Bỏ lại quá khứ, sống vì tương lai (Blog Radio 876)
2023-10-27 05:05
Tác giả: Giọng đọc:
Bạn thân mến, trong quá khứ nếu ta có gặp phải bao nhiêu đau buồn, bao nhiêu tủi thân thì cũng đừng để những điều không may, những thất bại ấy làm ta nghĩ rằng mình không thể vượt qua. Cũng đừng để khổ đau dập tắt mong muốn, khát khao được hạnh phúc. Chúng ta hãy học cách quên đi quá khứ không đẹp, đó là sự lựa chọn đúng đắn nhất và hướng đến với những điều tươi sáng trong tương lai. Cứ nhớ rằng chính chúng ta sẽ là người làm chủ cuộc sống của mình, vì vậy những gì xảy ra trong quá khứ hay tương lai đều phụ thuộc vào quyết định của bản thân. Nếu cứ mãi đắm chìm vào nỗi đau, nỗi bất hạnh thì ta sẽ đánh mất niềm tin vào cuộc sống rồi lại hủy hoại tương lai của chính mình. Cũng đừng chỉ vì một chút sai lầm trong quá khứ mà sống buông xuôi, phó mặc cuộc đời. Đừng biến bản thân thành gánh nặng cho xã hội. Ta biết đấy, thời gian trôi đi không bao giờ trở lại, những gì đã xảy ra chúng ta không thể nào thay đổi được, nhưng những gì ở thời điểm hiện tại hoặc tương lai, ta có thể thay đổi được.
Sau đây xin mời các thính giả mến thương của Blog Radio lắng nghe truyện ngắn “Vạt nắng xanh xao” của tác giả Nhất Chi Mai.
Buôn Ma Thuột một ngày cuối năm. Bầu trời u ám với những tảng mây to ụ như hình hài một gã khổng lồ với cái miệng rộng hoác tưởng chừng sắp nuốt chửng mọi sinh vật vào cái bụng trống rỗng của hắn. Một chút se lạnh, cao nguyên lại dịu dàng và tĩnh lặng.
Chuyến bay cuối cùng sắp cất cánh. Sân bay Buôn Ma Thuột vẫn đông nghịt hành khách. Người mẹ dắt tay đứa con gái chừng 13, 14 tuổi bước vào buồng máy. Nét mặt buồn xao xác, chị buông tay đứa con, quàng lại chiếc khăn choàng thõng vai màu hạt dẻ, nói với con bằng ánh mắt nửa âu yếm nửa van lơn: "Ráng lên con".
Cô con gái có đôi mắt ướt nhìn xuống không đáp. Họ ngồi hai số ghế cách xa nhau. Người mẹ thi thoảng ngoái xuống nhìn con ở hàng ghế dưới, đôi mắt thoáng vẻ âu sầu, lo lắng. Tiếng tiếp viên hàng không nhắc nhở hành khách mọi thủ tục cần thiết để máy bay chuẩn bị cất cánh. Cô bé vẫn ngồi nguyên vị, tuyệt nhiên không nhúc nhích. Cho tới khi đèn trong khoang tắt, mảng tối bao chùm, nuốt chửng mọi thứ, em mới uể oải ngồi thẳng dậy chốt dây an toàn, rồi ngả lưng ra sau im lặng.
Phi cơ rùng mình chuyển động rồi từ từ cất cánh phát ra những âm thanh “ ù ù…” rờn rợn. Em đưa hai tay bịt chặt hai lỗ tai. Lúc trước mẹ quýnh quá không kịp chuẩn bị bông nút lỗ tai cho em. Cái khoảng không dày đặc bóng đêm ngoài kia với muôn hình thù kỳ quái của bầu trời có lẽ cũng không đáng sợ bằng cái bóng hình hộ pháp của kẻ mang danh "cha dượng" kia. Em bỗng hét lên một tiếng kinh hãi khiến cả khoang máy sửng sốt. Đèn máy bay bật sáng. Mọi người đổ dồn mắt về phía em. Người mẹ cuống cuồng chạy băng qua hai hàng ghế lao xuống ôm chặt em trong vòng tay, ra hiệu cho mọi người im lặng "không có chuyện gì đâu...". Tiếp viên hàng không đồng ý cho chị đổi chỗ cho hành khách ngồi kế bên. Chỉ người mẹ hiểu được nguyên nhân tiếng thét kinh hoàng kia... Em ngồi co rúm như một con mèo con đáng thương.
Người mẹ vỗ về con bằng những cử chỉ âu yếm màu nhiệm. Chiếc phi cơ bỗng chồm lên, có lẽ ngoài kia, trong bóng đêm, bầu trời nhiều mây lắm, những đám mây to ụ như những gã khổng lồ hiện lên trong tâm tưởng em. Lát sau, em cảm thấy đỡ đi một chút cái cảm giác bất an bởi vòng tay ôm ghì của người mẹ. Nhưng những đám mây kia vẫn cứ ám ảnh trong tâm trí em mỗi khi có một cú "sốc". Hành khách yên lặng trôi trong giấc ngủ chập chờn an yên tạm bợ để chờ cái khoảnh khắc tan chảy yêu thương hay tận cùng tuyệt vọng. Chỉ một lát nữa thôi...
