Sự thật về cuộc đời cô Ba Trà – đệ nhất mỹ nhân Sài Gòn xưa, người khiến Hắc – Bạch công tử phải đốt tiền như giấy
2020-06-15 10:10
Tác giả:
Giọng đọc:
Sand
Trong MV Cung đàn vỡ đôi của Chi Pu, nhân vật chính do Chi Pu thủ vai có tên Ba Trà. Điều này khiến nhiều người liên tưởng nội dung MV sẽ liên quan đến đệ nhất mỹ nhân Sài Gòn xưa. Nhưng cuối cùng câu chuyện trong MV lại chẳng liên quan gì đến nhân vật trứ danh này, khiến nhiều người hụt hẫng. Cái tên Ba Trà trong MV được lựa chọn vì biên kịch thích tên Trà, thế thôi! Nhưng bạn có tò mò nhân vật Ba Trà có thật ngoài đời là người thế nào?
Vào những năm 20 – 30 của thế kỷ trước, cô Ba Trà là một trong những phụ nữ nổi tiếng nhất Nam Kỳ lục tỉnh, được mệnh danh là “Tuyệt thế giai nhân Sài Gòn”, “Bà hoàng của vũ trường”, “Bà hoàng sòng bạc Sài Gòn”. Nhan sắc và cuộc đời của cô đã được báo chí thời đó đề cập rất nhiều, nhiều chuyện đã trở thành giai thoại, trong đó không biết có bao nhiêu phần là sự thật.
Vài nét về đời tư cô Ba Trà
Tên thật của cô là Trần Ngọc Trà, sinh năm 1906 tại Cần Đước, thuộc tỉnh Long An, trong một gia đình khá giả. Sau khi cha cô mất, mẹ cô đưa cô lên Sài Gòn. Mẹ cô lấy chồng người gốc Hoa, làm nghề đại lý bán thuốc phiện. Hồi đó, chính quyền thực dân Pháp nghiêm cấm buôn thuốc phiện lậu, nhưng cho phép kinh doanh có môn bài và đóng thuế. Trước cửa tiệm treo tấm bảng có hai chữ R.O (Régie d’Opium, có nghĩa là đại lý bán thuốc phiện). Ai nghiện thì đến tiệm, hút á phiện thoải mái.
Được vài năm, hai mẹ con dọn về ở một hẻm nhỏ gần chợ Bến Thành (vừa mới cất xong năm 1914). Năm cô 14 tuổi, người mẹ gả bán Trần Ngọc Trà cho một bác sĩ người Pháp. Sau gần một năm chung sống, viên bác sĩ mãn hạn phải trở về Pháp.
Chân dung cô Ba Trà.
Năm 15 tuổi, cô Ba Trà được gả cho một công tử tên Toàn, người gốc Triều Châu, có cửa hàng buôn bán ở Phan Rang và ở Chợ Lớn. Toàn là một tay ăn chơi, bồ bịch lăng nhăng, sau đó ruồng bỏ cô. Trần Ngọc Trà rời bỏ gia đình Toàn để về sống với mẹ.
Năm 18 tuổi, cô được giới thiệu và trở thành người tình của bác sĩ Trần Ngọc Âu đã lớn tuổi. Mối quan hệ này nhanh chóng kết thúc và Ba Trà bắt đầu lao vào cuộc sống ăn chơi.
Cô Ba Trà cặp kè với những người thuộc giới thượng lưu như công chức cao cấp, các đại điền chủ, đại công tử, tiêu biểu như: Bạch công tử, tên thật là Lê Công Phước (còn gọi là Phước George); Hắc công tử, tức Trần Trinh Huy (cậu Ba Huy), công tử nổi tiếng ở Bạc Liêu; Sáu Ngọ, vua cờ bạc ở Sài Gòn, Chợ Lớn; Công tử Bích, tên thật là Lâm Kỳ Xuyên, phó giám đốc Ngân hàng Pháp – Á, chi nhánh tại Cần Thơ; Ông Tòa áo đỏ tên Trần Văn Tỷ (quan tòa đại hình, cấp xét xử cao nhất thời đó ở Sài Gòn).
Hắc công tử và Bạch công tử.
Nổi tiếng với các giai thoại
Học giả Vương Hồng Sển, trong cuốn “Sài Gòn tả pí lù” đã nói về nhan sắc của cô Ba Trà như sau: “Những ai được quen biết hay được cô hạ cố giao thiệp đều xem đó là niềm vinh dự để chứng minh đẳng cấp. Cô Ba Trà, đệ nhất huê khôi ở Nam Kỳ, một người đẹp sắc nước hương trời từng làm say mê biết bao công tử miền Nam. Họ bao quanh cô, tranh nhau vung tiền qua cửa sổ. Bao nhiêu tiền bạc, của cải cha mẹ để lại, các công tử ấy ăn xài, bao gái không tiếc”.
