Phát thanh xúc cảm của bạn !

Vì sao Hoàng đế Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương ‘không thể cùng nhau suốt kiếp’?

2020-05-16 12:53

Tác giả: Giọng đọc: Hà Diễm, Sand

Bạn thân mến! Mới đây nữ ca sĩ Hòa Minzy đã cho ra mắt MV Không thể cùng nhau suốt kiếp với cốt truyện được lấy cảm hứng từ câu chuyện tình có thật trong lịch sử giữa Hoàng đế Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương. Sau khi xem MV, nhiều khán giả tò mò về câu chuyện tình hoàng gia của các nhân vật ở ngoài đời. Blog Radio từng thực hiện một chương trình về cuộc đời của bà Nam Phương Hoàng hậu. Trong chương trình này, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu rõ hơn về mối duyên của bà với Cựu hoàng Bảo Đại nhé.

blogradio_visaohoangdebaodaivahoanghaunamphuong

Hoàng hậu Nam Phương từng được Hoàng đế Bảo Đại sủng ái bậc nhất hậu cung triều Nguyễn nhưng không tránh khỏi kiếp hồng nhan bạc phận

Năm 1932 vua Bảo Đại về nước sau mười năm học tập ở Pháp. Bảo Đại (tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, sinh năm 1913) là một ông vua điển trai, Tây học, ham thích thể thao, săn bắn và âm nhạc, là hình ảnh lý tưởng của con gái Việt Nam, đặc biệt là con gái Huế thời bấy giờ và mãi nhiều năm về sau. Nhiều nhà quyền quý, có con gái đều nhắm đến vị Hoàng đế trẻ tuổi này.

Sau ngày Bảo Đại về nước, bà Từ Cung – mẹ đẻ của vua Bảo Đại, đã chọn cô Bạch Yến con ông Phó bảng Nguyễn Đình Tiến quê ở làng Chí Long (Phong Điền, Thừa Thiên) để chuẩn bị tiến cung. Cô Bạch Yến được dạy đàn ca, thơ phú, dạy ăn nói, đi lại cho đúng với lễ nghi trong cung cấm. Hằng ngày cô được tắm gội bằng sữa dê để giữ làn da đẹp. Nhưng rồi thật bẽ bàng, cuối cùng cô Bạch Yến đã không được Bảo Đại lưu ý.

bao-dai-2

Vua Bảo Đại thời trẻ.

Bởi vì Bảo Đại đã yêu Nguyễn Hữu Thị Lan (sinh năm 1914), con một nhà hào phú giàu có bậc nhất Nam bộ là ông Nguyễn Hữu Hào (quê ở Gò Công, Tiền Giang) và bà Lê Thị Bình. Nguyễn Hữu Thị Lan cũng là cháu ngoại của ông Lê Phát Đạt, một trong bốn người giàu nhất Việt Nam thời bấy giờ.

Sinh ra ở Việt Nam nhưng bà Nguyễn Hữu Thị Lan lại mang quốc tịch Pháp với tên tiếng Pháp là Jeanne Mariette Thérèse. Năm 12 tuổi, bà sang Pháp học tại trường nữ sinh danh tiếng Couvent des Oiseaux, Paris. Sau khi đậu tú tài toàn phần, bà trở về nước năm 1932 trên chuyến tàu D’Artagnan của hãng Messagerie Maritime. Vua Bảo Đại cũng trở về từ Pháp trên chuyến tàu này, có tài liệu ghi rằng ông bà đã gặp nhau trên tàu nhưng cũng có tài liệu cho rằng hai người không hề gặp nhau.

nam-phuong

Nam Phương Hoàng hậu thời trẻ.

Trong một lần đi nghỉ cùng cậu là ông Lê Phát An tại Đà Lạt, bà nhận được giấy mời từ ông Darle, Đốc Lý (tương đương Thị trưởng) thành phố Đà Lạt mời hai cậu cháu đến dự dạ tiệc ở khách sạn Palace.

