Phát thanh xúc cảm của bạn !

Phía sau ánh mắt mong chờ

2019-08-22 08:18

Tác giả:


blogradio.vn - Có một điều kỳ lạ là mỗi lần có ai đến thăm bảo: “Ông ngoại sắp về thăm bà đấy, bà cố gắng khỏe lên đi”. Ánh mắt bà không còn buồn nữa, không còn thất vọng nữa, bà thản nhiên nói giọng thủ thỉ “Bọn mày đừng trêu bà nữa, về đâu nữa mà về”. Thế mới biết kể cả từ từ quên hết mọi thứ trên đời này nữa thì hình ảnh của ông vẫn sẽ là hình ảnh cuối cùng mà bà bỏ quên.

***

Ngoại tôi là một người con gái hiền lành, chịu khó xuất thân từ một gia đình thuần nông. Ở cái tuổi trăng tròn đẹp nhất của một người con gái, Ngoại tôi được gả vào làm dâu ở một gia đình khá giả. Và cũng kể từ đó, cuộc đời Ngoại bước sang một trang mới, những ngày đầu về làm dâu của một cô bé mới lớn, không tình yêu, không có sự chia sẻ và không có gia đình bạn bè bên cạnh. Đáng lẽ ở cái tuổi đấy như bây giờ được ăn học đàng hoàng, được đi đây đi đó, được sự yêu thương che của gia đình. Nhưng không, kể từ ngày về làm dâu và cũng là dâu trưởng trong nhà, Ngoại tôi phải làm hết mọi việc, từ cày bừa, cấy hái cho đến chăn trâu nuôi gà, đến giờ ăn thì nấu nướng phục vụ gia đình bên chồng. Còn ông ngoại tôi, mang tiếng có vợ nhưng ở tuổi mười ba đã biết gì đâu, vẫn cắp sách tới trường, đến giờ thì ngồi vào bàn để ăn. Cứ ngày này qua tháng khác, Ngoại tôi giống như người ăn kẻ ở trong nhà. Rồi đến lúc ông ngoại tôi mười tám đôi mươi, ông ra Hà Nội đi học đại học quân y còn Ngoại tôi ở nhà quán xuyến tất cả kể cả việc thay chồng chăm lo hiếu thảo với bố mẹ chồng. Ông đi học lâu lâu lại về thăm quê một lần, về cũng chỉ để chơi như một chuyến du lịch rồi lại về trường tiếp tục thực hiện ước mơ học hành. Kể từ lúc sau đấy, bố mẹ chồng mất, anh chị em trong gia đình chồng cũng lập gia đình đi xa hết thì bà lại thêm một nhiệm vụ to lớn là lo hương hỏa cho nhà thờ họ. Rồi những ngày rằm, mùng một lại quét dọn thắp hương cầu mong cho chồng khỏe mạnh sớm thành danh ở nơi đất khách quê người, bà nguyện ở nhà lo hậu phương vững chắc cho chồng thực hiện ước mơ hoài bão của một đấng nam nhi.

Sau những dịp ông tôi nghỉ phép lần lượt những đứa con ra đời. Ngoại tôi vừa mừng vừa lo, chồng thì đi học không phụ giúp được bà nuôi con, một mình bà chật vật với năm đứa con đang trong tuổi ăn tuổi học. Nghe người ta kể lại sau khi bố mẹ chồng mất tài sản cũng chia cho các con gái đem theo khi lập gia đình, còn Ngoại tôi vẫn ở trên mảnh đát hương hỏa đấy. Ngoại tôi nghèo lắm, nghèo nhất cái vùng đấy luôn. Trong căn nhà tranh đắp đất nghèo khổ ấy len lói ngọn lửa củi rơm thơm, có tiềng trẻ con trêu đùa và nụ cười viên mãn của Ngoại tôi.

Cái nghèo cái đói rách, cái khổ đau nó cứ bám theo bà tôi dai dẳng, một mình bà và năm đứa con thơ. Có đứa bố nó còn chưa biết mặt gọi tên. Cái ngày kinh hoàng nhất là ngày người phụ nữ tần tảo gió sương ấy bị phản bội. Trong một đợt mất mùa đói kém, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặt chứ đừng nói đến chuyện có tiền mua cái này cái kia. Và cũng trong những ngày đông lạnh giá đó, Ngoại tôi mất đi đứa con thứ ba vì không có tiền chữa chạy bệnh cho con. Người mẹ ấy như chết đi sống lại, thẫn thờ trước sự ra đi đột ngột của đứa con rứt ruột đẻ ra.

