Phát thanh xúc cảm của bạn !

Blog Radio 724: Chỉ tình yêu ở lại

2021-10-02 00:05

Tác giả: Hoài Hương Giọng đọc: Hà Diễm, Sand

Bạn thân mến! Covid càn quét qua nước ta khiến nhiều thành phố như rơi vào trầm cảm, mọi thứ như hóa thạch, đóng băng. Khi Covid qua đi, nó cũng lấy đi rất nhiều thứ, mà thứ quý giá nhất là hàng chục nghìn sinh mạng. Duy chỉ còn tình yêu là ở lại. Trong Blog Radio tuần này, mời bạn lắng nghe:

Truyện ngắn: Covid đi qua, tình yêu ở lại (được gửi đến từ Hoài Hương)

1.

“Mình chia tay nha anh?” Cô nhấn nút send gần như không phải ngập ngừng hay đắn đo, không có icon nào kèm theo như thường ở các tin nhắn của cô.

“Lý do?” Ngay lập tức rất gọn, anh reply, cũng không có icon nào.

“Gần hai tháng rồi. Không hẹn hò. Không sex. Em thấy vô vị.”

“Không lẽ chỉ vì thế?”

“Ừ, em không biết nữa, cảm giác xa anh mà không nhớ, thậm chí em còn không có miligram ghen nào. Hôm qua nhìn thấy trên FB hình anh chụp với một cô gái lạ hoắc xinh đẹp.”

“À, là cô em bà con gọi má anh bằng dì. Vì thế em ghen?”

“Không phải. Chính vì không ghen, nên em mới quyết định chia tay.”

Cô và anh là đôi tình nhân mà những ai quen biết họ đều khen là một “perfect match”- mảnh ghép hoàn hảo. Anh là một nam thần của giới IT, làm việc trong một tập đoàn phần mềm ở Khu Công nghệ cao Thành phố. Còn cô là một MC xinh đẹp và tài năng. Cả hai đều là idol giới trẻ, có Facebook tích xanh với hàng trăm lượt follows. Có một ngày, cô và anh va vào nhau tình cờ trong một sự kiện giới thiệu game mới của công ty anh mà cô được mời làm MC. Yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên, họ thành một cặp đôi trai tài gái sắc được ngưỡng mộ.

Gần ba năm, cô và anh hình như chưa có khi nào xa nhau quá một tuần. Nếu cô đi công tác xa thành phố, thì kiểu gì anh cũng tìm cách đến nơi cô đang có sự kiện chỉ sau cô vài ngày. Nếu là anh đi tỉnh xa hoàn thành dự án, thì khó mấy anh cũng sắp xếp để có cô cùng đi.

Tháng tư năm ngoái, khi bệnh dịch lướt qua thành phố với hai tuần giãn cách xã hội, các sự kiện văn hóa tạm dừng, anh làm việc online tại nhà, và cô đã có hai tuần 24/24 bên anh. Trong lúc anh làm việc, thì cô loay hoay nấu nướng các kiểu trong gian bếp thơm lừng. Hình như đàn ông ai cũng bị chinh phục từ cái bao tử và cô muốn trổ tài để chinh phục anh, cô đã vẽ ra một không khí gia đình thật ấm áp.

blogradio_chitinhyeuolai

2.

Tháng tư năm 2021, tưởng như Việt Nam đã chế ngực được Covid-19, nên vào dịp nghỉ lễ, hàng triệu người nườm nượp kéo nhau đi du lịch. Người lên rừng, người xuống biển, người du đồng bằng, người du cao nguyên, từng dòng người như cuốn trong ma trận của những bãi biển cát gió nắng, những thung lũng mờ ảo sương lam khói biếc, những biệt thự mini xinh xắn ẩn hiện trong rừng cây, những đền chùa miếu mạo linh thiêng miền đất thánh…

Và rồi, một tai họa giáng xuống sau khi người ta đã xem thường sức tàn phà của Covid-19, nó hả hê hung hăng càn quét từ Bắc vào Nam. Sau một thời gian tung hoành miền Bắc thì nó vượt dãy Trường Sơn lan tỏa độc dược, yw như bom nhiệt hạch, bao trùm cả thành phố xinh đẹp, rực rỡ phồn hoa bậc nhất nước ta.

