Phát thanh xúc cảm của bạn !

Ra Đi Là Để Trở Về (Blog Radio 872)

2023-10-13 04:05

Tác giả: Giọng đọc:

Ta đâu biết rằng, đôi khi cần để cho tâm hồn được nghỉ ngơi, được quay trở về thuở ấu thơ non nớt. Vì chỉ có khi đó, ta mới có thể nhìn cuộc đời bằng đôi mắt sáng trong, mới có niềm tin và động lực để tiếp tục hành trình của mình.

Nơi hằn in dấu chân mỗi buổi chiều đi học về, chạy thật nhanh để kịp giờ chiếu bộ phim hoạt hình yêu thích, hay những ngày rong ruổi trên cánh đồng đầy nắng và gió. Nhưng dẫu có là gì đi nữa, những năm tháng hồn nhiên xinh đẹp ấy rồi cũng sẽ qua, bởi thời gian là không thể cưỡng cầu.

Mỗi chúng ta, ai cũng có một nơi để trở về sau những mỏi mệt của cuộc đời. Nơi có làn khói tỏa ra nghi ngút, có bữa cơm yêu thương của mẹ, có lằn roi dạy bảo của cha, có câu chuyện cổ tích của bà. Lớn lên ta bị cuốn theo vòng quay khắc nghiệt của cuộc sống mà quên mất đi gia đình, nơi có hai người thân thương đang chờ đợi một cuộc gọi từ chúng ta.

Tốt nghiệp Đại học, tôi lao đầu vào việc kiếm tiền để mưu sinh trong cái thành phố xa hoa. Cuộc sống bon chen, cơm áo gạo tiền khiến tôi bị cuốn vào vòng xoáy công việc, quên đi cả thời gian. Hai từ “Về nhà” không biết từ bao giờ đã trở nên quá xa xỉ và khó khăn với tôi đến thế.

Tôi rời xa nhà, rời khỏi vòng tay cha và đứa em nhỏ, cố gắng bỏ lại ký ức tuổi thơ phía sau lưng mình. Ký ức dần chìm xuống tiềm thức, róc rách chảy như một con suối, rồi đọng lại trong một cái hồ sâu, nơi lưu giữ tất cả những kỷ niệm đẹp và có cả một nỗi buồn mất mác thời ấu thơ.

Tôi từng tưởng rằng ở nơi phố thị phồn hoa, tất bật với nhịp sống hàng ngày này, con người ta sẽ quên mất cái hương vị quê nhà, những bữa cơm tuy đạm bạc nhưng ấm áp tình thương. Nhưng không, xa nhà đã bao năm, tôi mãi vẫn không quen những món ăn nơi đô thị. Mặc dù nơi đây không thiếu thứ gì. Trong từng bữa ăn có rất nhiều cá, thịt được trang trí vô cùng bắt mắt và hấp dẫn, nhưng cũng toàn là chất gia vị tẩm ướp màu mè. Đôi lúc ngồi ăn cơm quán, tôi lại nhớ về những ngày xưa, thèm món canh chua cá lóc má nấu, món rau luộc xanh sạch do bà trồng, tưởng chừng như nó vượt qua mọi sơn hào hải vị nơi đây…Rồi nhìn lại phần cơm trên bàn của mình, dường như chỉ là tôi đang cố gắng hòa nhập vào cuộc sống thành phố để rồi nhận ra bản thân đã đuối sức, mệt mỏi đến chán chường.

9dad082ed5000d1d0061d05bb6678cfe

Xa nhà, chạnh lòng nhất là bữa cơm một mình nơi đất khách. Những buổi chiều vội vã cảnh xe tấp nập, bon chen ai cũng muốn về với gia đình cho kịp bữa cơm tối sau ngày làm việc bận rộn. Bỗng khóe mắt cay cay, nơi tôi về hằng ngày không phải là bữa cơm má nấu mà chỉ là căn phòng trọ chật hẹp, lạnh tanh. Thành phố bắt đầu lên đèn, khi bên trong những ngôi nhà ngoài kia, những gia đình đang lục đục bên bếp,  nấu bữa cơm tối, quây quần ấm cúng bên nhau thì tôi lặng lẽ ngồi ngoài quán ăn cho xong bữa cơm tối tan làm muộn. Đón chuyến xe buýt trễ nhất, lê thê từng bước chân mỏi mệt về khu nhà trọ. Tắm rửa xong tôi ngả lưng trên chiếc giường nhỏ, gác tay lên trán, mắt hướng lên trần nhà thở dài:

 “Thế là một ngày tất bật cũng trôi qua”. gạt bỏ đi những lo toan trong đầu và nhắm mắt đánh một giấc dài giữa màn đêm tĩnh lặng.

***

Sáng hôm sau, tôi lại đến công ty với tâm thế sẵn sàng cho một ngày làm việc bận rộn. Những tiếng ve kêu rộn rã hai bên hàng cây ven đường dẫn lối từ khu nhà trọ sầm uất  nơi tôi sống đến công ty. Tôi chợt giật mình nhận ra, ấy thế mà một mùa hè nữa lại bắt đầu. Cái nắng mùa hè chẳng hề yên ả, dịu dàng gay gắt, rực rỡ ánh nắng chói chang tỏa hết công suất từ ông Mặt Trời. Nhưng đôi khi lại bất chợt đổ cơn mưa rào khiến người ta trở tay không kịp ấy. Và rồi nó khiến tôi lại thấy nhớ, nhớ cái hương vị quê nhà, nhớ hương lúa ngọt mát, nét thanh bình yên ả, không chút ồn ào. Nhớ cái nắng trưa hè như thiêu đốt con người dù chỉ mới non trưa. Từ nhà nhìn ra cảm tưởng như có một ngọn lửa nóng hừng hực đang liếm láp khắp đầu làng ngõ xóm. Quê tôi là thế, nắng thì như lửa đốt, mưa thì ngập lụt, mênh mông đều là nước. Đó là cái đặc trưng thời tiết khắc nghiệt của miền Trung không thể nhầm lẫn ở bất kỳ nơi đâu được.

Mặc kệ cái bầu trời xanh trong veo cao ngút ngần kia hay thấp thoáng bóng dáng vội vã của những con người đang trốn nắng để kịp buổi cơm trưa từ đồng về, hai anh em tôi lại loăn xoăn chạy lên chạy xuống trong căn nhà mái ngói đã sờn cũ vì mưa gió. Miệng bé Na ríu rít như con chim non :

“Để em dọn chén, anh hai bưng nồi cơm đi”

“Em làm được mà, không được tranh với em đâu”

Con bé có dáng người nhỏ xíu, đôi chân trần gầy guộc chạy lon ton khắp nhà. Bé tí thôi nhưng con bé sống rất tình cảm, luôn biết chia sẻ việc nhà với mọi người. Cứ đến giờ dọn cơm trưa, nó lại tranh với tôi dành phần dọn chén. Ba đi làm xa để kiếm thêm thu nhập nuôi anh em tôi ăn học. Nhà chỉ còn lại ba má con tôi và bà nội.

Hồi ấy, nhà nghèo, mâm cơm chỉ có đĩa rau muống luộc, lấy nước rau nặng tí chanh làm canh và một quả trứng gà dằm nước mắm. Bữa cơm ấy tuy đạm bạc, đơn sơ nhưng đối với anh em tôi, đó là bữa cơm ngon miệng nhất vì nó đầy ắp tình yêu thương.

Vào những ngày chiều hạ tháng tám, những dải nắng vàng ấm áp khẽ vỗ nhẹ lên màu lúa vàng ươm của đồng ruộng, cánh cò nghiêng nghiêng bay dọc theo những khóm ruộng. Gió chẳng buồn động đậy, chỉ thi thoảng lướt qua làm lay động những bông lúa chín vàng, trĩu nặng. Bầu trời vào những ngày hạ trong xanh rộng lớn chẳng lấy một áng mây nào.

Những đám trẻ con trong làng thay nhau chạy trên những cánh đồng xa xa đã được gặt. Trong tay của mấy đứa nó cầm con diều đủ màu sắc khác nhau.

