Phát thanh xúc cảm của bạn !

Đi Xa Hơn Để Trưởng Thành Hơn (Blog Radio 857)

2023-08-30 05:25

Tác giả: Giọng đọc: Bạch Dương

“ Cuộc sống có muôn vàn nơi đến

Nhưng luôn có một nơi chờ đợi ta quay về”

Tuổi trẻ chỉ nghĩ đến những chuyến đi. Tuổi trẻ háo hức đợi mong một ngày được bay nhảy trên những phương trời mới lạ. Để rồi những cô đơn mê mải, tuổi trẻ ấy mới muốn một nơi để trở về.

Với những ai từng xa nhà, xa gia đình, xa bạn bè thân thiết đã từng cảm thấu nỗi lòng của những đêm đông thương nhớ hơi ấm vị quê nhà. Đó là nỗi nhớ những bình dị thân thương, những con đường trước nhà, khóm hoa đầu ngõ, âm sắc quê hương, lòng thương nhớ mẹ cha. Và đó cũng chính là những cảm xúc khó nói nên lời của Thảo Uyên.

Cô gái 24 tuổi, thông minh, tài năng, dáng người nhỏ nhắn nhưng sở hữu một gương mặt được bạn bè, đồng nghiệp đánh giá là “xinh như nữ thần”. Cô tốt nghiệp thạc sĩ, đang làm việc cho công ty thiết kế thời trang tại New York. Thảo Uyên là cô con gái duy nhất trong một gia đình khá đông con. Cho đến tận bây giờ, không nhiều người ở Việt Nam, thậm chí là một xóm nhỏ ở quê nhà biết đến cô. Ngày còn bé Thảo Uyên là một đứa trẻ năng động, với tính cách tự lập và chưa bao giờ thích bó buộc bởi sự chăm sóc của gia đình. Cho dù gia đình cô cũng thuộc loại khá giả và hơn ai hết cô là một cô công chúa được cả nhà yêu thương.

Với tính cách đó, cô vô cùng hào hứng khi được ba mẹ cho đi du học Mỹ năm 19 tuổi.  Nếu phải chọn một thành phố để nói về “giấc mơ Mỹ”, có lẽ không nơi nào nổi bật bằng “miền đất hứa” New York. Lý do đầu tiên để cô chọn đạt chân đến nơi này là bởi có nhiều tri thức rộng mở cho con đường học vấn và cả cơ hội việc làm trong tương lai. Có nhiều công ty thiết kế hàng đầu và nơi đây sẽ là vùng trời để cô thỏa sức tự do vùng vẫy với những đam mê, tài năng thiết kế của mình. Đó là suy nghĩ khá nghiêm túc của một cô gái 19 tuổi khi ấy.

Người ta nói rằng khi sinh ra, con người ta không ai được lựa chọn nơi mình sẽ thuộc về. Gia đình và quê hương của ta là mặc định, nơi thuộc về thì không được lựa chọn, tuy nhiên nơi ta đi thì lại được ta lựa chọn. Có gì lạ đâu khi ngày ta biết bước đi những bước chậm chững đầu đời lại là một trong những mốc quan trọng nhất của cuộc đời về sau, để rồi từ vạch xuất phát đó, ta sẽ bước những bước đi của tuổi thơ quanh xóm làng, bước những bước chắc chắn trên con đường học tập hay trưởng thành hơn và xa hơn nữa là công danh sự nghiệp. Rõ ràng chúng ta luôn nghĩ tới những chuyến đi của cuộc đời mà ít tai nghĩ tới những lần trở về. Thảo Uyên cũng vậy, cô mải bay cao bay xa, mải mê với những cuộc vui, những viễn cảnh tương lai hào nhoáng trong đôi mắt của tuổi trẻ mười tám đôi mươi mà quên mất những gian nan thử thách đang chờ đợi cô nơi đất khách quê người.

Ngày ba mẹ và các anh tiễn ra sân bay, nhìn thấy mẹ rơm rớm nước mắt, cô biết bà yêu cô và không nỡ để cô con gái duy nhất một mình ở một đất nước xa lạ. Thảo Uyên ôm mẹ vào lòng, nhí nhảnh nói:

“Mẹ ơi mẹ đừng lo, con gái mẹ lớn rồi. Con sẽ học tập thật tốt và thành công trở về.”

80b5995fcb4e4c90f6008f10e7ce4e4d

Đáp chuyến bay từ Sài Gòn đến New York (Mỹ), cô mới bắt đầu thấy mình như bị lạc vào thế giới khác bởi sự khác biệt về ngôn ngữ cũng như văn hóa, mặc dù ngoại ngữ của cô cũng không tệ. Trước mắt cô là một trong những thành phố hiện đại và phát triển nhất. Trước khi đến đây Thảo Uyên cũng đã tìm hiểu sơ qua về chi phí ăn ở, những ẩm thực, quán xá nơi đây. Cô cũng biết có rất nhiều cửa hàng tiện lợi vẫn sáng đèn dù bất kể bạn tan sở muộn thế nào và cả một vài nơi làm thêm dành cho du học sinh người Việt.

