Phát thanh xúc cảm của bạn !

Có một người thương

2018-03-22 01:10

Tác giả:


blogradio.vn - Chị Nam hình như có ý định ở Tu Bông thêm một thời gian nữa hay sao ấy, nên lúc nó quay lại Nha Trang, nó đâu có thấy chị Nam. Rồi cỡ hai ba ngày sau, chị Nam trở lại Tu Bông. Nó mừng. Nó cũng không biết sao nó mừng nữa.

***

blog radio,   Có một người thương

Nhỏ tên Kì, đang làm việc ở salon Hiệp Nguyễn, một salon – gọi là salon, chứ ở đó cũng có bán quần áo – khá nổi tiếng ở Nha Trang. Chị gái của Kì tên là Nam. Ghép tên hai chị em lại sẽ được cụm “Nam Kì”. Chị Nam lớn hơn Kì bốn tuổi, là giáo viên tiểu học. Trường tiểu học mà chị Nam đang dạy chị cách salon Hiệp Nguyễn có mỗi con đường, nên khá thường xuyên, vừa hết buổi dạy, Nam lại chạy xe sang salon Hiệp Nguyễn đón Kì. Tất cả mọi người trong salon dần dần cũng quen mặt Nam. Thì bởi vì chị Nam với Kì giống nhau, cũng da ngăm, cũng tóc xù kia mà. Nhưng về phần Kì, nó chối phắt đi. Kì không công nhận chị Nam là chị gái của mình. Ba Kì có con riêng ở ngoài – chính là chị Nam – mà vẫn cưới mẹ Kì. Mẹ Kì mất hồi Kì mới bốn tuổi, do quá sốc. Thứ nhất là khi biết ba có con riêng. Thứ hai là do ba đòi đưa Nam và cô tình nhân của ông – Mẹ Nam – đến sống. Dì Ba đã nói vậy với Kì. Kì hận ba. Hận lắm. Con người lừa dối, giả tạo, xảo trá. Nó hận luôn chị Nam. Hận lắm. Loại con hoang không nguồn không gốc. Những người đó, không phải người thân hay họ hàng gì của Kì cả.

Bốn giờ chiều thứ Sáu, dạy xong, Nam chạy xe sang Hiệp Nguyễn. Cũng vừa kịp, Nam vừa đến, Kì cũng vừa bước ra cửa. Chị Nam nhìn Kì, mỉm cười. Nụ cười của chị dịu dàng và ấm áp lắm. Nhưng Kì không đến bên chị gái mà đứng im ở cửa. Các anh chị ở salon thấy vậy thì bước đến gần, quan tâm hỏi Kì, sao không về đi. Nghe vậy, Kì mới động đậy một chút. Kì đi. Đi thẳng ra bến xe buýt ở bên kia đường mà không ngó ngàng gì đến chị Nam. Chị Nam cũng chạy xe sang bến xe buýt bên kia đường. Chị hỏi, đi xe buýt hả. Kì gật gật. Tuy nó ghét chị Nam, nhưng nó cũng biết, mình phải có thái độ lễ phép khi nói chuyện với người lớn tuổi hơn. Nó quyết định gọi Nam bằng chị. Chị thì chị, có phải chị đâu mà? Nó bảo, chị khỏi cần sang đây chở em làm gì, xe buýt cũng rẻ thôi. Chị Nam không nói gì, lẳng lặng cua xe về.

Sáng hôm sau, Kì vẫn đến salon Hiệp Nguyễn làm như bình thường. Chị Hiệp, chủ salon, vừa nhác thấy bóng nó đã chao chát cả lên:

“Ê, tóc rối kìa!”

Nhỏ Kì nhìn chị Hiệp. Chị Hiệp chỉ chỉ vào cái đầu nhuộm vàng hoe của nó. Nó lấy điện thoại ra, bật camera trước soi thử. Cũng đâu có rối lắm?

