Blog Radio 675: Khi những kẻ cô đơn chạm vào nhau
2020-10-17 00:05
Tác giả: Nguyễn Thị Loan Giọng đọc: Titi, Sand
Khi còn trẻ, chúng ta cứ nghĩ rằng có những tổn thương khiến bản thân gục ngã, không cách nào gượng dậy nổi. Sau khi đã trải qua đủ những thăng trầm của cuộc sống mới nhận ra chẳng nỗi đau nào là không thể vượt qua. Người ta không chỉ sống tiếp mà còn sống mạnh mẽ hơn. Rồi một ngày trên đường đời lênh đênh chìm nổi, ta bỗng va phải một kẻ cô đơn giống như mình. Hóa ra, mình không phải là người khổ nhất, càng không phải là người duy nhất cô đơn trên cuộc đời này. Khi hai kẻ cô đơn chạm vào nhau, liệu có thể sưởi ấm trái tim nhau?
Truyện ngắn: Càng giữ chặt càng thêm đau (Phần 1)
Tháng bảy, trời đã vào hè. Cái nóng hầm hập hắt thẳng vào mặt khiến tôi khó chịu. Vừa dựng chân chống xe bước vào quán trà sữa, tôi thở hắt nhìn một hàng dài những người giống tôi - những shipper đang kiên nhẫn chờ tới lượt. Nắng nóng, người ta ngại ra đường nên những đơn hàng tôi nhận được nhiều hơn, cũng khiến cho thời gian tôi trở về chùa ngày một muộn. Đai Bi Tự - ngôi chùa nhỏ nằm ven con sông Đào ngoại ô thành phố - đúng như tên gọi, đã từ bi dang tay bao bọc chị em tôi trong những năm tháng đen tối nhất của cuộc đời.
Năm tôi mười bảy tuổi, cha tôi phá sản. Cơ nghiệp bao năm gây dựng sụp đổ trong nháy mắt, ngôi nhà tôi sống bị lục lọi, vơ vét, đập phá đến tan hoang. Những gì đáng tiền đều bị lấy đi hết, nhưng vẫn không đủ trả cho khoản nợ khổng lồ. Bố tôi bỏ đi biệt tích, còn lại ba mẹ con tôi ngày ngày ôm nhau khóc trong ngôi nhà đã không còn gì nguyên ven, trong tiếng đập phá, chửi rủa của những người chủ nợ.
Một ngày mưa tầm tã, nước con sông Đào dâng lên đục ngàu màu sỏi cát, tôi ôm em gái đứng chết lặng dưới chân cầu, nhìn người ta đắp chiếc chiếu cũng đã ướt sũng lên thân hình lạnh ngắt của mẹ. Ngày sau đó, tôi ôm đứa em gái mới tròn một tuổi ngủ say trong tay đứng vô hồn bên quan tài của mẹ. Chôn cất mẹ xong, tôi bế em lững thững bước đến bờ sông, nhìn xuống dòng nước lạnh lẽo đang thờ ơ chảy. Tuyệt vọng, đau khổ thi nhau cắn nuốt tâm hồn và trí óc, tôi tiến dần vào làn nước lúc nào không hay biết. Chỉ khi tiếng khóc xé lòng của em tôi cất lên, khi tôi bị kéo giật lại bởi đôi bàn tay nhăn nheo đã lốm đốm vết đồi mồi của vị trụ trì già, tôi mới sực tỉnh.
Ngày hôm ấy, tôi òa khóc như một đứa trẻ bị bỏ rơi, bơ vơ, sợ hãi đến tột cùng, khóc như thể bản thân có thể cũng tan ra thành nước mắt. Sau tiếng thở dài “ A di đà Phật” của sư thầy, tôi ôm em vào chùa sống. Tôi nghỉ học, ngày ngày đến tịnh đường nghe tiếng kinh, tiếng mõ, tập tĩnh tâm, cố gắng xếp lại những giông bão vào góc sâu nhất trong lòng. Bố mẹ tôi không còn, ông bà đã mất từ lâu, họ hàng thân thích cũng quay lưng ngay từ khi biết tin bố tôi phá sản. Hai chị em tôi có người thân mà chẳng khác cô nhi, chỉ đành sống dựa vào lòng nhân từ của trụ trì và hai bà sãi tuổi đã xế chiều. Ở trong chùa được hơn một tháng, sư thầy gọi tôi lại, đưa cho tôi một phong bì nặng trĩu, rồi nhìn thật sâu vào trong mắt tôi:
- Con có muốn đi học trở lại không?