Em mở mắt thao láo nhìn xuyên vào bóng đêm. Lúc này có lẽ em thầm cảm ơn bóng đêm đã cho em được mở to đôi mắt mà không sợ chạm vào ánh đời cay nghiệt.
Tiếng mẹ thì thào bên tai: "Con ngủ đi một lát..."
Em nhắm mắt hờ nhưng đầu óc thì chao đảo, bộn bề bao suy nghĩ...
Nghĩ tới một người chỉ lát nữa thôi sẽ gặp mà mình phải kêu bằng "ba" một cách vô cảm; Nghĩ tới những cái "mỏ nhọn" của hai đứa em gái cùng cha giống như những cái mỏ con chim lợn luôn mang đến những tai họa; rồi hình như cả tiếng đay nghiến bấc chì của "mụ dì ghẻ" văng vẳng đâu đây; Nghĩ tới bộ mặt lì lợm với bộ râu quai nón của Hộ Pháp... Em khẽ rùng mình, khống chế những cảm xúc đáng sợ đang có cơ hồ chuẩn bị nhấn chìm em...
Mấy cú sốc liền rồi hẫng như thể người ta vừa nhảy lên cao rồi vô tình thụt xuống một cái hố, phi cơ chuẩn bị hạ cánh trong sự hồi hộp của mọi người. Người mẹ nhẹ nhàng nắm lấy đôi bàn tay nhỏ nhắn của con nhắc nhở điều gì đó trong khi bánh lái máy bay đã nghiến phầm phập xuống đường ray. Kết thúc chuyến bay 1tiếng 44 phút, phi cơ hạ cánh an toàn xuống sân bay Nội Bài.
Hành lý của hai mẹ con gọn nhẹ nên không phải mất nhiều thời gian. Nhanh chóng rời máy bay, người mẹ dìu con từng bậc xuống nhà ga T1. Cái lạnh ập đến bám riết hai kẻ xa xứ. Người mẹ lập cập xem đồng hồ: 22 giờ kém 20 phút. Điện thoại có cuộc gọi nhỡ. Là số của Duy, chồng cũ của chị, cha của đứa con gái tội nghiệp đang nép bên. Ấn số vừa gọi nhỡ, chờ nghe… tiếng phụ nữ gắt lên trong máy: “ Ai gọi gì mà khuya khoắt vậy? Biết bây giờ là mấy giờ rồi không?” Chị định tắt máy nhưng tiếng cãi cọ ở đầu dây bên kia khiến chị lắng nghe:
“ Là Phương, vợ anh đưa con gái về…”,
“ Vợ anh, vợ anh… vậy tôi là gì của anh??? Tại sao không nói tôi biết?"
“gấp quá… vả lại em vừa mới về anh chưa kịp nói…”…
Người mẹ đờ đẫn, tay dời chiếc điện thoại lúc nào không hay, mặt chị tái nhợt trong thứ ánh sáng vàng vọt của sân ga. Tất cả không lọt qua được con mắt buồn, tối sập của đứa con. Tâm trạng rối bời nhưng lúc này chị phải cố tỏ ra can đảm trước đứa con gái tội nghiệp. Dịu dàng vuốt tóc con, chị nói: “Mẹ con mình ngồi tạm xuống đây, đợi ba tới đón nghe…”
Cơn gió lạnh tê tái lan đến từng ngõ ngách, tới từng tế bào trong cơ thể. Lúc đi gấp gáp chị không kịp chuẩn bị áo ấm cho con, cho mình, cũng không lường trước cái lạnh của mùa đông miền Bắc lại dữ dằn khắc nghiệt đến như vậy. Chị tự nhủ: “Mình thật tệ”! Quả như ai đó đã từng nói: “Cuộc đời là một sân khấu lớn. Có người diễn với lửa trong tim. Có người diễn tròn vai. Có người diễn rất tệ...”
Có lẽ cái bi kịch xảy ra tối hôm trước là cái bi kịch tồi tệ nhất mà chị không lường tới. Một kịch bản đã từng xảy ra ở đâu đó mà chị chưa hề nghĩ mình cũng sẽ có lúc sắm vai.
Chị vốn là một người phụ nữ truyền thống, có nhan sắc nhưng hiền lành đến mức nhu mỳ. Sóng gió ập đến cắt chia gia đình chị nhanh và phũ phàng đến mức chị không kịp trở tay. Ma lực của đồng tiền đã làm mờ mắt, biến Duy thành kẻ phản bội, đang tâm chà đạp lên hạnh phúc vừa mới nhen nhóm của chính mình với người vợ trẻ. Đứa con gái chưa đầy năm xinh xắn đáng yêu như một thiên thần bỗng chốc phải tha hương cùng mẹ. Có lẽ câu chuyện bắt đầu từ lúc Duy, chồng chị được “ thăng quan tiến chức" trong một tập đoàn kinh doanh bất động sản.