 “Thằng Tèo! mày đưa tay cao lên tí thì diều mới bay được.”

“Nè, diều của tao mà, đừng có tranh.”

Mấy đứa nhỏ cứ thế mà chạy mãi, chúng chạy từ ô ruộng này đến ô ruộng khác cho đến khi con diều của bọn nó đã bay lên trời, dần dần những con diều được thả cao thêm như những vệt chấm nhỏ, điểm xuyến cho bầu trời trong xanh. Có đứa miệng cứ chí chóe tranh nhau một con diều. Có đứa miệng cười toe toét khi đã thả được con diều lên trên bầu trời. Đứa thì nhìn con diều của đứa khác bay cao hơn mà thầm ngưỡng mộ. Cứ như thế, tiếng nô đùa của bọn trẻ vang vọng, khuấy động cả không gian bầu trời rộng lớn.

Trong khi đó có thằng nhỏ với làn da ngăm cháy nắng, thân hình gầy nhom, đầu tóc bù xù, mặc chiếc áo cộc tay và quần đùi qua đầu gối. Nó lặng lẽ xách cái xô đã cũ, tay dắt theo đứa em nhỏ ra đồng bắt cá. Vào mùa này, khi những cánh đồng đã thu hoạch vụ hè thu, giờ chỉ còn trơ trọi những gốc rạ, gặp cơn mưa dông cá rô đồng theo con mương bơi lên ruộng khá nhiều. Cá sẽ đọng lại ở các trũng bùn. Anh em tôi lại hí hửng lội mương ruộng bắt cá mắc cạn để cả nhà có bữa cơm thêm món cá.

“Hoan hô! Anh hai giỏi quá.”

Bé Na đứng trên bờ, mỗi lần thấy tôi trút cá vào xô lại reo lên, mừng rỡ. Chốc chốc con bé lại lén lút trộm nhìn đám trẻ kia thả diều như thế. Nhìn ánh mắt khao khát của con bé mà thấy thương. Nó chưa bao giờ dám vòi mẹ mua cho thứ đồ chơi nào cả. Bởi tôi biết, một mảnh giấy để mà gấp diều cũng quá khó khăn với gia đình của tôi rồi. Chúng tôi nào dám đua đòi cả một con diều lành lặn để chắp trên vòm trời kia như bao đứa nhỏ khác trong làng. Tôi an ủi con bé.

“Mai mốt anh hai lớn. Anh hai đi làm kiếm tiền rồi sẽ mua cho bé Na một con diều thật to, thật đẹp nhé!”.

Con bé “Dạ” một tiếng rõ to, trên gương mặt vẫn có chút buồn buồn, ánh mắt luyến tiếc không nỡ rời những cánh diều xa xa của lũ trẻ.

Mỗi lần như vậy, tôi luôn tự nhắc nhở chính mình, có lẽ không hẳn là anh em tôi không có diều, diều của chúng tôi đang được gấp khi nhìn thấy bóng lưng gầy thấm đẫm mồ hôi của mẹ ngoài đồng dưới nắng chói chang, thấy vai của cha nặng nhọc gù xuống để bưng vác cho các công trình xây dựng bất kể nắng mưa, xa nhà.

Con diều sẽ được chắp cánh khi tôi mơ, mơ có một cuộc sống đủ đầy, mơ mỗi ngày, mâm cơm sẽ có đầy đủ thịt cá, mơ cha mẹ của tôi sẽ đỡ vất vả hơn.

Những khổ đau, những bất lực của cha mẹ vì manh áo miếng cơm, anh em tôi đều thấy được hết. Chỉ là chúng tôi âm thầm gói gọn những mảnh vỡ đó lại để làm thành con diều trên bầu trời của riêng mình. và con diều ấy chính là niềm hy vọng của chúng tôi.

Mặt trời lặn, nắng cũng tắt, mấy đứa trẻ thu diều, quấn dây lại và tung tăng chạy loạn khắp phía để về nhà ăn cơm. Đằng xa xa, thấp thoáng bóng dáng người phụ nữ cao, gầy, trên đầu đội chiếc nón cày. Bé Na phát hiện ra ngay là má “Anh hai ơi, ai trông giống má kìa”.