Những người đi trước ai cũng phải trải qua khoảng thời gian rất khó khăn, chật vật khi vừa mới bước chân đến đây. Những người đến sau có phần sung sướng hơn, vì đã có người thân đi trước giúp đỡ. Thời gian ban đầu cô qua Mỹ du học cũng có vài người quen của ba giúp đỡ, mặc dù họ cũng khá hời hợt nhưng cô luôn tin rằng chỉ cần bản thân nỗ lực cố gắng, cô nhất định sẽ thành công trên đất nước xa lạ này.

Và rồi bằng niềm tin mãnh liệt đó Thảo Uyên  đã nỗ lực học tập, bám trụ trên mãnh đất xa lạ phồn hoa này suốt 6 năm. Những kiến thức và kĩ năng cô học được không ít và có thể thuận lợi học một mạch lên đến thạc sĩ. Những điều cô đạt được là hơn cả mong đợi của bản thân, nhưng cũng chính nơi đây cô đánh mất đi mùi vị quê nhà dẫu rằng cô là một cô gái trước giờ vẫn luôn tự lập và làm tốt mọi chuyện. Tìm đến một đất nước khác để có cơ hội phát triển hơn nhưng cô đã gặp không ít khó khăn, trở ngại nơi đất khách mưu sinh tha hương. Có lẽ không chỉ cô mà nhiều người Việt vẫn canh cánh nỗi nhớ quê nhà là điều khó tránh khỏi.

Lúc còn ở Việt Nam, gia đình cô lúc nào cũng bên nhau, cô chỉ có việc ăn và học cho thật tốt, cuối tuần thì phụ giúp mẹ bán hàng. Thỉnh thoảng thì cả nhà cùng đi ăn khuya với nhau. Cùng ăn chung những bữa cơm, không khí lúc nào cũng đầm ấm vui vẻ. Đến tối thì cùng quây quần xem phim, sáng muốn ăn gì mỗi khi thức dậy chỉ cần 10 phút chạy một mạch ra chợ, ngắm nhìn dòng người buôn bán tấp nập, đông đúc. Nhưng giờ đây những hình ảnh đó hoàn toàn ngược lại khi cô ở Mỹ, nó thật quá xa vời và lạc lõng. Nếu mọi chuyện thuận lợi chẳng có điều gì xảy ra, có lẽ Thảo Uyên đã có thể trở về Việt Nam sau khi hoàn thành khóa học. Nhưng cách đó một tháng, cô lại nhận tin mẹ bị ốm nặng, công việc làm ăn của ba ở quê cũng chẳng mấy thuận lợi. Vậy là cô đành gác lại nỗi nhớ nhà sau bao năm xa cách để định cư và xây dựng sự nghiệp ở đây phụ giúp kinh phí cho gia đình. Với khả năng của Thảo Uyên, cô dễ dàng xin được một vị trí tốt thuộc lĩnh vực thời trang mà cô đã học. Tuy nhiên với cô, cái cuộc sống mà chỉ vỏn vẹn trong bốn bức tường, mỗi ngày đều đến tàu điện ngầm hoặc bắt chuyến xe buýt sớm nhất để đến công ty, ban ngày thì đi làm cả ngày, còn chưa chắc có thời gian gặp mặt mọi người xung quanh. Những món ăn trong mỗi bữa ăn được hâm nóng bằng lò vi sóng và ăn trong một tuần. Có khi công việc bận rộn lại bỏ cả bữa.

Có lẽ phải ném trải cực nhọc, vất vả, bon chen nơi đất khách quê người, cô mới thấy trân trọng hơn những khoảnh khắc khi được trở về nhà, được về bên những người thân yêu của mình. Thế giới ngoài kia rộng lớn, xô bồ với những áp lực nặng nề của cuộc sống đôi lúc khiến cô mệt mỏi đến chán chường.

 Giá như có thể chớp mắt một giây đã được trở về nhà, ấp iu nồng ấm tình thân thì tốt biết mấy, cảm giác như được bước chân vào một thế giới khác, thế giới chỉ có bình yên, ấm áp đến diệu kỳ”

Thảo Uyên viết những dòng nguệch ngoạc vào nhật ký khi đôi tay cô đã rã rời thấm mệt, trên gương mặt đã đẫm ướt nhòa những giọt nước. Cô đang khóc ư? Một cô gái mạnh mẽ, độc lập ở một đất nước mới nhưng cũng chẳng còn quá xa lạ khi nhiều năm liền cô đã định cư ở đây, cuối cùng cũng phải yếu mềm theo thời gian khi trong tim mang tình yêu, nỗi nhớ người thân, nhớ về Việt Nam. Ở nơi đây hơn 6 năm, cô cũng bắt gặp những câu chuyện, những con người từ Việt Nam sang Mĩ để tìm kiếm cơ hội sống một cuộc đời tốt hơn.

