Phát thanh xúc cảm của bạn !

Không thể chạm vào anh (Blog Radio 809)

2023-04-03 00:05

Tác giả: Hoàng Ngọc Thanh Giọng đọc: Hà Diễm, Sand

Bạn có từng ở trong một mối quan hệ mà dù cố gắng thế nào bạn vẫn không thể chạm vào trái tim người ấy. Bên nhau bao nhiêu năm trời, người ở đây mà trái tim họ ở nơi đâu. Cảm giác lạnh lẽo đến tột cùng có mấy ai hiểu. Người ngoài nhìn vào chỉ thấy mình hạnh phúc, xứng đôi, nhưng cuộc sống của mỗi người thế nào ấm lạnh tự biết.

Hằng giật mình tỉnh giấc vì tiếng cửa sổ va đập vào tường. Bên ngoài vẫn là một mảng đen của bóng đêm dày đặc, đồng hồ tích tắc chỉ hai giờ sáng. Vậy là Hằng mới chợp mắt chưa đầy một tiếng. Đêm qua trông thấy những ngôi sao hiếm hoi xuất hiện trên bầu trời đầy khói bụi của thành phố này, cô mở cửa nằm ngắm sao rồi mơ màng ngủ quên mất.

Nhìn sang phía bên kia giường, chỗ đó vẫn trống trải như mọi đêm, chiếc gối nằm ngay ngắn, ga giường phẳng phiu vì không có ai chạm vào. Hằng vốn kỹ tính, mọi thứ trong nhà luôn được sắp xếp gọn gàng ngăn nắp. Nhưng cái kiểu giường chiếu tươm tất thế này là điều mà Hằng hay bất kì người phụ nữ có gia đình nào khác đều không mong muốn.

Một tiếng thở dài vô thức thoát ra từ lồng ngực, như giải tỏa nỗi niềm, nhưng không có thanh âm đồng cảm, bị màn đêm lặng lẽ nuốt chửng. Hằng trở dậy, dựa lưng vào thành giường, dùng hai tay ôm lấy đầu gối, để cả người chìm hẳn trong bóng tối mà gặm nhấm nỗi cô đơn chỉ mình mình biết. Vòng tay của cô lạnh lẽo, không đủ sưởi ấm cái lạnh của tâm hồn, càng không thể đè nén được nhu cầu sinh lý đang thét gào bên trong.

blogradio808_khongthechamvaoanh

Trong không gian tĩnh mịch ấy, văng vẳng tiếng hát vọng ra từ chiếc máy hát đĩa xưa cũ, khiến cho âm thanh càng thêm da diết, như cắt vào lòng người nghe trong đêm dài không ngủ:

“Anh là chim bói cá

Em là bóng trăng ngà

Chỉ cách một mặt hồ

Mà muôn trùng chia xa.”

Không cần bước ra khỏi phòng, Hằng cũng biết rõ chồng mình, cái người đàn ông mà đúng ra giờ đây đang cùng cô mặn nồng trên chiếc giường xinh xắn này, đang ở trong phòng sách, mơ màng chìm đắm trong thế giới của riêng anh ấy. Thế giới mà dù là vợ, hơn năm năm nay, cô chưa từng một lần chạm được vào.

Cơn đau âm ỉ nhói lên trong lồng ngực, nỗi chua xót dâng trào nơi khoé mắt, Hằng cảm thấy hốc mắt mình ướt nóng. Cô ngước nhìn trần nhà, vờ nhìn những ngôi sao dạ quang lấp lánh trên đó, cố nuốt những giọt nước mắt cô đơn vào tim.

Ba mươi ba tuổi, Hằng được xem là người phụ nữ tương đối thành đạt. Từ vị trí nhân viên, cô đã vươn lên làm quản lý cho một công ty đa quốc gia. Hằng có ngoại hình tuy không xuất sắc nhưng cũng ưa nhìn, đặc biệt là nụ cười ngọt ngào gây thiện cảm cho người đối diện. Cô biết cách ăn mặc hợp gu hợp thời, trên người luôn tỏa ra vẻ mạnh mẽ, hiện đại và năng động.

Người người nhìn vào đều ngưỡng mộ Hằng. Đâu ai biết được hằng đêm cô đều ngủ thiếp đi trong mỏi mòn chờ đợi, đợi chờ một vòng ôm ấm nóng. Hơn năm năm chung sống, số lần hai người thật sự làm chuyện vợ chồng, đếm qua đếm lại, vẫn không lấp đầy số ngón tay chân. Biết bao lần Hằng tự nhủ cố chấp nhận cuộc sống này, đó là do mình chọn, không có cảm xúc mãnh liệt thì lặng lẽ ở bên nhau khi ốm đau bệnh tật cũng đủ.

Nhưng hơn ai hết Hằng biết rằng, chồng đối với mình chỉ là đáp đền. Còn tình yêu, nơi sâu thẳm con tim, anh dành thứ tình cảm ấy cho người khác, mà người đó không phải là cô. Theo thời gian, tình yêu anh dành cho người ấy không hề phai nhạt mà còn khắc sâu hơn, như người ta hay nói “con cá sổng là con cá to, thứ gì không có được đều là thứ tốt nhất.” Tình yêu ấy Hằng từng chứng kiến, từng ngưỡng mộ, từng mơ ước rằng sẽ có lúc mình có nó, nhưng hoá ra, chỉ là ảo tưởng của mình cô mà thôi.

