Phát thanh xúc cảm của bạn !

img bài dự thi Sau này con sẽ là cả bờ vai cho ngoại

2020-06-07 01:25

Tác giả: Nhiên


blogradio.vn - Mỗi cuộc gọi tôi đều pha trò cho ngoại vui, tôi kể những thứ tôi được nhìn ngắm ở cái mảnh đất này. Thực ra tôi luôn muốn nói rằng tôi nhớ nhà, nhớ ngoại. Những đêm tuyết rơi dằn dặt, cứ thế trùm chăn nứt nở, ngày mai, liệu ngày mai còn có thể nói chuyện với ngoại nữa không?

***

Quê ngoại, thật ra quê ngoại cũng là quê tôi. Nhà tôi cách nhà ngoại có hai mái nhà, thế nên từ bé tôi đã chẳng có cái cảm giác xốn xang mỗi lần về quê ngoại như lũ bạn tôi. Chúng nó hay khoe mỗi lần về quê ngoại được bao nhiêu là đồ ăn, nào là trái ổi, trái xoài, dăm ba miếng bánh. Mỗi lần chúng nó khoe khoang trước mặt tôi là tôi lại hỉ mũi: ”Hứ, nhà ngoại tao sát nhà tao nè, ngày nào tao chẳng được bao nhiêu quà của ngoại, nhà ngoại tao có cả hàng ổi nhé, có mấy cây xoài lận nè, ngày nào tao đi học về ngoại chẳng để cho tao bao nhiêu là bánh ngon chứ đâu có như tụi mày, lâu lắc lâu lơ mới được về ngoại”. Thật ra cũng có hơi bốc phét, ừ thì nhà ngoại cũng có ổi, cũng có xoài đấy, nhưng mà không tới nổi cả hàng, cả dãy như tôi vẫn hay nói.

Quê ngoại tôi là mảnh đất miền Trung nắng gió, cái nắng cái gió miền Trung cứ thế mà đi qua tuổi thơ bao người. Ừ, đương nhiên là có cả tuổi thơ tôi. Chẳng biết nên dùng từ gì để miêu tả một cách đầy đủ cái tuổi thơ dữ dội ấy nữa. Tuổi thơ của tôi với miền quê với lũy tre con diều, với trưa hè trốn ba rong ruổi trong “thiên đường” tuổi thơ. Thiên đường là từ mà tôi gọi thôi, còn với ba là bờ là bụi, là gốc cây, là bờ sông. Ba thì cấm tuyệt đối những nơi ấy, tôi sợ ba chứ, nhưng mà càng sợ lại càng thích.  Dăm ba bữa thì sẽ có bữa bị ba tóm, ăn liền mấy roi vào đít. Ba tôi mà đã đánh thì phải đánh cho đít nở hoa cơ, nhưng lần nào ba vừa quất được mấy roi có khi chưa được roi nào, ngoại tôi như ông tiên ông bụt hóa phép làm ba không đánh nữa. Thật ra là tôi tưởng tượng vậy thôi, ngoại nào có phép, ngoại chỉ có bờ vai ấm áp chắn roi cho tôi thôi. Thật ra nếu ngoại không can chắc ba cũng không dám đánh tôi nhiều đến mức đít nở hoa như tôi tưởng. Ba không cho tôi chạy nhảy, không cho tôi rong ruổi với lũ bạn tôi, bởi từ nhỏ tôi đã bị tim bẩm sinh, ba sợ, ba sợ ngộ nhỡ ngày nào đó ba không còn thấy tôi. Lúc ấy tôi nào biết nỗi lo của ba, tôi chỉ biết rằng trái tim nhỏ bé của mình không giống với mọi người, nó không đập thình thịch thình thịch nhịp nhàng như mọi người, nó cũng chả nhảy tót lên theo nhịp bước chân rong ruổi của lũ bạn tôi.

