Phát thanh xúc cảm của bạn !

Đợi

2025-03-26 21:05

Tác giả: nnkhanhhz


blogradio.vn - Thú thật với mày là bây giờ tao chẳng cảm thấy gì trong lòng cả, đau cũng không mà buồn cũng không. Tao chỉ thấy… hình như ở ngực trái tao bị khoét mất một mảng khá lớn đấy.

***

“Mẹ ơi, tình yêu là gì hở mẹ?”

Câu hỏi bất chợt từ Hoàng khiến cô Thoan khựng lại. Đang gấp nốt mấy bộ quần áo, cô ngước lên nhìn đứa con trai đang ngồi vắt vẻo trên ghế, đôi chân đung đưa chẳng khác nào cái đồng hồ quả lắc.

"Hỏi khó quá, mẹ không biết trả lời sao nữa.”

"Ui dào, thế mà hay mẹ bảo ngày xưa mẹ học giỏi lắm! Đúng là chỉ giỏi khoe.”

Khi nghe thấy tiếng gọi của thằng Long gọi ở ngoài sân: “Hoàng ơi lên nhà ông Năm chơi đi, mau lên… đến giờ rồi” Hoàng chu mỏ, nhún vai rồi nhảy tót khỏi ghế, chạy ra ngoài.

"Mẹ ơi, hai ngày nữa mới nộp bài cơ mà! Con với thằng Long lên nhà ông Năm chơi đây!"

"Hoàng! Quay lại thu dọn sách vở ngay!"

Nhưng lời cô vừa dứt, bóng dáng nhỏ xíu của Hoàng và thằng bạn thân đã mất hút ngoài cổng. Thoan thở dài, ánh mắt lơ đễnh nhìn theo trang sách Hoàng để lại trên bàn.

Cô ngồi xuống hiên nhà, gió chiều nhẹ thoảng qua mang theo chút se lạnh. Nhớ lại câu hỏi trong vở tập làm văn của con: "Theo em, tình yêu là gì?", cô chợt thấy lòng mình chùng xuống. Đã lâu lắm rồi, cô không nghĩ đến tình yêu.

Tình yêu là gì nhỉ? Là ánh mắt của một người năm xưa? Là những lần tan ca vội vã để về kịp bữa cơm gia đình? Hay là những nỗi nhớ chỉ dám giấu trong tim?

Cô khẽ lẩm bẩm, nhưng chẳng biết nói cho ai nghe: "Ừ, tình yêu khó trả lời thật.” Cô nhìn xa xăm, trong lòng chợt ùa về hình ảnh của một người năm nào. Một lần tan ca, anh đứng đợi cô dưới cơn mưa phùn, đôi mắt anh rực sáng như vì sao. Những kỷ niệm tưởng chừng đã ngủ quên giờ lại ùa về, khiến lòng cô thêm nặng trĩu.

Đến sân nhà ông Năm, bọn trẻ con trong làng kéo nhau đến nhà đông đủ. Đứa lớn nhất, tất nhiên, vẫn là thằng Hoàng. Tối nào cũng thế, cứ tầm 8h là Long lại chạy sang nhà Hoàng rủ nó đi lên nhà ông Năm nghe ông kể chuyện. Ông hay kể chuyện ma, trong và ngoài làng đều có, dù đó là thật hay là bịa ra thì những câu chuyện ấy đều có một sức hút kì lạ.

Nhìn lũ trẻ tụ tập vòng tròn quanh mình ở dưới sân, ông Năm ngồi ở trung tâm vòng tròn xoa xoa tóc, bắt đầu kể với giọng rì rầm rì rầm thường ngày.

“Hôm nay ông sẽ kể cho các cháu câu chuyện của nhà họ Trương làng bên cạnh. Chuyện là vài ngày trước, khi bà Hiền…”

“Từ từ đã ông ơi, ông và mọi người nghe cháu nói.”

Hoàng cắt ngang khiến mấy đứa trẻ nhao nhao lên vì chúng đang có hứng, Hoàng đứng lên nói tiếp.

“Mọi ngày nghe toàn truyện ma, ông kể gì khác đi ông! Kể chuyện gì mà ông thấy hay nhất, nhớ nhất ấy, mọi người ai nhất trí thì giơ tay lên.”