Cô từng đọc qua trên những mặt báo, những diễn đàn về cộng đồng người Việt sống ở Mỹ. Chia sẻ của một gia đình có ba là kế toán và mẹ có quán hàng nhỏ, quán rất đông khách. Họ không thuộc dạng giàu nhưng cũng khá giả, nên cũng không bận tâm hay bị ảnh hưởng nhiều bởi đồng tiền. Và họ qua Mỹ, mở tiệm nail, nghe có vẻ giàu thật, nhưng đằng sau đó là công sức, tâm huyết và mồ hôi nước mắt của họ. Mọi thứ họ đều bắt đầu tự mày mò, học hỏi để làm: Trang trí lại nội thất, quảng bá thương hiệu…Có những tháng chật vật, tiền ra thì nhiều mà tiền vô thì ít.

Lại một gia đình khác thuộc tầng lớp thượng lưu với biệt thự ở ngoại thành. Sang định cư Mỹ, ba mẹ phải đi chất hàng hóa lên to axe lửa với mức lương khoảng 1200 đến 1500 USD một tháng. Họ phải nuốt bao nhiêu giọt nước mắt để cho hai cô con gái ăn học thành tài trước sự dè bỉu của mọi người trong nhà.

 “Việt Kiều” nghe có vẻ sang thật ấy nhỉ? Nhưng nó chỉ là cái mác, cái mác đánh đổi bằng mồ hôi, xương máu. Người ta cứ nhìn vẻ bề ngoài của họ rồi đánh giá, nhưng chỉ khi ném trải mùi vị khó khăn, chật vật nơi đất nước xa xôi ấy mới đồng cảm và thấu hiểu cho nỗi nhớ quê nhà, những tủi hờn không thể nói cùng ai.

99aae0fb8b20b6d37600e959707aae7d

Hơn ai hết Thảo Uyên hiểu rõ những khó khăn, chật vật khi đặt chân đến nước Mỹ này từ lúc mới 19 tuổi. Chính cô cũng đã trải nghiệm đủ mọi công việc làm thêm, bước qua rào cản ngôn ngữ, tự bồi dưỡng ngoại ngữ của mình trong khi giao tiếp với người nước ngoài.  Nếu như ở Việt Nam, ngoài các khoản chi phí như tiền điện, tiền nước, chợ cô chỉ cần chi ra hàng tháng và hầu như không còn phải chi thêm khoản nào khác. Còn ở đất nước này thì hàng tháng lại phải lo những khoản như những hóa đơn cứ ngập tràn trong hộp mail. Nào là tiền điện, tiền nhà, tiền nước, tiền điện thoại, bảo hiểm xe…Nhưng bằng một niềm tin và quyết tâm mãnh liệt nào đó cô đã vượt qua hết những khó khăn trong ba năm đầu. Khi còn là du học sinh, Cô luôn là một sinh viên xuất sắc trong ngành thiết kế thời trang và nhận về nhiều học bổng, cũng chính vì thế mà cái tên Lisa – với ý nghĩa một cô gái luôn thành công đã ra đời. Lisa Nguyễn là tên gọi thân thiết mà các bạn học đặt cho cô và nó cũng theo Thảo Uyên trong suốt những năm cô sinh sống và làm việc ở Mỹ.

“Chẳng ai đo đếm con đường mình qua bằng những bước chân, vì có những nơi gần lắm, nhưng đi mãi cả đời chẳng tới; vì có những người gần lắm, nhưng cả đời chưa từng chia cho nhau được một nụ cười vui.

Chẳng ai đo đếm những chông chênh trong lòng bằng những khó khăn, vì có những khó khăn chỉ sau nụ cười thật hiền bỗng trở nên không còn đáng kể nữa; vì vẫn còn đó những con người, để những tang thương trong cuộc sống nhẹ như mây.”

Hơn 6 năm sinh sống và làm việc ở đây, Không ít lần cô buồn tủi khi nhớ về quê hương, đất nước Việt Nam của mình. Nhưng cô cũng rất may mắn và hạnh phúc khi được đón chào trong ngôi nhà ấm áp sắc màu của gia đình Kiều Nhi -  một người bạn là người Việt, gia đình Nhi cũng định cư ở đây hơn 10 năm rồi.

