Trịnh Công Sơn – cảm ơn ông đã ghé qua cuộc đời này
2017-03-31 17:12
Tác giả:
Giọng đọc:
Tuấn Anh
Tháng tư có một ngày mà cả thế giới đều biết, đó chính là ngày cá tháng tư – ngày “quốc tế nói dối”. Nhưng ít ai biết rằng, tháng tư cũng có một ngày kỷ niệm đối với những người yêu nhạc Trịnh – ngày 1/4 là ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhân kỷ niệm 16 năm ngày mất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: 1/4/2001 – 1/4/2017, xin mời bạn lắng nghe cảm xúc âm nhạc với chủ đề Trịnh Công Sơn – cảm ơn ông đã ghé qua cuộc đời này. Đây là những dòng trải lòng của tác giả Bông Hồng Băng Giá – một người rất mến mộ Trịnh Công Sơn và những bài hát của ông.
Những chiều cuối tháng ba, tôi hay ngồi một mình bên tách cà phê. Nơi góc quán quen với những bản nhạc quen thuộc. Tôi đang cố tìm cho mình một tách cà phê hoàn hảo theo cách riêng, nghĩa là ngồi trong một quán cà phê yên tĩnh, nhẹ nhàng cùng với những bản nhạc đẹp của một người tri âm. Không biết tự bao giờ tôi lại có sở thích lạ lùng như vậy nữa…Hay có phải là từ khi tôi được đắm mình trong dòng suối êm đềm, không một chút vẩn đục mang tên “nhạc Trịnh” chăng?!
Là tôi với cái thuở nguyên sơ ban đầu ấy, bập bẹ hát “Ở trọ” một cách vô thức, ngây ngô đến lạ kỳ. Và khi lớn lên, ở cái tuổi 23 – cái tuổi không phải là quá trẻ và cũng vừa chớm để bắt đầu chiêm nghiệm về mọi thứ xảy ra quanh mình, tôi đã thực sự ngấm nó. Và cũng từ đó, nhạc Trịnh bắt đầu ngấm vào máu thịt tôi, gắn liền và không thể tách rời.

Ông và tôi – hai con người của hai thế hệ - một mái đầu bạc và một mái đầu xanh thế mà lại bắt gặp nhau giữa dòng đời xuôi ngược. Một mối nhân duyên giữa tâm hồn với tâm hồn.
Tôi có cảm giác con người Trịnh Công Sơn là một khối mâu thuẫn lớn. Ông vừa là ngưòi biết hưởng lạc vừa là người bi quan, sợ hãi. Vừa vô thần vừa hữu thần. Vừa minh triết vừa lạ lùng, thần bí. Ông yêu đời, yêu cuộc sống nhưng vẫn luôn ý thức về sự vận động của thời gian theo quy luật tạo hóa:
“ …Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi để một mai tôi về làm cát bụi…”
(Cát bụi - Trịnh Công Sơn).
Ông từng nói: “ Nỗi ám ảnh lớn nhất, đeo đẳng tôi từ thuở còn nhỏ cho đến sau này vẫn luôn luôn bị ám ảnh là cái chết. Sự sống và cái chết trở thành một vấn đề lớn trong đời sống tinh thần của tôi. Có lẽ suy cho cùng từ đâu mà ra cái suy nghĩ đó là do tôi quá yêu cuộc sống, sợ mất nó. Mất mát một cái gì đó mà mình từng có trong cuộc đời, đã từng đi qua và đã từng tìm thấy như tình yêu. Như cái gì đẹp nhất của cuộc sống sợ ngày nào sẽ mất đi. Sự mất mát và cái chết là nỗi ám ảnh lớn nhất đời tôi.”
Sự nhạy cảm về cái tính hữu hạn của cuộc đời đã thúc đẩy tâm hồn ông chạm được đến cõi vô thường.
Trịnh Công Sơn là người cô đơn, cái cô đơn của bản ngã “tự mình biết riêng mình và ta biết riêng ta”:
“…Chỉ có ta trong một đời
Chỉ có ta trong một thời…”
(Chỉ có ta trong một đời - Trịnh Công Sơn)
Ông cô đơn nhưng ông vẫn trải lòng ra với người, với đời và đón nhận sự cô đơn ấy một cách viên mãn. Cũng chính trong sự cô đơn ấy, Trịnh Công Sơn lắng nghe và cảm nhận được cuộc sống một cách rõ ràng và sắc nét hơn:
“Im lặng của đêm, tôi đang lắng nghe
Im lặng của ngày, tôi đang lắng nghe
Tôi đang lắng nghe, trái tim lạc loài
bao đêm đã qua, im lặng của người
tôi đang lắng nghe, im lặng của tôi…”
(Tôi đang lắng nghe - Trịnh Công Sơn)
Trịnh Công Sơn là người rất tài giỏi trong việc phát hiện và khai thác những ngôn ngữ sâu kín nhất của tình yêu. Lạc vào thế giới tình ca của ông mỗi người đều tự tìm được thấp thoáng hình ảnh tình yêu của mình trong đấy:
“Tình ngỡ đã quên đi,như lòng cố lạnh lùng.Người ngỡ đã xa xăm,bỗng về quá thênh thang…” (Tình nhớ - Trịnh Công Sơn).
Tình yêu trong nhạc Trịnh có đầy đủ mọi cung bậc của cảm xúc. Vui có, buồn có, thương có, nhớ có, giận hờn có, yêu thương có…Tình cờ đến, tình cờ đi, không một lời hứa hẹn, đến rồi đi thoảng như một cơn gió: “Không hẹn mà đến, không chờ mà đi…” (Bốn mùa thay lá - Trịnh Công Sơn). Tình yêu trong nhạc Trịnh có thể được ví như một bức tranh chấm phá với các mảng màu sáng tối đối lập mà hài hòa, có đậm có nhạt, có chính có phụ: “Yêu em yêu thêm tình phụ. Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ.”(Ru em - Trịnh Công Sơn).