Đẹp trai, có tài, Duy đã lọt vào " mắt xanh" của Mỹ Hà, con gái của tổng giám đốc tập đoàn. Mùa đông cũng có cái lý lẽ riêng của mùa đông khi ai đó đem lòng yêu nó. Mỹ Hà không mấy khó khăn khi thực hiện dã tâm chiếm đoạt người mình yêu cho dù biết Duy đã có gia đình.
Và rồi, mùa đông năm ấy, có một cuộc đào tẩu của một kẻ hám danh. Mà cuộc đào tẩu đáng buồn nhất là khi ta để tình yêu thương thoát khỏi tâm hồn mình mà không kiểm soát được. Cho dù Duy vẫn còn rất yêu Phương và tiếc cái gia đình bé nhỏ của mình nhưng Duy không vượt qua được chính mình bởi sự cám dỗ. Vậy là họ ra tòa. Nỗi cay đắng tủi hờn của một công lý bị đè bẹp khiến Phương trở nên câm lặng trong sự buông xuôi, tuyệt vọng. Cô đành ngậm ngùi bồng con ra đi, tới một nơi thật xa như một sự trốn chạy.
Một người bà con ở Buôn Ma Thuột đã cưu mang mẹ con cô. Trong hoàn cảnh đó, không bao lâu, Phương gặp Vương "Hộ Pháp", anh chàng chăn dê to lớn (như Hộ Pháp) ở cao nguyên. Vương đã giang cánh tay “ Hộ Pháp “ ra che chở cho mẹ con Phương khi cô gặp nạn. Vậy là họ đến với nhau. Hơn chục năm qua họ sống rất tốt, họ đã có với nhau hai mặt con, vậy mà giờ hắn lại đổ đốn đòn roi với con gái chị. Phương bàng hoàng nhận ra sự thật phũ phàng cay đắng và chị quyết định đưa con gái sang ở với ba nó một thời gian với sự đồng ý của Duy chiều qua. Chị cũng hy vọng trời sẽ yên, biển sẽ lặng ít nhất là trong một thời gian cho qua cú sốc nghiệt ngã này rồi chị sẽ tìm cách tính tiếp…
Từng đợt gió bấc vẫn ào ào thổi lạnh buốt. Đã gần 23 giờ đêm, Duy nói sẽ tới đón. Mệt mỏi, vô vọng, Cô con gái ngồi như một pho tượng băng giá giữa trời đông. Bầu trời đen tối, chỉ có những vì tinh tú vẫn thản nhiên đổi ngôi phía xa xôi. Em mở căng đôi mắt dõi theo một ngôi sao xa sáng nhất. Em chợt mơ màng nhớ ngày xưa, bà ngoại bảo: “Mỗi con người sống trên cõi đời này đều có một ngôi sao hộ mệnh, ai chọn ngôi sao nào thì ngôi sao đó chính là ngôi sao hộ mệnh của mình. Và thế là như một phản ứng tự nhiên, em từ từ đứng dậy, mắt vẫn đăm đắm nhìn ngôi sao mà chân vẫn cứ bước những bước vô định trên sân ga mờ mịt, lỗ chỗ những mảng sáng tối. Thân hình em dần tan biến đi giữa dòng người ngược xuôi xa lạ…
Một lúc sau, chiếc xe tới. Là Duy. Phương đứng dậy đi nhanh ra phía xe. Một lát họ bắt đầu to tiếng, có lẽ họ đang trách nhau về trách nhiệm hay sự bất đồng gì đó tương tự...Gió vẫn rít trên ngọn cây phía tả sân bay, bầu trời đen kịt, mây chắc đang vần vũ cho xong những hoang tàn còn sót lại. Phương quay lại phía con...
Chiếc ghế trống trơn nguội lạnh. Có lẽ em đã dời đi một lúc rồi, khi hai người còn giằng co tranh cãi đằng kia.
- Duyên ơi...con ơi...con ơi...
Tiếng gọi thảng thốt, hoang mang đến tột độ của chị như xé cả màn đêm đen kịt, xé lòng chị. Chị gọi tới gọi lui, gọi đến lạc cả giọng, khản cả tiếng mà không có tiếng trả lời. Lập cập gọi điện thoại, điện thoại tắt máy. Duy chồm lên xe phóng đi một đoạn, lượn lờ tìm gọi... Bồn chồn và bức bách, Duy vẫn còn đủ tỉnh táo để phóng xe vào phía trong sân bay, nhờ truyền thông tìm gọi, hy vọng đứa con sẽ nghe được…
Nhưng tất cả đều vô vọng! Đáp lại chỉ là tiếng gió lạnh gào thét giữa bầu trời đêm vần vũ. Sân ga nhợt nhạt.