Bà không muốn dự. Người cậu phải năn nỉ và thuyết phục bà đến chào nhà vua một chút rồi về. Nể lời cậu, bà trang điểm sơ sài miễn cưỡng đi và chỉ mặc chiếc áo dài bằng lụa đen mua bên Pháp. Nhưng không ngờ, chính sự giản dị, mộc mạc đó đã làm cho trái tim nhà vua thổn thức để đến một ngày nhà vua chính thức cầu hôn bà.

Sau này, trong cuốn hồi ký Con rồng Việt Nam, Bảo Đại có nhắc lại: “Sau lần hội ngộ đầu tiên ấy, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp nhau để trao đổi tâm tình. Marie Thérèse thường nhắc đến những kỉ niệm ở trường Couvent des Oiseaux một cách thích thú. Cũng như tôi, Marie Thérèse rất thích thể thao và âm nhạc. Nàng có vẻ đẹp dịu dàng của người miền Nam pha một chút Tây phương”.

nam-phuong-2

Nhận được lời cầu hôn từ nhà vua, gia đình bà Nguyễn Hữu Thị Lan đồng ý có điều kiện. Đòi hỏi của nhà gái, Nguyễn Hữu Thị Lan phải được tấn phong Hoàng hậu Chánh cung ngay trong ngày cưới. Điều này đã làm cho các quan trong triều không hài lòng bởi trong 13 triều vua nhà Nguyễn chỉ mới có 2 trường hợp được phong hoàng hậu khi còn sống. Thêm vào đó - một điều kiện khác - bà Lan được phép giữ đạo Công giáo và sau này các con phải được rửa tội theo giáo luật Công giáo.

Bảo Đại bất chấp tất cả để lấy bằng được Nguyễn Hữu Thị Lan. Điều này chứng tỏ tình yêu của nhà vua dành cho bà rất mãnh liệt. Tuy nhiên, với quyết định này của nhà vua, đã khiến Thái Hậu Từ Cung vô cùng phiền lòng, còn triều đình như phải đối mặt với một cơn sóng dữ.

Bà Từ Cung bày tỏ không đồng tình việc Bảo Đại đòi lấy cô Nguyễn Hữu Thị Lan, vì tuy là con nhà giàu nhưng cha mẹ không có chức tước gì trong triều đình. Huống chi lại theo đạo Công giáo.

nam-phuong-3

Bảo Đại còn cứng rắn thưa với mẹ rằng, nếu không lấy được Nguyễn Hữu Thị Lan thì thà ở vậy suốt đời. Vua cũng cam kết Hoàng hậu sẽ thắp nhang cúng vái tổ tiên theo đúng phong tục tập quán của người Việt.

Người đứng đầu Tôn Nhân Phủ là Tôn Thất Hân lại càng phản đối kịch liệt. Tôn Thất Hân nêu lý do: “Thị Lan chỉ đậu tú tài toàn phần Pháp không thể so ra với Trạng Nguyên xứ ta, lại đòi làm Hoàng Hậu nữa thì không thể chấp nhận được”.

Trước Hoàng Tộc, Bảo Đại thẳng thắn trả lời Tôn Nhân Phủ như sau: “Trẫm cưới vợ cho trẫm đâu phải cưới cho cụ Tôn Thất Hân và Triều đình đâu”.

Cuối cùng do sự quả quyết của Bảo Đại, bà Từ Cung và các quan đình đành phải nghe theo vua.

nam-phuong-1b

Ngày 20/3/1934, hôn lễ được tổ chức tại Huế. Khi đó, Bảo Đại 21 tuổi, Nguyễn Hữu Thị Lan 19 tuổi. Lễ cưới đã diễn ra như thế nào? Về điều này, Bảo Đại đã kể lại như sau:

“Lễ cưới được tổ chức ngay trong phòng tiếp tân của điện Cần Chánh. Cũng giống như lễ đăng quang, triều thần đứng sắp hàng dọc theo một tấm thảm đỏ và vàng dành riêng cho Hoàng đế. Lần đầu tiên trong lịch sử triều Nguyễn có một người phụ nữ xuất hiện giữa triều đình.

