Phát thanh xúc cảm của bạn !

Những cánh đồng đen (Phần 1)

2024-09-03 17:15

Tác giả: Cát Vy Anh


 

blogradio.vn - Đúng vậy, Thương chưa từng chơi búp bê. Thậm chí có khi chưa từng được nhìn thấy con búp bê trông như thế nào. Bà chưa từng mua cho nó. Bà chỉ toàn bắt nó làm việc và làm việc. Bà từng nói với nó, nhà này không nuôi kẻ vô dụng.

***

Khi gia đình không còn là cái nôi của hạnh phúc và những đứa trẻ bị bố mẹ bỏ bê.

Đôi mắt đen vô hồn, sâu không thấy đáy như màn đêm.

Đôi mắt ấy không biết đã bao lần ngấn lệ.

Sự cô độc tạo nên một người đơn độc.

Và trong khoảnh khắc, nó nghĩ mình đang rơi.

Rơi.

Chìm.

Nó nghĩ mình sẽ chết ở đây, trong đại dương đen này. Ở đây, sự vùng vẫy cũng trở nên vô vọng. Vì nó đã chìm xuống quá sâu rồi. Có những lúc nó tự hỏi, liệu một người như nó có đáng được sống trên đời? 

Nó không có cha, chỉ có mẹ nhưng mẹ không thương. Năm nó ba tuổi, mẹ nó để lại nó cho bà ngoại rồi đi lấy chồng. Và mẹ nó cũng để lại cho nó sự đàm tiếu của người đời nữa. Nó tên Thương nhưng mà chẳng được thương (bà ngoại đã đặt cho nó cái tên này). Sự tồn tại của nó trong mắt người khác thật là thấp kém.

Thương ghét mẹ.

Nó ghét mẹ y như cái cách mà mẹ ghét nó.

Mẹ ghét Thương vì mỗi lần nhìn thấy nó là bà lại nhớ tới người tình cũ, ông ta đã bỏ rơi bà.

Và Thương cũng hận bố y như cái cách mẹ nó vẫn luôn hận bố. Tại sao lại bỏ rơi nó? Tại sao cho nó cuộc đời này rồi lại bỏ mặc không quan tâm?

Bóng tối như một bức màn phủ lên cuộc đời nó. Sự tự ti, mặc cảm đã biến nó thành một người lầm lì và nhạy cảm. 

Ở tuổi mười lăm, nó phải nghỉ học ở nhà làm việc phụ bà. Bà ngoại nó bảo cho đi học biết chữ là được rồi. Học chi nhiều sau này cũng chẳng làm nên trò trống gì đâu. Nó không thể làm gì ngoài việc nghe theo.

Thương ngồi trên bậc hè, đầu tựa vào cột nhà, hướng mắt nhìn trời. Trời vẫn trong xanh như thế, những đám mây trắng ngần trông như những que kẹo bông. Kẹo bông, Thương từng nhìn thấy nó trên tay những đứa trẻ nũng nịu đòi quà mẹ. Thương cũng từng tưởng tượng đến cảnh nó làm nũng với mẹ, đòi mẹ mua cho bằng được cây kẹo bông. Hương vị đó chắc hẳn là rất ngọt ngào. Nhưng sự thật thì lúc nào cũng đắng ngắt.

Nó luôn tự hỏi mình là ai giữa cái thế giới muôn vàn xáo trộn này. Có lẽ nó chẳng là gì cả, không phải mây cũng chẳng phải gió. Chỉ là một hạt cát giữa sa mạc và sẽ chẳng hề gì nếu sa mạc thiếu đi một hạt cát.

Cũng có đôi khi nó tự hỏi: Liệu mình đang sống hay đang tồn tại?

Chính nó cũng chẳng có câu trả lời.

Đôi lúc nó hay nghĩ vẩn vơ, nếu nó chết, liệu mẹ có quan tâm? Mẹ không thương nó và bà luôn hối hận vì đã sinh ra nó.