Người mẹ ấy nén lòng, nén sự đau thương ấy để tiếp tục nuôi con khôn lớn. Ngoại tôi mạnh mẽ hơn, cứng rắn hơn sau biến cố đầu tiên của cuộc đời. Cũng vì quá đói quá nghèo nên chỉ có cậu đầu được học hết cấp ba còn lại mấy chị em sau chỉ được học hết lớp bảy, hồi đấy lớp bảy là đã tốt nghiệp cấp hai. Cậu tôi ra Hà Nội làm công nhân trong một nhà máy đỡ đần bà nuôi các em ăn học. Còn bà tôi ở nhà cùng với ba đứa con gái làm đủ nghề để kiếm sống qua ngày, gặt thuê, thu hoạch khoai thuê cho người ta cuối ngày người ta cho ít về luộc ăn chứ làm gì có tiền. Rồi đến lúc quanh làng không có việc gì để làm nữa, Ngoại lại cùng các con đi đến làng khác, xã khác, đi bộ của mấy chục cây số để mót lúa, nhặt những nhành lúa người ta thu hoạch còn sót lại về trộn với ngô hoặc khoai để ăn. Rồi cũng có những đêm bà quên ăn quên ngủ, ngày đứa này sốt, đứa kia đau.

Ngày cậu tôi cắt phép về quê sau nửa năm đi làm, bà tôi mừng lắm, xem trong nhà còn xíu gạo nào đem nấu chờ cậu về ăn cho ấm bụng, ánh mắt bà tràn đầy hi vọng, nhìn con mà rơi nước mắt. Và giây phút đầu tiên gặp gỡ ấy cũng là ngày người phụ nữ kiên cường sụp đổ hoàn toàn. Cậu tôi về mang theo tin sét đánh: Ở ngoài Hà Nội, ông tôi đã có vợ và hai đứa con, cuộc sống sung túc giàu sang, có của ăn của để.

Nghe cậu tôi nói thế, bà tôi tức giận mắng cậu:

“Mày, con mất nết sao mày nói cha mày thế, ông ấy vất vả đi học rồi đi làm cho mày ăn học còn gì”.

Cậu quỳ xuống ôm lấy chân mẹ gào khóc như một đứa trẻ:

“Cha không thương mẹ con mình nữa đâu mẹ ơi, cha có người khác rồi, cha có việc có tiền nhưng có bao giờ cho mẹ được đồng nào đâu, cũng đã hai, ba năm rồi có về thăm mẹ con mình được tí nào đâu. Mẹ quên ông ấy đi, ông ấy không giống hình ảnh người cha mà mẹ xây dựng lâu nay với bọn con..."

Đứa con trai đứng lên ôm lấy mẹ mình khóc nức nở, mẹ tôi nhìn thấy thế cũng khóc theo. Bà tôi mạnh mẽ là thế, cứng rắn là thế nhưng cũng suy sụp hoàn toàn. Với cương vị là một người phụ nữ. Tôi đoán chắc bà cũng đã đoán ra được vài phần sau những lần về thưa dần của chồng cũng như sự thờ ở của chồng đối với các con. Nhưng bà làm sao ngờ được rằng, một mình bà chống chọi vơi sự huy sinh mất mát, khổ đau, tủi nhục sau ngần ấy năm đổi lại một sự phản bội cả chục năm ròng mà bà không hề hay biết. Bà chỉ biết ôm hai đứa con vào lòng, nước mắt tràn qua hai hàng mi mặn đắng, cay xè, không một tiếng nấc, không một câu than thở, không đau vì quá đau.

Lần lượt những đứa con của bà lập gia đình di nơi khác sống. Còn lại mỗi mẹ tôi còn út còn nhỏ tiếp tục ở trong căn nhà tranh ấy. Mẹ kẻ đến mùa mưa trong nhà không còn chỗ này không ướt, hai mẹ còn vẫn ngày ngày đi đồng xa nhặt lúa rơi, hay làm thuê kiếm tiền ăn uống. Các anh chị của mẹ lập gia đình có của ăn của để lâu lâu cũng gói về cho bà cân gạo, củ khoai hay vài ba ngìn đồng dắt túi. Hồi ấy vài ba nghìn cũng là cả một gia tài rồi đấy.