Bọn trẻ hào hứng giơ hết tay lên, Hoàng nói tiếp: “Ông kể chuyện của chính ông đi ạ, chuyện gì đó mà khiến ông ấn tượng và nhớ sâu sắc nhất ấy.” Ông Năm ngẫm nghĩ một lúc sau đó bảo Hoàng ngồi xuống, ông bắt đầu câu chuyện của chính mình. Tiếng dế râm ran trong đêm, mùi khói bếp từ căn nhà lân cận thoảng qua, ánh trăng hắt lên mái hiên như phủ một lớp lụa bạc. Lũ trẻ ngồi xúm xít, đôi mắt sáng bừng hướng về ông Năm như chờ đợi từng câu chuyện mở ra một thế giới mới.

“Ông và bà gặp nhau ngày 14. 8. 1947,…”

                  […]

Tôi và cô ấy gặp nhau ngày 14. 8. 1947, khi ấy chúng tôi đang chăn trâu trên cánh đồng mênh mông thơm mùi lúa chín. Chúng tôi vừa gặp đã có cảm tình với đối phương và cũng nhận ra hai người nói chuyện rất hợp, tôi nghĩ đây là lần đầu tiên mình biết yêu nên khá rụt rè, nhưng cô ấy thì ngược lại hoàn toàn, vô cùng năng nổ và vui vẻ.

Vào một buổi chiều oi bức khi đang ngồi cạnh nhau dưới tán cây sồi to, tôi lấy hết can đảm hỏi cô ấy tên gì, nhà ở đâu. Dường như nhận ra sự ngại ngùng của tôi, cô ấy bĩu môi huých tôi một cái.

“Em tên Hà, 19 tuổi, ở xóm 16. Anh mà cứ nhút nhát với em như vậy thì anh bảo vệ em sao được.”

“Anh… anh thật sự được bảo vệ em sao?”

Tôi nhớ rõ lúc đó, Hà nheo mắt nhìn tôi, khuôn mặt vừa nghiêm túc lại vừa buồn cười. Cô ấy chống cằm, khẽ bĩu môi như để trêu chọc:

“Rồi sau này không biết là anh hùng cứu mĩ nhân hay mĩ nhân cứu anh hùng đây.”

Tôi bật cười nắm tay cô ấy, chúng tôi nhìn nhau. Một phút mà tưởng như một thế kỉ khi chia sẻ khoảnh khắc thân mật này, trông Hà vẫn thật đẹp trong chiếc áo bà ba cũ sờn từ thời bà nội để lại.

Lúc sau chúng tôi mới buông tay nhau ra, má Hà phiếm hồng. Từ đó trở đi chúng tôi kè kè bên nhau như hình với bóng, làng trên xóm dưới không ai không biết chuyện tình của chúng tôi. Có thằng Tiến bạn thân tôi cứ luôn miệng giục chúng tôi mau cưới để nó có bữa thịt gà, mỗi lần như vậy đều sẽ ăn một cái bạt tai từ Hà.

Nhưng các bạn biết đấy, những gì hạnh phúc thường không dài. Vào một chiều đông se lạnh năm 48, tôi cùng Tiến thoát li đi kháng chiến trong tận miền Nam cùng với mấy anh em khác trong và ngoài làng. Trước khi đi Hà chỉ kịp nói với tôi đôi lời.

“Anh Năm, anh đi cẩn thận nhé. Em sẽ luôn ở đây chờ tin chiến thắng, chờ ngày anh trở về.”

Hà nói, giọng run run, tay cô nắm chặt tay tôi như sợ tôi sẽ tan biến mất. Tôi nhìn cô ấy, cố gắng ghi nhớ từng đường nét trên khuôn mặt ấy vào tim mình, bởi tôi biết, có lẽ đây sẽ là lần cuối cùng chúng tôi được nắm tay nhau thế này...

                   […]

Lũ trẻ ngồi lặng im nghe ông kể, những năm tháng xa xưa ấy hiện lên như một cuốn phim cũ mờ. Rồi ông tiếp tục câu chuyện bằng một giọng trầm hơn, như đang nói về chính trái tim mình...

“Thấm thoát đã đến mùa thu năm 50, hai ông bà vẫn luôn…”

                   […]

Thấm thoát đã đến mùa thu năm 50, chúng tôi vẫn luôn gửi thư cho nhau nhưng phải mất khá nhiều thời gian mới nhận được vì tình hình chiến tranh. Giữa chúng tôi vẫn có một sợi dây vô hình nào đó quấn chặt, cắt không dứt, đốt không cháy. Vì vốn dĩ trong tim chúng tôi đều rực lửa, ngọn lửa bùng cháy mãnh liệt trong đêm đen.

