Ngày Giông Bão Ghé Qua (Blog Radio 849)
2023-08-11 10:05
Tác giả: Nhất Chi Mai Giọng đọc: Hà Diễm, Sand
Đời người gặp phải giông bão cũng là chuyện thường. Đa số là sóng gió từ bản thân mình, đâu đó sẽ có những chuyện trên trời rơi xuống. Đủ mạnh mẽ, kiên định sẽ vượt qua, để rồi sống tốt hơn, có ích cho mình, cho đời, cho gia đình. Ngay bây giờ xin mời các thính giả mến thương của Blog Radio đến với truyện ngắn “Ngày giông bão ghé qua” của tác giả Nhất Chi Mai.
Bờ sông đầy nắng. Gió từ ngoài sông thổi tạt qua mái hiên trống trải. Căn nhà vắng vẻ. Ngay đầu hiên, hai con mèo con nằm gọn trong một cái ổ rơm ấm áp được bện một cách công phu. Có tiếng người ở trong nhà. Chắc bà Mai đang chăm ông chồng đau ốm. Đã hơn một năm nay, ông bị tai biến, một tay bà chăm sóc, lo liệu. Thi thoảng có Na, cô con gái tới thăm:
- Mẹ ơi! Con về rồi!
Tiếng Na gọi mẹ từ ngoài cổng. Cô phóng xe máy vào tới sân thì xuống xe chạy vào nhà:
- Bố ơi…
- Mẹ ơi, hôm nay bố con thế nào hả mẹ?
Ông Bằng he hé đôi mắt mờ đục về phía con gái, hai tay huơ huơ phía trước mặt. Na hiểu ý liền ngồi xuống mép giường nắm lấy đôi bàn tay gầy guộc của người cha ốm yếu…
- Độ này ôn thi tôt nghiệp cho học sinh nên con hơi bận, bố ạ…
- Hôm nay bố con thằng cu Hiếu không về hả con? Bà Mai hỏi.
- Không mẹ ạ, con từ trường về đây luôn, thăm bố mẹ một lát , anh nhà con vẫn ở trường chuẩn bị kế hoạch thi cử cho học sinh mẹ ạ! Còn cu Hiếu đi lớp, ở bán trú, chiều con mới đón cháu về…
Na nhìn bố nằm thiêm thiếp, chắc bố mệt. Nắn bóp đôi chân cho bố, Na rơm rớm nước mắt khi bàn tay cô chạm phải vùng da thịt thô nhão, nhợt nhạt và hơi lạnh nơi bắp chân. Cô nhớ cái đôi chân này của bố đã từng lặn lội chăn vịt, chăn gà Tây từ đồng xa tới đồng gần để kiếm gạo nuôi các con trong những tháng năm khốn khó. Có hôm trời mưa tầm tã, sấm chớp đùng đùng, trên đầu chỉ có cái mũ rách mà bố vẫn lùa vịt ra đồng. Thấy mọi người lo lắng, ái ngại, bố bảo: “Mưa thế này càng nhiều mồi, mẹ con mày đừng lo”. Lúc đó Na và Ly mới chừng sáu bảy tuổi. Hai chị em song sinh giống nhau như hai giọt nước nhưng tính nết lại trái ngược nhau. Cái Ly thì nhảy múa tưng tưng hát “ là lá la…” trong khi Na thì nước mắt rơi lã chã nhìn bóng bố khuất dần sau làn mưa dày đặc.
- À, vợ chồng Ly có hay về chơi không hả mẹ?
Bà Mai rầu rầu nét mặt trong khi tay vẫn đang bón cho ông Bằng từng thìa cháo nhỏ:
- Chắc em nó bận, con ạ!
