Nhật kí của một bệnh nhân
2023-04-16 01:20
Tác giả:
blogradio.vn - Hối hận lớn nhất cuộc đời không phải là làm sai việc gì đó mà là việc gì cũng chưa làm được.
***
Bình thường chắc chắn mọi người chỉ nghe nhiều nhất đến nhật kí của những người bình thường hoặc như những người đặc biệt xuất chúng viết nhật kí. Đa số mọi người cũng chỉ quan tâm đến những người đặc biệt thành công hoặc đặc biệt giỏi giang xuất sắc họ có cuộc sống như thế nào, trong đầu họ có những suy nghĩ và cảm nhận như thế nào. Còn cuộc sống và suy nghĩ cảm nhận của một người bệnh, chắc chắn chẳng mấy ai muốn đi tìm hiểu. Nhưng có những thứ cũng đáng được ghi lại, đáng được người khác quan tâm đến để thấu hiểu hơn và để có thể chung sống tốt hơn.
Đầu tiên phải nói về căn bệnh lupus viêm cầu thận, có hội chứng thận hư, đó là một căn bệnh về thận mà có tỉ lệ mắc rất cao ở người Việt và trên thế giới, một căn bệnh về thận mà chưa có phương pháp chữa trị triệt để. Những thông tin về căn bệnh này được viết rất nhiều và đầy đủ trên mạng mà chúng ta rất dễ dàng tìm hiểu, chỉ là chẳng mấy người tự dưng đi tìm hiểu nó, nếu như người đó không phải là bị chuẩn đoán mắc căn bệnh đó.
Còn về người bệnh, từ ngày đầu tiên khi cơ thể có những biểu hiện bất thường, cảm thấy mệt mỏi, chân phù, cả người cũng như sưng phù. Đến bệnh viện sau bao nhiêu vòng xét nghiệm ở đủ các khoa khám bệnh khác nhau, mệt đến độ bước đi cũng nặng nề như bà bầu sắp đến tháng đẻ vậy, thấy bất kì cái ghế nào cũng muốn ngồi phịch xuống để nghỉ ngơi. Ngày đầu tiên đi khám của tôi ở bệnh viện là như thế.
Khi đôi chân sưng phù đến đi vào đôi dép lê cũng thấy cái dép chật đến làm đau chân, người mệt đến kì lạ. Một mình tôi lê lết ở bệnh viện, xếp hàng lấy số, xếp hàng chờ khám, xếp hàng đi đóng tiền làm các xét nghiệm, xếp hàng làm xét nghiệm, xếp hàng lấy kết quả. Cứ thế đi lên đi xuống gần như mấy vòng quanh cái bệnh viện đó, trong đầu thì nghĩ đến những khả năng mắc bệnh này bệnh khác của mình. Ban đầu tôi sợ có khi nào mình mắc bệnh giãn tĩnh mạch, sau lại nghĩ hay mắc bệnh gì xương khớp, hay có thể là biến thể của Covid, lại vừa phải nghĩ đến tiền xét nghiệm và đi khám không đủ, vừa phải nghĩ đến sắp tới còn phải đi thi lấy chứng chỉ để làm hồ sơ vay tiền đi du học hiện thực hoá bước đầu giấc mơ của mình. Cơ thể mệt mỏi, não thì chất đầy những suy nghĩ.
Cái tôi muốn nói đến nhiều hơn cả là tâm trạng và tâm lý của người bệnh ban đầu khi còn chưa biết mình bị làm sao. Khi mà người ta còn vẫn nghĩ mình mạnh mẽ và độc lập đến độ một mình có thể giải quyết hết mọi việc, khi người ta thấy một mình thật tốt. Nhưng đúng đó là lúc người ta đáng lẽ ra cần nhất một người ở bên cạnh, cần nhất một điểm tựa dù là về mặt tinh thần hay mặt tài chính. Nhưng lúc đó tôi chẳng có ai bên cạnh để làm điểm tựa đó cả. Một người trước giờ vẫn sống độc lập, thậm chí lạnh lùng với những người bên cạnh, đến lúc đó mới thấy mình đã sống sai như thế nào. Cảm giác không được một ai thương xót ngoài mẹ mình ra đúng lúc ấy cảm nhận rõ ràng nhất. Tôi tự hỏi sao mình sống lỗi với người khác nhiều thế, để đến khi cần thì mới thấy xung quanh không ai chân thành hay thật lòng quan tâm tôi.
