Lũ trẻ của rừng núi
2024-05-02 18:15
Tác giả: Trong gốc cây đa có con đa đa
blogradio.vn - Nhưng tôi chưa bao giờ hỏi mẹ tôi tại sao học sinh lại quý mẹ như thế, tôi chỉ nhìn chăm chăm vào khung cảnh viễn tưởng mà mình tạo ra, mà quên mất mẹ tôi đã cống hiến biết bao nhiêu năm tháng ròng rã cho những búp măng non trẻ ấy. Và giờ khi mà tôi tiếp bước của mẹ, tôi mới từ từ hiểu được thứ tôi đang cầm trên tay không chỉ là viên phấn nữa rồi…
***
Tôi - Một cô nàng đương độ tuổi xuân thì, một cô nàng đầu óc còn nhiều điều bay bổng, thì đùng một cái sét đánh ngang tai, tôi phải lên miền cao thực tập. Chuyện là tôi là sinh viên sư phạm, đến thời kỳ chọn lựa thực tập ở đâu thì xui rủi kiểu gì bốc lên tận miền xa thẳm. Một đứa con gái điệu đà, được chiều được chuộng thì lên đó chả khác gì đi đày. Đừng nghĩ tôi vì sao không chịu được khổ mà chọn nghề nhà giáo chi cho mệt, thích dạy học với không thích chịu khổ khác nhau à nha.
Ngày biết kết quả mình sẽ “sinh tồn” ở đâu trong thời gian tới đúng kiểu trời đất sụp đổ, về nhà òa lên với mẹ tưởng đâu như mọi lần sẽ được dỗ dành, thì lần này nhìn mặt mẹ nghiêm túc hẳn, mẹ tôi nhìn tôi hồi lâu rồi nhẹ nhàng hỏi tôi:
- Con chọn nghề giáo vì điều gì?
- Sao tự nhiên mẹ hỏi thế, đương nhiên là vì thích đi dạy rồi. Mẹ đừng dùng vẻ mặt đó nhìn con, con có nói gì sai đâu.
Mẹ tôi chỉ lắc đầu rồi nói sau khi thực tập xong quay lại nói cho mẹ biết câu trả lời của con. Hoang mang thật, tôi chẳng hiểu mẹ đang nói gì, nhưng chuyện gì đến rồi cũng phải đến, trời có sập tôi cũng phải đi.
Ngày lên điểm trường, lòng tôi khó chịu vô cùng, bực bội thật chứ, nhiều người như thế mà sao mình lại là đứa xui xẻo chứ, nhìn những tòa cao tầng dần khuất, nghênh đón tôi là những chặng đường đất, những chặng đồi cheo leo.
Tôi sốc!!! Trần đời thế gian, hoảng hốt thật chứ đùa.
Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi tận mắt nhìn thấy những ngôi nhà được được xây bằng đất, được lợp bằng lá…, đến chặng đường tiếp theo thâm chí chẳng thể đi bằng ô tô được nữa, con đường bắt đầu hẹp dần, đất dưới chân bắt đầu sụp lún, bắt buộc tôi phải di chuyển bằng xe máy. Đi lên sâu hơn tôi bắt đầu thấy những người dân trong bản, thấy những đứa trẻ đen đúa, bẩn thỉu đang cười đùa hớn hở chạy theo những chiếc xe máy chở những giáo viên trẻ lên bản. Nhìn khung cảnh “xơ xác” xung quanh tôi chợt nảy ra một suy nghĩ, mình sẽ phải ở nơi này sao, thiếu nước, thiếu điện. Ở trong một ngôi nhà, à không cũng chẳng thể gọi là nhà được, một túp lều lụp xụp được căng bạt bốn góc, trên trần được che bởi vài tấm ván gỗ, tôi dám cá trời chỉ cần đổ mưa là chỗ tôi ở thành ao cá luôn cũng nên.
Tôi muốn về nhà, muốn được ở trong chăn ấm, muốn được ăn đồ mẹ làm, muốn đi lượn hít thở không khí thành phố về đêm, tôi chẳng muốn ở cái chỗ này, ban đêm tối om mù mịt, đi vệ sinh cũng phải vào tít sâu trong rừng, sợ ma lắm. Tôi muốn cái tổ quen thuộc thơm tho của mình chứ không phải là cái tấm sạp cứng người này… tôi muốn về…
Nhưng muốn thì muốn chứ có về được đâu.