Kì ngồi vào bàn làm việc. Trên bàn toàn là phấn, kem, son môi, chì kẻ mày, mực kẻ mắt... nhưng, có ai nói đó không phải bàn làm việc đâu chứ. Vốn công việc của Kì là làm mặt làm mày cho người ta mà.

“Nay mày chảnh quá hén, nói không thèm đáp luôn nè.”

Kì lúc này mới nhớ ra, ban nãy, lúc nó mới bước vào salon, chị Hiệp có gọi nó nhưng nó không có trả lời. Nó quay về phía chị Hiệp, cười ngượng ngùng: “Em sao dám chảnh...”

“Bớt bớt đi mày, chị ruột mày mà mày còn chảnh, đừng nói đứa người ngoài què cụt như tao.” Hiệp để ý rằng hôm qua, Kì không ngồi lên xe cho chị gái mình mà một mực đòi đi xe buýt. Đi xe buýt là phải tốn tiền. Xe buýt ở xã, huyện ít gặp người xấu, chứ xe buýt ở thành phố hả, người xấu nhiều phát hoảng. Một khi đã bước lên xe buýt, thì túi xách, tiền, điện thoại... gì đấy, lo mà giữ chặt vào nha; không chịu giữ chặt thì chút nữa xuống xe tha hồ mà khóc, biết chưa? Còn ngồi lên xe cho chị gái chở thì sao? Không tốn tiền. Mà người lái xe đó chính là người thân mình, đâu phải lo toan sợ hãi gì nữa. Cũng không biết là nhỏ Kì thừa tiền, muốn có chỗ tiêu; “không còn gì để mất” hay chảnh nữa.

“Chị đó không phải chị ruột của em!” Kì phản pháo. Chị Hiệp rõ ràng chẳng hiểu gì cả.

Chị Hiệp nhíu mày không hiểu. Kì hỏi, chị muốn biết đầu đuôi câu chuyện không. Chị Hiệp vốn không phải người thích tìm hiểu chuyện đời tư của người khác. Nhưng thấy có vẻ như Kì đang ôm gánh nặng trong lòng, nên đã gật đầu, nghĩ rằng, biết đâu mình lại có thể giúp Kì giải tỏa những gánh nặng đó. Kì kể. Mẹ Kì qua đời khi Kì chỉ mới bốn tuổi. Mất do quá sốc. Hồi đó Kì ngu lắm. Trẻ con mà, có biết gì đâu. Chuyện mẹ qua đời, nó xem là chuyện bình thường. Nó luôn luôn mơ mộng, một ngày nọ, mẹ sẽ về với nó. Năm nó tám tuổi, nó có chút khôn, nó mới hiểu được mất mẹ đau đớn như thế nào. Mẹ sẽ mãi mãi không về với nó. Rồi đến năm nó mười tuổi. Ba nó nghiện rượu. Nghiện bia. Nói chung là, nghiện đồ uống có cồn. Hễ cứ uống vô là ổng nói lung tung hết, nói trời trăng mây nước gì đó. Sau đó thì ổng hát. Mà ổng hay đi lắm, nên nó đỡ nghe ổng nói ba chuyện nhảm nhí, hát tào lao thiên tướng. Dì Ba đưa nó về ở chung. Rồi dì Ba kể cho nó nghe sự thật đằng sau cái chết của mẹ nó. Theo lời dì, ba nó “có đứa con riêng bên ngoài, tên là Nam”. Ba nó “nhất quyết đòi đưa Nam với mẹ con nhỏ về sống chung”, má “tức quá mới vậy”. Thành ra, nó ghét ba nó. Ghét chị Nam. Ghét cực. Nhiều khi chị Nam là người ngoài, chặt đầu lấy máu không có tí ADN với nó, nó lại đỡ ghét chị hơn thế. Cũng có ghét mẹ chị Nam. Nhưng không nhiều, nó còn chưa thấy mặt mẹ chị Nam bao giờ kia, biết đường nào mà ghét. Việc Nam đến salon đón mỗi ngày khiến Kì rất khó chịu. Kiểu như giám sát ấy. Kì đâu phải trẻ con. Tự biết thế nào phải, thế nào trái chứ.

