MV ‘Không thể cùng nhau suốt kiếp’ của Hòa Minzy sát sử đến đâu?
2020-05-22 01:35
Tác giả: Giọng đọc: Hà Diễm
Sau khi xem MV Không thể cùng nhau suốt kiếp của Hòa Minzy, lấy cảm hứng từ câu chuyện tình có thật trong giữa Hoàng đế Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương, nhiều bạn đã muốn tìm hiểu thêm những tư liệu lịch sử. Ngoài ra, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi liệu MV của Hòa Minzy có sát sử không và sát sử đến đâu? Liệu có chi tiết nào hư cấu? Chúng ta hãy cùng nhau khám phá trong chương trình ngày hôm nay nhé!
Về nội dung câu chuyện
Mở đầu MV là hình ảnh Nam Phương Hoàng hậu đứng trên một chiếc thuyền trôi giữa dòng sông Hương. Hình ảnh đen trắng với khuôn hình 3:4 gợi lại những thước phim xưa. Đồng thời cũng khắc họa hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời thực dân nửa phong kiến, dẫu có cuộc sống vương giả cũng không tránh khỏi kiếp hồng nhan bạc phận, ba chìm bảy nổi chín lênh đênh.
Phần âm nhạc của phân đoạn này là bài Hò mái nhì, do nghệ nhân ưu tú Kim Vàng trình bày với dàn nhạc dân tộc. Đây là điệu hò trên sông nước, âm điệu ngân nga, lan tỏa, mang sắc thái những dòng sông ở Huế: êm đềm, phẳng lặng và đầy mộng mơ. Hò mái nhì phù hợp nhất khi được ngân nga trên dòng sông Hương thơ mộng. Điệu hò êm ả, vang vọng, hòa quyền trong không khí huyền ảo của trăng, mây và sương khói trên sông.
Hòa Minzy hóa thân thành hình ảnh Hoàng hậu Nam Phương, trông không khác gì một “nàng thơ xứ Huế”. Nam Phương (tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan, sinh năm 1914), là người con gái phương Nam, quê ở Gò Công, Tiền Giang. Bà là thiên kim tiểu thư được sinh ra trong một gia đình giàu có bậc nhất Nam Bộ thời bấy giờ, từng du học bên Pháp từ năm 12 tuổi và trở về Việt Nam năm 1932 trên cùng một chuyến tàu với Bảo Đại.
Ban đầu, cuộc hôn nhân giữa Vua Bảo Đại (tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, sinh năm 1913) và Nguyễn Hữu Thị Lan bị hoàng tộc triều Nguyễn và triều đình Huế phản đối vì bà tuy là con nhà giàu nhưng bố mẹ không có chức sắc gì trong triều đình, lại theo đạo Công giáo. Tuy nhiên với sự cương quyết của Bảo Đại, đám cưới vẫn được diễn ra rất long trọng tại kinh thành Huế vào ngày 20/3/1934. Trước đó, Bảo Đại phải đồng ý với những yêu cầu rất khắt khe của họ nhà gái, trong đó có điều kiện Nguyễn Hữu Thị Lan phải được tấn phong thành Hoàng hậu ngay sau ngày cưới, được giữ nguyên đạo Công giáo và con cái sau này cũng sẽ theo đạo của mẹ.
Mối tình Đế - Hậu có cuộc sống đầy mật ngọt giai đoạn đầu. Vì cả hai đều từng du học ở nước ngoài, chịu ảnh hưởng của lối sống Tây phương nên họ có những thú vui tao nhã như khiêu vũ mỗi tối. Trong lịch sử, Hoàng hậu Nam Phương là chính thê được Bảo Đại sủng ái độc nhất hậu cung triều Nguyễn. Ông cũng là vị vua đầu tiên bãi bỏ chế độ cung tần, thứ phi, chấp nhận cuộc hôn nhân một vợ, một chồng. Vua cũng rất yêu chiều Hoàng hậu, ông thường tự lái xe chở Hoàng hậu đi ngao du khắp nơi có thắng cảnh đẹp. Ngoài ra, Hoàng hậu cũng được hưởng những đặc quyền riêng như ngồi ăn chung mâm mới Hoàng đế, trước đó, theo quy định của hoàng tộc, không ai được phép ngồi chung mâm với Hoàng đế, dù là Hoàng hậu hay Hoàng thái hậu.