…
Ngày đứng lớp, tôi được phân dạy lũ trẻ lớp 3, nhìn những đứa nhóc loai choai, đen ngỏm, gương mặt dính đầy vệt đen trong tôi dâng lên một khoảng lặng. Lũ trẻ ở đây khác hẳn chỗ tôi, mấy đứa trẻ trong phố đứa nào đứa nấy trắng trẻo, thơm tho, có đôi đứa còn ú na ú nần, vậy mà trước mặt tôi đây những đứa trẻ của bản làng này… Đôi mắt lũ trẻ ở đây đẹp lắm, long lanh long lanh, khác hẳn với mấy đứa cháu ở nhà của tôi, đứa nào đứa nấy hoạt bát nhanh nhảu, còn có đôi phần lém lỉnh, nhưng trước mắt tôi đây là những lũ trẻ của rừng núi, chúng ngây ngô, đơn giản. Kỳ thật, tôi vốn không ưa trẻ con lắm, nhưng những đứa nhóc trước mặt tôi đây lại khiến cho tôi cảm giác khang khác, không ghét.
- Cô là Vân là giáo viên sẽ dạy các em trong khoảng thời gian sắp tới.
Lời còn chưa kịp dứt , lũ trẻ nhốn nháo hết cả lên, chúng cười tươi vui vẻ hỏi tôi đủ thứ chuyện, nào là tôi đến từ đâu, cô sẽ là giáo viên của chúng em ạ, rằng quần áo tôi mặc sao đẹp thế, sao giọng cô hay thế ạ… Đủ chuyện trên trời dưới đất, tôi trả lời chúng đến khô cả họng, đang lúc tưởng chừng sắp héo tới nơi vì không có nước, thì một cậu nhóc nhỏ thó, người gầy đét lại còn đen nhem nhẻm cẩn thận bưng một cái ca sứt đến cho tôi: “C… cô ơi, cô uống nước đi ạ!” Thú thật thì đúng là tôi có đang khát cháy cả họng, cơ mà nhìn cái ly nước thì tôi nghĩ mình nhịn tý nữa cũng không sao, khiếp trần đời chưa bao giờ tôi thấy một ca nước nó bẩn cỡ đó. Đang lúc mở miệng định nói với nó là tôi không khát, thì ánh mắt tôi bắt kịp một tia mong chờ trào ra từ đôi mắt híp của thằng bé, não tôi lúc đó xoay chuyển nhanh, nuốt kịp lời tôi vừa định thốt ra thay vào đó là câu cảm ơn đến với thằng bé.
Thề với trời, từ trước tới giờ tôi chưa bao giờ uống nước trong một cái ly nước bẩn đến thế, viền ly bám đầy vết bẩn, xung quanh ly có những chất đen bẩn dính xung quanh, đáy ly là chất cặn bẩn đến không thể nào bẩn hơn. Phải tích góp can đảm mấy đời tôi mới dám nốc cái ly nước đó, não tôi không ngừng suy nghĩ tôi nay không biết tôi có sống sót vượt qua kiếp nạn hay không.
Nhưng nhìn vẻ mặt mong ngóng của thằng nhóc, tôi chợt nghĩ nếu tôi nay tào tháo có đuổi tôi cũng bằng lòng. Hầy, quái lạ thật đó, tôi ít khi vì người khác mà sẽ làm việc khiến bản thân mình khó chịu lắm, lúc ấy tôi cũng chẳng hiểu nổi bản thân mình đâu.
Chắc là lòng yêu trẻ của một “hạt mầm” nhà giáo khiến tôi đưa ra quyết định như vậy.