Một hồi sau, người ta thấy ở phía sau sân ga có một người phụ nữ nằm bất tỉnh, chiếc khăn màu hạt dẻ lòa xoà bay trên khuôn mặt hốc hác. Nghe tiếng loa vọng ra, Duy vội vã lao tới, rẽ đám đông, anh bỗng khựng lại! Người phụ nữ nằm bất động kia chính là Phương, vợ cũ của anh! Duy gào lên gọi tên “ Phương…” rồi đưa cô đi cấp cứu.
Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn chỉ cách sân bay khoảng 9, 10 km, Duy phóng xe như bay mà vẫn cảm thấy chậm. Tới nơi, anh ôm Phương lao vào phòng cấp cứu. Phương bị cảm lạnh có lẽ cộng thêm cả nỗi lo lắng, đau buồn quá sức mà thành ra như vậy. Bác sĩ nhanh chóng đưa bệnh nhân vào phòng cấp cứu hồi sức với những biện pháp tích cực nhất. Đợi ở bên ngoài, lòng Duy bồn chồn không yên. Vừa lo cho tính mạng của Phương, Duy vừa phải gồng mình lên, nén chặt lại nơi con tim đau nhói những suy nghĩ buồn thảm hoang mang lo lắng khi nghĩ tới đứa con còn đang thất lạc. Khoảnh khắc ấy, Duy thực sự ân hận vì hiểu rằng chính mình đã đầy đọa hai mẹ con Phương để đến nông nỗi này. Hình ảnh hai mẹ con Phương lầm lũi ra đi trong buổi chiều tà cứ ám ảnh tâm trí anh, lòng anh rối bời, ngổn ngang trăm mối… Duy đang trầm ngâm với những tâm sự đau buồn thì bác sỹ mở cửa báo tin Phương đã qua cơn nguy kịch, anh có thể vào thăm cô ấy nhưng tránh gây xúc động đột ngột.
Duy lật đật trở vào phòng, Phương nằm thiêm thiếp, gương mặt đã phảng phất chút sắc hồng. Duy bỗng xúc động khi thấy lại gương mặt yêu thương của một thời thanh Xuân trong anh. Gương mặt dịu hiền đã từng khiến lòng anh ấm áp mỗi khi cô đơn, tự tin mỗi khi hụt hẫng; gương mặt đã từng sẻ chia cùng anh bao nỗi niềm… Vậy mà đã bao năm rồi anh đã bỏ rơi nó, cái gương mặt mang tên “ tâm hồn” của một thời trong anh! Tự dưng Duy thấy cay cay nơi sống mũi, nước mắt rịn ra thành giọt lăn trên gò má, anh cảm thấy xót xa cho một ký ức đẹp đã đi qua. Không, là tự tay anh vứt bỏ.
Phương bỗng giật mình choàng dậy, hoảng hốt gọi con. Duy ôm chặt Phương vỗ về an ủi. Một lát sau, phương mới qua được cơn dư chấn. Mệt quá, cô lả đi trên tay Duy.
Đặt Phương nhẹ nhàng xuống nệm, bàn tay Duy run rẩy quàng lại chiếc khăn màu hạt dẻ lên vai cô. Lòng anh lại nhớ về bao nhiêu kỷ niệm ngọt ngào khi hai người còn mặn nồng hạnh phúc. Phải rồi, đúng là chiếc khăn màu hạt dẻ này anh đã mua cho Phương bằng tháng lương đầu tiên của anh. Chiếc khăn đã sờn cũ, nhuốm màu thời gian, vậy mà Phương vẫn mang bên mình. Ai đó thường ca ngợi “Cuộc đời thật tươi đẹp!” Nhưng giờ đây, Duy cảm thấy cuộc đời thật vô thường, thật trớ trêu, nghiệt ngã và phũ phàng quá đối với anh! Quả thật, Người ta dù đã dành cả thanh xuân để vun đắp tình cảm cho nhau, dùng cả trái tim để hẹn thề bên nhau trọn đời, dù có bão tố cũng không chia ly. Khi ấy ta nào biết tương lai sẽ khác, nào biết lòng mình cũng có thể đổi thay!?
Phải chăng hậu quả cay đắng này là cái giá phải trả cho sự phũ phàng, đen bạc của Duy trong một thời điểm mà tinh thần anh bạc nhược, chông chênh, mất thăng bằng nhất. Giờ đây anh có muốn quay ngược lại thời gian để sống lại cùng quá khứ, đi tiếp chặng đường của quá khứ cũng đâu có được! Phương giật mình bật dậy thảng thốt gọi con, lại một lần Duy phải chấn an tỉnh thần cho Phương. Rồi anh nói với Phương những lời tự đáy lòng mình, từ trái tim đang đập hối hả những nhịp đập yêu thương ân hận: “Em hãy tin rằng, chỉ cần em ổn định lại, anh sẽ lập tức đi tìm con và đem lại hạnh phúc cho nó, dù có phải cày tung cả trái Đất, anh cũng sẽ làm! Em hãy tin anh!”