Giãn cách lần một, rồi lần hai, rồi lần ba, tới lần bốn, lần năm... Thành phố rơi vào trầm cảm bởi những con số mỗi ngày tăng lên đến hàng bốn chữ số, phố như hóa thạch. Người thành phố nhìn nhau chỉ bằng ánh mắt đượm buồn, có chút hoang mang, thấp thoáng âu lo. Mỗi khi nghe tiếng còi xe cứu thương thúc hối như xé gió lao trên đường hướng ngược ra ngoại thành, tim cứ đập thon thót, chỉ biết nhắm mắt nguyện cầu cho mọi bình an. Từ một đến hai đến ba và cho tới khi con số mười sáu bệnh viện dã chiến, có cố bình tĩnh cũng thật khó, cảm giác nhiều mất mát, bao tươi đẹp phồn thịnh của thành phố như tuột dần dần khỏi tay, hanh hao xao xác đến tận tâm can.

Lần thứ nhất giãn cách, cô cảm thấy thích thú vì thêm một lần được ở bên anh 24/24 như năm ngoái. Cô lại chơi trò nấu ăn ban ngày cùng anh với mỗi bữa là một mỹ vị vừa lạ miệng vừa hấp dẫn, và ban đêm là trò chơi tình ái của hai người. Một tuần trôi qua, hình như có một điều gì đó đang rạn nứt trong cô, chưa định hình rõ ràng, cô cảm thấy chống chếnh, chơi vơi, cảm hứng mỗi ngày như hao hụt chút ít, vị mặn vị ngọt đã có chút nhạt phai, một sự rạn vỡ âm thầm...

Không biết có phải vì anh khi ngồi ăn sáng, thay vì tận tâm thưởng thức món ăn cô làm, thì vừa ăn vừa đọc to tin tức từ chiếc iPad những số ca dương tính, F0, F1, rồi truy vết nơi này nơi kia, rồi khu nhà kia phong tỏa, khu phố nọ chăng dây… Miếng bánh ngọt trong miệng cô bỗng đắng nghét. Không biết có phải vì anh có thể ngồi cả giờ đồng hồ chỉ để xem những clip mà nguồn gốc đáng nghi ngờ về độ xác thực, quay những cảnh rất ngược tâm, bi thương, rồi ca cẩm lo lắng, càm ràm, sợ khu nhà mình ở liệu có bị chăng dây, liệu hàng xóm mình cùng tầng có phải F, rồi mình có giống như bị cầm nhốt, cứ đi tới đi lui trong căn phòng, bực tức giận dữ ném cái này, vứt cái kia… Cô uống nước cũng mắc nghẹn.

Không biết có phải anh nhiều lúc cứ bần thần ngồi cả buổi trước màn hình laptop, cầm con chuột di lên di xuống để so sánh, đắn đo giữa các loại vaccine Covid của Mỹ, Nga, Nhật, Trung…, rồi sau đó lại thở ngắn thở dài thắc mắc: Tại sao công ty chưa cho nhân viên chích ngừa, mà không biết nếu chích thì loại nào, có được thứ tốt nhất không, chích rồi có làm sao không…, rồi bỏ bữa trưa mà cô đã để tâm nắn nót từng miếng thịt, từng lá rau, từng lát củ, nằm lăn qua lăn lại rền rĩ như sắp tận thế… Cô chán!

3.

Lên mạng xem, cô chú ý tới dòng tin đăng ký Tình nguyện viên của Thành Đoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố. Bỗng dưng bao nhiêu ký ức hồi sinh như ngày hôm qua vừa mới, khi cô là sinh viên đi làm tình nguyện “Mùa hè xanh”, câu hát “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay….”, trong ca khúc “Khát vọng tuổi trẻ”- Vũ Hoàng, cứ vang vang trong đầu cô. Ừ, không lẽ mình lại để trôi những ngày này, ngồi trong nhà phí hoài thời gian mà không làm điều gì thật ý nghĩa cho thành phố, cho cộng đồng.