Cô quen thân với Nhi trong lễ tốt nghiệp thạc sĩ. Nhi bắt gặp cô ngồi một mình sau khán đài, đôi mắt đỏ hoe ứa đọng những giọt nước. Chẳng ngần ngại Nhi đến ngồi cạnh cô, không lên tiếng thắc mắc lý do cô ngồi đây khóc một mình, nàng ta tinh ý đến mức đưa cho cô chiếc khăn giấy rồi choàng tay qua vai cô vỗ vỗ vài cái an ủi. Cô chờ Thảo Uyên bình tĩnh một lát rồi lên tiếng:

“ Tôi là Kiều Nhi, cũng học chuyên ngành thiết kế thời trang. Gia đình tôi định cư ở đây. Còn cậu thì sao? Cậu qua đây học một mình à?”. Cô nàng hỏi một hơi như đọc rap chẳng ngắt nghỉ hơi làm cô cũng phải vừa lau nước mắt vừa cười.

“Tớ tên Thảo Uyên, các bạn hay gọi với một cái tên khác là Lisa. Tớ sang đây năm 19 tuổi và giờ định cư một mình ở đây.”

“Thế á, cậu buồn vì nhớ nhà đúng không?. Sau này cậu có thể  xem tớ là người nhà, chúng ta cùng mang dòng máu người Việt mà. Bố mẹ tớ cũng thân thiện và thoải mái lắm. Thỉnh thoảng nhớ nhà cứ ghé nhà tớ chơi”.

Nói rồi cô nhanh nhảu viết địa chỉ nhà và số điện thoại vào tay Thảo Uyên. Cô vừa vui vừa sửng sốt chẳng biết đâu một ngày lại rơi xuống cho cô một cô bạn đáng yêu, hòa nhã thế này. Điều bất ngờ hơn là về sau cả hai lại cùng được tuyển chọn chung một bộ phận trong công ty. Nhờ có gia đình Nhi, mỗi kì nghỉ lễ cô cũng đỡ cô đơn hơn và có đồng nghiệp là bạn thân lại cũng là người Việt Nam giúp Thảo Uyên tự tin, bớt chơi vơi, lạc lõng trong những ngày đầu làm quen với công việc.

Trong một lần trò chuyện, cô hỏi Nhi:

“Có khi nào cậu cảm thấy trong lòng mình bỗng khao khát được về nhà không? Ý tôi là Việt Nam ấy”. Cô biết rõ Kiều Nhi đã ở đây cùng bố mẹ cô ấy hơn 10 năm rồi, và có lẽ nơi đây cũng được xem là nhà của Nhi rồi cũng nên.

Ở một đất nước khác, một thành phố khác cuộc sống quá đỗi nhiều thứ khiến cô phải suy nghĩ. Tự dưng cô chỉ muốn bỏ hết và về nhà thôi. Mọi người từ bạn bè, đồng nghiệp và cả Nhi nữa đều khuyên cô mấy câu nào là: Nếu mệt quá thì nghỉ ngơi đi, đi chơi đi, đi du lịch đi nè, thành phố New York này không thiếu địa điểm du lịch đẹp, các món ăn, ẩm thực đường phố cũng hấp dẫn chẳng kém các nhà hàng cao cấp. Nhưng với Thảo Uyên về nhà chính là một chuyến du lịch xa.

Chuyến đi này cô sẽ không phải ôm theo dealine, không mang muộn phiền của thành phố New York đi cùng nên có lẽ sẽ có cảm giác nhẹ nhàng lắm, cuộc sống sẽ cứ êm đềm làm sao. Vì nhà chính là nơi trái tim chẳng bao giờ toan tính, hơn thua. Nơi thực sự chỉ có sự chở che, bao dung, tha thứ và gắn kết. Nơi dù ta mắc sai lầm, vấp ngã, dẫu ngoài kia có quay lưng về phía ta thì nhà vẫn có bố mẹ và những người thân yêu ở bên, vỗ về. Cô đã đi nhiều nơi và dường như ở bất kì nơi nào trên đất nước nào cũng có những con người vì cuộc sống, cơm áo gạo tiền mà chưa được về nhà hoặc không có nhà để về. Nhà với họ chỉ là tạm bợ mái hiên bên đường, là khu ổ chuột nhếch nhác, là gầm cầu lạnh lẽo, cô đơn… Gia đình, quê hương là những điều thiêng liêng nhất mà không phải ai cũng may mắn có được. Bởi thế cô càng đồng cảm với những mảnh đời vất vơ bất hạnh trên mảnh đất xa lạ này, và biết trân trọng, nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước trong tim mình. Dù đã sống nhiều năm liền ở một đất nước khác cô vẫn luôn một lòng hướng về nhà, bởi nhà là cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc.