Trong âm nhạc của ông tôi đặc biệt ấn tượng về những cơn mưa. Những cơn mưa đậm chất Huế. Có lẽ được sinh ra và ở Huế lúc còn nhỏ nên cố đô Huế thơ mộng bên dòng sông Hương lãng đãng sương khói đã ảnh hưởng đến ông không ít. Huế mang một vẻ đẹp trầm mặc như cổ thi. Và những cơn mưa trong những sáng tác của ông thấp thoáng ẩn hiện bóng hình những cô gái Huế đa tình, dịu dàng mà kín đáo. Không rực rỡ chói chang mà mặn mà đằm thắm, lắng vào chiều sâu. Những cơn mưa Huế như một sức hút vô hình, cuốn ta rời xa chốn đô thị phồn hoa ồn ào để hun hút theo làn mưa:
“Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sầu…”
(Diễm xưa - Trịnh Công Sơn)
Những cơn mưa dai dẳng, dai dẳng trong lòng người, dai dẳng trong lòng ông:
“Mưa lạnh lùng rơi rớt giữa đêm về…nghe não nề
Mưa kéo dài lê thê… những đêm khuya lạnh ướt mi.
Ai còn nhìn mưa mãi rớt bên sầu…thêm lạnh lùng
Ai còn buồn khi lá rớt rơi trong một cuối đông…”
(Ướt mi - Trịnh Công Sơn)
Với Trịnh Công Sơn những ngày nắng là những ngày buồn còn những ngày mưa mới là những ngày vui của ông. Mà trong suốt một năm trời ngày nắng nhiều hơn ngày mưa. Và vì thế mà ông buồn nhiều hơn vui. Những nỗi buồn ấy ông không bao giờ chia sẻ cùng ai mà chỉ để mây cuốn trôi đi:
“Về ngồi trong những ngày
Nhìn từng hôm nắng ngời, nhìn từng khi mưa bay
Có những ai xa đời…quay về lại
Về lại nơi cuối trời…làm mây trôi…”
(Phôi pha - Trịnh Công Sơn)
Thế mà ông đã vội vã ra đi giữa cái nắng đầu tháng tư dịu nhẹ và để lại cho đời, cho người một nốt trầm sâu lắng và những bản nhạc đầy tính nhân văn cao cả. Những giai điệu đầy chất thơ, tính siêu thực và mang cả chất thiền trong đấy đã chạm tới và ngự trị ở nơi sâu thẳm nhất của con tim của nhiều thế hệ.
Trong âm nhạc của ông, ta không thấy bất cứ dấu vết của âm nhạc cổ điển theo cấu trúc bác học nào mà chỉ có sự bình dị, chân thực với những vần thơ tuyệt đẹp và độc đáo đến bất ngờ. Và cái quyến rũ của nhạc Trịnh chính là ở chỗ: “Không định tạo ra một trường phái nào, một triết học nào mà vẫn thấm vào lòng người như suối tưới.” (Văn Cao).
Tôi có ham muốn, một ham muốn đến tột cùng là viết thật nhiều về ông. Nhưng đứng trước người nghệ sĩ tài hoa này mọi ngôn từ dường như trở nên bất lực. Tôi chỉ muốn nói với ông rằng: “Ông tạ ơn đời, còn tôi tạ ơn ông!”:
“Dù đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn người
Tạ ơn đời, tạ ơn ai đã cho tôi
Còn những ngày quên kiếp sống lẻ loi
Dù đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn người
Tạ ơn đời, tạ ơn ai đã cho tôi
Tình sáng ngời như sao xuống từ trời.”
(Tạ ơn - Trịnh Công Sơn)
© Bông Hồng Băng Giá – blogradio.vn
Bạn thân mến! Nhân gian chỉ là cõi tạm và mỗi chúng ta cũng chỉ như một vị khách ở trọ, thế nhưng với quãng đời ngắn ngủi “sáu mươi năm cuộc đời”, Trịnh Công Sơn đã kịp để lại cho đời một khối tài sản vô giá – đó là những ca khúc bất hủ. Những bài hát của ông sẽ còn sống mãi với thời gian, sống mãi trong lòng những người tuy cách xa ông về thế hệ nhưng lại có cùng một mối đồng cảm trong tâm hồn.
Giọng đọc: Tuấn Anh
Biên tập và sản xuất: Hằng Nga
Phản hồi của độc giả
Xem thêm