Cô phục lắm MC Quỳnh, một “chị Đại” của làng MC, giờ là thủ lĩnh của nhóm tình nguyện viên toàn trong giới showbiz Việt, xông pha khắp nơi, điều động tình nguyện viên đến các điểm nóng, kêu gọi các Mạnh Thường quân giúp đỡ các bữa ăn ở bệnh viện dã chiến, quyên góp giúp những người vô gia cư… Cô xem clip hình ảnh hoa hậu người Tây Nguyên, trang phục giản dị, đi dép lê, nhanh nhẹn bốc từng gói đồ chất lên thùng nhựa gắn trên xe máy, chở thực phẩm tiếp tế cho người dân ở khu vực phong tỏa, cách ly. Á hậu Hoàng đội mưa khi hỗ trợ người dân lấy mẫu xét nghiệm. Á hậu Thủy phía sau tấm kính chống giọt bắn, lớp khẩu trang dày, mồ hôi đổ ra như tắm khi hướng dẫn người dân tiêm vaccine Covid-19. Hay cô ca sĩ Phương còn tự tay cắt tóc, ca hát để động viên tinh thần y bác sĩ, bệnh nhân tại các bệnh viện dã chiến… Đặc biệt là CEO của một công ty sự kiện cảm xúc, mà cô quen biết, tên Thùy, xinh đẹp và thường ngày như một công chúa quý phái sang cả, nay cũng làm tình nguyện viên, không nề hà vất vả, lăn xả vào những công việc cực nhọc và đầy nguy hiểm như giúp điều phối người dân test virus Corona - Covid ở các khu dân cư có nguy cơ lây nhiễm cao, giúp dọn dẹp vệ sinh các khu cách ly…

Từ hôm trở về nhà, cô thấy rõ ràng cuộc sống của mình đang có vấn đề. Ở gần bên anh nhiều, hình như cô đang mất dần năng lượng. Anh không thắc mắc vì sao cô đột ngột bỏ đi, và xem như chỉ chốc lát là họ lại ăn trưa hay hẹn ăn tối cùng nhau như ngày chưa có giãn cách. Vẫn gửi tin nhắn, vẫn livestream cho cô, đêm đêm hai người vẫn nấu cháo điện thoại, thậm chí chat video, nhưng cô có cảm giác một ba-ri-e đang giăng ra giữa anh và cô. Trong suốt nhiều cuộc chuyện trò, anh vẫn cứ loay hoay hốt hoảng với ý nghĩ sợ mình sẽ dính F phải đi cách ly, anh phàn nàn khu nhà anh ở nhiều người không tự giác tuân thủ quy định giãn cách của thành phố. Anh thắc mắc vì sao chưa được chích vaccine. Anh phân vân chích loại nào thì an toàn…

- Anh có xem thông tin các tình nguyện viên giới showbiz Việt ở thành phố?

- Anh không rảnh với những trò này. Họ làm màu. Họ làm để lăng-xê bản thân. Có gì lạ giới showbiz…

- Thùy CEO Emotion cũng tham gia đó anh.

-  Ừ. Vài ngày lại bỏ thôi

-  Không, Thùy tham gia cả tháng rồi. Em cũng định đăng ký.

- Em có thần kinh không? Đang yên đang lành đi để lây nhiễm F à. Em có cần phải PR thế không?

Anh bỗng dưng quát cô trong điện thoại. Cô nghe mà hụt hẫng. Không lẽ dịch bệnh đã tẩy não nam thần của cô, để anh đang từ một người sống rất tích cực, một KOL của giới trẻ thành phố, sao giờ nhu nhược đầy âu lo sợ hãi và tư duy có phần yếm thế bi quan như một ai khác. Một sự vụn vỡ. Cô buồn!

4.

Cô được nhận vào đội tình nguyện viên phản ứng nhanh của Hội Liên hiệp Thanh niên Thành phố, cùng một group gần trăm văn nghệ sĩ, luôn sẵn sàng có mặt bất kể giờ nào được gọi, thực hiện những nhiệm vụ được giao một cách trách nhiệm và hoàn thành tốt. Cô như một cái cây hoa đang bị héo được tưới tắm, công việc tình nguyện mang đến cho cô nhiều năng lượng, để cô có cảm giác mình đang được refresh, làm mới bản thân.

Đã thật lâu, không biết từ khi nào cô không thể dậy trước 8 giờ sáng, vậy mà giờ đây, sáng nào 4 giờ cô đã có mặt ở Văn phòng Thành Đoàn, cùng các thành viên trong group chuẩn bị 500-1000 suất ăn sáng, mang đến các bệnh viện dã chiến trong thành phố phục vụ y bác sĩ. Rồi sau đó là những cuộc di chuyển tốc độ đến các điểm dược chỉ định. Có hôm giúp điều phối test tầm soát “dương tính” Covid-19, có hôm đi giúp các bếp ăn từ thiện phát cơm hộp cho những người lao động nghèo đang đứt bữa.

