Những nẻo đường có bố
2016-09-11 01:10
Tác giả:
Nhà tôi nằm sâu trong một con hẻm nhỏ mãi cuối làng, đi sâu chừng vài trăm mét là có thể thấy cái xã bên cạnh qua một con ngòi với bề ngang chỉ tầm một phần tư sông Hồng. Trong khi Diệp Linh chỉ cần xuống xe là có thể đi bộ về nhà, vừa đi vừa đếm từng bước chân cũng chỉ mất năm, mười phút, còn tôi đứng ngóng bố ra đón như hồi bé ngóng quà chợ của mẹ, nhà tôi cách đường xe buýt liên tỉnh những mười ba kilomet. Tôi dường như không dám chớp mắt để chỉ cần bố đến đầu những dãy hàng bán bánh đa kế vệ đường là tôi có thể trông thấy, bởi thật chẳng khó để nhận ra ông.
Bố tôi gầy lắm, suốt những năm tôi còn học cấp ba, lần nào bán lợn ông cũng nhảy lên cân nhưng cái kim ấy cứ chấp chới ở ngưỡng bốn mươi chín, dạo béo nhất cũng chỉ xấp xỉ năm mươi cân, mỗi lần tụt cân là mỗi lần ông lo, ngày mai sức khỏe chẳng còn...
Mỗi lần tôi gọi bố chỉ nghe chưa hết câu: “Bố ơi đón con” là đã dập máy, tôi chẳng biết việc bố tôi “ừ” lấy một tiếng thì sẽ tốn bao nhiêu thời gian, nhưng bố tôi luôn như vậy cho dù tôi có thắc mắc hàng ngàn lần đi chăng nữa. “Bố ơi!...” chỉ cần tôi gọi khẽ vậy thôi cũng đủ để bố dừng xe. Đó là một chiếc xe đặc biệt, ngồi trên đấy, người ta có thể run lên vì hạnh phúc, có thể khóc vì xót xa, cũng có thể cười vì hãnh diện và một người lạ có thể không dám ngồi vì xấu hổ. Đó là một chiếc xe mà phần đầu chằng chịt những băng dính xanh, bố tôi dán vào chỗ vết rạn của đèn, dán sang cả bên cạnh sát đầu lái những miếng rán vụng về nhưng chắc chắn; công-tơ-mét cũng chẳng còn đo nổi đã đi bao nhiêu chặng đường, chị em tôi cho rằng nó đã thấm mệt và muốn nghỉ ngơi; đèn ở phía đuôi xe cũng yếu ớt nên bố tôi đi chậm và hay tuýt còi thật nhiều ở mỗi đoạn đường cua. Mấy chú hàng xóm bảo đó là chiếc xe huyền thoại.
Còn nhớ ngày tôi đi thi đại học, khi ấy là chớm mùa gặt, vẫn chiếc xe ấy, bố tôi chở tôi qua những dải đường làng đầy sỏi và ổ gà. Cái xe rung lên như đang có động đất. Ra đến đường to, bố bắt xe và đưa tôi đi, ông không dám để tôi đi một mình cho dù tôi nói hàng trăm lần con có thể. Cái nắng cuối tháng tám thật chẳng dễ chịu gì, đôi mắt đã dõi theo tôi mười tám mùa mưa, nắng nheo lại bởi hàng ngàn hơi nóng táp vào mặt từ phía lòng đường lúc mặt trời lên trên thiên đỉnh của Hà Nội.
Chị Diệp Linh ra đón bố con tôi, ông mở ví đưa cho tôi năm trăm ngàn, dặn vài chuyện rồi vội vã về ngay. Tôi không hề biết bố chỉ giữ lại đủ tiền xe về. Bố tôi quên mất chuyến xe ban sáng đi mà bắt xe đường cao tốc, chú xe ôm đòi năm nghìn một kilomet nhưng bố đâu còn tiền. Số tiền còn lại trong ví bố chỉ đủ bắt xe buýt Mến Hiếu để về chỗ gửi xe máy lúc sáng. Bố tôi kể với mẹ tôi: “Lúc đấy đói quá, nghĩ bụng hay vào ăn bát phở rồi đi bộ về, nhưng nghĩ đi, nghĩ lại nếu thế mất thêm một tiếng, về còn lợn gà cám bã, lại cả hai đứa con con ở nhà nữa”. Có những khoảnh khắc đau mà không thể khóc cho dù nỗi đau đớn ấy đã lên đến đỉnh điểm nhưng chỉ dám im lặng hoặc thở dài và dằn vặt chính bản thân.
Nhà tôi có bốn chị em gái. Ngày mẹ tôi sinh Út ở trạm y tế xã, tôi thấy mắt bố tôi có chút buồn buồn, trong hộc mắt là cả một sự kìm lén của tiếng thở dài khi nhìn em qua song cửa sổ. Tôi không buồn vì ông như vậy, nhưng tôi buồn vì thành kiến xã hội. Nhớ cái lúc mẹ tôi có bầu bé Út được năm tháng, biết là con gái, nhiều người khuyên bố mẹ tôi bỏ đi cho đỡ vất vả, bố tôi khăng khăng giữ lại, để rồi bé lớn lên đi đâu bố tôi cũng cho đi cùng, nó quấn bố tôi hơn là mẹ.
