Phát thanh xúc cảm của bạn !

Cây vông đầu làng

2021-11-07 01:20

Tác giả: Phan Khánh Lâm


blogradio.vn - Thỉnh thoảng có người ngước nhìn cái cây cao lớn rồi buồn bã bỏ đi. Không ai nói với nhau điều gì về chuyện ngày trước nhưng ở cây vông kia một ranh giới vô hình vẫn còn tồn tại, vô hình nhưng hiện hữu giữa đời sống thường nhật”Giữ lại hay hạ đi?”. 

***

Người ta mường tượng ra một điều gì đó không được tốt đẹp đến từ cây vông đầu làng. Cái cây cao chót vót mọc ngay cạnh bờ kênh dẫn nước tưới tiêu của làng Ngưa, bao quanh là những cánh đồng lúa xanh bạt ngàn. Thân cây đầy gai nhọn như không hề muốn một thứ gì lại gần, nó không cổ kính không mang sức sống trường tồn, mãnh liệt không thân quen như là hình ảnh cây đa. 

Dưới gốc cây mọc đầy cỏ dại xen lẫn vài cành hoa xuyến chi thưa thớt, cạnh đó là cây cầu bê tông bắc ngang mương nước nơi mà những người già thường ngồi cùng cái cần câu cá giết thời gian để mang về rổ cá rô đồng lúc chiều tà hay là nơi người làm đồng ngồi nghỉ ngơi giữa những trưa hè nắng oi ả; tách trà, mồi thuốc lào nhả khói nghi ngút, râm ran những câu chuyện của ngày cũ, chuyện hôm nay, ngày mai.

Cây vông không có gì đặc biệt khi có một thầy phong thủy được mời đến xem vận khí của ngôi làng từ đó mà đưa cơ may đến. Người dân ở những ngôi làng khác hay truyền tai nhau về sự linh ứng qua lời nói của thầy, người ta hay thường gọi ông là thầy “Đông Phong”  và nghe đâu cũng như tên gọi của ông ta rất nhiều nơi nhờ vào tài xem phong thủy của ông đã phất lên như cánh diều gặp được cơn gió. Dáng vẻ của ông ta không mấy ưa nhìn, đầu cạo trọc, gương mặt hốc hác, dáng người thanh mảnh, diện một bộ sườn xám Trung Hoa cổ điển đen cùng với dáng đi nhanh, vội vã.

Về gương mặt của ông thì nhiều người mới gặp lần đầu cũng có thể nhận ra ngay nhờ những thông tin họ từng nghe được. “Người sống nhờ linh khí của tự nhiên thì diện mạo không giống người bình thường”, những điều thần bí xung quanh người có bí danh “Đông Phong” đến tụi con nít lớp ba, lớp bốn ở trường làng cũng biết rõ mồn một đến nỗi chúng có thể thuật lại y như lời của người lớn trong làng.

dau_-_lang_3

Vài người kể lại là sở dĩ ông ta có khả năng “Mượn được sức của trời đất mà đổi vận xoay chiều” là nhờ vào những hình xăm trên tay và trên lưng hồi ông còn ẩn dật ở trên núi được một vị thánh nhân ban cho. Những hình xăm đầy chữ tượng hình mà đến những người có tri thức nhất trong các làng cũng không thể đọc được, chúng chứa đựng những kiến thức phong thủy phong phú và mang một ý nghĩa riêng biệt mà chỉ riêng thầy mới biết, những phán đoán của thầy đều dựa vào chúng.

Một người khéo nói đại diện đưa thầy đi khắp làng để tham quan, vòng quanh nữa ngày khắp các con ngõ, ruộng đồng, bờ ao, ghé vài nhà ở, sau cùng thầy Đông Phong để lại những lời vắn tắt.

“Tôi đã xem qua khí mạch, sơn mạch, thủy mạch và các tạp chất ở khu này kể cả dương trạch, âm trạch. Điều mà tôi nhận thấy được là long - huyệt nơi này hoàn toàn mạnh khỏe và yên ổn. Mọi thứ đều hài hòa thuận theo vòng tuần hoàn của tự nhiên, quả là nơi có thể đời đời mà phát triển, đời đời mà đi lên. Duy chỉ có nơi cánh đồng bao quanh cái cây vông đầu làng kia quả là điều bất hợp lý. Có một luồng khí u ám tỏa ra từ cây vông bao vây lấy nơi này, kìm hãm sự phát triển làng ta bấy nay, đáng lý ra nó không nên xuất hiện ở đó”.

Lời của thầy được một người đại diện ghi lại kỹ lưỡng, mảnh giấy đưa cho trưởng thôn cất giấu cẩn thận trong một chiếc hộp gỗ sơn bóng. Và sau bữa tiệc thiết đãi thầy Đông Phong một cuộc họp của những người có uy trong làng được diễn ra. Mọi việc xoay quanh vấn đề “ Có nên hạ cây vông đi không?”.