***

Như mọi ngày, Thương đi vớt bèo về băm nấu cám cho lợn. Cái ao bèo nằm ngay sau trường cấp hai. Từ chỗ này Thương có thể nghe thấy tiếng trống trường giục giã báo hiệu giờ ra chơi và tiếng reo hò của học sinh. Thương bỗng thấy chạnh lòng. Nó cũng muốn đi học, nhưng hoàn cảnh không cho phép (nói trắng ra là bà ngoại không cho).

Trong lúc vớt bèo Thương để ý có mấy con ốc bươu, tiện thể bắt luôn. Trong đầu nó hiện lên hình ảnh đĩa ốc xào thơm ngon. Làm nó cũng chảy cả nước miếng.

Những bông lục bình tím lịm, mỗi cánh hoa đều mong manh như một tâm hồn dễ vỡ. Thương muốn thử chạm vào nhưng lại sợ làm rách cánh hoa xinh đẹp ấy.

Đương lúc đi về, mấy đứa trẻ đang ngồi chơi bi bên đường trông thấy Thương. Một đứa trong số đó kêu lên:

- A, đứa con hoang nhà bà Lý kìa bọn mày!

- Ném nó đi bọn mày. Đồ con hoang. – Một đứa khác lên tiếng.

- Mẹ tao nói đứa trẻ sinh ra không có bố thì đều là con hoang.

Nói rồi cả bọn thi nhau nhặt đá ở ven đường ném vào Thương.

Thương đã quá quen với những chuyện này. Nó chỉ biết cắm đầu cắm cổ bước đi thật nhanh.

- Á!

Hòn đá vô tình đập trúng vào trán Thương. Chỗ bị đập trúng ngay lập tức nổi lên một cục u. Trong lòng Thương lúc này tủi thân đến cực điểm. Hai mắt nó rưng rưng nước, sự uất nghẹn trực trào theo làn nước mắt đang bị Thương cố kìm lại. Nếu nó khóc, sự yếu đuối sẽ lộ ra mất.

Thương lặng người khi thấy người nó không muốn gặp nhất. Mẹ và em gái khác cha của nó đang đứng đợi trước cổng. Có lẽ đã đợi khá lâu rồi, nó thấy mẹ bắt đầu sốt ruột. Lúc này Thương chỉ muốn quay đầu đi đường khác, nhưng nó không thể không về nhà. Nó không muốn nhìn thấy họ, nhất là khi nó trông nhếch nhác, người lấm lem bùn đất. Trong khi em gái nó lại như một nàng công chúa trong bộ váy trắng tinh khôi.

– Mẹ. – Thương vờ như bất ngờ khi gặp lại mẹ. 

Hai cái đầu cùng lúc ngoái lại nhìn Thương. 

– Đi đâu bây giờ mới về. Nhanh mở cổng đi. Nãy giờ đứng mỏi cả chân rồi. – Giọng mẹ nó ra điều quở trách.

Thương đáp lại bằng giọng điệu châm chọc:

– Mắt mẹ có kém thế nào thì ít nhất cũng phải nhìn thấy thúng bèo trên tay con chứ!

Lời của Thương làm mẹ phật ý. Giọng bà đanh lại: 

– Mày ăn nói với mẹ mày kiểu đấy à?

– Thì ra mẹ vẫn còn nhớ con là con của mẹ. – Thương nhỏ giọng lẩm bẩm.

Thương bước về phía họ, vừa nói: 

– Hai người tránh ra để con mở cổng.

Hai người cũng rất hợp tác tránh qua một bên. Thương đặt thúng bèo xuống đất, lục tìm chìa khóa trong túi quần, mở khoá.

Vừa vào đến sân, mẹ đã hỏi Thương: 

– Bà đâu?

Thương trả lời cụt ngủn: 

– Bán rau ngoài chợ.

– Bao giờ về? 

– Cũng tùy, thường thì chín giờ, có lúc mười giờ mới về. 

Giọng Thương lạnh tanh:

– Mẹ muốn gặp bà thì chịu khó vào nhà đợi đi.

Có trời mới biết là Thương muốn kết thúc cuộc nói chuyện này ngay lập tức. Cảm giác khi nói chuyện với mẹ, thật khó mà không trở nên nóng nảy. Thương bê thúng bèo ra phía thành giếng. Hoài chạy theo phía sau Thương, giọng hớn hở: 

– Chị Thương cho em làm chung với. Chị chỉ em cách băm bèo nha.