Khi bình yên, người ta thường quên lời thề trong giông bão (Blog Radio 884)
Phụ nữ ạ. Đừng yêu lại người cũ, đừng yêu lần thứ hai. Đôi khi trở lại không phải là tình yêu, chỉ là vương vấn cảm giác. Đừng nhầm lẫn giữa yêu và cảm giác. Đời luôn có ngoại lệ mà ngoại lệ thường hiếm hoi và ít ỏi. Có những đồ cũ là bảo vật, cũng có những thứ chỉ là đồ bỏ đi.”

Kiên Nhẫn Nhé, Đừng Để Sự Vội Vàng Làm Bạn Mất Phương Hướng (Blog Radio 883)
“Hãy cứ yên tâm và bình tĩnh thôi. Có người đi nhanh, có người đi chậm, vì mỗi người có một lộ trình riêng. Bạn không cần nhìn vào lộ trình của người khác để tự ti về mình. Bởi vốn dĩ xuất phát điểm và đích đến của cậu với họ đã khác nhau rồi mà”.

Hãy Can Đảm Kết Hôn Khi Bạn Sẵn Sàng (Blog Radio 882)
Và rồi khi tuổi 30 thì lại quá xa mà cái giai đoạn tuổi 18 đã qua từ rất lâu rồi ấy, chúng ta lại bắt đầu bước vào cái giai đoạn hối thúc lập gia đình từ các bậc phụ huynh.

Đừng Chỉ Ngồi Nhìn Em Khóc (Blog Radio 881)
Tôi luôn thấy phiền lòng, vì cô gái năm đó, trong mắt mọi người, có một cuộc sống hoàn hảo, nhưng hóa ra tất cả chỉ là vỏ bọc cho sự yếu đuối của cô ấy.

Ngọt Ngào Sau Những Gian Nan (Blog Radio 880)
Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê, nơi có những cánh đồng lúa trải dài, những con sông uốn mình bên cạnh lũy tre làng. Tuy sinh ra và lớn lên ở một nơi nghèo khó, nhưng tuổi thơ tôi lại ngập tràn sự hạnh phúc, những kỉ niệm mà tôi tin chắc rằng không phải ai cũng may mắn có được.

Làm Vợ Anh Được Không? (Blog Radio 879)
Ngay trong đêm hôm đó, tôi bắt chuyến tàu sớm nhất trở về quê. Tôi không muốn ở lại đây thêm một giây phút nào nữa, bầu không khí ngột ngạt như thể đang bóp nát tôi. Tôi tắt điện thoại, tắt mọi trạng thái hoạt động trên mạng xã hội rồi lên tàu. Sau một đêm, tôi cũng về tới nhà mình. Suy cho cùng, dù gia đình tôi có thất bại đến mấy thì đó cũng là nơi duy nhất bao dung, che chở cho tôi vào những lúc như thế này.

Mình Bên Nhau Khi Mùa Cúc Họa Mi Nở (Blog Radio 878)
Thanh xuân – Khoảng thời gian tưởng chừng như mãi mãi, nhưng thực tế lại trôi qua nhanh chóng, để lại trong lòng ta những hồi ức ngọt ngào nhưng cũng đầy những niềm đau và tiếc nuối về những thứ đã mất đi và không bao giờ trở lại.

Hãy Là Chính Mình Đừng Sống Cuộc Đời Người Khác (Blog Radio 877)
Như những đứa trẻ mới lớn mang trong mình niềm háo hức về cuộc đời, mỗi chúng ta cũng luôn đem theo trong tim muôn ngàn ước mơ về những chuyến hành trình mới mẻ.

Bỏ lại quá khứ, sống vì tương lai (Blog Radio 876)
Ta biết đấy, thời gian trôi đi không bao giờ trở lại, những gì đã xảy ra chúng ta không thể nào thay đổi được, nhưng những gì ở thời điểm hiện tại hoặc tương lai, ta có thể thay đổi được.

Đã chọn rời đi sao lại quay về (Blog Radio 875)
Một chiều thu ảm đạm, họ lặng lẽ đi về hai hướng ngược nhau. Trên con đường quen thuộc đã từng nắm tay nhau qua mỗi chiều lộng gió, hai chiếc bóng đơn độc trải dài trên nền đất lạnh lẽo.