Tôi đưa mắt, nhíu mày nhìn lên. Đúng má rồi. Chắc mải bắt cá với ngắm diều, tôi quên bén đi trời đã sẫm tối, có lẽ không thấy hai đứa đâu nên má xách nón đi tìm. Vừa trông thấy má, tôi dắt bé Na chạy ào về nhà. Nhìn xô cá đầy nhốc, rồi lại nhìn hai đứa tôi từ chân đến đầu lấm lem bùn. Má giận mắng cho một trận. Bà lẳng lặng quay đi. Phía sau tấm lưng gầy, tôi biết bà đã khóc. Má buồn vì không lo được cho anh em tôi đủ dầy như bao đứa trẻ khác. Trong khi con người ta có quần áo mới để mặc, có đồ chơi đẹp thì con bà phải lội đồng mò cua, bắt cá. Chúng tôi cũng chẳng buồn gì mấy, má la thì la vậy thôi chứ tôi biết má thương anh em tôi nhiều.

Tối đó mâm cơm của gia đình tôi có canh, có rau lại thêm món cá rô nướng dằm nước mắm ớt tỏi thật ngon. Sau khi nướng cá xong, má cẩn thận lấy chiếc đũa gạt lớp vẩy bên ngoài cho hết lớp cháy sém và sắp lên đĩa. Sau đó giã tỏi, ớt thêm tí gia vị vào mắm để dằm với cá rô. Mùa mưa dông, cá rô dằm với nước mắm ăn với cơm trắng rất ngon, vị mặn của mắm, cay thơm của ớt tỏi thấm vào thớ thịt cá dai dai, béo ngậy thực là hương vị của đồng quê “Ăn một lần, nhớ cả đời”. Ngày thường bữa cơm chỉ đơn giản thế thôi, nhưng mỗi dịp có khách ghé chơi là má cũng cố mua cho được con gà đãi khách. Người Miền Trung nổi tiếng keo kiệt, ấy là keo kiệt với chính bản thân họ, còn khách đến nhà thì niềm nở, không tiếc đồ ngon để chiêu đãi. Và rồi cứ như thế, những bữa ăn đạm bạc, dân dã ấy theo năm tháng nuôi chúng tôi lớn lên với tuổi thơ đúng nghĩa của những đứa trẻ miền quê nghèo.

***

12 giờ trưa, tiếng đồng nghiệp nói chuyện rôm rả xung quanh rủ nhau đi ăn trưa.

 “Anh Hoàng, sao còn ngồi đó. Đi ăn cùng tụi em cho vui.”

“Ừ, mấy đứa đi ăn đi kẻo trễ, hết cơm. Nay anh có đem đồ ăn rồi.”

Tôi cắn nốt cái bánh mì lúc sáng chưa kịp ăn vì vội vào họp, điện thoại báo rung cuộc gọi nhỡ.

Ba tôi gọi!

Tôi nhìn lướt qua điện thoại xong lại cặm cụi ăn nốt chiếc bánh,. Điện thoại tôi sáng tiếp, ba tôi gọi lại. tôi cầm điện thoại ra ngoài hành lang, vừa đi vừa bấm nghe.

“Alo, ba à!”

Giọng điệu ba tôi lo lắng: “Sao ba gọi mà không bắt máy hả con?”

Tôi trầm lặng vài giây, đôi mắt tự nhiên đỏ hoe. Cố kìm nén nước mắt, tôi bảo ba:

“vừa rồi con bận họp, điện thoại để chế độ im lặng nên con không nghe đổ chuông ba ạ.”

Ba tôi im lặng một lúc rồi nói: “Cuối tuần này đám dỗ má con, con về được không?”

Nghe đến đây, cổ họng tôi như ứa nghẹn, khô khốc cất không thành lời, hốc mắt bắt đầu sắp trào dâng những giọt nước vì cố nén mà ứa đọng.

 “Dạ, để con sắp xếp nha ba!”

