Phát thanh xúc cảm của bạn !

Replay Blog Radio: Khi mẹ nhớ con – mẹ gọi, khi con nhớ mẹ - mẹ ở đâu?

2020-09-02 00:05

Tác giả: Nguyễn Hằng Nga Giọng đọc: Hằng Nga

blogradio.vn - Khi mẹ nhớ con, mẹ gọi, nhưng khi con nhớ mẹ, biết tìm mẹ ở đâu? Có những người dù rất muốn gọi cho mẹ một cuộc điện thoại cũng chẳng biết phải tìm mẹ ở đâu nữa. Tiền bạn có thể kiếm bất cứ lúc nào, nhưng người thân một khi đã mất đi sẽ không bao giờ trở lại được.

***

Lá thư: Tóc mẹ còn đây… (Hằng Nga)

“Tóc mẹ còn đây

Tan trong lệ nóng

Sương mùa thu bay”

(Thơ Basho)

Những câu thơ nghẹn ngào, xúc động và buồn tênh. “Tóc mẹ còn đây” mà giờ này mẹ đã xa vời vợi, chỉ còn những giọt nước mắt nóng hổi, nghẹn ngào. Nỗi buồn tựa hồ như làn sương mỏng manh kia, nhẹ nhàng mà miên man không dứt. “Sương mùa thu bay” như quy luật tự nhiên ở đời. Bốn mùa xuân hạ thu đông rồi lại xuân, quy luật tuần hoàn, con người cũng không tránh khỏi vòng sinh lão bệnh tử.

Những ai đã từng trải qua nỗi đau mất mẹ mới hiểu được cảm giác đó xót xa đến nhường nào.

blogradio_khimenhoconmegoi

Lần đầu tiên đọc được những câu thơ của Basho được trích dẫn trong blog của cô giáo, lòng tôi bỗng nặng trĩu, nỗi buồn cứ từ từ xâm chiếm lấy tâm hồn. Mẹ của cô mới qua đời vì bệnh ung thư. Ngồi trò chuyện với cô vào một chiều cuối thu, tôi thấy đôi mắt cô hình như ươn ướt. Cô như chìm trong những ký ức về mẹ. Cô dặn chúng tôi hãy quan tâm, chăm sóc đến mẹ nhiều hơn.

“Mỗi khi con đau ốm, mẹ thường sốt sắng lo toan, nhưng khi mẹ đau, mẹ ốm thì lại rất hay giấu bệnh. Cha mẹ ở nhà thật sự rất nhớ con nhưng lại không dám gọi điện vì sợ làm phiền con. Vì thế các em nhớ thường xuyên gọi điện về cho bố mẹ, thỉnh thoảng thu xếp công việc để về với bố mẹ nhé. Các em cũng nên tự biết chăm sóc bản thân mình, đừng để mẹ lo lắng. Các em hạnh phúc hơn cô nhiều đấy. Bây giờ cô có muốn cũng chẳng có mẹ để chăm sóc nữa. Cô thèm lắm…”

Những câu nói của cô khiến chúng tôi ngậm ngùi. Chợt nhận ra thời gian và sự quan tâm mình dành cho mẹ sao quá ít ỏi. Chúng tôi cứ vin vào sự bận rộn làm cái cớ cho sự vô tâm của mình. Đến việc gọi điện về trò chuyện, hỏi han mẹ mấy câu cũng không làm được, toàn phải để mẹ chủ động gọi trước. Lắm khi mẹ gọi điện lúc tôi đang làm việc, tôi còn thấy mẹ sao phiền quá!

Mẹ ở nhà lúc nào cũng đếm từng ngày, mong ngóng con trở về. Lúc nào mẹ tôi cũng dõi xem có những dịp nghỉ lễ nào không, rồi lại nhắn nhủ trước đó cả mấy tháng trời: “Được nghỉ nhớ về con nhé! Mẹ phần sẵn mấy con gà rồi”.

me-yeu-1

Thời buổi công nghệ phát triển, người ta tương tác với nhau qua mạng xã hội nhiều hơn cả ngoài đời. Chẳng hiểu từ bao giờ mà bố mẹ lại chỉ biết dõi theo chúng tôi qua những dòng trạng thái. Bố mẹ tôi ở quê học cách dùng smartphone, học cách dùng Facebook chỉ để xem chúng tôi hôm nay thế nào, buồn vui gì, sướng khổ gì. Từ bao giờ mà có chuyện gì tôi cũng viết lên mạng xã hội, thay vì chia sẻ với bố mẹ như trước kia. Từ bao giờ tôi đã quên rằng chỉ có bố mẹ mới là người thương tôi nhất.