Ngày đầu vật vã với lũ nhóc khiến tôi chẳng còn sức lực để làm gì nữa hết, cuốc bộ được về tới cái chòi, tôi ngã ngay xuống “giường”, thân thể bây giờ đúng với chữ thân tàn ma dại. Tôi là điển hình của những cô nàng lười vận động, thích ở ì một chỗ. Đi bộ từ chỗ tôi trú ngụ lên điểm trường rồi lại từ điểm trường cuốc bộ về khiến tôi lần đầu cảm giác được hình như cái chân này không thuộc về mình nữa rồi. Sự mệt mỏi khiến tôi không cảm thấy khó chịu khi nằm trên cái tấm ván bằng gỗ nữa, giờ có cho tôi nằm ra đất tôi cũng ngủ được ngon lành, tôi đánh một giấc đến tận chợp tối. Tôi đoán tôi có thể nằm vật được đến sáng mai, nhưng cái tiếng lào xào lạch xoạch khiến tôi không thể nào phớt lờ mà đi đánh thêm một giấc được nữa. Đang định gắt gỏng, thì chớt nhớ ra bản thân đang trên rừng núi hoang vu, cơn cáu bẳn lúc thức dậy biến mất tăm, cảm giác ớn lạnh bắt đầu xâm chiếm từng tế bào của tôi. Thiên địa ơi, sợ ma lắm, liên tục lặp đi lặp lại những câu “A di đà phật” để trấn tĩnh bản thân, tôi lấy hết can đảm cẩn thận lén ngó mắt ra phía ngoài xem cái quỷ gì đang xảy ra, thì thấy một bóng đen bé tí hin đang lúi húi làm cái gì đó. Lúc này hồn vía mới kịp quay trở lại, thì ra là một thằng nhóc nào đó, trời thì đang xâm xẩm tối, tôi chẳng thấy rõ nó đang làm cái gì, nên tôi mới hắng giọng gọi lớn:
- Này, em ơi, đang làm gì đấy, trời sắp tối rồi mau về nhà đi, kẻo tý lại không về được nhà.
Thằng nhóc nghe được tiếng tôi hét lớn, nó giật nảy người quay lại. Tưởng nhóc nào lạ, hóa ra là thằng nhỏ lúc sáng đã đưa nước cho tôi. Làm tôi hết cả hồn, sự sợ hãi đi qua, tôi mới chầm chậm đi tới bên nó hỏi tại sao giờ này lại ở đây. Nó hồn nhiên nói:
- Đến giờ nấu cơm, nhà hết củi nên em đi nhặt về nhen lửa cô ạ.
Uầy, làm sợ hết hồn, nhìn xung quanh, công nhận chỗ này nhiều cây thật, chung quanh cả tá cành cây khô vương vãi khắp nơi, thảo nào nó tới tận đây nhặt củi.
- Thế nhà có gần không, mà đi lên tận đây.
Nó chỉ về một hướng có ánh sáng lấp lé, nom trông cũng chẳng xa lắm, tôi mới yên tâm quay sang:
- Thế kiếm được đủ chưa, chứ lát nữa là trời tối hoắc không về được nhà đâu, để cô đưa em về.
Đúng lúc cũng phải đi xem xung quanh chỗ mà tôi sắp tới gắn bó dài hạn, chứ từ khi lên đây tôi chưa đi thăm thú được ngày nào. Ngay khi nhận được câu trả lời của nó, tôi với nó liền lững thững bước đi, hai bên đường những cây hoa cỏ dại mà tôi chẳng biết tên nó là gì. Dọc đường tôi vu vơ hỏi nó những câu hỏi liên quan đến người nơi đây, đến gia đình nó, nó cũng vô tư trả lời tôi mà không suy nghĩ.
Thằng nhỏ này tên là Dinh, theo lời kể của nó, nhà Dinh có năm anh chị em, nó là đứa con út trong gia đình. Mấy anh chị có người đi lên những thành phố lớn kiếm sống, có người đã lập gia đình rồi sống ở đây, bố mẹ nó chỉ là những người làm nông bình thường. Cha mẹ nó thương nó, ngày thường cũng ít khi bắt nó làm này làm kia, chỉ bảo nó chuyên tâm học hành. Nhưng mà như những hộ dân nơi đây, nhà nó cũng đâu có khấm khá gì, để nuôi được nó đi học cha nó hiện tại còn phải đang làm công trên phố để kiếm từng đồng lẻ gửi về… Nói chuyện với nó một hồi lâu thì cũng đến được trước nhà nó, thấy tôi đưa nó về lại nghe tôi là cô giáo dạy nó, mẹ Dinh niềm nở hẳn ra, liên tục mời tôi vào chơi, ăn cơm chung với hai mẹ con. Từ chối hết lần này tới lần khác nhưng không thành, tôi chỉ đành nói vậy thì đành làm phiền ạ, rồi bước chân vào chơi.