Quanh bàn uống trà có nhiều ý kiến được đưa ra, người thì cho rằng “Cây vông có nhiều lợi ích, cây vông chả có tội tình chi, đừng vội tin lấy lời thầy mà hạ nó đi”. Người thì bảo “Lời thầy quả thật là chí lý, bao nhiêu làng khác giờ đã phát triển rồi chỉ có làng ta là tụt lại, nhìn xem con cháu người làng Mây toàn đi ô tô diện những bộ âu phục về làng đấy, cuộc sống của họ cũng sung túc hơn, buôn bán nhộn nhịp hơn làng ta. Tất cả là tại cây vông, tôi đề nghị là nên hạ nó đi rồi xin sự sung túc về cho ngôi làng này”.

Cuộc họp không đi được đến sự thống nhất, những tranh cãi cứ xoay vòng người này chèn lên ý kiến của người kia làm không gian náo loạn. Lúc này bác Thân cụ có tuổi trong làng lên tiếng.

“Thôi thôi, mọi người nghe tôi”. Đợi mọi người im bặt đi thì cụ tiếp lời.

“Rõ là chuyện này không thống nhất được cho nên tôi đề xuất thế này, chuyện cây vông ta cứ để một thời gian năm năm, mười năm rồi xem sao, để thì không được, chặt thì không nỡ cứ xem thời vận sắp tới thế nào, làng ta có đi lên được hay không rồi hãy quyết”.

la-vay-vong-nem

Một người lên tiếng đồng ý lời cụ, rồi người khác lại trái ý dấy lên cuộc tranh cãi, một số người lắc đầu bỏ về. Bên cạnh cánh đàn ông đang bàn việc thì cánh phụ nữ đang cười nói rôm rả bên mâm hạt hướng dương, nhấm nháp ly trà nói đủ chuyện về đời sống, đồng áng; chuyện mới mua cho con một bộ váy mới diện vào trông xinh như công chúa, chuyện con trai của một cụ bà mới nhận được một công trình nhà hiện đại mọi người đoán xem lúc xây xong sẽ như thế nào, chuyện giống cây cảnh nào trồng trang trí nhà đẹp hơn.

Cây vông mặc mọi thứ vẫn đứng đấy hiên ngang, vững chải vẫn tồn tại như cách mà nó thường làm để vươn mình lên không trung. Tán cây che phủ một vùng rộng lớn, bọn nhóc vẫn cười đùa dưới gốc cây, thả diều, câu cá tại khu vực thiêng liêng - quanh một cây vông cô độc có thể quyết định vận mệnh của làng Ngưa.

Lão Ngư một kẻ vô công rỗi nghề hay la cà khắp làng mà không có mục đích gì cả. Người trong làng đã quen thuộc với một cụ ông sáu lăm, râu tóc xuề xòa, luộm thuộm với một cái sơ mi đen, một cái quần tây nâu đã sờn bạc. Và cứ thấy một cái gì đó làm ông chướng mắt, phải khiến ông động đến miệng thì ông lại lên tiếng.

“Con cái nhà ai mà gặp ông mày không chào hỏi, có còn lễ nghi phép tắc gì nữa không?”.

Rồi chuyện ở đằng đông đằng tây, căn nhà Chú Tính đang xây dở, bác Trúc nhà có giỗ lão đều đến góp vài lời khen, lời chê nhưng cái cốt yếu là lão được nói, nói về lẽ ăn lẽ ở, những triết lý hay mà lão tâm đắc thời trẻ, điều mà hễ lão xuất hiện ở bất kì đâu là người khác lại được nghe.

“Lão Ngư là một người say”, cuộc sống của ông gắn chặt với rượu, người ta bảo chất trong người của ông là chất men và kể cả khi không có rượu người ông vẫn cứ lâng lâng như người say. Vợ lão làm nghề nấu rượu nên trong nhà không bao giờ thiếu rượu cho lão. Dạo đầu lúc buồn lão hay đem một ít ra nhâm nhi, rồi dần dà không biết lão nát rượu từ lúc nào, ngày ngày lão vác chai rượu đi khắp làng rêu rao những chuyện không đầu không đuôi mà chỉ có lão có thể hiểu được. 

lang_-_que_4

Vợ lão tìm đủ mọi cách nhưng cũng chẳng thể thay đổi được con người lão, mỗi ngày bà cho vào chai một lượng nhỏ là rượu còn lại pha với nước, rồi dặn lão cuối ngày nhớ về nhà. Bà cũng muốn giữ lão ở nhà để liệu việc nọ việc kia nhưng cứ ở nhà chưa được canh giờ là ông lại dở chứng mắng chửi vô tội vạ, đập phá đồ đạc trong nhà. 