Tôi ngỡ ngàng, rồi quỳ gối úp mặt vào tay thầy mà khóc. Ngày xưa khi còn là tiểu thư giàu có, tôi ghét đi học bao nhiêu thì bây giờ khi chỉ còn tay trắng, tôi mới nhận ra, hóa ra có những điều là bình thường của người này lại là ước mơ xa xỉ của người khác. Sư thầy xin cho tôi chuyển khỏi ngôi trường tư thục đắt đỏ, chuyển sang một trường cấp ba khác với mức học phí thấp hơn nhiều lần. Ban ngày tôi đi học, về chùa tranh thủ vừa học vừa trông em. Có lẽ đứa em bé dại của tôi còn nhỏ mà sớm thân biết phận nên ngoan ngoãn vô cùng. Thỉnh thoảng ngày rằm, mùng một có khách viếng chùa, họ lại cho em tôi ít bỉm, ít sữa hoặc dúi cho tôi vài đồng bạc lẻ bảo mua sữa cho em. Tôi chẳng từ chối, vì khi đã đến tận cùng của sự nghèo khó và đau khổ thì tự ái hay sĩ diễn sẽ chẳng có tác dụng gì.
Đến dịp nghỉ hè, tôi xin sư thầy đi làm thêm. Phục vụ bàn, phụ bếp, bán quần áo vỉa hè, thậm chí là bốc vác, tôi chẳng chê việc gì. Chỉ cần kiếm ra tiền để phụ vào học phí và mua bỉm sữa, quần áo cho em gái là tôi làm. Đêm về, tôi chong đèn ngồi học ngoại ngữ, kiên nhẫn nghe đi nghe lại hàng chục lần những bài đọc phát ra từ chiếc đài cát xét đã cũ mèm mua lại của đứa bạn cùng lớp, tỉ mẩn chép lại những công thức, những từ mới.
Tích cóp mãi mới đủ tiền mua một bộ máy tính để bàn đã cũ, tôi cặm cụi học đủ thứ: tôi học vẽ tranh, tôi học làm đồ handmade. Ngày chủ nhật tôi đưa em gái lên bờ hồ, ngồi bán những món đổ thủ công tự làm. Được cái, con bé cũng ngoan, ngồi yên tĩnh trong xe đẩy, chỉ giơ đôi mắt to tròn nhìn chị làm việc. Người đi đường nhìn con bé đáng yêu, cũng lại mua cho tôi nhiều hơn.
Tốt nghiệp cấp ba, tôi tranh thủ nhận một chân shipper, chở đủ mọi thứ hàng người ta yêu cầu, từ đồ ăn thức uống cho đến quần áo, giày dép. Ngày nắng cũng như ngày mưa, tôi không dám nghỉ ngày nào, thậm chí chạy mười mấy tầng nhà để giao vì người ta ngại xuống lấy, chỉ sợ người ta bom hàng là em tôi đói. Ròng rã mấy năm trời, kể cả khi tôi học đại học, tất nhiên vẫn là trường đại học có mức học phí thấp nhất, tôi lượn lách khắp thành phố trên chiếc xe máy cà tàng mà người ta tặng lại cho sư thầy.
Ngồi nghĩ vẩn vơ, cũng đến lượt tôi order: ba ly trà sữa, một ly cà phê đen , bốn suất cơm tấm, địa chỉ ở tòa cao ốc cách quán này ba con phố. Tôi nhìn đồng hồ, chỉ còn chưa đầy mười lăm phút nữa là phải giao tới nơi. Quệt vội giọt mồ hôi, tôi xách đồ xếp vào cái thùng giữ nhiệt sau yên xe rồi nổ máy. Len lách giữa dòng xe, thật may là đến kịp lúc.
