Phát thanh xúc cảm của bạn !

img bài dự thi Cứ đi đi đừng sợ

2022-12-24 01:20

Tác giả: kẻ lãng du


blogradio.vn - Ngày hôm đó, có một đứa trẻ 18, nén lại những trăn trở suy tư, mang theo bao khát khao hoài bão bước chân vào đời, bắt đầu tạo lập một hành trình mới với những kỉ niệm, những cột mốc khắc dấu khó quên. Cứ đi đi đừng sợ, gạt bỏ những hoài nghi, bởi phía trước em là cả bầu trời đón chờ, bởi phía sau lưng em là bóng hình cha mẹ dõi theo.

***

Có cô bạn tuổi 18 đậu báo chí trong những hoài nghi tương lai. Phải rồi, kỳ tuyển sinh Đại học, cái khoảnh khắc bất chợt rơi xuống đời người, bắt tụi nhỏ phải chọn lựa đại lộ cho hành trình mới. Nghĩ cũng tội, 12 năm đèn sách vô lo vô nghĩ, lên lớp bày đủ các loại trò: ăn vụng, ngủ gật, trêu chọc bạn bè đủ cả. Về nhà có đứa mẹ vẫn phải gọi khi đến giờ cơm, bố vẫn phải mang dù đến khi cơn mưa nặng hạt trời chiều. Vậy mà, lại bắt tụi nó ra quyết định cho chính tương lai của mình. Thôi thì đó là quy luật cuộc đời, khó tránh được, con người phải lựa chọn một con đường mới để mà tiếp tục hành trình sống này.

Lại nói đến chuyện của cô bạn kia, đứa trẻ học chuyên văn chọn báo chí trong sự ngơ ngác, ngỡ ngàng, bật ngửa của mọi người. Cha mẹ nó thất thần lắm, vì nó nói nó đăng ký đậu vô kinh tế rồi, cuối cùng tên con mình lại trên giấy báo nhập học của báo chí nhân văn. Đám bạn xung quanh nó ai ai cũng theo hướng kinh tế, rồi mấy lời ra tiếng vào của hàng xóm, những đàm tiếu vu vơ của đồng nghiệp cũng khiến cha mẹ nó lo lắng vô cùng. Có người nói “Thời này ai còn làm báo chí nữa”, “Con bé đâm đầu vào con đường khổ rồi”, “Nhà văn nói láo nhà báo nói phét ấy hả”, nghe chẳng lọt tai xíu nào. Báo chí với những người ngoài cuộc hóa ra lại định kiến đến vậy. Và có lẽ, đa phần họ ít nhiều thành kiến với nhà báo lắm. Lòng tôi nghe vậy cũng nặng trĩu hẳn.

11

Phải rồi, người làm cha làm mẹ thấy con mình đi một đường riêng thế kia, ai mà chẳng sợ. Đứa con gái 18 tuổi của họ, chưa nếm trải bất cứ điều gì về vị đắng xã hội lại quyết định hòa mình vào đó. Bố nó lại còn là bộ đội, ông ấy hiểu con đường này vất vả đến nhường nào. Xã hội chính trị, chưa bao giờ là con thuyền dễ đi, bố nó hiểu rất rõ điều đó, người đàn ông sắp chạm ngưỡng 50 cuộc đời đủ thấu tỏ góc khuất ấy, những mộng lý tưởng công danh liệu có thể phất cao khi cơm ăn, áo mặc đeo bám. 

Người ta còn có thể sống vì giấc mơ khi đồng tiền cứ thế quay cuồng trong xã hội? Những câu hỏi ấy, ông đau đáu hơn bất kì ai khác. Ngày đó, bố nó lập nghiệp, rời xa quê hương miền Trung lam lũ với hai bàn tay trắng, chàng thiếu niên bước chân vào đời với lý tưởng lớn và rồi thăng trầm trên những nấc thang công danh, nghề nghiệp. Ông sợ nó đi theo bước chân xưa mà mình đã từng, báo chí và chính trị, báo chí và xã hội, nhiều mặt nhiều lớp, sự thật không chỉ có một, rắc rối và tréo ngoe vô cùng. Dù rằng bố nó chưa bao giờ hối hận về con đường mình đã chọn, nhưng nó khiến ông nếm trải nhiều vị đắng cuộc đời.