Khu rừng bạt ngàn đầy rẫy những hiểm nguy đang rình rập, nhưng cũng thật thanh mát và dịu nhẹ biết bao. Hết ca trực, tôi đổi ca cho một đồng chí sau đó đi tìm Tiến, định nhờ nó soi đèn cho viết bức thư gửi về cho mẹ. Lúc tôi thấy nó thì nó đang ngồi dựa lưng vào gốc cây, Tiến xoay xoay chiếc vòng lá dứa đã cũ, ánh mắt nhìn đâu đó xa xăm. Hơi thở của nó nặng nề, đôi vai gồng lên như cố nén một điều gì đó. Tôi tưởng nó đang giở trò nên đi ra đá nó một cái rồi ngồi xuống bên cạnh, thấy nó vẫn ngồi im không nhúc nhích, tôi ý thức được có lẽ Tiến đang không vui. Tôi quàng tay qua vai kéo nó lại gần, hỏi.

“Anh bạn của tôi nay có chuyện gì sao? Kể người anh em này nghe với nào.”

Tiến hít một hơi thật sâu, thật sâu đến nỗi lồng ngực nó như muốn nổ tung vì không khí. Cuối cùng nó quay sang tôi, trong đôi mắt đượm buồn là những nỗi đau chỉ chờ được thoát ra ngoài.

“Linh bạn gái tao, cô ấy lấy chồng được 1 tháng nhưng lại bị hành hạ, quẫn quá nhảy sông rồi. Thây trôi theo dòng về làng dưới, người ta nhìn thấy vớt lên, trên tay trái đeo chiếc vòng lá dứa trước hôm đi tao làm tặng, còn tay phải thì nắm chặt khư khư tấm ảnh tao với cô ấy chụp chung, chết rồi vẫn không buông. Mẹ cổ gửi thư cho tao, chiều nay tao vừa nhận được.”

Tiến đưa bức thư tay cho tôi, tôi có thể thấy rõ mấy vết mực nhoè đi do nước mắt rơi xuống thấm vào. Nuốt từng câu từng chữ của mẹ Linh vào trong mà cổ họng tôi cứng ngắt, đọc xong bức thư tôi gấp lại, quay sang nhìn Tiến, nó vẫn ngồi đó không rơi một giọt nước mắt nào. Tôi rưng rưng ôm lấy vai nó, nghẹn ngào.

“Đúng rồi, mày phải mạnh mẽ lên Tiến ạ. Con Linh nó nhìn thấy mày thế này mới yên tâm mà nhắm mắt được”

“Không phải đâu, đến một lúc nào đó mày sẽ hiểu, đau đớn đến mức không thể đau đớn hơn thì lại bình thản đến bất ngờ. Thú thật với mày là bây giờ tao chẳng cảm thấy gì trong lòng cả, đau cũng không mà buồn cũng không. Tao chỉ thấy… hình như ở ngực trái tao bị khoét mất một mảng khá lớn đấy.”

Tôi không biết an ủi Tiến thế nào, chỉ có thể ngồi ngẩn người ra với nó, để nó biết rằng “thằng bạn chí cốt” của nó vẫn luôn ở đây bên cạnh nó. Tôi cười cười, nhưng trong nụ cười lại chẳng có tí vui vẻ nào, tiếng cười bật ra trong vị đắng của nước mắt ở đầu lưỡi.

“Tiến… thế thì tao nguyện khoét bên ngực trái của tao cho mày.”

“Ô hay thằng này, nín mau! Bạn gái tao mất tao còn chưa buồn nữa mà. Thôi nín đi nào, để ngực trái của mày cho cái Hà nữa, nó đang chờ mày ở tít bên kia núi đấy…”

Tôi sụt sịt nhìn Tiến lau nước mắt cho tôi bằng mu bàn tay chai sạn, chúng tôi ngồi đó như hai pho tượng đá, ngẩn người nhìn vào ánh trăng treo trên cành cây. Trăng đêm nay khuyết mất một mảnh.

Thời gian chẳng biết nói cũng chẳng biết cười, chỉ biết giục mọi thứ thay đổi thôi.

Vào một ngày đông lạnh rét cắt da cắt thịt năm 56, tôi nhận được thư Hà. Tôi mừng đến nỗi chạy đi khoe hết người này đến người khác. Mệt rồi tôi ngồi xuống mở thư ra xem, hí hửng đọc từng chữ một. Hà kể chuyện làng xóm đã thay đổi ra sao, chuyện bọn trẻ con giờ đã học lớp 9 chững chạc hơn rất nhiều... Tôi cũng nhanh chóng viết lại thư, chưa bao giờ tôi vui như lúc này. Tiến cũng không còn nhắc gì đến bạn gái nữa nhưng tôi thừa biết, chỗ khuyết trong lòng nó chỉ vừa vặn với duy nhất một mảnh ghép, mà mảnh ghép đo hình như thất lạc rồi.