Rồi mẹ tôi lớn lên, cũng xinh đẹp như bà tôi ngày xưa ấy. Cậu tôi bảo mẹ tôi đẹp gái nhất nhà lại được bà thương yêu hết mực. Kể từ ngày mẹ tôi lấy chồng một mình bà lủi thủi mươi năm trong căn nhà ấy. Bà không thích ở nhà con cái chỉ thích ở đây nơi thân quen gắn liền cả cuộc đời và bà còn phải lo trọn vẹn nghĩa vụ của con dâu trưởng nữa. Vẫn có ngọn lửa hồng vẫn người phụ nữ tần tảo ấy nhưng tuyệt nhiên không còn tiếng cười nô đùa của trẻ nhỏ và không còn mong ngóng ngày trở về của người chồng. Ngoại tôi ngày một già yếu chả làm được gì nặng nữa, chỉ trồng dược vài cây rau củ trong vườn đi bán kiếm vài đồng rồi nuôi mấy con gà con vịt lấy trứng. Thi thoảng cuối tuần chị em tôi ra ở chơi ngủ lại với bà, rồi đi hái ối, hái nhãn, nhặt trứng và giúp bà quyét dọn nhà thờ tổ tiên sạch sẽ. Ngày cuối tuần nào cũng là ngày ý nghĩa và vui vẻ trong tuỏi thơ dữ dội của tụi tôi bên bà. Bà thương chúng tôi lắm, lâu lâu có quả mít chín, hay quả ổi ngon mà chúng tôi chưa ra hái kịp, Bà lại lụi hụi hái rồi xách vào tận nhà có hôm còn bảy, tám giờ đêm.

Tôi còn biết bà có một hòm bí mật dấu kỹ dưới tấm chăn màu bạc dưới giường, tôi tò mò nhưng không dám lôi ra xem. sau bao lần đấu tranh tư tưởng tôi quyết định hỏi bà, trái với suy đoán lúc đầu của tôi, nó không có gì là bí mật. Chỉ là một cái hòm nhỏ dựng mấy bộ quần áo lụa của bà. Khác hẳn với những bộ đồ bà mặc hằng ngày chắp chỗ này vá chỗ kia, những bộ để trong này rất mới màu vàng, màu xanh, màu nâu và có cả màu trắng tinh khôi nữa. Chúng rất đẹp, lung linh mà chưa một lần bà khoác lên người. Trong đó còn có một vòng tay bằng bạ , rồi khăn nhung đội đầu, vòng cuốn tóc... Bà bảo đây là những bộ đồ đẹp nhất của cuộc đời bà mà bà không thích mặc chỉ đế ngắm thôi, bà quen với máy bộ quần áo vá do tàn hương rơi trúng hoặc phai màu, rách do thời gian. Vừa dược giải đáp sự tòa mò tôi lại có một thắc mắc khác nhưng tôi không dám hỏi bà, về tôi lân la hỏi mẹ:

“Vì sao bao nhiêu đồ đẹp thế bà chả mặc mẹ nhỉ, chỉ dể thế có phí không chứ, để đó lâu nó cũng lỗi thời đi ấy chứ?”

Giọng mẹ tôi trầm hẳn:

"Con không biết đâu, những bộ đồ ấy bà sẽ không mặc và không bao giờ được mặc đâu”.

Tôi tỏ ra không hiểu lắm, hỏi lại:

“Con không hiểu mẹ đang nói gì?”

“Hồi ấy bà còn trẻ, mỗi năm bà dành dụm một ít mua đồ cho các con nhưng cũng may cho mình một bộ màu sáng sáng một chút, chờ ngày tết ông ngoại về bà sẽ mặc, phụ nữ mà dù cho ở độ tuôi nào cũng muốn đẹ nhất trong mắt người mình thương. Bà con đã may từng ấy bộ nhưng tuyệt nhiên chưa được mặc bộ nào cho đến từ ngày ông con bỏ đi lấy vợ khác tới giờ. Bà luôn giữ chúng, không mặc nhưng cũng không bỏ đi, chỉ để đấy lâu lâu ai hỏi lại đưa ra khoe nhưng là món đồ quý báu vậy đó”, không biết tự bao giờ nước mắt tôi đã chảy lã chã ướt cả áo khi nghe mẹ tôi kể, và mẹ tôi cũng vậy hai hàng mi ngấn lệ nước mắt chực trào ra.