Nam Phương mặc áo rộng thùng thình, chân đi hài mũi cong, đầu đội vương miện có đính vàng ngọc châu báu óng ánh. Nàng đi một mình đến giữa tấm thảm, tất cả triều thần cúi chào. Với một vẻ đẹp tuyệt vời, nàng đi thẳng vào các phòng lớn, tôi đang ngồi chờ nàng trên một cái ngai thấp ở đó. Nàng đến đứng trước mặt tôi, cúi đầu chào tôi ba lần rồi ngồi ở cái chái bên phải của tôi.

Buổi lễ ngắn ngủi chấm dứt. Hoàng hậu đã bên tôi. Chúng tôi sánh vai nhau bước đi trong tiếng nhạc mừng, qua Tử Cấm Thành vào điện Kiến Trung - nơi ở và làm việc chính của chúng tôi.”

Bốn ngày sau, lễ Tấn Phong Hoàng Hậu rất trọng thể ở Điện Dưỡng Tâm. Nhà vua phong Hoàng hậu Nguyễn Hữu Thị Lan tước Nam Phương Hoàng Hậu.

nam-phuong-4

Việc phong hoàng hậu này cũng lại là một biệt lệ, vì bà cùng với Thừa Thiên Cao Hoàng hậu, chính thất của Nguyễn Thế Tổ Gia Long hoàng đế, là hai vị Hoàng hậu duy nhất trong hoàng tộc nhà Nguyễn mang tước vị Hoàng hậu khi còn sống.

Bảo Đại giải thích hai chữ Nam Phương như sau: “Tôi đã chọn tên trị vì của hoàng hậu mới là Nam Phương, có nghĩa là “Hương thơm của miền Nam” và tôi đã ra một chỉ dụ, đặc biệt cho phép bà được phục sức màu vàng, là màu dành riêng cho Hoàng đế”.

Với tư cách hoàng hậu, Nam Phương đã giúp cho vua Bảo Đại trong các hoạt động ngoại giao, đón tiếp các quốc khách, giao thiệp với Pháp. Bà là Hoàng hậu Việt Nam đầu tiên được giao phụ trách các công việc xã hội, làm khuyến học, khen thưởng học sinh giỏi, giúp đỡ người nghèo, đề cao vai trò của người phụ nữ trong xã hội.

nam-phuong-22

Hoàng hậu Nam Phương có với Bảo Đại năm người con, hai hoàng tử và ba công chúa. Họ sống với nhau theo lối Tây phương. Cả gia đình 7 người sống trong điện Kiến Trung – tòa điện duy nhất được xây dựng theo lối Châu Âu trong Đại Nội Huế với đầy đủ tiện nghi. Họ ăn cùng bàn như một gia đình, theo quy tắc hoàng gia thì không ai được ngồi chung mâm với Hoàng đế, kể cả Hoàng Thái hậu hay Hoàng hậu. Hoàng đế Bảo Đại cũng thường đích thân lái xe chở Hoàng hậu đi du hí khắp nơi, từ núi Bạch Mã đến cửa biển Thuận An.

Nam Phương Hoàng hậu rời Việt Nam năm 1947. Những năm cuối đời, bà sống lặng lẽ, cô đơn tại một làng cổ ở Chabrignac, tỉnh Corrèze, vùng Limousin nước Pháp. Bà mất ngày 14 tháng 9 năm 1963, đám tang được tổ chức một cách sơ sài lặng lẽ, thưa thớt, vắng vẻ. Bên ngôi mộ đơn sơ có tấm bia khắc chữ Pháp:

CI REPOSE L’IMPÉRATRICE D’ANNAM NÉE MARIE THÉRÈSE NGUYEN HUU THI LAN

(Đây là nơi an nghỉ của Hoàng hậu nước An Nam, nhũ danh Maria Têrêsa Nguyễn Hữu Thị Lan)

mo-nam-phuong

Bảo Đại là vị hoàng đế ăn chơi trác táng và đa thê thiếp

Trong cuốn Bảo Đại - hay những ngày cuối cùng của vương quốc An Nam, Daniel Grandclément viết:

“Bảo Đại đúng như những gì mọi người Việt đã biết về ông: hào hoa, lịch lãm và sành điệu, săn bắn giỏi, lái xe hơi, máy bay giỏi, khiêu vũ, đánh golf, chơi quần vợt giỏi... Ông chỉ không biết làm vua.”