Tôi nghe một tiếng thở dài, rồi ba nói tiếp:

“Ừ, con sắp xếp về nha! Đã lâu rồi con không về… Năm nay bé Na được nghỉ hè sớm, em nó vừa về hôm qua.”

“Dạ! Có Na về dọn dẹp phụ ba con cũng đỡ lo hơn. Ba nhớ giữ gìn sức khỏe nha.”

“Ừ,  về dỗ má, sẵn tiện mệt quá thì nghỉ phép ở nhà vài hôm.Thôi, nhớ ăn uống đầy đủ mới có sức mà làm việc. Cố gắng nha con trai. Có chuyện gì thì nói ba nghe, đừng có im im chịu đựng một mình.

“Dạ”.

tút tút tút…

Cuộc gọi chỉ có thế, mà tôi đã mất rất lâu mới lấy lại bình tĩnh. Tôi cảm thấy bất lực chính bản thân mình. Tôi chưa giúp gì được cho ba, đến thời gian gọi điện về nhà cũng không có. Ba không mấy khi khen ngợi dù cho tôi có học tập đạt thành tích tốt hay thành công trong công việc. Có lẽ ba không muốn tôi sau này trở nên kiêu căng. Ba cũng chưa từng nói yêu tôi. Tôi nghĩ tình yêu có lẽ không phải thứ mà người ta có thể nói ra bằng lời.

Trái ngược với ba, lúc nào má cũng khích lệ, cổ vũ để anh em tôi cố gắng. Tuổi thơ tôi cứ trôi qua êm đềm trong vòng tay của má, với những bữa cơm đầm ấm. Tình yêu thương của má được ví như nước trong nguồn hay chính là suối nguồn yêu thương của cuộc sống.

Một cô gái, một người nữ thì có thể "yếu đuối", nhưng một người mẹ chắc chắn "mạnh mẽ". Tình yêu của mẹ chính là sức mạnh lớn nhất trong cả vũ trụ này. Có phải khi gặp khó khăn, hay ấm ức đa phần chúng ta đều gọi mẹ đúng không?

***

Nhiều đêm mất ngủ bởi chứng trầm cảm ngày cũ lâu lâu ghé thăm, tôi mệt mỏi và ước có một giấc ngủ sâu mà giấc ngủ cũng không phụ lòng ngóng trông của tôi.

Đang say sưa giấc nồng, chợt tiếng sấm rền vang cả một góc trời làm tôi giật mình tỉnh giấc, cơn mưa kéo đến ào ạt trút nước như thể giận dữ một ai, vội vàng tôi kéo cánh cửa sổ và nhìn đồng hồ, 0 giờ 00 phút, hoá ra tôi chỉ vừa chợp mắt được 10 phút thôi. Luyến tiếc tôi trằn trọc không thành giấc được nữa, tiếng mưa rõ to, khi xa khi gần, giọt dài giọt ngắn tỉ tê tâm trạng tôi bây giờ.

cf220a2d1b1242f385b08e181329eac9

Những dòng suy tư, những hoài niệm xưa về những cơn mưa rào ngày cũ bất giác cũng ào ạt nối tiếp nhau trở về theo tiếng mưa đêm nay. Tôi nhớ quê hương, nhớ ngày mưa giông nơi triền núi, nhớ hạt mưa nghiêng ngã đọng trên ngọn cỏ dại lối đi, nhớ bụi tre làng ướt rũ trong mưa, nhớ quán nước nhỏ ven đường chen chúc đầy ắp tiếng nói cười của người dân “đi ruộng” trú mưa, và tôi nhớ…  dáng má với bộ áo quần lấm lem bùn lầy ướt sũng nước mưa trở về với cái cuốc trên vai, má không trú mưa mà tranh thủ về nhà lấy rổ đi hái ít rau bụi, mò cua bắt cá vì “cái ăn” của anh em nhà tôi. Cuộc sống tuy cực khổ nhưng lúc nào cũng giòn tan tiếng cười, mâm cơm tối cá đồng kho với lá gừng mẹ nấu, “tô” canh cua nấu với rau mồng tơi bốc khói nóng hổi mà ba thích, đạm bạc mà hạnh phúc biết bao nhiêu. Tôi hạnh phúc trong những tháng ngày hồn nhiên, trong trẻo ấy, để rồi một ngày kia dông bão ập đến cướp đi tuổi thơ của chúng tôi.