Cuộc đời bà toàn nốt trầm chả có nổi một nốt thăng, sau những biến cố cuộc đời ấy, chỉ thấy bà tôi cười khi nhìn thấy bọn tôi nổ đùa cười nói. Rồi sau này, khi có chính sách của xã xây nhà tình thương cho hộ nghèo, bà tôi có suất và rồi một ngôi nhà nho nhỏ được xây lên từ căn nhà tranh vách đất sát bên nhà thờ tổ họ nội. Căn nhà nhỏ chứa đựng tình yêu thương của mọi người được trao cho bà, từ nay không còn phải sợ hãi những cơn mưa mưa dột không còn lạnh lẽo mỗi mua đông giá rét. Bà ở đấy trong sự yêu quý của hàng xóm láng giềng, sự yêu thương của con cháu. Nhưng khắc khoải đâu đấy vẫn có một sự trống trải cô đơn lúc về già.

Nhưng niềm vui nhỏ nhỏ trong ngôi nhà vững chắc ấy không được bao lâu, bà đổ bệnh. Căn bệnh tai biến ập đến, bà nhập viện trong sự xót xa của đàn con, bác sỹ bảo bà bị liệt nửa người, một bên não cũng bị liệt luôn. Nhìn mấy đứa con nức nở bà nói:

"Sinh lão bệnh tử là lẽ thường mà, ai cũng phải trải qua hết, các con đừng buồn mẹ không sao”. Đến giây phút nằm trên giường bệnh mà bà tôi vẫn kiên cường vẫn hi sinh cho các con đến thế. Ngày bà tôi xuất viện về ở chung nhà với vợ chồng cậu cho tiện  chăm sóc. Thi thoảng mấy đứa con gái của bà đến ngủ nói chuyện với bà cho vui.

Cuối tuần được nghỉ  học bọn tôi ghé qua thăm bà, cầm bàn tay da bọc xương ấy, mái tóc bạc phơ nằm lặng lẽ mà đau lòng. Rồi từng ngày trôi qua, lúc nhớ nhớ quên quên, tôi nhắc mãi bà mới nhớ được tên đứa cháu này đứa cháu kia. Nhưng có một điều kỳ lạ là mỗi lần có ai đến thăm bảo: “Ông ngoại sắp về thăm bà đấy, bà cố gắng khỏe lên đi”. Ánh mắt bà không còn buồn nữa, không còn thất vọng nữa, bà thản nhiên nói giọng thủ thỉ “Bọn mày đừng trêu bà nữa, về đâu nữa mà về”. Thế mới biết kể cả từ từ quên hết mọi thứ trên đời này nữa thì hình ảnh của ông vẫn sẽ là hình ảnh cuối cùng mà bà bỏ quên. Bà ngày một yếu dần, không còn nhớ gì, không còn nhớ ai, ăn ít lại và lâu lâu nói được một vài từ khó khăn. Hai năm sau, bà vĩnh biệt chúng tôi rời xa mãi mãi. Ngày bố tôi đánh con xe máy cà tàng lên trường đón tôi về chịu tang bà, ngồi sau xe bố tôi, tôi khóc lên nức nở.