Ngoài kia, bình minh một ngày mới lại bắt đầu! Nắng mênh mang trải dài cả một khoảng trời bát ngát. Đôi mắt Phương mở rộng làm vạt nắng bỗng xanh xao hay có cuộc mây nay ngang đầu mà trong mơ cô cũng không thể mường tượng khi những đám mây vừa tan biến thì con gái cô đã hiện ra trên sân ga đầy nắng giữa vòng tay giang rộng của hai người. Mây bắt đầu cuộc buông mình hối hả. Bầu trời sáng lên rực rỡ giữa cái lạnh lẽo của mùa đông.
Bạn vừa lắng nghe truyện ngắn Vạt nắng xanh xao của tác giải Nhất Chi Mai. Sau đây chúng ta sẽ đến với tác phẩm cùng tác giả có tựa đề Chim sơn ca vẫn hót.
Nó chạy thục mạng từ trong ngõ ra. Cái xe máy vừa lao đánh vèo qua trước mặt, xém chút nữa là người nó chẳng còn nguyên vẹn. Thằng cha dượng dóng diết đuổi theo sau miệng la “Thằng mất dạy…”. Nhưng nó đã thoát được ra ngoài cánh đồng.
Sáng hôm ấy nó không đến trường. Tha thẩn bên bờ sông, nó mệt quá ngồi xuống gốc cây gạo. Gió đồng mát rượi, tiếng chim Sơn Ca hót thánh thót. Dòng sông rì rào như kể chuyện khiến cho hai mi mắt nó sụp xuống. Nó ngủ…
Giấc mơ đưa nó về một sáng tháng ba. Khi những bông hoa gạo đỏ rực thắp sáng cả bầu trời, tiếng họa mi thánh thót, cũng là lúc bố đưa nó đi học. Vừa ngồi sau chiếc xe đạp cà tàng của bố, nó vừa bảo : “Sau này con sẽ lái ô tô đấy bố ạ!”. Bố chỉ cười. Nó hình dung sau này nó lái xe đưa bố mẹ nó đi du lịch mà sung sướng cười ngất. Rồi bố nó đưa nó vào lớp học. Lớp ba của cô Hòa sẽ mất vui khi vắng nó. Cô bảo:
- Bạn Sáng lớp mình không những học giỏi mà còn có nhiều trò hay…
Nhưng nó biết, nó được cô ưu ái vì có chút "sáng dạ” hơn người thôi chứ nó nghịch quá, đôi khi còn làm mất điểm thi đua của lớp nên cũng đôi lần bị cô quở trách nhẹ.
Trong giấc mơ nó thấy cả mẹ nó rất đẹp, mặc áo dài dịu dàng đi bên bố và hai chị em nó trong ngày tết. Rồi mẹ bảo nó: “Con trai của mẹ có đôi mắt rất sáng, ráng học giỏi sau này sẽ là người thông thái giỏi giang…”.
Nó choàng tỉnh khi nghe tiếng khóc. Chị nó đi tìm nó. Thằng Sáng bật dậy như lò so. Nó không muốn chị nó phải khổ thêm vì nó nữa, nên gọi chị. Hai chị em ngồi bên bờ sông. Chị nó khóc rất nhiều, hai mắt sưng húp. Còn nó thì ngồi như pho tượng, mím chặt môi, hai mắt đỏ ngầu.
Vậy là ngày thứ ba nó nghỉ học. Chiều nay cô Huệ, chủ nhiệm lớp tới nhà nó. Tiếp cô là ông bố dượng say mèm, giọng lè nhè:
- Nó đi chết dấp đâu, làm sao tôi biết! Cả cái con chị chết tiệt của nó nữa, chúng nó đi chết dấp, chết vạ đâu hết cả rồi, mẹ kiếp!
Cô Huệ buồn bã ra về, chẳng thể nói thêm được câu gì. Thực sự cô thấy rất ái ngại cho gia cảnh nhà Sáng. Mấy lần cô điện thoại cho mẹ Sáng nhưng số điện thoại cũng không liên lạc được. Cô rất buồn và cảm thấy một hoàn cảnh bất an cho hai chị em.
Trước kia, Sáng vốn là một học sinh giỏi. Từ ngày bố mất, mẹ Sáng đi bước nữa, nó buồn và sinh ra bất mãn. Lớp 8 gần cuối cấp rồi mà học hành chểnh mảng và có cơ hồ bỏ học. Lần trước, nó đã bỏ học mấy hôm, cô giáo đến nhà thấy nó nằm co ro trên tấm phản ọp ẹp kê ở góc nhà. Thấy cô đến, nó mới lồm cồm bò dậy. Nó hứa với cô bằng cái vẻ mặt buồn bã, chẳng có chút sinh lực “Rồi em sẽ đi học mà cô...”.