Nhà lão có ba đứa con, hai đứa trai lớn đến tuổi trưởng thành đều bỏ lên phố lập nghiệp, riêng có đứa gái đang học lớp hai, để giữ cho nó yên ổn học hành nên bà cũng kệ lão Ngư, để lão cùng chai rượu muốn đi chốn nào thì đi, hết chai rượu là lão lại mò về cứ như một thói quen.

Họ hàng từ nơi xa đến chơi hay khuyên lão bỏ rượu nhưng lão cứ để ngoài tai và người ta cũng hay để ngoài tai với những lời nói của lão khi say. Cơ mà lão lúc nào chả say vậy nên người ta cứ để mặc lão nói một mình, nói chán lão lại đến nơi khác nói.

“Hay là bà bỏ nghề nấu rượu đi”. Người ta thường khuyên bà Dần - vợ lão Ngư chuyển nghề buôn hay một việc gì khác để lão Ngư đừng tiếp xúc nhiều với rượu. Nhưng đó là nghề gia truyền, nghề duy nhất mà bà gắn chặt từ thuở nhỏ đến bấy giờ, tính bà vụng về nên cũng ít việc ra được kế sinh nhai.

 

“Lão Ngư đã như thế rồi rằng đổi nghề có thể thay đổi được lão hay chăng ? Giang sơn dễ đổi nhưng bản tính khó dời, ông bà ta thường bảo vậy, thôi thì cứ để dòng đời nó đặt sao thì mình vậy. Lão có đổi thay sao cũng do cái số cái mệnh”. Bà Dần thở dài, khẽ nói lúc ai đó hỏi về chuyện Lão Ngư như đó là những gì mà định mệnh sắp đặt với Lão.

Một ngày của lão Ngư kết thúc ở gốc cây vông đầu làng, lão hay trút những hơi rượu cuối cùng ở đó, rồi ngồi bầu bạn với cây vông như thể cây vông đang lắng nghe những thăng trầm trong cuộc đời lão. Buổi chiều bọn trẻ hay ra đó thả diều và ngoài câu chào bọn chúng cũng ít nói với lão lời nào hơn, những cánh diều thu hút bọn chúng hơn là một ông lão ngồi dông dài chuyện không đâu. Ông vẫn ngồi đó cho đến khi gần tối trời con gái lão đến gọi về ăn cơm là lại lầm lũi đi về.

Chỉ những người sống cùng thời với lão Ngư thuật lại về con người lão hồi trước người ta mới hiểu hơn về lão.

“Lúc hồi trẻ đến lúc trung niên hắn là người sống nghĩa tình, đức độ được người trong làng rất coi trọng. Thường hay đi dạy bọn trẻ trong làng những phép tắc, những cái hay, cái phải nên rất được mọi người coi trọng, quý mến. Đến độ già rồi chút hơi men mà hỏng cả con người, giờ đây trong người thì vẫn giữ những cái đẹp để răn dạy con cháu trong làng, nhưng thời thế giờ đã khác xưa, nhiều thứ đâu phù hợp nữa nên lời lão nói phần nhiều chỉ là sáo rỗng. Thôi cũng coi lời lão là những hồi tưởng đẹp của lão ngày trước. Ai nghe được thì lắng nghe còn không nghe được thì để ngoài tai vậy”.

13lang-que

Người làng Ngưa rất hăng say lao động, ai cũng có việc cho riêng mình. Từ người già đến trẻ nhỏ, từ chuyện chánh sự đến chuyện nhà, từ chuyện làm ăn đến nội trợ bếp núc, từ trồng trọt đến chăn nuôi, từ dọn dẹp đến sửa sang đều xoay chuyển theo một guồng quay đều đặn. Người người, nhà nhà được hít thở trong bầu không khí trong lành của không gian nông thôn thuần túy, mảnh vườn luôn đầy nắng và rợp bóng cây, khói lam len lỏi khắp các góc bếp lúc chiều sang, hương hoa, hương cỏ dại, hương lúa thoang thoảng nương theo những làn gió lan tỏa khắp các ngả đường làng, dưới tán cây đàn bò thong dong gặm cỏ, con cua, con lươn đồng sinh sôi trong dòng nước mát dưới mương.

Và cũng không ít người nuôi những giấc mộng lớn thời trẻ, lên phố tìm tòi, học hỏi về dựng xây xóm làng. Có những người bị thành thị bám chặt, nên ở mãi trên đó một, hai, ba năm mới về quê một lần. Chỉ số nhỏ người thành công dựng được cơ ngơi, sự nghiệp phát triển được gia đình hãnh diện đi khoe với xóm làng, kẻ nữa lời mãi dậm chân tại chỗ vẫn chờ ngày được thỏa ý chí lớn lao.

