Bước chân về nơi xa
2021-09-08 01:30
Tác giả: Phan Khánh Lâm
blogradio.vn - Người ta vẫn thấy ông Tư thản nhiên sau chừng ấy thay đổi, con người ông và những điều bên trong người ông vẫn còn nguyên ở đó dù cho chuyện gì xảy ra
***
Chiếc loa phường rè rè kéo theo dòng âm thanh không rõ tiếng truyền đi trong khoảng không gian vắng lặng. Trời còn chưa sáng, một đôi chân trần chai sạn bước đi trong màn sương, chiếc gậy trên tay ông nện “lách cách” trên đường để tìm ra hướng đi, tay còn lại xách theo một chiếc giỏ điệm; mộc mạc và không có mấy hành trang trong đó. Trước mặt ông bóng tối bủa vây lấy khuôn mặt già nua đầy những vết hằn của ngày tháng.
Một cái nón lá rách, một chiếc quần cộc đen, một chiếc áo trắng ngắn tay đã sờn màu nắng gió, lộ ra cả vài mảnh chắp vá còn nguyên đường kim kẻ chỉ, ông gánh trên vai cây đàn phím lõm với màu sơn đã nhạt, trơ ra màu gỗ trắng phêu - đó là những gì mà ông có nếu không kể đến cái lều mái lá lợp tạm dưới gốc cây si già bởi một người đi đường nào đó dựng lên. Gọi cho sang thì là: “Mái tranh của ông già mù”, chắp vá bằng vài cây cột cao ngang tầm đầu ông rồi phủ lên đó một mái lá tả tơi, vài mảnh ván chắp vá đóng thành cái giường với chiếc chăn cũ, manh chiếu rách; chỉ có cái tấm bạt nhựa che mưa treo trên cao, cái lu đựng nước mưa sau nhà là vẹn nguyên.
Nhiều câu chuyện về ông được kể ở chợ từ cô Sáu hàng rau hay ông Tánh hàng cá cạnh cái góc tường mà ông hay ngồi; trong đó có cả những lời thổi phồng, thêm bớt được dệt lên để cho câu chuyện thêm sinh động. Bẵng đi một thời gian kể mãi cũng chán, người ta cũng hết thắc mắc về ông, chỉ lâu lâu có vài người mới đến ở, hay vài vị khách đường xa đến hỏi thì những chuyện về ông lại xôn xao khắp cả chợ.
Sự có mặt ông già mù đã là một cái gì đó thân thuộc trong khu chợ Lập Phương xập xệ. Ông già mù rất ít nói, tính ông hiền hậu, sống khép mình, ông ít nói về bản thân cũng như những chuyện đời ông. Người ta hay bảo ông đã ngoài bảy mươi, người thì đoán mò sáu mươi sáu, bao nhiêu thứ người ta có thể tranh cãi về ông dưới cái mái đầu xen hai màu đen trắng kia. Riêng một điều mà người ta có thể biết về ông là ông thứ Tư và khiếm thị nên người ta gọi là ông Tư mù, dần dà thành quen người ta không còn nhớ đến tên ông nữa như một ký ức gì đó không cần thiết nữa nên người ta quyết định chôn vùi nó đi.
Khi từ đôi tai của ông Tư mù cảm nhận được sự đông đúc cũng là lúc tiếng đàn lời ca của ông vang lên giữa chợ. Giọng ông Tư mù trong trẻo và có chút gì đó trầm buồn, người thì thương cảm mua quà hay bỏ vào chậu cho ông vài đồng bạc lẻ, người đi ngang bĩu môi khinh bỉ mắng ông, mắng vào cái số kiếp nghèo xác nghèo sơ của ông. Người thì mở lòng bảo: “Tiếng lòng của ông Tư sao mà buồn da diết”, người trách thay cho cái thân cái phận đưa đẩy để giờ ông thế này.
Giữa mọi thứ ông Tư mù vẫn giữ thái độ thản nhiên như chưa từng có điều gì có thể tác động đến ông. Ai hỏi gì ông cũng “ậm ừ” hoặc trả lời qua loa, cuộc đời ông Tư là một ẩn khuất, không ai có thể biết về quá khứ, xuất thân của ông. Ông Tư mù xin ăn đã trở thành một phần cuộc sống ở chợ và ngày nào cũng vậy ở cái góc tường rêu phủ, loang lỗ màu gạch đỏ tiếng hát của ông Tư vẫn ngân lên hòa vào những thứ thanh âm hỗn tạp của khu chợ.