Group được Sở Văn hóa Thề thao thành phố đề nghị tổ chức một show văn nghệ mini ở các bệnh viện dã chiến, nâng tình thần các bệnh nhân F ở đây, khích lệ động viên họ ráng vượt qua những thời khắc thương khó này. Một buổi biểu diễn đầy cảm xúc, khi sân bệnh viện là sàn diễn rộng mênh mông, khán phòng là mấy dãy nhà cao tầng, trong đó có 10.000 bệnh nhân cách ly. Cô nhớ, sau đêm diễn, ánh đèn từ điện thoại di động vẫn sáng, tạo một cảnh tượng lấp lánh rực rỡ ở các tòa nhà như một ấn ký niềm tin vào ngày mai sẽ trở về nhà thật bình an khỏa mạnh. Kỷ niệm show làm MC có lẽ suốt đời cô khó quên.

Một cuộc gặp gỡ bất ngờ, mà với cô không biết có phải là định mệnh hay chỉ là tình cờ và sẽ qua đi như bao nhiêu cuộc gặp gỡ bất chợt khác. Một tuần liền cô được phân công mang suất ăn sáng đến bệnh viện dã chiến trung tâm. Không thể biết ai là ai, vì tất cả các bác sĩ, y tá ở đây đều trùm kín trang phục y tế bảo hộ, ngay cả ánh mắt cũng hiếm hoi vì bị lấp sau tấm kính màng chắn giọt bắn, chỉ cảm nhận từ họ lời cảm ơn bằng cách ra dấu tay hình trái tim và ấp tay lên ngực trái.

Nhưng có một sáng, khi cô đang một mình xếp suất ăn ra bàn, có linh cảm ai đó đang nhìn mình. Ngước lên, bắt gặp một gương mặt rất đàn ông, cô vấp vào nụ cười thân thiện, một đôi mắt sáng lấp lánh, một dáng vóc khỏe mạnh. Anh đang đứng ở cửa, chăm chú nhìn cô xếp các hộp đồ ăn lên bàn. Ồ, có lẽ anh vào ăn sáng. Cô mỉm cười ra dấu đợi chút xíu bằng một cử chỉ như bắn tim bằng hai ngón tay, anh có ý hiểu gật đầu. Cô nhanh chóng hoàn thành công việc và đi ra cửa, một chớp nhoáng khi lướt nhanh qua, cô kịp đọc tên trên tấm thẻ anh đeo trước ngực, và khi anh tránh một bên vô tình xoay lưng lại, cô thấy sau lưng áo blue của anh viết hai hàng chữ màu xanh blue: “Covid qua đi - Tình yêu ở lại”. Cô buột miệng đọc thành tiếng. Rồi cũng không hiều sao, cô tự dưng nói nhanh: “Em chào bác sĩ. Tên em là Diệu Hoàng. Nick FB, Zalo, Viber, Instagram đều dùng tên thật”. Có một sự rung động không hề nhỏ trong cô.

Tối đó, khi về nhà, ngay lập tức cô bật laptop vào Google tìm tên anh. Cô không khỏi ngạc nhiên. Một tiến sĩ y khoa tài năng, chỉ mới ngoài 30 tuổi, đặc biệt nổi bật khi có mặt trong vị trí tiên phong xuôi Nam ngược Bắc ở các tâm dịch, điểm nóng suốt từ hai năm nay. Anh còn độc thân và nổi danh trong giới với nhiều công trình nghiên cứu có giá trị. Cô đọc nghiến ngấu những bài báo viết về vị bác sĩ tiến sĩ trẻ này, khâm phục tinh thần Hyppocrates. Cô vào trang mạng xã hội của anh, thích thú khi thấy đây là một bác sĩ trẻ nhiều cá tính, đặc biệt thích nhạc cổ điển, thích đọc sách văn học, thích vẽ tranh. Ngay lập tức cô follow, và gửi lời yêu cầu kết bạn.