Giờ đây, sau năm năm làm vợ của anh, Hằng vẫn là người đứng bên đường, im lặng theo dõi tình yêu ấy được anh âm thầm khắc vào tim. Anh không thổ lộ cùng ai, chỉ giải tỏa bằng những tháng ngày rong ruổi trên mọi miền đất nước, để tìm cảm hứng sáng tác hay là để tìm miền hồi ức, cô không rõ. Rồi mỗi khi về nhà, sau khi con trai đã say giấc, chồng cô lại ôm ấp nỗi niềm ấy, vỗ về trên chiếc võng kẽo kẹt chìm vào giấc ngủ, để cô quạnh quẽ đối diện với màn đêm cô tịch…

cham-vao-anh-1

***

Mười tám năm trước, khi Hằng còn là cô bé mười lăm tuổi, cô trở thành người liên lạc bất đắc dĩ của anh - chồng cô bây giờ, và Nguyệt – chị họ của Hằng. Anh là dân văn khoa Sài Gòn, anh yêu chị Nguyệt ngay lần đầu tình cờ gặp nhau, mà văn chương gọi là tiếng sét ái tình.

Trong khi chị Nguyệt là thiên kim của gia đình tư sản Sài Thành, thì anh chỉ là một anh chàng tỉnh lẻ lên Sài Gòn học, luôn bị nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng, toàn bộ thời gian đều là đi học đi làm thêm, thời gian rảnh của anh ít ỏi như số tiền của anh vậy. Nhưng tình yêu anh dành cho chị Nguyệt thì hoàn toàn ngược lại. Không thể hiện bằng vật chất thì anh bù đắp bằng tinh thần. Văn thơ nhạc hoạ, vốn là tài sản của anh, anh dành hết cho chị Nguyệt. Chị ấy trở thành nàng thơ trong mọi tác phẩm của anh.

Vào cái thời mà thông tin liên lạc đều thông qua thư từ chữ viết, thì Hằng trở thành người đưa thư bất đắc dĩ cho anh và chị Nguyệt. Nhà Hằng mở một tiệm cà phê nhỏ, lúc nào rảnh anh đến rồi say sưa sáng tác, khi là thơ, khi là truyện, khi là tranh. Có khi hoàn thành ngay, có khi vài ngày mới xong. Sau khi hoàn tất tác phẩm, anh gói ghém cẩn thận, nhờ Hằng chuyển cho chị Nguyệt. Vì nhà chị ấy kín cổng cao tường, đi về có xe đưa đón, anh khó có cơ hội gặp trực tiếp. Hằng là em họ xa của chị Nguyệt, lại ở gần nhà, dễ gặp chị ấy hơn.

Trong thời gian từ năm mười lăm đến năm hai mươi tuổi, Hằng là cô đưa thư của hai người, chứng kiến tình yêu như tiểu thuyết của họ. Trừ những bức thư riêng tư, thì những tác phẩm anh sáng tác cho chị Nguyệt, chị ấy đều cho Hằng xem. Rồi tự khi nào không biết, Hằng thuộc lòng những bài thơ, những tản văn, những bức hoạ ấy. Những dịp hiếm hoi, anh nhờ Hằng hẹn chị Nguyệt ra ngoài đi dạo, ăn vặt. Khi đó, Hằng ngồi một bên nghe anh đàn hát tặng chị ấy, say sưa đến mức quên mất việc mình phải rời đi để trả không gian cho riêng hai người. Có lẽ anh và chị Nguyệt luôn xem Hằng như cô em gái nhỏ, nên đã quen với sự hiện diện của Hằng, vậy là ba người cứ vậy mà lang thang đường to ngõ nhỏ, cho đến khi phố xá lên đèn, anh mới đưa hai cô em trở về. Không biết tự bao giờ, Hằng đã vô thức ngưỡng mộ anh, ngưỡng mộ tình yêu đẹp đẽ của hai người.

Anh ra trường, họ vẫn duy trì tình yêu ấy. Anh và chị Nguyệt mơ ước về một gia đình, anh đi làm phấn đấu tích góp để có chút tài sản rồi hỏi cưới chị ấy. Lúc này hai người có thời gian ở bên nhau nhiều hơn, không cần nhờ Hằng liên lạc nữa. Tuy nhiên Hằng vẫn biết chuyện tình cảm của họ vì chị Nguyệt hay tâm sự cùng Hằng.

cham-vao-anh-2

Có lần chị Nguyệt về quê anh ở Gia Lai chơi, chị mang về một tấm ảnh anh vẽ tặng chị ấy. Tranh vẽ những con bướm sâu muồng màu vàng nhạt dịu dàng, con đậu con bay rợp cả bầu trời trong xanh. Điểm xuyết trên khung cảnh đó là những cây cà phê khoe từng chùm hoa trắng muốt như tuyết. Cái nắng rực rỡ tươi tắn tắm cho cả bức tranh bừng sáng. Ở một góc hình, chị Nguyệt mặc chiếc váy hoa, đội chiếc nón trắng rộng vành, giơ tay cho những cánh bướm chạm vào, khuôn mặt chị ấy rạng rỡ cười đón nắng. Hằng rất ấn tượng bức tranh này, bởi vì nó quá tình, quá thơ, đặc biệt là khuôn mặt xinh đẹp rạng ngời hạnh phúc của chị Nguyệt được miêu tả dưới bàn tay tài hoa của anh. Lần đầu tiên sau sáu năm làm cầu nối, ở tuổi hai mươi mốt, Hằng thấy chạnh lòng, ngưỡng mộ pha lẫn ghen tỵ khi chị Nguyệt có được tình yêu ngọt ngào lãng mạn của anh.

Khi mọi việc dường như thuận lợi, chỉ cần đợi uống rượu mừng của hai người, thì gia đình chị Nguyệt chuẩn bị làm thủ tục đi Mỹ. Chị Nguyệt không chịu đi, khóc rất nhiều, thuyết phục ba mẹ cho ở lại. Nhưng chị ấy là con gái duy nhất của gia đình, từ nhỏ đã được cha mẹ ông bà che chở nâng niu, sao có thể để chị ấy một mình ở lại. Sau khi nghe phân tích thiệt hơn, chị Nguyệt cũng không đủ cản đảm cùng anh sống cuộc sống ăn bữa nay lo ngày mai mà mình chưa từng trải qua. Yêu là một chuyện, sống cùng với nhau lại là chuyện khác. Thêm hai năm nữa, khi tình yêu của họ bước sang năm thứ tám. Chị Nguyệt đã gói ghém tất cả kỷ vật của anh cùng mình sang bên kia đại dương, cách anh nửa vòng trái đất.