…
Một khoảng trống yên lặng bao trùm. Bà Mai nhớ lại cái hôm gần đây nhất vợ chồng Ly cho con về thăm nhà. Váy áo lòa xòa, Ly bước từ chiếc xe Camry sang trọng xuống, tới cửa, cô còn đứng sửa áo váy một hồi lâu rồi mới bước vào căn nhà nhỏ nhưng rất sạch sẽ bắng đôi chân đi giày với hai cái gót cao chừng hơn chục phận ngạo nghễ. Thấy cửa nhà mở hé, thằng cu con liền xô cửa chạy vào rồi không hiểu sao nó đắc chí cười “hahaha…” một hồi. Phi, chồng của Ly từ ngoài bước vào thì vừa tầm bà Mai ở trong buồng đi ra. Phi vào nhà vẫn đeo kính đen trông như mafia. Bà Mai lên tiếng trước trong khi Phi còn chưa biết mình nên ngồi chỗ nào cho hợp:
- Các con cho cháu về rồi à?
Thằng Dô vừa nhảy bình bịch trên nền nhà vừa nói to: “Dô chỉ về bà ngoại một lát thôi nha… Dô thích chơi công viên hơn…”
Lúc này Ly mới sửa sang xong váy áo, liền nói: “Chúng con chỉ về chơi một lát rồi phải đi ngay, mẹ ạ! Trời nóng quá, sợ cháu nó không chịu được…” Một hồi sau đó, Phi rút trong túi áo ra một sấp tiền seri mệnh giá 100 ngàn đặt xuống bàn và nói: “Mẹ cầm lấy chút tiền tiêu vặt…” rồi vội vã quay gót trong khi những đồng tiền nằm chỏng chơ trên mặt bàn bay phấp phới…
Con Ly cũng vội vã dắt con đi ra luôn miệng không ngớt kêu nóng mà không hề chào bố mẹ lấy một câu. Bà Mai lập cập cầm sắp tiền chạy theo toan trả lại cho Phi nhưng không kịp. Họ đã nhanh chóng lên xe, phóng đi mất.
Lúc đó, ông Bằng bỗng lên cơn sốt. Ông cứ đập chân, đập tay liên tục xem chừng khó chịu. Bà Mai vội cầm điện thoại gọi cho Na. Ngay lập tức, vợ chồng Na chạy đến. Nguyên, chồng của Na vội lấy nhiệt kế kẹp nhiệt độ thì thấy báo 37 độ 5. Anh lại đo huyết áp thì chỉ số cũng ổn (130/85).
Nét mặt anh vốn đã hiền lành, lúc này trông càng đôn hậu. Anh nói với bà Mai: “Hiện tại bố con tương đối ổn định, mẹ ạ! Mẹ cũng đừng lo lắng quá, khi nào cần mẹ cứ gọi, chúng con sẽ tới ngay ạ”. Nguyên là thầy hiệu trưởng rất có uy tín ở trường trung học, nơi Na cũng là giáo viên dạy văn. Nguyên quen Na khi hai người về dạy cùng một trường trung học phổ thông của tỉnh. Họ đến với nhau bình lặng, tự nhiên như thể ông Trời sắp đặt. Bà Mai thường nói với các con: “Ở hiền thì gặp lành! Ông Trời luôn có con mắt sắp đặt mọi thứ trên thế gian. Lẽ phải bao giờ cũng ở lại sau hết mọi chuyện các con ạ!”
Bà Mai lật chiếu chỗ đầu giường ông Bằng lấy sấp tiền hôm trước đưa cho Na và nói:
- Con cầm số tiền này trả cho con Ly hộ mẹ nhé!
Na ngồi nhìn mẹ hồi lâu, lúc này cô mới chợt nhận ra sao vai mẹ gầy đi vậy không biết. Lưng mẹ còng xuống. Vai và lưng mẹ khẽ rung - mẹ khóc…
- Mẹ ơi… Con biết là tính em con nó vô tâm thế thôi, chứ nó cũng thương bố mẹ nhiều lắm mà. Mẹ cứ cầm lấy lo thuốc thang cho bố con ạ!