 “Hoàng nè! Nay má đi làm. Con ở nhà chơi với em, phụ nội, tối má về nghe con!”

“Dạ!”

Đến chiều, tiếng sấm nổ rầm trời khiến anh em tôi giật mình ngẩng đầu lên. Mới lúc nào nắng còn chiếu xiên qua ô cửa sổ khiến Nội phải hạ thấp rèm xuống, thế mà bây giờ ngoài trời đã tối sầm. Mây đen kéo đến ngày càng dày đặc.

 “Sao má chưa về nhỉ?”.Tôi ôm bé Na thật chặt mà cũng sợ hãi.

Na thầm thì trong đầu: “Mưa thế thôi, mau tạnh nhé!”

Cứ thế, nó thiếp đi rồi ngủ trong vòng tay của nội. Ngoài trời hạt mưa dần thu bé lại. Tiếng mưa nhỏ dần, nhỏ dần rồi tạnh hẳn.

“A lô, tôi nghe.”

“Bác ơi, bác bình tĩnh nghe con nói này! Chị Hương bị sét đánh không qua khỏi. Mai chúng con sẽ đưa chị về...”

“Bụp...”

Điện thoại rơi xuống nền gạch.

“A lô, bác ơi...”

Tiếng nói chuyện điện thoại của nội làm Na tỉnh lại. Có lẽ con bé cũng như tôi vừa kịp nghe toàn bộ cuộc gọi đó. Bà ngơ ngẩn một lúc, run rẩy bám vào bờ tường đi ra ngoài gọi điện cho ba tôi thu xếp trở về.

Na nằm co rúm run rẩy, nước mắt thi nhau chảy ra ướt sũng một bên tai. Tôi lại xoa lưng con bé vỗ về. Nó ngồi dậy nhào vào lòng tôi khóc lớn. bà đến bên ôm hai anh em tôi vào lòng, bà cất lên những câu ca dao đến chạnh lòng:

“Mẹ già như chuối chín cây

Gió lay mẹ rụng con phải mồ côi

Mồ côi tội lắm ai ơi…”

 Chúng tôi hiểu rằng từ nay anh em tôi đã trở thành đứa trẻ mồ côi mẹ. Sẽ chẳng còn những ngày rong ruổi ngoài đồng bắt cá, bỏ lỡ bữa cơm chiều để má đội nón đi tìm nữa.

Cơn giông kéo tôi về thực tại, những giọt nước mắt vô thức chảy dài rồi trở thành tiếng nấc nghẹn ngào trong đêm mưa. Cả một trời tuổi thơ trong tôi thức giấc, Tôi nhớ má nhớ tất cả nhưng không dám trải lòng vì những vết thương chưa lành. Nơi phương trời xa xôi, tôi thầm nguyện cầu cho mọi người tôi nhớ mong được hạnh phúc, ở thế giới bên kia má được an yên…

Mưa giông đêm nay cứ vọng hoài trong tôi nỗi nhớ, hoài niệm nào cứ hun hút vời xa…

***

Sau bao năm tháng chôn vùi nỗi đau, tôi buộc mình phải mạnh mẽ và trưởng thành hơn. Chỉ vì muốn đỡ đần thay ba lo cho em ăn học, tôi lao đầu vào công việc,. Cuộc sống mưu sinh đã cuốn lấy tôi dần xa rời những bữa cơm gia đình. Tôi biết rằng những khó khăn của tôi chỉ có tôi mới giải quyết được, những khó khăn đấy chỉ bằng một phần nghìn những lo lắng của ba. Bao năm ông đã vất vả một mình nuôi con. Giống như tình yêu của người Cha, tháng ngày bình thường chúng ta chẳng mấy để ý, chỉ khi có những biến cố hay những tình huống xảy đến, khi đó chúng ta mới biết và hiểu được tình yêu của Cha đối với chúng ta và gia đình lớn như thế nào.