Có người lại nói “Thôi thì ước mơ mà, cứ để nó đi theo”. Đúng vậy, ngoài lý do đó ra thì người ta còn đâu lý do nào khác khi con bé theo con đường này. Vì tiền bạc sao? tôn chỉ ngành báo chưa bao giờ là vật chất. Danh vọng sao? Có thể nhưng không là tất cả. Báo chí xét đến cùng là ngành cao quý, vì người và vì xã hội, cải tiến thế giới này tốt đẹp và văn minh hơn. 

Không chỉ báo chí mà ngành nghề khác cũng vậy, những đứa trẻ 18 sẽ nghĩ ngành nghề theo bản chất và ý nghĩa chân chính của riêng ngành đó, nếu cứ thế duy trì mà hành động theo suy nghĩ ấy thì thế giới này có lẽ là xứ sở cổ tích. Tiếc là, không phải chỉ trên mặt giấy hay ở những lý thuyết suông mà khi va chạm thực hành còn nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, chỉ những người vững sơ tâm ban đầu mới có thể “tu thành chính quả” với ngành nghề đó. Còn ngành báo, ngành nghề vì người khác, ngành nghề của nhân văn, ngành nghề của tinh thần, báo chí cũng đang gặp phải một luồng gió lớn cản trở giữa xã hội đa phần trọng vật chất, kinh tế này. 

12

Tôi chẳng biết con bé nghĩ gì khi đưa ra quyết định đó, chỉ thấy nó cũng đắn đo nhiều lắm. Nguyên năm 12, nó suốt ngày cứ luẩn quanh trong mớ suy nghĩ truyền thông - marketing - báo chí. Nó nghe người lớn rồi nghe bạn bè, nó hỏi anh chị rồi dường như đã mệt nhoài, nó có lúc tung đồng xu, chơi bắn bi ngẫu nhiên chọn lựa xem ra nghề nào thì đó là nghề ấy. Không biết nó có nghe tiếng nói lòng mình không? Nhưng dường dường như nó đã thử đủ mọi cách trong tầm hiểu biết và nhận thức của mình để đưa ra con đường đúng đắn nhất. 

Ai cũng đinh ninh rằng nó sẽ chọn trường kinh tế kia. Vậy mà, nó lại “bẻ lái” sang báo chí. Thực lòng thì có lẽ, con bé đã suy nghĩ nhiều lắm, chắc phải có lý do nào đó nó mới lựa chọn. Nó yêu thích văn chương, mỗi lần nói chuyện với nó đôi khi một lúc nào đó tôi thấy mình còn thua nó, con bé già dặn trước tuổi nên dằn vặt về cuộc sống này cũng nhiều, nó tinh tế nhạy cảm và để ý đến mọi sắc thái cảm xúc của người khác. Nó thương bố mẹ nó nhiều lắm, tôi biết. Nên nó áy náy với bố mẹ nó cũng nhiều khi thấy họ lo sợ trước sự lựa chọn của mình. Thôi thì có lẽ, nó đến với báo chí cũng là cái duyên. 

Trước ngày đứa con gái chuẩn bị lên thành phố hoa lệ kia bắt đầu một cuộc sống mới, chính thức trở thành sinh viên báo chí - niềm tự hào của cả trường Khoa học xã hội và nhân văn, nhưng lại là niềm âu lo của cha mẹ. Cuộc đời vẫn còn đó những nghịch lý éo le chỉ bởi những chấp niệm của con người.

Rạng chiều đông đỏ, một buổi chiều cuối ngày chất chứa nỗi sầu, người cha ấy hút điếu thuốc, mắt nhìn xa xăm trầm tư, đi quẩn quanh vài bước, dừng chân trước chỗ tôi. Tôi cũng vui lòng đáp lại “ngồi làm vài chén nước trà chứ”. Ông uống một ngụm, hạ chén trà thở dài. “Vẫn lo lắng lắm à?”, Tôi tiếp lời đáp chuyện. “Trước, tôi phản đối nó gay gắt, nhìn con bé buồn tôi cũng buồn lắm, tôi cứ nghĩ vậy là nó thay đổi, cuối cùng, quanh đi quẩn lại, nó vẫn chọn báo chí”. Ngừng một lát, ông nói tiếp “Thôi thì cũng không còn đường lùi, con bé theo ngành này thì mình theo nó vậy, chỉ là không biết nó sống một mình trên đó thế nào, bạn bè thì cũng chẳng cạnh ai, ở ký túc xá với nhiều người lạ, người thân trên đó cũng chẳng có, tôi thương nó lắm”. 