Có lẽ ngay lúc đó cũng chẳng cảm thấy nhiều thứ như vậy đâu. Ngay lúc đó chỉ mong nhanh nhanh kết thúc cái khâu khám bệnh loằng ngoằng và mang đầy tính chất làm dịch vụ như vậy đi, dù là kết quả gì, kết luận ra sao thì cũng chỉ xin cho một cái kết luận dứt khoát. Mọi thứ cứ mờ mịt như vậy đến cả tháng, và tình trạng sức khoẻ thì chỉ xấu đi thêm. Chưa bao giờ tôi thấy người mình yếu đến nỗi có cái chậu cây nhấc lên không nổi, việc leo lên leo xuống mấy bậc cầu thang cũng mệt đứt hơi, ngồi không cũng muốn lịm đi, còn riêng cái chân sưng thì không kể đến. Mỗi buổi sáng thức giấc mà tôi chỉ muốn ngủ liền tù tì cho đến hôm sau. Cả cơ thể mỏi nhừ, đau ẩn ẩn cơ, mặt sưng húp, cộng thêm áp lực tâm lý.
Cái tâm lý cũng thật quan trọng, bây giờ tôi mới hiểu được rằng tại sao người ta sống với người mình yêu thương, người làm mình luôn vui vẻ lại có thể sống được hết cả quãng đời mấy chục năm dài đằng đẵng, còn nếu là với một người khác đem đến cảm giác khó chịu thì đúng là một giây thôi cũng không muốn ở cùng. Cũng có thể là do khi bị ốm thì người ta càng nhạy cảm hơn nên mới đặc biệt thấy rõ cái sự chịu đựng không đáng có ấy của người khác. Tôi thấy vô cùng đau đầu với tiếng ồn ào xe cộ lúc nửa đêm hay rạng sáng, rồi còn có xe nào đó rú ga khi đi vào ngõ. Tôi bị mất ngủ vì cái nhạy cảm với mấy con mèo cứ đòi ra đòi vào phòng và cào cửa hoặc kêu meo meo. Tôi thấy mệt mỏi vì mùi cát cho mèo đi vệ sinh, rồi cái bồn cầu tắc vì phân mèo, rồi nhà vệ sinh không sạch sẽ, rồi đang nửa đêm đáng lẽ tôi phải được ngủ rồi thì có người gọi cửa làm tôi phải trèo từ tầng ba xuống tầng một để mở cửa. Tôi không ngủ nổi vì người bên cạnh cứ sáng màn hình điện thoại. Tôi biết mình quá mẫn cảm với những điều bình thường đó, nhưng đúng là tất cả làm tôi mệt mỏi vô cùng.
Còn cả con người cũng làm tôi thấy thực sự áp lực. Bản thân tôi trước giờ không khó tính hay yêu cầu người khác phải thế nào thế nào, thậm chí tôi còn là một người có khả năng thích ứng cao với các hoàn cảnh sống khác nhau và với những người có tính cách khác nhau ở xung quanh mình. Thế nhưng khi tôi bị bệnh, khi người tôi không được khoẻ mạnh thì cái độ thích ứng cũng như sự dễ chịu của tôi gần như tụt xuống đáy, nhất là khi tôi lại ở cùng với những người cũng dễ dãi với chính bản thân họ. Tôi bắt đầu thấy việc nấu nướng xong nhưng không dọn cái bếp thật là bừa bãi, rồi là ăn xong cứ vứt bát đũa ngâm trong bồn rửa không rửa luôn ấy cũng thật bẩn, thậm chí còn thấy có phần thiếu trách nhiệm. Rồi việc vứt quần áo lung tung, việc tiện tay ném đồ cũng làm tôi thấy khó chịu. Cả việc phải chứng kiến ai đó thảo mai cũng làm tôi thấy dị ứng đến độ muốn rời đi ngay lập tức. Rồi việc chứng kiến sự keo kiệt bủn xỉn, sự giả tạo của con người, chứng kiến ai đó lợi dụng người khác. Nói chung sức chịu đựng của tôi kém đi nên việc chứng kiến những mặt trái của xã hội của con người cũng làm tôi mệt mỏi vô cùng.