Tim tôi chẳng có nhịp, tôi chỉ nghe tiếng rên rỉ ì ạch như cái radio cũ kỹ của ngoại tôi. Bởi thế mà tôi trở thành điều đặc biệt, lũ bạn tôi, chúng nó thích nghe nhịp tim tôi rồi reo lên: “ Ơ, lạ quá tụi bây ơi”. Tôi lúc ấy vẫn nghĩ mình thật đặc biệt, trái tim nhỏ bé xinh xinh của tôi là có một không hai đấy nhé, mặc dù tôi chẳng bao giờ thấy nó, nhưng chỉ cần đưa tay lên ngực, chúng tôi luôn cảm nhận được nhau. Nếu với tôi nó là một niềm tự hào thú vị thì với ba mẹ tôi, với ngoại tôi, nó là nỗi lo suốt những năm tháng ấy, rằng có thể một ngày nào đó, nó sẽ thôi ì ạch những tiếng rên rỉ và tôi cũng sẽ thôi mỉm cười.  Bởi điều đặc biệt bé nhỏ ấy mà ngày nhỏ tôi nằm viện còn nhiều hơn ở nhà, dăm ba bữa lại lăn đùng ra tắt thở, dăm ba bữa ba lại quăng cái cuốc ngoài đồng khi vừa nghe tin cậu chở tôi đi cấp cứu, dăm ba bữa ngoại lại cõng tôi chạy khi nhà chẳng có ai, tôi chỉ nhớ vai ngoại nhấp nhô, chỉ nhớ tôi lịm đi trong ánh mặt thảng thốt của ngoại. Mãi sau này khi tôi đã lớn, trái tim ì ạch của tôi cuối cùng cũng có thể nhịp nhàng mà đập như mọi người, câu chuyện về những năm tháng ấy mỗi lần được nhắc lại, tôi vẫn thấy mắt ngoại hằng những nỗi lo.

Ba tôi tính nóng như lửa, ngoại thì khác, ngoại điềm đạm, ngoại hiền như ông bụt .  Ngày tôi còn nhỏ, nhà tôi phải ở nhờ trên đất của người ta, tôi nhớ có hôm giữa khuya nhà tôi bị đuổi, mẹ dắt tôi chạy về ngoại, trời tối như mực, ở quê những năm ấy làm gì có đèn đường, hai mẹ con tôi mò mẫm chạy về ngoại.  Sau đó ba má tôi về ở với nội, nhà nội tôi cũng nghèo lắm, ba tôi dựng cái chái nhỏ đằng sau, đặt một cái giường bé bé,những đêm mưa dông, nước mưa cứ nhỏ tí tách tí tách xuống giường. Ba má cho tôi lên ở với ngoại. Tôi ở với ngoại suốt mấy năm trời. Những đêm hè cúp điện, ngoại quạt cho tôi cả đêm.  Những đêm sáng trăng ngoại bắt cái chõng tre trước sân,tôi hay nằm dài trên chân ngoại nghe ngoại kể chuyện, tôi tỉ tê với ngoại đủ chuyện trên trời dưới đất. Những đêm ấy, con bé ngây ngô đã vỗ ngực hứa với ngoại bao nhiêu điều: “Lớn lên con sẽ đi chợ cho ngoại, nấu cơm, giặt quần áo, rửa chén cho ngoại, con làm thật là nhiều tiền, còn đưa ngoại đi chơi nhiều nơi nữa”. Những lúc ấy ngoại hay xoa đầu tôi rồi mắng yêu: ”Cha mày”.  Mười mấy năm qua đi rồi, tôi đã lớn, đã đi bao nẻo đường, thế mà lời hứa năm nào, tôi chưa từng thực hiện. Tôi của lúc ấy hay của bây giờ luôn thích cái xoa đầu của ngoại.