Từ khi biết gia đình chị Nguyệt chuẩn bị đi định cư, anh cật lực đi làm, hòng tích góp nhanh tiền bạc. Nhưng anh không có chỗ dựa, mới ra trường được vài năm, đâu thể nhanh chóng kiếm được tiền để đảm bảo cuộc sống bình thường đối với chị ấy mà xa xỉ đối với anh. Nên anh không đủ tự tin yêu cầu chị Nguyệt ở lại cùng mình. Vào ngày chị Nguyệt đi, chỉ có Hằng đi tiễn. Sau đó Hằng tìm thấy anh say khướt quên trời quên đất trong một quán rượu nhỏ. Lúc đưa anh về, anh chỉ gọi đúng một chữ “Nguyệt”.

Chị Nguyệt dặn dò Hằng chăm sóc anh thay cô. Dù cô không căn dặn thì Hằng cũng tự mình lo lắng cho anh. Hằng sợ anh suy sụp. Nhưng anh chỉ say đúng một đêm đó, rồi bình tĩnh trở lại cuộc sống của mình. Thỉnh thoảng anh biến mất một tuần nửa tháng, khi về mang cho Hằng ít quà đặc sản: “Anh đi tìm cảm hứng sáng tác.” Hằng biết, là anh đi trốn nỗi nhớ của mình.

Ba năm trôi qua, số lần anh đi ngày càng nhiều mà số tác phẩm ngày càng ít, sau đó gần như không sáng tác gì nữa. Phải chăng mất đi nàng thơ, mất đi tình yêu, suối nguồn sáng tác của anh cũng cạn?

cham-vao-anh-3

Anh không cho Hằng cơ hội an ủi, Hằng chỉ biết lặng lẽ chăm sóc anh những chuyện vụn vặt thường ngày. Tuổi thanh xuân của Hằng cứ vậy trôi qua bên cạnh anh, cam tâm tình nguyện. Hằng có nhiều người theo đuổi, nhưng Hằng từ chối tất cả, vì trong tim đã chứa đầy hình bóng của anh, nó đến tự nhiên như hơi thở. Có đôi lúc, Hằng nghĩ chỉ cần anh côu ở gần mình là đủ.

Cái tình yêu tuổi trẻ nó ngây ngô như thế, khi đó có người hỏi: “Lấy chồng làm gì?”

Hằng vô tư trả lời: “Để trò chuyện, để chăm sóc lẫn nhau.”

Người đó cười trả lời Hằng: “Nếu chỉ như vậy, không gọi là chồng.”

Lúc đó Hằng không hiểu. Giờ gặm nhấm nỗi cô đơn hằng đêm, đè nén nỗi khát khao trong lòng, Hằng mới biết, đã là vợ chồng thì cần thêm nhiều thứ khác.

***

Bên cạnh anh không có người con gái nào nữa. Thế là năm thứ năm sau khi chị Nguyệt đi, tức là mười ba năm kể từ ngày Hằng biết anh, anh đồng ý cưới Hằng, khi cô ngỏ ý muốn bầu bạn cùng anh. Anh đồng ý là điều Hằng hy vọng nhưng không dám mong đợi, đến mức Hằng hoài nghi mình nghe nhầm. Khi khẳng định được đây là sự thật, Hằng quá vui mừng, bao nỗi nhớ nhung, dè dặt, đè nén bấy lâu được giải toả. Hằng vui đến mức lờ đi câu nói sau đó của anh:

“Em đã suy nghĩ kỹ chưa? Hằng, là anh nợ em.”

Sau này ngẫm lại, sự đồng ý nhanh chóng của anh có phải là vì anh thấy mình nợ Hằng, muốn bù đắp cho tuổi thanh xuân đã trôi qua của cô. Hay vì Hằng là người duy nhất níu giữ kỉ niệm của hai người họ. Hay vì cái tên Hằng, dễ liên tưởng đến tên Nguyệt… Hằng không biết, cũng không muốn biết.

Hằng và chồng trong mắt mọi người là một đôi lý tưởng. Hai người có một bé trai rất giống anh, mới lên ba mà đã sớm bộc lộ năng khiếu văn nghệ của anh cùng sự năng động của cô.

Anh rất có trách nhiệm với vợ con. Ngoại trừ những lúc đi tìm cảm hứng sáng tác, anh đều trở về nhà đúng giờ, chơi đùa cùng con, không la cà nhậu nhẹt. Anh không thích xã giao, nhưng mỗi khi có đám tiệc cùng Hằng sóng đôi ra ngoài, anh đều vì cô mà hòa nhịp với mọi người, cho cô không ít mặt mũi. Những ngày sinh nhật lễ tết, anh chu đáo chuẩn bị quà cáp, cũng biết quan tâm hiếu kính với gia đình bên cô. Đúng kiểu “chồng người ta” mà đồng nghiệp bạn bè cô hay trêu.

Chỉ có Hằng mới hiểu hết nỗi chua chát của mình. Ban đầu Hằng tin rằng nước chảy đá mòn, cô hết lòng hết dạ sẽ có được tình yêu của anh. Tình yêu cho đi nhiều, dù nói là không cần đền đáp, khi không nhận được sự phản hồi, tình yêu ấy sẽ dần khô héo, rồi hoài nghi bản thân, trách móc đối phương, cho đến lúc mỏi mòn sẽ buông xuôi.

Anh là người tài tử lãng mạn, đàn hát viết truyện làm thơ, hội hoạ tài lẻ bao la, Hằng đã từng chứng kiến. Hằng từng ôm hy vọng một ngày nào đó, anh sẽ vì cô mà sáng tác, tặng cho cô một tác phẩm trong đó cô là nhân vật chính. Nhưng không! Tất cả những món quà anh chuẩn bị đều là quà mua từ bên ngoài, dù đắt đỏ, dù tinh tế đều không phải là tác phẩm của anh. Anh có thể sáng tác, nhưng suối nguồn cảm hứng của anh chưa bao giờ là cô.

