiều nên phải gắng mà lo chu toàn trong nhà để Minh yên tâm làm việc. Không ngờ Hà là người bao lâu nay vẫn cố gắng chăm lo đủ chuyện trong ngoài mà vẫn cắn răng chịu sỉ vả từ mẹ chồng vì không muốn chạm đến sự kiêu hãnh khi nghĩ về con trai của tôi. Hoá ra, tôi đã để những hiềm khích làm mờ mắt mình, tôi vốn không hiểu gì về Hà cả.
Minh siết hai bàn tay vào nhau, nói tiếp:
- Hơn một tháng trời con giả vờ ngày ngày đi làm nhưng thực chất lại đến quán cà phê ngồi suốt buổi. Con vừa nhận làm công việc thời vụ vừa rải đơn xin việc. Con rất khổ tâm vì giấu mẹ, cũng rất đau lòng khi Hà phải gánh vác nhiều thay con. Mẹ à, con xin lỗi, con yếu kém quá.
Tôi ôm Minh vào lòng, vuốt mái tóc cứng của nó:
- Không có gì phải xin lỗi cả con trai. Con vẫn là đứa con trai mà mẹ tự hào và thương yêu nhất. Con chính là phước lành thượng đế mang đến cho mẹ.
Minh cũng ôm chặt lấy tôi.
- Mẹ à, vẫn còn một chuyện nữa, con và Hà vẫn chưa nói với mẹ. Về chuyện sức khoẻ của mẹ…
- Mẹ sẽ làm phẫu thuật. Các con không cần phải lo lắng. Bà già này vẫn còn ham sống lắm. Mẹ còn phải chăm con cho hai đứa rồi mới yên lòng đi được.
- Mẹ… mẹ biết rồi sao?
Tôi gật đầu:
- Mẹ đã gọi cho dì Mai nhờ dì rao bán miếng đất ba con để lại. Theo như lời dì nói thì số tiền này dư sức thanh toán chi phí phẫu thuật. Phần còn lại, mẹ giao cho con và Hà lo trong ngoài, tuỳ hai đứa tự cân đo đong đếm mà sử dụng như thế nào. Con nói với Hà cứ giữ lại tiền tiết kiệm của nó để lo cho chuyện lớn hơn.
Minh gật đầu, tôi thấy mắt nó rưng rưng. Tôi cũng nghe sống mũi mình cay cay.
- Ngày mai người ta đòi tới xem đất nhưng mẹ bảo dì Mai chủ nhật này hãy đến. Lúc đó, con và Hà được nghỉ làm, xem lại hồ sơ giấy tờ cho chắc. Có hai đứa, mẹ yên tâm hơn.
Minh lại gật gật đầu. Tôi vốn sẽ định nói điều này với cả hai vợ chồng nhưng Hà sau khi nấu xong bữa sáng đã vội vàng ra khỏi nhà. Căn bếp dù đã cố gắng dọn dẹp hơn so với mọi ngày nhưng vẫn còn mang dáng vẻ lộn xộn đặc trưng của Hà. Không hiểu sao tôi lại cảm thấy không khó chịu.
Giờ nghĩ lại mới thấy, tôi trước giờ chỉ la mắng nhưng chưa chỉ dạy con bé cặn kẽ. Tôi vốn chẳng đủ kiên nhẫn và tình thương để dành thời gian hiểu con dâu của mình. Sau khi phẫu thuật xong, nhất định tôi sẽ hướng dẫn con bé nấu nướng và dọn dẹp. Không, phải là cả hai vợ chồng chúng nó. Để thằng Minh còn biết phụ giúp vợ việc nhà nhỡ sau này vợ chửa đẻ, còn sức khoẻ của tôi thì không tốt.
Buổi chiều, Hà không tăng ca mà về sớm hơn mọi ngày với lỉnh kỉnh đồ đạc trên tay. Nó đẩy tôi ra khỏi bếp, nói:
- Mẹ còn chưa khoẻ, cứ để con nấu cho ạ. Hôm nay con có mua nguyên liệu nấu món thịt kho trứng mẹ thích.
Hà kiên quyết quá nên tôi đành phải ra phòng khách vừa cắn hạt dưa vừa xem ti vi. Tiếng loảng xoảng vang lên từ phía bếp, Hà vụng về làm rơi chiếc nắp nồi. Khi thấy tôi đứng ngay cửa bếp, con bé hoảng sợ lên tiếng:
- Con xin lỗi mẹ.
Tôi nhìn nồi thịt, cau mày:
- Con có thắng nước màu không sao thịt trắng xác thế này?
Hà le lưỡi:
- Ấy chết, con quên mất.
Trước giờ tôi rất ghét điệu bộ này của nó nhưng hôm nay lại thấy buồn cười.
- Không sao, con lấy nước màu dừa mẹ để ở ngăn tủ đầu tiên thêm vào một ít cho màu sắc đậm đà. Đồ ăn phải đẹp mắt một chút thì mới có cảm giác ngon miệng.
Hà gật gù vui vẻ nhìn tôi thêm nước màu vào nồi thịt kho nhạt màu quá mức của nó.