Trái với vẻ mong chờ của Hoài, Thương vẫn giữ vẻ mặt u ám, lạnh nhạt thường thấy. Chưa để Hoài nói thêm, mẹ đã kéo con nhỏ lại: 

– Băm cái gì mà băm. Bẩn hết váy bây giờ. Con không cần phải làm những cái đấy. Việc của con bây giờ là cố học thật tốt. Có biết chưa?

Mặt Hoài lộ vẻ tiếc nuối, nhưng cũng chỉ biết gật đầu nghe lời mẹ. Nhỏ muốn làm thân với chị Thương, vì ngay từ lần đầu gặp nhỏ đã chú ý tới đôi mắt của chị. Một đôi mắt buồn não nề mà nó chưa từng nhìn thấy trước đây. Nhỏ không hiểu tại sao nhưng nhỏ rất muốn đến gần chị hơn. Có lẽ bởi vì chị ấy không có bạn bè, chị luôn một mình làm mọi việc. 

Trước những lời mẹ nói, Thương chỉ biết cúi đầu, bước đi. Trong khi Thương băm bèo, nấu cám cho lợn thì hai mẹ con Hoài ở trong nhà uống nước đợi bà về. Trông bộ dáng lầm lũi của Thương đến là tội.

***

Bà giữ mẹ con Hoài ở lại ăn trưa. Bữa cơm trưa trôi qua thật nhạt nhẽo. Trong suốt bữa ăn chỉ nghe tiếng ba người nói chuyện, còn Thương chỉ im lặng ăn cơm. Họ cười nói, gắp thức ăn cho nhau, chỉ có Thương ngồi lẳng lặng một bên như người thừa. Thương không có hứng thú với câu chuyện của họ, càng không muốn bình luận.

Đương lúc này Hoài gắp một miếng trứng rán bỏ vào bát cơm của Thương. Nhỏ nhìn Thương cười:

- Chị Thương ăn trứng đi. Nãy giờ em thấy chị toàn ăn cơm không hà.

Thương chưa bao giờ nghĩ tới sẽ còn có người quan tâm đến mình. Ác cảm về đứa em trong lòng vừa vơi bớt, Thương chưa kịp cảm động thì đã nghe mẹ nói:

- Không cần gắp thức ăn cho chị đâu con. Nó có tay mà, để nó tự gắp.

Nói đoạn lại liếc mắt nhìn Thương.

- Tự túc đi. Đừng để người ngoài thấy được lại nghĩ nhà này bạc đãi cô. 

Thương lạnh lòng. Nó không nên thấy cảm động mới phải. Con nhỏ Hoài làm thế chắc chắn là muốn mẹ ghét Thương hơn.

Thương đoán mẹ nó về đây không chỉ là để thăm bà. Quả nhiên, sau bữa cơm mẹ nó mới bắt đầu vào chuyện chính. Thương thì đi rửa bát, Hoài đứng xem Thương rửa bát. Bị nhìn chằm chằm khiến Thương rất không thoải mái. Bảo nhỏ ra chỗ khác chơi thì nhỏ không chịu. Còn mẹ và bà vào buồng nói chuyện riêng. 

Lúc này, mẹ Thương mới nhẹ nhàng nói ra lý do mình về nhà ngoại. 

– Đợt này làm ăn khó khăn quá, bọn con không còn tiền để nhập hàng. Cũng do lão chồng con mang tiền đi đánh bài hết, còn khuyên không được. Mẹ có tiền không, cho con vay tạm một ít. Khi nào có con trả mẹ liền. 

Bà Thương như đã quá quen với việc con gái về nhà hỏi vay tiền rồi. 

– Tôi biết ngay, mỗi lần cô về đây cũng chỉ có mỗi chuyện này. Tiền dưỡng già của tôi sắp bị cô rút hết sạch luôn rồi. 

Giọng mẹ Thương năn nỉ: 

– Nốt lần này thôi. Nha, mẹ!   

– Cô cần bao nhiêu? 

– Dạ, cũng không nhiều lắm đâu. Khoảng năm triệu thôi. – Mẹ kết thúc câu nói bằng nụ cười ngọt ngào. 