Tôi biết bản thân mình cũng đầy tật xấu và khả năng công việc thì gần như không có vì trước giờ tôi chỉ toàn làm công việc lao động tay chân, lại chưa tiếp xúc với cái ngành nghề mới này bao giờ nên tôi chỉ là một con ngốc không có tiền cũng chẳng có quyền gì để lên tiếng cả. Vậy nên mọi thứ cứ bị nén xuống cái sức khoẻ thì đang giảm đi nghiêm trọng. Ý niệm duy nhất lúc đó để lưu giữ tôi ở lại cái thành phố đó chỉ còn là kì thi để đi lấy chứng chỉ thực hiện bước đầu ước mơ đó.
Ai đó đã từng có mơ ước hoặc yêu tha thiết thì chắc hiểu cảm giác của tôi. Với tôi, dùng cả thanh xuân chỉ để đi tìm ước mơ và khi đi đến hết thanh xuân mới mờ mờ biết được cái ước mơ thực sự của mình là làm gì thì đó đúng là chấp niệm duy nhất của cuộc đời. Tự thân mình không ngừng nhắc nhở bản thân mình rằng tôi có thể chịu đựng được tất cả vì mục tiêu trước mắt, vì ước mơ mà mình phải dùng hết thanh xuân để đánh đổi kia.
Cuộc đời chớ trêu. Ngày con bạn cùng phòng thời sinh viên của tôi từ Hoà Bình xuống thủ đô để thăm học trò nó đang nằm bệnh trong bệnh viện, thì trước đó tôi được bác sĩ chuẩn đoán nghi ngờ bị bệnh lupus viêm cầu thận đó. Chúng tôi ngồi nói chuyện một lúc về căn bệnh đó và tình hình đứa học trò mới 15 tuổi của nó. Khi ấy tôi còn có tâm trạng đùa chút với người bạn đã mấy năm không gặp, và khi đó thực sự tôi thấy rất vui vì nghĩ rằng người bạn đó lặn lội xa xôi cũng một phần vì muốn gặp mặt bạn bè trong đó có tôi.
Tôi quyết định đổi bệnh viện khám vì đã quá mệt mỏi và cần một cái phán quyết nhanh gọn nhất, chứ không phải sự dai dẳng để cạn kiệt cả về thể xác tâm hồn lẫn kinh tế của tôi. Và đúng như ý, tôi đổi sang một bệnh viện đa khoa khác chuyên về thận hơn chút, và họ kết luận cho tôi hết sức nhanh gọn sau chưa đầy năm phút khám và nhìn kết quả xét nghiệm của tôi. Đáng lẽ là một kết luận đúng như tôi mong muốn về mặt tốc độ và độ dứt khoát lạnh lùng khi ông bác sĩ đó nói ra. Vốn tôi nghĩ mình đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đón nhận tất cả, tôi tưởng mình mạnh mẽ lắm, nhưng khi ông bác sĩ đó nói ra một câu không nặng không nhẹ như vậy thậm chí là chẳng cần nhìn mặt tôi mà phán chỉ một câu kết luận đó, tôi đã chết lặng mất mấy giây. Mấy giây ngắn ngủi đó, chính xác tôi thấy đầu óc mình hiện lên một khoảng trắng xoá mênh mông, không hề có bất kì một âm thanh hay màu sắc thậm chí là cảm xúc gì hiển hiện trong mấy giây khoẳng trắng ngắn ngủi đó. Ông bác sĩ lớn tuổi mổ cò bàn phím máy tính rất chăm chú còn tôi cứ nhìn ông ấy mà não cũng như ngừng hoạt động luôn.