Những năm này là những năm khó khăn nhất đối với chúng tôi. Những cơn sốt rét rừng khiến từng người trong đội phải nằm li bì, mồ hôi đầm đìa trong cái lạnh cắt da cắt thịt. Những trận tập kích bất ngờ thường xuyên ập đến trong đêm tối, tiếng súng nổ đinh tai nhức óc xen lẫn tiếng la hét và tiếng bom vang trời. Chúng tôi đã quen với việc không kịp ăn hết bữa cơm nguội hay chợp mắt vài phút đồng hồ, vì bất cứ lúc nào cũng phải sẵn sàng chiến đấu.

Còn những mất mát, à, làm sao mà quên được? Đồng đội bên cạnh vừa cười đùa, chỉ vài phút sau đã nằm bất động trong vũng máu. Những lần chứng kiến cảnh mọi người bị tra tấn, tôi chỉ biết nắm chặt tay đến rướm máu, không dám khóc, bởi khóc sẽ làm lộ vị trí của cả đội. Có những đứa em chỉ mới 16-17 tuổi, đôi mắt còn sáng ngời hy vọng ngày về, nhưng rồi tiếng gọi 'mẹ ơi' nghẹn ngào trong hơi thở cuối cùng đã cướp đi tất cả...

Nhưng trong những khoảnh khắc đen tối đó, tôi vẫn nhớ đến Hà, đến ngọn lửa nhỏ mà cô ấy từng thắp lên trong tim tôi. Mỗi bức thư từ cô ấy gửi đến đều là một ngọn gió mát lành giữa cái nóng bức ngột ngạt của chiến tranh. Hà kể rằng lũ trẻ trong làng vẫn hay ngồi đợi anh Năm về kể chuyện, chúng còn nhờ Hà gửi lời hỏi thăm đến tôi và các đồng chí, còn nói tôi là người hùng. Tôi không dám nhận, nhưng những lời đó cho tôi một lý do để tiếp tục sống, để cố gắng vượt qua mọi khổ đau.

27. 8. 1975

Sau khi miền Nam được giải phóng, tôi ở lại giúp đỡ bà con cùng với mấy trăm người khác mà gác lại chuyện về nhà thăm Hà. Một buổi tôi đầy sao và gió, tôi ngồi cạnh bàn viết ra từng chữ, mỗi câu chữ nặng nề như quả tạ đeo trên tay.

“Hà,

Có lẽ em sẽ ngạc nhiên khi nhận được lá thư này, vì đã lâu lắm rồi anh không viết. Nhưng Hà à, anh nghĩ mình không nên kéo dài thêm sự im lặng này nữa. Anh cần nói với em một điều mà có lẽ em sẽ không bao giờ muốn nghe…

Hà, anh đã yêu một người khác.

Anh không biết mọi chuyện bắt đầu từ khi nào, chỉ biết rằng, những tháng ngày ở nơi đây, khi đối diện với sống chết và sự khốc liệt của chiến tranh, anh đã tìm được sự an ủi bên cô ấy. Cô ấy chăm sóc anh, hiểu anh, và bằng một cách nào đó, khiến trái tim anh rung động.

Anh không mong em tha thứ cho anh. Cũng không mong em hiểu, vì chính anh cũng không hiểu nổi mình. Nhưng anh mong em hãy buông tay. Chúng ta đều đã đi qua gần nửa đời người, chẳng ai còn trẻ nữa. Thời gian không còn nhiều để em cứ mãi đợi chờ một điều không thể. Hãy sống cho mình, Hà ạ. Hãy đi tìm hạnh phúc mà em xứng đáng có được.

Anh biết, sau lá thư này, em sẽ hận anh. Nhưng anh thà để em ghét bỏ, còn hơn để em hy vọng vào một người như anh, một kẻ chẳng còn gì để hứa hẹn.

Nếu có một ngày em nghe được tin tức gì đó về anh, hãy cứ coi như anh chưa từng tồn tại trong cuộc đời em, Hà nhé.

Tạm biệt em,

Năm.”