Giọng bà ngoại gắt lên: 

– Năm triệu mà cô bảo là không nhiều? Tôi bán rau cả chục năm mới dồn được từng ấy đấy! 

– Thì bọn con cần vốn để nhập hàng mà mẹ. – Giọng mẹ nỉ non.

Bà có vẻ cáu:

– Có cái tiệm tạp hoá bé tí mà lúc nào cũng đổ tiền vào. Dẹp mẹ đi!

– Kế sinh nhai của bọn con mà. Dẹp thế nào được mẹ. – Vẫn là cái giọng nài nỉ đó. – Con chỉ vay mẹ nốt lần này nữa thôi.

Dù bà ngoại Thương có tỏ ra cứng rắn đến mấy thì cũng không thể bỏ mặc con gái. Bà chỉ còn cách thỏa hiệp.

– Chỉ lần này nữa thôi đấy!

Mẹ Thương vui mừng ra mặt, rối rít hứa hẹn:

– Mẹ đúng là một người mẹ tuyệt vời. Con dám đảm bảo không có lần sau nữa đâu.

– Tôi đã nghe câu này ba lần rồi.

– Lần này mẹ cứ tin ở con.

Rửa bát xong, Thương ra chỗ chiếc võng mắc giữa hai cây cau ngồi. Nhỏ Hoài lẽo đẽo theo sau, nhưng nó không dám ngồi chung, chỉ dám đứng cách Thương mấy bước vì trông mặt Thương có vẻ khó gần. Thương chẳng quan tâm tới nó làm gì. Thương ghét nó.

Nhìn mặt Hoài như đang cố tìm cách để bắt chuyện với Thương. Nó soạn đi soạn lại, sắp xếp từ ngữ trong đầu trước khi nói.

– Chị… chị Thương, lần tới em về… chị có thể chơi búp bê cùng em không?

– Chị còn nhiều việc phải làm hơn là dành thời gian chơi búp bê.

– Em sẽ nói với bà cho phép chị chơi với em. Chị sẽ không cần phải làm việc nữa.

– Biết gì không?

– Biết gì ạ?

Giọng Thương lạnh tanh:

– Em và cái trò chơi ngớ ngẩn đó, thật nực cười.

Lời nói của Thương như con dao cứa vào lòng Hoài. Tủi thân, con nhỏ oà khóc ngay tại chỗ. Hoài không hiểu, sao chị lại không muốn chơi với mình? Mẹ và bà từ trong buồng đi ra thấy cảnh này, mẹ vội chạy đến bên Hoài:

– Con gái yêu của mẹ sao thế? Sao lại khóc? Có phải chị Thương đã bắt nạt con không? 

– Con chỉ muốn chơi cùng chị ấy. – Hai mắt hoài đỏ hoe.

– Được rồi, ngoan, nín đi. Để mẹ dạy lại chị.

Chát.

Mẹ tặng Thương một cái tát điếng người. Trước sự ngạc nhiên của mọi người. Mẹ cất giọng đầy giận dữ, trợn mắt nhìn nó:

– Sao mày có thể như thế hả Thương? Đến em gái mà mày cũng bắt nạt cho được. Xin lỗi em, mau!

Thương không ngờ mẹ lại đánh mình chỉ vì vài giọt nước mắt của con nhỏ Hoài. 

– Con không làm gì sai. Con không xin lỗi.

– Thế tự nhiên em gái mày khóc à? 

– Đúng thế còn gì.

Hoài có vẻ cuống quýt, con nhỏ không ngờ mẹ sẽ làm đến mức ấy.

– Mẹ, hay là thôi đi. Chắc tại chị không thích chơi cùng con.

Lời của Hoài càng làm mẹ thêm hiểu lầm. 

– Mày là chị mà thế à?

Mặt Thương lúc này in năm dấu tay đỏ ửng, đau rát. Nhưng gương mặt nó vẫn không thể hiện cảm xúc gì. Giọng nó gay gắt: 

– Vậy còn bà thì sao? Bà là mẹ tôi. Đã có ngày nào bà làm tròn trách nhiệm của một người mẹ chưa? Bà đối xử hoà nhã với tất cả mọi người, trừ tôi. Bà cười với tất cả mọi người, ngoại trừ tôi. Bà xem, bà đã xứng đáng làm mẹ hay chưa?