Ông bác sĩ hỏi tôi bảo hiểm, bảo tôi phải nằm viện ngay thôi. Tôi giật mình, bảo hiểm y tế không có, đừng nói đến việc nằm viện, đến việc đi khám cũng chỉ có một mình tôi. Thật sự hoang mang. Ông bác sĩ nói ngắn gọn mấy câu nữa về bệnh của tôi: “Bệnh này xác định phải thường xuyên nằm viện, cả đời uống thuốc và không điều trị tận gốc được.” Vâng, mấy từ đơn giản ấy tôi đều nghe qua tai và đều hiểu cả, nhưng nó đúng là tiếng sét ngang tai đúng là trời sụp vào thời điểm đó. Sau đó, chẳng để tôi có thời gian ngồi đần ra đó mà suy nghĩ thêm cái gì ông bác sĩ kê đơn thuốc và còn không quên dặn lại tôi về nhà làm cái bảo hiểm y tế đi để đảm bảo không vượt quá thời gian khám, để ảnh hưởng đến hàng dài những người sau vào khám.
Tôi đi đóng tiền, tiếp tục ngồi chờ đợi mua thuốc. Thiếu tiền mua thuốc và tôi phải rối lên đi hỏi vay tiền khắp cả những người bạn mà tôi quen biết, cuối cùng sau cả tiếng đồng hồ mới vay được vài trăm nghìn và tạm đủ tiền mua thuốc. Tôi lấy xong thuốc, ngồi đó suy nghĩ và khóc. Đến lúc đó mới có thời gian để khóc. Tôi tự hỏi đây là lần vay tiền thứ mấy? Và còn phải vay thêm bao nhiêu lần nữa, đi đâu mà vay được nữa, khi mà đây mới chỉ là cái bắt đầu của cả một hành trình duy trì sự sống. Tôi còn chưa kịp thực hiện ước mơ, không lẽ đã phải nói lời vĩnh biệt với nó.
Hối hận lớn nhất cuộc đời không phải là làm sai việc gì đó mà là việc gì cũng chưa làm được. Với tôi, hôm đó là ngày kết thúc sự sống trong tôi. Không hề có một cảm xúc văn chương lãng mạn gì như mọi người nghĩ đến ở đây đâu. Tất cả đều là cảm xúc thực tế, cảm giác, cảm nhận thực tế của một người bình thường khi biến thành một bệnh nhân mắc bệnh nan y. Hai mươi bảy tuổi, không phải mười bảy cũng không phải bảy mươi, một con số hoàn hảo để có thể kết thúc một quãng đời và chuyển sang một quãng đời mới, đau xót làm sao lại không phải một quãng đời của một người khoẻ mạnh bình thường nữa. Dù như bây giờ khi đã cả nửa năm trở thành bệnh nhân, nhưng tôi vẫn chưa thể quen với khái niệm người bệnh mà luôn cố gắng nghĩ mình là một người bình thường.
Khám bệnh và có được kết luận của bác sĩ xong tôi vẫn còn cố lì ở lại với thủ đô vài ngày cuối để đợi hoàn thành nốt kì thi ngoại ngữ kia. Ngày tôi đi thi đó thân thể mệt như thể bao nhiêu cái mệt mỏi của cả mấy năm cộng dồn vào một ngày vậy. Cái ba lô bình thường mấy ki lô gam đồ đạc mà nay đeo nó trên vai đi lại vài tầng cầu thang thôi cũng đủ để tim đập nhanh và huyết áp tăng, chóng mặt, và người như sốt rét. Tôi ngồi chờ được gọi tên vào phòng thi, khi làm bài thi thực sự đầu óc không đủ tỉnh táo và tập trung cho bài thi, cả người chỉ hoàn toàn là chống đỡ cho qua giờ. Cùng ngày đó, hoàn thành xong bài thi và tôi bị trễ chuyến xe về quê, phải đi một chuyến xe khác lòng vòng mãi mới về đến nhà, trời tối muộn và may mắn còn có anh trai đi đón. Nhưng cái cảnh phải trình bày bệnh tật với người thân của mình đúng là chẳng biết phải mở miệng nói như thế nào. Về đến nhà, hoàn toàn sụp đổ, đổ bệnh và nằm ngủ nhưng cũng chẳng được ngủ dài. Tiếp đó là đến những chuỗi ngày cũng khủng hoảng khác.