Hầu hết thời gian rảnh anh đều dành cho con. Có khi Hằng muốn lén con hẹn hò cùng anh, nhưng không có cuộc hẹn riêng nào cả. Hằng có cảm giác anh không muốn ở riêng với cô.

cham-vao-anh-4

Hằng và anh chưa bao giờ cãi nhau, không phải vì họ hoà hợp, tâm linh tương thông như người ta thường nói, mà là vì… họ chưa bao giờ thật sự trò chuyện cùng nhau. Hằng không nhớ lần cuối cùng mình kể chuyện bạn bè, công việc, chuyện phố phường cho anh nghe là từ lúc nào? Chắc là lúc chưa làm vợ anh, Hằng mới có đủ nhiệt tình mà kể. Sau khi chung sống, những câu họ nói với nhau chỉ là: “Hôm nay bận, em về trễ anh đón con nhé”, “Chìa khóa em để dưới gốc cây”, “Cháo đã nấu để trong nồi”… Còn những chuyện khác, Hằng chỉ có thể tự kể cho mình nghe, học cách điều tiết cảm xúc để cân bằng các mối quan hệ, gia đình, công việc.

Anh cư xử chừng mực ở trước mặt mọi người, khiến ai cũng trầm trồ. Về nhà cũng thế, luôn “tương kính như tân”. Đôi khi Hằng ao ước hai người có thể tranh luận, cãi nhau, giận dỗi, dỗ dành như những cặp vợ chồng bình thường khác. Nếu Hằng nói ra điều này, chắc nhiều người sẽ mắt tròn mắt dẹt nói cô bị hâm, yên lành không muốn muốn cãi nhau đánh nhau à! Nhưng chỉ có Hằng mới hiểu, cô muốn cuộc sống của mình sinh động, có giai điệu, chứ không phải tẻ nhạt thế này. Trông nhẹ nhàng mà thực tế vô cùng nặng nề, ngột ngạt.

Hằng muốn nhìn thấy hình ảnh của mình trong mắt anh, có thể cuồng nhiệt lao vào nhau, cảm nhận cơ thể của nhau. Nhưng không! Năm năm sống chung, anh rất chừng mực, kể cả những lúc ở gần nhau nhất, cũng chỉ như nhiệm vụ phải hoàn thành. Anh đâu biết rằng sau mỗi lần gần gũi ít ỏi đó, cô đều vùi mặt vào gối, để nước mắt lặng lẽ rơi.

***

Hôm nay Hằng nhận được cuộc gọi của ba mẹ chị Nguyệt, nói là gia đình chị ấy sẽ về chơi. Nghe tin này, cô không biết cảm xúc của mình là gì. Mười năm, kể từ ngày chị Nguyệt rời đi. Anh chưa từng một lần hỏi thăm tin tức của chị ấy. Chị Nguyệt cũng không hề hỏi han gì về anh. Hai người họ như muốn đối phương quên đi mình, cũng muốn mình quên đi đối phương. Chị Nguyệt thế nào Hằng không biết, nhưng cô biết rằng mười năm chia xa, chồng cô, chưa bao giờ quên chị Nguyệt, cùng kỷ niệm của những ngày xưa ấy.

Hằng báo với anh ngày chị Nguyệt về nước, hai nhà sẽ cùng nhau ăn bữa cơm. Anh ngước nhìn cô, im lặng một lúc rồi trả lời:

“Được. Em cứ sắp xếp đi.”

Anh tỏ ra bình thản. Nhưng cô biết lòng anh đang dậy sóng. Bao cảm xúc được anh đè nén bấy lâu nay mãnh liệt trỗi dậy. Cuộc gặp này nhất định phải gặp rồi. Cô muốn biết, hai người họ gặp lại nhau sẽ như thế nào, và khi họ gặp nhau, tâm trạng của cô sẽ ra sao?

Ngày gặp mặt, không khí của hai gia đình diễn ra khá thoải mái. Đều là những người trưởng thành, không ai khiến ai khó xử. Người lớn thì hỏi han chuyện trò, trẻ con thì chơi đùa cùng nhau. Hằng biết đó chỉ là bề ngoài, không ai trong số ba người họ, hoặc chí ít là Hằng và anh, thật sự thoải mái như cách họ thể hiện.

Trên đường về, Hằng và chồng im lặng. Im lặng như bao lần đi cùng nhau nhưng lần này Hằng thấy quá ngột ngạt. Dù hiện tại là vợ của anh, nhưng khi đối diện với chị Nguyệt và anh, Hằng có cảm giác mình là người hèn mọn đi nhặt nhạnh những mảnh vỡ tình cảm của người khác.

Còn anh, lúc gặp mặt anh chỉ dám nhìn thoáng qua Nguyệt, thấy người trước mặt tuy quen mà lạ. Trong ký ức của anh, Nguyệt mãi là cô tiểu thư đài các của mười năm về trước, còn Nguyệt bây giờ đã là một thiếu phụ có chồng con của mình. Anh bỗng thảng thốt, thì ra cái anh lưu giữ trong lòng chỉ là hồi ức, hiện thực đã khác xưa quá nhiều.

Về đến nhà, anh vẫn như ngày thường chơi đùa cùng con cho đến khi bé ngủ. Hằng thì làm những việc vặt vãnh của mình. Lúc chuẩn bị đi ngủ, cô không kiềm được suy nghĩ mà bước đến phòng sách. Anh mở một ngọn đèn nhỏ, căn phòng mờ ảo ngập chìm trong bóng tối, chỉ thấy bóng lưng cô đơn của anh. Hằng biết anh rất đau khổ, đang đấu tranh nội tâm ngăn cho bước chân mình đi tìm chị Nguyệt.