Đã ba bốn tháng nay, mẹ nó không về. Nghe nói mẹ nó đi làm O-sin cho người ta ở Hà Nội. Kiếm được đồng tiền cũng khó khăn, mẹ nó định chắt chiu, dành dụm để sửa lại căn nhà dột nát. Tiền ăn uống chi tiêu hàng ngày của hai chị em Sáng và ông bố dượng trông cả vào mấy sào ruộng 03 còn sót lại. Quả là "Cái khó bó cái khôn". Hay như cụ Nam Cao từng nói: "Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa..."
Mẹ Sáng chỉ vì mải lo miếng cơm manh áo cho gia đình mà không hề nghĩ đến những hiểm họa có thể xảy ra trong chính ngôi nhà của mình. Lão cha dượng đốn mạt suốt ngày say khướt rồi lèm bèm chửi như một thằng khùng. Hắn đã từng có một gia đình, một người vợ giỏi giang, nhan sắc nhưng đã đi theo người đàn ông khác. Lão hận vợ nên sinh ra rượu chè.
Mẹ con Sáng trong lúc gia cảnh cùng quẫn, sau khi bố nó đột ngột qua đời, trời se duyên họ đến với nhau. Lúc đầu mới về với mẹ con Sáng, hắn cũng tỏ ra chút tử tế, rồi khoe khoang có món tiền bán nhà. Nhưng chỉ nửa năm sau, khi mẹ Sáng hỏi đến để nhờ sửa giúp căn nhà ọp ẹp đang ở thì hắn nói đã hết. Người ta bảo hắn đã nướng hết vào canh bạc rồi. Vậy là đường cùng, mẹ Sáng phải đi làm O-Sin cho người ta mong dành dụm được chút tiền lo nhà cửa. Hai chị em Sáng ở nhà lần hồi nuôi nhau. Chị Xuân của Sáng đã nghỉ học từ khi mới học lớp 7, ở nhà mấy năm, 16 tuổi, trông đã thấy phổng phao, đôi má hồng tròn trĩnh như một thiếu nữ...
Người mẹ, chỉ vì mưu sinh mà xa rời con giữa cái lúc mà con cần mẹ nhất. Tình cảnh thật éo le, bao nhiêu hiểm họa mà người mẹ không lường được...
Hôm nay, Sáng đến trường sau mấy hôm nghỉ học, người nó tơi tả và nồng nặc mùi rượu. Say khướt, nó bước đi lảo đảo rồi ngã oạch mấy lần. Tổng phụ trách và đội cờ đỏ của trường đã kịp can thiệp và mời nó lên văn phòng. Một lúc sau, cô chủ nhiệm bảo lãnh cho nó về lớp sau khi đã viết kiểm điểm và hứa trước thầy hiệu trưởng. Tiết 2 giờ văn của cô chủ nhiệm, nó cố tỏ ra chăm chú nhưng chỉ được một lát, nó lại gục xuống bàn. Cô ngừng giảng, nhẹ nhàng xuống khuyên nó. Nó im lặng tỏ vẻ vâng lời. Nhưng sang đầu tiết 3 giờ toán cô Lệ thì nó đã chuồn khỏi lớp từ khi nào chẳng rõ...
Một căn nhà tồi tàn nơi cuối làng, giáp cánh đồng, mái ngói siêu vẹo, cũ kỹ, lối đi cỏ dại mọc bờm xờm, chẳng ra hàng lối. Thằng Sáng bỏ học về lúc nửa buổi. Đến đầu ngõ, linh tính đã báo cho nó điều chẳng lành. Quả nhiên khi vừa bước vào tới cửa nhà, nó đã nghe tiếng lè nhè chửi rủa của cha dượng và tiếng khóc khẩn thiết của chị gái. Nó xô cửa xông vào và chứng kiến bố dượng đang tát chị nó chỉ vì chị không đưa tiền bán rau cho hắn mua rượu. Sáng tức mình lao đến đẩy lão một cú thật mạnh. Bị đánh bất ngờ, không kịp trở tay, hắn ngã kềnh ra đó, kêu rống lên như một con bò. Hai chị em vùng chạy ra ngoài trong khi trời bắt đầu nổi cơn giông tố.
Trời đất mênh mông, không biết đi đâu, về đâu? Hai chị em cứ chạy thục mạng, chạy cuống cuồng ra phía quốc lộ...
Vậy là đã ba hôm liền, Sáng vắng mặt, lớp 8E như lên cơn sốt. Cô chủ nhiệm và các bạn đã đi tìm Sáng nhưng vẫn bặt vô âm tín. Cô biết, Sáng có một chiếc điện thoại cũ, thi thoảng vẫn lén lút dùng ( vì nhà trường cấm). Cô đã gọi mấy lần nhưng Sáng đều tắt máy. Gọi cho mẹ Sáng cũng chẳng ăn thua. Gia đình bên nội Sáng cũng đi tìm nhưng vẫn không tìm ra manh mối.
