Những vết thương mà mắt thường không thể thấy
2021-09-16 09:32
Tác giả: Quỳnh Hương Không Buồn Giọng đọc: Bạch Dương
Bạn thân mến! Trầm cảm là một căn bệnh mà người ngoài rất khó để thấu hiểu nếu như chưa từng trải qua. Người bị trầm cảm cũng không thể giải thích cho người ngoài hiểu rằng tại sao họ không cảm thấy hài lòng, hạnh phúc với cuộc sống hiện tại. Trong Radio Tâm sự của Blog Radio tuần này, mời bạn đến với chia sẻ của bạn Quỳnh Hương không buồn với tựa đề Những vết thương mà mắt thường không thể thấy.
Cô ấy nói với tôi, cô ấy bị thương. Tôi tá hỏa kiểm tra cô ấy, vậy mà không thấy một vết thương nào. Khi nhìn lại đôi mắt của cô ấy, tôi mới hiểu ra bị thương mà cô ấy nói là thế nào.
Có ai từng cảm thấy bất lực trước những người xung quanh mình không?
Có ai muốn giúp gì đó khi chứng kiến những điều xảy ra với một người bạn trầm cảm nhưng lại không có cách nào không?
Có ai phải trơ mắt mình người mà mình yêu quý chết dần chết mòn mỗi ngày không?
Đôi mắt của cô ấy mất đi sức sống. Tôi không tìm thấy ánh sáng trong vầng sao ấy. Ngọn lửa hi vọng đã tắt ngấm. Cô ấy bật cười khi thấy tôi hành động ngờ nghệch, nhưng nụ cười của cô ấy vô hồn như một chiếc máy…
Đối mặt với người trầm cảm, những người khác thường nghĩ: “Có gì đâu mà phải trầm cảm, áp lực của tôi còn lớn hơn bao nhiêu lần, tôi vẫn tiến về phía trước đấy thôi.” Hoặc họ trách móc: “Tại sao không vui vẻ lên? Tại sao không cố gắng nỗ lực? Tại sao lại làm ảnh hưởng tới tâm trạng của người khác?”
Khi một người trầm cảm tự sát, những người khác lại nghĩ: “Đúng là dại dột. Đúng là ích kỷ. Người chết rồi làm khổ người sống.”
Có ai thắc mắc vì sao không?
Đối với chúng ta mà nói, trầm cảm chưa được nhận thức là một căn bệnh nguy hiểm. Nó không giết người bệnh nhanh như như ung thư hay những khối u ác tính. Nó cũng không khiến người bệnh chảy máu, đau đớn rên rỉ rằng: “Ôi, trầm cảm đau quá.” Nó chỉ là một vết thương không thấy máu thôi. Ai mà biết được vết thương ấy cũng đang giết bạn mình, con mình từ bên trong?
Chứng trầm cảm bị người ta gạt đi và giải thích rằng chẳng qua người bệnh đang buồn hoặc làm bộ. Họ thốt ra những lời lẽ lạnh lùng kiểu như: “Có vậy thôi mà cũng kêu trầm cảm.”, “Bằng tuổi mày tao lăn lộn khổ sở, thế hệ chúng mày sướng như vậy mà cũng kêu trầm cảm.” Họ không bao giờ muốn thừa nhận bản thân đã từng bước đẩy một người trầm cảm đến đường cùng khiến cô ấy/anh ấy phải tự sát.
Bởi vì trầm cảm là một vết thương không thấy máu, nên nó bị xem nhẹ. Bởi vì người trầm cảm thường thích che giấu nỗi đau của mình, nên chẳng ai bận tâm. Người trầm cảm luôn tỏ ra u uất ư? Không. Có thể người đang cố gắng cười thật tươi mỗi ngày bên cạnh bạn đang bị trầm cảm mà bạn không biết. Nụ cười của họ có thật sự là vui vẻ không? Họ nghĩ gì khi pha trò chọc cười người khác?
Tôi nhìn cô ấy mỗi ngày đều tỏ ra hài hước và mạnh mẽ, mọi người đều ngưỡng mộ tại sao cô ấy lại vui vẻ như vậy mà thấy bất lực. Mọi người còn ngưỡng mộ cô ấy có một gia đình tâm lý, luôn yêu thương và bao bọc cô ấy. Tôi cũng từng nghĩ vậy cho đến khi cô ấy bất ngờ bật khóc mà nói với tôi: “Tao không chịu được nữa rồi.”
Cô ấy vẫn luôn rất ưu tú, có thành tích học tập tốt, có người mẹ nhiệt tình và thân thiện, có được sự yêu quý của rất nhiều người. Nhưng đằng sau lớp vỏ bọc ấy hóa ra lại là cả một thế giới nội tâm đang gào khóc và giãy giụa. Cô ấy không muốn ưu tú như vậy. Chỉ là mẹ cô ấy mỗi ngày đều nói: ”Nếu mày học dốt thì mất mặt tao lắm”, mặt khác lại khắp nơi khoe khoang việc cô ấy xuất sắc như thế nào.