Bà Mai lau nước mắt nói trong hơi thở… “ Mẹ buồn về nó quá con ạ…”
Bà chợt nhớ về những ngày hai đứa con gái của bà mới mười tám, đôi mươi. Như một đôi đũa son, hai chị em cùng một khuôn mặt xinh xắn, cùng một nước da trắng hồng, nhưng chỉ khác nhau ở đôi mắt. Đôi mắt của Na thì hiền dịu, đen láy với ánh nhìn thẳng, đã nhìn ai thì nhìn thật lâu, cái nhìn ấm áp; còn Ly có đôi mắt sắc lẻm với hàng mi dày, cong vắt, nhìn đâu cũng chỉ liếc qua, đánh mắt rất nhanh đi nơi khác. Na thường hay nhịn nhường em mỗi khi nó muốn một cái gì đó… Ngay cả sau này, khi hai đứa đến tuổi trăng tròn…
- Na, mẹ không ngờ, chuyện thằng Phi với con...
Cuối cùng thì mẹ cũng biết chuyện này. Mẹ bảo Na kể tường tận chuyện gì xảy ra giữa hai đứa. Mẹ nhìn Na thật lâu rồi nghiêm mặt:
- Con kể rành rọt cho mẹ nghe…
“Mẹ ơi, chuyện của hai đứa con có gì đâu mẹ”, Na vừa nói vừa ngả đầu vào vai mẹ, mắt lơ đãng nhìn hai con mèo xinh xắn cùng tranh nhau vờn một trái bóng màu xanh. Một con cứ chành chọe vờn tới bằng được, còn con kia thì tìm cách thoái lui… Không biết nói với mẹ sao cho mẹ hiểu…
... Hồi đó, Phi là một chàng trai con nhà giàu có tiếng trong làng. Anh cao ráo, đẹp trai, lại có mác đại học kinh tế ở nước ngoài về. Rất nhiều cô gái mê mệt. Nhưng Phi để mắt tới Na, cô gái có nét mặt hiền, dịu dàng, nết na, thùy mỵ ấy. Phi tới nhà bà Mai ý để tìm hiểu Na. Nhưng cứ mỗi lần Phi tới là Ly, cô em gái lại lanh chanh ra tiếp. Na hiền lành nhưng cũng rất nhạy cảm, cô hiểu ngay là Ly muốn yêu Phi và muốn lấn lướt chị để Phi thuộc về mình. Có lần Phi tới, đậu chiếc SH ngay ở cửa, Ly đã đon đả chạy ra: “Anh Phi, hôm nay rảnh không, đưa em đi chơi nhé!” Phi không trả lời, bước vào nhà. Ông Bằng và bà Mai mời Phi vào uống nước. Ngồi nói chuyện với hai ông bà một lát, Phi thành thật nói: “Thưa hai bác, con đến đây rất muốn được gặp và tìm hiểu em Na nhà ta. Vậy hai bác cho phép con với em Na…” . Phi chưa nói hết câu, Ly ở bên ngoài đi vào nói chen ngang: “Chị Na còn bận bao nhiêu bài vở, chị ấy sắp thi tốt nghiệp đại học rồi anh ạ!”. Ông Bằng nghiêm nét mặt nhìn Ly. Bà Mai đứng dậy gọi Ly vào nhà trong nhắc nhở. Nhưng chỉ một lát, lúc Phi trở ra xin phép đi về, Ly lại chạy ra bám lấy Phi mà nhõng nhẽo. Đôi mắt sắc lẻm liến láu nhìn Phi cười nói không ngớt. Ông Bằng đã nhắc nhở rồi cảnh cáo Ly về chuyện đó. Nhưng Ly với cá tính của mình cứ nhất định bám riết lấy Phi, anh chàng giàu có và đẹp trai có thẻ ấy! Một hôm Ly chủ động nói với chị Na: “Em thấy có vẻ anh Phi không hợp với chị đâu, nếu anh ấy yêu em thì chị đừng ngăn cản ấy nhé, hí hí…” Nói rồi Ly cười, điệu cười tinh nghịch, đắc ý và đầy ma mị…
Và rồi chuyện gì tới thì sẽ tới. Ly đã toại nguyện khi đã ôm trọn được Phi bằng cái trò “tiểu sảo” của mình. Đã nhiều lần, Ly vòi vĩnh đòi Phi đưa đi chơi. Tính Phi thanh niên bốc đồng, ga-lăng công tử con nhà giàu, hơn nữa Ly lại là một cô gái rất xinh đẹp, rất tự nhiên và bạo dạn. Chính vì thế nên Phi tặc lưỡi… Na thấy vậy mấy lần cô cũng hơi ngại nhưng chỉ im lặng, không nỡ khuyên ngăn Ly.