Là đứa mang tính tò mò, khi bước chân vào gian trong, mắt tôi đảo đều như rang lạc. Những thứ treo trong nhà thật sự rất lạ lẫm đối với tôi, trước giờ tôi chỉ nhìn thấy trên phim ảnh thôi, lần đầu tiên được nhìn thấy thật ngoài đời. Nhưng chung quy, đây cũng chỉ là một gian nhà lụp xụp được ghép lại từ những thanh gỗ như bao ngôi nhà khác ở trên bản thôi. Bước chân vào nhà thôi là đã thấy một luồng khói nghi ngút, một cái bếp củi được dựng ngay trong nhà, bên trên là một chiếc nồi đang ùng ục bốc khói trắng, làn khói quẩn quanh khắp ngôi nhà rồi phiêu tán ra khắp nơi. Dưới lớp vỏ trấu đang vùi vài ba củ khoai, đang bốc mùi thơm lừng, chà chà, mùa đông ngồi bên bếp lửa ăn khoai thì đúng là hết sẩy. Đột nhiên nhớ tới khoảng thời gian vẫn còn đang là sinh viên, trên chiếc xe máy cùng với hai đứa bạn vi vu khắp phố phường khí lạnh thổi phà khiến mặt đứa nào đứa nấy đỏ ưng ửng cả lên, thở ra cả làn khói trắng. Thế là mấy đứa dáo dác nghía mắt khắp nơi tìm chỗ nào bán khoai nướng, ngô nướng để tấp vội vào lề gặm ngay củ khoai còn nóng hôi hổi cho ấm người…
Đương lúc suy nghĩ dần bay cao bay xa, thì Dinh lại chọt nhẹ vào người tôi rồi thỏ thẻ:
- Cô ơi, cô lại dùng cơm với gia đình chúng em ạ.
Hồn về lại xác, ngước mắt lên thì thấy mẹ Dinh đã chuẩn bị xong xuôi, bày biện lên hết rồi, ngại ghê, tôi lén nghĩ thầm chết thật, nãy giờ mải nghĩ đâu đâu chẳng kịp chạy lại giúp mẹ Dinh làm gì hết.
- Cô giáo đừng chê nhé, em chẳng kịp chuẩn bị cái gì hết.
Mẹ Dinh ngượng ngùng nhẹ nhàng nói với tôi như thế. Tôi thầm nghĩ, do bản thân tôi đột nhiên hứng khởi muốn đi thăm thú chỗ này chỗ kia, lỗi của tôi mới phải chứ.
- Dạ, không có gì đâu ạ, em cũng ăn như mọi người thôi ạ, chẳng cần phải chuẩn bị gì đâu ạ.
Nhưng khi nhìn xuống, chợt có một thứ nhẹ tựa lông vũ lướt khẽ qua tim tôi, khiến lòng tôi chợt trùng xuống. Giữa sàn nhà là một nồi gì đó tôi cũng chẳng rõ nhưng nó to, bên cạnh là một đĩa rau luộc tôi cũng chẳng rõ đó là rau gì. Dinh nhìn tôi, trong mắt nó đầy thấp thỏm như sợ tôi sẽ chê bữa cơm nhà nó vậy, mẹ Dinh cũng vậy, xoắn hết cả tay lại rồi nhìn tôi. Sắc mặt tôi thay đổi nhanh chóng, nụ cười vui vẻ hiện hữu lên gương mặt tôi, giọng điệu đầy hào hứng:
- Nhìn lạ quá, lần đầu tiên cô được thử món này đó, cảm ơn hai mẹ con nhé. Nhìn thật sự rất là đặc biệt, chắc hẳn sẽ ngon lắm đây.
Rồi tôi kéo tay Dinh ngồi xuống, sau đó lại quay sang cảm ơn mẹ Dinh đã tiếp đãi tôi một món ăn đặc biệt ở trên đây, rồi tôi cùng hai mẹ con bắt đầu thưởng thức. Nói thật tệ, tôi chưa từng ăn cái gì tệ đến thế, tuy nhiên tôi chẳng bộc lộ cảm xúc không thích trên mặt, từ đầu tời cuối tôi đều vui vẻ chuyện trò với hai mẹ con, vì tôi biết họ quý tôi, và tôi cũng rất quý họ.