Đang định móc điện thoại ra gọi cho người đặt hàng, chợt một chiếc xe ô tô dừng ngay trước mặt tôi. Cánh cửa xe bật mở, một cô gái xinh đẹp bước xuống trước. Tôi nheo nheo mắt trong cái nắng gay gắt của của tháng bảy, đang ngờ ngợ dường như đã gặp cô gái này ở đâu, thi cô ấy đã cất tiếng trước :
- Ô, ngạc nhiên thế! Hôm nay lại gặp được Vy tiểu thư của lớp 10A ngày xưa này. Tớ tưởng cậu đi du học rồi, sao giờ lại ở đây làm shipper thế này?
Tôi nghiêng đầu, lặng lẽ lục lại trong trí nhớ xem người đang nói chuyện với mình là ai. Mãi không nhớ ra, tôi hơi áy náy hỏi:
- Xin lỗi, tôi quen bạn sao?
Gương mặt xinh xắn trang điểm cẩn thận trước mắt tôi đang mỉm cười, bỗng nhiên cau lại, bàn tay trắng trẻo vươn lên, ngón tay được vẽ móng đính đá cầu kì run run chỉ vào tôi, hình như là đang tức giận:
- Cậu… cậu…
Tôi cũng lười không để ý nữa, quan trọng bây giờ là giao đồ và nhận tiền. Tôi còn vài đơn nữa đang chờ giao, không nên chậm trễ. Tôi móc điện thoại, bấm số gọi cho người đặt:
- Xin chào, đồ ăn của anh đã được giao đến, mời anh xuống nhận.
Tôi không nghe thấy tiếng trả lời, chỉ nghe “tút..tút..” một hồi. Đầu dây bên kia đã dập máy. Đang hoang mang tưởng bị bom hàng, một người con trai từ trên xe đã bước xuống đứng trước mặt tôi:
- Của tôi hết bao nhiêu?
Tôi sững lại. Là Tuấn, cậu bạn lớp trưởng lớp cũ ngày xưa tôi từng thích đơn phương, dùng đủ mọi cách để theo đuổi. Ngày ấy cậu ta ghét tôi lắm, vừa học dốt, vừa lười lại còn hay trốn học. Tôi cái gì cũng tệ, chỉ mỗi việc đeo bám cậu ta là giỏi nhất, đến mức cậu ta phát phiền. Thật không ngờ, ngày hôm nay lại gặp nhau trong tình huống này. Tôi ngẩng đầu, nhìn cậu ta thản nhiên nói:
- Của anh tổng cộng hết bốn trăm sáu mươi nghìn.
Tôi thấy Tuấn nhìn tôi hơi ngạc nhiên, vừa lúc một giọng nói khác vang lên bên cạnh:
- Thôi để em trả cho, anh vừa mới về nước.
Tôi nhìn qua, lại là người quen. Trinh, cô bạn lớp phó - tình địch ngày xưa của tôi. Ngày trước, tôi cá biệt, xấu tính bao nhiêu thì Trinh đối lập bấy nhiêu. Vừa xinh, vừa hiền lại học giỏi. Thầy cô thấy tôi thì lắc đầu, còn thấy Trinh thì vui tươi hớn hở. Tôi chép miệng, sao hôm nay gặp toàn người quen thế. Trinh thấy tôi liền nở nụ cười thân thiện:
- Không ngờ gặp cậu ở đây. Cậu dạo này thế nào, làm gì rồi?
- Tôi đang làm shipper, như cậu thấy. Xin hỏi bây giờ là cậu hay cậu kia trả tiền? Tôi còn mấy đơn nữa đang chờ giao.
Trinh nhanh nhẹn rút ví, dúi tiền vào tay tôi:
- Đây mình gửi cậu năm trăm, cậu không cần trả lại tiền thừa đâu. Nắng nôi giao hàng vất vả, coi như là tiền tip đi.
Tôi khẽ gật đầu:
- Cảm ơn, vậy tôi không khách khí. Chúc các cậu ngon miệng.
Nói rồi tôi trèo lên xe nổ máy. Đang định vít ga phóng đi, chợt Trinh gọi với theo:
- Vy, khoan đã
Tôi ngoái lại, khó hiểu. Chẳng lẽ muốn đòi lại bốn chục vừa típ cho tôi à? Trinh thấy tôi nhăn nhó bèn tiếp lời:
- Thứ bảy này lớp mình họp lớp, cậu đến dự nhé?