Ai cho gì ông ăn đó, ông Tư không hay phàn nàn, chê trách những thứ đến với ông mà ngược lại ông đón nhận nó bằng tất cả sự biết ơn của mình. Bọn nhóc ở hàng tạp hóa, hàng quần áo rất thích ông, chúng thường đến ngồi cạnh ông nghe ông hát, bọn chúng cứ bảo: “Nhìn ông hát chẳng khác gì người nghệ sĩ trình diễn trên ti vi”. Và sau phần trình diễn của ông chúng thường tán thưởng ông bằng những tràng pháo tay như những gì mà người nghệ sĩ trên sân khấu thường được nhận lại; chỉ khác là người nghệ sĩ mù này trải lòng giữa những tạp âm xung quanh đây, sân khấu là ở một góc khu chợ xập xệ, khách qua lại những người lắng nghe ông cũng chẳng mấy là đông.
Ông cũng rất yêu bọn trẻ, chúng hay mang cho ông nước uống, lúc thì ly nước cam, lúc thì ly chè giữa những trưa hè nóng nực cho ông giữ giọng. Ông chiều chúng như người ông chiều những đứa cháu của mình, trước những yêu cầu của chúng ông luôn đáp ứng cả. Có bọn nhóc ông Tư cảm thấy đỡ cô độc, nét ngây ngô của bọn chúng làm ông dịu đi những sự khắc khổ trên cái dáng người gầy trơ xương.
“Ông ngân khúc “Dạ cổ hoài lang” cho bọn cháu nghe đi, mẹ cháu hay hát cho cháu nghe lúc nhỏ lắm”. Thằng Huân con cô Ly hàng cá khô nói.
Đến thằng Huy sạp vải lại bảo: “Thằng dở hơi, ông lên khúc vọng cổ “Tình anh bán chiếu” thì hay khỏi phải biết. Ông Tư ơi! Hát bài đó đi ông”.
Rồi cái Thu nhỏ nhất trong đám lên tiếng: “Mấy anh nghe ông hát bài “Nhớ biển Nha Trang” chưa? Ông mà dạo một khúc là mấy anh cỡ nào cũng ghiền cho mà coi”.
Cả bọn cứ cãi nhau ầm lên sau những lần như thế, vậy mà ông vui, lần nào ông cũng cười trìu mến:
“Cứ trật tự các cháu ạ, ông hát theo yêu cầu từng đứa hen, không có bỏ sót đứa nào hết”.
Bọn trẻ khoái chí cười, rồi ngồi im lặng nghe từng câu từng chữ ông hát. Niềm vui của ông là bọn trẻ và bọn trẻ cũng vui vì sự có mặt của ông.
Vắng ông một ngày là bọn trẻ lại cảm thấy thiếu đi một thứ gì đó đặc biệt. Thỉnh thoảng bọn nó hay nhìn về cái góc tường nơi ông hay ngồi xem ông có đến không. Rồi bọn chúng lại hỏi má, hỏi cha về ông Tư.
“Ông Tư bệnh rồi, ít có ngày ông không đến chợ Lập Phương lắm trừ lúc ông bệnh thôi con”. Bọn trẻ thấy an lòng khi nghe người lớn nói vậy, phần nào cũng lo cho ông Tư lắm, bọn trẻ thương ông Tư cũng không phải thứ tình cảm như anh em ruột thịt nhưng cũng thiêng liêng giống vậy. Và mọi lần cô Sáu, ông Tánh những người cạnh ông Tư tại khu chợ thường sai bọn nhỏ mang cho ông Tư nào là cháo, nào thuốc, nào sữa, trái cây cho ông Tư ăn chóng khỏe.
Thằng Huân, cái Thu thì lần nào cũng háo hức mang tận tay mọi thứ đến túp lều của ông Tư. Bọn chúng thường rất vui khi giúp đỡ được ông Tư một điều gì đó. Chúng đến trò chuyện hỏi han cho ông Tư đỡ phải buồn và mau hết bệnh.
Cái Thu thủ thỉ: “Ông Tư ơi ! Ông Tư mau hết bệnh rồi hát cho con nghe nha. Vắng có ngày mà con nhớ ông Tư quá trời”.
Đôi môi khô khốc của ông Tư nở một nụ cười niềm nở khi bọn trẻ đến thăm, ông bảo:
“Ông cảm ơn các cháu, khi nào ông hết bệnh ông sẽ lại ra chợ!”.