Để rồi một ngày, cùng Phi đi chơi về, Ly Bất ngờ thông báo:
“Anh Phi, em có bầu ba tháng rồi…”.
Phi như bị điện giật, giãy nảy lên: “Gì vậy? Sao em bất cẩn thế? Đừng có lừa anh đó nha…”.
Nhưng sau đó, Phi phải im bặt ngay khi Ly chồm lên như một con sư tử cái định ăn sống nuốt tươi con mồi:
“Là con của anh đó, anh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với em. Anh phải cưới em, cưới em ngay lập tức, anh hiểu chưa?”
Vừa khóc gào lên , Ly vừa cấu xé Phi túi bụi ngay trên xe đến mức Phi phải quát lên: “ Im nào, ngã bây giờ”.
Rồi Ly khóc lóc, vật mình, vật mẩy suốt dọc đường. Đã nhiều lần Phi đưa Ly đi chơi xa như vậy. Nhưng lần này đi tới ba ngày. Mặc dù ông Bằng, bà Mai đã nhiều lần nhắc nhở, cảnh cáo nhưng Ly vẫn chứng nào tật ấy với lý lẽ: “Con lớn rồi, con biết con phải làm gì, bố mẹ không phải lo!”
Ông Bằng lo lắng cho con nhiều sinh ra ốm yếu rồi một hôm Ly hỗn láo chính vì chuyện Ly có bầu khiến ông bực và uất quá nên bị tai biến. Bà Mai buồn tủi chỉ còn biết thở dài nói: “Đúng là cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Quả thật bà cũng không cắt nghĩa được sao Ly lại ngỗ ngược thế trong khi Na thì đã ngoan lại hiền?
Thế rồi “Đất không chịu trời thì trời phải chịu đất!”. Cuối cùng, Phi phải nhượng bộ, một phần cũng vì bà mẹ của Phi không muốn con mình làm chuyện thất đức. Ba tuần sau, đám cưới được cử hành. Ly hãnh diện trong bộ váy trắng cô dâu sang chảnh, mặt tươi hơn hớn trong khi mặt chú rể Phi chẳng khác gì “Bánh đa gặp nước”. Họ về với nhau được tròn sáu tháng thì thằng Dô ra đời.
Na ôm vai mẹ như an ủi, vỗ về: “Thôi chuyện cũ qua rồi mẹ, bây giờ mọi chuyện tốt đẹp hết rồi mà, mẹ ơi!” Na đâu biết nỗi buồn trong lòng mẹ còn là nỗi lo lắng cho Ly với tính khí như vậy không biết rồi cuộc sống gia đình nó sẽ ra sao. Ông Bằng khẽ trở mình, mắt mở to như muốn nói điều gì. Dường như ông cũng hiểu tất cả, muốn tìm cách san phẳng quả núi trong lòng bà: "Kệ nó, nó làm thì nó chịu, ai đi theo nó cả đời được đâu, bà ơi…” Lúc này, nét mặt ông dường như giãn ra, trông thật đôn hậu như cơn gió thổi phía ngoài bờ sông dào dạt. Ông không nói gì hết, không đi lại được, nhưng có lẽ ông thấu hiểu mọi điều, mọi lẽ. Bà Mai nói với Na khi cô xoa nắn mãi đôi bàn tay gầy guộc của bố: “Chân tay ông ấy đôi lúc lạnh lẽo thế nhưng trái tim lúc nào cũng ấm nóng, đầu óc lúc nào cũng tỉnh táo con ạ! Ghét, thương vẫn rạo rực, đầy ắp trong lòng…”.