***

Một quãng ngắn vài chục phút thời gian trong ngày được nghỉ ngơi, khác với mọi lần, bác sĩ Minh không lăn vào giấc ngủ nhanh. Hình ảnh cô gái tình nguyện viên gặp chớp nhoáng ở phòng ăn sáng nay có chút gì đọng lại trong trái tim vị bác sĩ trẻ, có một nhịp tim hơi lạc. Không dừng được, Minh lấy chiếc điện thoại và dò tìm. Vừa đánh tên cô gái, Minh không khỏi thốt lên “ồ”, khi thấy cô là một MC khá nổi tiếng với lưu lượng follower cả trăm ngàn. Bỗng một nỗi buồn vu vơ len lỏi khi thấy bên cạnh cô còn gắn với hình ảnh một nam thần giới IT mà Minh cũng biết tên. Ngày hôm sau, thoáng một khoảnh khắc, Minh có ý trông chờ nhóm tình nguyện viên, mơ hồ mong gặp lại cô gái có cái tên đặc biệt.

5.

Ngày thứ 56, thành phố bước vào đợt giãn cách xã hội thứ 5 ở cấp độ cao CT16+ với rất nhiều quy định cấm ngặt. Lại thêm từ 18 giờ chiều hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau giới nghiêm, không được ra khỏi nhà trừ phi có chuyện khẩn cấp… Dịch bệnh Covid-19 với chủng Delta hoành hành bá đạo, con số với 4 chữ số hàng ngày mỗi sáng mai gần như khủng bố tinh thần cộng đồng đến hoang mang, vậy mà vẫn chưa biết đầu là “đỉnh” để hy vọng một sự lui binh dần dần của Covid.

Cô vẫn tích cực trong group tình nguyện viên văn nghệ sĩ phản ứng nhanh, hàng ngày tham gia các công việc thiện nguyện. Bẵng đi cả tuần, cô làm nhiệm vụ ở địa điểm khác. Và cũng không hiều sao, cô lại thường chú ý phía sau lưng các y bác sĩ ở những nơi cô đến, những tấm lưng ướt đẫm mô hôi dính bết vào bộ đồ bảo hộ trong suốt màu xanh lơ, hay màu trắng, nhưng không thấy có ai viết chữ trên áo. Trong cô có chút mong được phân công đến bệnh viện dã chiến trung tâm. Cô muốn được gặp bác sĩ Minh, cô nhớ, dù cô và bác sĩ Minh đã kịp add nick kết bạn với nhau, nhưng họ chưa nói gì với nhau nhiều. Bác sĩ bận ngày đêm với những ca bệnh nặng, cô hiểu. Còn bác sĩ Minh có mấy lần định viết gì đó gửi đến cô nhưng lại ngại ngần, lờ mờ bóng ảnh một nam thần IT chắn ngang…

Trưa 12 giờ, nghe trung tâm nhắn tin cần tình nguyện viên mang cơm đến bệnh viện dã chiến trung tâm gấp. Cô vội nhấn “ok”, chỉ sợ người khác tranh mất. Thế rồi lập tức lên xe gắn máy phóng nhanh tới Thành Đoàn. Cô khấp khởi vui, hình dung ra mình sẽ có thể gặp được bác sĩ Minh. Ừ, 10 ngày rồi kể từ lần gặp gỡ đầu tiên, sao cô lại mong kỳ lạ, muốn gặp lại người bác sĩ trẻ này. Cái hàng chữ sau lưng áo anh như một hấp lực. Không biết anh ấy viết vậy là có ý gì, với ai, những con chữ đầy ám ảnh. Cô đã bỏ hàng giờ lội ngược các status trong FB của anh, và còn đọc từng cái comment, hình như không có comment nào chứa ẩn ý tình cảm riêng tư. Có cảm giác anh thật cô đơn, cô đơn trong nghiên cứu khoa học, cô đơn trong hành trình đi du học từ bác sĩ nội trú lên đến Tiến sĩ, và cô đơn trong cuộc sống riêng. Không thấy anh nhắc tới gia đình, không thấy anh nói gì về tình yêu, dù nhạc anh nghe có rất nhiều bản tình ca, sách anh đọc có cả ngôn tình, tranh anh vẽ, cho dù là tĩnh vật, vẫn toát lên sự ấm áp của tình yêu. Cô đã hình dung không biết mấy lần trong tưởng tượng cuộc gặp với anh, không lần nào giống lần nào.