Có một lần, tôi lâm vào tình huống dở khóc dở cười. Hôm đó vào Facebook, tự dưng thấy rất nhiều phản ứng phẫn nộ của mẹ dưới những status của tôi. Tôi vội vàng gọi điện hỏi: “Sao tự dưng mẹ phẫn nộ với con nhiều thế?” Mẹ mới cười bảo: “Thằng em nó nghịch đấy! Nó bảo làm như vậy thì chị mới chịu gọi về cho mẹ”. Tôi bần thần nghĩ ngợi, chợt nhận ra mình đã vô tâm với mẹ như thế nào.

Khi mẹ nhớ con, mẹ gọi, nhưng khi con nhớ mẹ, biết tìm mẹ ở đâu? Có những người dù rất muốn gọi cho mẹ một cuộc điện thoại cũng chẳng biết phải tìm mẹ ở đâu nữa. Tiền bạn có thể kiếm bất cứ lúc nào, nhưng người thân một khi đã mất đi sẽ không bao giờ trở lại được. Hiểu được điều đó bạn sẽ biết mình cần phải làm gì rồi, đúng không?

Một buổi chiều mùa thu, ngước lên nhìn bầu trời cao vời vợi, những câu thơ Haiku vẫn vảng vất mãi trong đầu:

“Đến đây nào với tôi

Cùng chơi đùa chim sẻ

Không còn mẹ trên đời”

(Thơ Issa)

“Không còn mẹ trên đời” – chỉ mới nghĩ đến thôi mà nước mắt đã tự trào ra lúc nào chẳng rõ.

me-yeu-2

Bạn vừa lắng nghe lá thư được gửi đến từ tác giả Hằng Nga. Bạn thân mến! Theo phong tục, vào ngày Vu Lan, những ai còn mẹ sẽ được cài lên áo bông hồng đỏ, còn những ai đã mất mẹ sẽ cài lên đóa hoa hồng trắng. Màu đỏ mang theo niềm hạnh phúc nhưng bên cạnh đó nó cũng như một lời nhắc nhở, chúng ta phải biết yêu thương, quan tâm đến mẹ hơn, khi còn có thể. Tiếp theo chương trình, mời các bạn đến với lá thư tâm sự của bạn Lâm Hạ với tựa đề:

Vu lan con được cài bông hồng đỏ (Lâm Hạ)

Khi còn là một đứa trẻ, trong tôi chỉ có hình ảnh của mẹ, từ những công việc nhẹ nhàng đến cực nhọc. Sau này khi lớn lên, trải qua nhiều biến cố, khó khăn trong đời, có lúc tôi muốn gục ngã, muốn khóc thật to, thì tôi lại nhớ đến mẹ, để đứng dậy, để bước tiếp trên đường đời lắm chông gai.

Mẹ tôi được sinh ra vào đêm giao thừa tết Mậu Thân tại Đà Nẵng, vừa chào đời thì ông ngoại đã bị trúng đạn lạc và mất ngay trước phòng hộ sinh. Mẹ và bà ngoại phải vất vả lắm mới cố gắng vào được Daklak để làm kinh tế mới, cuộc sống lại khó khăn gấp bội khi 3 tuổi mẹ bị sốt bại liệt, chân trái dần teo nhỏ, đi lại rất khó khăn. Nhưng không vì thế mà mẹ nản lòng, mẹ tập đi lại, tập làm mọi việc. Thương ngoại, mẹ thường gánh củi, gánh nước, còn đi bế em cho người ta để phụ ngoại, năm 10 tuổi mẹ mới đi học lớp một. Mẹ tôi rất khéo tay, lại học giỏi nên được bạn bè quý mến, nhìn những tấm hình trắng đen mẹ chụp ngày ấy, tóc thề buông dài, da trắng trông xinh đẹp vô cùng.