Nhà báo Merry Bromberger viết về thói ăn chơi của Bảo Đại:

"Muốn gặp Bảo Đại ở Hongkong chỉ cần dạo mười bốn hộp đêm trong thành phố, dễ hơn là tìm ông trong một khách sạn Anh".

bao-dai-8

Bảo Đại đã mê đánh bạc, nhảy đầm và du hí từ lúc du học bên Pháp. Cả 12 triều vua nhà Nguyễn trước đó không ai sánh bằng Bảo Đại trong việc tiêu xài hoang phí. Nhiều học giả người Pháp và Việt đã ví Bảo Đại như vua Louis XVI của nước Pháp, do cả hai đều chi tiêu cực kỳ xa xỉ tốn kém, và cả hai đều là những ông vua khiến vương triều sụp đổ. Có lần, các tờ báo ở Cannes đã đăng tin rất giật gân rằng chỉ trong một đêm ở sòng bạc, Bảo Đại đã thua ông trùm Hollywood Jack Warner số tiền lên tới 350 triệu franc. Trong lịch sử Việt Nam chưa từng có ai thua bạc một đêm với số tiền lớn như Bảo Đại.

Bảo Đại là ông vua duy nhất trong lịch sử Việt Nam từng tuyên bố sẽ chỉ lấy một vợ, ông cũng là vị vua đầu tiên bỏ chế độ cung tần, thứ phi. Tuy nhiên, đó chỉ là trên lý thuyết, thực tế ông có khá nhiều nhân tình.

Ngoài Nam Phương Hoàng hậu là chính thất, ông còn có một số người vợ không chính thức là Thứ phi Mộng Điệp, Thứ phi Phi Ánh và vô số nhân tình khác, mang đủ mọi quốc tịnh, dân tộc, trải khắp thế giới như bà Lý Lệ Hà, bà Hoàng Tiểu Lan (hay còn gọi là Jenny Woong – vũ nữ Trung Hoa lai Pháp), bà Vicky (người Pháp), bà Clément (người Pháp),... Bà Monique Baudot là người vợ thứ hai có hôn thú với Bảo Đại, họ chung sống từ năm 1971 tại Pháp cho đến khi Bảo Đại tạ thế năm 1997.

bao-dai-nam-phuong-25

Trong số các nhân tình của Bảo Đại, một số cái tên nổi bật như bà Lý Lệ Hà hay bà Mộng Điệp được chọn đưa vào MV Không thể cùng nhau suốt kiếp của Hòa Minzy.

Khi ra Hà Nội năm 1945 làm cố vấn cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bảo Đại đã đem lòng yêu mến bà Bùi Mộng Điệp và chung sống “già nhân ngãi, non vợ chồng” với nhau. Trước khi quen biết Bảo Đại, bà đã trải qua một đời chồng và có một người con riêng. Bà được người đương thời gọi là “Thứ phi phương Bắc” dù lúc đó triều Nguyễn đã sụp đổ. Mặc dù chung sống với Mộng Điệp nhưng Bảo Đại thường xuyên ra ngoài, chỉ khi cần tiền mới về nhà. Bà có với Bảo Đại ba người con chung, một hoàng nữ, hai hoàng tử. Sau này bà sang Pháp và có cuộc sống khá sung túc.

bao-dai-nam-phuong-26

monique-baudot-2

Bảo Đại và người vợ cuối cùng, bà Monique Baudot.

Cũng trong thời gian này, Bảo Đại gặp lại tình cũ Lý Lệ Hà, một vũ nữ nổi tiếng đất Hà thành từng khiến Cựu hoàng phải lòng khi đến Sài Gòn năm 1940. Bất chấp những lời dị nghị, Bảo Đại vẫn công khai qua lại với tình nhân. Hai người trú tại nhà số 51 Trần Hưng Đạo, sau đó tiếp tục chung sống trong những ngày tháng Bảo Đại lưu vong ở Hongkong.