Sắc đẹp của cô Ba Trà đã gây ra cuộc đối đầu giữa Bạch công tử và Hắc công tử. Chuyện kể rằng, không cần cô Ba mở lời, hễ Bạch công tử nghe cô Ba được Hắc công tử tặng món gì quý giá, ông sẽ hỏi giá và tìm mua kỳ được món quà đắt hơn để tặng người đẹp. Vì thế, cô sở hữu không biết bao nhiêu đồ quý giá từ trang sức, áo quần hàng hiệu cho đến nhà cửa, xe cộ.
Có lần, Bạch công tử lái chiếc xe sang trọng đón cô Ba Trà xuống Cần Thơ đổi gió. Ông lấy chiếc nhẫn kim cương trị giá hơn 3.000 đồng (thời đó, giá một lượng vàng là 60 đồng) tặng người đẹp. Biết chuyện, công tử Bạc Liêu tỏ ra không thua kém, liền đến gặp và tặng người đẹp chiếc nhẫn khác trị giá gấp đôi. Thế nhưng, món quà của Hắc công tử hay Bạch công tử cũng không khiến cô Ba Trà xiêu lòng mà thuộc về ai.
Nhân vật Ba Trang (Kim Tuyến) trong Mộng phù hoa dựa trên nguyên mẫu cô Ba Trà.
Theo lời cô Ba Trà tâm sự với học giả Vương Hồng Sển, thì người chu cấp cho cô nhiều nhất là công tử Bích, tức là đại gia Lâm Kỳ Xuyên, Phó giám đốc Ngân hàng Pháp – Á chi nhánh tại Cần Thơ. Công tử Bích đã tặng cho cô tất cả 70.000 tiền Đông Dương bấy giờ.
Cô Ba Trà còn cặp bồ với một người có địa vị xã hội cao là ông Tòa áo đỏ tên Trần Văn Tỷ. Ông Tỷ trước làm thư ký tòa bố (dinh tỉnh trưởng) Bạc Liêu, được qua Pháp học trường chính trị và trở về nước làm quan Tòa áo đỏ ở Sài Gòn. Lúc cô Ba Trà ngặt nghèo về tiền bạc, ông tòa Tỷ sẵn sàng bao cấp, cung phụng cho cô đầy đủ và đưa cô Ba Trà về sống chung ở nhà riêng trên đường Testard (đường Võ Văn Tần ngày nay). Vì cô ăn xài quá lớn, nên sau hai năm, ông tòa Tỷ chia tay với cô.
Những thú tiêu khiển chết người
Cô Ba Trà có một thú tiêu khiển rất tốn kém, đó là mê hạt xoàn (kim cương). Mỗi lần vua cờ bạc Sáu Ngọ, hoặc Hắc công tử hay Bạch công tử dắt cô đi lên lầu của nhà hàng Charner (góc Nguyễn Huệ và Lê Lợi ngày nay) hoặc là tới cửa hiệu Alphana Kim Thịnh, cô gật đầu với dây kim cương nào trong tủ kính thì các tay chơi kia đồng ý cái rụp, để rồi xỉa rèn rẹt những tờ giấy bạc một trăm (tiền Đông Pháp) ra trả mà không có chút nào hối tiếc. Được chiều chuộng như vậy nên Ba Trà tha hồ mua sắm. Với những món trang sức đắt tiền như vậy, nếu cô Ba biết dành dụm cất giữ để làm của riêng thì giàu sang biết mấy.
Nhưng cùng lúc đó, cô Ba lại mắc một cơn nghiện khác nguy hiểm hơn nhiều, đó là nghiện á phiện. Vào thời bấy giờ, những tay ăn chơi nổi tiếng đều coi việc làm bạn với nàng tiên nâu là mốt thời thượng. Cô Ba Trà đã nhiễm cái mốt thời thượng đó và đã trở thành nô lệ của nàng tiên nâu.