Những năm tháng ấy, ngoại đi đâu cũng đèo tôi đi theo, tôi là cái đuôi của ngoại. Chiếc xe đạp cũ kỹ, ngoại chở tôi qua bao nẻo đường. Mùa lúa chín, ngoại hay chở tôi rong ruổi qua cánh đồng sớm mai, lúc sương còn giăng mờ mịt, gió sớm tinh nghịch lướt trên hai má tôi, mặt trời vừa ửng lên từng bông lúa. Ngoại hỏi tôi có ngửi được mùi gì không. Tôi hít một hơi thật sâu: ”Ngoại ơi mùa lúa chín, mùi của sương mai”. Ngoại khẽ gật đầu: ”Mùi ấm no đó con”. Lúc đó tôi chẳng hiểu, rõ ràng là mùi lúa mà sao lại là mùi ấm no. Tôi đã nghĩ rằng, chắc ngoại già rồi, mũi không còn thính nữa. Sau này ngoại già hơn nữa, khi mắt ngoại mờ, chân ngoại run, con sẽ là mắt, là chân, là mũi cho ngoại. Một ngày nào đó, khi ngoại già đi, con sẽ là tay nấu cơm, giặt đồ, rửa chén cho ngoại. Con bé năm tuổi lúc ấy luôn nghĩ về những điều sẽ làm được sau này, con bé hôm nay hai mươi ba tuổi, đã mãi để vụt mất cơ hội để biến những lời hứa của bản thân thành sự thật

Ngày lũ về, ba tôi đặt ra cái luật bất di bất dịch rằng: chỉ cần chân tôi ướt một tí là ba đánh cho đít nở hoa. Tôi nhớ có lần trốn ba làm bè chuối với thằng hàng xóm, bè vừa làm xong còn chưa kịp leo lên thử thì ba đã phát hiện, gọi về tét cho mấy cái vào mông vậy là tan tành cái sự nghiệp “lênh đênh trên nước” của tôi. Nhưng mà thua keo này ta bày keo khác, tôi biết ngày lũ thể nào lúc nước rút ngoại cũng đi ghe thăm ruộng, thế là tôi hay chạy tót lên ngoại, mè nheo đủ kiểu để được đi theo. Chiếc ghe của ngoại cứ nhịp nhàng lướt giữa biển nước, đồng ruộng, nào lúa nào ngô nào đậu đâu mất tiêu rồi, chỉ còn lại biển nước mênh mông. Tôi hay nghịch ngợm cho tay xuống làn nước rồi hỏi ngoại: “ Ngoại ơi, vậy là năm nay Thủy Tinh thắng hở ngoại”. Ngày nhỏ tôi còn chơi cái trò leo lên tít trên tầng thượng nhà ngoại, để nhìn mọi thứ dưới đất thật nhỏ bé, có bữa ba gọi í a í ới, tôi đứng trên nhìn ba nhưng ba nào đâu thấy tôi, thế là tôi ngồi im cho đến khi ba về nhà mất rồi hí ha hí hửng ngồi cười một mình. Ngoại thì khác, chỉ cần không thấy tôi dưới nhà là ngoại biết ngay tôi trên này, tầng thượng nhà ngoại là thiên đường của tôi. Tôi bày vẽ đủ thứ mà không sợ ba la, ngoại giữ bí mật cho tôi nên ba nào có biết có một thánh địa nho nhỏ được tôi xây dựng suốt thời thơ ấu.

