Phát thanh xúc cảm của bạn !

Tết và ngày của những cánh chim lạc đàn trở về

2020-01-01 01:20

Tác giả: Nguyễn Việt Lực


blogradio.vn - Hai mươi lăm cái tết đã trôi qua trong sự ngóng đợi từng ngày của tôi và ba. Tôi đếm từng ngày đến tết để diện quần áo đẹp, ba tôi đếm từng ngày đến tết để ngóng đợi những cánh chim phiêu bạt nơi chân trời góc bể quay trở về nơi tổ ấm ngày xưa.

***

Hai mươi lăm cái tết đã trôi qua trong sự ngóng đợi từng ngày của tôi và ba. Tôi đếm từng ngày đến tết để diện quần áo đẹp, ba tôi đếm từng ngày đến tết để ngóng đợi những cánh chim phiêu bạt nơi chân trời góc bể quay trở về nơi tổ ấm ngày xưa. Và sau này lớn lên, khi rời xa vòng tay ba mẹ, tôi cũng đã vỗ cánh bay đi, tìm cho mình đường bay không có sóng gió, tìm cho mình những ngã rẽ thành công. Tôi chỉ  tìm về nhà sau mỗi lần vấp ngã, những lần thấy tương lai ở nơi xa lạ mờ mịt quá đỗi, nhà là nơi để tôi lấy làm động lực bước tiếp trên con đường thành công ấy, nơi để tôi lắng lại nhìn nhận mỗi khi gặp sai lầm, nơi có người cha già vẫn phàn nàn vì đứa con mãi không chịu trưởng thành khiến ba phải lo lắng.

Ba tôi là người không thích thể hiện tình cảm cho người khác biết, và thích làm tôi thất vọng với vẻ ngoài khô khan của mình, ba chưa từng nói yêu tôi, chưa từng âu yếm tôi dù đôi lúc tôi thấy ba nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mến. Có năm khi đang học ở Đà Nẵng, tôi gọi về bảo rằng sẽ không về nhà ăn tết mà ở lại làm thêm kiếm tiền, tôi cứ nghĩ ba sẽ phản đối kịch liệt, một hai ép tôi phải về nhưng không phải thế, ba luôn ủng hộ quyết định đó, ba còn trêu đùa rằng tôi sẽ chẳng thể xa nhà được đâu vì tôi là đứa ham ăn, sẽ không thể bỏ lỡ bữa cơm ngày tết bao giờ. Và hình như thế, ba hiểu tôi nhiều hơn tôi nghĩ, tôi không thể xa gia đình được, tôi sợ cảm giác cô đơn, sợ cảm giác một mình ở nơi thành phố rộng lớn và rồi tôi lại khăn gói lên đường về quê, dù biết cuộc sống ở nhà với ba cũng chẵng dễ chịu gì hơn.

Ba là người thích nói nhiều. Ngày đầu tiên về nhà, tôi gói ghém quần áo vào cái valy nặng trĩu, kèm theo đó là năm đôi giày để thay đổi khi cần thiết, điều hiển nhiên khi thấy con mình đi lâu ngày không về mà các ba mẹ nên làm là nấu món gì đó thật ngon hay là cái ôm đầy tình cảm để thay cho những ngày xa cách, nhưng ba tôi thì không làm thế, điều đầu tiên ba làm là phàn nàn về việc tôi sắm quá nhiều quần áo, tiêu xài hoang phí, không biết tiết kiệm. Ba nói sau này sẽ không có mà ăn, tiêu xài như vậy sẽ không bao giờ khá nổi. Sau nhiều ngày nghe ba giáo huấn, cuối cùng tôi đành ngậm ngùi đem giày đi phân phát, khi chỉ còn lại vẻn vẹn hai đôi cho riêng mình thì ba mới thôi không nói nữa.