Chị Hiệp cười nhạt:

“Trẻ con.”

“Ai bảo em trẻ con?” Kì cãi lại ngay.

“Nếu em không trẻ con, thế thì tại sao em cãi lại chị?” Chị Hiệp ngửa mặt lên trời, cười ha hả: “Đúng là trẻ con!”

blog radio,   Có một người thương

Một lát sau, một cô gái tầm hai mươi tuổi, đeo cặp kính tròn đến, yêu cầu chỉnh lại mái tóc. Người lãnh phần làm tóc chính là chị Hiệp. Kì không biết làm tóc, nhưng chị Hiệp bắt ép, vẫn phải đến chỗ vị khách đó. Thì coi chị Hiệp làm tóc. Chị Hiệp bảo, để trở thành chuyên gia làm đẹp, phải thông thạo làm tóc với làm móng nữa, đâu phải chỉ riêng trang điểm. Kì “dạ” mấy tiếng, nghĩ bụng, em đâu có muốn trở thành chuyên gia làm đẹp gì đâu, chả là tại làm ba cái nghề tô tô phết phết này kiếm được kha khá tiền nên em mới nhảy vô chứ. Chị Hiệp dạy nó đủ chiêu. Xác định chị Hiệp cứ nói bình thường vậy, nó sẽ chẳng nhớ được gì, nên nó đã vớ lấy một quyển sổ tay ghi ghi chép vào. Còn cô gái đeo cặp kính tròn kia, hình như rảnh rỗi lắm hay sao đó, hai chị em Hiệp – Kì giỡn nhau làm tốn một mớ thời gian, thế mà cô gái đó chẳng nói gì cả. Mà chắc không có đâu, có lẽ thấy chị Hiệp với Kì “trâu” quá, nên cô này hoảng sợ, không dám lên tiếng đấy mà.

Vừa sửa lại mái tóc xong, cô gái kia còn chưa kịp trả tiền cho chị Hiệp, mẹ cô gái đã gọi điện đến. Thì cô gái đó gọi người ở đầu dây kia là mẹ mà. Kì không rõ nội dung cuộc nói chuyện giữa hai người là gì, nhưng ở đầu dây này, cô gái có vẻ vui lắm. Tiếng “mẹ” ngọt xớt, ngọt như sắp tan chảy, tiếng cười có chút lả lơi thường xuyên vang lên. Kì cảm thấy chạnh lòng. Cô gái kia có mẹ. Có thể gọi mẹ. Cười với mẹ. Ăn đồ ăn mẹ nấu. Cùng mẹ đi dạo. Còn Kì...

Những ngày tiếp theo mọi thứ vẫn diễn ra bình thường. Chị Nam vẫn làm công việc gõ đầu trẻ, Kì vẫn tiếp tục truy truy troét troét thứ này thứ nọ lên mặt người ta. Chị Nam vẫn hay đến salon Hiệp Nguyễn với ý đón Kì và bị Kì từ-chối-dưới-mọi-hình-thức.

Hai tháng sau.

Salon Hiệp Nguyễn vốn có một “thông lệ”, đó là đóng cửa vào lúc 21 giờ. Nhưng hôm đó, 20 giờ 50 phút, Kì đương định về thì có hai cô gái kéo nhau vào Hiệp Nguyễn mua quần áo. Kì phải ở lại, đi sau lưng hai cô gái đó, hết giới thiệu mẫu áo này lại giới thiệu đến mẫu áo kia. Đến 21 giờ 10 phút vẫn chưa chịu rời đi. Chị Hiệp muốn đóng cửa salon. Nhưng, đâu thể đuổi người ta được, lỡ người ta suy nghĩ không tốt về salon, sau này không đến nữa; hay lỡ người ta rêu rao này nọ làm mất khách hàng của tiệm thì sao đây? Cả ngày chạy quay chạy lại, trông trước trông sau cái salon này... Hiệp mệt lắm rồi!