Năm tôi học lớp bốn thì tôi không ở với ngoại nữa, ba bắt về nhà sau một lần phát hiện tôi chơi cá độ với mấy đứa hàng xóm rồi lấy cắp tiền của má. Đến tận bây giờ tôi vẫn chẳng hiểu sao lúc ấy có thể cá với tụi nó là trái ổi trên cây có chín không. Tôi chắc mẩm là nó phải chín, thế mà nó không thương tôi, nó không chịu chín, tôi thua tụi nó năm trăm đồng, tôi làm gì có tiền. Nhưng mà bé tí tôi đã biết trách nhiệm hẳn hoi, có chơi là phải có chịu, thế là tôi bày trò ăn cắp tiền của má. Dấu đầu hở đuôi, thế là tôi bị phát hiện, ngoại lại can nên tôi chỉ ăn đúng hai cây, nhưng ba không cho ở với ngoại nữa với cái lý do để kiểm soát mấy trò nghịch dại của tôi. Tôi thù ghét cái trái ổi khùng điên đó ghê, vậy là đợi đến lúc nó chín, hái xuống nhai ngấu nghiến cho bỏ tức: ”Mày hả ổi, tao ăn mày luôn cho coi”. Từ ngày đó tôi không có những buổi trưa rúc bờ rúc bụi, không có những tối bỏ mặc sách vở ngồi nghe ngoại kể chuyện nữa. Nhưng mà nhà tôi cách nhà ngoại có hai cái nhà thôi, nên cứ đi học về quăng cái cặp là tôi chạy tót lên ngoại, tôi luôn có một niềm tin vững vàng thế nào ông ngoại cũng để dành cái bánh hay cái kẹo cho tôi. Tôi nằm lì trên ngoại cho đến khi ba tôi gọi í ới. Năm tháng cứ thể bình lặng cứ thế trôi qua, tuổi thơ tôi có ngoại, có ấm áp, có bao dung, có tình thương của ngoại.

Những năm cấp ba tôi ít lên ngoại hơn, ba nghiêm khắc với việc học của tôi hơn, tôi cũng cần phải đỗ đại học, thế là có khi cả tuần, có khi cả nữa tháng tôi không ghé ngoại, mặc dù ngày nào cũng đạp xe ngang qua. Có một ngày mưa, tôi đạp xe tất tả về nhà, chưa kịp tháo cái áo mưa đã thấy ngoại đội nón lội mưa xuống, ngoại gọi tôi lên ăn mì Quảng. Cái nón nào có che hết mấy hạt mưa nghịch ngợm kia, chúng cứ thay nhau nhảy trên vai rồi trên lưng ngoại rồi để lại những mảng ướt loang lỗ. Khóe mắt tôi cay xòe, thương ngoại, thương bờ vai ngày càng già yếu của ngoại. Tôi lại nhớ đến lời hứa ngày bé, sau này con sẽ còn là cả bờ vai cho ngoại. Ngày nhỏ con mãi tựa vào bờ vai ấy, sau này con sẽ sống thật tốt để lại là điểm tựa cho ngoại.

Tôi học đại học ở tít tận Đà Lạt, cuộc sống xa nhà cũng không mấy dễ dàng với con bé tỉnh lẻ như tôi.  Rồi thì cũng quen, tôi đã tưởng năm năm sẽ vậy, yên bình trôi qua, dẫu chẳng một dấu chấm phá, nhưng với cái đứa như tôi thì cứ như vậy là đủ. Rồi cũng đến một ngày, biển đang yên lặng cuối cùng cũng nổi cơn sóng ngầm, ngoại tôi bệnh, ung thư. Cho dù là mười năm, hai mươi năm hay là lâu hơn nữa, cái cảm giác đau thương ngày hôm ấy tôi cũng chẳng thể nào quên. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng, chưa bao giờ dám tượng tượng một ngày nào đó sẽ mất ngoại. Dẫu rằng đời người là hữu hạn, ngoại tôi cũng đã bảy mấy tuổi, nhưng một ngày nào đó phải mất ngoại là điều tôi không bao giờ có thể chấp nhận được. Mười tám tuổi, chỉ toàn nhận mọi thứ từ ngoại, chưa bao giờ tôi nói với ngoại rằng tôi thương ngoại bao nhiêu, còn chưa là bờ vai cho ngoại tựa, chưa được là mắt cho ngoại, là tay là chân cho ngoại. Tôi đã nói với ngoại rằng Đà Lạt đẹp lắm, tôi sẽ dẫn ngoại vào đây chơi, sẽ dẫn ngoại ăn thật nhiều đồ ngon. Ngoại đang nằm viện, tôi không dám gọi, lỡ lại khóc nấc rồi gào lên trong điện thoại, ngoại sẽ đau lòng bao nhiêu. Thi học kỳ xong, tôi đón ngay chuyến xe đầu tiên về với ngoại. Ngoại nằm trên giường bệnh, mặt mày xanh xao, bàn tay ngoại run run, yếu ớt với lấy tay tôi, bờ vai vững chãi là điểm tựa cho tôi đâu rồi, tay ngoại bế tôi mỗi lần ngủ quên trên ghế đâu rồi, ngoại co ro đau đớn, tôi chạy về phía ngoại rồi cố nặn ra một nụ cười mà nước mắt cứ rơi lã chã. Tôi nắm lấy tay ngoại, bàn tay ấm áp khẽ đưa lên xoa đầu tôi, bàn tay vững chải ôm lấy tôi khỏi những trận đòn roi của ba. Ngoại nhìn tôi, nước mắt ước đẫm khóe mắt sẫu hoẵm. Tôi ôm chầm lấy ngoại: Ngoại, có phải đang nghĩ sau này sẽ không thể nào tiếp tục che chở cho con nữa. Ngoại, có phải ngoại đang nghĩ cuôc đời sóng gió sau này, ngoại sẽ chẳng thế nào thay con gánh vác.