Dù ở lại Huế chăm sóc các con nhưng Nam Phương vẫn biết rõ những chuyện ăn chơi trác táng và trăng gió bên ngoài của chồng. Thậm chí khi ăn chơi hết tiền, Bảo Đại còn viết thư gửi về cung An Định xin tiền vợ. Khi nhận được thư chồng, nét mặt Hoàng hậu đượm buồn. Bà hỏi ông Phạm Khắc Hòe (nguyên tổng lý văn phòng, lúc này đang làm ở Bộ Nội vụ): “Ông có biết Vĩnh Thụy cần tiền để làm chi và cần bao nhiêu tiền không?”. Ông Hòe không dám nói thật: “Ông cố vấn nói đưa thư này cho bà, không nói chi thêm”.

nam-phuong-7b

Hoàng hậu Nam Phương như đã biết chuyện Bảo Đại dan díu với nhân tình họ Lý, bà đã gặng hỏi ông Hòe để biết thêm thông tin nhưng ông khó trả lời nên cũng không tiết lộ nhiều. Nam Phương muốn ra Hà Nội sum họp với chồng để giải quyết triệt để chuyện Bảo Đại có nhân tình nhưng lại ngại hai điều: một là sẽ làm tốn kém thêm cho nhà nước trong lúc đầu chính phủ đang nghèo, lo trăm chuyện; hai là làm cho cựu hoàng đang vui sướng trở thành đau khổ, gò bó: “Thôi! Tôi đành chịu đựng riêng một mình để cho người ta vui sướng”. Nói rồi bà gửi cho chồng số tiền mà ông đòi hỏi. Ông Hòe sau cho biết, không biết Nam Phương viết những gì trong thư mà khi đọc, mặt Bảo Đại cứ tái dần đi.

Tháng 3/1946, Bảo Đại tham gia phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Trùng Khánh, nhưng khi công việc kết thúc, cựu hoàng nhất định không trở về nước. Lý Lệ Hà sau đó cũng lặn lội sang đó với Cựu hoàng. Sau đó cả hai xin tị nạn ở Hongkong và giai đoạn đầu sống chật vật dựa vào số tiền tiết kiệm của Lý Lệ Hà.

bao-dai-6

Hoàng hậu Nam Phương mặc dù đau khổ, ghen tuông nhưng bà vẫn có cách cư xử cao thượng khiến tình địch phải nhớ suốt đời. Bà đã viết một bức thư tay ngắn ngủi mà thâm sâu cho Lý Lệ Hà:

“Em Lý Lệ Hà thân quý. Chị ở xa đức Cựu hoàng hàng mấy vạn dặm trùng dương, nhưng chị biết rằng em đang hết lòng hết sức chăm sóc cựu hoàng ở Hong Kong. Chị cầu mong lịch sử mai đây không buông rơi Cựu hoàng, còn gặp lại nhau. Đức Từ Cung Thái hậu và chị trọn kiếp nhớ ơn em. Chị Nam Phương!”

Bức thư vỏn vẹn có 66 từ nhưng hàm chứa rất nhiều điều, có lẽ Nam Phương đã suy nghĩ rất nhiều và rất kỹ khi viết bức thư này. Không một lời oán thán, trách móc mà thay vào đó là một lời cảm ơn. Chỉ vài lời dung dị, tinh tế nhưng cũng đủ khiến cho “người thứ ba” kia phải suy nghĩ về vị trí của mình. Không rõ bức thư nay ảnh hưởng đến tâm lý của Lý Lệ Hà đến đâu, nhưng gần nửa thế kỷ sau đó, bà này đã gìn giữ bức thư như một kỷ vật rất quan trọng của cuộc đời mình.

bao-dai-nam-phuong-32

Tuy nhiên, Lý Lệ Hà cũng không giữ nổi bước chân của vị vua phong lưu, đa tình. Ngoài mấy bà vợ mà nhiều người biết rõ tên tuổi và có con cái với Bảo Đại, ông còn những nhân tình là các mệnh phụ người Việt lưu lạc ở xứ người và những phụ nữ ngoại quốc. Trong số đó thì chính thất Nam Phương Hoàng hậu vẫn là người vợ hiền thục và có đạo đức nhất, xứng đáng là bậc mẫu nghi.

Những người vợ và nhân tình còn lại của Bảo Đại thuộc đủ mọi thành phần xã hội, quốc tịch, chủng tộc khác nhau, từ Á sang Âu, từ tiểu thư con nhà danh giá đến vũ nữ, kẻ buôn lậu, nhân viên dọn phòng.