Phải đến 21 giờ 20 phút, hai cô gái kia mới chọn quần áo xong. Mang số quần áo vừa chọn được đến quầy thanh toán, bảo chị Hiệp tính tiền. Chị Hiệp tổng hai bộ là bảy trăm ngàn. Hai cô gái kia lắc đầu ngán ngẩm, có sáu trăm bảy thôi. Hiệp lấy luôn. Hai cô gái kia bước ra khỏi cửa. Kì hoàn thành nhiệm vụ của mình, cũng rời đi. Kì sang bên kia đường đợi xe buýt. Nó đợi năm phút. Năm phút thì nó xem là một năm. Nó rút điện thoại ra coi giờ, lầm bầm chửi, xe buýt kiểu gì vầy nè, 21 giờ 30 còn chưa đến là sao. Ngưng một nhịp. 21 giờ 30... Giờ này làm gì còn chuyến xe buýt nào nữa!

Kì hốt hoảng. Đương lúc đó, có một người đàn ông cao kều, mặc quần áo đen bước đến. Ánh điện đường hắt vào, hình ảnh hiện lên lại càng thêm dữ tợn. Nó ý thức được, người đó chẳng phải người tốt gì. Nó chạy đi. Nhưng người đàn ông đó... nhanh hơn nó một nhịp. Gã nắm lấy vai nó, cất giọng trầm trầm:

“Xin lỗi cô...”

Kì từ từ quay đầu lại. Lo sợ, bàng hoàng, không dám đối diện với người đàn ông đó. Nhìn gần, nó thấy người đàn ông này da đen, râu ria lởm chởm... giống hệt tên cướp trong bộ truyện tranh Doraemon mà ngày nhỏ nó vẫn đọc! Nó định hét lên. Nhưng rồi lại im lặng. Mục đích tiếp cận nó của người đàn ông này còn chưa rõ, bây giờ nó mà hét lên sẽ bất lợi cho nó.

Salon Hiệp Nguyễn ở bên kia đường thôi... Đợi khi nào tên kia “giải tỏa”, nó sẽ hét lên, chị Hiệp sẽ ra cứu nó ngay thôi.

“Tôi sẽ không làm hại cô đâu. Phiền cô cho tôi hỏi cô một vài điều.”

Nó gật lia lịa như gà mổ thóc.

Gã hỏi đường đến Tu Bông. Tu Bông là quê Kì. Nó nói nó không rành, năm năm không về quê kia mà, nên nó lấy điện thoại mở nhưng gã chặn tay lại. Nó sợ, nếu là người tốt thì đâu phải ngăn nó dùng điện thoại. Nó cố nhớ. Rồi nó nói một tràng. Chẳng trúng trật vào đâu. Còn tên kia, trưng cái bản mặt hầm hầm ra, hỏi, giờ này còn xe không. Nó chỉ, đi ngày mai thì đi xe buýt, còn cần đi ngay trong hôm nay á, thì bắt đại xe khách đi. Gã cảm ơn Kì, rồi quay lưng đi. Kì thở “phù” nhẹ nhõm, còn tưởng tên đó “kho” mình kia, hóa ra chỉ đơn giản là hỏi mấy điều. Sẵn tiện đang cầm điện thoại trên tay, Kì gọi luôn cho chị Nam. Rồi đến khi chị Nam nghe máy, nó rơi vào trạng thái ngớ ngẩng. Người đó đâu phải người thân của mình, mình gọi chi ta. Được một lúc, trạng thái ngớ ngẩng qua đi, nó kêu chị Nam đến đón nó. Độ gần năm phút. Một chiếc xe máy màu trắng tiến đến. Chỉ cần nhìn chiếc xe thôi, nó cũng đủ biết người lái xe là ai rồi. Xe dừng. Nó nhảy lên xe. Kể cho chị nghe hồi nãy mới gặp người xấu. Chị Nam cười, nay hết ghét chị rồi hả. Nói đến vấn đề này, Kì im lặng.