Ở một nơi nào đó, Hà đọc xong bức thư, không biểu lộ bất cứ cảm xúc nào mà chỉ đơn giản là gấp lá thư lại cất vào hộc bàn. Hà ngồi suy nghĩ về những ngày tháng cả hai bên nhau, buộc trâu vào một chỗ rồi nắm tay nhau đi chơi đầu làng cuối xóm. Những ngày tháng yên bình mà đẹp đẽ giờ đành phải đặt dấu chấm hết, ánh trăng héo úa ngoài cửa khẽ ngó vào len lỏi trên khuôn mặt bắt đầu lão hoá của Hà. Trên những nếp nhăn ấy hiện lện hình bóng ai đó tận nơi chiến trường, hẹn ngày trở về, nhưng rồi người ấy cũng bỏ đi không đầu nhìn lại. Tình yêu trong sáng nhưng đậm sâu của họ, Hà cất vào chỗ sâu nhất trong tim. Mong nó không lớn lên. Mong đừng bao giờ gặp lại.

Nhưng ở một bên khác, Tiến và Huy - người bạn cùng xóm từ thuở cởi trần tắm mưa, đang ngồi bên cạnh vỗ vai tôi, nói tôi đừng uống nữa. Vị rượu cay chát trên đầu lưỡi nhưng tôi không thể ngừng uống. Đến chai thứ 5, Tiến giữ tay tôi không cho rót thêm, lắc đầu.

“Nhưng anh Năm ơi, tôi biết là luôn sẽ có một nơi đang đợi anh trở về. Đừng lựa chọn lấy điều tiêu cực là những gì anh nghĩ tới, buồn đau chẳng giống men rượu, anh càng uống càng không cách gì vơi.”

Tôi lấy từ trong bàn ra một túi giấy tờ, đó là mẫu kết quả xét nghiệm tôi dương tính với chất độc màu da cam. Ai nấy xem xong cũng chỉ biết thở dài và lắc đầu. Tôi quay sang Tiến.

“Ngày đó nghe chú nói, tôi cứ nghĩ chú đùa. Nhưng bây giờ khi chính tôi cũng trải qua cảm giác này, tôi thấy lúc ấy chú nói đúng thật. Tôi chẳng buồn tí nào cả. Chỉ là... tôi không muốn làm chậm trễ Hà, cô ấy xứng đáng nhiều hơn những gì tôi có thể cho, cô ấy xứng đáng có một cuộc sống tốt hơn... Ngoài hai chú ra, không ai biết chuyện này.”

Cả ba chúng tôi im lặng nhìn ra ngoài, cơn gió nhẹ khẽ lay chuyển những nhánh cây đung đưa trong màn đêm tĩnh lặng, tạo ra một bản hoà tấu đầy thê lương cất lên trong cõi lòng tôi. Từ giây phút này, sợi dây kết nối giữa tôi với Hà bị cắt đứt.

Hai hôm sau tôi nhận được thư Hà, tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần để đọc những câu chữ oán hận, cay đắng hay miệt thị của cô ấy. Nhưng khi mở bức thư ra dưới ánh nến lờ mờ, tôi như bị một nhát dao chọc xuyên lồng ngực. Tim tôi đau nhói, tay run bần bật đánh rơi lá thư xuống đất, hơi thở của tôi lập tức trở nên gấp gáp hơn bao giờ hết. Tiến và Huy ở bên ngoài trông thấy chạy vọi vào, nhặt lá thư đặt lên bàn cho tôi. Tiến dường như hiểu ra gì đó cầm lá thư lên xem cũng đứng im đó như trời trồng, Huy đọc xong cũng lặng lẽ gấp lá thư lại, không nói gì mà đi thẳng ra ngoài hiên, đứng châm thuốc hút, anh rít một hơi dài…

Tôi đau đớn ôm ngực, nước mắt trào ra, thấm ướt hết mặt bàn. Tiến đứng bên cạnh cũng không an ủi tôi, mắt chỉ nhìn chằm chằm vào lá thư bằng duy nhất một phần tư tờ giấy trên bàn, được viết bằng nét chữ nghiêng nghiêng nữ tính của Hà.

“Em chỉ mong anh hiểu rằng, dù có ra sao đi nữa, trong tim em vẫn luôn có anh. Anh là ánh sáng duy nhất giúp em vượt qua những ngày đen tối này. Em không biết mình sẽ còn viết được bao nhiêu lá thư nữa, nhưng mỗi lần cầm bút, em chỉ mong gửi đến anh tất cả yêu thương mà em có. Nếu một ngày nào đó, anh nhận được tin xấu từ em, đừng khóc nhé. Hãy mạnh mẽ, vì em tin rằng anh sẽ sống thật hạnh phúc. Em sẽ luôn dõi theo anh, từ nơi xa nào đó, anh Năm ạ.”