– Mày… con ranh hỗn hào này… – Mẹ bị Thương làm cho nghẹn giọng. Cuối cùng bà buột miệng buông một câu. – Vì mày đáng bị như thế. 

– Bây giờ tôi rất tò mò lý do bà sinh ra một đứa mà bà bảo xứng đáng bị bỏ bê là gì đấy? – Giọng Thương vẫn lạnh tanh nhưng trong lòng nó đã cuộn trào cảm xúc. Nó muốn khóc, nhưng không phải là trước mặt mấy người này. 

– Thương, không được hỗn. Đó là mẹ cháu! 

Lúc này bà mới lên tiếng. Thương đáp lại bằng giọng điệu gắt gỏng: 

– Người này không phải mẹ cháu. Cháu không có mẹ. Bà ta là mẹ của cái con Hoài này này. – Vừa nói, Thương vừa chỉ vào mặt Hoài. 

– Chị… – Hoài muốn nói gì đó nhưng không biết nên nói ra như thế nào.

Chát.

Một cái tát nữa giáng xuống mặt Thương. Mẹ Thương nói bằng giọng giận dữ:

– Đồ hỗn láo. Đúng vậy, mày không phải con tao. Tao không có đứa con hỗn hào như mày!

Hai mắt Thương đỏ hoe, nó quắc mắt nhìn mẹ với vẻ phẫn nộ và căm ghét.

– Tôi hỗn hào vì tôi không có mẹ dạy đấy! – Thương nói, giọng nói như rít ra từ trong kẽ răng.

– Mày…

Thương lại nhìn bà, vẻ mặt chua chát, hỏi:

– Bà biết nó rủ cháu chơi trò gì không? Nó rủ cháu chơi búp bê. – Thương nhìn thẳng vào mắt bà.

Bà định nói vài lời nhưng rồi im bặt. Đúng vậy, Thương chưa từng chơi búp bê. Thậm chí có khi chưa từng được nhìn thấy con búp bê trông như thế nào. Bà chưa từng mua cho nó. Bà chỉ toàn bắt nó làm việc và làm việc. Bà từng nói với nó, nhà này không nuôi kẻ vô dụng. Vậy nên, trong chuyện này Thương không sai. Và Hoài cũng không hề biết về chuyện này nên con bé mới cảm thấy tổn thương khi bị từ chối.

Nói xong Thương chạy vào phòng, đóng chặt cửa. Giây phút cánh cửa đóng lại, nước mắt nó tuôn rơi như suối.

Đến cả mẹ Thương cũng biết chuyện Thương chưa từng chơi búp bê. Mãi một lúc mẹ mới có thể tìm được lời để nói. Mẹ quay sang nói với Hoài:

– Ngoan, đừng buồn. Là do chị Thương không biết chơi búp bê nên mới từ chối. Lần sau cứ kệ chị đi.

Hoài rất muốn hỏi vì sao chị Thương lại không biết chơi búp bê. Nhưng nó sợ làm chị tổn thương. Con bé Hoài mới mười một tuổi mà suy nghĩ sâu sắc ghê. Sau chuyện này nó cũng biết được mối quan hệ giữa mẹ và chị tệ đến mức nào.

Trước khi mẹ và Hoài ra về, bà ngoại còn đặc biệt đổ hết ốc Thương bắt được vào túi ni lông và đưa cho mẹ Thương xách về. Hành động đó của bà làm Thương thấy hụt hẫng. Thế là bữa ăn ngon lành với món ốc xào trong tưởng tượng của nó đã tan thành mây khói. Nhưng điều đáng nói ở đây là Thương đã triệt để thất vọng về mẹ nó. Nó nghe tiếng đứt “phựt” của sợi dây liên kết tình mẫu tử.

***

“Sao chị không ở cùng chúng ta hở mẹ?” Hoài nhớ đã từng hỏi mẹ như thế.