Có thể nói, vua Bảo Đại sinh thời trong khoảng thời gian mà lịch sử nước nhà và lịch sử thế giới có đầy biến cố, cuộc đời và sự nghiệp của ông đầy long đong trắc trở. Tuy nhiên, bên cạnh những điều đó, trong tình trường, ông lại là một người vô cùng đào hoa với hai người vợ chính thức (có đám cưới hoặc kết hôn), rất nhiều người tình và 13 người con. Điều đáng nói ở đây là đại đa số tất cả những người tình hoặc vợ chính thức đó đều là những bóng hồng xinh đẹp và nức tiếng một thời, đã vậy còn dành trọn con tim cho vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam này.

Blog Radio Tổng hợp

Giọng đọc: Hà Diễm, Sand

Thực hiện: Hằng Nga

Thiết kế: Hương Giang

Xem thêm video về cuộc đời Nam Phương Hoàng hậu.

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho chúng ta

Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho chúng ta

Những đau đớn hằn vết trong trái tim anh đều do em cả. Em không mong mình sẽ là người khâu vá lỗ hỏng ấy, chỉ mong anh hãy quên em và đừng yêu em thêm nữa. Tình yêu này không nên tồn tại. Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho cả hai chúng ta.

Trả Lại Anh Cho Cô Gái Khác | Radio Tâm Sự

Trả Lại Anh Cho Cô Gái Khác | Radio Tâm Sự

Sau chia tay, có ai không bi luỵ lẫn tổn thương… chẳng qua chúng ta chỉ khác nhau ở thời gian chữa lành mà thôi. Có người cần một tháng, có người cần một năm, có người cần thời gian đủ lâu và có kẻ chấp nhận dùng cả một đời để học cách quên đi một người.

 Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Ngày hôm đó chúng ta đã nói sẽ luôn nhớ tới nhau, sẽ giữ trọn vẹn trong tim mối tình của năm tháng ấy. Nhưng anh biết không, mỗi người chúng ta ai rồi cũng đều khác, lời hứa năm đó cũng chỉ là tên gọi khác của lời tạm biệt mà thôi.

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Dây xích sắt trượt dài trên thanh chắn cửa, rít lên một tràng âm thanh chói tai, kết thúc bằng tiếng đáp đất nặng trịch. Trời lặng gió, áng mây vắt ngang qua ngọn cây, trong đêm tối không trăng không sao, chiếc lồng đèn cũ phủ một lớp bụi mỏng

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Mưa rơi, làm hình bóng anh trong mắt cô mờ đi, gương mặt điển trai sau màn mưa trắng chẳng rõ đang vui hay buồn. Mưa vẫn không ngừng xối lên thân ảnh liu xiu của anh, lớp áo sơ mi trắng dính vào da lộ ra vết sẹo dài chạy dọc theo cánh tay khẳng khiu.

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn chính là chủ nhân của cuộc đời mình. Tương lai ra sao, do bạn định đoạt. Đừng để năm tháng trôi qua, trong bạn chỉ toàn là tiếc nuối.”

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Đôi khi, sự ra đi của người khác là lí do để ta nhìn lại mình. Nhìn lại những gì mà bản thân đã cư xử. Có phải vì ta chưa đủ trưởng thành? Có phải vì ta vẫn còn quá cảm xúc và bi kịch hoá mọi thứ?

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy tận hưởng điều đó. Độc thân không có nghĩa là chưa đủ tốt để yêu. Độc thân nghĩa là chưa có ai đủ tốt để được bạn yêu.

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Muốn ngắm bình minh, phải dậy thật sớm. Muốn tạm biệt ngày tàn, phải vẫy chào hoàng hôn. Hạnh phúc của mình nên tự mình nắm lấy...

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Một giấc mơ dang dở dấy lên trong lòng tôi một sự hiếu kỳ với dáng vẻ của hạnh phúc. Nếu bước qua lằn ranh giữa quá khứ và hiện tại, tôi sẽ thấy được điều, có phải kết cục sẽ vẹn tròn hơn không.

back to top