Tôi luôn biết ước nguyện lớn nhất của ngoại là thấy tôi thành công hạnh phúc, sẽ không là con bé yếu đuối dăm ba bữa lại ốm đau, sẽ không là con bé đau đớn nằm trên giường bệnh nữa. Ngoại già thật rồi, ngoại bệnh thật rồi, thực sự sẽ có ngày nào đó ngoại mãi mãi rời xa tôi. Nếu không đi nhanh hơn, nếu tôi không kịp cứng cáp hơn, ngoại sẽ mãi chẳng an lòng. Tôi làm hồ sơ để nhận học bổng du học và thật là tôi đã đậu. Người đầu tiên tôi báo tin là ngoại, ngoại yếu ớt nằm trên giường, nhìn tôi bằng đôi mắt triều mến, tôi biết ngoại muốn nói ngoại tự hào về tôi, ngoại sẽ xoa đầu động viên sẽ ôm chầm lấy tôi. Có người sẽ bảo tôi ích kỷ, lần này tôi đi du học chẳng phải là sẽ có ngày tôi không thể nhìn mặt ngoại lần cuối. Nếu là ích kỷ, là bất hiếu, tôi cam tâm tình nguyện nhận hết những ánh mắt soi xét ấy, miễn là ngoại an lòng về tôi.

Ngày tôi đi, ngoại cứ mãi vẫy tay với theo mặc cho chiếc xe cứ thế lăn bánh xa dần, xa dần bóng hình ngoại. Tôi mãi nhìn ngoại cho đến khi bóng dáng ngoại xa dần xa dần rồi mất hút giữa con đường quanh co: Vẫy tay, cái vẫy tay có phải chăng cho lần cuối con còn nhìn thấy ngoại, một ngày nào đó con thực sự đứng ở cái nơi cách nhà mình mười ngàn cây số mà nhìn ngoại ra đi sao? Sau này, sẽ có điều gì con phải trả giá cho quyết định lúc đó của con, nhưng con bằng lòng, chỉ mong rằng ngoại sẽ yên lòng khi thấy con bước đi vững chãi ra sao. Tôi đến một đất nước xa lạ, bạch dương, mảnh đất mà ngày nào đó, sẽ có ngày nào đó, tôi đứng tại đó mà nghe tin ngoại đi xa, liệu tôi có chấp nhận được hay không?  Nơi này đẹp, thật sự đẹp, mỗi ngày tôi đều gọi cho ngoại. Mỗi cuộc gọi tôi đều căng thẳng nghe những tiếng tút tút đợi người bắt máy, để rồi có tiếng bắt máy, nghe giọng ngoại tôi đều thở phào nhẹ nhõm. Mỗi cuộc gọi tôi đều pha trò cho ngoại vui, tôi kể những thứ tôi được nhìn ngắm ở cái mảnh đất này. Thực ra tôi luôn muốn nói rằng tôi nhớ nhà, nhớ ngoại. Những đêm tuyết rơi dằn dặt, cứ thế trùm chăn nứt nở, ngày mai, liệu ngày mai còn có thể nói chuyện với ngoại nữa không?