Tôi lắc đầu. Đi hợp lớp vừa tốn thời gian, lại tốn tiền. Thiệt đơn thiệt kép như vậy tốt nhất là từ chối. Cô bạn gái vừa nãy tôi không nhớ tên thấy tôi lắc đầu bèn lên tiếng:
- Cậu sợ xấu hổ hả? Cũng đúng thôi, tiểu thư giàu có ngày xưa giờ đi làm shipper thì làm sao dám xuất hiện trước mặt mọi người?
Tôi lắc đầu, phun ra mấy chữ “Lãng phí tiền” rồi phóng xe đi, cũng lười để ý đằng sau mấy người kia nói gì. Không nhanh là lại không kịp giao đồ cho người kế tiếp.
Tôi về đến chùa khi đồng hồ đã chỉ đến con số mười. Bà sãi ra mở cửa cho tôi vừa xuýt xoa lo tôi về muộn, vừa lo lắng kể, sư thầy lại ốm. Tôi về phòng cất đồ, ngắm em gái tôi đang say ngủ một lúc, rồi đi đến gian sư thầy nằm. Vừa đẩy cửa bước vào, tôi đã nghe thấy tiếng ho khùng khục vang lên không dứt. Tôi bước vội lại giường, khẽ nắm đôi bàn tay nhăn nheo đã đầy vết đồi mồi. Bàn tay này, năm năm trước đã níu tôi ở lại, cũng cho tôi một mái ấm để tôi có chốn quay về. Tôi hỏi khẽ:
- Bạch thầy, người thấy thế nào?
Sư thầy mở mắt, nhìn tôi âu yếm:
- Con về rồi à. Sau đừng về muộn thế nữa, nguy hiểm lắm.
- Thầy đừng lo cho con. Thầy uống thuốc chưa? Mai con đưa thầy đi viện khám.
Sư thầy lắc đầu, bảo tôi:
- Bệnh tuổi già thôi con, không cần phải vào viện. Cứ mặc thầy, mấy hôm nữa là khỏi.
Lòng tôi thắt lại. Trên đời này, ngoài em gái tôi ra sư thầy là người tôi quan tâm nhất. Tôi sợ lắm, nếu một ngày thầy bỏ chị em chúng tôi lại. Cảm giác sợ hãi đến ám ảnh khi mẹ tôi mất đến giờ vẫn đeo bám tôi mỗi đêm khiến tôi giật mình tỉnh giấc. Có lẽ thấy tôi lo lắng, thầy đặt bàn tay lên đầu tôi xoa nhẹ:
- Nay con đi xin việc đúng không? Thế nào rồi?
- Bạch thầy, con xin vào làm lễ tân cho một khách sạn trong phố rồi. Ông chủ là người nước ngoài, mức lương cũng ổn. Nhưng…
- Nhưng sao?
- Bạch thầy, em gái con năm nay vào lớp 1 rồi, con cũng đã tìm được việc. Con muốn ra ngoài sống. Ơn của thầy và các sư cô chị em con suốt đời không dám quên, nhưng con không thể nào cứ sống dựa vào lòng tốt của thầy và các sư cô mãi được.
Sư thầy nhìn tôi chăm chú, rồi mỉm cười gật đầu. Thầy nói khẽ:
- A di đà Phật. Thầy chúc các con mạnh khỏe bình an. Nếu lúc nào mệt mỏi quá, hãy quay về. Chùa luôn mở cửa chờ các con.
Sống mũi tôi cay cay, tôi lén chùi nước mắt , nhẹ giọng đáp lại:
- Bạch thầy, con cảm ơn người.
Thầy mỉm cười rổi trở mình nhắm mắt. Tôi bước nhẹ ra ngoài đóng cửa lại, phóng tầm mắt nhìn khắp sân chùa, ngắm từng góc nhỏ đã trở nên thân thuộc với tôi trong suốt năm năm. Giờ sắp ra đi, trong lòng không khỏi lưu luyến muốn khóc. Ngôi nhà thứ hai này đã cho tôi lại cuộc sống, sự tự tin, nhưng đã tới lúc tôi phải tự bước đi trên chính đôi chân của mình. Với tôi, đó mới là cách đền đáp tốt nhất với những người đã dang tay bảo bọc chị em tôi trong những năm tháng khó khăn nhất của cuộc đời.
