Thói quen "xấu" của Ba
2024-10-01 17:40
Tác giả:
Hảo Hảo ( Lượm)
blogradio.vn - Ba luôn mang những điều tốt đẹp nhất cho anh em tôi. Từ những điều giản đơn là trong bữa cơm hễ có thịt là ba lại nhường cho tôi phần nạc, hay đùi cho đến việc lớn lao là bán con bò để lo học phí đại học cho tôi.
***
- Ba ơi! Ba bỏ thuốc lá đi, ba mà hút nữa là ba không sống miết miết với con được đâu đó!
Đó là câu nói khi tôi lên 5 và ý thức được rằng việc hút thuốc không hề có lợi cho sức khoẻ, mỗi lần tôi thấy ba hút lại hét lên. Lúc nhỏ tôi không hề thích điều đó, đúng hơn là dùng từ ghét.
Ba sinh ra vào thời chiến nên ông nội mất khi ba còn trong bụng bà nội. Lúc chào đời thì mấy cô cũng đã lớn và lấy chồng xa. Ba lủi thủi một mình cơm nước chạy vạy khắp nơi để nuôi bà nội. Ba học đến lớp chín thì dang dở. Phần vì không có tiền nộp học, phần thì ba là trụ cột chính trong gia đình. Tôi được nghe kể rằng ba học rất giỏi, giỏi nhất là môn văn. Có lần ba còn đạt giải nhì văn cấp huyện. Chắc đó là giấc mơ còn dang dở mà ba muốn anh em tôi viết trọn vẹn. Tôi hỏi ba từ khi nào ba hút thuốc, nhưng luôn nhận lại là nụ cười của ba. Có lẽ ba cũng chẳng nhớ từ khi nào bản thân lại dùng cái thứ độc hại đó. Cả tuổi thơ tôi đã quen dần với dáng ba mỗi tối khi ngồi dưới mái hiên phì phà điếu thuốc nghi ngút khói. Khi thì nửa đêm ba tỉnh giấc và lấy sấp vở học của anh em tôi để kiểm tra, vừa lật từng trang vở ba vừa hút. Có đêm thấy ba hút hơn nửa gói thuốc chỉ vì mất ngủ. Thi thoảng tôi hỏi:
- Ba ơi! Hút thuốc là hết buồn, hết áp lực hả ba? Ba cấm không cho cả hút mà sao ba hút vậy ba!
Tôi nhớ lần đó anh trai tôi lớp 7, vì bị bạn bè xúi nên anh lấy điếu thuốc đốt dở cho con kỳ nhông hút. Đúng lúc ba đi ngang nhìn thấy. Vậy là bị ba méc má đánh cho một trận tơi tả. Tôi đang nghĩ thì ba nói:
- Không đâu nhóc này! Nó độc lắm, không có bổ béo gì đâu. Vì ba không uống rượu, nhậu nhẹt nên mỗi lần đi làm gặp người này người kia mời cái gì cũng từ chối thì mất lịch sự. Lâu ngày ba hút thành thói quen khó bỏ. Sau này lấy chồng đừng lấy chàng trai hút thuốc nghe hông!
Tôi nghĩ cũng đúng, chưa bao giờ thấy cảnh ba say xỉn hay nhậu nhẹt. Với tôi ba là mẫu mực chuẩn nhất cho người đàn ông của gia đình. Ba luôn mang những điều tốt đẹp nhất cho anh em tôi. Từ những điều giản đơn là trong bữa cơm hễ có thịt là ba lại nhường cho tôi phần nạc, hay đùi cho đến việc lớn lao là bán con bò để lo học phí đại học cho tôi.
Lên đại học tôi xa nhà nên số lần về ngày càng thưa thớt, nhiều thứ để bận tâm hơn, đi học rồi làm thêm nên dường như tôi quên bẵng đi thói quen đó của ba. Cho tới khi ba ra thăm tôi vì lần đó tôi đau phải nhập viện. Nằm trong bệnh viện tôi chợt khóc nấc lên khi thấy dáng vẻ gầy guộc, đôi mắt thâm sâu và cả sự lo lắng và hớt hải của ba. Ba vội ôm tôi vào lòng vỗ về an ủi. Tôi thấy mình như đứa trẻ lên ba vừa được ba dỗ dành. Sau một hồi tôi cũng nín và nuốt ngược nước mắt vào trong nói với ba rằng tôi ổn để ba bớt lo lắng. Tôi cố gắng thuyết phục bác sĩ và cả ba xuất viện sớm. Phần vì chi phí phần vì công việc của ba. Hôm sau, tôi xuất viện và việc đầu tiên tôi làm là chở ba đi ngắm thành phố Huế, đi biển - nơi mà tôi đang sống, rồi sau đó dẫn đi mua cho ba bộ đồ bằng tiền mà tôi làm thêm dành dụm được. Tôi biết chắc chắn ba không chịu nên đã dẫn theo nhỏ bạn cùng phòng thuyết phục ba, cuối cùng ba cũng chịu chọn lấy 1 chiếc quần rẻ nhất trong số đống đồ tôi lựa.