Có những ngày bố tôi trở về nhà sau bữa cơm trưa, Út nhà tôi cười khúc khích vì mặt bố lấm lem màu si vữa, cái áo bố mặc nặng trĩu như áo giáp sắt, cả cái quần của bố cũng chẳng khá hơn. Chúng tôi lớn lên trong những tháng ngày như thế. Tôi không được học yêu thương từ những câu từ nhung nhớ hay những tháng ngày “đôi chân trần ba dắt con bước dài trên cát trắng, chỉ cho con kia là trời và đây là đất….”, tôi biết yêu thương từ những tháng ngày cơ cực của bố tôi, với đôi vai gầy gánh cả núi, cả sông, cái áo lâu ngày vải xỉn ngay cả khi đang phơi trước gió.
Mùa cấy, bố tôi đi cày thuê bằng chiếc máy cày cũ mua bằng tiền hỗ trợ cho hộ cận nghèo. Khi ấy, ông đã trằn trọc bao nhiêu đêm với câu hỏi có nên vay hay không? Đèn khuya leo lắt, bố nghĩ tôi đã ngủ nên mới dám hỏi mẹ, nếu vay thì đến khi tôi vào đại học sẽ đến ngày phải trả, họa chăng làm ăn chẳng gặp may, biết xoay sở ra sao và cứ thế tôi cắn chặt tay và nức nở khóc. Tôi sợ bố sẽ nghe thấy, sợ cái cuộc sống nặng nề cả về tinh thần sẽ đè nặng lên đôi vai gầy ấy, cứ thế tôi khóc và xây cho chính tôi một điểm tựa mà dù có cả thế giới sụp đổ tôi cũng phải gồng mình mà đi tiếp.
Tôi bước sang năm hai của giảng đường đại học, bố tôi chưa một lần gọi điện hỏi tôi bao giờ về, cũng chưa một lần hỏi tôi dạo này học thế nào, ăn có no không, mùa đông có lạnh không. Lần nào tôi về bố cũng hơi nhíu mày phàn nàn rằng về nhiều tốn tiền tàu xe nhưng chưa lần nào có con gà hay con vịt bố không để dành tới hôm tôi về. Có thể trong một vài khoảnh khắc nào đó của đời người, bạn sẽ ghét cay ghét đắng cái nghèo, cái khó, nhưng sau tất cả, bạn sẽ nhận ra, cuộc sống nghèo khó mà an yên sẽ nâng bước bạn “giầu” lên; bạn sẽ nhận ra, hàng trăm lời yêu thương hoa mĩ không đáng giá bằng cái học hằn đầy hi sinh. Con người ta chỉ nghèo mãi khi lúc nào họ cũng nghĩ mình sẽ mãi nghèo, và người giàu cũng sẽ chẳng thể giàu khi luôn cho rằng mình đã giàu, thật giàu. Cuộc sống của chúng tôi khá hơn đôi chút khi bố tôi chuyển sang nuôi ngựa bạch và gây giống cho lợn. Mẹ tôi không phải đi làm bằng cái xe tám mốt với những ngày đông đạp toát mồ hôi không nổ máy nữa nhưng bố tôi vẫn đi cái xe quấn đầy băng dính xanh với cái xe lôi có con lợn đực ngúng nguẩy đuôi đằng sau, mỗi lần đi qua bọn trẻ con trong ngõ lại hô nhau dẹp đường cho bố tôi trở lợn về. Cái xe ấy vẫn đưa bước tôi về sau mỗi lần đi học xa dài đằng đẵng…
Đời người ai cũng có một chốn để níu trái tim mình với những khoảnh khắc bình yên, với những tháng ngày hạnh phúc. Không ai trên đời có thể dẫn lối bạn, cũng không ai có thể ngăn bước bạn, ấy là nhà, là nơi “để về”. Bố dẫn tôi trưởng thành bằng một điểm tựa yêu thương vững chắc, còn tôi, yêu thương dẫn lối tôi về, tôi để yêu thương dắt tôi qua những nẻo đường có bố.
© Bướng – blogradio.vn
Bài dự thi cuộc thi viết "ĐỂ YÊU THƯƠNG DẪN LỐI". Để bình chọn cho bài viết này, mời bạn nhấn vào nút "Bình chọn" dưới chân bài viết, để lại bình luận tâm đắc và chia sẻ lên mạng xã hội. Thông tin chi tiết về cuộc thi, mời bạn xem tại đây.
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Mười sáu - Ba sáu tuổi
Tôi đúng là một cô ngốc. Làm gì có đứa con trai nào dành cả thanh xuân bên cạnh tôi mà không có tình cảm. Và từ đó, chúng tôi chính thức yêu nhau.
Hành trình đi đến tự do
“Dám bị ghét” không bênh vực cho tôi, không đứng về phía tôi, ngược lại, nó giải thích một cách hợp lý tất cả nguyên nhân khiến tôi chọn sống một cuộc đời tệ bạc như vậy.
Hãy trao yêu thương khi còn có thể
Tôi nhận ra từ trước giờ tôi luôn mong người khác phải hiểu và thông cảm cho tôi mà tôi quên đi rằng tôi chưa đặt mình vào vị trí của bất cứ ai để hiểu cho họ.
3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa
Trong tương lai, 3 năm tới hứa hẹn sẽ là quãng thời gian vô cùng rực rỡ và thịnh vượng cho 5 con giáp may mắn dưới đây.
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?