Những ngày sau đó gia đình chị Nguyệt đi đây đi đó chơi. Gia đình Hằng thì bình lặng như bao ngày khác. Chỉ có mùi khói thuốc trong phòng sách ngày càng nhiều, đôi mắt anh thâm quầng, chứng tỏ anh nhiều đêm không ngủ. Hằng biết, anh vì nghĩ đến cảm giác của cô nên mới cố gắng ở nhà cho cô yên tâm. Bằng không, anh đã đi trốn ở góc nào đó, để xả cảm xúc của mình. Thấy anh như vậy, Hằng không biết nên vui mừng vì anh biết nghĩ đến cảm giác của mình hay nên xót xa vì mười năm qua, trái tim của anh vẫn thổn thức vì người khác.

Gia đình chị Nguyệt trở về Sài Gòn một ngày cuối rồi bay về Mỹ luôn. Hằng viện cớ bận việc không gặp nhau nữa. Một phần vì sự gắng gượng khi gặp nhau chỉ làm cho mọi người mệt mỏi, một phần vì Hằng muốn làm phép thăm dò cuối cùng, xem chồng cô, sẽ làm gì trong ngày cuối cùng chị Nguyệt còn ở đây.

Tan làm, Hằng đón rồi gửi con trai bên nhà bạn, vội vàng đến quán cà phê trước khách sạn gia đình chị Nguyệt ở, ngồi đó. Tâm trạng của Hằng càng lúc càng rối bời. Lý trí nói với Hằng rằng: “Hãy về nhà đi, ngày hôm nay sẽ trôi đi như mọi ngày của năm năm qua, mắt không thấy tâm không phiền.” Nhưng cảm xúc trong lòng không như vậy, Hằng muốn tận mắt chứng kiến thái độ của người mà mình gọi là chồng khi gặp riêng chị Nguyệt. Thời gian chậm chạp trôi qua, lúc thì Hằng mong anh đến để biết tình cảm của anh, lúc lại hy vọng anh không đến để giữ chút hy vọng cho chính mình.

cham-vao-anh-5

Chín giờ tối, bóng dáng anh xuất hiện trước khách sạn. Một lúc sau thì chị Nguyệt xuống, cùng anh ngồi ở sảnh. Cuối cùng hai người họ cũng gặp nhau. Trái tim Hằng như bị ai bóp chặt. Lúc này Hằng đang suy nghĩ: “Nếu họ cùng nhau đi nơi khác, vậy mình có đi theo hay không?”

Hằng không biết mình muốn thấy cái gì? Muốn hai người họ xảy ra chuyện gì? Và Hằng sẽ làm gì sau đó? Sẽ bắt quả tang, để có thể khinh thường mà nói với họ rằng: “À, hoá ra hai người đâu có thánh thiện gì, cũng đầy dục vọng thế thôi.” Để Hằng thấy được tình cảm của họ cũng mang đầy mùi trần tục. Sở dĩ họ vẫn đau đáu về nhau là do khao khát chưa có được nhau mà cố chấp, chứ không phải là kiểu tình yêu trong sáng không tì vết, không ai chạm vào được như cách họ giữ gìn trong lòng suốt mười năm qua.

Mặc cho suy nghĩ đã bay xa, đôi mắt của Hằng vẫn dán chặt vào họ. Trái với sự căng thẳng của Hằng, hai người yên tĩnh ngồi đối diện nhau, giữ khoảng cách nhất định, cùng nhau thưởng trà, thong thả trò chuyện.

Mười một giờ, quán cà phê đóng cửa. Họ vẫn ngồi đó. Hằng tìm một chỗ khác khuất trên vỉa hè để tiếp tục nhìn mà không bị họ phát giác. Lúc này trông Hằng thật chật vật, muỗi mòng vo ve vây đốt, quần áo nhàu nhĩ vì kiểu ngồi lê lết bên đường, bụng đói kêu ục ục. Nhiều năm sau khi nhớ lại tình huống này, Hằng luôn khinh bỉ mình: “Con người kiêu hãnh của mình vì đâu mà trở nên nhếch nhác như thế, có đáng hay không?”

Nhưng hiện tại Hằng không nghĩ được nhiều như thế, cô vẫn dán mắt nhìn hai người. Thời gian thong thả trôi qua, họ vẫn ung dung ngồi đó, như trêu chọc cô, như nhắc cô rằng: “Hằng à, mi đã thua rồi. Người ta có làm gì đâu. Bạn cũ gặp nhau thưởng trà thôi mà.”

Một giờ sáng, cuối cùng họ cũng đứng dậy, bắt tay nhau. Sau đó! Không có sau đó. Chị Nguyệt trở lên phòng khách sạn. Anh ra đường đón taxi về. Nhẩm tính thời gian đi đường, Hằng mở camera ở nhà, xác nhận anh trở về nhà đúng giờ. Lúc này, đáng ra Hằng nên vui mừng vì anh vẫn chừng mực. Nhưng cảm giác tự ti tràn ngập lấy cô, khi cô ý thức được suy nghĩ của mình xấu xí thế nào, khi biết họ vẫn giữ cho nhau một tình cảm trong sáng như thế. Và chắc rằng, những đêm dài sau này, khói thuốc trong phòng sách nhà cô vẫn lượn lờ bay ra, đêm thanh vắng vẫn nghe giọng hát nỉ non:

 “Chỉ cách một mặt hồ.

Mà muôn trùng chia xa.”

Nghĩ đến đây Hằng thấy mệt mỏi, rã rời. Mà trên hết là cảm giác thất bại. Mười tám năm ở cạnh anh, mười hai năm yêu anh, mười năm chăm sóc anh, năm năm làm vợ anh. Tình yêu của cô, ban đầu, từng tràn đầy hy vọng như thế, mà giờ đây, héo hon như vầy. Niềm kiêu hãnh của cô khi đứng trước anh đã không còn, chỉ còn lại xót xa mà thôi. Nếu cứ tiếp tục cuộc sống thế này, Hằng sợ mình sẽ trở thành người đàn bà chua ngoa mất.