Hầu như ngày nào, cô cũng đi theo những tay ăn chơi trọc phú đó, cầm ống hút hít ro ro, mắt lờ đờ thả hồn theo những cuộn khói trắng. Khi đi với các tình nhân thì họ bao cho nàng hút. Lúc vắng họ thì cô tự sắm ống hút, mua những hộp thuốc phiện đắt như vàng đem về nhà, rồi tự thả hồn theo mây khói. Dần dần, những chiếc nhẫn kim cương, những chiếc vòng ngọc thạch, những món trang sức đắt tiền cũng đã bay theo khói thuốc. Cô Ba Trà còn nghiện đánh bài nên bao nhiêu tài sản còn lại đều bị đốt sạch trong những canh bạc.
Thời gian trôi qua, nhan sắc cô Ba Trà qua tuổi xuân thì cũng dần nhạt phai. Những công tử, đại gia trước kia theo đuổi cô cũng lẩn tránh dần dần. Không có tài liệu nào nói về năm mất của cô. Nhưng có thông tin nói rằng cô qua đời trong nghèo khổ và cô đơn một mình ở gầm cầu thang của một chung cư tại Sài Gòn, với tài sản là một chiếc ghế da do cha cô để lại từ xưa.
Cho đến bây giờ, chuyện cô Ba Trà luôn là một giai thoại “vang bóng một thời” của đất Sài Gòn xưa. Sắc đẹp tuyệt trần, cùng với cuộc đời trụy lạc, lầm lỡ và nỗi gian khổ ở tuổi xế chiều là minh chứng rõ ràng nhất cho câu “hồng nhan bạc mệnh”.
Cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Ý Bửu
Tháng 7/1927, nhà xuất bản Trí Đức thư xã ở Sài Gòn cho in cuốn tiểu thuyết “Cô Ba Trà” của tác giả Nguyễn Ý Bửu. Năm 1989, nhà xuất bản Long An cho tái bản cuốn tiểu thuyết này, có thêm lời giới thiệu của nhà văn Sơn Nam:
“Đây là quyển sách khó tìm nay Nhà xuất bản Long An cho tái bản: một tư liệu có chất lượng về xã hội học và về cách hành văn xưa. Tác giả Nguyễn Ý Bửu làm văn chương nghiệp dư, vì tâm đắc với câu chuyện có thật nên đã tiểu thuyết hóa công việc tương đối khó vì lúc quyển sách ra đời cuối năm 1927, những người trong cuộc vẫn còn sống và phê phán tác giả nếu sự thật bị xuyên tạc”.
“Vài nhân vật có thật được mang tên khác, vì lúc quyển sách này ra mắt, họ có thể kiện tác giả vì tội bươi móc đời tư. Riêng cô Ba Trà, không cần giấu tên vì còn có ai đứng ra kiện thể diện đâu”.
Cuốn tiểu thuyết dài đến 280 trang. Nội dung câu chuyện hư cấu quá nhiều, các nhân vật đều bị đổi tên, dù sao nó cũng có giá trị về mặt tư liệu lịch sử. Như tác giả Nguyễn Ý Bửu đã viết trong Lời thưa cùng độc giả trong bản in của Tín Đức thư xã: “Kể chuyện cô Ba Trà với mục đích nhắc lại sự dại dột đáng khinh bỉ của hạng trai lãng phí xa hoa. Đồng thời, kể lại lịch sử thương tâm của một gái giang hồ bạc mệnh, để cho những kẻ toan buông trôi tánh tốt coi đó mà sửa mình”.
Quyển tiểu thuyết của Nguyễn Ý Bửu có đoạn kết quá bi thảm: cô Ba Trà vì quá nghèo khổ, phải buôn hương bán phấn trong mấy năm trời, rốt cuộc bị bệnh nặng phải xin nằm nhà thương thí ở Gia Định được 3 tháng thì chết, nơi chôn cất nằm ở một nghĩa địa không biết bây giờ ở đâu.
Tác giả so sánh cô Ba Trà với nàng Đạm Tiên trong truyện Kiều của Nguyễn Du và kết thúc với mấy câu thơ trích trong truyện Kiều:
Sống làm vợ khắp người ta,
Hại thay thác xuống làm ma không chồng.
Nào người phượng chạ loan chung.
Nào người tiếc lục tham hồng là ai?
Theo Trần Vĩnh An/ HTV
Giọng đọc: Sand
Thực hiện: Hằng Nga
Minh họa: Hương Giang
Xem thêm: Hai vở cải lương trứ danh trong MV Cung đàn vỡ đôi
Phản hồi của độc giả
Xem thêm