Buổi sáng hôm sau, tôi xin nghỉ để đưa sư thầy đi khám. Thật may, bác sĩ khám xong nói sư thầy không bị gì nặng, chỉ bị cảm, uống thuốc và tĩnh dưỡng vài ngày là ổn. Đưa sư thầy về, tôi tranh thủ nộp hồ sơ nhập học cho em gái, con bé đã 6 tuổi, nhanh nhẹn, lém lỉnh nhưng rất nghe lời chị. Chỉ cần tôi không đồng ý điều gì, là con bé không bao giờ lặp lại hay đòi hỏi nữa. Điều này vừa khiến tôi vui, lại vừa khiến tôi đau lòng, vì lẽ gì, con bé mới tí tuổi đầu lại hiểu chuyện đến mức người ta phải xót xa.
Xong xuôi mọi việc, hai chị em tôi đi tìm nhà trọ. Loanh quanh suốt một buổi chiều cũng tìm được căn phòng tạm coi là ưng ý, tuy nhỏ nhưng gần chỗ tôi đi làm, lại tiện đường cho tôi đưa đón em đi học. Tuần sau chính thức đi làm, tôi vẫn còn thời gian chuyển đồ, trang hoàng lại căn phòng trọ của hai chị em. Chỉ là, mỗi lần nghĩ về chùa, tôi lại thấy cay cay nơi sống mũi.
Khách sạn tôi làm tên là “Alma Del Viento”, tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “ Linh hồn của Gió”. Chủ khách sạn là Joey, tôi quen cách đây nửa năm khi anh bị móc trộm chiếc điện thoại đắt tiền lúc đang lang thang trên phố cổ Tôi đuổi theo tên trộm, không phải vì muốn đóng vai anh hùng, mà vì hắn trong lúc vội vàng đã đạp nát hết đống đồ lưu niệm tôi dành cả đêm để làm, đã thế lại còn vào lúc chưa có ai mở hàng cho tôi nữa. Tôi chạy hết tốc lực, dùng hết bất mãn phi thẳng vào tên trộm làm hai đứa ngã thành một cục lăn tròn trên phố.
Joey đuổi kịp tới nơi, nhặt lại được điện thoại, còn tên trộm bị mấy người đi đường giữ lại. Joey muốn đưa tôi vào bệnh viện, nhưng tôi từ chối, chỉ nhất quyết đòi tiền đền bù từ tay tên trộm vặt. Chắc lúc ấy trông tôi giống một bà thím điên khùng lắm, nên tên trộm ngoan ngoãn móc tiền trả lại cho tôi. Joey kể, lúc nhìn tôi vui vẻ quay về dù một bên chân đang chảy máu, anh vừa tức vừa buồn cười. Joey đi theo tôi về lại sạp hàng tan hoang, đề nghị mua lại hết như một cách cảm ơn. Tôi lắc đầu, tiền tôi đã nhận lại đủ, hơn nữa mục đích của tôi ban đầu cũng không phải là giúp đỡ anh. Joey thấy vậy liền đặt tôi làm một số tranh thêu để treo trong khách sạn rồi rời đi với tấm card ghi địa chỉ cùng nụ cười rất ấm.