Một tuần sau đó, dì Ba ở Tu Bông tới Nha Trang thăm Kì. Lần cuối cùng Kì gặp Dì ba là vào tháng hai của bốn năm trước. Bốn năm trước, tóc dì Ba vẫn còn đen. Da vẫn còn căng mịn lắm. Còn bây giờ, tóc dì Ba đã có nhiều điểm bạc, trên gương mặt cũng đã xuất hiện khá nhiều nếp nhăn. Dì hỏi vài điều. Về chỗ ở của Kì. Và chỗ làm. Rồi dì Ba vào thẳng vấn đề chính: ba Kì đưa đứa con riêng tới ở. Là con trai, tên Nam. Kì bất ngờ, con riêng của ba chính là chị Nam kia mà, nay lòi ra ông Nam nào nữa đây. Dì cười khổ, hồi đó chỉ nghe ba Kì nói là có đứa con riêng tên Nam thôi, chứ cũng hổng biết đặc điểm nhận dạng ra sao hết á. Vừa vặn lúc đó chị Nam xuất hiện, dì Ba mới nói luôn đó là con riêng của ba Kì. Mặt Kì méo xẹo, vậy thời gian qua dì “nói như đúng rồi” đó hả. Không thừa nhận cũng chẳng phủ nhận, dì bảo, ba mày không có xác thực ai là con riêng của ổng. Chỉ còn nước kiểm tra ADN mà thôi. Kì vò đầu bức tai. Hổng kẽ chị Nam là “đồ giả”, ông Nam gì đó mà dì nhắc đến mới là “đồ thật”? Mà nếu vậy, chị Nam hẳn là người rõ nhất. Thế nhưng chị ta lại chẳng lên tiếng. Vậy, mục đích thực sự của chị ta là gì?

Một sợi tóc rụng xuống, dì Ba nhặt lấy, cất đi. Độ hai, ba ngày sau, ba Kì gọi điện, kêu nó về Tu Bông gặp người quan trọng. Chị Nam cũng “được” kêu về Tu Bông. Qua lời kể của dì Ba, nó cũng đã lờ mờ nhận ra được “người quan trọng” là ai. Nó kể với dì Ba. Dì ba bảo nó, lấy tóc thằng Nam cho tao nghen. Kì về Tu Bông. Vừa bước vào nhà, Kì đã trông thấy tên cao cao, da đen, râu ria lởm chởm hồi “trò chuyện” cùng nó ở Tu Bông. Nó bất ngờ, gã kia cũng bất ngờ. Ba nó mới giới thiệu đó là Nam, anh trai nó. Nó mới hỏi đến chị Nam. Như dì Ba đã nói, ổng không khai đâu.

Gã tên Nam kia lấy trong túi áo ra một hộp thuốc lá. Gã rút một điếu, ngậm rồi châm lửa. Kì vốn không thích thuốc lá, lại càng không ưa những tên hút thuốc lá. Nó lại gần, nhỏ nhẹ, anh tắt thuốc lá được không ạ. Nhân tiện lấy ít tóc rụng của gã kia. Gã Nam lấy điếu thuốc ra. Gã không tắt thuốc đi, mà phả khói vào mặt Kì. Nó ra ngoài sân. Gió mát rượi thổi đi cái nóng trong lòng nó. Được một lúc, tên kia tiến đến đứng cạnh nó. Nó bỏ ra vườn. Tên kia cũng đi theo. Tên đó hỏi, mày kênh tao hả. Ý tên Nam là, nó chảnh quá đó. Nó tức, lần đầu nó gặp chị Nam, đâu có như thế này. Người gì mà không có chút lễ nghi phép tắc chi hết. Nó quay lưng bỏ về. Nó không biết được kia ở sau lưng tên kia mặt hầm hầm, giơ nắm đấm chực đánh nó.