***
Có lần gần cả tuần ông Tư không đến khu chợ, mọi người lại xôn xao về chuyện này. Chuyện vặt ở chợ bỗng chốc hóa thành chuyện gì đó to tát lan đến khắp các ngã, ngóc ngách ở nơi này. Thế gian có bao chuyện phù phiếm cũng xuất phát từ miệng của người đời mà ra, một câu chuyện nhiều cách kể, nhiều cách diễn đạt lại đưa câu chuyện đó sai lệch đi so với những gì chúng vốn có lúc ban đầu. Ông Tư mù trở thành chủ đề bàn tán mà người ta thường trao đổi với nhau lúc đi chợ, ngoài những món hàng cần đi mua.
Người ta tò mò về một cái gì đó chẳng lành ập đến với ông. Người nghe ngóng, người vẽ ra những viễn cảnh mà mình có thể tưởng tượng ra. Từ miệng người này truyền miệng người kia; kẻ thắc mắc, kẻ dửng dưng chỉ bởi một điều rằng “Ông Tư mù không có mặt ở chợ”. Vậy nên mới thấy rằng “Ở khu chợ xập xệ này đâu phải giản đơn chỉ là nơi người với người trao đổi hàng hóa với nhau”.
Rồi mọi chuyện cũng dần được hé lộ qua lời kể đầy lôi cuốn đầy lôi cuốn của chú Hùng cán bộ công tác trên xã. Số là hôm đó chú Hùng dậy sớm để chạy bộ ngoài đường, bắt gặp dáng hình gầy gầy đang ngồi phía xa. Cái dáng của ông Tư thì không lẫn vào đâu được nên thoạt nhìn chú Hùng nhận ra ngay.
“Với thói quen của ông Tư thì đáng nhẽ ra ông đã đi đến gần chợ rồi, sao giờ còn ngồi lại đây?”. Chú Hùng thắc mắc.
Hỏi ra thì mới biết ông Tư giẫm phải miếng sành, đau chân nên không đi được nữa. Chú Hùng nhìn quanh loang ra những vệt máu đỏ, đoán là vết thương khá sâu vội chạy về nhà mình gần đó mang bông băng, thuốc đỏ sát trùng vết thương giúp ông Tư rồi băng bó cho ông cẩn thận.
“Ông Tư chịu khó nghĩ ít hôm, đợi vết thương lành đã rồi hẵng đi hát. Lát nữa cháu chở ông Tư về nhà rồi sai thằng cu Tí nhà cháu mang cho ông Tư ít kháng sinh cho ông Tư mau lành, nha ông Tư”. Giọng chú Hùng khe khẽ.
Ông Tư rớm nước mắt, rối rít cảm ơn chú Hùng vì đã giúp đỡ. Những ai biết về ông Tư thì đều hiểu: “Những lời cảm ơn từ ông Tư đều xuất phát từ sâu trong cõi lòng”, cuộc đời ông về già luôn sống nhờ vào những ân huệ; người thương, người ghét đã là chuyện quá đỗi bình thường trên cõi đời và với cả ông. Ông Tư thường bảo: “Thế giới của người mù nhỏ bé như cái giếng, còn thế giới của người nhìn rõ rộng lớn như mây trời”. Rõ là ông Tư thiệt thòi hơn nhiều người khác thế mà ông chả bao giờ cảm thấy mặc cảm. Đôi bàn chân đã chai sạm kia vẫn vững vàng bước giữa chốn chợ búa đầy thị phi, trong cái góc tường rêu phủ vẫn có một người mù lạc quan mang những lời ca mang mác buồn, văng vẳng tiếng lòng xa xăm gieo vào đôi tai của những con người tất bật phải gánh trên vai cái ăn, cái mặc mệt nhoài.
Có những người sống buông thả mà an bài theo số phận sắp đặt, có những người dùng tất cả nghị lực còn sót lại để vượt qua khó khăn. Ở cái tuổi mà về già người ta bênh cạnh gia đình, nhàn rỗi với vườn tược, ao cá, vuông tôm thì đó như một giấc mơ huyền hoặc với ông Tư. Hành trình của ông Tư luôn đơn độc mình, ông không muốn phải phiền ai làm điều gì đó cho ông mà tự ông sẽ làm điều đó; bởi những điều người khác dành cho ông, để lại cho ông dù là người ta có lòng hay không thật tâm cũng là đáng quý trọng.