Sau hôm đó, chúng tôi trở thành bạn. Anh gọi tôi là Iris, nghĩa là hoa diên vĩ. Anh bảo tôi, diên vĩ là loài hoa rất đặc biệt, xinh đẹp, độc nhất và can đảm. Tôi bật cười, nói với anh, tôi không phải là hoa, mà là cây - một cái cây xương rồng mọc trên đất khô cằn và đầy gai góc. Joey không phản đối, chỉ cười. Anh kể với tôi, anh sang Việt Nam đã mười năm vì đi theo tiếng gọi của mối tình đầu - một cô gái Việt, dịu dàng, mong manh như cơn gió chớm thu. Chỉ tiếc là sau đó người ấy theo chồng, đánh rơi mối tình với Joey lại sau lưng, Joey không về nước mà ở lại nơi này, mở một khách sạn nhỏ mang phong cách biển Địa Trung Hải làm chốn dừng chân cho những con người thích lang thang như cơn gió. Anh bảo trót yêu vùng đất này rồi, yêu từng hàng cây, góc phố, yêu cả những cơn mưa đột ngột chợt đến, chợt đi nên chẳng nỡ rời xa. Mấy ngày trước, khi tôi giao đồ ship cho anh xong, đang chuẩn bị quay xe đi giữa cơn mưa tầm tã, Joey gọi tôi lại, đường đột hỏi :
- Iris, em về khách sạn anh làm nhé?
Tôi ngơ người một lúc, rồi quay ra nhìn con đường sũng nước trong cơn mưa chiều lạnh lẽo, lại nhìn vào đôi mắt nâu của Joey, đôi mắt hoang hoải cô đơn như cơn gió chiều đi lạc, bất giác gật đầu.
Tuần sau đó, tôi chính thức vào khách sạn của Joey làm việc. Tôi làm lễ tân đứng quầy, lịch sự nhã nhặn trả lời các câu hỏi của khách, thỉnh thoảng góp vui bằng những câu chuyện hài hước mà mình cóp nhặt được. Khách sạn của Joey không lớn, nhưng sự ấm áp toát ra từ những món đồ Joey tỉ mỉ lựa chọn, từ cách anh trang trí nội thất, từ nụ cười chân thành của anh đủ sức níu chân bất kì người lữ khách nào. Một buổi chiều mưa phùn, khi tôi đang lúi húi dọn dẹp lại bên trong quầy lễ tân, chợt trên đầu vang lên giọng nói với tone cao vút:
- Không có ai ở đây hay sao?
Tôi đứng dậy, hơi ngạc nhiên khi gặp lại Tuấn và Trinh, cùng cô bạn ngày trước tôi không nhớ rõ tên. Nhưng rất nhanh, tôi nở nụ cười chuyên nghiệp đón khách:
- Xin chào, tôi có thể giúp gì cho anh chị?
Tôi thoáng thấy nét ngạc nhiên trong mắt Tuấn và Trinh, còn cô bạn bên cạnh thấy tôi liền nhếch miệng cười :
- Ôi trời ơi. Trùng hợp thế, lại gặp lại bạn Vy. Không làm shipper nữa , giờ làm phục vụ trong khách sạn à?
Tôi vẫn mỉm cười, nhã nhặn hỏi lại:
- Xin hỏi, anh chị muốn thuê phòng ạ? Anh chị cần loại phòng nào? Ở trong bao nhiêu ngày ạ?
Hai người trước mặt chưa kịp trả lời, cô bạn bên cạnh đã giành nói:
- Tớ đã bảo mà. Khách sạn to không vào, cứ thích vào cái khách sạn rách này. Cậu xem, nhìn cái sảnh đã thấy nhà quê rồi. Thời nào rồi còn sơn tường màu vàng, rèm trắng, ghế xanh, lại bày thêm lọ phi yến tím sến rện nữa chứ!
Tôi vẫn giữ nụ cười công nghiệp, điềm đạm giải thích:
- Thưa chị, khách sạn chúng tôi được rate 5 sao trên các trang web đánh giá, nếu không tin chị có thể lên mạng search. Ngoài ra, tường màu vàng sáng, rèm trắng và ghế màu xanh biển là phong cách nội thất Địa Trung Hải. Còn lọ hoa màu tím chị chỉ, là hoa Lavender, tên tiếng Việt là hoa oải hương, không phải là phi yến ạ!
Tôi vừa dứt lời, một tiếng cười rất nhẹ bật ra từ Tuấn. Cô bạn tôi không nhớ tên mặt đỏ lên vì tức. Tuấn bước lại gần, hỏi tôi bằng giọng nói trầm trầm:
- Tôi muốn thuê phòng trong một tháng. Giá phòng ở khách sạn cậu như thế nào vậy?