Lấy tay lau nước mắt, tôi sửa soạn chuẩn bị tài liệu để đến công ty sớm . Mở điện thoại ra, soạn vào mục ghi chú nhắc nhở:

“Phải mạnh mẽ cố gắng làm việc chăm chỉ và điều ưu tiên nhất vẫn là quan tâm đến gia đình nhiều hơn”.

Sau vài phút nghĩ ngợi, tạm dừng lại với một đống giấy tờ đang để trên bàn thì tôi quyết định viết email nghỉ phép, để về với mái nhà thân yêu.

Tôi đã không ngủ được cho đến tờ mờ sáng, vì lòng nôn nao, nôn nao như tết vậy! Dũ bỏ hết mọi bộn bề, mọi bon chen của thường ngày,tôi trở về làm một người con,  một người anh trai.

Chuyến xe về quê trở nên chậm chạp hơn so với lần về quê trước. Bước trên con đường vào nhà, hàng cây hai nên đường rợp mát, tôi hít lấy hít để cái không khí trong lành của quê nhà, cái hơi của quê cha đất tổ đã nuôi lớn tôi đến bây giờ.

Sự hạnh phúc hiện rõ trên gương mặt của ba và đứa em gái mà tôi lại chạnh lòng tội lỗi. Tội lỗi ở tôi, tội lỗi đã không gọi điện về hỏi thăm sức khoẻ, không về thường xuyên hơn để thăm ba. Lúc nào cũng lấy cớ công việc làm lá chắn cho sự thờ ơ của mình. Không màn đến sự mệt mỏi vì đường xa, chỉ sợ ba đã mệt vì đợi tôi, nên tôi lao nhanh vào bếp phụ bé em, phụ ba lau dọn bàn thờ cho tươm tất, tiện đơm mâm cơm cúng cho má.

 “Ba, anh Hai đến giờ cơm rồi ạ!”

Na đã là cô gái 20 tuổi rồi, cũng đảm đang y hệt má. Nó hào hứng bưng từng bát lên bàn thờ. Hai bát dưới ảnh của ông bà nội, một bát dưới ảnh của má. Na thắp nhang, mùi hương khói nghi ngút!

“Con mời ông bà nội, con mời má ăn cơm.”

Ngoài sân lấp lánh nắng làm bữa ăn gia đình thêm ấm áp.

“Cả nhà ăn ngon miệng ạ!”

Tôi đưa bát lên hướng về bàn thờ nhoẻn miệng cười. Ba cha con vừa ăn vừa tâm sự những chuyện không đầu không cuối. Vậy là sau những mỏi mệt nơi chân trời xa lạ, tôi đã có bữa cơm gia đình chẳng thiếu vắng một ai. Tôi chợt nhận ra không nơi đâu thoải mái bằng nhà mình và bữa cơm gia đình là bữa cơm ngon nhất.

Buổi tối ở quê cũng thật bình yên và thoải mái đến lạ. Tiếng côn trùng, ếch nhái tạo nên một khúc ca nhộn nhịp phá tan cái không khí im ắng, tĩnh mịch giữa bầu trời đêm. Tôi thấy nhớ những ngày còn thơ ấu khi nhìn vào hình ảnh này…Tôi nhớ khi còn bé cứ sau bữa cơm tối cùng gia đình thì tôi sẽ ra ngoài sân nơi có một chiếc sạp gỗ và một tấm chiếu cũ trên đó, nằm lên chiếc sạp và bắt đầu ngắm nhìn bầu trời đầy sao sáng rực rỡ, rồi mơ về những giấc mơ xa… Tuổi thơ của tôi, ước một lần được quay trở lại.