Chiến dịch dọn dẹp phố phường được rao khắp các làng, xã bởi chất giọng đặc sệt của chú Hùng trên loa phát thanh. Những cán bộ xã bắt đầu đi khắp nơi tuyên truyền để giữ đường phố sạch đẹp, đặc biệt là không có những vật sắc nhọn để trẻ con được vui đùa trên những con đường quê, để xóm làng thêm phần mỹ quan và để cho một người mù với chiếc gậy gõ lách cách trên đường không còn phải lo nghĩ khi bước trên con đường đến chợ. Một món quà được gửi đến ông Tư mù bởi một vị khách xa lạ đến thăm họ hàng tình cờ nghe được câu chuyện về ông Tư. Người ta đưa đến ông Tư một chiếc hộp với vẻ ngoài sang trọng, ắt hẳn là một đôi dép đắt tiền nhưng mà họ không biết rằng ông Tư không nhận những tặng vật như vậy. Ông Tư luôn giản dị như là đôi chân trần…
***
Ông Tư từng có một đứa cháu, dân ở khu chợ Lập Phương thường bảo vậy, nghe đâu thì nó cũng tầm mười hai tuổi. Người ta không hề biết là nó có họ hàng ruột thịt gì với ông Tư hay không? Cái tên người dân ở chợ hay gọi nó là Cầm. Cầm là một thằng bé lanh lợi và cũng như ông Tư Cầm không thường kể về những chuyện của bản thân.
Cảnh tượng thường hay thấy là thằng Cầm dắt tay ông Tư đi khắp mọi nẻo đường, tay nó buộc một sợi dây nối với tay ông Tư, lúc thì len lỏi ở chốn bến phà, lúc thì đi khắp khu chợ, lúc thì hai ông cháu ngồi một góc ở chùa. Ông Tư hát, thằng Cầm nhận tiền của những người vội đi qua, họ hay cho vào cái mũ đen sờn bạc. Nhờ có thằng Cầm ông Tư đi được nhiều nơi hơn và cũng nhặt nhạnh nhiều tiền hơn khi chỉ ngồi một góc ở chợ.
Cả khu chợ Lập Phương lại bàn tán xôn xao chuyện thằng Cầm, người người nhao nhao lên về sự hiện diện của nó. Cô Năm ế ẩm bên hàng gạo cứ đinh ninh:
“Nhỡ đâu thằng nhỏ giận gia đình, bỏ nhà đi bụi ở với ông Tư. Tao nói chứ cái tuổi cỡ thằng Cầm dễ nghĩ quẩn vậy lắm đó”.
Hay ý kiến từ bà Mười với đôi mắt đã mờ đục giọng đầy thương xót:
“Tội thằng nhỏ, tí tuổi đầu đã bương chải ngoài đường! Chắc hẳn là con rơi con rớt của ông, của bà nào đó bất nhơn. Cái số nó khổ quá chừng”.
Người qua kẻ lại trôi theo dòng chuyện của hai ông cháu; lời to, lời nhỏ, lời xì xầm đôi lúc đến với tai hai ông cháu và mặc nhiên hai ông cháu vẫn không quan tâm. Đôi lúc thằng Cầm cũng khó chịu khi cứ bị mọi người săm soi, nói già nói non, nó hỏi thì ông Tư điềm nhiên trả lời:
“Bao người sân si với những lời nói thiên hạ, rồi cãi nhau dành phần hơn, phần thiệt thì cái kết cũng chỉ là một điều gì sứt mẻ, chẳng lành. Ai đúng, ai sai đâu phải được định sẵn nên cứ phân tranh lòng người cứ bất an triền miên. Vậy nên tu tâm dưỡng tánh mà lánh miệng đời âu cũng là chuyện ông cháu ta nên làm”. Nói đoạn ông Tư thở dài rồi tiếp tục nói:
“Ông đi xin ở chợ Lập Phương đã lâu, ông mù nên không thấy được nhưng nghe thì qua lỗ tai ông đã nhiều. Chút lợi nhỏ mà người ta vội cho nhau những lời nói không hay; cãi nhau, bất đồng là chuyện thường hay xảy ra. Hơi sức đâu mà ta đi chấp lời dở, lời tai ương”.
Thằng Cầm bình tâm lại khi nghe ông Tư nói. Câu nói của ông ngấm vào đầu nó biết bao là cái thiện, cái hay. Đâu đó nó nhìn thấy ông Hòa ở hàng thịt, luôn ưu đãi thêm cho khách của mình một ít nữa; cô Sáu hàng rau luôn bỏ thêm cho ít cọng hành, cọng ngò cho bữa canh thêm thơm, thêm ngọt người đi đường dù chẳng biết nó là ai và họ giàu nghèo ra sao đều cho tiền vào cái mũ của nó. Biết bao sự cho đi thật đáng quý dù nhỏ nhặt giúp nó ngộ ra rằng “Người tốt là những người dùng cả tấm lòng để cho đi”.