Ngày mẹ học hết phổ thông thì mẹ và ba tôi quen nhau. Mẹ tôi vì mặc cảm nên không có ý định sẽ lấy chồng nhưng ba tôi kiên quyết nên mẹ đã đồng ý. Ông trời khéo đùa lòng người, ngày ấy mẹ và ba còn quá trẻ, cuộc sống lại vô cùng khốn khó. Đất đồi đất rẫy hoang vu, chỉ toàn cỏ gianh cỏ xấu hổ, chẳng có bóng dáng tươi tốt với đồi rẫy cà phê như bây giờ, ba đã rời bỏ mẹ con tôi khi tôi chưa tròn một tuổi. Mẹ đã một mình nuôi tôi khôn lớn, dạy tôi biết đọc, biết viết, biết phân biệt xấu tốt ở đời, biết yêu thương, chia sẻ cùng những người nghèo khó như mình. Tuổi thơ của tôi chỉ có hai người phụ nữ là mẹ và bà ngoại.

me-yeu-3

Năm tôi 5 tuổi thì mẹ hay tin ba đã về quê lập gia đình mới, mẹ buồn, mẹ khóc thật nhiều, và trút giận lên tôi bằng những trận đòn. Tôi biết, tôi không dám khóc, chỉ dám đứng sau lưng ngoại len lén nhìn mẹ. Ai bảo tôi có gương mặt giống ba làm gì để bây giờ mẹ nhìn tôi thì lại muốn đánh, tôi bắt đầu ghét gương mặt mình, giống ba chẳng có gì tốt cả. Đó chỉ là những lúc mẹ giận thôi, còn bình thường mẹ rất thương tôi, chưa bao giờ để tôi thua thiệt bạn bè. Quần áo của tôi mẹ thường tự mày mò, may rất cẩn thận, tuy không phải là những bộ quần áo đắt tiền ngoài cửa hiệu nhưng là những bộ đồ đẹp nhất mẹ may bằng tình yêu dành cho tôi. Những đồ gì tôi thích, mẹ đều cố gắng để dành tiền, mua cho tôi trong những dịp như sinh nhật hay ngày lễ trong năm, những lúc ấy, tôi thấy mẹ thật đẹp, nên không buồn mẹ khi bị mẹ đánh nữa, vì tôi biết, mẹ đánh đòn tôi không phải mẹ ghét tôi.

Khi tôi là sinh viên năm nhất, niềm vui chưa kịp đong đầy mắt mẹ thì bà ngoại tôi bị tai biến, nằm liệt giường. Mẹ một mình nuôi tôi ăn học, lại chăm ngoại những đêm trái gió trở trời. Nhiều đêm, tôi thương ngoại, thương mẹ vô cùng, chỉ biết nằm khóc hết nước mắt. Sao cuộc đời mẹ chưa có được một ngày thảnh thơi an nhàn, sóng gió cứ rình rập kéo đến như muốn nuốt chửng mẹ. Có lúc tôi muốn bỏ học, chạy về bên mẹ, tôi sợ những ngày mưa mẹ ở nhà, cô đơn, cuộc đời mẹ đã quá cô đơn rồi.

Tôi là sinh viên năm ba thì ngoại mất, ngoại đi trong một ngày mưa rất to. Hai mẹ con bên mộ ngoại như hai dấu chấm nhỏ xíu trong màn mưa trắng xóa, tôi nhìn mẹ gầy, đôi tay run run cầm di ảnh ngoại, xót xa. Vậy là nhà giờ chỉ còn hai mẹ con, trống trải, hoang vắng, tôi thương mẹ vô cùng.

me-yeu-4

Ngoại đã rời xa mẹ con tôi năm năm, năm năm rồi mẹ lặng lẽ cài bông hoa trắng trong ngày Vu Lan. Đi bên mẹ, tôi thấy sao mình hạnh phúc quá khi trên ngực vẫn được cài đóa hồng đỏ thắm, cho những đứa con vẫn còn được bên mẹ, vẫn có mẹ bên đời để yêu thương, để biết mình vẫn còn một nơi để tựa đầu khi mệt mỏi, khi thấy lạc lõng trước cuộc đời.

Ngực con vẫn đập những nhịp đập ấm áp khi có mẹ bên cạnh, con thầm cảm ơn cuộc đời con có mẹ để yêu thương, để vỗ về, để nhõng nhẽo, để biết con còn bé lắm mỗi khi được trong vòng tay mẹ. Cảm ơn cuộc đời cho con cài bông hồng trên ngực áo ngày lễ Vu lan, màu hoa đẹp nhất cho những đứa con còn được chở che bởi trái tim của mẹ.

Bạn vừa lắng nghe lá thư được gửi đến từ tác giả Lâm Hạ. Bạn thân mến! Ngày Vu Lan, chúng ta không chỉ nhớ đến mẹ mà còn nhớ đến bà, những người đã sinh ra cha mẹ ta. Để khép lại chương trình của tuần này, mời các bạn đến với trang viết  của tác giả Hằng Nga với những kỷ niệm tuổi thơ bên bà nội.