Lúc ấy mẹ chỉ xoa đầu Hoài, nói:

“Bởi vì chị không thuộc về gia đình chúng ta, con ạ.”

Khi ấy Hoài còn nhỏ nên không hiểu được hết những lời mẹ nói. Nhưng đến hôm nay nhỏ coi như đã hiểu được một chút. Không phải chị không thuộc về gia đình nhỏ, mà là định kiến của người đời đã đẩy chị nhỏ ra xa khỏi hai chữ “gia đình”. Càng nghĩ Hoài càng thấy thương chị nhiều hơn.

***

“Bởi chưng bác mẹ tôi nghèo,

Cho nên tôi phải băm bèo, thái khoai.”

Công việc hằng ngày của Thương ngoài dọn dẹp nhà cửa ra thì còn phải chăm sóc lũ lợn. Mỗi ngày Thương đều phải dậy từ sáng sớm nấu một nồi cám rồi băm bèo, trộn bèo với cám rồi đợi đến giờ cho lợn ăn. Làm xong mấy việc này là đã hơn sáu giờ sáng. Lúc này việc của Thương là vào chuồng gà xem gà có đẻ được quả trứng nào không. Nhà bà Thương nuôi hai con lợn nái và mười lăm con gà cả trống cả mái. Lúc này lũ gà mái đã thức giấc bởi tiếng gáy của lũ gà trống. Thương mở cửa chuồng, nhẹ nhàng đi vào, đến từng cái ổ gà xem có quả trứng nào không.

- Hôm nay chỉ có hai quả này thôi hở?

Thương nói với lũ gà mái. Lũ gà tất nhiên chẳng hiểu Thương nói gì và càng không thể đáp lại. Thương hỏi cho vui thế thôi.

Thương bắc bếp nấu cơm sáng cho bà ăn trước khi đi chợ sớm. Ở nông thôn bữa sáng không thể nào thiếu cơm, vừa chắc bụng lại no lâu. Bà Thương lúc này đã dậy và đang kiểm tra lại thúng rau đã được bó sẵn để đem ra chợ bán. Bữa sáng hôm nay của nhà Thương chỉ đơn giản với ba món: cơm trắng, tép khô xào hành và canh mồng tơi.

Sau khi bà đi chợ, Thương lấy chổi bắt đầu quét nhà, quét sân và không quên cho lợn ăn.

Việc nhà càng làm càng thấy nhiều. Chẳng có hôm nào Thương được ngồi chơi cả. Những lúc ở nhà một mình, người khác thường hay gọi bạn sang nhà chơi cho đỡ buồn, còn Thương thì không có bạn. Không ai muốn làm bạn với một đứa “con hoang” cả.

Trước kia, Thương cứ nghĩ chỉ cần chăm chỉ làm việc thì sẽ nhận được sự chú ý từ mẹ, mẹ sẽ khen nó là một đứa trẻ ngoan ngoãn, chăm chỉ. Nhưng nào ngờ đổi lại vẫn là sự ghẻ lạnh từ mẹ. Sự thất vọng về mẹ cứ gom lại từng ngày, từng chút một, rồi đến một ngày nó lớn đến mức không thể lớn hơn. Từ sự thất vọng biến thành sự căm ghét. Khi con người ta đã ghét một ai đó thì khó mà có thể nhìn vào điểm tốt của người kia được. Trong chuyện này mẹ và Thương giống nhau.

Thương đã từng khao khát có được tình thương của mẹ. Nhưng đó là trước kia, kể từ khi mẹ đánh nó vì vài giọt nước mắt của con nhỏ Hoài thì nó đã chẳng còn hy vọng gì ở mẹ nữa.

Hôm ấy trời nắng đẹp, nhưng trong lòng Thương lại âm u khó tả. Thương ngồi ngoài hè, nhìn nắng nhảy múa trên những tán cây. Buột miệng nó hỏi bà một câu:

- Bà này, nếu cháu không ở cùng bà nữa thì bà có buồn không?

Bà ngoại đáp bằng giọng ngái ngủ:

- Không có mày tao càng đỡ một miệng ăn. Mày cứ chết bờ chết bụi ở đâu đó khéo tao lại càng mừng.