Tôi nghe vậy lòng cũng đầy những suy tư. Tấm lòng cha mẹ luôn dịu dàng, bao la như vậy. Đứa con gái cũng thương bố nó lo cho mình, mấy ngày trước nó nói tôi rằng nó thấy bố mẹ lo hết lòng cho mình, nó thương bố mẹ quá, và cảm thấy day dứt vô cùng khi con đường nó chọn không phải con đường họ muốn. Ai cũng thương nhau, ai cũng trĩu nặng chữ “tình”. 

Tương lai là thứ vốn khó đoán định, nhưng hiện tại là thứ có thể quyết định. “Hãy nhớ về lý do ban đầu cháu chọn và cứ hãy mạnh mẽ tự tin đi theo nhé”. Tôi nói cô bé vậy. Nghe hơi sáo rỗng, phi thực tế. Nhưng mà cuộc đời cay đắng này của lứa tôi và bố nó biết đâu sẽ không lặp lại với nó. Sống đôi khi cần những khát khao, dại khờ, đôi khi người ta cứ điên cuồng bám trụ với nó, câu chuyện cổ tích sẽ xảy ra. 

3

Chẳng ai có được lựa chọn đúng đắn khi chính mình không tự trải nghiệm cả. Vậy nên, cứ tiến lên phía trước sẽ biết liệu có phù hợp hay không. Dẫu sao, con bé mới 18, còn nhiều thời gian để nó trả lời cho câu hỏi vốn là băn khoăn của cha mẹ và cả chính nó về ngành này.

Báo chí ấy mà, chưa bao giờ là dễ dàng cả. Đặc biệt trong thời đại hôm nay, nó đứng dưới quá nhiều thách thức của thế giới phẳng, của vũ bão Internet. Mỗi ngày có hàng ngàn tin tức xảy đến, đòi hỏi báo chí phải nhanh chóng cập nhật kịp thời, vừa phải đảm bảo yếu tố nhanh - chính xác, trung thực. Thời đại hoàng kim của nó đã đi qua, nhà báo buộc phải lựa chọn chấp nhận để rồi tha hóa hay cạnh tranh sòng phẳng giành lại vị thế chủ lưu của thông tin. Những cơn lốc thần tốc của truyền thông mạng xã hội đã khiến báo chí bị choáng ngợp, cuốn theo như những con thiêu thân lao vào biển lửa “số liệu truy cập”. Dễ hiểu những tin giả, tin câu view giật tít tràn lan, dần dần tạo nên định kiến với báo chí đương đại. Bể truyền thông vô vàn, mạng lưới Internet chằng chịt, sự thật vì thế thiên biến vạn hóa, khó vẹn nguyên như ban đầu. Hoàn cảnh ấy, ráo riết đòi hỏi người làm báo cần phải có bản lĩnh lớn. Cá tính, bản lĩnh và dũng cảm đối diện chấp nhận thách thức với hiện thực cuộc sống, vạch trần những sai phạm ẩn giấu, những sự thật che đậy sau “tấm mặt nạ hoàn hảo”. 

Báo chí vẫn luôn cao cả theo cách riêng của nó, chỉ là những ai theo ngành báo có đủ lớn lao, kiên cường để chứng minh nó xứng đáng hơn thế. Vậy nên, cứ hãy can đảm tiến lên phía trước, bằng tất cả những đơn thuần, khát khao, hoài bão ước vọng, hãy bỏ tất cả vào hành lý ấy và luôn trong tâm thế sẵn sàng, tự tin. Tương lai là điều khó nói trước, tôi mong cô bé và cha mẹ em ấy sẽ vững tin tiến bước, đồng hành cùng nhau trên hành trình khó nhằn này.