Chuyến xe đưa Dư về với con đường quê thân thuộc, những hàng cây xanh ươm nối tiếp nhau, tiếng chim hót trên cao, hoa dại mọc quanh hai bên đường làm lòng Dư ấm lại những cảm xúc đã nguội lạnh trong lòng mình bấy lâu. Giờ tan học, đám trẻ nối đuôi nhau trên chiếc xe đạp nhộn nhịp trên con đường làng, dòng xe ngược xuôi cùng những câu chào, lời hỏi thăm làm không khí trở nên gần gũi.

Dư bỗng nhớ lại ngày đầu mình rời nơi đây, khi ấy người cậu nhỏ thó đứng chỉ tới vai đám bạn ở giảng đường, ấy vậy mà giờ thể thao cậu không hề thua kém bất kỳ người nào. Thấm thoát trôi, con người vẫn vậy chỉ làn da, mái tóc giờ đã đổi thay. Khát vọng hun đúc lên con người Dư những vết sẹo trên tay chai sần và những lần về lại quê hương của Dư cũng với những dáng vẻ khác.

ve_-_que

Có giai đoạn trên người Dư là những quần áo sang trọng được ủi phẳng lì, chân đi giày đôi giày da đen bóng, tóc chải gọn gàng dáng người lịch thiệp làm quản lý ở một công ty vận tải lớn ở tận Hà thành. Người trong làng hân hoan kể với nhau về Dư - đứa con đầu của ông Hạc bằng những nụ cười tươi, hầu hết đều là những lời khen, có những bước chuyển như vậy thì thật sự là điều đáng mừng. Như các bà thường bảo với nhau.

“Cậu Dư đó là người làng ta, học hành khá lắm đi thôi. Mới ngày nào còn đi lấy sách cũ của thằng con tôi về nhà học, giờ đã lớn khôn, nên nghiệp, trông cái dáng bảnh phết các bà ạ”.

Dư về trong sự vui mừng của người thân, họ dành cho Dư những lời khen, những cái bắt tay tán thưởng cùng những ly rượu nặng chúc mừng. Hàng xóm cũng lại hỏi thăm và nghe thêm về công việc Dư đang làm, ai cũng niềm nở trước những thành quả mà Dư dựng nên.

Vật đổi sao dời, một thời gian sau biến cố ập đến công ty còn non trẻ của Dư không thể đứng vững nữa. Phá sản, công ty nợ Dư một khoản tiền lớn không thanh toán được. Những cuộc gọi nối tiếp của Dư cũng chỉ nhận được những lời hứa hẹn. Mất việc, trắng tay Dư về làng trong ngậm ngùi.

Những lời động viên, những cái vỗ vai khích lệ của người trong làng làm cho phần nào đó được an ủi và ngọn lửa hy vọng trong người Dư chưa bao giờ tàn. Bên mảnh vườn, bờ ruộng Dư lại nghĩ về một kế hoạch xa xôi, những giấc mộng của Dư không giữ chân Dư được lâu ở làng, gác lại những điều thân quen làng lại tiễn Dư ra đi, với một số vốn ít ỏi dành dụm được cùng thêm một khoản nợ, Dư lại lên Hà thành dựng nên xưởng đồ gỗ nội thất.

Con người thì đã ra lập nghiệp ở thị thành nhưng cái gốc, cái rễ thì vẫn bám chặt làng Ngưa. Những tư tưởng về một cái tôi khác biệt, từ lâu đã theo con người Dư từ thuở bé, cái uy cái quyền vô tình được đặt lên một số con người và sự tự tôn lúc nào cũng như một lưỡi dao chờ chực - họ lúc nào cũng ở trên người khác.

Cái vẻ mạnh mẽ, bản lĩnh, tỉnh táo, sáng suốt không thể theo Dư mãi, dần dà Dư chả nể nang, tôn trọng ai, luôn coi mình là nhất. Những nấc thang đi lên của xưởng gỗ đi cùng những nấc thang của sự tự cao. Ngày qua ngày nhiều lần Dư quát tháo nhân viên vô tội vạ, những bực tức, những điều không thuận Dư lại “Giận cá chém thớt” mang điều ấy xả hết vào những người đang dốc toàn lực cống hiến cho Dư.

que_nha-1

Hệ lụy là những người giỏi giang, được Dư ví như là “ Những đôi bàn tay tinh xảo” đành phải rời xa Dư, báo hiệu cho Dư về dấu hiệu của sự lụi tàn. Những bản hợp đồng lớn dần trôi tuột khỏi tay Dư, những lần phải đền bù vì chất lượng không đúng với thỏa thuận của Dư với khách hàng, uy tín mà Dư gầy dựng bấy lâu không còn như trước, lòng tin của những con người bên cạnh Dư chứng kiến những huy hoàng của xưởng gỗ ngày nào giờ không còn nữa.