Rồi thời gian cứ như vậy trôi qua, năm 58 tuổi tôi cùng Tiến và Huy trở về quê cũ. Con đường đất vẫn còn đó, gốc đa đầu làng vẫn còn đó, chiếc cọc buộc trâu vẫn còn đó, chỉ là người không còn đó nữa. Thấy chúng tôi về, lũ trẻ con trong xóm chạy ra đón, trong đó có cả mấy đứa cháu hàng xóm lắt nhắt ngày xưa hay sang sân nhà tôi chơi trốn tìm hay rồng rắn lên mây, bây giờ đều đã hai ba đứa con trong nhà.

Tiến đi thăm mộ bạn gái, nó ngồi bên bia mộ nói miên man miên man, tôi với Huy đứng từ xa nhìn chẳng biết Tiến nói gì mà nhiều thế, là đang kể về chiến tranh, kể về sự khó khăn ở nơi chiến trường hay đang trải nỗi lòng? Chẳng ai biết cả, mãi đến sau này, tôi cũng không bao giờ biết được Tiến đã nói gì với Linh vào chiều hôm đó.

Huy về thăm họ hàng, gia đình. Tôi nghĩ trong mười mấy đứa chơi thân với nhau, Huy là đứa may mắn nhất vì nó còn cả cha lẫn mẹ, hơn nữa là nó có thể khoẻ mạnh trở về để đứng phát bánh cho từng đứa cháu trong nhà.

Tôi thì không được như thế, vừa về đến nhà chỉ vứt vội chiếc balo vào góc nhà rồi chạy thục mạng xuống nhà Hà tìm cô ấy. Nhưng khi tôi xuống đến nơi, Hà đang mỉm cười rạng rỡ như cái ngày mới quen, nhưng là ở trong di ảnh. Bức ảnh đó được đặt bên trái, bên phải là mẹ Hà, còn ở giữa là cha. Tôi cứng họng, không nói được bất cứ câu gì với Tùng - em trai Hà đang ngồi đó, đờ đẫn nhìn ra ngoài cửa sổ. Tôi nhìn thấy trong ánh mắt của nó có một chút gì đó giống ánh mắt mơ màng của Hà, càng nhìn tôi lại càng thấy mình bị cuốn vào nó. Tôi lắc đầu, bước lên thắp hương cho Hà rồi đứng ngắm nhìn di ảnh một lúc lâu. Trong đầu tôi hiện lên những ngày tháng chúng tôi chăn trâu cùng nhau ngoài đồng, những lần trốn cha mẹ đi ra chợ chơi. Đang chìm đắm trong suy nghĩ thì Tùng kéo tay tôi ngồi xuống cạnh giường và nó bắt đầu kể.

“Từ ngày anh ra chiến trường, chị Hà hôm nào cũng đi ra gốc đa chờ anh từ xế chiều đến tối muộn mới đi về. Mấy chục năm qua, bao nhiêu người đàn ông gặng hỏi lấy chị về làm vợ chị cũng nhất quyết từ chối, bố mẹ có ép thế nào chị cũng không chịu. Hỏi lí do thì chị chỉ lặp lại duy nhất một câu: Con chờ anh Năm về. Anh biết không anh Năm, chị Hà tin anh, đọc được lá thư cuối cùng của anh, chị vẫn nói sẽ chờ anh, dù kết quả có thế nào. Em khuyên chị không nổi, ngày nào cũng thế, cứ xế chiều chị lại đi bộ ra gốc đa ngồi ngóng ra tít ngoài đầu làng chờ bóng dáng anh.”

Tùng dừng lại, đưa tay lau nước mắt rồi tiếp tục nói.

“Chị nhờ em gửi lời xin lỗi đến anh vì đã không đợi được đến lúc anh về.”

Tôi nghe xong thì không thể tưởng tượng them gì nữa, tôi quay đầu nhìn Hà rồi chậm rãi đứng dậy, lê những bước chân nặng nề về nhà. Trên đường đi, mấy bà con xúm lại hỏi han, nhân tiện nói luôn với tôi việc Hà ngày nào cũng chờ tôi ròng rã suốt gần 30 năm trời. Tôi chỉ trả lời rồi gật đầu qua loa, tiếp tục bước đi, mỗi bước đi như thể có gai ở lòng bàn chân, chúng khiến tôi đau nhói.

“Em tên Hà, 19 tuổi, ở xóm 16. Anh mà cứ nhút nhát với em như vậy thì anh bảo vệ em sao được.”

“Anh... anh thật sự được bảo vệ em sao?”