Cô cùng mấy thành viên khi tới được bệnh viện đã quá trưa. Hành lang dẫn đến phòng ăn vắng tanh, chỉ có một y công đang lau chùi gì đó. Nhưng ở mé mấy dãy nhà bên cách chừng vài chục bước chân, không khí ngược lại, bóng những chiếc áo bảo hộ qua lại liên tục, cùng những tiếng y lệnh ngắn gọn, gấp gáp. Hình như đang có cùng lúc mấy ca trở nặng, và các y bác sĩ không cần biết gì ngoài việc phải cấp cứu ngay, chậm một chút là có thể bệnh nhân ngưng thở vĩnh viễn. Cô không thể biết trong số những bóng áo trắng kia ai là bác sĩ Minh, cô lại cố tìm bằng cách nhìn vào lưng áo, lớp áo bảo hộ như dính chặt vào người và mờ hơi nước.

Quyết định chờ thêm chút nữa, với hy vọng không mấy chắc được gặp bác sĩ Minh trong tình hình này, cô lấy lý do đợi hỏi bác sĩ Giám đốc xem có cần hỗ trợ gì thêm cho các y bác sĩ ở đây, để cô về báo cáo. Nhưng rồi, cho tới 3 giờ chiều, khi những hộp cơm đã nguội ngắt, cũng chỉ lác đác vài tốp y bác sĩ tới lấy cơm ăn vội ăn vàng, ăn khi vẫn trùm bộ áo bảo hộ, chỉ lột cái nón ra sau, tuột khẩu trang xuống cằm. Cô kín đáo quan sát, gần như họ không nhai mà nuốt nhanh, cứ vài muổng cơm là uống miếng nước, như để trôi cho nhanh, một bữa ăn mà cô cảm giác hình như chỉ mất 2-3 phút. Trước khi đi, họ đưa mắt nhìn cô gật đầu nhẹ cảm ơn. Trong cô bỗng nghèn nghẹn thương. Chắc bác sĩ Minh cũng thế, bận cứu chữa bệnh nhân không còn cả thời gian ăn mà có ăn thì cũng chỉ là làm cho đầy cái bao tử. Tự dưng cô xót, và trào dâng niềm cảm mến vị bác sĩ chỉ mới gặp một lần.

Cô liên tưởng đến những hình ảnh mà mấy tháng nay cô thường được chứng kiến, những hình ảnh các y bác sĩ trong bệnh viện dã chiến, trong các khu cách ly lo cứu chữa bệnh nhân, không phải con số trăm, mà là con số ngàn, chục ngàn mỗi ngày. Với họ, không phải ngày 24 giờ mà là ngày có 36 giờ, 48 giờ, không ăn không ngủ, thậm chí không cả uống nước. Như một cuộc chiến cam go và nghiệt ngã, phải chạy đua với Thần Chết, giành giật từng hơi thở, từng nhịp đập trái tim. Các y bác sĩ không chỉ kiên cường trụ vững mà còn là chỗ bám víu, nương tựa, để tin tưởng, để hy vọng sống của bệnh nhân. Cho dù mệt như thế, lao lực đến thế, nhưng nhìn vào ánh mắt họ vẫn lấp lánh sự ấm áp, thân thiện, chan chứa những yêu thương, thấy cả một trời yên ả, thấy như được ve vuốt vỗ về: “Rồi sẽ ổn thôi”, như một khích lệ động viên “Gắng lên!”.

***

Nửa khuya, bác sĩ Minh mới về phòng riêng của mình nằm trên tầng lầu 9 bệnh viện. Anh trút bỏ bộ đồ bảo hộ ướt đẫm, và thay cả bộ quần áo bên trong giờ cũng sũng nước. Gần như anh đã liên tục làm việc trong phòng bệnh nhân nặng hơn 30 giờ đồng hồ. Ngắm bức tranh treo trên tường anh đã vẽ trong một ngày đầy tuyết lạnh khi du học ở Anh, bức tranh vẽ trên nền màu lam lạnh lẽo, một cái thân cây đơn độc, gốc to xù xì, trụi lơ trụi lốc, sát ngọn có một cành non tơ mềm mại uốn mình rủ xuống những chùm lá xanh biếc, và như vô tình những chiếc lá nằm gọn trong mặt trăng rằm, tạo thành vầng sáng. Một cảm giác thư giãn xâm chiếm toàn thân thật dễ chịu.

Đưa mắt nhìn sang bên, cái áo vừa thay ra vắt trên thành ghế, lấp ló hàng chữ. Hình như tim lỗi một nhịp. Hình ảnh cô gái có cái tên như hậu duệ hoàng tộc chợt ùa đến, có một sự ấm áp kỳ lạ. Minh lấy điện thoại. Trong phần hình ảnh không còn bóng dáng nam thần IT. Anh tự dưng cảm thấy vui vui. Bất giác phác nụ cười. Minh gõ vài chữ…, và mạnh dạn dứt khoát nhấn nút send.