blog radio,   Có một người thương

Tối đó, Kì đến nhà dì Ba đưa tóc và ở lại đêm. Hai dì cháu nằm cùng giường thức trò chuyện đó chớ. Dì nói về gã Nam kia, trông đàng hoàng mà lại có tiền án tiền sự. Còn chị Nam, tưởng xấu xa mà lại tốt bụng. Dì bảo, mày cắt quan hệ với cánh bên kia, nhưng vẫn phải liên lạc giao tiếp với con Nam đó. Kì không hiểu lắm những gì dì Ba nói, nhưng vẫn “dạ” một tiếng.

Ngay ngày sau đó, Kì quay lại Nha Trang. Chị Nam hình như có ý định ở Tu Bông thêm một thời gian nữa hay sao ấy, nên lúc nó quay lại Nha Trang, nó đâu có thấy chị Nam. Rồi cỡ hai ba ngày sau, chị Nam trở lại Tu Bông. Nó mừng. Nó cũng không biết sao nó mừng nữa.

Buổi chiều thứ Bảy của hai tuần sau dì Ba tới Nha Trang. Dì tìm đến phòng trọ Kì ở luôn. Dì đưa kết quả xét nghiệm ADN cho nó. Dì than, làm ba cái xét nghiệm này, tốn quá trời tiền à.

ADN của tên Nam giống nửa ADN của nó. Còn ADN của chị Nam... chẳng giống của nó chút nào hết. Kì bất ngờ. Dì Ba kể, hồi xưa ba nó thích mẹ chị Nam. Ổng đi Nha Trang làm tầm bậy tầm bạ gì đó, dì Ba cũng không nhớ nữa; nhưng đến khi ổng về thì mẹ chị Nam đã có chồng, còn có con nữa. Rồi ổng đi “làm sao” với người phụ nữ mang tiếng xấu trong làng, mọc ra ông Nam kia. Chuyện ưng má Kì là ba má ổng bắt, thực ra ổng cũng chẳng muốn ưng.

Nó thấy có gì đó không đúng lắm. Chị Nam đã biết hết những điều này chưa? Nếu chưa biết, tại sao đứng trước mặt gã Nam không có phản ứng gì? Nếu biết, tại sao chị lại không nói? Tại sao chị lại phải thương đứa em không chút máu mủ với mình?

Nó hẹn gặp chị Nam ngay trong tối hôm đó. Hỏi chị cho ra lẽ. Sự thật là chị đã biết hai chị em không có máu mủ gì với nhau từ lâu.

***

“Ủa? Mày hết ghét bà chị mày rồi hả?”

“Đúng là hết ghét, nhưng chỉ hổng phải chị ruột em đâu.”

Chị Hiệp tròn mắt. Hết ghét? Không phải chị ruột? Hổng lẽ, chị ruột thì nó ghét, còn chị “không ruột” nó mới thương?

Kì giải thích. Lúc đầu tưởng chị Nam là chị ruột, ghét. Lúc sau, biết chị Nam không phải chị ruột, nó đã nghĩ: không phải người quan trọng, thôi thì trước ghét, sau cũng ghét cho nó đồng bộ. Nhưng có một điều khiến nó phải suy nghĩ lại, đó chính là, chị Nam thừa biết nó không có máu mủ gì với mình nhưng vẫn thương; bị nó ghét, lại càng yêu thương nó hơn nữa; thương nó hơn người có cùng huyết thống với nó, nên nó mới phải thương cho bằng được đó!