Cô ấy từng muốn theo đuổi đam mê, từng tin tưởng và hi vọng rằng bố mẹ sẽ chắp cánh cho ước mơ của mình, vậy mà thứ cô ấy nhận lại là lời hứa vô thưởng vô phạt, sau đó lại bị gạt phăng và không thực hiện của bố mẹ cô ấy. Họ nói: “Cứ học đi, chỉ cần học giỏi thì muốn làm gì cũng được.” Nhưng khi cô ấy nhắc lại về đam mê của mình, những lời hứa đã biến mất một cách thần kỳ. Dần dà, cô ấy không còn tin vào những lời hứa ấy nữa, thậm chí mất đi cả niềm tin với xã hội ngoài kia. Ngay cả người thân còn không giữ lời hứa với cô ấy, bên ngoài kia liệu có ai thật thà với cô ấy đây?
Người ngoài cũng thường khen mẹ cô ấy tâm lý, khéo léo và cưng chiều cô ấy. Ai biết được sau những bài đăng ngọt ngào thắm thiết, sau những lời kể giả lả về cách dạy con nhẹ hàng là những cơn đay nghiến, mắng nhiếc, xúc phạm nặng nề đổ xuống cô ấy? Chỉ là một lỗi nhỏ, cô ấy có thể bị mắng là “loại vô dụng”, “loại mày không được tích sự gì”, “loại mày không làm được gì cho đời”. Chỉ là một lần tranh luận và nói lên quan điểm cá nhân, cô ấy trở thành “loại mất dạy”, “loại bất hiếu”, “tao nuôi mày ăn học để bây giờ mày cãi lại tao đúng không”. Cô ấy vẫn còn nhớ cái tát đau điếng và chết lặng, cùng với vết hằn từ chiếc dép mà mẹ cô ấy cầm trong tay. Chỉ là một lần cô ấy không được danh hiệu học sinh giỏi, cô ấy bị ép ở nhà lao động giữa trời nắng hè, không được đến trường. Khi đó cô ấy mới chỉ là cô bé chưa đầy 13 tuổi.
Vào thời điểm tâm sinh lý của cô ấy phát triển, người ở bên cạnh quan tâm cô ấy lại không phải người sinh ra cô ấy. Thậm chí cô bé vị thành niên lúc đó còn một thân một mình ngồi ở phòng khách trông coi căn nhà nghỉ đến tận hơn 10 giờ đêm, nơi mà những người đàn ông lái xe tải thường xuyên dừng chân nghỉ ngơi hoặc những tên đàn ông bỉ ổi đi vào phát tiết, còn người gọi là “bố mẹ” của cô ấy lúc đó đang vô tư nhậu nhẹt, hát hò với bạn bè bên ngoài. Ngay cả khi đó cô ấy từng bị một gã khách thuê phòng quấy rối tình dục, cô ấy cũng không dám nói ra. Cho đến bây giờ, chỉ cần nghĩ đến về nhà, cô ấy lại ước mình có thể ở lại phòng trọ lâu hơn. Vì cô ấy biết, chỉ cần về nhà, cô ấy sẽ tiếp tục phải nghe những lời lẽ khiến mình bị tổn thương mà mẹ cô ấy bao biện rằng đó là dạy dỗ.
Cho đến bây giờ, tình cảm và hy vọng đối với gia đình đã cạn kiệt. Trong lòng cô ấy, bố mẹ chỉ là người đã chu cấp cho cô ấy những năm qua, dùng lời lẽ nặng nề làm tổn thương trái tim của cô ấy, biến cô ấy thành một người khiếp nhược, tự ti và trầm cảm.
Cô ấy luôn cảm thấy bản thân không có lối thoát. Cô ấy luôn muốn chạy trốn thực tại. Nhiều lúc cô ấy chỉ ước bản thân có thể ngủ mãi không tỉnh, không phải nhìn xã hội điên đảo bên ngoài, không phải nghe những lời mẹ mắng nhiếc. Cuộc sống trong mắt cô ấy chỉ toàn dối trá, lừa lọc, bạc bẽo. Ngay cả khi bị đá bởi gã bạn trai lăng nhăng, cô ấy cũng cảm thấy mình đã mất đi nơi bám víu tinh thần duy nhất mà muốn tự tử. Chỉ là lần đó cô ấy tự tử không thành.