Sức khoẻ tôi dần hồi phục, tôi đi học lại và dặn ba ở trọ đừng đi đâu vì sợ ba đi lạc. Cả buổi học tôi chỉ nôn nao mong cho hết tiết để về chơi với ba vì chiều ba về lại nhà. Tôi bước vào phòng thấy cơm canh sẵn sàng, cái mùi vị bữa cơm nhà hơn nửa năm rồi tôi chưa cảm nhận lại. Ba kêu tôi và nhỏ bạn cất cặp thay đồ rồi ăn cơm. Tôi đứng ngẩn ngơ ở cửa và ước gì giây phút này dừng ở đây mãi. Ba lấy cặp sau lưng tôi rồi vỗ vỗ:
- Không đói hay sao mà đứng im đây? Nhanh lên chứ nguội hết giờ!
Tôi giật mình và nhanh chân vào mâm cơm. Xong bữa cơm tôi chở ba ra bến xe để bắt xe khách về nhà. Dọc đường ba dặn dò tôi đủ thứ nào là ăn đúng giờ, nhớ uống thuốc, rồi cố gắng ngủ sớm, làm thêm thì sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, có gì ấm ức thì gọi về kể ba chứ đừng giấu... Tôi rơm rớm nước mắt như ngày nhỏ mỗi lần ba đi làm xa. Tôi bịn rịn nhưng cũng mạnh mẽ nói với ba rằng con đã khoẻ và tự lo cho bản thân được nên ba yên tâm. Trước lúc lên xe ba ôm nhẹ và thủ thỉ vào tai tôi:
- Ba có để tiền vào trong túi áo khoác xanh của con, về nhớ lấy ra mà mua đồ ăn uống cho mau khoẻ bệnh nghe. Ba còn nhiều tiền lắm nên con yên tâm. Bí mật nghe đừng để má biết!
Tôi vừa chảy nước mắt vừa phì cười vì tôi biết trước giờ tiền ba đều đưa má để lo chuyện gia đình chứ có bao giờ giữ lại làm riêng. Cùng lắm là xin má lại vài chục để mua thuốc hút. Tôi cười hỏi:
- Tiền đâu ba có mà cho con đây?
- Ba bỏ thuốc lá rồi. Đó là tiền mỗi tháng ba mua thuốc lá, giờ bỏ rồi nên dành dụm lại cho con.
Tiếng ba xa dần. Tôi chết lặng đến run người vì sự vô tâm. Ba ngày qua ở với mình ba không hề hút thuốc, ấy vậy mà tôi không hề nhận ra.Tôi muốn khóc thật lớn nhưng có cái gì đó nghẹn ở cổ. Tôi muốn chạy theo con xe để chặn lại và nói với ba rằng con cảm ơn ba rất nhiều. Nhưng tất cả chỉ là sự nghẹn ngào nhìn theo cái vẫy tay xa xa của ba qua khung cửa sổ.
Tôi về đến trọ bằng cách nào tôi không hề hay biết. Chỉ biết việc đầu tiên tôi bước vào phòng là lấy chiếc áo ba nói khi nãy ra để xem. Đúng thật là có tiền và cả bức thư ba viết vội nhét vào túi áo. Mắt tôi nhoè đi, dòng chữ rõ đẹp của ba nhưng tôi không thể nào đọc được. Không đọc được vì nước mắt dàn dụa, không đọc được vì nấc, vì nghẹn, vì hạnh phúc, vì thấy có lỗi với ba. Cái điều mà sau này đoạn lớn lên tôi hiểu rằng ai cũng sẽ có một thói quen nào đó để che lấp đi những góc tối của mình, đối với ba có lẽ là hút thuốc. Cái thói quen mà ngày nhỏ tôi luôn bu theo ba chỉ lảm nhảm câu: “Ba ơi! Ba bỏ thuốc lá đi, ba mà hút nữa là ba không sống miết miết với con được đâu đó!” Ấy vậy mà sau khi tôi hiểu được, chấp nhận được thì ba lại bỏ nó vì chỉ muốn dành dụm cho tôi một số tiền tiêu vặt.
Tôi hiểu rằng: Điều gì cũng có thể từ bỏ nếu sự từ bỏ đó có ý nghĩa. Ba tôi cũng vậy. Chỉ có điều mãi tôi vẫn chưa bao giờ tự tin đứng trước mặt ba và nói:
- Cảm ơn ba đã là ba của con, cảm ơn ba đã giành cho đứa con này tất cả những gì ba có. Và nếu có kiếp sau, con vẫn xin được làm con gái của ba để mua món ăn mà ba thích, dẫn ba má đi chơi, và nói rằng: ba đừng vì con mà thay đổi bất kỳ một thói quen nào nữa ba nhé!
© Hảo Hảo ( Lượm) - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
Mong Bạn Sẽ Luôn Kiên Cường Với Cuộc Sống Này | Radio Tâm Sự
Phản hồi của độc giả
Xem thêm