Tôi rút từ bên dưới ra một tờ bảng giá, mỉm cười giới thiệu tỉ mỉ các mức phòng có trong khách sạn cùng các dịch vụ đi kèm. Tuấn nghe xong, chọn mức phòng ở mức vừa phải, cậu bảo, ở tạm một tháng nên không cần thiết phải chọn mức đắt nhất. Tôi nhanh chóng làm thủ tục check-in cho Tuấn, quay sang thấy hai người kia vẫn đứng đó, tôi bèn hỏi:
- Vậy còn hai bạn này, xin hỏi có thuê phòng không ?
Trinh lắc đầu nói khẽ:
- Không, tôi và Thanh đều có nhà ở đây rồi. Chỉ có anh ấy thuê phòng thôi.
À, thì ra cô bạn kia tên là Thanh. Hình như…có lẽ… chắc là… cô ấy học cùng lớp với tôi ngày xưa thật. Cậu phục vụ phòng hôm nay xin nghỉ, tôi nhờ cô bạn đồng nghiệp trông hộ quầy rồi đưa ba người họ lên nhận phòng. Tôi mở cửa, chỉ dẫn qua về các thiết bị bên trong, nghe phía đằng sau, Trinh ân cần dặn Tuấn:
- Anh đang bị viêm dạ dày, nhớ chú ý sức khỏe. không dược ham việc mà nhịn đói. Thuốc em để trong ngăn kéo, anh nhớ ăn xong là phải uống luôn nhé.
- Cám ơn em, anh biết rồi.
Tôi xong việc bèn bước ra ngoài trước. Vừa đi ngang qua, Thanh đã cà khịa:
- Thấy vợ chồng người ta tình cảm quá nên khó chịu hả?
- À. Tôi đi gọi thợ đến kiểm tra, Phòng này vốn chỉ có 5 cái bóng đèn, đủ sáng rồi, sao bỗng nhiên bây giờ tôi đếm lại thừa ra 1 cái nữa, thật sự, rất chói mắt.
Thanh nghe vậy, ngước nhìn khắp phòng, rồi như chợt nhận ra điều gì, lại chỉ vào tôi tức tối:
- Cậu… cậu nói ai là bóng đèn?
Tôi không trả lời, chỉ quay lại nhìn Tuấn nhắc:
- Giờ ăn tối là từ 6h30 đến 8h. Cậu có thể xuống phòng ăn của khách sạn hoặc đặt mang lên phòng. Nhưng nếu mang lên phòng, phiền cậu gọi điện trước 15 phút nhé.
Tuấn khẽ gật đầu, còn tôi bước xuống dưới làm tiếp công việc của mình. Nhìn đồng hồ, đã sắp tới giờ em gái tôi tan học. Hôm nay cậu phục vụ phòng nghỉ, tôi ở lại làm thêm vào buổi tối. Joey rất tốt bụng, anh đồng ý cho tôi mang em gái đến khách sạn mỗi khi tôi làm ca tối, hoặc khi em được nghỉ mà tôi vẫn phải đi làm, lại còn dành sẵn cho chị em tôi một căn phòng nhỏ ở dưới chân cầu thang. Con bé cũng quý Joey lắm, nó thích nghe anh kể chuyện về những vùng đất anh đã đi qua, những con người anh đã gặp, về những miền văn hóa khác biệt hẳn với mảnh đất này. Vừa bước xuống đến quầy lễ tân, tôi đã thấy Joey cầm cốc cà phê đứng đợi. Anh bảo tôi:
- Em ở đây đón khách, để anh đi đón em gái
Tôi gật đầu. Đã thành quen, những ngày mưa lớn Joey đều giành đi đón em gái tôi. Tôi ban đầu không đồng ý, nhưng câu nói và đôi mắt buồn da diết của anh khiến tôi chùn lại: “Anh sợ em đi rồi sẽ giống như bà ấy”. Bà ấy mà Joey nhắc, là mẹ anh. Cũng một ngày mưa lớn thế này, khi anh mười tuổi, bà ấy ra ngoài cùng lời hứa sẽ trở về. Nhưng Joey đợi, đợi suốt gần ba mươi năm rồi, thứ anh nhận về cũng chỉ là những giọt mưa ướt lạnh. Joey bảo tôi, dù vậy anh vẫn chờ, vì ngày mẹ anh ra đi, ánh mắt và vòng tay của bà dịu dàng quá đỗi, khiến anh nhớ thương và nuối tiếc. Tôi thở dài, trùng hợp làm sao, ngày mẹ tôi mất cũng là một ngày mưa lớn. Dường như số phận sắp xếp để tôi quen anh vì hai đứa tôi đều là những đứa trẻ lạc loài, bị bỏ rơi trong dòng đời cuộn xoáy.