Hai tháng sau, tiếng điện thoại tút tút cuối cùng cũng không có người nhấc máy, không có tiếng trả lời của ngoại nữa. Ngoại mất. Dù có biết trước điều này sẽ xảy ra, tôi cũng không thể tượng tượng được nỗi đau này. Vậy là ngoại đi, mọi thứ đều đã thành sự thật, tôi cuối cùng cũng đã phải nhận cái giá cho việc du học của mình, cuối cùng tôi cũng đứng ở mảnh đất cách mảnh đất mà ngoại nằm xuống mười ngàn cây số, lặng lẽ lặng lẽ cảm nhận từng nỗi đau len lỏi, ăn mòn từng tế bào trong cơ thể tôi. Cuối cùng vào một ngày đông tuyết rơi ngập trời, tôi thực sự đã mất đi người mình yêu thương nhất trên cỏi đời này. Từng đoạn ký ức lại như cuốn phim quay chậm, từng chút từng chút trôi qua tâm trí tôi. Có đứa bé tóc tết hai bím cười khúc kha khúc khích, có chiếc xe đạp cọc cạch cọc cạch từng nhịp từng nhịp, con bé ôm lấy tấm lưng ấm áp… Từng nhịp, từng nhịp, lại có con bé mãi ngủ quên ngoài sân, vậy là có người bế nó lên, nhẹ nhàng như sợ ngộ nhỡ nó thức giấc… Vẫy tay, bàn tay gầy guộc, khẽ khàng vẫy, ánh mắt triều mến ngân ngấn nước. Cuốn phim mờ nhạt mờ nhạt rồi vụt mất, tôi đưa tay quờ quạng nắm lấy đôi bàn tay ấy, vậy mà chỉ có bóng tối đổ ụp xuống, co ro, nước mắt rơi, tôi hối hận rồi, hối hận vì đã đến đây. Tôi đến đây vì điều gì cơ chứ, không có ngoại, không có người thân, không có bạn bè, chỉ có cô độc, chỉ có nổi nhớ và giờ còn là cái nỗi đau mà tôi còn chưa bao giờ có thể tưởng tượng được. Nó đau hơn vết phỏng năm bốn tuổi, lúc tôi đổ nguyên cả xô nước sôi vào người, đau hơn những  lần tôi thoi thóp rồi ngất lịm đi ngày bé, hơn cả vết mổ tim năm tôi mười tuổi. Bờ vai tôi ngoại chưa kịp tựa, thế giới này đẹp đẽ vậy, tôi chưa kịp dẫn ngoại đi muôn nơi. Tôi ngước mắt nhìn khoảng không vô định: Ngoại, sau này, mãi sau này nữa sẽ không có ai xoa đầu con, sẽ không có ai luôn dành ánh mắt trìu mến đến vậy cho con, sau này sẽ không có ai bao che cho con, không có ai đi đâu cũng dành quà bánh cho con. Sau này mỗi lần về nhà sẽ không có ngoại,  sau này sẽ không có người kiên định, ấm áp che chở cho con nhiều như vậy nữa. Con đã mạnh mẽ hơn, con biết tự chăm sóc cho bản thân, con biết cả che chở và an ủi cho người khác, nhưng con đã mãi chẳng thể có cơ hội làm mọi thứ cho ngoại. Cái giá con phải trả cho mọi mong muốn của con. Mười chín tuổi, tôi mãi mãi mất đi người tôi yêu thương.