Ba năm sau…
Thời gian như bóng cây qua cửa. Vậy là ông Bằng đã ốm nằm đó hơn bốn năm trời. Ông thường nhờ bà nâng lên ngồi dậy để nhìn qua ô cửa sổ hướng về phía bờ sông lộng gió. Có lẽ ông mong chờ những đứa con và các cháu trở về nơi căn nhà nhỏ bé của gia đình mình. Đã mấy tháng nay, vợ chồng Ly không về thăm nhà. Bà Mai nghĩ chắc là con nó bận.
Ông đang suy nghĩ miên man, thờ ơ nhìn đời chạy maratông qua cửa hay đang trăn trở về cuộc đời với bao điều vô thường, trắc ẩn không biết nữa… Bỗng từ xa phía bờ sông, hình như có bóng con Ly? Mà sao nó lại một mình đi xe máy? Hay là con Na? Ông đang thu hết tầm mắt về phía đó thì bà Mai đã lật đật trở ra nhìn, vào nói với ông: “ Ông ơi, con Ly nó về kìa!”. Ông Bằng mở căng mắt hướng ra phía cửa. Ông nghe thấy tiếng khóc. Con Ly khóc? Sao mà nó khóc? Tiếng khóc ngày càng to dần… Vừa khóc vừa nói: “Ối bố mẹ ơi! Nó đánh con… nó chửi con… nó đuổi con ra khỏi nhà rồi bố mẹ ơi… huhuhu…”.
Bà Mai vội vàng chạy tới ôm lấy con kéo nó vào trong nhà: “Thôi con, vào đây… từ từ nói cho bố mẹ nghe… sao nào? Ai đánh con? Ai chửi con, đuổi con ra khỏi nhà vậy?”
- Còn ai vào đây nữa, mẹ ơi… Thằng chồng khốn nạn của con chứ còn ai nữa… Đang yên đang lành, nó học đòi chơi chứng khoán, thua hết rồi… Hết sạch rồi… con mất tất cả. Chẳng còn gì nữa rồi… Thêm khoản nợ nữa, chưa kể còn gái gú… Con nói, nó chửi con, đánh con, rồi đuổi con đi, không cho con đưa thằng Dô theo… huhuhu… Bố mẹ có thấy nó khốn nạn không??? Huhu…hu…
Ly vừa khóc, vừa nói một thôi một hồi dài dường như cho hả dạ; bà Mai thì còn đang mải vỗ về con gái, không ai để ý tới ông Bằng. Sự nghiệt ngã, đau đớn bao ngày ông lo lắng bỗng chốc như một quả bom tấn đè nặng lên đầu ông rồi thình lình phát nổ. Ông chỉ kịp kêu lên một tiếng não nùng rồi từ từ lịm tắt... Khi bà Mai và Ly quay sang thì ông đã ngưng nhịp thở. Bà Mai mặt tái xanh không còn giọt máu, nhìn chồng mà bà sốc lả đi, ngất lịm...
Lúc này, Ly mới như người tỉnh lại sau cơn giận dữ, mộng du. Ly hốt hoảng như điên như dại, luống cuống sợ hãi gọi điện cho chị Na. Không ai bắt máy. Hoảng loạn đến tột độ, mắt Ly hoa lên khi thấy cả bố và mẹ nằm im bất động. Đầu cô ong ong như muốn vỡ tung làm trăm mảnh. Điên loạn… Cuống cuồng… Ly đập đầu vào tường chan chát cùng với tiếng gào thét, khóc than vô vọng…
Một lát sau, hàng xóm nghe tiếng chạy tới, Nguyên - Na chạy xe ào tới. Bố và mẹ nằm tắt lịm, Ly thì nằm rũ ra như một cái xác không hồn, mặt dòng dòng máu tươi… Rất tỉnh táo và mau lẹ, Nguyên gọi xe cấp cứu. Bác sĩ tới thăm khám và sơ cứu. Ông Bằng qua đời; bà Mai thì ngất, còn Ly thì bị choáng nặng do mất máu. Ngay lập tức, Nguyên đưa bà Mai và Ly đi bệnh viện, còn Na ở nhà lo hậu sự cho ông Bằng.