Chị Nguyệt không có lỗi. Chồng cô cũng không có lỗi, có lỗi chăng là do anh chưa từng yêu cô. Lỗi nhiều nhất có lẽ là ở Hằng. Do cô quá ảo tưởng, do cô nghĩ rằng mình có thể chiếm lấy tình yêu của anh, rằng cô sẽ thay thế được chị Nguyệt trong lòng anh, nhưng hoá ra không phải.

Hằng cứ ngồi như vậy cho đến khi những tia nắng đầu tiên xuất hiện, đẩy màn đêm lùi về phía sau. Một ngày mới bắt đầu. Người người hối hả đi lại trong vòng quay cuộc sống của mình. Nếu không đứng lên và bước tiếp, Hằng sẽ là người bị bỏ lại bên đường, mục rỗng trong nỗi cay đắng của mình. Nỗi cay đắng mà nhiều người mơ ước, bởi vẻ bề ngoài hào nhoáng của nó. Thật là buồn cười!

Hằng gọi điện nhờ bạn đưa con trai đi học, nhắn cho công ty xin nghỉ một ngày. Thật ngạc nhiên là lần đầu tiên trong nhiều năm qua, Hằng không cần lo nghĩ cho anh nữa. Buổi sáng yên tĩnh khiến suy nghĩ trong đầu Hằng thông suốt. Cô là người phụ nữ độc lập, tại sao cứ phải phụ thuộc buồn vui vào một người đàn ông không thuộc về mình kia chứ. Dù anh có hoàn mỹ, có trách nhiệm, có chừng mực thế nào thì rốt cuộc vẫn là anh không yêu cô. Thay vì hy vọng vào người khác chi bằng sống cuộc sống của riêng mình, tự tìm niềm vui cho chính mình.

Hằng đã có quyết định cho mình. Cô vuốt tóc, chỉnh lại quần áo cho tươm tất, môi khẽ mỉm cười, cô đứng dậy bước đi, tâm tình nhẹ nhõm. Thì ra, buông tay lại mang đến cảm giác bình yên như thế.

***

cham-vao-anh-7

Sau khi gặp Nguyệt, mang theo tâm tình phức tạp, anh về nhà vào phòng sách, đu đưa trên chiếc võng, nhớ lại bốn tiếng gặp mặt vừa rồi…

Vốn dĩ anh không định gặp Nguyệt, cứ nhẫn nhịn như vậy đợi cô ấy về Mỹ, anh vẫn tiếp tục cuộc sống như mười năm qua. Nhưng khi thời gian chỉ còn vài giờ, ý nghĩ từ nay không bao giờ gặp lại Nguyệt khiến tâm trạng anh nhấp nhổm. Lý trí không thắng nổi cảm xúc ở trong lòng, khi anh nhận ra mình đang làm gì, thì đã đứng trước khách sạn Nguyệt ở rồi. Anh biết mình đi gặp Nguyệt mà không nói cho Hằng vợ anh biết là không nên, nhưng anh tự nhủ:

“Mình chỉ gặp Nguyệt nói chuyện một lần thôi. Sẽ không làm gì có lỗi với Hằng. Giờ mà nói sợ chị ấy nghĩ ngợi rồi buồn lòng.”

Anh không có số điện thoại nên đến quầy lễ tân, đọc họ tên nhờ gọi điện lên phòng Nguyệt. Anh lo lắng không biết Nguyệt có đồng ý gặp mình hay không?

Nguyệt đồng ý, như thể Nguyệt cũng chờ cuộc gặp này. Lúc ngồi đợi Nguyệt xuống sảnh, lòng anh hồi hộp không yên. Hơn mười phút chờ đợi mà anh thấy dài đăng đẳng.

Nguyệt bước xuống, nhẹ nhàng ngồi đối diện anh, mỉm cười chào hỏi. Họ yên lặng một lúc lâu, lắng nghe cảm xúc của chính mình. Mười năm không liên lạc, bao kỷ niệm xưa cũ, những nhung nhớ về đối phương, tưởng rằng khi gặp lại sẽ là một cảnh long trời lở đất, cảm xúc dâng trào. Nhưng đó chỉ là anh tưởng vậy mà thôi. Bởi vì, anh và Nguyệt không còn là họ của ngày xưa. Hiện tại ai cũng có gia đình của mình, con cái của mình và trách nhiệm của mình. Vì anh cố chấp giữ mãi trong lòng mới khiến chuyện xưa không trở thành chuyện cũ…

Cùng với tiếng kẽo kẹt của chiếc võng, những câu nói của Nguyệt lần nữa hiện ra trong đầu anh:

“Em mượn lời của Nhạc sĩ Vũ Thành An để nói với anh:

Nếu chúng mình có thành đôi lứa

Chắc gì ta đã thoát ra đời khổ đau.”

“Cuộc sống không có nếu như. Anh hãy trân trọng Hằng vì em ấy luôn thầm lặng ở bên anh bao nhiêu năm nay.”

“Em không liên lạc với Hằng, để cho em ấy khỏi nghĩ ngợi. Nhưng có nghe một chút từ những người họ hàng khác. Cũng trực tiếp nhìn thấy nỗi cô đơn, sự gắng gượng trong mắt em ấy hôm ăn cơm cùng nhau. Anh như vậy, thật không phải với Hằng. Đừng để mất đi mới hối tiếc.”

“Vì Hằng luôn tình nguyện ở bên anh nên anh thấy nợ em ấy. Anh có từng nghĩ anh đối với Hằng như sự đền đáp, điều đó chỉ làm em ấy tổn thương mà thôi.”

“Cuộc sống vợ chồng, chỉ trách nhiệm thôi chưa đủ. Cha mẹ, anh em, con cái, tất cả đều cần có trách nhiệm với nhau. Còn vợ chồng là mối quan hệ của hai người xa lạ, ngoài trách nhiệm cần có thêm tình yêu mới bền lâu. Chỉ khi có tình yêu thì đối phương mới cảm thấy mình được trân trọng, mình là duy nhất trong mắt người còn lại. Anh có cho Hằng cảm giác đó chưa?”