Rồi một ngày cô nàng thu mang cơn gió mát dịu rời đi nhường chỗ cho bầu trời đông xám xịt lạnh lẽo. Chỉ hiếm lắm mới có chút nắng lọt qua khe hở đột phá tầng mây, trả lại một chút xanh dương quý giá  của bầu trời cùng không khí ấm áp. Cũng như thường lệ, Thảo Uyên sẽ phải đến tàu điện ngầm từ sớm để đến công ty. Nhưng cái thời tiết lạnh giá cắt da cắt thịt này của mùa đông khiến cô nàng cảm thấy lười bước chân ra đường, phải đấu tranh tư tưởng dữ lắm với tiếng chuông báo thức và hàng loạt cuộc gọi của Nhi nhắc nhở hôm nay có cuộc họp về hạng mục thiết kế cuối năm, cô mới bừng tỉnh dậy như chưa từng ngủ.

Mùa đông ở Việt Nam phải đối mặt với tận mấy cơn bão lớn nhỏ liên tiếp. Còn ở đây thì có cả bão tuyết nữa. Mấy ngày liền ở nhà tránh bão tuyết là trải nghiệm nhớ đời mà lần đầu tiên cô trải qua. Nhìn ngoài khung cửa tuyết rơi dày đặc, các hàng cây trụi lá trơ trọi mùa đông, các mái nhà phủ lên một màu trắng toát, cô cảm thấy một sự lạnh lẽo bao trùm. Cũng may là tuyết tan, nhiệt độ ấm lên mọi người mới có thể thoải mái ra đường tiếp tục cuộc sống. Mải mê nhìn khung cảnh cuối cùng xót lại sau trận bão tuyết, giọng của Nhi vang lên mới thức tỉnh cô.

“Lisa, sao mà thẩn thờ thế? Cơn bão tuyết cuốn não cậu bay theo luôn rồi hả? Cứ tưởng sáng nay cậu không đến công ty luôn chứ?”. Cô nàng vừa nói mang theo ý cười châm chọc

“Hây da, tớ cũng định trốn luôn rồi, nhưng vì hạng mục cuối năm này quan trọng lắm, hời hợt là không xong với sếp.”

12 giờ trưa cô cắn nốt cái bánh bao lúc sáng hấp qua loa để mang đi làm

“Chị Lisa, lúc nảy chị để điện thoại trên bàn làm việc, hình như có ai gọi cho chị á. Em nghe chuông đổ liên tục.” Cô bé đồng nghiệp bàn bên nhắc cô.

“Ừ, cảm ơn em nhé!”. Nói rồi cô mở điện thoại lên, điện thoại báo rung ba cuộc gọi nhỡ.

Ba cô gọi!

Cô nhìn lướt qua điện thoại xong lại cặm cụi ăn nốt chiếc bánh, tiếng đồng nghiệp nói chuyện rôm rả xung quanh. Điện thoại cô sáng tiếp, ba cô gọi lại. Cô cầm điện thoại ra ngoài ban công, vừa đi vừa bấm nghe.

Alo, ba à!

Giọng điệu ba cô lo lắng. “Sao ba gọi mà không gọi lại hả con? Có chuyện gì à, sao ba gọi không nghe máy?”

Cô trầm lặng vài giây, nước mắt từ đâu ứa ra hàng dài. Người ngoài nhìn vào, chả hiểu sao cô khóc, chỉ biết cô đang gặp vấn đề.

Cố kìm nén nước mắt, cô bảo ba “ con không sao, Lúc nảy con đang họp nên không mở điện thoại, dạo này con bận quá nên con chưa gọi về cho ba. Mẹ con ổn chưa ba?”

Ba cô im lặng một lúc rồi nói: “ba còn lạ gì mày nữa, gặp chuyện gì cũng im im chịu đựng một mình. Mẹ con không sao rồi, bà ấy vừa uống thuốc, giờ nằm nghỉ rồi. Con yên tâm đi.”

“À, mà giờ bên đó chắc đang là ban ngày con nhỉ? Con làm việc xong chưa, đã ăn uống gì chưa con. Mùa đông đến rồi đó, nhớ măc ấm vào.”

Cô khóc to hơn, những tiếng nấc cố kìm lại không ra tiếng. Nhưng chắc ba cô cũng biết.

Mệt quá thì nghỉ vài hôm. Nhà đang mùa ngô mà không có người thu hoạch, nghe đâu sắp tới bão số hai đổ bộ ba sợ nó mốc hết, vừa mất công vừa mất sức. Thôi, nhớ ăn uống đầy đủ mới có sức mà làm việc. Ba gọi thì nhớ nghe, thấy cuộc gọi nhỡ thì gọi lại cho ba không ba lo.