“…”

                 […]

Không khí ồn ào náo nhiệt ban đầu của bọn trẻ ở sân nhà ông Năm như bị gió cuốn đi mất, đứa nào đứa nầy ngồi im lặng với vẻ mặt suy tư, cả con bé Như nhỏ tuổi nhất trong nhóm cũng ngồi im không nhúc nhích. Ông Năm ngước lên nhìn ánh trăng sáng quắc trên mái nhà bằng đôi mắt đục ngầu, cất giọng nói khan khan, ông như đang nói với chính lòng mình, và cũng như đang nói với Hà, năm cô 19 tuổi.

“Bà ơi, ngày xưa ngày nào bà cũng chờ tôi, bà bỏ cả thanh xuân, cuộc đời người con gái để chờ tôi. Bây giờ đến lượt tôi chờ bà, tôi chờ bà trở về với tôi.”

Thằng Hoàng ngước nhìn ông Năm rồi thở dài thườn thượt như người lớn, mãi một lúc sau bọn trẻ con mới đứng dậy đi về. Ông Năm tuy vậy cũng không quên dặn lũ trẻ nhớ về cẩn thận rồi đi ra cổng đứng nhìn theo những hình bóng nhỏ nhắn ấy rời đi, đến khi trong tầm mắt ông chỉ là mấy dấu chấm nhỏ xíu, ông mới yên tâm quay lưng bước vào nhà.

Tối hôm đó khi nằm ngủ với mẹ, Hoàng thấp thỏm mãi không ngủ. Cuối cùng nó nói với cô Thoan.

“Mẹ ơi, mẹ nghĩ ra tình yêu là gì chưa?”

“Chưa con. Nhưng con có thể hỏi bố, ngày mai bố về đấy.”

“Con biết tình yêu là gì rồi mẹ ạ…”

Nói xong Hoàng quay mặt đi, nằm thiu thiu ngủ. Cô Thoan cũng không để ý lắm mà xoa lưng cho con như mọi khi, có lẽ ban nãy Hoàng đã hỏi ông Năm câu hỏi này. Rồi cô cũng lim dim chìm vào giấc ngủ.

Ở bên kia, ông Năm đang ngồi mân mê chiếc kẹp tóc đã gỉ của Hà, đó là thứ Hà đã trao tay cho ông ngày ông ra chiến trường. Nhìn lại chiếc kẹp ấy, hình ảnh người con gái yểu điệu, mạnh mẽ hiện lên từ chỗ sâu nhất trong ông, Hà đang cười, đang vẫy tay với ông, nụ cười ấy vẫn ấm áp và trong trẻo như ngày nào…

Tuy còn nhỏ nhưng Hoàng biết, bây giờ ở gốc đa không có bóng bà lão già ngồi đó mỗi chiều nữa, nhưng thật ra ở đâu đó quanh đây, bà lão vẫn đang ngồi đó, vẫn đang ngóng ra đầu làng chờ đợi.

Tối hôm sau, ngồi kèm con học, cô Thoan nhìn Hoàng viết nắn nót dòng chữ vào mục ô trả lời trong vở. Viết xong Hoàng đứng lên đi ra ngoài, cô Thoan định la lên: “Đừng có suốt ngày dán mắt vào cái ti vi nữa”, thì thấy Hoàng ra sân ngồi, thẫn thờ nhìn trăng. Tuy hơi khó hiểu và buồn cười, nhưng cô vẫn không nghĩ ngợi nhiều đến khi nhìn vào câu trả lời trong vở của Hoàng.

“Tình yêu là câu chuyện của ông Năm ở đầu làng em.

Cô Thoan đọc xong dòng chữ của Hoàng, hai tay cầm cuốn vở buông thõng xuống như bị gãy. Cô gấp cuốn vở lại rồi thở dài, đi ra sân ngồi xuống bên cạnh Hoàng. Hai mẹ con ngồi ngắm nhìn ánh trăng đang lấp lửng trên bầu trời, chỉ có tiếng gió nhẹ thổi qua, chỉ có tiếng lá cây xào xạc…

“Mẹ ơi, liệu sau này nhỡ bà Hà không về, ông Năm cũng đi mất, thì có ai đợi ông nữa không hở mẹ?”

“Con ạ, rồi một ngày nào đó, ông và bà sẽ đi đến một nơi chỉ có hạnh phúc, không có chia ly. Ông Năm và bà Hà sẽ sống hạnh phúc bên nhau, ở một nơi rất xa, rất xa mà không một ai biết.”