Lần này, cô ấy lại tiếp tục rơi xuống vực sâu không đáy, nhấn chìm mình trong biển tiêu cực. Tôi biết cô ấy tuyệt vọng. Tôi biết cô ấy kiệt sức. Tôi biết cô ấy đang dần tiến tới mép vực. Nhưng tôi không thể làm gì. Bạn nghĩ rằng chỉ bằng lời khuyên nhủ và khích lệ của tôi có thể giúp cô ấy ư? Bạn nghĩ rằng vòng ôm của tôi có thể sưởi ấm cô ấy ư? Không. Cô ấy cần bác sĩ tâm lý. Nhưng ai đưa cô ấy đi? Ai là người giúp cô ấy chi trả? Trong khi cô ấy còn chưa thể tự chủ về kinh tế? Quay đi quay lại vẫn là một vòng luẩn quẩn, cô ấy không thể thoát ra, không thể tự cứu chữa. Sợ rằng một ngày cô ấy sẽ ngã xuống trước khi có thể tự cứu lấy mình.
Có lẽ cái ôm vỗ về của tôi có thể níu cô ấy lại thế giới này một chút nữa. Có lẽ sự yêu thương và dịu dàng của xã hội có thể níu cô ấy thêm chút nữa. Có lẽ sự hiểu biết và quan tâm sẽ níu những người trầm cảm lại thêm chút nữa, giúp họ đón nhận hơi ấm và tìm thấy chút ánh sáng trong đường hầm.
Nhưng xã hội có lẽ quá lạnh lùng để hiểu được điều đó...
Bài viết: Những vết thương mà mắt thường không thể thấy
Tác giả: Quỳnh Hương Không Buồn
Giọng đọc: Bạch Dương
Thực hiện: Hằng Nga
Thiết kế: Hương Giang
Xem thêm video:
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho chúng ta
Những đau đớn hằn vết trong trái tim anh đều do em cả. Em không mong mình sẽ là người khâu vá lỗ hỏng ấy, chỉ mong anh hãy quên em và đừng yêu em thêm nữa. Tình yêu này không nên tồn tại. Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho cả hai chúng ta.
Trả Lại Anh Cho Cô Gái Khác | Radio Tâm Sự
Sau chia tay, có ai không bi luỵ lẫn tổn thương… chẳng qua chúng ta chỉ khác nhau ở thời gian chữa lành mà thôi. Có người cần một tháng, có người cần một năm, có người cần thời gian đủ lâu và có kẻ chấp nhận dùng cả một đời để học cách quên đi một người.
Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909
Ngày hôm đó chúng ta đã nói sẽ luôn nhớ tới nhau, sẽ giữ trọn vẹn trong tim mối tình của năm tháng ấy. Nhưng anh biết không, mỗi người chúng ta ai rồi cũng đều khác, lời hứa năm đó cũng chỉ là tên gọi khác của lời tạm biệt mà thôi.
Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908
Dây xích sắt trượt dài trên thanh chắn cửa, rít lên một tràng âm thanh chói tai, kết thúc bằng tiếng đáp đất nặng trịch. Trời lặng gió, áng mây vắt ngang qua ngọn cây, trong đêm tối không trăng không sao, chiếc lồng đèn cũ phủ một lớp bụi mỏng
Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907
Mưa rơi, làm hình bóng anh trong mắt cô mờ đi, gương mặt điển trai sau màn mưa trắng chẳng rõ đang vui hay buồn. Mưa vẫn không ngừng xối lên thân ảnh liu xiu của anh, lớp áo sơ mi trắng dính vào da lộ ra vết sẹo dài chạy dọc theo cánh tay khẳng khiu.
Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906
Bạn chính là chủ nhân của cuộc đời mình. Tương lai ra sao, do bạn định đoạt. Đừng để năm tháng trôi qua, trong bạn chỉ toàn là tiếc nuối.”
Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905
Đôi khi, sự ra đi của người khác là lí do để ta nhìn lại mình. Nhìn lại những gì mà bản thân đã cư xử. Có phải vì ta chưa đủ trưởng thành? Có phải vì ta vẫn còn quá cảm xúc và bi kịch hoá mọi thứ?
Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904
Nếu bạn độc thân, hãy tận hưởng điều đó. Độc thân không có nghĩa là chưa đủ tốt để yêu. Độc thân nghĩa là chưa có ai đủ tốt để được bạn yêu.
Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903
Muốn ngắm bình minh, phải dậy thật sớm. Muốn tạm biệt ngày tàn, phải vẫy chào hoàng hôn. Hạnh phúc của mình nên tự mình nắm lấy...
Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902
Một giấc mơ dang dở dấy lên trong lòng tôi một sự hiếu kỳ với dáng vẻ của hạnh phúc. Nếu bước qua lằn ranh giữa quá khứ và hiện tại, tôi sẽ thấy được điều, có phải kết cục sẽ vẹn tròn hơn không.