Bình yên ai mua mà bán, ai thừa mà xin
Bạn thân mến đừng cố tìm kiếm sự bình yên vì vốn dĩ bình yên ở rất gần với chúng ta ngay từ những điều đơn giản nhất. Bình yên giống như một luồng gió mát thổi vào tâm hồn của bạn, xua tan đi nỗi lo toan mệt mỏi đang phải gồng mình gánh chịu để có thể thả hồn vào những điều mình đang có và cảm thấy hạnh phúc.

Kể từ giờ em có thể sống hạnh phúc rồi (Blog Radio 808)
Biết đâu chỉ vì bạn cố gắng cứu vãn những gì không thể mà bỏ quên hạnh phúc của mình. Biết đâu người vẫn ở bên cạnh quan tâm, an ủi, đối xử với bạn thật tốt, nhưng đó chỉ là cảm giác muốn dựa vào ai đó những lúc yếu lòng chứ không phải là yêu.

Khi bạn thay đổi thế giới tự khắc đổi thay
Tôi có một người bạn thân, cô ấy chia tay bạn trai sau bốn năm họ bên nhau, cô ấy nói rằng bản thân đã rất lưỡng lự khi đưa ra quyết định đó nhưng khi cô nghe anh bạn trai nói: Vì em quá yêu anh, nên những năm qua em đã thay đổi quá nhiều đến mức em không còn là chính em nữa.

Tình bỏ lỡ là tình đắng cay (Blog Radio 807)
Tôi chỉ mong sao, cả đời này của tôi và bạn, đều sẽ không bỏ lỡ người mà mình yêu thương nhất.

Từng có nhau trong đời (Blog Radio 806)
Anh nói xem, giữa việc chưa từng gặp gỡ hay đã gặp nhau rồi nhưng phải chia xa thì sẽ mang đến nhiều tiếc nuối hơn.

Người cũ từng thương
Có người từng nói, để gặp một người chúng ta chỉ cần một giây, để yêu một người có lẽ chúng ta chỉ cần một ngày, nhưng để quên đi một người đôi khi chúng ta cần đến cả một đời. Thực ra trong suốt cuộc đời mỗi người, để gặp được một người mà mình thích không dễ dàng gì. Mỗi một cuộc tình đều có ý nghĩa nhất định. Tình yêu trong giai đoạn thanh xuân chính là quá trình giúp ta trải nghiệm cũng như trưởng thành. Chỉ cần chúng ta dũng cảm để yêu thì xem như tuổi trẻ của chúng ta không có gì tiếc nuối.

Nếu gặp lại, mong rằng sẽ là một ngày mưa (Blog Radio 805)
Tôi từng có một câu chuyện rất dài, vắn tắt vài ba câu liền kể hết. Cậu ấy từng có một cuộc đời thật đẹp, bỗng nhiên một ngày hóa thành sương mờ đắm mình trong biển nước.

Sao phải buồn vì những điều đã cũ
Chào bạn ngày hôm nay của bạn như thế nào? Vui vẻ hay âu lo dù có thế nào thì cũng mong rằng bạn của ngày mai sẽ luôn là phiên bản tốt hơn bạn của hôm này nhé. Dù cho cuộc đời không vì nước mắt của bạn mà dịu dàng hơn, bão giông lại càng không vì những bước chân trốn chạy của bạn mà nhường cho mặt trời hửng nắng. Cuộc đời đâu phải một giấc ngủ, để sau một đêm dài với những cơn ác mộng, bình minh sẽ rạng phía đằng đông. Tất cả sẽ ổn thôi mãi chỉ là một lời trấn an vô nghĩa - nếu hôm nay bạn lựa chọn buông xuôi.

Giữ anh đi! Anh sẽ ở lại (Blog Radio 804)
Khi họ nói muốn ra đi, thực chất trong lòng ngàn vạn lần muốn hét lên: “Hãy giữ anh đi! Anh sẽ ở lại!” Họ chỉ muốn một lần được người mình yêu níu kéo, để biết trong lòng cô ấy, họ quan trọng đến nhường nào.

Tình đầu là tình bỏ lỡ
Anh là mối tình đầu mà tôi nghĩ mình đã vô tình bỏ lỡ. Nhưng sự thật đã chứng minh, chỉ cần còn tình cảm, còn đủ yêu thương và trân trọng, thời gian chỉ là một ý niệm nhỏ nhoi.