Đột nhiên về quê chẳng có lý do, chẳng có việc làm, cứ suốt ngày đóng cửa nằm dài ở trong nhà. Ai thấy cũng sẽ nghĩ tôi lười biếng hoặc rảnh rỗi lắm, mà thực sự thì đúng là lười biếng và rảnh rỗi thật, vì có bao nhiêu việc mà tôi chẳng làm được cái tích sự gì cả. Mấy bà cô bà dì nhà tôi thấy tôi suốt ngày ở nhà thì cứ hỏi thăm liên tục, cứ nhờ đi chỗ này chỗ kia, làm việc này việc kia, tôi mệt và cảm thấy rất phiền vì chỉ muốn được nghỉ ngơi, muốn được ngủ lì cả mấy ngày liền tù tì cũng không làm được. Ban đầu vì không muốn phải giải thích với nhiều người nên tôi cố gắng, những ai không phải giải thích thì cũng không trình bày bệnh tình ra với họ. Nhưng người ta không biết thì cứ đối xử với tôi như một người bình thường để xem xét và đánh giá. Tôi mệt mỏi, ăn uống cũng phải kiêng nọ kia mà suốt ngày lôi tôi đi giỗ tết ăn uống, từ chối thì bị bảo là kén ăn, gầy mo còn ăn ít, chê bai, so sánh đủ điều. Ngay cả cái việc thức dậy sớm cũng mệt, khi mà chỉ muốn được ngủ cả mấy ngày thì đến cả tám tiếng ngủ cũng không đủ. Ai cũng hỏi mẹ rằng sao con gái chẳng thấy làm gì cứ ở nhà thế, hoặc như hỏi tôi đang đi làm gì rồi, thì mẹ tôi phải giấu vội nói tôi làm cái này hoặc cái kia. Điều đó làm bản thân cảm thấy vô cùng áy náy. Không những không làm việc kiếm tiền mà còn để một bà già gần sáu mươi còn phải lao động vất vả để nuôi một ông chồng tâm thần phân liệt lại thêm một miệng ăn bám nữa. Bao nhiêu khổ cực dồn lên vai mẹ, còn món nợ tiền nong xây nhà chưa trả hết thì tiếp tục dồn lên vai ông anh trai tôi. Ước mơ cuộc đời tạm gác.
Sau nhiều tháng nằm dài ăn hại và nhận lại không ít lời ra tiếng vào cũng như sự khoan dung của mẹ và anh trai thì tháng nào tôi cũng phải lên viện tái khám. Tái khám là đồng nghĩa làm một loạt xét nghiệm, khám và mua thuốc. Kết quả khám chẳng những không khả quan lên mà còn toàn xấu đi. Sức khoẻ vẫn yếu kém, thận càng ngày càng suy, các chỉ số chẳng thể lạc quan nổi. Bác sĩ thì cứ bảo tôi làm sinh thiết, nhưng sau khi tìm hiểu thì tôi chẳng dám làm cái xét nghiệm đó, phải nằm viện vài ngày không có bảo hiểm chi trả là cả vấn đề, lại thêm vấn đề không có người đi cùng, lại thêm vấn đề sợ đau hoặc tỉ lệ gặp phải những biến chứng xấu sau khi làm sinh thiết cũng cao. Tôi sợ, sợ lắm chứ. Từ chối mãi, cuối cùng cũng đến lúc tôi quyết tâm nằm viện.