Bà là điều tuyệt vời nhất trong tuổi thơ của tôi (Hằng Nga)

Thuở nhỏ tôi sống cùng ông bà nội, suốt một quãng đời thơ ấu tôi ở với ông bà nhiều hơn là ở cùng bố mẹ. Bao nhiêu đứa cháu nội ngoại, một tay bà tôi bế ẵm, chăm sóc. Tôi là đứa cháu được bà thương nhất, có lẽ do tôi ở cùng bà từ bé, cũng có thể do hồi nhỏ tôi luôn đau ốm, gầy còm nên bà dành nhiều tình cảm cho tôi hơn.

Nhà ông bà tôi ngày ấy là căn nhà gỗ ba gian lợp mái cọ, nằm bên bờ sông Hồng. Căn nhà cũ kĩ với những cây cột mọt gặm nham nhở. Trước sân nhà bà tôi có một hàng cau cao vút, bà bảo những cây cau đó là do bố tôi trồng trước khi nhập ngũ. Tôi còn nhớ ngày đó mỗi tối mùa hè mấy bà cháu lại trải chiếu ra sân nằm, cầm quạt cọ phe phẩy. Trăng sáng vằng vặc, mấy ngọn cau đổ bóng xuống sân, gió mát hiu hiu thổi, tôi chìm vào trong những câu ca dao bà ngâm nga.

À ơi, cái bống là cái bống bang

Khéo sảy khéo sàng cho mẹ nấu cơm.

Mẹ bống đi chợ đường trơn

Bống ra gánh đỡ gặp cơn mưa rào.

ba-va-chau-2

Bà tôi là người phụ nữ hiền nhất thế giới này. Tôi vẫn thường bảo mẹ tôi may mắn vì có người mẹ chồng hiền như vậy. Khi tôi còn bé thì những nét già nua, nhăn nheo của tuổi tác đã xuất hiện trên gương mặt bà, chỉ duy mãi tóc bà vẫn còn đen nhánh. Bà nhuộm răng đen, ăn trầu, vấn tóc như người phụ nữ Việt truyền thống. Bà tôi có một cơi trầu bằng đồng, trong đó có đủ thứ cho một miếng trầu hoàn chỉnh: lá trầu quết vôi têm sẵn, vỏ chay khô, những miếng cau, đũa quệt vôi có một đầu nhọn và một con dao nhỏ.

Chẳng biết món trầu có gì hấp dẫn không nhưng bà tôi nghiền lắm. Để có trầu ăn quanh năm, bà phải phơi khô những miếng cau và những mảnh vỏ chay để dành ăn dần. Cau khô cứng ngắc nhưng ngày đó bà vẫn nhai được. Trong những người bạn của bà tôi, có những bà già lắm, răng lung lay hết cả nhưng vẫn ăn trầu được. Các bà có cái cối xay trầu nho nhỏ, xay nhuyễn rồi mới ăn. Thế mới biết với các bà thời xưa miếng trầu còn quý hơn vàng. Từ ngày về thành phố, lâu lắm rồi tôi không còn được ngủi thấy hơi trầu quen thuộc.

Kỷ niệm về bà thì nhiều lắm, tôi sống với bà suốt một thời thơ ấu cơ mà. Những kỷ niệm ấy không phải lúc nào tôi cũng nhớ đầy đủ nhưng chúng vẫn luôn được cất sâu trong một ngăn ký ức, tôi chưa bao giờ lãng quên. Tôi nhớ những đêm đông rét buốt, chăn vải vừa nặng vừa lạnh như sắt, bà vừa giém chăn vừa ủ ấm cho tôi, tôi nằm cong như con tôm trong lòng bà. Đến khi bà mua được cái chăn nhung ấm áp cho hai bà cháu thì tôi không ở cùng bà nữa. Trước khi tôi đi bà còn ngậm ngùi: “Bà mua cái chăn to này để hai bà cháu đắp. Biết mày đi bà chẳng mua nữa. Một mình bà hai chiếc chăn vải cũng ấm chán”.

Từ ngày đó tôi phải ngủ một mình, những đêm dài không có bà ủ ấm, chăn ấm thế nào tôi cũng thấy rét run. Tôi nhớ ngày ấy bà hay bật radio chương trình văn nghệ, có bài ca trù, mỗi lần hát đến đoạn gì mà “mẹ nằm chỗ ướt, con nằm chỗ khô” bà lại bảo: “Đấy, mẹ lúc nào cũng nằm chỗ ướt để nhường chỗ khô cho con nằm, nhưng con lớn chắc gì con đã nhớ đến mẹ”.