Đêm ấy, khi quay về cái “chòi’’ nát của mình, tôi trằn trọc mãi không ngủ được, tôi nghĩ về nhiều thứ. Nghĩ về phố thị xã xôi nơi tôi đã gắn bó suốt thời gian dài, nghĩ về gia đình, nghĩ về món canh chua mà mẹ tôi nấu,… tôi nghĩ vu vơ vu vơ, và rồi hình ảnh dần hiện lên trong đầu tôi bay giờ là bữa tối tại nhà Dinh… Nói sao nhỉ, tôi cũng chẳng rõ bây giờ tôi muốn nói cái gì, chỉ là có thứ gì đó cứ nhấp nhổm trong lòng tôi, nhấp nhổm nhấp nhổm rồi kéo tôi vào sâu trong giấc ngủ…
…
Dạy ở bản này cũng được một tuần hơn, tôi bắt đầu trò chuyện nhiều hơn với những cô cậu học sinh nhỏ của mình, qua lời kể vô tư của tụi trẻ tôi dần biết được hoàn cảnh của từng đứa. Cô bé có đôi mắt mang màu của nắng kia tên là Nương, nó xinh lắm, mắt lúc nào cũng trong veo, thế mà gia đình của nó lại hoàn cảnh nhất trong những gia đình hoàn cảnh. Cha mẹ nó xuống dưới xuôi làm ăn chẳng may bị tại nạn mất hết, để lại nó với mấy đứa em tí tẹo, có đứa còn đang phải bọc tã uống nước vo gạo người ta cho, con bé cùng mấy đứa em sống trong cái lán rách với ông nội của nó. Ông nội cũng chẳng còn khỏe nữa, lại bị thọt ở chân, khốn khổ đến thế là cùng. Lao động chính trong nhà hiện tại lại thành nó, em nó có một đứa còn bị bệnh tim, khốn khổ, ôi cái căn bệnh giết chết người nghèo ấy…
Cuộc đời đốn ngã những mầm cây chưa kịp nở, cho những cọng cỏ từng trận từng trận giông như muốn đạp nát cái sức sống muốn được vươn mình đứng dậy đó. Tôi lại nghĩ về cuộc sống của tôi lúc còn ở dưới xuôi, gia đình tôi chẳng thuộc dạng giàu có, nhưng tôi cũng chưa từng phải đắn đo về tiền bạc. Tôi có thể mua, có thể ăn những thứ mà tôi thích, trước khi lên đây, tôi chưa bao giờ nghĩ, chưa bao giờ trong đầu tôi hiện ra câu hỏi tôi sống thế này vậy người khác sống thế nào… Hai mươi mấy tuổi đầu, lần đầu tiên trong đời tôi bắt đầu cảm thấy cuộc sống trước đây của mình hình như chưa có dấu ấn nào đặc biệt, tôi hình như chỉ là đóa hoa trong nhà kính được ấp ủ chăm nom kỹ càng, hình như tôi chưa thực sự “sống” thì phải.
Ngay cả khi tôi chọn cái ngành này, tôi cũng chưa từng nghĩ được rằng sau này mình sẽ dạy trẻ ra sao, tôi chọn nó chỉ đơn giản là vì tôi thấy hình như truyền đạt tri thức cho những đóa hoa của tổ quốc nghe có vẻ ngầu đấy. Tôi không thực sự chọn nghề vì tôi muốn cống hiến, hay là vì hết lòng muốn dạy dỗ lớp trẻ cả, tôi chọn chỉ đơn giản là vì cái suy nghĩ đơn giản chớp nhoáng lên trong đầu tôi thôi. Bốn năm đại học tôi cũng vật vờ qua ngày như thế, thực ra cũng có lúc tôi cũng tự nghĩ tại sao lại chọn làm nhà giáo, nhưng thú thật nhưng chẳng chờ tôi kịp nghĩ sâu thì những cơn vui của tuổi trẻ đã cuốn tôi đi mất rồi. Chỉ đến khi đặt chân lên đến tận đây, tôi mới bắt đầu có những luồng cảm xúc là lạ, chẳng biết đặt tên là gì nhưng nó khiến tôi cứ khó chịu, cồn cào, khiến cho tôi nhiều lúc chẳng biết vì sao cứ cảm giác có cái gì đó đang dần vỡ ra.