Người nói vô tình, người nghe hữu ý. Lời của bà như con dao nhọn trực tiếp đâm vào lòng Thương. Rỉ máu.

Thương bỗng bật cười, cười như điên như dại. Nó không hiểu sao mình lại hỏi bà như thế nữa. Bởi bà vốn có ưa gì nó đâu.

- Mày cười gì ghê thế con kia! Trưa rồi, mày không ngủ thì để yên cho hàng xóm người ta ngủ. Họ lại sang nhà chửi cho giờ.

- Bà cứ ngủ đi. Cháu không cười nữa.

Sáng hôm sau Thương dậy sớm hơn mọi ngày nấu cơm, băm bèo, nấu cám và dọn dẹp nhà cửa. Nó làm tươm tất mọi thứ từ trong ra ngoài trong khi bà nó vẫn còn đang ngủ. Nó đứng trước giường nhìn bà một lúc, sợ bà lạnh nó lấy cái vỏ chăn mỏng đắp cho bà.

- Cháu đi đây. – Giọng nó thì thào.

Thương dạo bước trên con đường làng quen thuộc. Đoạn đường vắng tanh không một bóng người. Cũng phải thôi, giờ vẫn còn khá sớm. Không gian tĩnh lặng, trong một khoảnh khắc Thương nghĩ thế giới này thuộc về mình. Vì lẽ đó nó đã làm ra những hành động mà trước nay chưa từng làm. Nó nhảy chân sáo, vừa đi vừa hát nghêu ngao một đoạn của bài hát mà nó từng nghe phát trên loa truyền thanh. Chưa bao giờ nó thấy trong lòng thoải mái như thế. Có thể đây là lần đầu cũng là lần cuối nó có cảm giác thư thái, buông xuôi tất cả là để đổi lấy thời khắc này đây.

Dòng sông êm dịu chảy, nước đục màu phù sa. Thương đứng trên cầu nhìn xuống, từ đây xuống dưới ít nhất phải cao năm mét, rõ ràng sự hoảng sợ vừa ánh lên trong mắt nó. Nhảy xuống, mọi đau khổ sẽ chấm dứt. Do dự lâu sẽ tạo nên sự sợ hãi.

Cuối cùng nó vẫn quyết định nhảy xuống.

Nước bao bọc lấy cơ thể Thương, ôm trọn Thương một cách dịu dàng như bàn tay người mẹ. Nước len lỏi vào hốc tai, lỗ mũi Thương rồi vào cả trong phổi. Thương nhắm chặt mắt lại để mặc bản thân từ từ chìm xuống. Đến Thương cũng chẳng ngờ được, khi đứng trước ranh giới giữa sự sống và cái chết lòng ham sống trong nó bỗng trỗi dậy. Nó không muốn chết. Nó khát sống.

Ý nghĩ muốn sống cứ lặp đi lặp lại trong đầu nó. Thương cố gắng bơi vào bờ, rời khỏi bàn tay bao bọc của nước. May cho nó là dòng sông hôm nay đã trở nên hiền hòa hơn so với mọi ngày.

Thương ngồi bó gối dựa vào thành cầu. Cả người ướt sũng, cát và quần áo dính cả vào người. Nó đã không có can đảm để sống mà giờ ngay cả chết cũng không dám. Thương ngồi trên cầu đợi quần áo khô bớt rồi mới quay về nhà.

Thương đi về nhà, bà ngoại trông thấy bộ dạng bẩn thỉu của nó thì nhăn mặt.

- Mày đi đâu mà lại thành cái bộ dạng này? Lớn rồi mà còn nghịch bẩn thế.

Thương không trả lời mà đi thẳng vào nhà lấy quần áo sạch rồi đi tắm. Theo sau là tiếng của bà:

– A con này! Mày điếc à? Hỏi mà không trả lời.

Dù người ta có nói gì về nó thì nó vẫn phải sống. Nó sống vì nó muốn sống, chứ không phải sống vì sắc mặt người khác. Cảm giác cái chết ập đến khi ấy khiến nó trân trọng hơn mạng sống của mình. Nếu chỉ sống một lần trong đời, vậy nó sẽ cố gắng sống tốt phần của mình.