“Ủa, không cùng huyết thống, vậy tại sao mày lại giống người chị gái mày...?” Chị Hiệp ngây ngốc hỏi.

“Em làm sao biết...”

© Trần Thị Huyền Thương – blogradio.vn

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Chuyện tình như mơ

Chuyện tình như mơ

Viết làm gì một nỗi niềm riêng Màu giăng lối ta đi trong niềm nhớ

Anh người em từng thương

Anh người em từng thương

Em chưa kể câu chuyện cũ cho anh nghe vì em biết khi kể lại nhưng chuyện cũ lại khơi về quá khứ lại khiến mình tự trách và buồn nhiều hơn. Kể ra rồi cũng chẳng thay đổi được gì cả, nếu có chắc mình đã tua đi tua lại chuyện ấy hơn trăm vạn lần rồi. Chuyện của anh cũng thế thôi…

3 tháng đầu năm chỉ là

3 tháng đầu năm chỉ là "nháp", kể từ tháng 5, 3 con giáp này bứt phá trong công việc, tình tiền song hành thuận lợi

Trong thời gian tới, những con giáp này có cơ hội lấy lại những gì đã mất.

Lấm tấm cơn mưa

Lấm tấm cơn mưa

Cô nghĩ hoa có thể làm được như vậy, những cánh hoa mong manh dịu dàng quá đỗi kia và cả vô số những hạt nước li ti được đọng lại trên đó sẽ nhắc người ta về những điều thiện lương của cuộc sống. Sẽ nhắc người ta về tình yêu thương giữa con người và con người với nhau trong cuộc sống

Ôm trọn một vòng tay

Ôm trọn một vòng tay

Chị cứ ngồi vậy mà ôm con trong lòng, chị nâng niu bàn tay đôi chân con, thăng bé đã mười mấy tuổi và con đã cao lớn hơn so với chị nghĩ. Vậy là cuối cùng ông trời cũng nghe được tiếng chị gọi ngày đêm, ông trời cũng thấu hiểu được nỗi lòng chị mòn mỏi chờ mong con.

Thích cậu là bí mật thầm kín nhất của tớ

Thích cậu là bí mật thầm kín nhất của tớ

Cậu biết không, tớ đã đứng trước gương hàng trăm lần, rồi tự tưởng tượng trước mặt tớ là cậu. Và tớ sẽ nói hết cho cậu biết rằng tớ đã thích cậu nhiều như thế nào. Nhưng khi thực sự bắt gặp ánh mắt cậu, bao lời văn mà tớ đã chuẩn bị như bốc hơi mất chẳng còn lại gì

Tiếng lòng anh

Tiếng lòng anh

Thơ hát nhỏ nhỏ trong miệng, cô nghe như những âm điệu thiết tha nhất từ chính trái tim anh đang truyền từng nhịp từng nốt qua tim cô.

Van Gogh và các danh nhân nổi tiếng đã đọc cuốn sách nào khi trẻ

Van Gogh và các danh nhân nổi tiếng đã đọc cuốn sách nào khi trẻ

Những cuốn sách này ít nhiều làm thay đổi bản thân người nghệ sĩ, giúp họ xoa dịu nỗi đau và là niềm cảm hứng để họ tạo nên những kiệt tác.

Chăm chỉ thời cơ sẽ tới, sau nghỉ lễ 30/4, 4 con giáp này được Thần tài lặng lẽ ban phúc lộc, tiền bạc rủng rỉnh, trả hết nợ nần

Chăm chỉ thời cơ sẽ tới, sau nghỉ lễ 30/4, 4 con giáp này được Thần tài lặng lẽ ban phúc lộc, tiền bạc rủng rỉnh, trả hết nợ nần

Để chờ đón những ngày nghỉ lễ thật tuyệt vời, hãy xem dự báo cuộc sống của 4 con giáp này có gì thay đổi bất ngờ.

back to top