Tôi nhớ đến mẹ tôi, bà là một nhà giáo, một người ảnh hưởng tới việc chọn ngành của tôi rất nhiều. Vì tôi thấy vào những ngày lễ, những học sinh cũ của bà dù đã tốt nghiệp rất nhiều năm vẫn quay trở về thăm bà vào những ngày đặc biệt, điều đó in hằn trong ký ức của tôi khiến cho tôi cảm nhận được nghề giáo là một nghề rất đặc biệt. Nhưng tôi chưa bao giờ hỏi mẹ tôi tại sao học sinh lại quý mẹ như thế, tôi chỉ nhìn chăm chăm vào khung cảnh viễn tưởng mà mình tạo ra, mà quên mất mẹ tôi đã cống hiến biết bao nhiêu năm tháng ròng rã cho những búp măng non trẻ ấy. Và giờ khi mà tôi tiếp bước của mẹ, tôi mới từ từ hiểu được thứ tôi đang cầm trên tay không chỉ là viên phấn nữa rồi…
Tôi từng rất ghét trẻ con, đừng hỏi tại sao ghét mà vẫn chọn nghề này, vì tôi nghĩ rất đơn giản rằng việc mình thích đứng bục không liên quan đến việc ghét tụi nhỏ hay không. Nhưng mà… sao lại không liên quan khi mà đối diện nếu là những người mình ghét thì sao có thể tận tâm được. Nhìn những đứa trẻ được nuôi bởi núi rừng này tôi có thể ghét được sao, đối diện với tấm chân thành của lũ trẻ tôi có thể không rung động được ư? Đương nhiên là không thể.
Hình như tôi đặt chân lên vùng đất này là để được những đứa trẻ nơi đây dạy tôi cách sống với nghề nhà giáo, dạy tôi cách yêu thương, cách đồng cảm với con người. Nhớ lại một lần lúc đó tôi với chị đồng nghiệp rủ nhau lên rừng xem có gì thú vị hay không thì xui rủi thế nào quên mất đường ra, đương lúc tưởng như hai chị em chỉ còn nước tự “lăn” xuống núi thì may ra mới thoát thì lại gặp được Nương. Con bé đang lúi húi đào măng, trên lưng nó mang một cái giỏ to chứa đầy những búp măng nục nịch, thấy chúng tôi nó hỏi hai cô lên đây để hái măng ạ, tôi đành gật đầu đại. Chứ chẳng lẽ giờ nói toẹt ra với nó hai cô nhân lúc ngày nghỉ chẳng có gì để làm nên vác nhau lên rừng coi có gì chơi không ai ngờ tìm chẳng ra đường về. Nó thấy tôi gật đầu thì hí hửng hỏi tôi thế chúng tôi đã đào được cái nào chưa, đến đồ để đào chúng tôi còn không mang thì đào được cái gì chứ. Nhận ra được điều đó, Nương chỉ cho chúng tôi cách đào rồi nói lần sau các cô muốn đào thì cứ nói với em em đào giúp cho cô, xong con bé còn lấy ra mấy búp măng to ú ụ cho chúng tôi rồi đưa chúng tôi xuống núi. Tối đấy chúng tôi được ăn món măng xào nhưng khổ cái tôi và Nguyên - giáo viên thực tập cùng với tôi lại chẳng biết sơ chế nên đứa nào đứa nấy thấy ngứa không chịu được.