Lúc ấy tôi chẳng hiểu gì, chỉ nằm im nghe bà nói. Sau này tôi mới biết, trẻ con thì hay tè dầm ra giường, ngày xưa thì làm gì có các loại bỉm như bây giờ, thế nên để con có chỗ khô nằm thì mẹ phải nằm chỗ ướt. Bà tôi có sáu người con, mỗi người con lại đẻ ra mấy đứa cháu. Ngẫm, cả cuộc đời không biết bà đã nằm chỗ ướt bao nhiêu lần.

Tôi lại nhớ những đêm mùa hè nóng nực, bà nằm phe phẩy chiếc quạt cọ suốt đêm cho tôi giấc ngủ ngon lành. Tôi nhớ ngày xưa mỗi sáng sớm bà thường dậy sớm rang cơm để tôi ăn đi học. Sau này khi học đến bài Bếp lửa của Bằng Việt, không hiểu sao mắt tôi bỗng cay cay.

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

Một bếp lửa ấp iu nồng đượm

Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”

(Bếp lửa, Bằng Việt)

ba-va-chau-3

Lời bài thơ cảm động quá khiến cho tôi liên tưởng đến bà. Dù nắng hay mưa, dù xuân hay hè, bà vẫn đều đặn dậy sớm chuẩn bị cho tôi đến trường, từ bữa ăn đến cặp sách, mũ nón. Tôi vốn không khỏe, lại là đứa đa cảm, dễ tủi thân nên ngày ấy bà chăm tôi vất vả lắm.

Ngày bé, tôi bị muỗi và các loại bọ đốt sưng cả hai ống chân, mụn nhọt nổi khắp người. Ở những vết sưng còn mưng mủ đau nhức vô cùng, nhiều khi đau quá không đứng dậy nổi. Bà phải đi tìm cây thuốc đun nước cho tôi ngâm chân, bà kiên nhẫn dùng gai hoa hồng khêu hết mủ ra rồi rắc thuốc vào mỗi vết mụn, thuốc con nhộng màu đỏ đỏ. Bà cũng biết tôi xa bố mẹ sẽ buồn, sẽ nhớ nên mỗi khi thấy tôi ngồi bậu cửa ủ rũ bà lại khéo an ủi vỗ về. Những lúc ấy bà thường rủ tôi ra bãi soi bẻ ngô hay mói khoai về luộc. Hai bà cháu tíu tít trò chuyện, thế là tôi quên đi những nỗi buồn nặng trĩu trong lòng.

Thời gian qua đi, một thời được bà bế ẵm ru hời, một thời được bà nâng niu chăm chút, không còn nữa. Bà mãi là một phần kí ức tuổi thơ tôi, một khoảng trời thương nhớ không thể xóa nhòa. Tôi đi học xa, ít khi có dịp về thăm bà, mỗi lần về gặp bà, bà đều bảo tôi ngủ lại với bà một tối, vậy mà tôi cũng không làm được.

Có một lần bố đón tôi ngoài ga về, trời hãy còn sớm nên bố đưa tôi về nhà bà nội ngủ. Tôi nằm cạnh bà, nhắm mắt mà có ngủ được đâu. Tôi thấy bà vuốt tóc tôi, rồi vuốt má tôi. Đôi bàn tay bà gầy guộc, những nếp nhăn của những tháng ngày dài thương nhớ. Có lẽ nơi khóe mắt già nua kia, có giọt nước đã rơi.

ba-va-chau-4

Tết năm nay tôi về thăm bà. Căn nhà gỗ ngày xưa chú thím tôi đã thay bằng một căn nhà xây khang trang hơn. Bà có một căn phòng riêng ấm áp với chăn đệm mới. Tôi thấy lưng bà gù đi, răng đã rụng mất một chiếc và đôi tai không còn nghe rõ nữa. Sau lần bà bị tai nạn, mái tóc bà cũng bị cắt ngắn, chẳng còn dài và đen như thuở nào. Nhưng đôi tay bà vẫn còn khéo lắm, bà còn gói bánh chưng và phần tôi một cặp để tôi mang về thành phố.