Sau cơn bão táp tai họa dồn dập giáng xuống gia đình, lo hậu sự cho bố xong, Na xin phép gia đình chồng trở về căn nhà bố mẹ tạm thời ở đó một thời gian để tiện hương khói cho cha, chăm sóc cho mẹ và nhất là Ly, đứa em gái đáng thương!
Ly bỗng trở nên trầm tính. Cả ngày cứ ngồi ở ngạch cửa mắt nhìn ra bờ sông, không nói một câu. Đôi mắt Ly trước đây sắc sảo, linh hoạt bao nhiêu thì giờ đây đờ đẫn, vô hồn bấy nhiêu. Mấy lần, Na đưa em đi khám , bác sĩ bảo Ly có dấu hiệu trầm cảm. Na được bác sĩ tư vấn kĩ lưỡng và cô tích cực giúp em gái thoát khỏi những cảm giác buồn bực, căng thẳng, lo âu, sợ hãi này. Hằng ngày, cô kể chuyện hồi nhỏ của hai chị em cho Ly nghe, vỗ về em, hát cho em nghe những bài vui nhộn ngày bé hai chị em thường hát. Một lần, vừa vỗ về em, Na vừa dỗ: “Em phải cố gắng ăn đi cho khỏe mạnh , tỉnh táo rồi còn về với bố con thằng Dô chứ, có như thế, bố mình ở nơi xa mới an lòng…”. Na vừa nói tới đó, đột nhiên, Ly khóc nấc lên, khóc quằn quại rồi khóc rưng rức, khóc như mưa như gió… Khóc như thể sự dồn nén những ngày qua giờ mới được bật ra thành tiếng. Vừa khóc Ly vừa nguyền rủa bản thân mình, tự đấm ngực mình rồi lại toan chạy ra đập đầu vào tường lần nữa. Na ôm chặt lấy em, hai chi em cùng khóc…
Từ hôm đó, Ly sống trong trầm lặng, không nói không cười, không trò chuyện, gương mặt đăm chiêu, buồn thê thảm… Suốt mấy ngày sau đó, Ly gần như bỏ ăn, chỉ uống chút sữa. Gương mặt xanh xao, hốc hác, đôi mắt lờ đờ, đôi khi bất chợt hoảng hốt như vừa đánh mất một vật gì đó…
Càng thương em, Na càng nỗ lực cố gắng giúp em trở lại tâm lý bình thường. Cô như một con thoi hết việc trường đến việc nhà đôi bên nội ngoại, lo chu tất. Cũng một phần là nhờ có Nguyên , người chồng tử tế luôn ở bên cạnh động viên giúp đỡ. Na dốc lòng dốc sức cả vật chất lẫn tinh thần cho gia đình mẹ được trở lại bình yên.