Ấy thế mà, thời gian lại trôi qua nhanh quá! Tôi phải trở về thành phố để tiếp tục với công việc. Và chỉ ước thời gian trôi thật chậm để tôi có thể được ở lâu hơn với ba, với đứa  em gái mà tôi yêu thương nâng niu từ nhỏ. Con bé chính là món quà đặc biệt mà má để lại cho ba và tôi. Tôi muốn ở lâu hơn chút nữa, để níu lấy cái hơi ấm của gia đình được chặt hơn. Để nhìn kỹ hơn khuôn mặt của ba, khuôn mặt đã in hằn nhiều hơn những vết chân chim của thời gian, của tuổi tác.

“Sau này, khi ta đã ra đời làm việc, hay xa nhà để học tập, có lẽ về nhà cũng chỉ kịp nói dăm ba câu, rồi lại rời nhà đi tiếp, ngay cả một bữa cơm cũng chẳng kịp ăn. Lúc ấy, có lẽ ta sẽ giật mình lúc ngẩng mặt lên, nhìn thấy những sợi tóc bạc đã điểm nhiều hơn trên mái đầu cha mẹ. Thời gian vốn chẳng đợi người. Thanh xuân rất vội, thế nhưng đừng đi quá nhanh, để rồi cuối cùng chỉ còn mình ta ngơ ngẩn ở đời. Nếu có cơ hội, hãy về nhà, nhiều hơn.”

© Kim Vi - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

 

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

 Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Ngày hôm đó chúng ta đã nói sẽ luôn nhớ tới nhau, sẽ giữ trọn vẹn trong tim mối tình của năm tháng ấy. Nhưng anh biết không, mỗi người chúng ta ai rồi cũng đều khác, lời hứa năm đó cũng chỉ là tên gọi khác của lời tạm biệt mà thôi.

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Dây xích sắt trượt dài trên thanh chắn cửa, rít lên một tràng âm thanh chói tai, kết thúc bằng tiếng đáp đất nặng trịch. Trời lặng gió, áng mây vắt ngang qua ngọn cây, trong đêm tối không trăng không sao, chiếc lồng đèn cũ phủ một lớp bụi mỏng

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Mưa rơi, làm hình bóng anh trong mắt cô mờ đi, gương mặt điển trai sau màn mưa trắng chẳng rõ đang vui hay buồn. Mưa vẫn không ngừng xối lên thân ảnh liu xiu của anh, lớp áo sơ mi trắng dính vào da lộ ra vết sẹo dài chạy dọc theo cánh tay khẳng khiu.

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn chính là chủ nhân của cuộc đời mình. Tương lai ra sao, do bạn định đoạt. Đừng để năm tháng trôi qua, trong bạn chỉ toàn là tiếc nuối.”

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Đôi khi, sự ra đi của người khác là lí do để ta nhìn lại mình. Nhìn lại những gì mà bản thân đã cư xử. Có phải vì ta chưa đủ trưởng thành? Có phải vì ta vẫn còn quá cảm xúc và bi kịch hoá mọi thứ?

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy tận hưởng điều đó. Độc thân không có nghĩa là chưa đủ tốt để yêu. Độc thân nghĩa là chưa có ai đủ tốt để được bạn yêu.

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Muốn ngắm bình minh, phải dậy thật sớm. Muốn tạm biệt ngày tàn, phải vẫy chào hoàng hôn. Hạnh phúc của mình nên tự mình nắm lấy...

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Một giấc mơ dang dở dấy lên trong lòng tôi một sự hiếu kỳ với dáng vẻ của hạnh phúc. Nếu bước qua lằn ranh giữa quá khứ và hiện tại, tôi sẽ thấy được điều, có phải kết cục sẽ vẹn tròn hơn không.

Hôn lễ của em | Blog Radio 901

Hôn lễ của em | Blog Radio 901

Bên trong ai cũng có một vài vết thương, có kẻ biến vết thương thành một sự hiểu biết. Có người lại biến vết thương thành một nguyên nhân, sinh ra một vết thương mới đau hơn…

Em như ánh sao trời | Blog Radio 900

Em như ánh sao trời | Blog Radio 900

Không có một tình yêu nào là vĩnh hằng cũng chẳng có lời hứa nào gọi là mãi mãi, chỉ là con người ta thích tin vào những điều đó chỉ là nhất thời để rồi một đời đợi chờ.

back to top