Hôm nay, ngồi biên tập bài cho ngày Vu Lan, đọc lại những trang viết về bà, về mẹ, tôi không khỏi ngậm ngủi. Cả một quãng tuổi thơ đau yếu bệnh tật, có bà chăm chút cho tôi từng li từng tí, có cái gì bà cũng vun vén để dành cho tôi. Vậy mà khi bà tuổi cao sức yếu, ngay cả khi bà bị tai nạn, tôi cũng chưa từng ở bên cạnh chăm sóc bà được ngày nào.

Chúng ta vẫn nghĩ rằng sẽ còn nhiều cơ hội để về thăm ông bà nhưng thời gian của ông bà lại chẳng còn dài và cơ hội cho chúng ta cũng chẳng còn nhiều như chúng ta vẫn nghĩ. Thời gian cứ mải miết trôi đi, ai rồi cũng sẽ có cuộc sống riêng, công việc riêng. Những ký ức tuổi thơ cứ nằm lại mãi một góc nào đó trong trái tim, để chúng ta thổn thức mỗi khi nhớ về.

Nếu thời gian có quay ngược trở lại, tôi vẫn phải rời xa bà mà đi. Tôi cũng chẳng thể thay đổi được hiện tại để về sống bên bà như thuở nào. Nhưng tôi biết bà vẫn luôn ở đó, trong ký ức của tôi, bà là một phần của những ký ức tuổi thơ đẹp nhất mà tôi có được.

Tác giả: Hằng Nga, Lâm Hạ

Giọng đọc và thực hiện: Hằng Nga

Thiết kế: Hương Giang

Xem thêm: Vu lan này con về với mẹ được không?

Nguyễn Hằng Nga

Blog: https://iamnga.home.blog/

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

 Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Ngày hôm đó chúng ta đã nói sẽ luôn nhớ tới nhau, sẽ giữ trọn vẹn trong tim mối tình của năm tháng ấy. Nhưng anh biết không, mỗi người chúng ta ai rồi cũng đều khác, lời hứa năm đó cũng chỉ là tên gọi khác của lời tạm biệt mà thôi.

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Dây xích sắt trượt dài trên thanh chắn cửa, rít lên một tràng âm thanh chói tai, kết thúc bằng tiếng đáp đất nặng trịch. Trời lặng gió, áng mây vắt ngang qua ngọn cây, trong đêm tối không trăng không sao, chiếc lồng đèn cũ phủ một lớp bụi mỏng

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Mưa rơi, làm hình bóng anh trong mắt cô mờ đi, gương mặt điển trai sau màn mưa trắng chẳng rõ đang vui hay buồn. Mưa vẫn không ngừng xối lên thân ảnh liu xiu của anh, lớp áo sơ mi trắng dính vào da lộ ra vết sẹo dài chạy dọc theo cánh tay khẳng khiu.

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn chính là chủ nhân của cuộc đời mình. Tương lai ra sao, do bạn định đoạt. Đừng để năm tháng trôi qua, trong bạn chỉ toàn là tiếc nuối.”

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Đôi khi, sự ra đi của người khác là lí do để ta nhìn lại mình. Nhìn lại những gì mà bản thân đã cư xử. Có phải vì ta chưa đủ trưởng thành? Có phải vì ta vẫn còn quá cảm xúc và bi kịch hoá mọi thứ?

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy tận hưởng điều đó. Độc thân không có nghĩa là chưa đủ tốt để yêu. Độc thân nghĩa là chưa có ai đủ tốt để được bạn yêu.

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Muốn ngắm bình minh, phải dậy thật sớm. Muốn tạm biệt ngày tàn, phải vẫy chào hoàng hôn. Hạnh phúc của mình nên tự mình nắm lấy...

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Một giấc mơ dang dở dấy lên trong lòng tôi một sự hiếu kỳ với dáng vẻ của hạnh phúc. Nếu bước qua lằn ranh giữa quá khứ và hiện tại, tôi sẽ thấy được điều, có phải kết cục sẽ vẹn tròn hơn không.

Hôn lễ của em | Blog Radio 901

Hôn lễ của em | Blog Radio 901

Bên trong ai cũng có một vài vết thương, có kẻ biến vết thương thành một sự hiểu biết. Có người lại biến vết thương thành một nguyên nhân, sinh ra một vết thương mới đau hơn…

Em như ánh sao trời | Blog Radio 900

Em như ánh sao trời | Blog Radio 900

Không có một tình yêu nào là vĩnh hằng cũng chẳng có lời hứa nào gọi là mãi mãi, chỉ là con người ta thích tin vào những điều đó chỉ là nhất thời để rồi một đời đợi chờ.

back to top