Hai năm sau hôn lễ, Hoàng hậu Nam Phương hạ sinh Hoàng tử Nguyễn Phúc Bảo Long ngày 4/1/1936, kết tinh của cuộc hôn nhân hạnh phúc giữa hai người. Bảo Long được phong làm Hoàng thái tử khi mới 3 tuổi. Tình cảm mặn nồng nên những người con cũng nối tiếp nhau ra đời. Hoàng hậu Nam Phương có với Hoàng đế Bảo Đại 5 người con chung gồm Hoàng thái tử Nguyễn Phúc Bảo Long (sinh năm 1936), các Công chúa Nguyễn Phúc Phương Mai (1937), Nguyễn Phúc Phương Liên (1938), Nguyễn Phúc Phương Dung (1942) và Hoàng tử Nguyễn Phúc Bảo Thăng (1943).
Bức ảnh 6 mẹ con Hoàng hậu chụp ảnh ở cung An Định trong MV dựa trên một bức ảnh có thật được chụp tại lâu đài Thorenc (Pháp) năm 1950.
Tiếp đến là biến cố xảy ra với gia đình hoàng tộc. Sau thành công của cuộc Cách mạng tháng tám 1945, Vua Bảo Đại thoái vị, sau đó ông được mời ra Hà Nội làm Cố vấn tối cao của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hoàng hậu Nam Phương vẫn ở lại cung An Định để chăm sóc các con.
Mặc dù ở lại Huế nhưng Hoàng hậu vẫn nắm rõ tình hình của Cựu hoàng ở Hà Nội. Trong MV, bà choáng váng khi nhận được bức ảnh chụp Bảo Đại với nhân tình. Sau đó, bà hoàn toàn suy sụp khi biết cô ta đã mang thai. Tháng 3 năm 1946, Hoàng hậu đã tức tốc lên tàu ra Hà Nội. Tại số 51 Cambetta (nay là phố Trần Hưng Đạo), Hoàng hậu Nam Phương ngồi trong một chiếc xe và tận mắt chứng kiến chồng mình vui vẻ đi cùng với nhân tình Lý Lệ Hà.
Nhưng đó vẫn chưa phải là tận cùng của sự đau khổ khi Hoàng hậu liên tiếp nhận từ cú sốc này đến cú sốc khác. Ngay sau khi chiếc xe chở Bảo Đại cùng nhân tình vừa đi khỏi, một người phụ nữ ôm bụng bầu chạy theo và khóc lóc đau khổ, người này chính là bà Bùi Mộng Điệp, hay còn được mệnh danh là “Thứ phi phương Bắc”. Lúc này, Hoàng hậu Nam Phương cảm thấy hoàn toàn tuyệt vọng, có lẽ chính bà cũng không thể tưởng tượng được chồng mình lại có thể tệ bạc đến mức ấy. Đây là một trong những phân cảnh ấn tượng trong MV, khắc họa nỗi đau tột độ của không chỉ một mà là hai người phụ nữ.
Tuy nhiên không có tài liệu sử sách nào ghi lại việc Hoàng hậu Nam Phương đích thân ra Hà Nội và tận mắt chứng kiến cảnh năm thê bảy thiếp của Cựu hoàng. Trong suốt thời gian Bảo Đại sống ở Hà Nội và sau đó sang Hong Kong, bà Nam Phương vẫn ở lại Huế. Người truyền tin cho bà là ông Phạm Khắc Hòe, nguyên Đổng lý ngự tiền văn phòng triều Bảo Đại, sau trở thành Đổng lý văn phòng Bộ nội vụ của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại Hà Nội, Bảo Đại ăn chơi trác táng, cùng lúc cặp kè với cả Bùi Mộng Điệp và Lý Lệ Hà. Thậm chí khi ăn chơi hết tiền, ông còn viết thư về cung An Định xin tiền vợ.
Tháng 3/1946, Bảo Đại cùng phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang thăm viếng Trung Hoa nhưng sau khi công việc kết thúc, ông không trở về nữa mà sống lưu vong ở Hong Kong. Sau đó, Lý Lệ Hà cũng lặn lội sang cùng với nhân tình.
Hoàng hậu Nam Phương mặc dầu đau khổ, ghen tuông nhưng bà vẫn có cách cư xử cao thượng, xứng đáng với phẩm giá của một Hoàng hậu khiến tình địch khắc cốt ghi tâm. Bà đã viết một bức thư chỉ vỏn vẹn 66 chữ gửi Lý Lệ Hà. Đây là một bức thư có thật, tuy nhiên trong MV, ekip Hòa Minzy đã khéo léo bỏ đi những danh từ riêng như “Em Lý Lệ Hà thân quý” sửa thành “Em thân quý”, “Đức Từ Cung Thái hậu” sửa thành “Đức Thái hậu” và cũng bỏ đi phần chữ ký “Chị Nam Phương” ở cuối thư.
