Phát thanh xúc cảm của bạn !

Nỗi lòng một F0 đã được xóa F

2021-10-01 01:30

Tác giả: Khánh An ( Hồng Minh)


blogradio.vn - Mình sợ hãi nghĩ đến cảnh tất cả vì mình mà liên lụy. Ông bà nội, cô giáo, bạn bè, bà lão bán rau già yếu… Danh sách F1 đặc dày. Mình ân hận, day dứt. Cảm giác tội lỗi khiến mình không thở nổi.

***

Mình không định viết lá thư này đâu, nhưng trái tim không cho phép mình im lặng mãi. Mình không thể ích kỉ khép lòng - khi ngoài kia, cả đất nước đang gồng lên trong cuộc chiến đầy sinh tử. Mình càng không thể dửng dưng khi hai tiếng TÌNH NGƯỜI đang chảy tràn trong huyết quản của đồng bào. Mình viết những dòng này cho bạn khi tạm chia tay hai tiếng F0…

Bạn biết không? Mình là con nhóc nhút nhát nhất thế giới này. Mình học đội tuyển Văn từ khi học cấp hai và yêu Văn mê đắm. Nói thế để bạn hiểu rằng mình là một con bé rất chi mơ mộng. Cô giáo dạy văn của mình từng nói mình mong manh như cánh bướm non. Cô sợ mình sẽ đau khi va đập với những gió giông cuộc đời.

Mình lớn lên trong một gia đình viên chức đủ đầy. Đối với ba mẹ, mình chỉ là một cô công chúa nhỏ, lúc nào cũng phải bao bọc, chở che. Từ nhỏ đến giờ, mình không phải làm việc gì khác ngoài ăn và học. Mình lại biếng ăn, gầy yếu nên ba mẹ càng xa xót, nuông chiều. Không ít lần, ba mẹ lo lắng rồi mình sẽ ra sao khi rời khỏi vòng tay của họ.

Nhưng đó là chuyện cũ.

Mọi thứ đã đổi thay cho đến một ngày định mệnh: sóng thần Covid ập đến nhà mình, phũ phàng cuốn phăng đi tất cả.

Chín giờ tối hôm ấy, khi mình vẫn đang say sưa học online cùng cô giáo dạy Văn, thì mẹ hớt hải chạy vào phòng. Mẹ nói con phải nhanh chóng chuẩn bị đồ để đi ngay. Con đã trở thành F1. Xe ô tô đang đợi ở dưới. Mình bàng hoàng không hiểu chuyện gì còn ngây thơ trả lời mẹ: “Nhưng con… con đang ôn thi đại học mà!”. Mẹ vẫn chưa thôi hoảng loạn, vừa rối rít chuẩn bị đồ, vừa cố nói cho mình hiểu rằng con bị bắt phải đi cách ly, tất cả phải dừng lại.

Thì ra, chú mình làm nghề lái xe Bắc Nam, chú về nhà một ngày rồi lại đi ngay. Bữa đó, chú ghé nhà mình chơi. Thế rồi, từ Sài Gòn báo ra chú đã bị dính Covid. Mình là người duy nhất trong nhà tiếp xúc với chú nên trở thành F1.

Tiếng còi xe inh ỏi. Mình bước lên xe mà mẹ và ba nước mắt như mưa. Thú thực, lúc ấy mình vẫn còn lơ lửng lắm. Mình vẫn nghĩ đang ngồi ôn thi đại học. Nhưng rồi trên đường đi, trong bộ đồ bảo hộ kín mít, mình bắt đầu hoảng sợ. Chiếc xe đưa mình đi đâu thế này? Mình đứng lên nhìn ngược nhìn xuôi, toan xách ba lô tụt xuống mà không thể.