***
Cuối chiều phố xá lên đèn, thằng Cầm thường la cà dạo khắp xóm Rẫy để chơi cùng bọn trẻ ở đây. Bọn nhóc trong xóm không ai thích thằng Cầm, chỉ để nó đứng nhìn không cho nó chơi cùng. Có lần đang chơi trò “Bịt mắt bắt dê”, đến lúc cao hứng bọn nhóc gọi thằng Cầm vào chơi cùng. Bọn nhóc bịt mắt thằng Cầm rồi hò hét cho thằng Cầm đến bắt.
Sự tinh ranh của bọn nhóc cố tình lừa cho thằng Cầm loạng choạng ngã vào bờ rào gỗ của chị Sáu. Dưới những cái cười hả hê của bọn nhóc thằng Cầm lồm cồm bò dậy, cắn răng phủi tay chân. Thằng to xác nhất trong bọn dè bỉu:
“Ê, có chơi được nữa không đó mậy? Hay lại chạy mất dép.”
Cả bọn phá lên cười làm thằng Cầm sôi máu nhưng được rèn giũa nên sự điềm tĩnh như ông Tư nó nén cơn giận đáp lại, câu chữ cộc lốc:
“Chơi tiếp”.
Tiếng reo hò lại át cả không gian xóm vắng, kể cũng vui khi lần đầu nó được chơi cùng bọn nhóc trong xóm nhưng đâu nào ngờ đằng sau những lời rủ rê của bọn nhóc chứa đựng đầy ác cảm trong đó. Chơi mãi chán nên bọn nhóc mang thằng Cầm ra trêu chọc, hệ lụy là lúc nó bắt được thằng Hân to xác nhất trong bọn, bằng đôi tay lạnh lùng Hân xô ngã thằng Cầm té xuống con đường đất đầy bụi bặm. Bọn nhóc vây lại để xem sự tình thì cũng là lúc thằng Hân quát lên:
“Thằng Cầm nó chơi gian, tao thấy nó bỏ bịt mắt xuống”.
Thằng Cầm mếu máu lí nhí giải thích trước đám đông bọn nhóc vây quanh:
“Tao không có chơi gian, tụi bây đổ oan cho tao”.
Thằng Hân được thời lấn tới:
“A, cái thằng này, chơi gian mà còn chống chế. Tụi mày coi thằng nhóc không trung thực như nó đi xin thì ai mà rủ lòng thương được”.
Bao nhiêu niềm tin trong lòng nó như bị vứt xuống đáy vực sâu khi mà thằng Hân chạm đến nghề đi xin của ông cháu thằng Cầm, không kìm chế được cơn giận nó lao vào vật thằng Hân ra đất. Với sức lực có hạn của mình thằng Cầm vốn là kẻ yếu thế hơn nên nhanh chóng bị thằng Hân đè ra đất đánh túi bụi vào mặt. Đám nhóc vây quanh hô hào, tiếp tay cho thằng Hân, trong đầu óc non nớt của chúng phần vì sợ thằng Hân phần vì sự vô cảm với cả những ánh mắt tràn sự hả hê thì nào đã phân biệt được thế sự bất bình cho thằng nhóc đang bị đòn đau.
“Tụi mày có thôi đi không ?” Tiếng ông Giàu lanh lảnh từ phía xa làm bọn nhóc khựng lại. Lão vừa từ xa bước lại vừa nói:
“Thằng Hân vào tắm rửa cho tao nhanh lên. Bọn nhóc này nữa giải tán ngay trước khi ông mày giận lên, ông mày đi mách bố mẹ tụi mi thì có mà no đòn”.
Thằng Hân đứng dậy trong gương mặt đầy bực tức, không quên ném cho thằng Cầm cái nhìn thách thức cùng lời đe: “Coi chừng tao”, rồi lê bước vào cái cơ ngơi to kềnh càng của ông Giàu với lỉnh khỉnh biết bao thứ đồ trang trí từ ngoài đến trong. Đám nhóc cũng bắt đầu ủ rủ ai về nhà nấy để lại ông Giàu đang chống cây gậy bóng loáng ra một dáng đứng nghiêm nghị cùng thằng Cầm với bao nhiêu tức tưởi gắng gượng nhấc thân hình nhỏ bé của mình lên. Chưa cần rõ cớ sự thế nào thì cái chất giọng hống hách của ông Giàu đã len lỏi vào đôi tai thằng Cầm:
“Tao cấm mày từ nay không được đụng đến thằng con tao, ngữ như mày chạm vào con tao thì có mà nó mất khôn. Tránh xa khỏi cái nhà của tao ngay thằng đầu đường xó chợ”.