Cô dạ, bảo ba nhớ giữ gìn sức khỏe để còn chăm sóc mẹ nữa.

tút tút tút…

Cuộc gọi chỉ có thế, mà cô khóc 30 phút đồng hồ. Cô cảm thấy bất lực chính bản thân mình. Cô chưa giúp gì được cho ba mẹ, đến cuộc gọi cũng không gọi về nhà. Cũng chả thể tâm sự với ai, may ra cô còn khóc được, cái cây ở ban công chắc cũng buồn lây vì tiếng khóc của cô rồi. Cô nhớ lại cái ngày cô hăng hái, hào hứng xa vòng tay ba mẹ đến Mỹ, tuyên bố rằng khi thành công sẽ trở về, ấy vậy mà bao năm trôi qua, Việt Nam - cô luôn trễ hẹn. Biết rằng những khó khăn của cô chỉ có cô mới giải quyết được, những khó khăn đấy chỉ bằng một phần nghìn những lo lắng của bố. Giữa thành phố New York xô bồ này, ai chả có lúc buồn phiền...

Khóc xong cô đi vào làm việc, tay lau nước mắt, lấy quyển nhật ký ra viết lên dòng chữ :

“Công việc ưu tiên nhất: Gọi điện về nhà”

Ngày nào đó, chắc hẳn ta sẽ luôn nghĩ về những lần trở về. Ta trở về với gia đình sau những lần vấp ngã, sau những mệt nhoài lo toang của cuộc sống, trở về với chính bản thân mình. Khi ta bước tới trước để hòa nhập với cuộc sống này, ta không tránh khỏi những sai lầm, vậy mà đường về nhà vẫn luôn bao dung, tha thứ. Bữa cơm gia đình, ánh mắt của ba, hay giọt nước mắt của mẹ, tiếng cười của bạn thân hay chỉ cần một cái ôm…Đường về nhà của ta chỉ đơn giản có thế.

Chuyến xe khách 22 giờ 30 phút.

Tiếng xe còi inh ỏi từ trên dốc đi xuống, cô vẫy tay chạy nhanh qua đường bắt xe cho kịp.

Anh lơ xe quát to:

- Sau đứng bắt xe mày đứng lên chỗ cua một tí, dặn bao lần rồi!

Cô dạ một tiếng rồi im lặng đi lên xe.

Khổ nỗi chỗ cô hay đứng đợi xe chỗ đấy vì có ánh sáng nên đỡ sợ hơn. Phần còn lại là để thấy bóng dáng ba và mẹ cô ở xa xa. Ông đứng trước cổng nhà để xem con bé đã lên xe an toàn chưa. Mỗi lần cô đi, mẹ cô khóc như chưa từng được khóc. Cô ngồi trên xe, ngậm ngùi giấu giọt nước mắt đi nhìn cổng nhà khuất dần...

Khổ thật! Về làm gì để rồi chia xa...

Chuyến xe đi qua những ngõ nhỏ, rồi ra đường lớn, ánh đèn mờ mờ ảo ảo, hai bên ngọn đồi có những cây keo lớn được bóng tối bao trùm đen kịt. Giữa không gian tĩnh mịch ấy, mắt cô nhìn xa xăm trông an nhiên đến lạ, nhưng trong cô dường như đã dậy sóng từ bao giờ.

Cô ngồi trên xe và chỉ muốn trở về, trở về cái thời ba mẹ còn trẻ, ông bà cô còn khoẻ, cô còn là đứa trẻ ngây thơ nô đùa với mấy đứa trẻ trong làng...Nhưng rồi những đứa trẻ như cô, ai mà chẳng phải lớn lên.

Sáng dậy mở mắt, hóa ra chỉ là một giấc mơ, nhưng ít ra trong giấc mơ ấy, cô chỉ đến một vùng quê khác sinh sống  và có thể dễ dàng về nhà mỗi lần thấy nhớ. Nhưng hiện thực cô lại bay đến một đất nước thật xa xôi. Cô đã ở một nơi xa, một nơi thân quen nhưng cũng xa lạ, bởi đó không phải là nhà. Ở nơi này nó có những người bạn từ lạ thành quen, những người đồng nghiệp ở những nơi tưởng chừng không bao giờ gặp, lại gặp nhau giữa chốn xa quê này. Lau đi những giọt mồ hôi đã thấm ướt khắp người, cô tự nhủ sẽ sắp xếp mọi việc ổn thỏa, nhất định cô sẽ trở về, về với Việt Nam, về với vòng tay ba mẹ.

Bằng một cách nào đấy, chuyến bay năm nào như mang theo ước mơ của cô, mang theo hoài bão mà cô theo đuổi. Chuyến bay đó rồi sẽ một ngày cũng đưa cô về, về ngôi nhà tràn ngập tình thương, là nơi sau mỗi lần trở về nó là những thượng khách thực thụ.