Cũng từ giây phút đó, bao ý nghĩ tăm tối hiện lên trong mình. Mình sợ hãi muốn thét lên. Nhưng rồi mẹ gọi điện, mẹ dặn bình tĩnh chắc chắn sẽ không sao. Điện thoại mẹ vừa tắt, cũng là lúc xe chở mình đến khu cách ly. Không ánh đèn cao áp. Đồng ruộng tối om mênh mông trước mặt hệt như một con quái vật khổng lồ. Mình sợ hãi, tưởng như bị ném xuống vực thẳm tăm tối nhất.

Khu cách ly hiện ra. Buồn. Vắng. Quạnh quẽ. Cô liêu đến tột cùng. Mình bước xuống xe. Ba lô khoác vai. Hôm đó nóng tới ba chín độ mà cả người mình cứ run lên cầm cập. Mình tưởng như mình là kẻ trọng tội đang bị bắt đi đày. Chú cán bộ y tế chắc thương mình quá cũng ái ngại động viên mình rằng sẽ không sao.

Chú dẫn mình tới một căn phòng bảo mình sẽ ở đây cho tới khi có thêm người mới. Mình ngơ ngác. Hiểu ra. Rồi bàng hoàng. Rụng rời như rớt xuống chín tầng địa ngục. Trời ơi! Mình ngủ một mình ở chốn này sao? Chăn, ga, gối, đệm, điều hòa của mình mọi ngày đâu hết cả? Mình càng hoảng loạn hơn khi mình rất sợ ma và bóng tối. Ánh đèn nhợt nhạt ngoài hành lang không sao cưỡng lại được bóng đêm đặc dày vây bủa.

Tút. Tút. Vẫn là cuộc thoại của mẹ. Mình nấc lên: “Con không ngủ một mình đâu!”. Rồi cứ thế mình tu tu khóc. Khóc như một đứa trẻ vì quá ư sợ hãi. Mẹ vẫn không rời điện thoại, rối rít vỗ về trong đau khổ.

Cuộc điện thoại thứ hai của ba. Mình phải giả vờ nín khóc. Ba dỗ dành động viên. Mình lại có thêm dũng khí. Mình vụng về tự sắp xếp mọi thứ. Mệt mỏi và sợ hãi, mình bỏ gối và chăn ra rồi nằm xuống, trùm chăn kín mít. Nhưng nóng quá không sao chịu nổi, mình bỏ chăn xuống, tự nhắc hãy cố lên, mình đâu phải con nít mà để ba mẹ lo lắng nhiều quá thế. Mình nằm đây mà ba mẹ cả đêm không chợp mắt chả phải mình kém cỏi và có lỗi lắm sao. Nghĩ vậy, mình không còn sợ nữa.

Nhưng rồi, chớp giật liên hồi. Lát sau là tiếng sấm ì ùng. Rồi mưa. Mưa như trút. Con quỷ sợ hãi lại ngoi lên. Mình nằm nép sát vào tường. Run rẩy như bé gà con lần đầu lạc mẹ. Mình đứng dậy khép cửa. Bất giác, mình nhìn xuống cổng thấy những chú bộ đội ngủ gục trên bàn. Có chú nằm lăn dưới hành lang mà hình như ngủ quên không biết là mưa ướt. Chẳng gối, chăn gì. Không cả manh chiếu nát. Tự dưng, ý nghĩ mình là gánh nặng cho họ vụt hiện trong tâm trí mình...

Mẹ gọi điện lần thứ ba. Hai giờ sáng. Mình toan nghe máy. Nhưng nghĩ thế nào mình quyết không nghe. Cố lên! Mình sẽ giả vờ như đã ngủ. Ngoài kia sấm vẫn đùng đùng. Mưa liên hồi đập vào cửa sổ. Bấy giờ, mình chỉ mong ba mẹ chợp mắt đi một xíu. Chắc chắn mình làm được, mình sẽ ổn thôi. Nghĩ vậy, mình nhắm mắt…

Sáu giờ sáng. Điện thoại reo. Là mẹ. Mình tính sẽ khoe với mẹ mình đã dũng cảm ngủ qua đêm sấm chớp thế nào. Nhưng kìa, mẹ khóc. Mẹ khóc tu tu như con nít. Đến lượt mình dỗ mẹ. Mẹ mới nói mình đã chuyển thành F0 rồi. Mẹ biết kết quả trước và xin phép nhân viên y tế để mẹ nói với mình. Điện thoại rơi xuống đất. Mình quỵ xuống như con chim nhỏ trúng thương nằm thoi thóp. Mẹ vẫn liên hồi gọi tên mình trong điện thoại.