Khi đã thích nghi được 3 tháng, trong một tiết học buổi sớm, khí trời càng ngày càng lạnh, lê lết được cái thân đến lớp chuẩn bị cho buổi học ngày hôm nay. Đám trẻ dần dần đến lớp, nhìn chúng nó sùi sụt nước mũi vì lạnh, chân đứa có dép đứa chân trần, nhìn những bộ quần áo rách lộ từng đường kim chắp vá mà thấy thương vô cùng. Chậu lửa đốt trong phòng cháy bừng bừng sưởi ấm, từng bước chân nhỏ dần lớp đầy lớp học, nhưng… hình như hôm nay vắng bóng một bạn nhỏ. Thực ra chuyện đi học bữa được bữa không ở chỗ này là chuyện bình thường vì tụi nhỏ gia đình đều thuộc diện hộ nghèo, chúng nhiều khi phải đi làm việc này việc kia để phụ giúp gia đình nên tôi cũng không thấy lạ. Nhưng có một “đôi chân” đã hai tuần rồi chưa đến lớp là Nương. Nén lại cảm giác tò mò vì sao đã hai tuần mà Nương chưa tới lớp, tôi cố gắng dạy xong buổi học ngày hôm ấy rồi hỏi những học sinh trong lớp, rồi tôi lần mò theo sự chỉ dẫn của mấy đứa nhỏ cuối cùng cũng tìm được “nhà” của Nương.
Khi dấu chân tôi đã in hằn lên đây, tôi đã thấy nhiều hoàn cảnh nhiều mảnh đời cơ cực, nhưng… tôi phải hững một nhịp khi nhìn nơi trước mắt này. Chỗ ở tạm của tôi trên này tôi đã chê lên chê xuống, nhưng nhìn cái lán trước mắt này tôi chẳng thể chê được từ nào. Nghẹn, nó còn chẳng bằng chỗ ở của tôi nhưng… nhưng mà…
Nương từ trong nhà bước ra, tay trước bế một đứa lưng sau địu một đứa nữa, nó thấy tôi thì hơi hoảng ngập ngừng:
- Sao cô đến đây thế ạ?
- Dạo này cô không thấy em tới lớp nên cô hỏi các bạn chỗ của em để đến hỏi thăm xem sao.
Nó mời tôi vào nhà, xong rồi nó nói với tôi về chuyện của gia đình nó dạo đây. Ông nó bữa đi làm rẫy chẳng may ngã từ trên xuống mãi lâu sau người ta mới thấy rồi đưa đi, tới giờ vẫn chưa đứng dậy được. Cậu em trai của nó dạo gần đây trời ngày càng lạnh, nó bị hen suyễn ho liên tục, lại khó thở mà thằng bé còn bị bệnh tim. Có bữa đêm tỉnh dậy thấy thằng bé ho liên tục, lại lên cơn co giât Nương nó hoảng quá phải chạy thẳng ra ngoài kêu người ta đưa em nó đi viện đến giờ vẫn đang còn nằm trên đó.
Mà gia đình nó nghèo đến thế thì làm sao xoay được tiền cho thằng nhỏ nằm viện, ông Nương chưa khỏe hẳn còn phải gồng lên đi làm thuê cho người khác để kiếm tiền. Còn nó tuy nhỏ nhưng được cái lanh ai kêu gì cũng làm được nên nó đi giúp người ta làm việc kiếm thêm vài đồng, lại có mất đứa em còn nhỏ, nó chẳng thể đi học được… Nói rồi nó sụt sùi:
- Cô ơi, chắc là em,… em… em nghỉ học để… để…
Chẳng nói được trọn câu, nó òa khóc nức nở, mấy đứa nhỏ thấy chị khóc cùng òa theo khóc, bầu trời hôm đó mưa lất phất, làn sương lạnh lẽo len lỏi quẩn quanh khiến cho không khí ảm đạm thêm mấy phần.
Người nghèo thường hay xui rủi, giường như cuộc đời sợ họ sống chưa đủ khổ nên liên tục tạt vào họ những chất đen nhầy nhụa. Thế giới dường như sợ họ trồi lên cao nên liên tiếp nhấn mạnh họ xuống lớp bùn tanh tưởi, sự khốn khó đeo bám họ, quấn chặt như những tán tầm gửi, sự xui xẻo đi theo họ cột chặt lấy những con người đó, chẳng kịp cho những phận người ấy kịp trồi lên.