Ba tôi cũng là người thích sưu tầm những đồ vật không còn dùng nữa, mọi thứ đã cũ ba đều tiếc không vứt mà đem nó để ở một nơi nào đó trong nhà. Năm nào cũng thế, tôi là đứa về quê sớm nhất và là đứa phải dọn dẹp nhà cửa để đón năm mới. Mỗi lần dọn nhà là bao nhiêu thứ linh tinh của ba cất đều bị tôi đem đi đốt để phi tang, có năm ba cất một đống quần áo cũ mà không khi nào dùng đến, tôi đã đem nó đi đốt sạch, và nhiều ngày sau đó, tôi phải nghe ba phàn nàn về cách sống của mình, những lời phàn nàn vừa nhẹ nhàng vừa thấy thấm, vừa thấy khó chịu đến từng câu chữ của ba. Bài ca muôn thuở mà ba thường hát cho tôi nghe vào những ngày gần tết đó là “đồ cũ để đó không đòi ăn gì đâu? Việc gì phải đem đi đốt sạch”.

Ba tôi là vậy đó, tiết kiệm đến mức không dám tiêu xài gì cho riêng mình, và buộc mọi người trong nhà phải thực hiện chính sách tiết kiệm mà ba đề ra. Ngày đầu tiên về nhà vì thời tiết quá lạnh, cái lạnh của tiết trời gần tết như cắt da cắt thịt người khác, lạnh đến mức tôi phải dùng bình điện nấu nước để tắm, công cuộc đun nước ngày đầu của tôi suông sẻ vì chẳng có ai bận tâm về việc đó, nhưng ngày thứ hai, ngày thứ ba, tôi bắt đầu gặp trở ngại vì sự có mặt của ba mình, ba bắt đầu phàn nàn tôi về việc tiền điện đang tăng vọt, cần phải tiết kiệm để có tiền ăn học. Những ngày tiếp theo đó, tôi biết sẽ không còn dễ dàng để tôi nấu nước bằng bình đun siêu tốc nữa, nên đành xuống bếp nhóm lửa nấu bằng củi. Tôi cũng là người hay đãng trí, mỗi lần tắm vào, hay lấy thứ gì đó trong phòng, tôi đều quên tắt đèn, ba luôn là người theo sau để làm việc đó thay tôi, một hai lần thì chẳng sao, nhưng quá nhiều lần thì mới là có chuyện, ba bắt đầu nói về những tật xấu mà tôi cần phải sửa đổi nếu không muốn nghe ba phàn nàn thêm nữa, và hình như từ bao giờ thói quen quên tắt đèn của tôi biến đi đâu mất.

Ba cũng là người luôn có nhiều lý do để người khác phải làm theo mọi việc mà ba muốn, và đôi lúc tôi biết ba sợ cô đơn, nhà đông anh em nhưng bốn anh em đã lập gia đình, việc tôi đi đâu đó sẽ khiến ba thấy nhà thêm trống vắng, nên mỗi lần tôi lên đồ chuẩn bị theo đám bạn ba đều bảo, trời mưa, đường trơn, đừng vào nhà người ta mà làm phiền họ, tết thì ở nhà xem phim với ba, khi nào trời quang mây tạnh thì đến thăm họ. Vậy là tết đó mưa cứ kéo dài, tôi đành bất đắt dĩ ngồi xem những bộ phim dài tập cùng ba suốt ba ngày tết.

Ba tôi là người không thích phí phạm đồ ăn thừa. Ngày tết ba mua thịt lợn về nhà, một phần ba muối, một phần ba bỏ tủ lạnh, mỗi lần cúng xong là phải ăn cho hết chỗ thịt đó, không bao giờ ba cho phá thịt mới ra ăn. Bánh tét cũng vậy, nhà tôi ở quê nên mỗi lần cúng tổ tiên đều cúng đến ba bốn mâm, mỗi mâm đều có hai ba dĩa bánh tét, bánh tét cắt xong thì cứ để đó ăn dần. Ăn ngán thì đem chiên chứ không được đụng đến bánh mới.