Một thời gian sau, Ly đã dần tỉnh táo trở lại…
Buổi sáng, ngoài bến sông, gió mát lành bồi hồi đưa hương nhãn thoảng vào nơi căn nhà bé nhỏ. Chị em Na ngồi bên nhau im lặng cùng bám vào bên vai mẹ. Bà Mai dịu dàng ngắm nhìn hai cô con gái, mỉm cười mặc cho những giọt nước mắt cứ lặng lẽ tuôn rơi. Bao biến cố kinh hoàng đã ập đến gia đình bà trong thời gian qua khiến bà bàng hoàng nhận ra những giá trị cuộc sống. Những thăng trầm trong cuộc đời mỗi con người có lẽ là quy luật mà cũng không ai cưỡng lại được. Nhưng mỗi bước thăng trầm đó đều là hệ quả của những suy nghĩ, những hành động tạo thành thói quen mà nên…
Ly vẫn hay ngồi ngay chỗ ngạch cửa nhìn ra phía bờ sông. Tuyệt nhiên cô không kể chuyện xảy ra vừa rồi giữa Ly và Phi nữa, có lẽ vì sợ mình để rớt nước mắt thêm lần nữa. Cô cứ im lặng vậy để mặc những đớn đau rên xiết trong lòng mình hoành hành cấu xé…
- Thằng Phi có điện hay nhắn tin gì cho con không? Bà Mai ái ngại nhìn con hỏi dè dặt.
“Chao ôi, mẹ hỏi Ly câu hỏi nhạy cảm ngay lúc con không bình thường nhất”- Ly thầm nghĩ. Tự dưng Ly thèm được yêu thương ai đó để chia sẻ, dìu dắt nhau đi trên con đường đời ngổn ngang mà vì một nỗi đam mê nào đó mình đã đánh mất rất nhiều…
Vào buổi sáng ngày thứ 48 sau biến cố, Ly lại ngồi bên ngạch cửa hướng ra bờ sông. Mặt sông đầy nắng, những tia nắng sáng hồng dịu ngọt trải dài trên bến sông. Hai cây nhãn bắt đầu chớm nở những chùm hoa vàng ruộm thoảng hương trong gió. Có một người phụ nữ khoảng chừng 60 tuổi, gương mặt phúc hậu, dắt tay một cậu bé chừng 5 tuổi đi vào.
- Mẹ ơi…mẹ…
Tiếng thằng Dô gọi từ xa khiến cho Ly như sực tỉnh, ào chạy ra phía bờ sông. Thằng bé ôm chầm lấy mẹ vừa khóc vừa nói: “Dô nhớ mẹ Ly…Dô ngoan rồi… Bà nội cùng Dô tới đón mẹ về…”.
Cuộc gặp gỡ bất ngờ khiến Ly cảm động! Cô nắm tay bà mẹ chồng, nước mắt chảy tràn trên hai má, rớt xuống mái tóc tơ vàng óng của thằng Dô. Bà Mai lật đật chạy ra cổng đón bà thông gia vào nhà. Ly giúp mẹ chồng bày những hoa quả tươi lên bàn thờ cha. Cuộc hội ngộ giữa hai bà thông gia là cái cầu nối lại hạnh phúc cho con trẻ.
“Thằng Phi mặc cảm tội lỗi nên không dám tới, bà ạ. Hôm nay , tôi tới đây xin phép vong linh ông, xin phép bà cho các con nó được về với nhau, bà nhé!”. Bà Mai xúc động nhìn khuôn mặt phúc hậu của bà thông gia, cảm kích:
“Dạ, xin cảm ơn ông bà bên nhà phúc hậu còn thương và lo cho các con, tôi cũng sẽ dạy bảo con Ly thêm nhiều điều, bà ạ…”. Đột nhiên, Ly quỳ xuống dưới chân bàn thờ, bên hai bà mẹ, khóc không ra tiếng. Thằng Dô cũng quỳ xuống bên mẹ khóc hu hu… “ Con lạy ông ngoại , bây giờ con ngoan rồi… hu…hu…hu…”
Trên bàn thờ, giữa làn khói hương nghi ngút, đôi mắt người cha quá cố hiền từ như có ngấn nước. Bà Mai từ tốn nói:
- Thưa bà thông gia! Hôm nay, bà thay mặt gia đình đến đón cháu Ly trở về với gia đình khiến tôi rất cảm kích. Ngày mai là ngày thứ 49 của ông nhà tôi, Gia đình tôi cũng sửa lưng cơm nhạt làm lễ Chung Thất cho ông cháu. Vậy tôi xin trân trọng mời bà ở lại với gia đình cho đầm ấm, bà nhé!