***

Điện thoại của cô có tiếng nhạc báo hiệu tin nhắn. Tim cô bỗng đập loạn xa. Cô đã cài giai điệu chuông báo riêng số điện thoại của bác sĩ Minh, khúc nhạc đầu bản “For Elise” của Beethoven. Hồi hộp vội mở xem.

Một dòng rất ngắn: “Covid qua đi - Tình yêu ở lại”...

Bạn vừa lắng nghe truyện ngắn Covid đi qua, tình yêu ở lại của tác giả Hoài Hương. Hãy để lại bình luận cảm nhận của bạn nhé. Chương trình được thực hiện bởi Hằng Nga, thiết kế Hương Giang, với các giọng đọc Hà Diễm và Sand. Chương trình được cập nhật hàng tuần tại kênh Blog Radio. Cảm ơn bạn đã quan tâm theo dõi. Xin tạm biệt và hẹn gặp lại.

Truyện ngắn: Covid đi qua, tình yêu ở lại

Tác giả: Hoài Hương

Giọng đọc: Hà Diễm, Sand

Thực hiện: Hằng Nga

Thiết kế: Hương Giang

Xem thêm:

Hoài Hương

Nhà văn, nhà báo, Hội viên Hội Nhà văn TPHCM từ năm 2001

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

 Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Ngày hôm đó chúng ta đã nói sẽ luôn nhớ tới nhau, sẽ giữ trọn vẹn trong tim mối tình của năm tháng ấy. Nhưng anh biết không, mỗi người chúng ta ai rồi cũng đều khác, lời hứa năm đó cũng chỉ là tên gọi khác của lời tạm biệt mà thôi.

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Dây xích sắt trượt dài trên thanh chắn cửa, rít lên một tràng âm thanh chói tai, kết thúc bằng tiếng đáp đất nặng trịch. Trời lặng gió, áng mây vắt ngang qua ngọn cây, trong đêm tối không trăng không sao, chiếc lồng đèn cũ phủ một lớp bụi mỏng

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Mưa rơi, làm hình bóng anh trong mắt cô mờ đi, gương mặt điển trai sau màn mưa trắng chẳng rõ đang vui hay buồn. Mưa vẫn không ngừng xối lên thân ảnh liu xiu của anh, lớp áo sơ mi trắng dính vào da lộ ra vết sẹo dài chạy dọc theo cánh tay khẳng khiu.

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn chính là chủ nhân của cuộc đời mình. Tương lai ra sao, do bạn định đoạt. Đừng để năm tháng trôi qua, trong bạn chỉ toàn là tiếc nuối.”

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Đôi khi, sự ra đi của người khác là lí do để ta nhìn lại mình. Nhìn lại những gì mà bản thân đã cư xử. Có phải vì ta chưa đủ trưởng thành? Có phải vì ta vẫn còn quá cảm xúc và bi kịch hoá mọi thứ?

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy tận hưởng điều đó. Độc thân không có nghĩa là chưa đủ tốt để yêu. Độc thân nghĩa là chưa có ai đủ tốt để được bạn yêu.

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Muốn ngắm bình minh, phải dậy thật sớm. Muốn tạm biệt ngày tàn, phải vẫy chào hoàng hôn. Hạnh phúc của mình nên tự mình nắm lấy...

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Một giấc mơ dang dở dấy lên trong lòng tôi một sự hiếu kỳ với dáng vẻ của hạnh phúc. Nếu bước qua lằn ranh giữa quá khứ và hiện tại, tôi sẽ thấy được điều, có phải kết cục sẽ vẹn tròn hơn không.

Hôn lễ của em | Blog Radio 901

Hôn lễ của em | Blog Radio 901

Bên trong ai cũng có một vài vết thương, có kẻ biến vết thương thành một sự hiểu biết. Có người lại biến vết thương thành một nguyên nhân, sinh ra một vết thương mới đau hơn…

Em như ánh sao trời | Blog Radio 900

Em như ánh sao trời | Blog Radio 900

Không có một tình yêu nào là vĩnh hằng cũng chẳng có lời hứa nào gọi là mãi mãi, chỉ là con người ta thích tin vào những điều đó chỉ là nhất thời để rồi một đời đợi chờ.

back to top