Mình phải nhanh chóng lên xe chuyển ra thành phố. Chú cán bộ y tế vỗ về, nhưng tai mình cứ ù đi.

Ngồi trên xe. Bao cuộc thoại đổ tới liên hồi. Mình không trả lời. Tuổi mười tám của mình kết thúc ở đây ư? Chuyến đi xa này là vĩnh viễn? Ba mẹ mình sẽ sống sao nếu mình không thể trở về? Giảng đường đại học ở đâu? Thanh xuân của mình phụt tắt? Không! Mình còn chưa dám yêu. Mình còn chưa trả lời cậu ấy…

Nước mắt mình trào ra như mưa. Nó dữ dội và khốc liệt hơn cái đêm giông gió hôm qua. Nước mắt của trời thấm gì với bão tố lòng mình lúc ấy. Mình muốn thét gào!

Xuống xe, mình lủi thủi xách đồ. Theo chỉ dẫn của cán bộ, mình lên tầng sáu. Đi qua tầng một, mình thấy một căn phòng thật lạ. Phòng bày bát hương, bát cơm quả trứng, có di ảnh của người đã khuất. Cô gái trẻ khóc lặng đi. Cô cũng chỉ nhỏ bé như mình. Xung quanh có mấy người mặc bộ đồ bảo hộ cũng đứng yên cúi đầu. Mình hoảng hốt. Rụng rời. Lẽ nào? Nhưng rồi, băn khoăn ấy qua mau. Khi một bác sỹ đi qua ái ngại: “Em ấy lớp mười một. Tình nguyện vào đây phục vụ. Ở nhà ba mất không thể trở về. Bệnh viện lập tạm bàn thờ cho em vái vọng cha”.

Chiếc ba lô trên tay mình rơi phịch xuống. Tim mình như bị ai bóp nghẹt: “Trời ơi, bạn ấy còn nhỏ tuổi hơn mình. Bạn ấy phải đau đớn vậy sao?”. Mình lầm lũi xách ba lô, đi tiếp.

Mình khóc. Nhưng không phải cho mình...

Tới nơi, mình mở điện thoại ra. Chao ơi, cơ man nào là tin nhắn, bao cuộc gọi nhỡ từ gia đình họ hàng, thầy cô, bè bạn. Thầy hiệu trưởng, cô hiệu phó, các thầy cô giáo dạy mình từ tiểu học, rồi trung học, cô hàng xóm… Mình muốn vỡ òa ra vì xúc động. Ai cũng thương lo cho mình. Ai cũng động viên mạnh mẽ lên. Ai cũng tin mình chiến thắng. Lần đầu tiên trong đời mình nhận được sự quan tâm nhiều như vậy của mọi người, tựa như mình là trung tâm thế giới. Ai ai cũng xót xa thương cảm. Kể cả cô bạn bàn bên hay đố kị, ghét ghen và nói xấu mình. Ai cũng nhắn tin động viên khích lệ. Chưa bao giờ mình nhận được yêu thương nhiều như thế. Nước mắt mình ứa ra vì hạnh phúc.

Nhưng rồi, ngay sau đó, hình ảnh cô bạn quỳ xuống khóc vọng cha lại hiện ra. Mình gạt nước mắt đứng lên, sắp xếp đồ đạc ngăn nắp, rồi gọi điện, nhắn tin trả lời từng người một.

Hai hôm sau. Mẹ điện lên từ khu cách ly. Vậy là cả gia đình mình không một ai còn được ở nhà.