Bà Lý Lệ Hà sau đó đã gìn giữ bức thư này gần nửa thế kỷ như một kỷ vật rất quan trọng của đời mình.
MV có kết thúc mở với hình ảnh bà Nam Phương chìm dần vào những thước phim đen trắng, mờ dần, xa dần hòa vào dòng lịch sử.
Về tạo hình các nhân vật
Trong MV của mình, Hòa Minzy trực tiếp thể hiện vai Hoàng hậu Nam Phương, diễn viên Xuân Phúc vào vai Hoàng đế Bảo Đại, Karen Nguyễn trong vai Lý Lệ Hà, Hà Hoàng trong vai Mộng Điệp và một số diễn viên khác. Về cơ bản, các diễn viên đều có ngoại hình phù hợp với vai diễn.
Hòa Minzy vào vai nữ chính một cách bất đắc dĩ sau hai lần lỡ hẹn với các diễn viên mà ekip của cô mời. Mặc dù là một ca sĩ tay ngang diễn xuất nhưng Hòa cũng đã cố gắng để thể hiện được thần thái của một bậc mẫu nghi. Cô có biểu cảm nét mặt, ánh mắt khá tốt trong những phân cảnh đòi hỏi chiều sâu cảm xúc.
Xuân Phúc với khuôn mặt điển trai và vóc dáng cao ráo đã làm toát lên sự lịch lãm, hào hoa khi vào vai Hoàng đế Bảo Đại.
Hà Hoàng có vẻ đẹp khá truyền thống với “khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”, tương đối phù hợp với hình ảnh bà Mộng Điệp thời trẻ.
Riêng vai Lý Lệ Hà, vì hiện tại không có nhiều hình ảnh tư liệu về nhân vật này, chỉ có một bức ảnh đen trắng rất mờ nên không thể nhận xét Karen Nguyễn có giống Lý Lệ Hà hay không. Tuy nhiên với ngoại hình xinh đẹp cùng với kinh nghiệm đóng vai tiểu tam, cô cũng đã thành công khi tái hiện hình ảnh vũ nữ nổi tiếng một thời.
Đặc biệt những diễn viên nhí vào vai con của Bảo Đại và Nam Phương có ngoại hình rất giống với “bản gốc”.
Phục trang
Để thực hiện MV lần này, Hòa Minzy đã mất đến 2 năm để chuẩn bị 140 trang phục cho MV. Ekip của cô đã nghiên cứu rất kỹ những tài liệu lịch sử, cũng như hình ảnh thực tế của Nam Phương Hoàng hậu để đặt may những bộ đồ sát với thực tế nhất, từ triều phục, áo dài đến những bộ đầm mang phong cách thời trang Tây phương.
Trong một số phân cảnh, Hòa Minzy có mặc trang phục màu vàng bao gồm bộ phượng bào trong cảnh đại hôn với màu hỏa hoàng (da cam) và một chiếc áo dài có màu vàng. Điều này đúng với sử liệu ghi chép về những đặc quyền mà Hoàng đế Bảo Đại dành riêng cho Hoàng hậu Nam Phương. Ông cho phép bà phục sức màu vàng, là màu chỉ dành riêng cho Hoàng đế.
Một trong những bộ đồ ấn tượng nhất là chiếc áo choàng màu xanh, khoác bên ngoài bộ áo dài gấm trắng trong phân cảnh ru con giữa đêm mưa. Áo được đính cườm tỉ mỉ bám sát nguyên mẫu, khiến ekip mất 1 tháng để hoàn thiện. Khi được khoác lên người, bộ đồ tạo vẻ đẹp đơn giản, tinh tế, sang trọng và đầy quyền uy.
Phụ kiện, trang sức cũng rất “ăn rơ” với trang phục, như cách vấn tóc, đội khăn xếp. Hòa Minzy sử dụng trang sức ngọc trai, dây chuyền đá quý hoặc dây đeo thánh giá. Phong cách thời trang của Hoàng hậu vừa mang nét truyền thống, vừa thể hiện được sự Âu hóa rõ nét.
Bối cảnh
Để có bối cảnh thật nhất cho MV, ekip đã quay ngay tại khu di tích Cố đô Huế, trong đó có Đại Nội, cung An Định - nơi ở thực sự của vợ chồng Hoàng đế và các con. Cung An Định quay mặt về hướng nam, phía sông An Cựu. Cung có địa thế bằng phẳng, tổng diện tích mặt bằng 23.463m2. Khi còn nguyên vẹn cung có khoảng 10 công trình. Trải qua thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, đến nay cung chỉ còn lại 3 công trình khá nguyên vẹn là cổng chính, đình Trung Lập và lầu Khải Tường. Cung mang nét kiến trúc Á Đông pha trộn với Tây phương, tạo nên vẻ đẹp sang trọng, độc đáo.