“Go home” , “Về đi con” vẫn luôn là lời nhắc nhở của ba mẹ cô vào những dịp nghỉ lễ dài khi cô ở xa nhà, tận hưởng niềm vui ở thành phố náo nhiệt, chắc có lẽ ba mẹ muốn cô không được xóa đi trong tâm trí mình những lần trở về. Cứ mỗi dịp tết đến, người ta lại nôn nao trở về, giá vé được đẩy lên cao vùn vụt, vậy mà người ta vẫn cố gắng đứng chen chân nhau để có được một tấm vé trở về. Sang Mỹ đã nhiều năm, cô luôn cảm nhận tình cảm của người Việt xa xứ luôn hướng về quê hương trong dịp Tết và duy trì phong tục tập quán này như một hình thức giữ gìn cội nguồn.

af6f445c459c368a245ec6b1b6155b0d

Đông qua, tuyết tan trả lại cho bầu trời những ánh nắng yếu ớt nhưng vừa đủ sưởi ấm lòng người xa quê hương. Một năm nữa lại sắp kết thúc rồi, nhiều năm trôi đi cô cũng quen dần, không có thăng trầm sóng gió, đơn đơn giản giản. Mỗi ngày trôi qua cũng không tệ một chút nào cả. Chỉ là phát hiện ra mỗi năm sẽ có rất nhiều hối tiếc. Thế nhưng, rõ ràng có rất nhiều người cùng rất nhiều chuyện, thế giới này thật sự kì lạ, cô rất muốn yêu thương họ, nhưng cô phát hiện ra bản thân không có cách nào làm được. Cô hiểu rõ mình không phải là người tiêu cực, nhưng vẫn sợ hãi khi người thân già đi, những nếp nhăn trên khuôn mặt họ nhắc nhở cô rằng đã đến lúc cô phải làm tròn trách nhiệm của một người trưởng thành.

Năm nay cô cũng không phải quá cô đơn khi được đón năm mới cùng gia đình cô bạn Kiều Nhi trong căn nhà ấm áp sắc màu. Nhìn các ánh đèn trang trí nhấp nháy, ngọn lửa bập bùng trong lò sưởi, cô lại thấy rất bình an và đầy niềm tin cho một năm mới trước mắt. Cũng may là tuyết đã tan, nhiệt độ dần tăng, cảm giác ấm hẳn lên mà Cô cùng gia đình Kiều Nhi có thể thoải mái đi ăn món phở Việt để kỷ niệm ngày đầu năm 1- 1.

Đối với người Việt, tết Tây không phải là tết chính thức của dân tộc Việt Nam. Nhưng đó cũng là ngày quan trọng chuyển giao thời khắc từ năm cũ sang năm mới. Và họ cũng sẽ họp mặt bạn bè hoặc người thân để chúc mừng dù kì nghỉ lễ của họ ở Mỹ chỉ có một ngày đúng vào 1/1 dương lịch. Thường vào những năm trước, Thảo Uyên cũng sẽ cùng gia đình Kiều Nhi đón tết cổ truyền của Việt Nam tại Mỹ. Mẹ Nhi cũng rất khéo tay, dù sống ở Mỹ nhiều năm liền nhưng bà vẫn lưu giữ những món ăn truyền thống của dân tộc, đặc biệt là bánh chưng, bánh tét khỏi phải chê vào đâu được, Nhi và cô mỗi lần ăn, lại đều rơm rớm nước mắt bởi có thể cảm nhận được hương vị tết quê nhà ngay tại đất nước này.

Mỗi lần tết đến, cô lại nhớ về những ngày thơ bé, hình ảnh mẹ ngồi trên chiếc chiếu cói đã cũ khéo léo gói từng chiếc bánh thật xinh, ba chăm chuốt từng sợi lạt mỏng dẻo dai bó từng khúc bánh tét thật chặt, còn an hem cô nô đùa trước sân, ngồi canh nồi bánh bên bếp lửa hồng, chờ đón giao thừa trong khi đôi mắt đã lim dim buồn ngủ. Còn năm nay thì cô đã có kế hoạch cho riêng mình. Sau khi ăn tết Tây xong, Thảo Uyên tất bật, ngày đêm cố gắng hoàn thành hạng mục thiết kế kịp thời hạn. Cuối tháng cô sẽ về lại Việt Nam đúng ngày 30 tết để cùng ba mẹ đón tết trên quê hương mình.

“Việt Nam – Tôi không muốn lỡ hẹn thêm lần nào nữa”

Mãi sau này khi đã bôn ba khắp chốn, xa nhà, trải qua những sóng gió của cuộc đời cô mới nhận ra. Lớn lên dù được đi bất cứ nơi đâu, chuyến bay về nhà vẫn là chuyến bay đặc biệt nhất, sau bóng lưng ba vẫn là nơi mà bình yên trú ngụ, cơm mẹ nấu mãi là bữa cơm ngon nhất và nhà chính là nơi duy nhất ta có thể trở về.