 

(Còn tiếp)

 

 

© Cát Vy Anh - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Khi Nỗi Đau Không Còn Là Nỗi Đau | Radio Tâm Sự

 

Cát Vy Anh

Mình là một cô gái đa sầu đa cảm và đôi khi có phần nhạy cảm. Mình đến với văn chương một cách tự nhiên để bộc lộ cảm xúc cá nhân, kể những câu chuyện tưởng tượng bằng chính giọng văn của bản thân như là một thú vui nho nhỏ của mình. Mong rằng một ngày nào đó chất văn của mình có thể chạm đến trái tim bạn đọc.

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Tương tư

Tương tư

Ơ kìa em sao nỡ để tình anh Chưa bước tới đã muôn phần lận đận Sao chỉ mới nhìn thôi em đã giận Và tiếng yêu thôi em chẳng nhận lời

Lời má dạy trên mảnh đất Miền Tây chất phác

Lời má dạy trên mảnh đất Miền Tây chất phác

Ở vùng quê này, người ta sống với nhau bằng cái tình, cái nghĩa. Họ có thể không giàu có về vật chất, nhưng lòng họ luôn đầy ắp sự chân thành và nghĩa tình. Má dạy con rằng, dù sau này có đi xa, có thành đạt, con vẫn phải giữ lấy tấm lòng chân chất đó.

Hồi tưởng về tuổi thơ tôi

Hồi tưởng về tuổi thơ tôi

Đôi khi tôi tự hỏi bản thân sao giờ lại bỏ mặc người bạn thiên nhiên gắn bó thân thiết thuở nhỏ của mình, từ những cơn mưa rào rạt rơi lộp bộp trên mái tôn làm mát dịu bầu không khí tới những tán lá râm mát đã che chở tôi khỏi cái nắng tháng 6 oi ả.

Tình yêu giữa hai người giống như mảnh ghép

Tình yêu giữa hai người giống như mảnh ghép

Tình yêu giữa hai người giống như mảnh ghép, để ghép được thì cả hai mảnh đó phải hợp nhau chứ không phải giống nhau. Và muốn tìm được cái hợp nhau thì rất khó, muốn ghép lại được với nhau thì cần phải có thời gian.

Ba ơi ba đâu rồi?

Ba ơi ba đâu rồi?

Ba mẹ của anh chị tin anh chị đấy, rất mực vững chãi nữa đấy nhưng thời hạn để thực hiện lời hứa của anh chị là bao lâu vậy? Là một năm? Là năm năm? Hay cả cuộc đời để tranh giành những thứ của cải vật chất phù hoa kia...

Hối tiếc

Hối tiếc

Giọt lệ rơi trên má, ướt nhòe gương mặt, Nỗi niềm hối tiếc, đắng cay chẳng vơi. Thời gian trôi qua, như giấc mộng xa vời, Để lại bao tiếc nuối, trong lòng bồi hồi.

Lối ra trong sương mù

Lối ra trong sương mù

Những buổi sáng bên bờ biển, nơi tôi có thể chạy nhảy và vui đùa cùng những đứa bạn nhỏ trong xóm, là những lúc tôi cảm thấy như được sống trong một thế giới khác, một thế giới không bị ảnh hưởng bởi những cơn bão tố trong gia đình.

Ngày yên…

Ngày yên…

Mặc cho gió thổi bay làn tóc rối, chúng thủ thỉ thù thì với nhau đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, nói cho nhau nghe những điều sâu kín. Người ta nói tuổi học trò là tuổi mộng tuổi mơ đâu có sai tí tẹo nào.

Thay đổi - sự thú vị của thanh xuân

Thay đổi - sự thú vị của thanh xuân

Sự thay đổi vốn dĩ luôn diễn ra trong từng phút, từng giây của cuộc đời mỗi người. Nhưng có lẽ nó chỉ thú vị và đáng yêu nhất ở năm tháng thanh xuân.

Con nợ ba

Con nợ ba

Bởi lẽ, ba muốn được nhìn thấy mẹ và con lần cuối. Con cũng không hiểu sao lúc đó con chẳng thể suy nghĩ và làm gì. Mọi thứ đến với con quá đột ngột.

back to top