Ngoại đã đi gần bốn năm vậy mà tôi chẳng bao giờ có thể quên nỗi đau ngày hôm ấy. Thế là tôi cũng đã đi học được bốn năm, cuộc sống của tôi vẫn vậy, lặng lẽ trôi qua. Trong những giấc mơ tôi lại thấy ngoại, thấy đứa trẻ mắt to tròn ngồi sau yên xe của ngoại, ngước mặt lên nhìn trời, bầu trời trong veo, lưng ngoại ấm áp vững chãi. Nó mải mê nhìn trời, nhắm mắt để thấy gió mát rượi nhè nhẹ lướt qua hai má hây hây, nghe cái mùi lúa mới thơm, ngoại hay nói đó là mùi của ấm no. Rồi những lúc giật mình tỉnh giấc, nó lại cứ thế nức nở. Thỉnh thoảng những lúc vấp ngã, lúc tuyệt vọng và mệt mỏi, những lúc tôi ngồi co ro để mặc nước mắt rơi, tôi lại đưa tay lên xoa đầu như cái cách ngoại vỗ về tôi, an ủi tôi. Có đôi khi tôi cứ ngỡ ngoại đang nhìn theo tôi, đang ở cạnh tôi

Ngoại, ngoại có nhìn thấy con không. Thỉnh thoảng con nhớ ngoại rồi ngồi khóc một mình. Thỉnh thoảng con nhớ con của ngày bé, con nhớ chiếc xe đạp cóc cách ngoại chở con đi. Nhưng chỉ thỉnh thoảng thôi, chỉ thỉnh thoảng con ngồi co ro yếu đuối như vậy thôi, con vẫn sống tốt, mỗi ngày con đều kiên cường, mỗi ngày còn đều sống thật vui vẻ. Con đã hai mươi ba tuổi rồi, mỗi ngày bình minh đều sẽ rực rỡ như vậy, cuộc sống sẽ vẫn cứ thế trôi qua. Thỉnh thoảng một đoạn đường nhỏ nào đó nơi con đi qua, con sẽ vấp ngã, sẽ đau thương, rồi con sẽ lại bước tiếp mạnh mẽ hơn, kiên định hơn, yêu thương cuộc đời hơn. Con là ngôi sao bé nhỏ của ngoại, con không cô đơn giữa bầu trời đêm ngoài kia bởi ngoại luôn dõi theo con, trên từng bước con đi, từng chặng đường con qua, ngoại bên con. Ngôi sao nhỏ của ngoại cho dù năm hai mươi ba tuổi, hay ba mươi tuổi, hay đến một ngày con già đi, con mãi sẽ là ngôi sao sáng như vậy, kiên định và ấm áp như ngoại.

Có tia nắng sớm nào vừa len lỏi qua khung cửa sổ, tinh nghịch nhảy nhót trên mặt tôi…..

© Bạch Dương - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

 

Người đàn ông con yêu suốt cuộc đời này | Family Radio

Bài tham dự cuộc thi viết. Để bình chọn cho bài viết này, bạn hãy nhấn like, share và để lại bình luận cảm nhận của mình. Thông tin chi tiết về cuộc thi, mời bạn tham khảo tại đây.

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Mười sáu - Ba sáu tuổi

Mười sáu - Ba sáu tuổi

Tôi đúng là một cô ngốc. Làm gì có đứa con trai nào dành cả thanh xuân bên cạnh tôi mà không có tình cảm. Và từ đó, chúng tôi chính thức yêu nhau.

Hành trình đi đến tự do

Hành trình đi đến tự do

“Dám bị ghét” không bênh vực cho tôi, không đứng về phía tôi, ngược lại, nó giải thích một cách hợp lý tất cả nguyên nhân khiến tôi chọn sống một cuộc đời tệ bạc như vậy.

Hãy trao yêu thương khi còn có thể

Hãy trao yêu thương khi còn có thể

Tôi nhận ra từ trước giờ tôi luôn mong người khác phải hiểu và thông cảm cho tôi mà tôi quên đi rằng tôi chưa đặt mình vào vị trí của bất cứ ai để hiểu cho họ.

3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa

3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa

Trong tương lai, 3 năm tới hứa hẹn sẽ là quãng thời gian vô cùng rực rỡ và thịnh vượng cho 5 con giáp may mắn dưới đây.

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.

Lá thư gửi đến thiên đường

Lá thư gửi đến thiên đường

Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.

Đắng cay

Đắng cay

Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.

Đơn phương yêu một người

Đơn phương yêu một người

Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?

back to top