Tôi cũng chẳng nhớ rõ tâm trạng lúc đó của mình như thế nào, nhưng cái tiếng khóc thê lương của những đứa trẻ đó vẫn theo tôi cho tới tận bây giờ. Hình như ông trời cũng muốn tạt vào tôi một chút vị đời, khi một đứa con gái mới tập tễnh những bước chân đầu trong nghề nhà giáo. Một cô nàng vẫn còn những nét thơ trong suy nghĩ thì món quá trưởng thành mà ông trời giành tặng cho tôi khiến tôi mất đi cái nét thơ trong lối nghĩ, nhồi nhét trong đầu tôi những giàn âm hưởng nặng nề của chốn rừng hoang.
Không rõ nữa nhưng tôi nghĩ bản thân phải làm gì đó, muốn tạt vào tôi bao nhiêu xô cũng được nhưng tôi phải làm gì đó, phải làm cái gì đó…
Trên đây không có sóng, buộc tôi phải chạy xuống dưới tít dưới kia để bắt được một chút ít sóng, gọi cho mẹ. Khi giọng nói thân thuộc đó vang lên, mắt tôi đỏ ửng cả lên, giọng cũng nghẹn hẳn đi. Run run nói với mẹ rằng hãy đập con lợn mà tôi đã nuôi hơn mấy năm, rằng mẹ ơi hình như con hiểu được ý nghĩa của nghề giáo rồi, rằng mẹ ơi mấy đứa nhỏ trên này… mấy đứa nhỏ trên này… lời chẳng thể thoát khỏi miệng, nước mắt ồ ạt dàn dụa. Nghĩ đến Nương, Dinh… mấy đứa nhỏ đến dép còn chẳng có mà đi, nhớ đến quãng đường tìm con chữ của tụi nó, nghĩ về những cái bọc thức ăn chúng nó gói gém để đến với hành trình kiếm chữ, kiếm lấy một đường sống trong cái cõi khốn khổ này, nhớ về những ánh mắt trong vắt như suối nguồn nơi đây…
Những ngọn cỏ dại ven đường đó, trông thấp bé, chẳng có ý nghĩa nào đối với người khác, so với những bông hoa xinh đẹp kia chúng chỉ là thứ để người ta giẫm, nhưng chúng cũng có ước mơ, chúng cũng hy vọng được vươn lên chúng cũng muốn được chạm tới mây trắng. Và chỉ vì là cọng cỏ nên hình như mọi thứ đều là viển vông.
Số tiền bé nhỏ của tôi cũng chẳng thể xoay chuyển tình hình của nhà Nương. Mấy thầy cô chúng tôi cố gắng giúp đỡ, kêu gọi ủng hộ nhưng đời cũng chẳng phải mơ, Nương cũng chẳng thể theo bước những đứa trẻ khác. Nó dừng chân lại trên chặng đồi đó dõi theo các bạn tiếp tục hành trình của mình, Nương phải chạy theo một hành trình khác thôi.
Sau đó, lớp học cũng tiếp tục vang lên tiếng những đám nhỏ, nhưng dần dần những bàn chân nhỏ từng em từng em dừng bước trông theo các bạn khác. Mấy đứa nhỏ vì đời đành khép lại chặng đường này thôi.
Tôi chẳng phải siêu nhân, tôi chẳng giúp được gì… Hằng đêm trong đầu tôi cứ thế hiện lên hình ảnh từng đứa từng đứa một, giọng nói non nớt trong trẻo cứ vang vọng trong đầu của tôi. Tôi trầm tính hẳn, vẫn nhớ về hình ảnh của một cô nàng mang theo một đôi mắt thơ ngây, nhưng cô nàng đó cũng dừng chân đâu đó trên chặng đường với lũ trẻ để tiếp đây một cô gái mang theo những ước mơ nhỏ đó chạy tiếp về phía trước.
© Trong gốc cây đa có con đa đa - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
Chia Tay Anh Là Cách Em Yêu Chính Bản Thân Mình | Radio Tâm Sự
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?
Câu chuyện về một nhà thơ…!
Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.
Vì anh còn thương em
Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.
Ai là bạn trong cuộc đời?
Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.
Ánh nắng chiếu
Anh nhớ em một ngày cuối hạ Cho tình yêu gọi giấc mơ về Anh nhớ em một tình yêu lạ Mà sao lòng anh vẫn còn yêu
Phụ nữ giàu sang phú quý đều có 3 nét tướng này trên khuôn mặt: Ai có 1/3 cũng nhiều phúc nhiều lộc
Hãy cùng xem bạn có hay không nhé.