“Nếu Hằng rơi lệ vì anh, thì em cũng thấy mình có lỗi. Chẳng lẽ anh cứ đắm chìm trong quá khứ để mặc những người xung quanh mình đau khổ, áy náy hay sao?”

“Hiện em rất hài lòng với cuộc sống của mình, cũng toàn tâm toàn ý cho gia đình nhỏ của em. Em hy vọng anh và Hằng thật sự hạnh phúc.”

Từng tuổi này, vậy mà giờ anh như đứa trẻ nhận lấy bài học đầu đời. Bấy lâu nay anh cứ nghĩ mình đã làm tròn trách nhiệm người chồng người cha. Nhưng giờ nghĩ lại, điều Hằng mong muốn nhất có lẽ là sự đáp lại của anh. Bởi vì Hằng đã chứng kiến thứ tình yêu anh dành cho Nguyệt, nên chắc sẽ mong đón nhận một tình cảm tương tự. Mười năm qua, đúng là anh mãi níu giữ kỷ niệm mà quên dành tình yêu cho người thầm lặng bên cạnh mình.

Tâm trạng rối bời. Sáng tinh mơ, anh để lại một mảnh giấy dán ở cửa cho Hằng như mọi lần: “Anh đi ra ngoài một hai tuần nhé!” Bây giờ dù có điện thoại, mạng di động, anh và Hằng vẫn giữ cách gửi tin bằng giấy như thế. Vì Hằng từng nói, nhìn chữ thấy người.

Trốn đến một nơi yên tĩnh, anh cẩn thận suy nghĩ lại mọi chuyện trong suốt năm năm vợ chồng. Lần này là đứng ở góc độ của Hằng mà cảm nhận. Càng nghĩ anh càng nhận ra rằng, thì ra anh quá vô tình, thì ra anh lạnh nhạt với Hằng nhiều như thế. Nhưng Hằng chưa hề trách cứ gì anh. Ban đầu chắc là tha thứ, đồng cảm, sau nữa có thể là hết hy vọng, buông xuôi. Càng nghĩ anh càng không biết nên đối diện với Hằng ra sao. Cứ lần lựa mãi, đến khi anh quyết tâm trở về, làm một người chồng đầy tình cảm để bù đắp cho Hằng đã là ba tuần sau đó.

Anh ghé cửa hàng, mua một bó hoa to, định bụng sẽ rủ Hằng ra ngoài ăn một bữa tối lãng mạn chỉ có hai người. Mang tâm trạng háo hức về nhà, bước vào trong anh thấy nhà tối om. Linh cảm có gì đó khác thường, cảm giác lạnh lẽo đánh tan tâm trạng vui tươi trước đó. Thoáng hốt hoảng, anh gọi điện cho Hằng thì máy không liên lạc được. Hằng không có người thân ở đây, bạn bè Hằng anh không có số liên lạc của ai cả. Giờ phút này anh mới biết mình vô tâm với vợ như vậy. Thì ra bao năm nay là Hằng chủ động tìm anh, còn anh chưa bao giờ làm điều ngược lại.

“Đợi chút nữa chắc hai mẹ con sẽ về thôi.” Anh tự trấn an mình.

Bước vô phòng sách, anh thấy một bìa sơ mi để trên bàn. Nhìn thấy tờ giấy bên trong, anh nghe đầu ong ong, không tin vào mắt mình nữa. Trên tay anh là tờ đơn ly hôn, phía dưới Hằng đã ký tên. Chỗ lý do, chỉ vỏn vẹn ba chữ: “Không hoà hợp.” Nhìn sang tờ giấy bên cạnh, Hằng viết ngắn gọn vài dòng:

“Anh!

Em và con đi đây. Em sẽ sống cuộc sống của chính mình và chăm sóc con thật tốt. Khi ổn định em sẽ liên lạc để anh gặp con.

Mong anh chăm sóc tốt cho bản thân và tìm được cuộc sống mà mình mong muốn.

Em Hằng!”

Không một lời trách móc, nhưng từng chữ cứ như một mũi dao đâm thẳng vào tim anh. Anh có thể cảm nhận được, trái tim Hằng đã chết khi viết ra những lời này. Anh đã làm gì mà biến một cô gái đầy nhiệt huyết trở thành một người chết tâm thế kia. Giờ anh biết tìm hai mẹ con ở đâu?

Những ngày sau đó, anh tìm đủ cách dò hỏi, nhưng không ai biết hai mẹ con đi đâu. Anh sợ hãi, sợ Hằng và con sẽ từ bỏ anh thật. Ông trời thật trêu ngươi, tại sao ngay lúc anh muốn làm lại từ đầu là lúc Hằng chọn cách buông tay?

hanhphuc_(4)

***

Một năm trôi qua, ba trăm sáu mươi lăm ngày quạnh vắng. Sống một mình trong căn nhà lạnh lẽo, anh mới cảm nhận được nỗi buồn mà Hằng côu đựng suốt năm năm qua. Không hơi ấm, không tiếng nói cười, mỗi tối anh về không còn thấy mâm cơm nóng hổi trên bàn ăn. Lúc có thì thấy bình thường, giờ tự mình làm cơm anh mới biết, công việc của Hằng bận rộn như vậy, vợ anh phải vất vả thế nào mới có thể làm những bữa cơm tối như thế cho gia đình.

Ngày cuối tuần càng trống trải. Trước đây có thời gian rảnh là anh đi ra ngoài tìm cảm hứng sáng tác. Giờ có quá nhiều thời gian, anh lại không muốn đi đâu nữa. Quanh quẩn trong nhà cho hết một ngày, để cảm nhận một ngày trôi qua buồn chán biết bao. Anh trách mình cứ mãi đắm chìm trong hồi ức mà bỏ quên hiện tại, đến lúc giật mình tỉnh ngộ thì hiện tại đã thành quá khứ mất rồi.