Nghe đến đây bao nhiêu nước mắt cứ lần lượt rơi trên khóe mắt thằng Cầm, lần đầu trong cuộc đời bao nhiêu cay đắng, tủi nhục như cơn lũ ào ạt vào tâm trí khiến nó vỡ òa. Cái bóng dửng dưng không một cái ngoái đầu nhìn lại của ông Giàu như in vào mắt nó, mặc cho một thằng nhóc mười hai tuổi đau khổ, kêu gào còn nằm dưới đất đầy bụi bặm.
***
“Nghèo cho sạch, rách cho thơm. Ông Tư với con không làm gì sai, trái với luân lý ở đời thì cũng không cần phải cúi mặt. Bọn giàu mà hống hách khoe khoang mới là bọn đáng khinh. Ngẩng đầu lên mà nhìn giăng sáng, nghèo mà lành vậy đó hơn cái bọn giàu mà như sâu bọ đục khoét gieo cái ác chốn trần gian. Cháu của ông cứ sống phải đạo thì không có gì phải ngại đâu cháu ạ”. Ông Tư vừa nói vừa dùng dầu xoa bóp xin được chỗ chú Hùng từ tốn xoa cho thằng Cầm. Thằng Cầm vẫn ấm ức lắm nó không làm sao nguôi được ngọn lửa hận đang cháy âm ỉ trong lòng. Nó hỏi ông Tư:
“Sao người như ông Giàu, thằng Hân chưa bị quả báo hở ông ?”.
Ông Tư thở dài bảo với nó:
“Mình làm gì ông trời luôn soi rõ, nhân quả luôn hiện hữu cháu à”.
Mắt thằng Cầm dần đóng lại lúc ông Tư mù ru nó nghe một đoạn trong vở cải lương “Đời cô lựu”. Trong vô thức ông Tư vẫn nghe câu hỏi phát ra từ thằng Cầm: “Ông Tư có thương cháu không?”. Trong đêm lạnh, ông Tư nắm chặt tay thằng Cầm mà lòng như ngấn lệ, ông ngước mặt lên trời: “Đời người sao mà nhiều cái khổ quá”.
Vài ngày sau, lúc trời chiều, thằng Cầm thẩn thờ đi lang thang ngoài đường thì bỗng đâu nghe có tiếng gọi:
“Thằng kia, lại đây, lại đây tao có cái này hay ho cho mày coi nè. Nhanh lên”.
Sự tò mò dẫn dắt thằng Cầm đi theo hướng bờ sông nơi một thằng nhóc ước chừng hơn nó vài tuổi đang đứng ở đó. Thằng nhóc tên Đạo, hay có tên khác là “Đạo Đen”, nghe đâu người ta bảo nó từ nơi khác trôi dạt đến không phải người ở đây, là một thằng nhóc mồ côi làm nghề bán vé số.
Đạo có làn da đen nhẻm cháy nắng, tóc tai nó thì bù xù lôi thôi lếch thếch, nó đội một cái nòn kết màu trắng lệch qua một bên, người nó cởi trần lộ ra bờ vai gầy trơ xương. Dính vào người nó là một cái quần dài xăn lên gần gối, một cái áo sơ mi sọc ca rô buộc ngang hông. Thằng Đạo không giống như những đứa trẻ ăn mặc tươm tất, gọn gàng ở xóm Rẫy mà người đầy chất bụi bặm. Nó châm một điếu thuốc, rít một hơi dài rồi thả làn khói đục vào trong không trung giống hệt những cụ già ban sáng ở chợ hay thường làm bên ly cà phê sáng.
“Mày biết cái này là cái gì không ?”. Thằng Đạo hỏi rồi đưa ra trên tay một cái bật lửa bằng kim loại.
Thằng Cầm ngơ ngác lắc đầu không biết là vật gì. Thằng Đạo ném cái bật lửa lên không trung nhanh tay bắt lấy rồi nhìn về phía anh mắt ngơ ngác của thằng Cầm bảo:
“Tao lấy được của một ông Tây ngoài chợ hồi sáng, đồ cổ đó, có khối người đang sưu tầm nó ngoài tỉnh. Khối tiền đó nha thằng nhóc”. Vừa nói thằng Đạo vừa đưa cái bật lửa qua lại trước mắt Cầm. Thằng Cầm nhìn cái bật lửa rồi nói:
“Ông tao bảo ăn cắp là xấu, đứa trẻ ăn cắp là đứa trẻ hư”. Nghe xong thằng Đạo cười khẩy:
“Tao ăn cắp của người giàu, mà người giàu thì là kẻ lắm tiền mày lấy đi của họ một ít thì đã ảnh hưởng gì đến họ đâu”. Thằng Cầm tiếp lời:
“Vậy làm sao mày biết người đó giàu hay người đó nghèo”. Thằng Đạo khựng lại không biết nói thế nào, nó hướng câu chuyện sang con đường khác:
“Thế mày có thích tiền không?”