Đã năm ngày trôi qua… Giờ học cả lớp lặng lẽ buồn khi nhìn chỗ Sáng ngồi vẫn trống vắng. Cô chủ nhiệm buồn và lo cho Sáng rất nhiều. Qua những lần cô trò tâm sự, cô cũng hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của gia đình em. Nhưng cô cũng không ngờ được, cơ sự lại tới mức này. Chiều nay, cô ngồi viết đôi lời tâm sự cùng Sáng qua dòng tin nhắn điện thoại. Cô cũng không hi vọng Sáng có thể nhận được và đọc những dòng tin này, nhưng cô vẫn cứ viết:
“Sáng ơi, đã mấy ngày nay, cô và các bạn lớp mình rất nhớ em, lo cho em rất nhiều… Hiện giờ em đang ở đâu, hãy nói cho cô biết nhé! Cô hứa sẽ giữ kín những gì mà em không muốn nói ra. Cô và các bạn lớp mình luôn bên em. Cô chờ tin em!”.
Dù không mấy hi vọng, nhưng cô vẫn chờ đợi Sáng sẽ hồi âm. Những tiết học cứ lặng lẽ trôi đi trong sự căng thẳng và chờ đợi…
Buổi trưa hôm đó, Cô giáo đang ngồi trầm ngâm giữa cái im lặng bủa vây. Ánh nắng đầu hạ xuyên qua tán cây đu đưa, rơi thành bông nhảy nhót ngay trước hiên nhà. Bỗng nhiên Sáng xuất hiện như một cơn gió. Cô giáo thảng thốt sau cái giây phút đờ đẫn, tái nhợt như không tin ở mắt mình:
- Sáng! Sáng ơi! Kìa, em đã về rồi hả!
Sáng chào cô khe khẽ rồi lặng lẽ bước vào nhà cùng cô. Đôi mắt đượm buồn, ươn ướt, khuôn mặt đanh lại như cố kìm giữ cho tiếng khóc khỏi rơi ra. Cô giáo tìm lời an ủi vỗ về em trong khi những đọn nắng tháng 5 cứ nghiêng ngả rơi rụng ngoài sân.
- Em về thế này là tốt rồi…
…
Im lặng một hồi lâu... Sáng bắt đầu kể cho cô nghe về cuộc hành trình chạy trốn của hai chị em hôm sự việc xảy ra…Nước mắt em bắt đầu chảy thành dòng khi kể về cảnh hai chị em đi tìm mẹ trong cái buổi chiều mịt mù giông gió. Bàn chân em đã bước những bước chênh chao, hụt hẫng giữa dòng đời ngược xuôi, giông gió trong suốt hai ngày đêm mới tìm thấy mẹ. Có lẽ cũng không nên trách mẹ, không nên trách cái điện thoại hỏng của mẹ mà trách sao cuộc đời nghiệt ngã đã đưa đẩy hai chị em (vốn còn là những đứa trẻ) lâm vào cảnh khốn cùng!
Cô giáo lặng im nghe từng chi tiết của câu chuyện. Đôi dòng nước mắt lã chã tuôn rơi, cô bảo Sáng: “Hoàn cảnh của gia đình em thật éo le, cô rất thương, rất quý em! Vậy nên, nếu muốn , em có thể ở lại nhà cô, cô sẽ giúp đỡ em, các bạn cũng sẽ giúp đỡ em …
Nhưng sáng im lặng, rồi đứng lên và nói với cô giáo:
- Em cảm ơn cô, cảm ơn các bạn thật nhiều, nhưng em phải về nhà... Chị em ở ngoài đó cùng làm với mẹ nên em sẽ về nhà, thay mẹ lo mọi việc ở nhà, cô ạ…
Còn bây giờ, ông ấy (bố dượng) không sao rồi ạ. Chỉ có điều hiện tại ông ấy mất trí nhớ, cũng đáng thương, nên em nghĩ mình sẽ có trách nhiệm chăm sóc cho ông ấy. Cho dù thế nào thì ông ấy cũng là bố dượng của em, phải không cô?
Cô giáo nắm chặt đôi bàn tay Sáng như muốn truyền cho em một sức mạnh. Cô nhìn sâu vào đôi mắt sáng và còn chút thơ ngây của em như đọc được trong đó một niềm tin nơi thứ ánh sáng đẹp của lòng thiện lương và can đảm mà trong cái tình cảnh trớ trêu này nó đã hiện hữu. Cô xúc động nói: "Cố lên em, cô tin ở em! Cô và các bạn sẽ luôn bên em!"
- Em mong cô và các bạn thứ lỗi cho em… em muốn được tiếp tục đi học cùng các bạn, cô ạ!