Một năm xa Hằng, anh mới biết mình nhớ vợ nhiều như vậy. Những việc vụn vặt bình thường không để ý, khi mất đi rồi, như dòng suối tuôn chảy trong miền ký ức của anh. Mỗi khi nhớ về cô, anh lấy giấy ra vẽ. Gom góp lại, số tranh đầy cả phòng. Anh tự giễu mình, mười tám năm quen biết, năm năm vợ chồng, anh chưa vẽ cho Hằng bức tranh nào. Đợi đến khi cô bỏ đi, anh mới vẽ nhiều như thế.

***

Vào một ngày nắng đẹp, ở một nơi xa xôi, Hằng tranh thủ thời gian lướt xem tin tức trong nước. Cô ngạc nhiên, tay khựng lại, bởi vì đập vào mắt cô là một bức tranh vẽ hình cô, đang ngồi cắm hoa trước hiên nhà mình. Nhìn lại thấy tiêu đề bài viết: Triển lãm cá nhân chủ đề “Năm năm làm Vợ". Con số năm năm, rồi hình của cô hiển hiện trước mắt, khiến tim cô đập rộn lên. “Chẳng lẽ là…”, “Không thể nào…”.

Hằng nhấp chuột mở nội dung chi tiết, chăm chú xem từng bức hình được người viết chụp lại, tất cả đều là hình của cô với những hoạt động thường ngày: cô mặc tạp dề thái rau trong bếp, cô làm bánh kem sinh nhật cho con trai, cô tưới nước cho khóm hoa tường vi trước cổng nhà, cô ôm chú mèo ngồi tắm nắng, cô nhíu mày nhìn chiếc máy giặt đình công, cô dán tờ ghi chú lên cánh cửa đã được dán nhiều ghi chú trước đó…

Bức ảnh cuối cùng vẽ bóng lưng quen thuộc của người hoạ sĩ ngồi trước giá vẽ, trên đó là bức tranh một nhà ba người đang ôm nhau trên bãi cỏ, nhan đề “Chờ sum vầy”. Hằng phát hiện ra mắt mình ươn ướt. Đến khi đọc câu kết của bài viết: “Chắc rằng tác giả đã dành cho vợ rất nhiều tình cảm cùng sự nhớ nhung mới có thể khắc hoạ được chân dung của cô một cách bình dị mà chân thực như thế!” thì nước mắt của cô đã chảy đầy gương mặt, còn khóe miệng cong lên nụ cười hạnh phúc.

Tác giả: Hoàng Ngọc Thanh

Giọng đọc: Hà Diễm, Sand

Thực hiện: Hằng Nga

Thiết kế: Hương Giang

Xem thêm:

Hoàng Ngọc Thanh

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho chúng ta

Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho chúng ta

Những đau đớn hằn vết trong trái tim anh đều do em cả. Em không mong mình sẽ là người khâu vá lỗ hỏng ấy, chỉ mong anh hãy quên em và đừng yêu em thêm nữa. Tình yêu này không nên tồn tại. Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho cả hai chúng ta.

Trả Lại Anh Cho Cô Gái Khác | Radio Tâm Sự

Trả Lại Anh Cho Cô Gái Khác | Radio Tâm Sự

Sau chia tay, có ai không bi luỵ lẫn tổn thương… chẳng qua chúng ta chỉ khác nhau ở thời gian chữa lành mà thôi. Có người cần một tháng, có người cần một năm, có người cần thời gian đủ lâu và có kẻ chấp nhận dùng cả một đời để học cách quên đi một người.

 Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Ngày hôm đó chúng ta đã nói sẽ luôn nhớ tới nhau, sẽ giữ trọn vẹn trong tim mối tình của năm tháng ấy. Nhưng anh biết không, mỗi người chúng ta ai rồi cũng đều khác, lời hứa năm đó cũng chỉ là tên gọi khác của lời tạm biệt mà thôi.

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Dây xích sắt trượt dài trên thanh chắn cửa, rít lên một tràng âm thanh chói tai, kết thúc bằng tiếng đáp đất nặng trịch. Trời lặng gió, áng mây vắt ngang qua ngọn cây, trong đêm tối không trăng không sao, chiếc lồng đèn cũ phủ một lớp bụi mỏng

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Mưa rơi, làm hình bóng anh trong mắt cô mờ đi, gương mặt điển trai sau màn mưa trắng chẳng rõ đang vui hay buồn. Mưa vẫn không ngừng xối lên thân ảnh liu xiu của anh, lớp áo sơ mi trắng dính vào da lộ ra vết sẹo dài chạy dọc theo cánh tay khẳng khiu.

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn chính là chủ nhân của cuộc đời mình. Tương lai ra sao, do bạn định đoạt. Đừng để năm tháng trôi qua, trong bạn chỉ toàn là tiếc nuối.”

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Đôi khi, sự ra đi của người khác là lí do để ta nhìn lại mình. Nhìn lại những gì mà bản thân đã cư xử. Có phải vì ta chưa đủ trưởng thành? Có phải vì ta vẫn còn quá cảm xúc và bi kịch hoá mọi thứ?

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy tận hưởng điều đó. Độc thân không có nghĩa là chưa đủ tốt để yêu. Độc thân nghĩa là chưa có ai đủ tốt để được bạn yêu.

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Muốn ngắm bình minh, phải dậy thật sớm. Muốn tạm biệt ngày tàn, phải vẫy chào hoàng hôn. Hạnh phúc của mình nên tự mình nắm lấy...

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Một giấc mơ dang dở dấy lên trong lòng tôi một sự hiếu kỳ với dáng vẻ của hạnh phúc. Nếu bước qua lằn ranh giữa quá khứ và hiện tại, tôi sẽ thấy được điều, có phải kết cục sẽ vẹn tròn hơn không.

back to top