Sở thích của ba là khoe thành tích của con mình, mỗi lần có ai vào thăm hỏi, ba đều đem tôi ra kể với niềm tự hào khó tỏ, ba kể như trước giờ tôi chưa từng mắc một sai lầm lần nào dù chỉ mới đây thôi ba còn phàn nàn tôi về việc làm chưa đúng, những lúc như thế tôi đều chạy vào phòng hay trốn đi đâu đó cho đỡ xấu hổ.

Và ba là người hay mất ngủ, hay thức giấc lúc nửa đêm, hai mươi sáu tết, tôi gặp tai nạn phải may năm mũi trên trán, đêm đó tôi thấy ba thức cả đêm, lâu lâu nhìn vết thương của tôi rồi thở dài, đôi lúc tôi còn thấy ba mình châm điếu thuốc nhìn ra ngoài trời tĩnh mịch với những suy nghĩ mông lung. Nhiều lần như thế, nửa đêm ba đều thức giấc xuống phòng, nơi tôi đang ngủ để kiểm tra xem tôi đã giăng mùng chưa hay mãi mê bấm điện thoại rồi ngủ quên mà để tấm thân phơi ngoài đêm lạnh. Ba luôn lặng lẽ làm mọi việc trong bóng tối, ngay cả việc âu yếu đứa con ba cũng chỉ có thế lặng lẽ làm trong đêm vì sợ tôi biết.

Và ba cũng là người hay lo xa, mỗi năm sau tết ba đều gói ghém hết mọi thứ có được để chia cho năm anh em tôi, ba sợ năm đứa con ba nuôi dạy sẽ đói trên đoạn đường bương chải lo cơm áo gạo tiền phía trước. Lần nào cũng thế, khi từng chiếc xe của năm anh em tôi chuẩn bị lăn bánh trên chặn đường phía trước luôn có gạo, thịt lợn, rau, củ, quả mà ba đã để dành trong những ngày tết, ba buộc cẩn thận sau xe của mỗi đứa. Ba nói ở nhà ba mẹ không có tiền thì có thể ăn rau, nhưng năm anh em tôi xa nhà, không có tiền thì không có ai mà nương tựa. Những gì ba tiết kiệm cũng chỉ vì lo cho năm đứa con đủ ăn đủ mặc, và những gì ba có thế làm được là chắc chiu những gì ba có chỉ mong sau ngày đoàn viên năm đứa con của ba sẽ có bữa cơm đủ đầy nơi tha hương cầu thực. Và hôm nay, tôi sợ lắm cái cảm giác một ngày không có ai phàn nàn mình về những chuyện tôi làm không đúng, sợ lắm cảm giác một năm đã đi qua mà không còn nơi nào để về nữa, sợ lắm bóng cha già chờ con sẽ khuất dần sau những đêm nhìn ra ngoài hiên vắng vì ngóng đợi những cánh chim lạc đàn.

© Nguyễn Việt Lực – blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình: Những ngày cuối năm, bạn đã buông bỏ được nỗi buồn

Nguyễn Việt Lực

Yêu màu tím, thích màu hồng, hay mộng mơ và ghét sự giả dối

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.

Lá thư gửi đến thiên đường

Lá thư gửi đến thiên đường

Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.

Đắng cay

Đắng cay

Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.

Đơn phương yêu một người

Đơn phương yêu một người

Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.

Vì anh còn thương em

Vì anh còn thương em

Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.

Ai là bạn trong cuộc đời?

Ai là bạn trong cuộc đời?

Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.

Ánh nắng chiếu

Ánh nắng chiếu

Anh nhớ em một ngày cuối hạ Cho tình yêu gọi giấc mơ về Anh nhớ em một tình yêu lạ Mà sao lòng anh vẫn còn yêu

back to top