Tháng này tôi đi xin cả giấy khám chuyển tuyến của bệnh viện huyện rồi lên tỉnh để được chuyển lên khám ở tuyến trung ương, nhưng kết quả là bác sĩ khám và cho tôi vào một cái chương trình mà tôi phải theo hàng tháng để lên khám và lấy thuốc theo bảo hiểm y tế. Điều đáng nói là, bệnh của tôi không phải lupus ban đỏ mà họ khám thành lupus ban đỏ, và nói với tôi rằng không cần làm sinh thiết, tăng liều thuốc uống lên để điều trị tấn công. Tôi thì rõ ràng chẳng hiểu gì về những gì họ nói mấy. Cái điều tôi nghĩ đến đó vẫn chỉ là, tiếp tục cả đời còn lại phải gắn bó với bệnh viện và uống thuốc chẳng hề làm cơ thể tôi khá lên được. Thuốc mà bảo hiểm chi trả thì chẳng được mấy bao nhiêu, loại đắt nhất thì không có trong danh mục bảo hiểm. Kết quả là vẫn mất một đống tiền và thu lại chẳng được cái gì gọi là khả quan cả.
Thất nghiệp tiếp tục diễn biến đến tháng thứ sáu, ăn bám và nợ nần ngày một tăng lên. Chân tay tôi vẫn co cơ nặng nề khi làm việc gì đó hoặc đụng nước lạnh, toàn thân vẫn chẳng có chút sức lực nào, và không thể làm việc gì nặng được. Tôi bỏ tiền đi học làm nail mà phải bỏ ngang chừng bởi ngón tay bị co cơ đau nhức và run tay không kiểm soát nổi. Chẳng thể làm công nhân được vì không thể chịu đựng nổi áp lực tăng ca hoặc giờ giấc thuốc men quá nhiều trong ngày của tôi. Cứ như thế tôi rơi vào bế tắc cả nửa năm nay. Có lúc muốn chết luôn để chấm dứt cái cảnh sống không có ngày mai, sống không hi vọng, không ước mơ, không việc làm. Hoặc tôi chờ đến lúc phải đi chạy thận thì sẽ triệt để dùng nốt số thuốc thừa trong những lần quên uống thuốc của các tháng cộng dồn lại kia để một lần uống vào chấm dứt cái sự sống dặt dẹo này, chấm dứt mối nợ nần với những người yêu thương tôi. Sống vì thuốc thì cũng chết vì thuốc là hợp lí nhất rồi.
Những người bị bệnh hoặc sắp chết thì thường cảm nhận về cái chết cũng nhạy cảm hơn người bình thường. Có lẽ điều đó là đúng khi mà liên tiếp nghe tin xấu, toàn những ca bệnh tật, những người chết đi, những cái chết, có cả cái chết trên chính tay tôi mà tôi không thể cứu chữa được. Cái chết của một linh hồn nhỏ bé đáng yêu mà tôi đã hết sức hi vọng nó sẽ đợi được đến lúc trưởng thành. Cái chết làm cho tôi mất đi niềm tin mong manh vào việc được ngắm nhìn sự sống sinh sôi nảy nở.
Không một thằng đàn ông con trai nào muốn làm người yêu hoặc lấy một người bệnh làm vợ, đó là sự thật. Dù cho cũng chẳng có tha thiết gì đến cuộc sống chứ chẳng dám nghĩ đến tình yêu xa xỉ. Thế mà cái thực tế phũ phàng kia vẫn làm cho tôi đủ chạnh lòng. Tôi có một thằng bạn cũ, có thể nói là tôi khá thích người bạn đó, ít nhất thì cũng hi vọng nó có thể trở thành một thằng bạn thân đáng tin cậy để tôi có thể tâm sự hoặc than thở về cuộc đời với nó. Nhưng trước khi nó biết tôi có bệnh thì còn có chút nhiệt tình của một người bạn bình thường, nhưng sau khi nghe tôi kể lể chuyện bệnh tình thì nó gần như biến mất, làm như tôi đã doạ nó sợ rồi vậy. Đúng là cũng có nhiều lúc không nhịn được mà thấy cần vô cùng một người có thể chia sẻ hay chỉ đơn giản là ngồi im nghe tôi than thở về những lo lắng và sự bất lực của tôi mà thôi. Nhưng tất cả đều không có thời gian để nghe bạn than thở, người khác đều rất bận rộn và chỉ có một mình tôi là luôn rảnh rỗi, luôn mong manh cần được quan tâm và lắng nghe mà thôi. Cả thế giới đều rất mạnh mẽ, riêng tôi thật yếu đuối và vô dụng, đến một con cún cũng không có để chơi cùng. Đó là thực tế mà.