Nhìn ánh mắt băn khoăn, đầy thương cảm của cô, Sáng hiểu cô đang lo cho mình, nên bảo cô:
- Em sẽ cố gắng tự lập, giúp mẹ sửa lại căn nhà dột nát, vừa học vừa làm để duy trì cuộc sống và cố gắng học để bù lại những ngày qua…Em hứa sẽ cố gắng cô ạ!
Đôi mắt cậu bé bỗng ngời sáng lên, lấp lánh đầy tự tin. Những yêu thương khát vọng như lại đang trỗi dậy trong lòng. Ngoài kia, những bông hoa nắng rực rỡ của tháng 5 như đã hóa thân vào những bông hướng dương vàng thắm đang rực lên dưới mặt trời mùa hạ. Gương mặt xanh leo lét như chiêm bao khi nãy, giờ bỗng hồng tươi trở lại. Cô giáo vừa tiễn em ra cổng vừa dặn:
- Sáng mai em đi học nhé! Chiều mai, cô cùng các bạn sẽ tới giúp em dọn lại căn nhà cho tươm tất, dọn cho sạch đi những ám khí của ngày qua…
Sáng trở về căn nhà cũ. Em đứng lặng hồi lâu nhìn tấm di ảnh của bố trên bàn thờ, trái tim em bỗng như chùng xuống một nhịp khi nghĩ tới những người thân yêu. Cảm thấy như họ đang dõi theo và trông đợi ở mình với bao điều tốt đẹp. Sáng tự nhủ: “Nhất định mình phải giúp mẹ dựng lại ngôi nhà cũ đổ nát, vẽ lên đó một khung cảnh mới và tô màu cho nó tươi sáng hơn!”
Bên mé vườn, mấy con chim Sơn Ca thi nhau hót thánh thót một khúc nhạc tươi vui đầy phấn chấn như một khúc dạo đầu.
© Nhất Chi Mai - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho chúng ta
Những đau đớn hằn vết trong trái tim anh đều do em cả. Em không mong mình sẽ là người khâu vá lỗ hỏng ấy, chỉ mong anh hãy quên em và đừng yêu em thêm nữa. Tình yêu này không nên tồn tại. Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho cả hai chúng ta.
Trả Lại Anh Cho Cô Gái Khác | Radio Tâm Sự
Sau chia tay, có ai không bi luỵ lẫn tổn thương… chẳng qua chúng ta chỉ khác nhau ở thời gian chữa lành mà thôi. Có người cần một tháng, có người cần một năm, có người cần thời gian đủ lâu và có kẻ chấp nhận dùng cả một đời để học cách quên đi một người.
Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909
Ngày hôm đó chúng ta đã nói sẽ luôn nhớ tới nhau, sẽ giữ trọn vẹn trong tim mối tình của năm tháng ấy. Nhưng anh biết không, mỗi người chúng ta ai rồi cũng đều khác, lời hứa năm đó cũng chỉ là tên gọi khác của lời tạm biệt mà thôi.
Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908
Dây xích sắt trượt dài trên thanh chắn cửa, rít lên một tràng âm thanh chói tai, kết thúc bằng tiếng đáp đất nặng trịch. Trời lặng gió, áng mây vắt ngang qua ngọn cây, trong đêm tối không trăng không sao, chiếc lồng đèn cũ phủ một lớp bụi mỏng
Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907
Mưa rơi, làm hình bóng anh trong mắt cô mờ đi, gương mặt điển trai sau màn mưa trắng chẳng rõ đang vui hay buồn. Mưa vẫn không ngừng xối lên thân ảnh liu xiu của anh, lớp áo sơ mi trắng dính vào da lộ ra vết sẹo dài chạy dọc theo cánh tay khẳng khiu.
Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906
Bạn chính là chủ nhân của cuộc đời mình. Tương lai ra sao, do bạn định đoạt. Đừng để năm tháng trôi qua, trong bạn chỉ toàn là tiếc nuối.”
Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905
Đôi khi, sự ra đi của người khác là lí do để ta nhìn lại mình. Nhìn lại những gì mà bản thân đã cư xử. Có phải vì ta chưa đủ trưởng thành? Có phải vì ta vẫn còn quá cảm xúc và bi kịch hoá mọi thứ?
Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904
Nếu bạn độc thân, hãy tận hưởng điều đó. Độc thân không có nghĩa là chưa đủ tốt để yêu. Độc thân nghĩa là chưa có ai đủ tốt để được bạn yêu.
Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903
Muốn ngắm bình minh, phải dậy thật sớm. Muốn tạm biệt ngày tàn, phải vẫy chào hoàng hôn. Hạnh phúc của mình nên tự mình nắm lấy...
Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902
Một giấc mơ dang dở dấy lên trong lòng tôi một sự hiếu kỳ với dáng vẻ của hạnh phúc. Nếu bước qua lằn ranh giữa quá khứ và hiện tại, tôi sẽ thấy được điều, có phải kết cục sẽ vẹn tròn hơn không.