Thay vì vực dậy tất cả Dư lại đổ lỗi, trốn tránh rồi trượt dài theo con dốc đi xuống, chỉ có những cốc rượu hơi men chếnh choáng bên cạnh Dư đêm thâu. Con người ai mà chẳng trải qua những lần thất bại, lúc bé Dư thường đau đáu câu “Thất bại là mẹ thành công” trong cuốn sách giáo khoa mà mình thường học, ấy vậy mà qua bao lần gặt hái quả ngọt, bao lần đắng cay từng trải Dư chẳng thể đứng lên nổi mà lại dấn thân vào những điều tiêu cực để rồi còn lại là đống tro tàn.

Hối tiếc theo Dư về trên con đường quê đang trải những cơn phùn cùng những đợt gió lạnh mang sương giăng khắp tầm mắt phía xa. Cuộc sống vẫn vậy, con người vẫn vậy, những nét văn hóa luôn thấm đượm chất tình, chất giản dị, mộc mạc, những giá trị tốt đẹp, tình làng, nghĩa xóm đều được gìn giữ, gắn kết. Những người xa xứ dù đi đâu vẫn luôn nhớ về, nhớ cánh đồng, bờ ao, con cò bay lả, bụi rau trước nhà, nhớ cái vị canh rau cua đồng, lươn nấu củ chuối bên mâm cơm đạm bạc, nhớ cái giọng quê chân chất, dáng mẹ khom lưng ngoài đồng.

Như mọi lần Dư lại rời làng và lần này hứa hẹn là lần cuối với Dư, những con đường trải đầy những bông hoa đầy nhụy ngọt dần hiện lên rồi lại chợp tắt, những hạt mưa cứ rơi rồi lại vỡ ra, gieo vào đất những hi vọng rồi một ngày nơi đó sẽ mọc lên một cái cây cao lớn. Giấc mộng lớn không phải lúc nào cũng đẹp nhất là đối với người đi mãi một con đường mòn rồi nhưng vẫn chưa tìm thấy điểm đến của cuộc hành trình, hành trình thì cứ dài theo ngày tháng mà lòng người cứ mãi còn tự hỏi “Ta đang đi về đâu”.

Chuyến xe dừng lại nơi gốc cây vông đầu làng, bao nhiêu mệt mỏi trong người Dư chợt tan biến, ngoảnh đầu lại thì màn sương đã tan từ lâu, Dư chợt nhớ lại về câu chuyện ngày trước lúc thầy Đông Phong ghé qua làng Ngưa. Dư nhìn lên cao cây vông giờ đã cao lớn và vẫn cô độc như hình bóng của Dư lúc bây giờ. 

com_-_que

Thời gian như chậm lại với những thước phim tua ngược về những ngày còn bé chơi đùa dưới gốc cây vông. Hóa ra bấy lâu nay con người Dư vẫn chưa thể thoát khỏi được gốc cây vông đầu làng. Dư thở dài rẽ bước trên con đường làng về nhà, một chiếc bóng lặng lẽ của làng Ngưa lại trở về với hành trang mộc mạc như lúc đầu ra đi.

Tiếng trẻ con vui đùa vang trên con ngõ ra ruộng. Những con bò được dắt ra đồng gặm đám cỏ bờ tươi ngon, mặt trời đã lấp ló ở trên cao tỏa những tia nắng hiền lên đám cây còn đọng trên đó hạt sương sớm. Cánh đồng nối tiếp cánh đồng, một thảm xanh trải dài những cây lúa tốt tươi thành hàng đều nhau, dậy lên mùi hương dễ chịu hòa vào với khí trời thêm sự bình yên.

Bên tách trà, Hoàn và Mỹ đang tính toán về chi phí cũng như kế hoạch dựng lên hai phòng ngủ và cái mái che ra ngoài hiên của nhà cụ Chính Thắng. Đã mười năm nay, từ làng trên đến xóm dưới cứ có việc gì liên quan đến dựng xây là lại phải có đôi tay của hai anh em Hoàn và Mỹ. Không giống với những thanh niên cứ đến tuổi là rời làng Ngưa tìm kiếm những cơ hội phát triển nơi phương trời xa, bao đời gia đình của Hoàn và Mỹ đều gắn chặt với làng.

Trong làng chẳng ai đâu xa lạ gia đình này, cứ đi ngang cây vông đầu làng, cách hai con ngõ chếch sang trái, người ta sẽ thấy một căn nhà to một trệt, một lầu sơn màu trắng với đầy đủ các đường nét hoa văn cổ, nổi bật hẳn so với các căn nhà khác cạnh bên. 

Căn nhà của cụ Đưa - bố của Hoàn và Mỹ giường như là căn nhà chỉn chu nhất làng, dù nó đã có tuổi khá lâu nhưng vẫn giữ được nét uy nghi, hoành tráng. Bố của cụ Đưa rất có tiếng tăm, có chức vị đến tận trên huyện nên tiếng nói của ông không hề bé ở làng Ngưa, đến đời cụ Đưa việc kinh doanh cũng khá khẩm nên cụ cũng thuộc vào nhóm người có của ăn của để trong làng.