                 _..._

Hoàng ôm đứa con trai bé bỏng trong lòng, hai bố con đi ra gốc đa đầu làng ngồi. Ở đó bây giờ đã mở một quán nước nhỏ cho người dân nghỉ chân. Hoàng trỏ lên trăng một lúc rồi nhỏ giọng bảo con.

“Ngày xưa, ở chính chỗ hai bố con ta đang ngồi, có một bà lão ngày nào cũng ra đây đợi ông về. Ngày ông về, chính chỗ này, ông lại tiếp tục ngồi chờ bà. Chờ đợi trong hạnh phúc, dù biết bà sẽ không bao giờ quay lại.”

© nnkhanhhz - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Chúng Ta Của Hiện Từ Người Thương Hoá Người Dưng | Radio Tâm Sự

nnkhanhhz

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Muốn gặp anh

Muốn gặp anh

Thật sự cảm ơn anh vì đã đến gặp em, để em có thể nói ra những lời đã cất giấu bao năm nay để có thể bước tiếp hành trình cuộc đời không có anh. Nhưng... liệu điều đó có thật sự dễ dàng?

Suy nghĩ về tiêu đề

Suy nghĩ về tiêu đề "Bước chậm lại giữa thế gian vội vã" của Đại Đức Haemin

Vậy thì “bước chậm lại” để ngắm nhìn vạn vật đang chuyển mình trong gió, bước chậm lại để ta thấu hiểu hơn về cuộc đời, về con người, hay đơn giản là bước chậm lại để gom nhặt những “mảnh người” của chính mình, để biết ta còn biết buồn, biết yêu, và biết tất thảy mọi cảm xúc như con người.

Mưa bóng mây

Mưa bóng mây

Chúng ta rồi sẽ yêu một người nào khác, khi tìm được một trái tim thực sự đồng điều với mình, cậu nhỉ. Chỉ tiếc, đó chẳng phải tớ, cũng chẳng phải cậu.

Đón chào ngày mới

Đón chào ngày mới

Đón ánh sáng hừng đông gợi mở, Chào bình minh ló rạng, đêm tan. Cho ngày mới rực nắng vàng, Chim ca, hoa nở, mây ngàn lững lờ.

Vẫn là chính mình

Vẫn là chính mình

Tôi làm gì cũng chẳng ai quan tâm, bệnh đau cũng một mình phải chịu đựng. Mọi người đâu biết rằng tôi là con người, cũng có cảm xúc và làm sao chịu đựng nổi biết bao nhiêu chuyện xảy đến như vậy. Anh đã làm tôi bắt đầu thay đổi và suy nghĩ tích cực hơn.

Nếu một ngày không còn Mẹ

Nếu một ngày không còn Mẹ

Nếu một ngày không còn mẹ Cơm nhà không còn nóng Cá nhà chẳng còn ngon Trong nhà không có mẹ Chỉ có gió ngoài hè.

Mất bao lâu để quên một người, và phải mất bao lâu mới có thể quên đi sự phản bội?

Mất bao lâu để quên một người, và phải mất bao lâu mới có thể quên đi sự phản bội?

Một ngày, anh cầu xin cô cho anh gặp cô lần cuối, anh quỳ xuống trước mặt cô và xin lỗi. Anh xin lỗi vì anh hèn nhát, xin lỗi vì đã làm khổ cô, anh xin lỗi vì đã không thể ở bên cạnh cô được nữa. Và rồi, một tuần sau anh đi phát thiệp mời cưới.

Lời hứa cuối cùng

Lời hứa cuối cùng

“Giữ lấy nhé, em cần hơn anh mà.” Anh nói rồi quay lưng bước đi dưới cơn mưa, bỏ lại cô với sự ấm áp bất ngờ len lỏi trong tim.

Thanh xuân của tôi

Thanh xuân của tôi

Cô và cậu ấy vẫn đi về cùng nhau, vẫn ngồi học cùng nhau ở cái bàn học bên cạnh cửa sổ của cô, thi thoảng vẫn cãi nhau chí choé, giận dỗi nhau như vậy. Nhưng cô không để ý là giờ mỗi lần cãi cọ nhau, cậu ấy ít đôi co với cô hơn, thường im lặng và cũng là người luôn sẽ làm lành trước với cô.

Đánh mất tình yêu

Đánh mất tình yêu

Cuộc sống như thế làm sao có hạnh phúc được hả anh? Bởi thế nên làm sao em có thể đặt niềm tin vào tình yêu được. Trên thế gian này, có mấy ai từng hạnh phúc trong tình yêu đâu. Cả những người yêu và bên nhau hơn mười năm nhưng rồi cũng chia tay.

back to top