Bà thông gia cảm động. Thằng Dô reo lên vui sướng: “A, Dô được ở nhà bà ngoại rồi, cả bà, cả mẹ Ly nữa, thích quá!”
Ngày hôm sau, trước giờ lễ Chung Thất được cử hành, có một người đàn ông còn rất trẻ, cao ráo, đẹp trai đeo khăn tang bước vào căn nhà nhỏ ven sông ấy. Anh quỳ xuống hồi lâu trước bàn thờ người đã khuất như để xám hối bao điều…
Ngoài kia, dòng sông êm đềm chảy. Gió khua nhẹ những thanh âm vi vút bên những tán nhãn non tơ đang lấm tấm những quả con xanh biếc.
© Nhất Chi Mai - blogradio.vn
Xem thêm:
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho chúng ta
Những đau đớn hằn vết trong trái tim anh đều do em cả. Em không mong mình sẽ là người khâu vá lỗ hỏng ấy, chỉ mong anh hãy quên em và đừng yêu em thêm nữa. Tình yêu này không nên tồn tại. Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho cả hai chúng ta.
Trả Lại Anh Cho Cô Gái Khác | Radio Tâm Sự
Sau chia tay, có ai không bi luỵ lẫn tổn thương… chẳng qua chúng ta chỉ khác nhau ở thời gian chữa lành mà thôi. Có người cần một tháng, có người cần một năm, có người cần thời gian đủ lâu và có kẻ chấp nhận dùng cả một đời để học cách quên đi một người.
Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909
Ngày hôm đó chúng ta đã nói sẽ luôn nhớ tới nhau, sẽ giữ trọn vẹn trong tim mối tình của năm tháng ấy. Nhưng anh biết không, mỗi người chúng ta ai rồi cũng đều khác, lời hứa năm đó cũng chỉ là tên gọi khác của lời tạm biệt mà thôi.
Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908
Dây xích sắt trượt dài trên thanh chắn cửa, rít lên một tràng âm thanh chói tai, kết thúc bằng tiếng đáp đất nặng trịch. Trời lặng gió, áng mây vắt ngang qua ngọn cây, trong đêm tối không trăng không sao, chiếc lồng đèn cũ phủ một lớp bụi mỏng
Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907
Mưa rơi, làm hình bóng anh trong mắt cô mờ đi, gương mặt điển trai sau màn mưa trắng chẳng rõ đang vui hay buồn. Mưa vẫn không ngừng xối lên thân ảnh liu xiu của anh, lớp áo sơ mi trắng dính vào da lộ ra vết sẹo dài chạy dọc theo cánh tay khẳng khiu.
Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906
Bạn chính là chủ nhân của cuộc đời mình. Tương lai ra sao, do bạn định đoạt. Đừng để năm tháng trôi qua, trong bạn chỉ toàn là tiếc nuối.”
Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905
Đôi khi, sự ra đi của người khác là lí do để ta nhìn lại mình. Nhìn lại những gì mà bản thân đã cư xử. Có phải vì ta chưa đủ trưởng thành? Có phải vì ta vẫn còn quá cảm xúc và bi kịch hoá mọi thứ?
Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904
Nếu bạn độc thân, hãy tận hưởng điều đó. Độc thân không có nghĩa là chưa đủ tốt để yêu. Độc thân nghĩa là chưa có ai đủ tốt để được bạn yêu.
Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903
Muốn ngắm bình minh, phải dậy thật sớm. Muốn tạm biệt ngày tàn, phải vẫy chào hoàng hôn. Hạnh phúc của mình nên tự mình nắm lấy...
Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902
Một giấc mơ dang dở dấy lên trong lòng tôi một sự hiếu kỳ với dáng vẻ của hạnh phúc. Nếu bước qua lằn ranh giữa quá khứ và hiện tại, tôi sẽ thấy được điều, có phải kết cục sẽ vẹn tròn hơn không.