Ấy nên nhiều dự án lớn, nhỏ đều đến tay Hoàn và Mỹ. Cây cột điện ngã sau cơn bão, trải bê tông cho từng con ngõ lớn, ngõ hẹp, xây nhà mới, sửa sang lại nhà hay máy cày xới đất cho bà con làm nông, san lấp mặt bằng, bộ bàn ghế gỗ sang trọng tiếp khách cho gia chủ.. cũng đều ghi những công sức của Hoàn và Mỹ trong đó. Đến tận làng bên nhiều người thường sang hỏi hai anh em Hoàn và Mỹ đến giúp.

troi-chieu-nho-que_(1)

Người trong làng thường bảo nhau “Khéo thì đời con lại hơn đời bố” để nói về hai anh em Hoàn và Mỹ, cái tên mà hai anh em ghép lại sẽ tạo nên điều gì đó vượt cả những gì mà bố cụ Đưa luôn kì vọng “Đưa ngôi làng Ngưa phát triển vượt bậc, hoàn mỹ”.

Bao năm qua, bộ mặt làng Ngưa đã thay đổi ít nhiều, nhiều ngôi nhà khang trang được dựng nên, cây lúa, cây rau qua bao bão, lũ vẫn vững vàng ban tặng cho con người những sản vật tự nhiên. Nhờ vào những lần đi kêu gọi của Hoàn và Mỹ đèn đường đã thắp sáng đến từng con ngõ, ô tô có thể dễ dàng đến tất cả ngôi nhà trong làng.

Nhưng những dấu ấn mà hai anh em ghi lại hiện diện khắp làng Ngưa chỉ là bề nổi, chưa đầy đủ để nói về những con người đã cống hiến nhiều công sức để thay đổi nơi này. Người ta không thể thấy được điều gì ẩn sau những đám mây lang thang trên bầu trời rộng lớn. Điều mà cụ Đưa luôn đau đầu, trước mặt mọi người cụ không bao giờ dám kể mỗi lần ai đó nhắc tới. “ Cái tài thì luôn đi đôi với cái tật”, Hoàn và Mỹ tài tám phần thì tật cũng phải đến mười phần.

Dòng tiền thu về từ những dự án đáng lẽ ra đã giúp Hoàn và Mỹ vốn đã khá nay khá khẩm hơn. Đằng này thu về bao đấy thì các cậu lại tiêu gấp năm, gấp mười. Vài lần say rượu và những mối quan hệ xấu cuốn những con người đôi lúc mệt mỏi với cuộc sống đời thường đến với những cuộc chơi không điểm dừng, để rồi lúc bước đôi chân lại về hướng ánh sáng thì đó đã là buổi hoàng hôn khép dần.

Những sai lầm đều có cái giá phải trả, những mảnh đất mà ông bà để lại dần ra đi theo những con lô đề mà Hoàn và Mỹ tất tay đặt kỳ vọng mà theo đó gia đình mình sẽ mở rộng chuyện làm ăn ra đến phố hay đôi ba trận bóng nảy lửa mà những gã đã say mèm với những chén rượu thích thú đuổi theo.

Và chuyện lại cuốn mọi người về phía cây vông và những câu nói của thầy Đông Phương, về những năng lượng mà nó tỏa ra quanh vùng đất hoặc có gì đó huyền hoặc, linh thiêng từ cái cây đã chọn nơi mà mình đứng đó từ lâu. Đôi lần trời khuya, vài người làm về trễ nhìn thấy hai anh em Hoàn và Mỹ đứng dưới gốc cây hơi thuốc nghi ngút xung quanh, đống lửa nhỏ cùng những tờ giấy vẽ nét nguệch ngoạc.

Người nọ kể người kia rằng hai anh em họ còn bộn bề công việc bàn tán đến tận khuya. Mãi đến tận sau khi những mảnh đất đã thay tên đổi chủ của cụ Đưa cho những người khác, người làng mới lý giải được vì sao cụ Đưa luôn khổ sở vì những đứa con đang từng bước trên con đường “Đưa ngôi làng Ngưa phát triển vượt bậc, hoàn mỹ”. Những luồng khí không mấy tốt đẹp của cây vông là nơi hai anh em tìm ra vận mệnh cho cuộc đời mình, những con số có thể giúp đời người một bước lên cao vời vợi mà những dự án kia dù cả làm cả đời cũng không thể đạt được.