Bạn vừa lắng nghe phần 1 của truyện ngắn Càng giữ chặt càng thêm đau của tác giả Nguyễn Thị Loan. Liệu những tháng ngày vất vả, Vy có tìm thấy bình yên bên Joey? Sự trở về của Tuấn liệu có làm thay đổi cuộc sống hiện tại của Vy? Mời bạn đón nghe phần 2 của truyện ngắn trong Blog Radio tuần sau.
Tác giả: Nguyễn Thị Loan
Giọng đọc: Titi, Sand
Thực hiện: Hằng Nga
Thiết kế: Hương Giang
Xem thêm: Dù em có quên anh
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho chúng ta
Những đau đớn hằn vết trong trái tim anh đều do em cả. Em không mong mình sẽ là người khâu vá lỗ hỏng ấy, chỉ mong anh hãy quên em và đừng yêu em thêm nữa. Tình yêu này không nên tồn tại. Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho cả hai chúng ta.
Trả Lại Anh Cho Cô Gái Khác | Radio Tâm Sự
Sau chia tay, có ai không bi luỵ lẫn tổn thương… chẳng qua chúng ta chỉ khác nhau ở thời gian chữa lành mà thôi. Có người cần một tháng, có người cần một năm, có người cần thời gian đủ lâu và có kẻ chấp nhận dùng cả một đời để học cách quên đi một người.
Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909
Ngày hôm đó chúng ta đã nói sẽ luôn nhớ tới nhau, sẽ giữ trọn vẹn trong tim mối tình của năm tháng ấy. Nhưng anh biết không, mỗi người chúng ta ai rồi cũng đều khác, lời hứa năm đó cũng chỉ là tên gọi khác của lời tạm biệt mà thôi.
Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908
Dây xích sắt trượt dài trên thanh chắn cửa, rít lên một tràng âm thanh chói tai, kết thúc bằng tiếng đáp đất nặng trịch. Trời lặng gió, áng mây vắt ngang qua ngọn cây, trong đêm tối không trăng không sao, chiếc lồng đèn cũ phủ một lớp bụi mỏng
Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907
Mưa rơi, làm hình bóng anh trong mắt cô mờ đi, gương mặt điển trai sau màn mưa trắng chẳng rõ đang vui hay buồn. Mưa vẫn không ngừng xối lên thân ảnh liu xiu của anh, lớp áo sơ mi trắng dính vào da lộ ra vết sẹo dài chạy dọc theo cánh tay khẳng khiu.
Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906
Bạn chính là chủ nhân của cuộc đời mình. Tương lai ra sao, do bạn định đoạt. Đừng để năm tháng trôi qua, trong bạn chỉ toàn là tiếc nuối.”
Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905
Đôi khi, sự ra đi của người khác là lí do để ta nhìn lại mình. Nhìn lại những gì mà bản thân đã cư xử. Có phải vì ta chưa đủ trưởng thành? Có phải vì ta vẫn còn quá cảm xúc và bi kịch hoá mọi thứ?
Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904
Nếu bạn độc thân, hãy tận hưởng điều đó. Độc thân không có nghĩa là chưa đủ tốt để yêu. Độc thân nghĩa là chưa có ai đủ tốt để được bạn yêu.
Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903
Muốn ngắm bình minh, phải dậy thật sớm. Muốn tạm biệt ngày tàn, phải vẫy chào hoàng hôn. Hạnh phúc của mình nên tự mình nắm lấy...
Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902
Một giấc mơ dang dở dấy lên trong lòng tôi một sự hiếu kỳ với dáng vẻ của hạnh phúc. Nếu bước qua lằn ranh giữa quá khứ và hiện tại, tôi sẽ thấy được điều, có phải kết cục sẽ vẹn tròn hơn không.