“Một ngày nào đó, khi mọi chuyện kết thúc và con có thể trở về bên ba mẹ, con muốn được nằm trong vòng tay của mẹ. Kể cho ba mẹ nghe cậu chuyện về chuyến bay trưởng thành của con. Hy vọng, những năm tháng không có con bên cạnh, ba mẹ sẽ luôn mạnh khỏe, an yên và hạnh phúc. Hãy nhớ tới đứa trẻ từng nằm trọn trong vòng tay hai người của năm nào đó đã thực sự trưởng thành và trở thành người mà ba mẹ hãnh diện, tự hào nhất”. Cô nghẹn ngào viết những dòng chữ vào trang nhật ký cuối cùng, khép lại những năm tháng trải nghiệm nơi đất khách quê nhà. Vì cô biết giờ đây cô phải tập quen dần với nơi cô gọi là “ngôi nhà thứ hai” này.

Bạn vừa lắng nghe truyện ngắn: Đi xa hơn để trưởng thành hơn của tác giả Kim Vi qua giọng đọc Bạch Dương. Bạn thân mến, Khi còn bé ai cũng nói với chúng ta về việc lớn lên sẽ kiếm được nhiều tiền, được đi nhiều nơi, nhưng lại chẳng ai dạy ta rằng càng lớn nghĩa là còn phải đối mặt với nhiều cuộc chia ly. Có những cuộc chia ly dễ dàng nhưng cũng có những cuộc chia ly lấy đi cuộc sống của chúng ta. Nhưng rồi ai cũng phải lớn lên, rồi sẽ đối diện với những cuộc chia ly, rồi sẽ sống cùng vài nỗi nhớ dai dẵng.

Cuộc đời là thế, loay hoay loanh quanh mãi, để bây giờ mới nhận ra, những ngày được nằm cuộn tròn trong vòng tay mẹ, rồi chơi đùa cùng cha chính là những ngày đẹp nhất.”

© Kim Vi - blogradio.vn

 

Mời xem thêm chương trình:

 

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

 Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Ngày hôm đó chúng ta đã nói sẽ luôn nhớ tới nhau, sẽ giữ trọn vẹn trong tim mối tình của năm tháng ấy. Nhưng anh biết không, mỗi người chúng ta ai rồi cũng đều khác, lời hứa năm đó cũng chỉ là tên gọi khác của lời tạm biệt mà thôi.

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Dây xích sắt trượt dài trên thanh chắn cửa, rít lên một tràng âm thanh chói tai, kết thúc bằng tiếng đáp đất nặng trịch. Trời lặng gió, áng mây vắt ngang qua ngọn cây, trong đêm tối không trăng không sao, chiếc lồng đèn cũ phủ một lớp bụi mỏng

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Mưa rơi, làm hình bóng anh trong mắt cô mờ đi, gương mặt điển trai sau màn mưa trắng chẳng rõ đang vui hay buồn. Mưa vẫn không ngừng xối lên thân ảnh liu xiu của anh, lớp áo sơ mi trắng dính vào da lộ ra vết sẹo dài chạy dọc theo cánh tay khẳng khiu.

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn chính là chủ nhân của cuộc đời mình. Tương lai ra sao, do bạn định đoạt. Đừng để năm tháng trôi qua, trong bạn chỉ toàn là tiếc nuối.”

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Đôi khi, sự ra đi của người khác là lí do để ta nhìn lại mình. Nhìn lại những gì mà bản thân đã cư xử. Có phải vì ta chưa đủ trưởng thành? Có phải vì ta vẫn còn quá cảm xúc và bi kịch hoá mọi thứ?

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy tận hưởng điều đó. Độc thân không có nghĩa là chưa đủ tốt để yêu. Độc thân nghĩa là chưa có ai đủ tốt để được bạn yêu.

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Muốn ngắm bình minh, phải dậy thật sớm. Muốn tạm biệt ngày tàn, phải vẫy chào hoàng hôn. Hạnh phúc của mình nên tự mình nắm lấy...

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Một giấc mơ dang dở dấy lên trong lòng tôi một sự hiếu kỳ với dáng vẻ của hạnh phúc. Nếu bước qua lằn ranh giữa quá khứ và hiện tại, tôi sẽ thấy được điều, có phải kết cục sẽ vẹn tròn hơn không.

Hôn lễ của em | Blog Radio 901

Hôn lễ của em | Blog Radio 901

Bên trong ai cũng có một vài vết thương, có kẻ biến vết thương thành một sự hiểu biết. Có người lại biến vết thương thành một nguyên nhân, sinh ra một vết thương mới đau hơn…

Em như ánh sao trời | Blog Radio 900

Em như ánh sao trời | Blog Radio 900

Không có một tình yêu nào là vĩnh hằng cũng chẳng có lời hứa nào gọi là mãi mãi, chỉ là con người ta thích tin vào những điều đó chỉ là nhất thời để rồi một đời đợi chờ.

back to top