Đống tro tàn mà hai anh em đốt lửa để lại thời gian sau đã trôi theo cơn mưa, cơn lũ, những người trong làng thấy màu tro của nó vẫn như còn ở đó “Mới như lúc ban đầu”, một lời cảnh tỉnh, nhắc nhở đến họ. Một số người chợt nhớ lại lời cụ Đưa nói lúc ở mâm rượu “Nói không phải điêu, nhà tôi có cái kho lớn lắm, bằng hẳn cả một căn nhà ở thôn, chủ yếu chứa mấy cái máy dân dụng, vật tư lắm các thứ, đều bởi tay Hoàn với tay Mỹ mà ra. Nhiều lúc tôi muốn tìm cái búa mà đi cả giờ đồng hồ chả thấy, không phải nó rộng mà linh tinh các thứ vứt lung tung, nhiều đồ sét đóng dầy cả mấy lớp rồi mà vẫn thấy hai tay ấy la cà đi nhậu. Thật chả đâu ra đâu”.

que_1

Làng là nơi lưu giữ trọn vẹn những nụ cười của trẻ thơ; con mương trong vắt những ngày nóng nực bọn trẻ hay nhảy xuống tắm; những giờ chơi bên sân đất sân cát đôi bàn tay, bàn chân lấm lem, ngày trời nắng đổ bắt con cua ngoài đồng sình bám đầy trên khuôn mặt, bên cánh đồng hương lúa khẽ đưa theo gió đưa cánh diều bay phất phới trên cao, trò chơi dân gian bọn con nít trong làng hay tụ tập nhau cùng chơi, cánh bướm, con ong lượn lờ ngoài vườn, cánh cò bay lả bay la mỗi buổi chiều tan học về. 

Tuổi thơ của lũ trẻ làng Ngưa bên bức tranh miền đồng quê luôn khắc trong chúng nhiều khoảnh khắc tươi đẹp để rồi khi lớn lên ở một nơi phương trời nào đó những ký ức về vùng làng quê không bao giờ mờ phai.

Chuyến xe khách lăn bánh trên con đường làng Ngưa lại mang đám thanh niên rời làng. Những gia đình ở đây đều thân thuộc với cảnh con cái đến tuổi trưởng thành là lại rời đi. Có những người con bước ra ngoài sóng gió mãi phải chạy theo những bận rộn mà không hẹn ngày về. Cũng có nhiều ngôi nhà trong làng không có bóng dáng thanh niên hay tiếng cười trẻ nhỏ, chỉ vỏn vẹn cụ ông, cụ bà chiều ngồi bên hiên nhà hát nghêu ngao những bài nhạc buồn mà nhớ thằng con, đứa cháu tận phố xa.

Người chứng kiến tất cả những cảnh chia ly, những niềm tin, kỳ vọng của người thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau không ai khác là cậu Vĩnh tài xế xe khách chở người ra sân bay liên tỉnh. Nói về Vĩnh cậu là người lạc quan, nhiệt tình, vui vẻ, tinh tế trong cách nói chuyện cũng như ứng xử, cậu cũng là người làng Ngưa nên rất được người làng quý mến.

Cậu Vĩnh biết mặt tất cả những người trong làng, nhớ đến từng cái tên, là người thêm gia vị vào cho những câu chuyện trên chuyến xe dài hàng giờ đồng hồ; đôi lúc lại là người truyền cảm hứng cho những con người trẻ đang bâng khuâng trên những bước đường sự nghiệp hay tiếp lửa cho những người già đang gồng mình hứng chịu những căn bệnh khi tuổi tác đã xế chiều, thèm nhìn thấy gương mặt của đứa con đang bộn bề trong muôn trùng cách trở.

Từ đứa trẻ đang cần đi bệnh viện đến những dịp các cụ, các bà, các bác trong làng đi hỏi cưới, ma chay, người đi sanh nở, chuyến xe của Vĩnh vẫn lăn bánh đều đều dù bất kể mưa hay nắng, ngày rồi lại sang đêm, tháng này qua năm nọ. Trên những chuyến xe mà thời gian luôn trói buộc Vĩnh, hầu như ngày nào cậu cũng chỉ ở nhà được vài giờ. Nhiều lúc dở chén cơm ở nhà, khách lại gọi đi bất chợt, cậu lại hối hả rời đi. 

que_5

Cuộc sống của Vĩnh không có những kỳ nghỉ như một vài người khách cứ đến dịp lễ là lại thong dong ra biển trên tay lái của Vĩnh. Khách muốn đến đâu Vĩnh đến nơi đó, kỳ nghỉ với cậu là những giây phút được nghỉ ngơi bên gia đình hay nhiều khi là một giấc ngủ sâu, chỉ vậy là đủ.  