Mình sợ hãi nghĩ đến cảnh tất cả vì mình mà liên lụy. Ông bà nội, cô giáo, bạn bè, bà lão bán rau già yếu… Danh sách F1 đặc dày. Mình ân hận, day dứt. Cảm giác tội lỗi khiến mình không thở nổi.

Ba giờ chiều. Nhân viên phục vụ tới đưa cơm. Mình biếng ăn nhưng vẫn kịp nhận ra dạ dày mình đang sôi lên sùng sục. Nhìn mồ hôi vã ra ướt đầm khóe mắt quầng thâm, mình hiểu họ vất vả thế nào. Mình nghẹn lại. Mình có thể cảm nhận mồ hôi đang tong tong chảy trong người họ khi mình ngồi không mà lưng áo ướt đầm. Mình là bệnh nhân còn được ngồi yên mà nhắn tin, gọi điện, còn được nghỉ ngơi, chăm sóc, hỏi han, còn được buồn phiền, chán nản. Còn họ. Sao họ phải vất vả thế kia? Sao họ phải chạy tới chạy lui tới các phòng phục vụ, mà họ, rất có thể sẽ bị lây Covid?

Bê hộp cơm lên, mình không sao nuốt nổi. Họ vẫn chưa được ăn gì, vẫn đang mải mốt đưa cơm. Mình không phải ruột thịt của họ, không quen thân. Vì sao họ phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt?

Tự dưng, mình thấy mình thật tệ. Buồn phiền lúc này chẳng phải quá vô duyên? Khóc lóc lúc này chẳng phải là có lỗi?

Nhưng mình vẫn khóc.

Mình khóc vì đôi mắt trũng sâu, võ vàng của bác sỹ điều trị cho mình. Bác ân cần dặn dò, quan tâm mình như con.

Mình khóc vì bê hộp cơm lên mình biết đó là công sức của biết bao người: người nấu nướng, chia cơm, bưng bê lên từng tầng, người nhịn bớt bữa ăn, quyên góp từ củ khoai, quả bí…

Mình khóc vì bao chiến sĩ ngoài kia phải dầm mưa dãi nắng, lả đi vì kiệt sức.

Mình khóc vì những bác lãnh đạo mệt nhoài, căng mình lên chống dịch mà bao đêm không ngủ.

Mình khóc vì những cô điều dưỡng vẫn mỉm cười. Họ đã hát cho bao F0 nghe để quên nỗi buồn, quên nỗi nhớ, mà họ, xa nhà biền biệt, con vẫn còn ẵm ngửa trên tay…

Bạn biết không và mình đã gan góc đứng lên. Mười tám ngày kiên cường tranh đấu, con Covid xấu xa đã phải cúi đầu ngã gục.

Mười tám ngày - mình đã có những trải nghiệm tuyệt vời từng giây vàng ngọc. Mình đã rũ bỏ hoàn toàn con nhóc tiểu thư đỏng đảnh, nhút nhát và yếu đuối. Mình đã đề nghị được giúp cô điều dưỡng, vỗ lưng cho bệnh nhân khi họ vật vã với cơn ho, thắt ngực không thở nổi. Mình lấy cơm, xúc cho bà lão ở giường bên, thậm chí là thay tã giấy cho bà… nh nhân còn lại trong phòng cũng khóc. Mình đọc được trong giọt nước mắt ấy là niềm hạnh phúc, là quyến luyến khi phải chia tay sau mười tám ngày gắn bó - một khoảng thời gian khắc tạc vào ký ức, không thể có lần hai trong đời.

 

Không chút dùng dằng, mình thiết tha xin ở lại. Mình xin được ở lại chăm sóc cho chính những bệnh nhân của phòng mình. Lúc đầu bác dứt khoát chối từ vì sợ mình còn yếu, nhưng mình đã thuyết phục khiến bác không thể không chấp thuận. Và những ngày ấy, với mình, đó thực sự là những ngày đẹp nhất của thanh xuân.