“Có”. Thằng Cầm nhanh nhảu đáp.
“Được. Vậy thì theo tao, mày không lo chuyện tiền đâu. Tao sẽ dạy cho mày kiếm tiền”. Đạo tiếp lời.
Thằng Cầm nghĩ ít lâu rồi đáp: “Tao không theo mày đâu, nghèo thì nghèo chứ tao không làm chuyện sai trái”.
Thằng Đạo bĩu môi: “Nghèo như mày cũng bày đặt nói chuyện đạo lý, ở đời người được coi trọng là người có tiền, có tiền mày muốn làm gì cũng được, nói gì cũng chả ai cãi, cái uy đó là nhờ đồng tiền. Đi xin ăn như mày thì muôn đời đói rách, người ta nhìn người ta khinh bỉ, người ta chà đạp thôi”.
Như chạm vào nỗi đau của thằng Cầm, tay nó nắm chặt lại hình nắm đấm vung tay đập mạnh vào gốc dừa cạnh bờ sông. Nó nhớ lại cảnh bị thằng Hân đánh đập, bị ông Giàu sỉ nhục mà trong lòng cứ ám ảnh những cơn giận không nguôi. Thằng Đạo được dịp nhồi nhét thêm vào:
“Tao thấy mày cũng lanh lợi, Có tiền đồ sáng lạn mới giúp đỡ, rảnh đâu mà tao kéo mày ra đây nói chuyện với mày nảy giờ. Về suy nghĩ cho kĩ rồi ngày mai cũng giờ này đến gặp tao ở đây. Mà á, theo tao học thì cũng phải bỏ ra chút gì đó, tiền bạc là hợp lý nhất rồi”. Nói xong thằng Đạo dạo bước qua cây cầu gỗ bắc ngang sông, mồm huýt sáo ra một giai điệu mà nó ưa thích đầu không ngoảnh lại để lại thằng Cầm còn đứng trơ ở đó với bao nhiêu suy nghĩ trong đầu. Thằng Cầm buông một tiếng thở dài lặng nhìn về phía xa, con đường đã tối đen từ lúc nào…
Chợ sáng hôm nay thưa thớt người, thằng Cầm dắt ông Tư đi thật chậm nó lơ đễnh nhìn lên bầu trời đang giăng một màn mây đen mù mịt, trời sắp mưa, trên cao những cánh chim đang lượn lờ đi tìm nơi trú ngụ. Thằng Cầm cùng ông Tư vào trú dưới mái hiên của một cửa hàng may đang đóng kín cửa. Cả buổi sáng ngoài gói xôi xẻ nữa cho ông cháu thì hai ông cháu không nhận thêm được gì. Thằng Cầm để ông Tư ngồi dựa vào tường rồi nằm vật ra đất suy tư.
Nó nhìn vào cái nón trống không rồi lại nghĩ về những lời nói của thằng Đạo như vang lên trong đầu nó, rõ ràng đó là những lời có sức thuyết phục kém nhưng với thằng Cầm đó như một liều thuốc xoa dịu tâm trạng nó lúc này. Đang suy nghĩ thì ông Tư kéo nó về thực tại:
“Cầm à, ông hỏi này. Sau này lớn lên cháu muốn làm gì?”.
Câu hỏi của ông Tư làm nó nghĩ ít lâu:
“Cháu không biết nữa ông ạ. Chắc cháu làm nghề buôn thôi, cháu muốn có được nhiều tiền để người ta không coi khinh ông cháu mình nữa”.
Ông Tư ngồi tay ôm cây gậy, ánh mắt của thằng Cầm đang hướng về ông Tư.
“Được lắm cháu ạ. Nhưng ông cũng có một lời khuyên, làm gì cũng được miễn cháu thấy thích, phải giữ được cái tâm hướng thiện, cái tâm với việc cháu làm. Đồng tiền tuy làm cháu sống tốt hơn nhưng cũng là con dao hai lưỡi biết bao nhiêu người lạc lối cũng bởi tiền tài, danh lợi. Cái giàu chân chính là giàu tình nghĩa, giàu hiểu biết thì đồng tiền mà ta kiếm được mới là đồng tiền chân chính ta xứng đáng có được”.
Thằng Cầm lại nghĩ mông lung, lời nói của ông Tư chợt thoảng qua tai, trước mắt nó hiện lên những thứ lung linh một cách cuốn hút, những con đường với những ngã rẽ hiện ra, chỉ một bước chân thôi đó sẽ là một con đường khác.