Như được định mệnh sắp đặt tháng ngày tuổi trẻ của Vĩnh lại gắn với cái vô lăng, cần số, chân ga, trên guồng quay của con xe ngược xuôi hai bên làn đường xe chạy. Người ta luôn thấy Vĩnh nở nụ cười, luôn tạo bầu không khí vui vẻ, đã mười mấy năm nay con người vẫn thế, bao người về lại mang theo những nỗi buồn, niềm vui, bao người rời đi với những ước mơ, hoài bão, những sự đổi thay của những người trong làng Vĩnh đều nhìn thấy cả.

Chừng ấy năm trên những chuyến xe Vĩnh dựng lên một căn nhà gỗ khang trang, bờ ao với những con cá muôn màu xinh đẹp lượn lờ, một gia đình nhỏ với những đứa con luôn chờ Vĩnh về với tiếng cười rộn vang, một khu vườn đượm đầy hoa trái ngọt. “Đầm ấm và hạnh phúc”, người trong làng hay nói vậy về cuộc sống của cậu Vĩnh. Các cụ thì bảo cậu Vĩnh là người giỏi giang, biết làm biết nghĩ hay răn dạy con cháu học tập cậu ta.

Một lần trên những con đường xa một cụ già có uy trong làng hỏi đùa cậu Vĩnh “Vậy có bao giờ người cậu không muốn chở nhưng vẫn phải chở không ?”.

Cậu Vĩnh trả lời thành thật “Đó là chuyến xe với thầy Đông Phong, một người cực dị, cực kỳ khó gợi chuyện, ông ấy nói chuyện về ma quỷ, những mảnh đất bị yểm những lời nguyền thì cũng không có vấn đề gì ? Đằng này tay đó lại khuyên cháu đổi chiếc xe cháu vừa mới mua lấy chiếc xe cũ của con lão”. 

que-huong

Lặng một lúc lâu cậu Vĩnh lại nói tiếp “Chuyện cây vông người làng ta đều biết thì cứ theo các cụ cháu không ý kiến, nhưng cháu thấy ở con người mà mọi người đều cho là thần thánh này thật sự không đáng tin, cháu đã thấy nhiều thứ, gặp nhiều người và trong đó có nhiều người thành đạt, những người mà làng ta luôn mong muốn sự hiện diện của họ nhiều nhất có thể. Sự thật là điều mà chắc chắn quyết định vận mệnh trong tay họ là con người họ. Liệu mọi người có thoát được ra khỏi những lầm tưởng, u mê về một cái cây mà khi nó ngã xuống sự thịnh vượng lập tức ập đến với con người chúng ta. Họ đang trông chờ điều gì ở một cái cây trong khi những trăn trở vốn xuất phát từ họ mà ra?”.

Cụ già lau lại cái kính cận, rồi bảo với Vĩnh “Dạo này mắt tôi hay bị kèm nhèm cậu Vĩnh à, không nhìn rõ được mọi thứ. Không biết trong làng có ai bị giống tôi không ? Hồi tôi còn trẻ rời quê hương ra đi cây vông lúc đó chỉ đứng ngang tầm tôi. Bao cơn bão tưởng chừng như nó đã đổ rồi nhưng nó vẫn đứng sừng sững nơi đó qua ba thế hệ nhà tôi rồi. Trời cho nó sức sống, đất cho nó nơi nương tựa, thiên nhiên cho nó sinh sôi, nó đâu thể chọn lựa được một nơi khác để đứng phải không cậu Vĩnh”.

Thời gian thoáng trôi đi, mười năm như chỉ vừa mới đây, làng Ngưa cũng trải qua nhiều thay đổi, không biết là đã quên hay mọi người cố tình quên đi mà cuộc viếng thăm của thầy Đông Phong như chìm vào quên lãng. Quanh đám ruộng ở đầu làng mà người ta đang cấy lúa, cây vông vẫn ở đó. 

Thỉnh thoảng có người ngước nhìn cái cây cao lớn rồi buồn bã bỏ đi. Không ai nói với nhau điều gì về chuyện ngày trước nhưng ở cây vông kia một ranh giới vô hình vẫn còn tồn tại, vô hình nhưng hiện hữu giữa đời sống thường nhật”Giữ lại hay hạ đi?”.  

© Phan Khánh Lâm- blogradio.vn

Xem thêm: Lưng chừng mùa đông

Phan Khánh Lâm

Yêu văn học, viết lách, thích trải nghiệm nhiều điều mới mẻ.

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.

Lá thư gửi đến thiên đường

Lá thư gửi đến thiên đường

Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.

Đắng cay

Đắng cay

Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.

Đơn phương yêu một người

Đơn phương yêu một người

Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.

Vì anh còn thương em

Vì anh còn thương em

Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.

Ai là bạn trong cuộc đời?

Ai là bạn trong cuộc đời?

Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.

Ánh nắng chiếu

Ánh nắng chiếu

Anh nhớ em một ngày cuối hạ Cho tình yêu gọi giấc mơ về Anh nhớ em một tình yêu lạ Mà sao lòng anh vẫn còn yêu

back to top