Đến giờ này, bạn biết không, căn phòng của mình không còn ai ở lại. Tất cả đã xóa F để về đoàn tụ với gia đình.

Mình cũng phải trở về vì kỳ thi đại học đang đón đợi.

Và mình biết, chắc chắn, mình sẽ trở lại. Mình sẽ trở lại đây khi kì thi kết thúc. Bởi, có được làm một điều gì đó ở đây, cho những bệnh nhân Covid, mình mới thực sự thấy mình được sống!

Vậy nhé, hẹn gặp lại, bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid ơi!

© Khánh An (Hồng Minh) - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

 

Blog Radio: Anh không phải người duy nhất cần em | Bản Full

Khánh An ( Hồng Minh)

Dù có đi cả đời khói bụi, tôi vẫn tin hạnh phúc ở cuối con đường.

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Mùa hè

Mùa hè

Sự khởi đầu hay kết thúc không phản ánh bằng thời gian, điều đó không cần phản ánh hay suy xét. Định nghĩ về thì giờ giữa chúng tôi chẳng còn là một khái niệm, chúng tôi chỉ đơn giản muốn bên nhau chẳng thể tách rời...

Cuộc sống: hành trình suy ngẫm và học hỏi

Cuộc sống: hành trình suy ngẫm và học hỏi

Chúng ta có quyền tự do để tạo ra những chương mới, viết nên những câu chuyện mới, và xây dựng những ý nghĩa mới. Mỗi ngày là một trang mới, và mỗi bước đi là một câu chuyện mới đang được viết.

Nhớ

Nhớ

Em ngồi đây bỏng cháy Tim thành bụi mất rồi

Đại lộ của những giấc mơ tan vỡ

Đại lộ của những giấc mơ tan vỡ

Vật chất mình tìm được không đuổi kịp trái tim mình đang loạn. Bằng cấp mình đang có không chạy đuổi kịp suy tâm. Công việc mình hiện đang làm chưa hẳn là việc mình yêu thích. Cuối cùng bản thân mình thích gì mình cũng không rõ. Nhưng lại rất vội.

Định mệnh là gì?

Định mệnh là gì?

Chúng tôi vẫn giữ thói quen buổi tối trò chuyện với nhau, nhưng cũng chỉ là những câu hỏi xã giao như một thói quen khó bỏ. Tôi cảm nhận được điều gì đó giữa hai đứa nhưng lại chẳng thể gọi tên, vì tôi tin anh và yêu anh.

Mãi sau này...

Mãi sau này...

Quá khứ dạy ta cách đi qua những vấp ngã, rèn giũa sự mạnh mẽ, điềm tĩnh khi đương đầu với khó khăn, cho ta sự thấu hiểu, bao dung, chia sẻ yêu thương hơn để chúng ta trân trọng từng khoảnh khắc ở hiện tại và hi vọng về một tương lai tốt đẹp ở phía trước.

Khoảnh khắc

Khoảnh khắc

Hỏi tôi đã bỏ lại điều gì của mình vào những ngày hè năm ấy, tôi chỉ có thể trả lời rằng tôi đã bỏ lại chính bản thân mình. Một tôi hòa đồng vui vẻ nhiệt huyết, vô ưu vô lo, đổi lấy một tôi giờ đây đã khác, trầm lặng, giấu tất cả ở trong lòng mình

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Cũng chẳng còn hay tết những vòng hoa Thành vương miện giả chơi trò công chúa Hoa đồng nội thơm dịu dàng một thuở

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Cậu thấy thời gian có tàn nhẫn không? Nó chưa từng dừng một giây, để suy nghĩ về việc phủ bụi trần lên những mảnh ký ức của chúng mình. Cũng như chúng mình cũng chưa từng dừng một giây nào để ngừng nghĩ về nhau.

Gửi em

Gửi em

Mong gặp em và mong được nhìn ngắm Trái tim này cất giữ tạo nên thơ

back to top