Chiều tối, có tiếng bước chân thật vội băng trên con đường đất của xóm Rẫy, bước chân như không bao giờ đi lại con đường này lần hai.
***
Mấy ngày rồi người ta không thấy thằng Cầm đi với ông Tư, người ở chợ Lập Phương lại đưa câu chuyện này qua tai nhau. Hôm trước có một người đàn ông nhậu say đang trên đường về lúc khuya thì thấy ông Tư mù ngã ở bờ mương tại xóm Rẫy. Người ta đoán là ông Tư đi tìm thằng Cầm và theo lời kể của người đàn ông say rượu thì nơi ông Tư ngã gần đó có một thằng bé nhưng không rõ có phải là thằng Cầm hay không?
Nhiều người nghe chuyện mà buồn thương, đến an ủi ông Tư rồi buông lời trách móc thằng Cầm bỏ ông Tư đi mà không có lời nào để lại. Người ta chỉ nhận được câu “Thằng Cầm nó đã chọn cuộc đời mới rồi” từ chính ông Tư nói. Và còn có một điều ông Tư luôn giấu giếm những đồng tiền mà mình dành dụm được để thằng Cầm có cơ hội đi học hướng đến một tương lai tốt hơn đã không cánh mà bay.
Người ta vẫn thấy ông Tư thản nhiên sau chừng ấy thay đổi, con người ông và những điều bên trong người ông vẫn còn nguyên ở đó dù cho chuyện gì xảy ra, ắt hẳn với những gì ông gửi gắm lại cho thằng Cầm nó sẽ ghi trong lòng mãi mãi.
Về đêm người ta vẫn nghe thấy từ mái tranh của ông Tư vang khắp xóm Rẫy những câu vọng cổ nghe đến nao lòng, có lẽ ông nhớ nhung thằng cháu không ngủ được, bóng ông vẫn ngồi hắt hiu dưới ánh đèn đường cạnh mái tranh chờ thằng cháu quay về.
Thấm thoát trôi nghe đâu một người sống ở chợ Lập Phương trên chuyến xe lên tỉnh bắt gặp một thằng nhóc dáng trông giống thằng Cầm cùng một thằng nhóc nữa bị đuổi khỏi chuyến xe vì không có vé xe. Người ở chợ bắt đầu xì xầm với nhau về chuyện này, rồi từ xóm Tre ở tít xa người ta kể lại có một thằng nhóc khoảng mười hai tuổi ăn trộm của một người đi chợ cái đồng hồ đeo tay bị bắt được đánh cho một trận bầm dập.
Cũng không biết rằng ông Tư có nghe được những chuyện này hay không? Đâu đó quanh chợ những ý kiến trái ngược nhau lại hướng về thằng cháu của ông Tư; lời thương, lời thông cảm, lời trách cứ có cả những lời nói không hay trong sự xô bồ của nơi này. Chỉ duy nhất ở góc tường rêu phủ người ta mới có thể mường tượng ra một chút gì đó tĩnh lặng, điềm nhiên sự ồn ào ngoài kia không thể lọt vào được, góc tường vẫn vậy không tân trang, đổi mới và có một người nghệ sĩ già mang một màu sắc buồn trong lời ca thả vào trong hư không.
Có vài người hỏi: “Không biết thằng Cầm có về chợ Lập Phương không?”.
Chỉ mình ông Tư biết câu trả lời. “Ông có một khoản tiền bí mật”. Tại mái tranh sau một ngày ông Tư đi xin về, nơi ông Tư hay cất tiền mà mình dành dụm lúc đi xin sờ thấy một cọc tiền từ trên trời rơi xuống. Tay ông run run đánh rơi cọc tiền xuống đất, ông sờ vào vách lá mò mẫm ra bên ngoài, trong đôi mắt của người khiếm thị chợt le lói chút màu sắc của ngày tàn, trên cao một cánh chim lạc loài đang vội vã tìm về nơi đất hẹn... Về đêm không có những câu vọng cổ nao lòng mà người ta thường nghe từ mái tranh của ông Tư mù nữa…
© Phan Khánh Lâm - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
Replay Blog Radio: Khi bạn có niềm tin
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?
Câu chuyện về một nhà thơ…!
Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.
Vì anh còn thương em
Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.
Ai là bạn trong cuộc đời?
Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.
Ánh nắng chiếu
Anh nhớ em một ngày cuối hạ Cho tình yêu gọi giấc mơ về Anh nhớ em một tình yêu lạ Mà sao lòng anh vẫn còn yêu