Ngoài ra, bối cảnh Hà Nội năm 1946 cũng được ekip kỳ công tái hiện với biển hiệu tên đường 51 Gambetta thời đó, nay là đường Trần Hưng Đạo, những chiếc xe hơi kiểu cổ, tòa nhà sang trọng với kiến trúc kiểu Pháp.
Nói chung, MV Không thể cùng nhau suốt kiếp là một MV được thực hiện chỉn chu, kỳ công, cho thấy tâm huyết của Hòa Minzy và ekip. Trừ chi tiết Hoàng hậu Nam Phương bí mật ra Hà Nội không được bất kỳ một tài liệu nào ghi lại thì nội dung MV đều cố gắng bám sát với lịch sử, từ diễn biên câu chuyện, tạo hình nhân vật, đến phục trang, bối cảnh.
Mới đây, ông Phan Thiên Định, phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chúc mừng Hòa Minzy cùng ekip đã có một MV đầy thành công, góp phần rất tốt cho việc quảng bá hình ảnh xứ Huế với bề dày lịch sử, văn hóa và cảnh đẹp.
Giọng đọc: Hà Diễm
Thực hiện: Hằng Nga
Minh họa: Hương Giang
Xem thêm: Vì sao Hoàng đế Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương không thể cùng nhau suốt kiếp?
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho chúng ta
Những đau đớn hằn vết trong trái tim anh đều do em cả. Em không mong mình sẽ là người khâu vá lỗ hỏng ấy, chỉ mong anh hãy quên em và đừng yêu em thêm nữa. Tình yêu này không nên tồn tại. Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho cả hai chúng ta.
Trả Lại Anh Cho Cô Gái Khác | Radio Tâm Sự
Sau chia tay, có ai không bi luỵ lẫn tổn thương… chẳng qua chúng ta chỉ khác nhau ở thời gian chữa lành mà thôi. Có người cần một tháng, có người cần một năm, có người cần thời gian đủ lâu và có kẻ chấp nhận dùng cả một đời để học cách quên đi một người.
Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909
Ngày hôm đó chúng ta đã nói sẽ luôn nhớ tới nhau, sẽ giữ trọn vẹn trong tim mối tình của năm tháng ấy. Nhưng anh biết không, mỗi người chúng ta ai rồi cũng đều khác, lời hứa năm đó cũng chỉ là tên gọi khác của lời tạm biệt mà thôi.
Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908
Dây xích sắt trượt dài trên thanh chắn cửa, rít lên một tràng âm thanh chói tai, kết thúc bằng tiếng đáp đất nặng trịch. Trời lặng gió, áng mây vắt ngang qua ngọn cây, trong đêm tối không trăng không sao, chiếc lồng đèn cũ phủ một lớp bụi mỏng
Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907
Mưa rơi, làm hình bóng anh trong mắt cô mờ đi, gương mặt điển trai sau màn mưa trắng chẳng rõ đang vui hay buồn. Mưa vẫn không ngừng xối lên thân ảnh liu xiu của anh, lớp áo sơ mi trắng dính vào da lộ ra vết sẹo dài chạy dọc theo cánh tay khẳng khiu.
Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906
Bạn chính là chủ nhân của cuộc đời mình. Tương lai ra sao, do bạn định đoạt. Đừng để năm tháng trôi qua, trong bạn chỉ toàn là tiếc nuối.”
Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905
Đôi khi, sự ra đi của người khác là lí do để ta nhìn lại mình. Nhìn lại những gì mà bản thân đã cư xử. Có phải vì ta chưa đủ trưởng thành? Có phải vì ta vẫn còn quá cảm xúc và bi kịch hoá mọi thứ?
Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904
Nếu bạn độc thân, hãy tận hưởng điều đó. Độc thân không có nghĩa là chưa đủ tốt để yêu. Độc thân nghĩa là chưa có ai đủ tốt để được bạn yêu.
Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903
Muốn ngắm bình minh, phải dậy thật sớm. Muốn tạm biệt ngày tàn, phải vẫy chào hoàng hôn. Hạnh phúc của mình nên tự mình nắm lấy...
Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902
Một giấc mơ dang dở dấy lên trong lòng tôi một sự hiếu kỳ với dáng vẻ của hạnh phúc. Nếu bước qua lằn ranh giữa quá khứ và hiện tại, tôi sẽ thấy được điều, có phải kết cục sẽ vẹn tròn hơn không.