Ngày hôm đó, có một đứa trẻ 18, nén lại những trăn trở suy tư, mang theo bao khát khao hoài bão bước chân vào đời, bắt đầu tạo lập một hành trình mới với những kỉ niệm, những cột mốc khắc dấu khó quên. Cứ đi đi đừng sợ, gạt bỏ những hoài nghi, bởi phía trước em là cả bầu trời đón chờ, bởi phía sau lưng em là bóng hình cha mẹ dõi theo.

© kẻ lãng du - blogradio.vn                             

Xem thêm: Người đổi thay thì mình thay đổi

Bài tham dự cuộc thi viết. Để bình chọn cho bài viết này, bạn hãy nhấn like, share và để lại bình luận cảm nhận của mình. Thông tin chi tiết về cuộc thi, mời bạn tham khảo tại đây.

kẻ lãng du

Gezelligheid - hạnh phúc khi ở cạnh những người thân yêu

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Định mệnh là gì?

Định mệnh là gì?

Chúng tôi vẫn giữ thói quen buổi tối trò chuyện với nhau, nhưng cũng chỉ là những câu hỏi xã giao như một thói quen khó bỏ. Tôi cảm nhận được điều gì đó giữa hai đứa nhưng lại chẳng thể gọi tên, vì tôi tin anh và yêu anh.

Mãi sau này...

Mãi sau này...

Quá khứ dạy ta cách đi qua những vấp ngã, rèn giũa sự mạnh mẽ, điềm tĩnh khi đương đầu với khó khăn, cho ta sự thấu hiểu, bao dung, chia sẻ yêu thương hơn để chúng ta trân trọng từng khoảnh khắc ở hiện tại và hi vọng về một tương lai tốt đẹp ở phía trước.

Khoảnh khắc

Khoảnh khắc

Hỏi tôi đã bỏ lại điều gì của mình vào những ngày hè năm ấy, tôi chỉ có thể trả lời rằng tôi đã bỏ lại chính bản thân mình. Một tôi hòa đồng vui vẻ nhiệt huyết, vô ưu vô lo, đổi lấy một tôi giờ đây đã khác, trầm lặng, giấu tất cả ở trong lòng mình

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Cũng chẳng còn hay tết những vòng hoa Thành vương miện giả chơi trò công chúa Hoa đồng nội thơm dịu dàng một thuở

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Cậu thấy thời gian có tàn nhẫn không? Nó chưa từng dừng một giây, để suy nghĩ về việc phủ bụi trần lên những mảnh ký ức của chúng mình. Cũng như chúng mình cũng chưa từng dừng một giây nào để ngừng nghĩ về nhau.

Gửi em

Gửi em

Mong gặp em và mong được nhìn ngắm Trái tim này cất giữ tạo nên thơ

Dạy con ngưng hi sinh, dạy con biết thương mình!

Dạy con ngưng hi sinh, dạy con biết thương mình!

Cha mẹ có thương con hay không? Chắc chắn là có. Nhưng nó không lớn đến nỗi cứ hi sinh và không mong nhận lại như mọi người hay lầm tưởng hoặc lảng tránh sự thật. Thực chất thứ họ cho đi là một tình thương có điều kiện chứ không hẳn là hi sinh.

Quan họ không lấy nhau

Quan họ không lấy nhau

"Giới trẻ bây giờ lạ thật, mới gặp người ta vài lần đã nghĩ tới chuyện đặt tên cho con luôn rồi"

Nốt trầm tuổi 30!

Nốt trầm tuổi 30!

Trưởng thành là đánh đổi của rất nhiều những vấp ngã, thất bại và biến cố xảy đến. Chúng ta có lẽ đã từng khóc thầm trong đêm bởi bất lực, bởi mệt mỏi, bởi mọi thứ dường như đều sụp đổ. Nhưng chính là khi đi qua mọi chuyện, chúng ta đã mạnh mẽ như hiện giờ.

Tuổi thơ và Ngoại

Tuổi thơ và Ngoại

Tôi yêu những món đồ chơi ngoại làm cho tôi, vì lúc đó ngoại cũng nghèo không thể cho tôi được những món đồ chơi đẹp đẽ như các bạn, nhưng những món đồ chơi ngoại làm cho tôi thì tôi chắc rằng các bạn không thể mua được.

back to top