Ngày đưa Ngoại ra đồng, rất nhiều bà con trong làng đưa tiễn, tiếng khóc tang thương, làn khói cay xè mắt, tiếng trống kèn ai oán đến não lòng. Bà ra đi để lại niềm tiếc thương vô tận cho những đứa con đứa cháu được một tay bà chăm sóc dạy bảo lớn khôn. Thấp thoáng trong dòng người đưa tiễn ấy có một người đàn ông tuổi cũng đã cao, đi một bên quan tài với vẻ mặt lạnh tanh, nghiêm nghị. Cái dáng cao gầy, đầu hói, tóc bạc nhìn tri thức ấy. Bất giác tôi nhìn cậu tôi, một bản sao hoàn hảo của Ông ngoại. Hai cha con giống nhau như một khuôn đúng ra. Tôi chắc chắn đó là Ông ngoại, người mà bà đã chờ suốt bao nhiêu năm. Cảm giác tôi lúc ấy, không biết là nên ghét, nên hận thù, nên  dối diện với người đó như thế nào nữa. Một người ông chưa bao giờ tôi biết mặt và chắc chắn không biết sự tồn tại của tôi trên thế giới này. Trong khi các anh chị em hỏi tôi qua chào hỏi thì tôi lờ đi, tỏ ra là một đứa con gái lỳ lợm bất cần. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy ông ngoài đời chứ không phải qua lời kể của mẹ tôi hay một ai khác. Sau bao nhiêu cay đắng cuộc đời, những năm tháng chống chọi với bệnh tật bà ra đi như một sự giải thoát cho bản thân, kết thúc một kiếp người còn nhiều dang dở. Thoáng phút chốc tôi nghĩ “Nếu ngày ấy bà không bị gả cho ông, nếu ngày ấy bên nhà chồng yêu thương hơn, nếu những đứa con được ăn học đủ đầy, nếu ông có thể cùng bà xây tổ ấm và nếu chúng tôi yêu thương bà nhiều hơn.... Thì có lẽ, bà đã có ít nhất một ngày mãi nguyện mỉm cười với cuộc đời này. Hi vọng rằng ở nơi xa ấy, Ngoại tôi sẽ quên đi hết muộn phiền, đau đớn ở kiếp này để sống một cuộc đời vui vẻ, sung túc, ấm áp và hạnh phúc hơn.

© Tác giả ẩn danh - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình: Thanh xuân ta đã nợ gì nhau?

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Thủ đô yêu dấu

Thủ đô yêu dấu

Ước mơ của tôi là được đến thủ đô Thủ đô dấu yêu bốn ngàn năm văn hiến

Tình yêu của đất

Tình yêu của đất

Hay tôi có thể nói một cách khác đi, tình yêu của đất cũng chính là tình yêu của tất cả những người dân đất nước tôi dành cho quê hương này, dành cho đất nước của chúng tôi.

Phù sa

Phù sa

Một hình ảnh chỉ vừa được nói lên chỉ vừa được nhắc đến đã làm người ta nhớ ngay đến những người nông dân, làm người ta nhớ ngay đến và nghĩ ngay đến hình ảnh những cánh đồng những cây lúa với sức sống dạt dào và mãnh liệt nhất.

Sóng

Sóng

Cô thích sóng cứ như vậy, lúc thật êm êm hiền hòa lúc thật vút cao gào thét. Nhưng cho dù sóng có như nào thì sóng muôn đời vẫn nằm trong lòng biển, êm ái và thân thương, trìu mến ngày đêm vỗ về cùng với biển.

Tập lớn

Tập lớn

Hụt hẫng, buồn bã và lo sợ, tôi chẳng muốn lớn nữa, không muốn xa ba mẹ, xa chỗ ở thân quen gắn với tôi từ lúc lọt lòng, nhưng tôi cũng hiểu đã đến lúc mình bắt đầu hành trình của những chuyến đi xa. Mình phải lớn lên thôi.

Phương pháp SMART: tác động to lớn đến sự phát triển cá nhân

Phương pháp SMART: tác động to lớn đến sự phát triển cá nhân

Khi mục tiêu trở nên cụ thể, chúng ta có cơ hội định rõ hướng đi của mình và không còn bị lạc lõng trong mê cung của những ý tưởng mơ hồ.

Những con sóng

Những con sóng

Nếu ngày nay biển không có sóng Thì biển muôn đời chẳng có màu xanh

Xúng xính là em

Xúng xính là em

Khi tôi lớn lên, tôi biết thế nào là mặc đẹp, tôi biết khao khát được mặc đẹp, được rong chơi đây đó để được khoe vẻ đẹp của những gì tôi đang mặc.

Nơi tôi sinh ra

Nơi tôi sinh ra

Hải Dương nơi tôi sinh ra Nơi đồng lúa chín Vị ngọt phù sa

Cách thành công của người thích an nhàn

Cách thành công của người thích an nhàn

Trong cuốn "1% nỗ lực", tác giả Hiroyuki chia sẻ câu chuyện thành công khác thường của mình, đưa ra một góc nhìn mới về sự nỗ lực và hạnh phúc.

back to top