Những mảnh ký ức (Phần 7)
Mẹ cáu vì tôi bướng và ngang ngạnh nên cứ thế cầm cả cái chổi quật, tôi thì lỳ nhất định không xin. Cứ thế mẹ quật nát cả cái chổi, còn tôi bỏ ăn lên trốn trên gác thượng hờn dỗi và nức nở…

Những mảnh ký ức (Phần 6)
Tiếng bù lu bù loa láo loạn cả giấc trưa. Bà Bình sang từng nhà gọi, kết quả là băng đảng tan rã, tình cảm sứt mẻ, cả hôm sau đó chúng tôi phải ở trong nhà cấm không được đi đâu chơi. Tôi và con Nguyệt đáng nhẽ thoát, nhưng Thọ đen lại khai ra có cả tôi trong vụ đó nữa. Thật đáng buồn!

Những mảnh ký ức (Phần 5)
Chính vì bọn nhỏ trong xóm đông đúc thế, cùng với đám đàn anh vô cùng láu cá, nghịch ngợm, mà mùa hè nào đối với chúng tôi cũng đều là một khoảng thời gian tuyệt vời, đầy ắp những chuyến phiêu lưu đáng nhớ.

Em còn rất nhiều ngày hạnh phúc
Em gật đầu, vậy là từ đó em thân với lũ trẻ đó nhiều hơn, và không hiểu sao em càng tin lời của dì em nói, em còn nhỏ lắm em sẽ còn có rất nhiều ngày hạnh phúc ở phía trước, rất nhiều ngày hạnh phúc đang chờ em.

Mừng Đảng quang vinh - mừng xuân đất nước
Từ những nỗi đau mất mát, chúng ta đã đứng dậy, mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chính những khó khăn, thử thách đó lại càng làm cho mỗi người dân chúng ta thêm phần gắn kết, yêu thương và sẻ chia.

Những mảnh ký ức (Phần 4)
Một cách duy nhất để được ăn phở đó là “bị ốm”, phải được ốm, không ăn được gì thì sẽ được ăn phở. Thế là trưa nắng thay vì trông thóc, bọn tôi lăn ra phơi người để được ốm và cũng được ốm thật!

Bữa cơm gia đình
Câu hỏi ấy đặt ra với tất cả chúng ta chứ không phải riêng một bất kỳ ai. Xa nhà để phát triển bản thân, ở gần người thân gia đình nhưng vì mối quan hệ xã hội mà ta níu kéo giữ gìn rồi quên đi bữa cơm gia đình, có đáng hay không?

Tết xa quê
Nhớ cha nhớ mẹ mấy lần Mái tranh cũ rích lắm phần xác xơ Giao thừa pháo nổ hững hờ Bếp hồng nơi đó bơ vơ một mình

Những ngày giáp tết
Người quê tôi, vốn hiền hòa, chấc phác trong cuộc sống đời thường, khi xuân về lại càng trở nên dịu dàng và thân thương đến lạ. Từ trẻ tới già lúc này với vẻ mặt thật hân hoan, nụ cười trên môi thì luôn tươi như hoa nở. Tay bắt, mặt mừng đón chào thăm hỏi khi thấy người đi xa mới về.

Lặng lẽ chiều xuân
Chiều nay lặng lẽ bên thềm Ngàn hoa hé nở êm đềm tỏa hương Bếp chiều quyện khói hay sương Chút gì như vấn như vương lòng người.