© Tác giả ẩn danh - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
Chơi vơi giữa Sài Gòn | Family Radio
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Một tình yêu kéo dài suốt một đời
Tình yêu của họ ngọt ngào, đáng yêu và chân thành, nhưng họ không còn là những con người như khi họ mới gặp nhau. Cô yêu Alex hết lòng, nhưng cô không thể phủ nhận rằng con đường của họ đang rẽ hướng.
Mong tình ta bắt đầu khi mùa thu còn trở lại…
Khi thu một lần nữa quay về, cô đã mười tám, lứa tuổi dễ bị rung động trước những điều nhỏ nhặt nhất. Lúc này cô nhận ra mình đã yêu anh từ lúc nào.
Viết cho tuổi mười tám
Khủng hoảng tuổi đôi mươi đến thật nhanh, nhiều khi, việc giao tiếp với người khác mỗi ngày cũng làm chúng thấy cạn kiệt năng lượng, lạc lõng. Thì ra, cái giá phải trả cho ước mơ cũng rất đắt, những thứ tốt đẹp, lung linh thì chưa bao giờ " miễn phí".
Đôi tay người bạn
Bạn hiền ơi! Cho tôi mượn đôi tay Để tôi nắm đôi bàn tay người bạn Dẫu mai đây có xa thì vẫn nhớ Nhớ đến lúc này, tay xiết chặt lấy tay…
Chưa từng bỏ lỡ nhân duyên
Chuyện của gia đình anh hoàn toàn không phải lỗi của cô ấy, nhưng đâu đó cái bóng của toàn bộ câu chuyện vẫn bao phủ lấy cả anh và cô. Họ sẽ làm gì để bước qua cái bóng của quá khứ kia?
Mùa hoa cải năm ấy
Câu chuyện kể về cảm xúc của nhân vật Tôi nhớ về ký ức tuổi thơ bên triền đê, nơi cô đã lớn lên cùng một cậu bạn. Họ cùng chơi đùa, thả diều và học tập bên nhau. Khi cậu bạn đỗ đại học và rời quê, mối liên hệ giữa họ dần phai nhạt. Sau một thời gian, cậu trở về quê cùng một cô gái mới, khiến cô gái cảm thấy hụt hẫng và nỗi buồn lấn át kỷ niệm đẹp. Dù thời gian trôi đi, hình ảnh mùa hoa cải vẫn gợi nhớ về tình yêu thầm kín mà cô không thể quên. Cô chấp nhận rằng tình cảm đó sẽ mãi ở lại với cô, giống như những mùa hoa cải vẫn nở rực rỡ.
Viết cho người đã cũ
Đã cũ khiến ta bất giác hồi tưởng lại những ngày đầu làm quen để rồi tự gượng cười nhìn lại những gì đã cũ, cảm giác đó, rung cảm đó tưởng như sẽ trở nên sợi dây kết nối với nhau dài lâu; ấy thế lại vội vàng đến, rồi vội vàng lướt qua cuộc đời của nhau tựa như gió thoảng, tựa đám mây ghé qua rồi vội bay về phía cuối chân trời
Mưa nào mà không tạnh?
Mưa tầm tã, rào rạt. Mãi khi bình minh ló rạng cũng là lúc em nhận ra mình đã khóc lâu đến nhường nào. Chín mươi chín cuộc gọi nhỡ từ mẹ.
Ai bán
Ai bán cho tôi nửa trò đời Tôi về ủ thành rượu uống chơi Nhăm nhi từng chút hồn tản mạn Trở lại tuổi thơ thấy mẹ cười
Tía là quê hương
Năm đó nếu không có tía, nếu tía không ôm con về thì con đâu được như hôm nay. Tía vừa là ba vừa là mẹ của con, tía là những gì yêu thương thân thuộc nhất của quê mình mà con chỉ có thể nói tía là quê hương. Tía là cả vùng quê của mình đã thấm vào con đã thành máu chảy trong con ba