- Trứng con bóc chưa? Mang lại đây mẹ bóc nào.
- Mẹ cứ để con làm cho. Mẹ ra ngoài ngồi nghỉ cho khoẻ.
- Ôi dào, chỉ bóc vài cái trứng cũng chả mệt gì đâu. Con cứ khéo lo, mau đem trứng ra đây.
Hà khệ nệ bê nồi trứng tới bàn cho tôi, lại vụng về làm văng nước ra ngoài.
- Hà này,…
- Dạ, con sẽ cẩn thận hơn ạ.
Phản xạ của con bé làm tôi cảm thấy áy náy. Là do lúc trước tôi đã quá khắc khe với con bé rồi.
- Không, mẹ định hỏi mai con có muốn ăn gì vào bữa sáng không? Mẹ con chúng ta cùng chuẩn bị nhé.
Mặt Hà thoáng bất ngờ, rồi mau chóng chuyển sang vui vẻ, nó dạ một tiếng rõ to. Tôi cũng thấy trong lòng vui vẻ và dễ chịu.
Tôi nhận ra mình thật may mắn khi có cô con dâu nhân hậu và lễ độ như Hà. Và cũng thật may mắn khi tôi sớm nhận ra lỗi sai của mình, tránh làm cho con dâu tủi thân và con trai khó xử.
Người ta vẫn nói mẹ chồng nàng dâu khác máu tanh lòng. Giữa những người không cùng chung máu mủ thì việc yêu thương nhau sẽ cực kì khó khăn, tuy nhiên nếu mỗi người cố gắng cảm thông và đặt mình vào vị trí của nhau thì sẽ dần thấu hiểu nhau hơn.
Các mối quan hệ trong cuộc sống vốn là con đường hai chiều, cho đi và nhận lại. Nếu mẹ chồng thực lòng đối đãi với con dâu, yêu con dâu như con gái ruột thì chắc chắn rằng con dâu cũng sẽ hết dạ hiếu kính với mẹ chồng.
© Thanh Lam - blogradio.vn
Xem thêm:
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho chúng ta
Những đau đớn hằn vết trong trái tim anh đều do em cả. Em không mong mình sẽ là người khâu vá lỗ hỏng ấy, chỉ mong anh hãy quên em và đừng yêu em thêm nữa. Tình yêu này không nên tồn tại. Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho cả hai chúng ta.
Trả Lại Anh Cho Cô Gái Khác | Radio Tâm Sự
Sau chia tay, có ai không bi luỵ lẫn tổn thương… chẳng qua chúng ta chỉ khác nhau ở thời gian chữa lành mà thôi. Có người cần một tháng, có người cần một năm, có người cần thời gian đủ lâu và có kẻ chấp nhận dùng cả một đời để học cách quên đi một người.
Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909
Ngày hôm đó chúng ta đã nói sẽ luôn nhớ tới nhau, sẽ giữ trọn vẹn trong tim mối tình của năm tháng ấy. Nhưng anh biết không, mỗi người chúng ta ai rồi cũng đều khác, lời hứa năm đó cũng chỉ là tên gọi khác của lời tạm biệt mà thôi.
Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908
Dây xích sắt trượt dài trên thanh chắn cửa, rít lên một tràng âm thanh chói tai, kết thúc bằng tiếng đáp đất nặng trịch. Trời lặng gió, áng mây vắt ngang qua ngọn cây, trong đêm tối không trăng không sao, chiếc lồng đèn cũ phủ một lớp bụi mỏng
Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907
Mưa rơi, làm hình bóng anh trong mắt cô mờ đi, gương mặt điển trai sau màn mưa trắng chẳng rõ đang vui hay buồn. Mưa vẫn không ngừng xối lên thân ảnh liu xiu của anh, lớp áo sơ mi trắng dính vào da lộ ra vết sẹo dài chạy dọc theo cánh tay khẳng khiu.
Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906
Bạn chính là chủ nhân của cuộc đời mình. Tương lai ra sao, do bạn định đoạt. Đừng để năm tháng trôi qua, trong bạn chỉ toàn là tiếc nuối.”
Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905
Đôi khi, sự ra đi của người khác là lí do để ta nhìn lại mình. Nhìn lại những gì mà bản thân đã cư xử. Có phải vì ta chưa đủ trưởng thành? Có phải vì ta vẫn còn quá cảm xúc và bi kịch hoá mọi thứ?
Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904
Nếu bạn độc thân, hãy tận hưởng điều đó. Độc thân không có nghĩa là chưa đủ tốt để yêu. Độc thân nghĩa là chưa có ai đủ tốt để được bạn yêu.
Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903
Muốn ngắm bình minh, phải dậy thật sớm. Muốn tạm biệt ngày tàn, phải vẫy chào hoàng hôn. Hạnh phúc của mình nên tự mình nắm lấy...
Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902
Một giấc mơ dang dở dấy lên trong lòng tôi một sự hiếu kỳ với dáng vẻ của hạnh phúc. Nếu bước qua lằn ranh giữa quá khứ và hiện tại, tôi sẽ thấy được điều, có phải kết cục sẽ vẹn tròn hơn không.